Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 6, 2013

THOÁT TRUNG LUẬN

Nhìn lại lịch sử cận đại của thế giới và Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam châu Á, địa chính trị, và cơ hội chúng ta thấy gì? Hãy điểm nó lại một cách khách quan để nhìn nước Việt đến vài thế kỷ tới xem sao? Đó là mục đích của bái viết này.

Địa chính trị và lịch sử

Các quốc gia Đông Nam Á khác, như Nam Dương(Indonesia) và Mã Lai Á nhờ địa lý tách ra khỏi bán đảo Đông Dương, nên bị thực dân Âu châu nhảy vào sớm hơn, từ đầu thế kỷ XVI. Cụ thể là Mã Lai Á thì Hà Lan bước chân vào năm 1511. Nam Dương cũng được Bồ Đào Nha đặt chân đầu tiên vào năm 1512. 

Miến Điện, một quốc gia có đường biên giới với Trung Hoa, nhưng gần với Ấn Độ và tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng phải đến đầu thế kỷ XIX mới bị người Anh xâm chiếm ra khỏi sự quan tâm của Trung Hoa.

Ngay cả Ấn Độ có cùng đường biên giới hiểm trở với Trung Hoa, mà Ấn Độ là một nước lớn, nhưng cũng mãi đến khi Trung Hoa suy yếu vào cuối đời nhà Thanh thì các cường quốc châu Âu gồm: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp mới có thể xâu xé Ấn Độ vào cuối thế kỷ XVIII.

Cũng có địa chính trị cùng đường biên giới với Trung Hoa là bán đảo Đông Dương, nên cũng chịu dưới sự quan tâm đặc biệt của Trung Hoa từ ngàn năm trước.

Lịch sử Việt Nam đúng chỉ có khoảng 2.600 trăm năm, trong đó hơn ngàn năm bị đô hộ giặc Trung Hoa. Trong những khoảng trống không bị đô hộ đó, Việt Nam chưa bao giờ độc lập với Trung Hoa, mà phải quan hệ kiểu thiên triều và chư hầu, theo dạng triều cống và lãnh ấn chỉ chủ dụ từ Trung Hoa. 

Chỉ có một giai đoạn duy nhất từ giữa thế kỷ thứ XIX, khi cuối triều nhà Thanh suy yếu, Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy bỡi các cường quốc châu Âu: Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Quốc và kể cả Nhật Bản, lúc ấy Việt Nam mới bị sự dòm ngó của Pháp và xâm lược Đông Dương.

Khi Trung Hoa có nền Cộng Hòa xuất hiện do Tôn Trung Sơn lãnh đạo vào năm 1912, cũng là lúc suy thoái kinh tế toàn cầu 1929 - 1933 ập đến. Ba thập kỷ người Trung Hoa có nhiều nội loạn, vả lại chịu dưới sự xâm lược của người Nhật. Nên Trung Hoa không đủ sức dòm ngó đến Đông Dương và Miến Điện.

Sau chiến tranh thế giới II, người Pháp thất trận, Trung Hoa thành lập 1949, cũng là lúc họ bắt đầu quan tâm đến Đông Dương. Dù họ còn rất yếu do nhiều lý do khách quan và chủ quan của cách cai trị của Mao, nhưng Trung Hoa đủ mạnh để tranh đoạt bá vương và cùng với Hoa Kỳ để đi đến Thông Cáo Thượng Hải 1972 ăn chia Đông Dương và khu vực, cũng như toàn cầu.

Sau 30/4/1975, có một giai đoạn ngắn đến 1990, Việt Nam không bang giao với Trung Hoa nhờ vào sức mạnh của Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì Hội Nghị Thành Đô lại làm cho Việt Nam trở lại thời kỳ bằng mặt, nhưng không bằng lòng với Trung Hoa. Hiện nay thì ai cũng thấy rõ ràng chính sách ngoại giao đa phương - dĩ bất biến ứng vạn biến của Tôn Tử - đang là cách mà nước Việt đang đương đầu với Trung Hoa.

Cơ hội

Qua những điều đã điểm ra ở trên, cho ta thấy các nước nhỏ quanh Trung Hoa có cùng biên giới rộng lớn với họ đều được họ xem là vùng đệm và chư hầu trong quan hệ ngoại giao.

Điều đáng lo lắng nhất với các quốc gia cùng biên giới với Trung Hoa là, không bao giờ Trung Hoa muốn các quốc gia này hùng mạnh để dễ bề thao túng và cai trị. Hãy điểm lại mà xem, Việt, Miên, Lào, Bắc Hàn, Mông Cổ, Bắc Hàn, Hồi Quốc Pakistan. 

Và kể cả Miến Điện, một quốc gia hùng cường vào 2 thập niên 1960s và 1970s nhưng cũng bị Trung Hoa chi phối làm cho kiệt quệ, và chỉ mới đổi mới xoay chuyển chính trị bằng cách chuyển dời, xây dựng thủ đô mới để tránh những bí mật quốc gia bị tiết lộ với Trung Hoa mới từ chối được cái dự án 2,5 tỷ đô la làm đường ống dẫn dầu từ Yangon đến Vân Nam, và thay đổi thể chế chính trị triệt để tách khỏi Trung Hoa như hôm nay. Một sự thay đổi Miến Điện mà thế giới kinh ngạc, nhưng là bài học Thoát Trung Luận cho Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Báo cáo kinh tế thế giới của Ngân Hàng Thế Giới vào ngày 13/6/2013 cho thấy nợ tư trong nước của Trung Hoa cao nhất thế giới, lên đến 160% GDP. Việt Nam cũng không khá hơn với 110% GDP của nợ tư trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đang dự đoán một Trung Hoa hạ cánh nặng nề, và một tia hy vọng sáng sủa cho các quốc gia quanh khu vực có thể làm cuộc Thoát Trung Luận với Trung Hoa mà, lâu nay theo kiểu ngoại giao họ luôn tự cho mình là thiên triều.

Sự suy yếu của Trung Hoa trong những năm tới là có thực, không mơ hồ, do nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa gây ra không chỉ ở Trung Hoa mà ngay cả ở Việt Nam sau khi sao chép 23 năm qua. Dù khó khăn, nhưng đó là cơ hội cho Việt Nam rất lớn để làm cuộc Thoát Trung Luận.

Bài học và phương án Thoát Trung Luận

Từ thế kỷ XIX ở Nhật Bản, có ông thầy giáo Fukuzawa Yukichi đã viết và đưa ra chiến lược Thoát Á Luận. Các vị minh quân của nước Nhật đã đi theo và họ đã thành công như hôm nay, một phần nhờ địa chính trị. Nhưng có một quốc gia khác có địa chính trị giống Việt Nam - Miến Điện - họ đã và đang làm cuộc Thoát Trung Luận đến nay rất tốt.

Có thông tin cho rằng sở dĩ Miến Điện thoát được Trung Hoa là nhờ họ dời trung tâm hành chính quốc gia từ thủ đô cũ là thành phố Yangon đến Naypyidaw là do những trung tâm hành chính quốc gia Miến Điện dưới thời Thein Shwe là do Trung Hoa viện trợ và xây cất. Họ phải dời đô vào nơi an toàn, để bảo mật quốc gia, sau đó mới tính chuyện chuyển đổi thể chế chính trị, thì mới an toàn cho đất nước họ và Thoát Trung Luận mới thành công. 

Liệu rằng, những cơ sở hành chính quốc gia Việt được Trung Hoa giúp xây dựng thời chiến tranh có đảm bảo bí mật quốc gia?

Năm 2010, ở Việt Nam rộ lên việc di dời trung tâm hành chính quốc gia ra khỏi Ba Đình, nhưng một số thành phần ưu tú và trí thức Việt Nam lại cho là sai lầm. Rồi mọi chuyện rơi vào quên lãng.

Hôm nay, tình hình nước Việt như ngàn cân treo sợi tóc - kinh tế xem như đang trên đà sụp đổ hoàn toàn, chính trị rối ren vì nạn bè phái tranh ngôi đoạt vị - mà chuyện quốc sự quan trọng nhất là làm sao Thoát Trung Luận, thì đất nước mới mong thái bình, dân tộc mới mong thịnh vượng và độc lập tự chủ.

Trong lúc kinh tế khó khăn, chuyện xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới là điều nên làm, để vực nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội. Một công đôi việc vừa vực nền kinh tế quốc gia, vừa giúp cho tiến trình Thoát Trung Luận đẹp cả đôi bề.

Lý thuyết nhị nguyên luận trong triết học đã được người Mỹ áp dụng trong việc tạo ra hình thái chính trị xã hội cho một hời kỳ mới mà họ gọi là trật tự mới cho những thời đại tiếp theo rất thành công. Âm dương, nước lửa, trời đất, phá và xây, v.v... Cộng hòa và Dân chủ là 2 trường phái để xây dựng Hoa Kỳ ngày nay theo Nhị Nguyên Luận rất triết học và rất thành công. 

Người dân Việt hiếu hòa, không ai muốn và cũng chưa có lực lượng nào đủ sức để giành quyền lãnh đạo với đảng cầm quyền hiện nay. Đừng nên xem dân mình là thù địch vì quyền lợi cá nhân. Đã đến lúc cần phải tách đôi đảng cộng sản ra làm 2 đảng và cần một hành động cụ thể như Miến Điện để làm cuộc Thoát Trung Luận hoàn hảo, khi cơ hội bắt đầu hé mở ở chân trời - đó là một Trung Hoa đang và sẽ suy yếu. Thiên thời, nhân hòa lòng dân muốn và chỉ còn việc tạo ra địa lợi để biết chớp lấy thời cơ. Nếu không, 300 năm hay 1.000 năm nữa quan hệ Trung - Việt vẫn theo kiểu mà ngàn năm trước không thay đổi.
 
Nguồn : BS HỒ HẢI

’Có lợi ích nhóm’ trong phá rừng làm thủy điện

(Trái hay phải) - “Phải có lợi ích nhóm, vì xin chuyển mục đích rừng chủ yếu là cá nhân, còn doanh nghiệp nhà nước có mấy đâu”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nói về việc lợi dụng các dự án thủy điện, trồng cây công nghiệp để chặt phá rừng, tận thu gỗ.

Bàn thêm về phá rừng làm thủy điện, trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê…) để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2006-2012, cả nước đã chuyển diện tích gần 20.000 ha rừng sang làm thủy điện.

Còn tại Tây Nguyên, trong 8 năm (2005-2012), khu vự này mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm mất 25.700 ha rừng. Trong đó, chuyển đổi sang trồng cao su (46,7%); xây dựng thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp (31,3%); khai thác, chặt phá, lấn chiếm trái phép (6%)... Khoảng 80% diện tích quy hoạch trồng cây cao su là trên đất có rừng tự nhiên mà không chú trọng khai thác quỹ đất trống, đồi trọc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.

PV - Nghe các số liệu trên ông nghĩ gì về việc chuyển đổi rừng tự nhiên vì mục đích kinh tế?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi nên cân nhắc thật thận trọng, vì dù có trồng rừng cao su thì rừng tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn, cao su có thể phục vụ cho mục đích kinh tế, nhưng rừng thì có vị trí đặc biệt trong giữ nước. Như ở Lâm Đồng trồng có nhiều cao su chưa chắc đã hiệu quả, ngày xưa Pháp họ không trồng cao su ở đây chắc phải có lý do của họ, giờ mình mới trồng tôi cho rằng hiệu quả kinh tế từ cao su không cao.
Giữ rừng sẽ tốt hơn, vì nó giữ cảnh quan, môi trường, rồi còn hệ thực vật nữa, đâu cứ nói rằng trồng rừng là trồng cao su thay rừng.

Thứ hai, với mục đích thủy điện, giờ cần có sự cân nhắc, vì nó chiếm quá nhiều diện tích đất, trong đó có đất sản xuất và sinh sống của người dân, gây những bất cập, khó khăn trong tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Đáng lẽ làm thủy điện phải trồng lại rừng, nhưng hầu hết không làm, với nhiều lý do như không có đất để trồng, nhưng không ít Giám đốc Sở Nông nghiệp nói thẳng là sẵn sàng tạo điều kiện, cái chính là họ (chủ đầu tư – PV) có trách nhiệm, có nhiệt tình hay không,

PV - Các nhà môi trường nói rằng doanh nghiệp đang lợi dụng việc đầu tư thủy điện, trồng cây công nghiệp để được khai thác gỗ, tận thu rừng, và đây mới là nguồn lợi chính các chủ đầu tư hướng tới, ông nghĩ gì về điều này?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Tôi cho rằng cái đó cũng có phần đúng, vì thực ra nói rừng nghèo kiệt mới chuyển đổi để trồng cây khác thì phải nói thẳng là chỗ đất mà rừng tự nhiên còn không mọc được thì còn trồng được cây gì nữa, chỉ có rừng tốt mới trồng được. Người ta cứ nói là rừng nghèo kiệt, nhưng thực chất là rừng tốt.
Còn gỗ rừng thì mình chưa có số liệu, nhưng chắc chắn họ cũng lợi dụng các dự án để khai thác gỗ, vì có rất nhiều dự án chỉ nhắm vào cái thu gỗ để lấy bán. Vì đất tốt là rừng tốt, nên cũng có sự lợi dụng trong đó.

PV - Phải chăng vì chăm chăm vào rừng mà dẫn tới công trình thủy điện không đảm bảo, hậu quả là một số vụ vỡ đập thời gian gần đây?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Không nhất thiết là như thế, vì người ta một là cũng nhắm vào việc khai thác gỗ, nhưng cũng phải lo khai thác giá trị dự án, chứ không phải chỉ lo chặt cây mà quên chất lượng công trình để vỡ đập.
Còn vỡ đập thì có nhiều nguyên nhân, vì chủ đầu tư cũng phải thuê người làm, thuê các đơn vị thi công làm, có thể những người này chưa đủ tầm, chưa đủ tâm nên chất lượng không đảm bảo.

Còn tất nhiên, giá trị rừng ở những nơi đó cũng lớn, vì chủ yếu rừng nguyên sinh, rừng già, rừng tốt. Khai thác trồng cây công nghiệp cũng vậy thôi, phải là đất tốt mới trồng được.

PV - Tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nói quyền quyết định xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là của Quốc hội, tới lúc đó liệu ông có biểu quyết cho làm 2 dự án này?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Với cá nhân tôi thì tôi không đồng tình.
Quan trọng nhất là báo cáo tác động môi trường, nếu báo cáo là ảnh hưởng, thì chắc chắn Quốc hội sẽ không đồng ý. Tất cả các bộ đều đổ sang cho Bộ TN&MT, còn lại không ai dám trả lời thẳng có đồng ý hay không.

Còn Hội sông ngòi VN có báo cáo là ảnh hưởng, tôi cho rằng báo cáo này là chính xác. Còn báo cáo của Bộ TN&MT chưa có, nhưng chắc đưa ra Quốc hội cũng khó được đồng ý.

PV - Nhiều người nghi ngại chủ đầu tư muốn làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giữa rừng Cát Tiên là để tận thu gỗ rừng già, ông nghĩ sao về điều này?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cũng có thể. Họ quyết tâm làm phần vì đã bỏ ra rất nhiều tiền để chuẩn bị đầu tư cho hai dự án này, lớn chứ không phải ít.
PV - Theo ông, có hay không lợi ích nhóm trong việc làm các dự án kinh tế, thủy điện để chặt phá rừng?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Phải có lợi ích nhóm, vì xin chuyển mục đích rừng chủ yếu là cá nhân, còn doanh nghiệp nhà nước có mấy đâu.
PV - Là đại biểu Quốc hội, có trách nhiệm với đất nước, ông sẽ làm gì để đóng góp bảo vệ rừng?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cần thật kiên quyết bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không được đụng tới, còn rừng sản xuất phải cân nhắc thật kỹ.
Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải cân nhắc chứ không phải đổi bằng mọi giá, loại bỏ tư tưởng chỉ tính hiệu qủa kinh tế mà không tính bảo vệ môi trường, cho nên cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa.

PV – Xin cảm ơn ông! 

Kịch bản Facebook VN bị đóng cửa như thế nào?

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những hy sinh thầm lặng lẫn vang dội của người bộ đội hay các bà mẹ, gia đình của họ tại hậu phương, nhất là miền Nam đã góp phần rất lớn vào chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975. Hài cốt những anh hùng liệt sĩ ấy nằm trên tất cả mọi chiến trường trong Nam ngoài Bắc. Một số lớn vĩnh viễn không tìm thấy, số ít còn lại được an táng tại nghĩa trang hoành tráng của các tỉnh thành.

Nhà nước có công tâm?

Đâu đâu cũng thấy liệt sĩ, đâu đâu cũng thấy các bà mẹ của những người đã hy sinh ấy. Có bà trở thành bà mẹ anh hùng vì có hai hoặc nhiều hơn các người của mình đã hy sinh vì cuộc chiến. Những bà mẹ anh hùng hôm nay đa số sống đạm bạc trong những ngôi nhà tình thương do nhà nước cấp. Một số ít khác sống nhờ vào con cháu nay đang có những chức vụ trong bộ máy nhà nước hay ăn nên làm ra vì kinh doanh các thứ, trong đó có bất động sản, một khu vực chóng giàu nhất trong xã hội từ hơn một thập niên qua. Các bà mẹ liệt sĩ anh hùng hiếm hoi này có lẽ hạnh phúc nhất, được cả tiếng lẫn miếng và các bà trân trọng mọi tuyên dương của nhà nước, từ tổ dân phố tới phường tới huyện.
Tuy nhiên không phải bà mẹ Việt Nam Anh hùng nào cũng sung sướng và hạnh phúc như thế.
Báo chí đã từng đưa tin nhiều vụ cưỡng chế đất của những bà mẹ anh hùng này khi căn nhà của họ nằm chỏng chơ trên những mảnh đất heo hút khi xưa nay lại trở thành tầm nhắm của các doanh nhiệp. Nhà của những bà mẹ anh hùng này là vật cản đối với nhà nước địa phương và vì thế nó bị san phẳng như tất cả nhà của các người dân khác.
Hành động này được nhìn dưới hai lăng kính: thứ nhất không có ngoại lệ hay vùng cấm nào trong các vụ cưỡng chế. Thứ hai nhà nước địa phương bất cần tấm bằng mỏng manh treo trên vách của các bà mẹ anh hùng, cái mà họ cần là hoa hồng sau mỗi lần giao đất thành công cho các tập đoàn, doanh nghiệp.
Cái thứ nhất không ai tin, vì sự công tâm mà nhà nước tưởng mình đang có đã phá sản từ lâu trong hồ sơ nhà đất. Khắp nước người dân than oán kêu ca và thậm chí oán hờn vì chính sách phi nhân trong tịch thu, đền bồi giải tỏa không thỏa đáng. Những chính sách ấy dù có công bằng trong giải tỏa đối với mọi người cũng trở thành vô nghĩa khi chính bản thân nó đã đi ngược lại với nguyện vọng chính đáng của người dân. "Sống cái nhà thác cái mồ" là hạnh phúc không gì có thể đánh đổi cho bất cứ ai, ngoại trừ những cộng đồng du mục.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng thế.
Cái khác ở đây là khi người ta bốc các mẹ lên quá cao, đến khi rớt xuống thì mẹ đau hơn những người khác.
Giá như nhà nước chỉ trao cho mẹ danh hiệu gia đình tử sĩ, hay gia đình chiến sĩ trận vong thì có lẽ các bà mẹ bất hạnh này sẽ không thấy tủi thân. Gia đình tử sĩ thì cả nước có hàng triệu người, dù có nhiều đứa con hy sinh thì cũng là bà mẹ liệt sĩ bất hạnh hơn những bà mẹ khác. Bà đâu muốn con mình nhiều đứa chết như thế, có chăng sự hy sinh của nhiều người con trong một gia đình như vậy là nỗi đau không thể bù đắp kể cả những danh hiệu vang lừng nhưng không mấy thực tâm.

Doanh nghiệp anh hùng hơn?

Cả nước có hàng ngàn bà mẹ anh hùng. Cả nước cũng có hàng trăm bà bị đuổi ra đường để lấy đất giao lại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay quan trọng và anh hùng hơn các bà khi họ được tiếng là làm cho đất nước giàu mạnh hơn. Phía sau sự giàu mạnh hơn ấy là đồng tiền hoa hồng không hề nhỏ. Phía sau cụm từ Bà mẹ Việt Nam anh hùng là nghèo nàn, thiếu ăn cần được nhà nước hỗ trợ và nhất là không thể kiếm chác gì trên cái "cơ sở" này đối với những ông kẹ địa phương.
Biết vậy nhưng không thể cầm lòng được khi xem cái clip cưỡng chế có hình ảnh một bà mẹ Việt Nam Anh hùng cương quyết chống lại chính quyền và cũng thế, chính quyền cương quyết cưỡng chế.
Clip xảy ra tại phường Cẩm Bình, cho thấy bà mẹ trơ trọi ngồi trước nhà với một cây gậy nhỏ trên tay. Bà run rẩy quơ gậy một cách tuyệt vọng xua đuổi dân phòng, lực lượng cơ động. Bà bị khiêng lên để qua một bên cho chính quyền làm việc. Phía sau là tiếng gào thét của con cái bà cùng những tranh cãi của người dân đối với người thi hành công vụ. Cuối cùng thì bà thua, rưng rưng nước mắt nhìn căn nhà vào tay người khác.
Người xem clip này sẽ tự hỏi: Không biết các ông lớn trong Bộ chính trị có thấy những cảnh này hay không? và khi thấy thì họ sẽ nghĩ gì, làm gì?
Nhiều người tin là các ông ấy thấy.
Mỗi sáng thứ Hai, các Ủy viên khi họp giao ban tại Bộ chính trị thì việc đầu tiên là đọc báo cáo tin tức xảy ra khắp nơi từ TTXVN gửi về để nắm tình hình. Các ông ấy không thể không biết những Văn Giang, Dương Nội, Vụ Bản, và mới nhất là Trịnh Nguyễn Bắc Ninh. Nghe đâu các ông ấy còn được đọc những bài trích ra từ facebook hay các trang blog lể trái nữa để nắm tin tức nhiều hơn.
Nắm nhiều nhưng không làm gì cả là đặc tính không thể dời đổi của Ban bí thư trung ương, Bộ chính trị và nhiều cơ quan quan trọng khác.
Đặc tính ấy lan sang cả Quốc Hội làm sơ cứng miệng lưỡi của gần 500 ông bà đại biểu khiến họ bỏ phiếu chấp thuận không thay đổi nguyên tắc "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý."

Kịch bản mới và hợp lý nhất:
Bốn ông đầu não ngồi học cách sử dụng facebook, khi thấy cái clip Bà mẹ Việt Nam anh hùng bị cướp đất, người hướng dẫn bảo: Clip này phản động lắm, chỉ là rác rưởi các đồng chí không nên xem, hãy unfriend nó đi.
Ông QH bảo: Sao thế? phải xem cho biết rõ dân tình để còn hướng dẫn đại biểu đi đúng hướng chứ.
Ông TT bảo: Thôi đi, cán bộ gì khi đi cưỡng chế lại để cho dân chửi bới quá sức như vậy? Không còn lực lượng nào nữa hay sao? Công an đâu?
Ông CT bảo: Tôi vừa về, bên kia họ bảo facebook của chúng ta quá nhiều vấn đề nhất là việc chống Trung Quốc. Cứ xem để biết mà đối phó với bọn nó.
Ông BT thở dài: Tôi thật sự lo cho sự sống còn của Đảng. Chúng ta đã lấy của dân quá nhiều làm sao xây dựng được Chủ nghĩa Xã Hội đây?
Anh hướng dẫn bảo: Vâng, như vậy thì đóng cửa toàn bộ facebook các bác nhá.
Vậy đó, các bạn có tin là cả bốn ông sẽ nghe theo anh cán bộ hướng dẫn kỹ thuật IT quèn để đóng cửa facebook vì cái clip này hay không?

Nguồn CANHCO BLOG

28 thg 6, 2013

Dự thảo Hiến pháp: sự gian lận có hệ thống?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
 
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp được Ủy Ban soạn thảo trình lên Quốc hội đang tiếp tục bị dư luận chống đối, nhất là những nhóm trí thức cũng như đại diện tôn giáo từng góp ý của họ trong đợt sửa đổi hiến pháp lần này nhưng không được Ủy Ban để mắt tới dù chỉ một điều khoản mà họ bỏ tâm huyết ra để soạn thảo và góp ý.

Không chấp nhận ý kiến sửa đổi

Ngày 3 tháng Sáu vừa qua nhóm Kiến nghị 72 đã gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số Đại biểu Quốc hội bản phản đối Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội khoá XIII trong kỳ họp thứ 5 với lý do là Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình lên hoàn toàn không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân vì đã cố tình che dấu sự thật. Tuyên truyền vận động người dân một cách áp đặt. Không chấp nhận những ý kiến sửa đổi của một bộ phận trí thức và đại diện các tôn giáo lớn nhằm mục tiêu giữ lại những điều khoản lạc hậu, phản động trong điều 4 của Hiến Pháp dành cho chế độ độc đảng và bất cần quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Viện trưởng Viện IDS người ký tên trong bản phản đối cho biết lý do bà tham gia vào bản phản đối này:
“Tôi muốn nói tôi cũng như những người cùng ký vào đó bởi vì chúng tôi thấy bản dự thảo được Ủy ban soạn thảo Hiến Pháp đưa ra trình Quốc hội nó không thực sự tiếp thu rất nhiều ý kiến đã đóng góp của các tầng lớp khác nhau trong xã hội, trong đó có kiến nghị của nhóm 72 mà hàng ngàn người đã hưởng ứng.
Những nơi khác nữa cũng có nhiều người lên tiếng thí dụ như Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng tôi thấy những ý kiến có phần khác với bản dự thảo đều không đựơc tôn trọng, không đựơc đưa vào để thảo luận và vì vậy chúng tôi đưa ra bản kiến nghị đó để nêu thêm yêu cầu là phải công khai những ý kiến khác nhau.”
Bản phản đối gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi rõ: “Việc hiến định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và nhà nước là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần phản dân chủ; tự nó đã khiến cho những điều ghi trong Dự thảo Hiến pháp về quyền lực của nhân dân và của các tổ chức do dân bầu cũng như các quyền cơ bản của con người và của công dân chỉ là cái vỏ, không có thực chất, như đã thể hiện rõ trong thực tế nước ta nhiều năm qua.”
Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh người ký tên trong bản phản đối cho biết quan điểm của ông về tuyên bố này:
“Như anh đã biết cái Hiến pháp đợt sau này nó còn tệ hơn đợt trước. Ví dụ như Điều Bốn không có gì thay đổi hết. Luật đất đai thì lần trước còn xem xét nhưng lần này vẫn giữ nguyên quan điểm là thuộc sở hữu toàn dân. Về tự do dân chủ như biểu tình, hội họp thậm chí có những điều còn cứng rắn hơn trước.”
Quốc hội nhận đựơc thông tin của Ủy Ban soạn thảo dự thảo Hiến pháp báo cáo đợt lấy ý kiến toàn dân này là đã đựơc tập hợp khách quan, trung thực của hơn 26 triệu người dân và 28 ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm trên toàn quốc.
Tuy nhiên Ủy ban đã tránh không nói rằng 28 ngàn cuộc gặp gỡ ấy do ai tổ chức và người tham dự phải chăng là đảng viên hay chí ít là cán bộ nhà nước các cấp. Báo cáo của Ủy ban soạn thảo cũng tránh không giải thích cách mà hơn 26 triệu người dân ký tên đồng ý đã dựa trên cơ sở nào. Người dân có được ghi “không đồng ý” trên những phiếu ấy hay không và nếu họ ghi “không đồng ý” thì phường, khóm, thậm chí tổ dân phố có chấp nhận như một phiếu hợp lệ trong 26 triệu ấy hay sẽ bị vất đi.
Những câu hỏi một chiều trên các phiếu gọi là lấy ý kiến ấy đã được minh định sẵn và người dân chỉ cần ký tên vào thật khó được xem là một hình thức sinh hoạt dân chủ mà Ủy Ban báo cáo với Quốc hội. Ông Huỳnh Kim Báu chia sẻ những gì ông chứng kiến tại thành phố Hồ Chí Minh nơi ông cư trú và theo ông sự cố tình tìm kiếm số đông này là cách làm không lương thiện của chính quyền khi mang danh nghĩa chấp hành phúc khảo của nhân dân trước dự thảo sửa đổi hiến pháp:
“Cái nguy hiểm của đợt này họ nhân danh phúc khảo nhân dân. Quả thật họ phúc khảo cũng không trật bởi vì họ phúc khảo bằng bộ máy của họ. Họ đưa bản đó cho dân góp ý do chính hệ thống chính trị của họ đưa. Cụ thể như Sài Gòn, mọi người, mọi gia đình đều được đưa cái bản ấy mà lại do chính quyền đưa để hợp thức hóa cho những điều bảo thủ của Hiến pháp 92.”

26 triệu ý kiến từ một nhóm?

Con số hơn 26 triệu góp ý ấy thật ra chỉ là một nhóm, một tổ chức và nhất là của một đảng mà thôi. Nó không phải là con số đông áp đảo mà nhà nước tìm kiếm. Đại biểu quốc hội không lạ gì cách tổ chức lấy phiếu như vậy và đơn phản đối của nhóm kiến nghị 72 chỉ là lời nhắc nhở mạnh mẽ. Tuy nhiên do dư luận chú ý, nó có thể trở thành vật công phá các rào cản để các đại biểu không chấp nhận báo cáo này của ủy Ban soạn thảo dự thảo Hiến pháp.
“Cái lớn nhất của mấy ông này là nhân danh số đông. Ý đồ của họ là vẫn tiếp tục kéo dài bất chấp những đời hỏi chính đáng của nhân dân. Họ cố kéo dài cái chuyên chính, độc đảng này ngày nào hay ngày nấy. Thực chất chẳng phải bảo vệ chủ nghĩa gì hết. Thực tế họ muốn bảo vệ quyền lực của họ. Nhưng đối với chúng tôi thì cho rằng cái sự điên cuồng bảo vệ của họ thì có cái may vì nó sẽ làm nội thân của đảng phân hóa. Một bộ phận sẽ thấy chịu không được sẽ phân hóa. Phân hóa lực lượng trong đảng kết hợp với bên ngoài thì có thể nó sẽ làm cho dân chủ tiến bộ sớm hình thành và phát triển.
Nếu như họ cải luơng, thay đổi một số điều thì cái đó có thể làm cho một số người mờ mờ ảo ảo không thấy được. Nhưng nếu họ làm như hiện nay thì những người tiến bộ đều thất vọng, ngay cả trong nội bộ của đảng. Lực lượng của chúng tôi ở đây rất nhiều anh em đảng viên cũ rất tích cực tham gia. Trước đây họ còn mờ mờ ảo ảo nhưng bây giờ thì thái độ rất rõ ràng, họ nói rằng không thể độc đảng nữa. Không thể không có dân chủ. Muốn cứu đảng thì phải dân chủ còn không có dân chủ thì đảng tự sát.”
Bản phản đối có đoạn ghi: Chúng tôi đề nghị Quốc hội làm mọi việc cần thiết tạo ra sự đồng thuận lớn nhất trong nhân dân theo tinh thần dân chủ về những vấn đề trọng đại cần phải đạt được trong Hiến pháp sửa đổi lần này và sớm quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của Hiến pháp để có thời gian chuẩn bị và làm tốt công việc quan trọng và mới mẻ này.
Nhóm Kiến nghị 72 trí thức cũng viết: Chúng tôi mong đợi mọi người có lương tri trong hệ thống chính trị hiện nay nhận rõ sự thật, đứng về phía nhân dân, ủng hộ nhân dân trong sự nghiệp vinh quang và khó khăn này.
Lời phát biểu thống thiết của nhóm trí thức 72 có lẽ do họ linh cảm rằng đất nước sẽ khó thoát vòng vây khổn của thế lực đang nắm quyền. Tuy thống thiết, thế nhưng sự rắn rỏi, quyết tâm vẫn là dấu ấn để người dân thấy rằng đang có một nguồn sinh lực thúc đẩy tiến trình tranh đấu dài hơi và khó khăn trước mặt, nhất là tranh đấu với cái gian dối của cả một hệ thống đối với người dân cả nước trong lần sửa đổi hiến pháp kỳ này.


Nguồn : TAI ĐAY

21 thg 6, 2013

NHÂN NGÀY 21 THÁNG 6

NHÀ BÁO “THAM NHŨNG” NHƯ THẾ NÀO ?

Người ta gọi “báo chí là quyền lực thứ tư” trong xã hội sau lập pháp,tư pháp và hành pháp. Vì là quyền lực nên bao giờ cũng có sự lạm quyền. Lâu nay ta chỉ nói đến lãnh đạo có chức có quyền tham những. Vậy nhà báo có tham những không ? Có ! Một số nhà báo và cơ quan báo chí đang tham nhũng rất tinh vi. Báo mà đăng bài để “ chạy án” cho Năm Cam cách đây mấy năm là báo hại đích thị rồi. Mới đây, Hà Phan (Phan Hà Bình) phó tổng thư ký tòa soạn của một tờ báo lớn bị bắt khi nhận hối lộ 220 triệu đồng (11.000 đô la) để không viết bài tố các thương gia. Đó là những chuyện tham nhũng, hối lộ cụ thể. Từ nhiều năm qua báo chí ta cũng có không “mẹo làm tiền” các doanh nghiệp không kém những vụ việc trên. Không ít tờ báo đang trở thành báo hại. Hại đến mức hễ nghe nhà báo tới là giám đốc “sợ” tái mặt , phải tìm cách “chạy trốn”, nhưng lại ít người nói tới.

Tòa soạn báo thành…cơ quan đánh quả ! 

Từ ngày đổi mới đến nay, báo chí đã thực sự trở thành “món ăn” không thể thiếu đối với người dân hàng ngày. Báo chí đang tham gia tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, mở của , chống tiêu cực, tham nhũng . Nhiều tờ báo do hấp dẫn người đọc, ti-ra phát hành lớn, nên người ta sống chủ yếu bằng lợi nhuận báo. Những tờ báo đó, hàng các doanh nghiệp hàng ngày tìm đến xin đăng quảng cáo rất đông. Nhưng cũng có rất nhiều tờ báo phát chỉ phát hành được vài ngàn bản một kỳ . Tiền bán báo không đủ bù tiền in, tiền nhuận bút , nên cả tòa soạn sống chủ yếu bằng “ nghề chạy quảng cáo” ở các DNNN, thậm chí “ chạy” quảng cáo tận các trường tiểu học, trạm xá, bệnh viên..thậm chí Trại phục hồi nhân phẩm cũng phải “mần” quảng cáo ! Nhiều tờ báo ở Hà Nội, vào Đà Nẵng lập ra một “ Đại diện Miền Trung “ hẳn hoi , nhưng tòa soạn không trả lương, mà anh em phải đi chạy quảng cáo để nuôi nhau ! Cứ đến kỳ Tết Nguyên Đán, ngày 30-4, ngày nhà báo Việt Nam 21-6, ngày Quốc Khánh 2-9.v.v..cả tòa soạn không viết báo mà đổ xô đi …làm quảng cáo! Làm quảng cáo mà có thư của thứ trưởng, vụt trưởng mang theo. Có báo một cái Tết “đọc lệnh” được vài ba tỷ đồng tiền qủang cáo! Giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải tiếp mỗi ngày hàng mấy chục “nhà báo quảng cáo” như vậy nên phát sợ. Nhiều nhà báo nhơè đi “đọc lệnh” quảng cáo mà có tiền xây nhà lầu, mua xe hơi xịn. Chứ nếu sống bằng nhuận bút thì không bao giờ có những thứ như vậy. Một nhà báo viết nhiều, in nhiều như bác Nguyễn Xuyến ở cạnh nhà tôi, mỗi tháng măng-đa nhuận bút về 7, 8 triệu đồng , cũng không đủ tiền mua xe hơi xin như vậy Các nhà báo hãy sờ tay lên gáy mình mà ngẫm nghĩ để sống cho ra con người .

Dù DN không có nhu cầu quảng cáo, nhưng phải bấm bụng mà làm, vì không làm “ lỡ có sai sót gì” trong kinh doanh, “nhà báo nói thêm” một thành mười thi nguy to! Một cái quảng cáo nửa trang ( 27x 40cm) 20 triệu bạc, in bia bốn thì 50 triệu . Một cái Tết “ chiều” cho hết hàng mấy chục tờ báo , coi như mất toi hai ba bốn trăm triệu ,vì thế mà giá hàng hóa dịch vụ bị đội lên, khó mà cạnh tranh . DNNN thì ngày càng thua lỗ, thế mà phải “nuôi” thêm các anh “báo hại”! Bởi thế mà anh Lê Hữu Thăng, hiện là phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị , hồi làm giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu tỉnh, anh đã nghĩ ra được “mẹo” để tránh sự “tấn công” của các nhà báo quảng cáo . Anh làm một văn bản, bộ tứ công ty ký vào, quy định một năm chỉ làm quảng cáo trên 2 tờ báo vào dịp Tết hay lễ ở báo tỉnh, báo ngành . Anh dán tờ “ yết thị” đó lên . Nhà báo tới đành im lặng rút lui !

Có nhiều chiêu làm quảng cáo lắm. Viết một bài ca ngợi thành tích công ty, gọi là “ viết cho”, rồi bắt doanh nghiệp “trả ơn” bằng cái quảng cáo. Kiếm mấy em thật tươi mát, nhận làm hợp đồng , các em sẽ “ngồi lỳ” ở phòng giám đốc suốt buổi , giám đốc ngán quá phải “ ký” , hoặc các em sẽ “chiều chuộng”,” liếc mắt đưa tình” giám đốc để được cái quảng cáo . Tiền chùa mà, mất gì! Đã có thư tố cáo ông giám đốc M. chi cho cô bồ nhí là ”phóng viên quảng cáo” của tờ báo nọ trong mấy tháng hơn 400 triệu đồng quảng cáo. Ở tỉnh nọ , các nhà báo tỉnh gọi đi làm quảng cáo là “ đi đọc lệnh”. Có nghĩa là cứ đến doanh nghiệp bắt giám đốc ký, vì giám đốc nào cũng có “gót chân A-Sin” mà nếu tiết lộ lên báo là gay! Hoa hồng cho người làm quảng cáo từ 30 % có báo chi trả 40, 45% , nên có nhà báo từ xe đạp “chân co chân duỗi”, vào nghề chỉ mấy năm làm quảng cáo đã xây được nhà bốn lầu, mua xe hơi… Thế là Tòa soạn báo thành cơ quan đi ..đánh quả quảng cáo ! Đó là tham những chứ gì nữa !

Chuyên đề.. . “lừa” ?!
Hiện nay có rất nhiều tờ báo, tạp chí , cũng gọi là cơ quan báo chí với đủ ban bệ, nhưng không bao giờ làm báo cả ! Thế họ sống bằng gì ? Xin thưa: bằng việc xuất bản các “chuyên đề …lừa”. Qua tìm hiểu nhiều báo, tôi biết cách làm của họ như sau. Chạy xin giấy phép, đặt tên thật oách, kiểu “Tiềm năng đầu tư của tỉnh…”, hay” Tỉnh…rải thảm đỏ mời các nhà đầu tư”…, Phóng viên trang bị máy ảnh kỹ thuật số xịn, đeo hai ba cái trước nực, tay xách laptop kè kè , để lòe thiên hạ. Rồi ông Tổng biên tập lên xin ông Thứ trưởng, Bộ trưởng cái thư gửi cho Bí thư, chủ tịch các tỉnh, đề nghị phối hợp làm chuyên đề “ giới thiệu tiềm năng đầu tư của địa phương” hay Lễ hội, Festival.v.v.. Các tỉnh nghe nói “đầu tư nước ngoài” mừng lắm , vì đây là mốt mà ! Ông TBT mới tán thêm là “ tờ báo của mình in song ngữ, phát hành đi hơn trăm nước trên thế giới, ti-ra hai triệu bản”. Thế hợp đồng làm “ Chuyên đề về tiềm năng kinh tế, mời gọi đầu tư của tỉnh X” được ký. Ngoài việc tỉnh chi số tiền in ấn lên tới hàng trăm triệu đồng, chủ tịch tỉnh còn ký công văn “bắt “ hàng trăm doanh nghiệp mạnh trong tỉnh tham gia quảng cáo, mỗi doanh nghiệp 15 – 20 triệu đồng. Sau đó họ thuê người viết bài, chụp ảnh, dịch , cộng thêm trích đoạn nghị quyết tỉnh, bài phỏng vấn kèm ảnh ông bí thư, chủ tịch in trang đầu, thế là được cuốn “ chuyên đề” dày khoảng 100 trang, in song ngữ Việt- Anh. Người viết bài này cũng đã từng được thuê viết bài “tiềm năng…” như vậy. Họ chỉ in 700 bản , nộp lưu chiểu, báo biếu 200 bản, còn 500 bản mang về bán lại cho tỉnh với 150 ngàn /1 cuốn ( đã bỏ tiền ra in rồi lại phải bỏ tiền ra mua!). Chỉ một “chuyên đề .. lừa” như vậy, tòa báo đã kiếm được vài tỷ đồng ngon ơ! Có tòa soạn đã lần lượt làm được 61 chuyên đề tỉnh, hàng chục chuyên đề ngành, nhưng chẳng mang lại cho xã hội ích lợi nào ! Những tờ báo như vậy không bao giờ xuất hiện trên thị trường, cũng không ai đặt mua qua bưu điện ! Đó là tham những chú gì nữa !

Có một loại sách… để trên bàn cho vui !

Người biết bài này thường thấy trên bàn làm việc của ông bạn giám đốc DN một chồng sách lớn, cuốn nào cũng dày cộp . Đó chỉ là “ sách… quảng cáo”do đủ loại Nhà xuất bản và cơ quan báo chí ấn hành.! Cuốn nào cũng có tên gọi thật kêu. Ví dụ như Từ điển doanh nghiệp Việt Nam, Cẩm nang doanh nghiệp Việt Nam, Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Doanh nhân vàng thời mở cửa.v.v..Tôi hỏi ông bạn: Sách này để làm gì? Ông trả lời : Để trên bàn cho .. vui ! Cứ một doanh nghiệp một trang giới thiệu rất đơn giản : tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại , Fax, ảnh trụ sở cơ quan, ảnh giám đốc.v.v. cuốn gọi là “ Cẩm nang doạnh nghiêp ” chỉ có 500 trang, nghĩa là chỉ 500 DN, trong lúc đó ở nước ta có gần 500.000 doanh nghiệp ? Thế thì “từ điểm”, “cẩm nang “cái nỗi gì ! Nhưng mà làm được 500 trang quảng cáo đóng thành “sách” ấy, tòa soạn báo đã thu được 2,5 tỷ đồng doanh thu ( 5 triệu đồng/ trang, chưa tính 3 trang bìa 4, 3,2, mỗi trang từ 20 – 50 triệu đồng) , trừ chi phí hoa hồng, tiền chế bản màu, in ấn, còn lãi ròng cả tỷ đồng ! Bởi thế mà rất nhiều báo , nhà xuất bản năm nào cũng làm “Sách.. quảng cáo” với nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tất cả cuốn sách ấy đều không giúp ích được gì cho doanh nghiệp trong kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Đó là tham nhũng chứ gì nữa !

Vĩ thanh Tôi không bao giờ phản đối việc quảng cáo trên báo chí. Vì quảng cáo càng nhiều chứng tỏ nền kinh tế càng phát triển. Nhưng quảng cáo theo kiểu “ đi xin”, “ đi đọc lệnh”, hay “làm chuyên đề” , “sách .. .quảng cáo”.. theo hình thức “lừa đảo” đã kể ở trên là làm khổ doanh nghiệp, là báo hại nền kinh tế đất nước . Các tòa soạn báo ơi, nhà báo ơi, tiền báo thu được từ quảng cáo đó là tiền thua lỗ của các doanh nghiệp cả đấy . Đây là một hiện tượng không lành mạnh nhưng rất phổ biến của báo chí hiện nay. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giúp các báo nâng cao chất lượng bài vở sống được bằng nghề làm báo của mình !

Nguồn : Ngô Minh

11 thg 6, 2013

CHUYỆN KHU PHỐ

Khu phố tôi là khu phố văn minh hiện đại mọi nhẽ. Nhiều ông chức to, nhiều bà chức bự. Nó được đại diện cho toàn dân để làm mẫu mọi cái trên đời, và được xem như là mọi kết luận cuối cùng áp dụng cho mọi thành thị, nông thôn phường, làng, xã khóm cho cả nước. Nên khu phố tôi họp là có nhiều chuyện hay. Hôm nay tôi kể bà con chuyện mới mà cũ muôn đời ở khu phố tôi. Hễ đi họp là có tiền bao thư mang về bỏ ống. Đại diện toàn dân mà lỵ.

Tối qua khu phố tôi họp đột xuất. Lần nào cũng vậy, hễ có họp đột xuất là do ý kiến của cụ bô lão 83 tuổi đề xướng, khi có chuyện rất lung. 

Mở đầu cuộc họp, cụ đọc lý do cuộc họp là lấy phấu "niềm tin". Cả khu phố ngơ ngác, lao nhao, niềm tin gì, niềm tin chi, khu phố mình có gì mà không tin tưởng nhau mà phải lấy phiếu niềm tin? Nhưng có anh dân phòng lên tiếng, ông kệ, họp thì ông cứ họp, miễn có phong bao lì xì là ông họp.

Cụ bảo, ông A thủ két khu phố nghi ngờ thụt két. Bà B nắm tủ thuốc cấp cứu bị nghi ngờ cấu kết với con buôn. Ông C nắm vấn đề giáo dục thanh thiếu niên khu phố bị nghi ngờ kinh doanh văn hóa phẩm đồi trụy làm hỏng văn hóa cho thế hệ sau. Ông D nắm vấn đề an ninh khu phố bị nghi ngờ thông đồng với trộm cướp. Bà E lo vấn đề... v.v... và cuối cùng là chính ông lo vấn đề suy nghĩ của dân, cực chẳng đã buộc phải đưa ra cái tối kiến này để tạo "niềm tin chiến lược" cho khu phố, để yên dân.

Mọi người thấy rất có lý, nhưng vẫn lao xao còn một vài người lên tiếng yếu ớt, bày vẽ, làm trò lừa đảo, hài thiệt, ... nhưng vẫn riu ríu tuân theo, vì cụ là người thông mọi nhẽ. Cụ đưa ra 3 loại phiếu để bỏ cho các người có trách nhiệm với 3 mức độ: tin nhiều, tin vừa vừa và tin ít.

Mọi người lại lao nhao: ơ sao lại chỉ có tin mà không có không tin tưởng vậy cụ? Cụ cười bảo rằng, đã bảo yên dân mà lỵ. Tất cả những người được trao nhiệm vụ đều là đáng tin cậy, vì toàn bộ dân khu phố gửi niềm tin. Giờ chỉ làm cho đúng thủ tục để mục tiêu làm yên lòng dân sau những nghị ngờ, bà con đã thông chưa? Nếu chưa thông thì mai gửi ý kiến cho anh an ninh khu phố. bây giờ ta bắt đầu. Lại anh trật tự lên tiếng, cứ cho qua, miễn sao có phong bì ông đem về cho vợ, bà con láo nháo làm gì? Nghe đến tiền ai cũng hết ồn ào, và muốn làm cho xong việc rồi về ngủ nghỉ.

Mất hai giờ đồng hồ dùng để ăn tối, hoặc tắm táp sau một ngày làm việc cực nhọc, hoặc để nằm nhà tịnh dưỡng lấy lại sức khỏe cho ngày làm việc hôm sau, nhưng phải làm chuyện "niềm tin chiến lược" cho xong bổn phận sự và trách nhiệm vụ, ra về lo chuyện cơm áo gạo tiền của ngày mai.

Kết quả cuối cùng dù, những người có trách nhiệm với khu phố đều có tỷ lệ được dân khu phố tin yêu 100%, dù tin ít, tin vừa vừa hay tin nhiều thì cũng là tin. Nhưng họp khu phố tôi lúc nào cũng có phong bao có tiền thì dân khu phố mới chịu đi họp.

Cuối buổi họp, tôi cũng có phong bao tiền, tôi hỏi ông A thủ két, khu phố mình mà lại hay, hễ cứ họp là có phong bao, vậy tiền từ đâu ra vậy ông anh? Ông A bảo, tiền từ túi của anh cả đấy. Này nhé, tiền an ninh trật tự, tiền bão lụt thiên tai, tiền an ninh quốc phòng, tiền cho người nghèo, tiền thuế trên xăng, tiền dôi ra trên điện, tiền giao thông, tiền bảo hiểm, tiền thuế doanh nghiệp, tiền ... Ông xổ ra một tràng, tôi ngắt lời, tôi hiểu, tôi hiểu, tôi xin phép ông tôi về đưa cho bà nhà cái phong bì để phòng thân khi cần. Cảm ơn ông và cụ đã nghĩ ra xáng kiến để tôi có tiền. Xem ra làm khu phố điển hình tiên tiến sướng thật.
 

8 thg 6, 2013

Phản ứng của trí thức về dự thảo sửa đổi hiến pháp

Nhóm 72 nhân sĩ, trí thức đưa ra kiến nghị cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 vừa chính thức có văn bản phản đối dự thảo do Ủy Ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp trình tại kỳ họp quốc hội thứ 5, khóa 13 đang họp tại Hà Nội.

Tiếp tục phản biện vì dân vì nước
Có lúc những người đứng đầu Đảng Cộng sản, Quốc hội Việt Nam cũng như truyền thông tập trung phản bác dữ dội nhóm 72 nhân sĩ trí thức sau khi nhóm này đưa ra kiến nghị cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Phản bác được nhiều người nhắc đến là lời của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng ý kiến đề nghị bãi bỏ điều 4 trong hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là suy thoái về mặt tư tưởng.
Tuy nhiên, những phản bác mang tính qui chụp đó không làm nản lòng những vị trí thức. Họ vẫn theo dõi diễn tiến của sinh hoạt góp ý sửa đổi hiến pháp. Và sau khi Ủy ban trình cho quốc hội Dự Thảo Sửa đổi Hiến Pháp hồi ngày 17 tháng 5 vừa qua; nhóm 72 nhân sĩ trí thức lại một lần nữa khẳng khái lên tiếng phản bác văn bản đó.
Lý do đầu tiên khiến các vị phải lên tiếng lần này được nêu rõ vì văn bản dự thảo hiến pháp mới vị không có điểm gì mới, thậm chí còn bị cho là thụt lùi rõ nét so với dự thảo mới trình cho ủy ban thường vụ quốc hội hồi tháng tư vừa rồi.

Một người trong nhóm 72 nhân sĩ trí thức, phó giáo sư- Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói về sự thụt lùi đó như sau:
Thụt lùi cũng rõ; thực ra nói như thế không phải đánh giá quá cao đề nghị của Chính phủ rồi Mặt trận trong việc sửa đổi hiến pháp. Nhưng dầu sao ý kiến của chính phủ và mặt trận còn tiến bộ hơn so với dự thảo đang trình vì nó quay trở lại hầu như y nguyên hiến pháp cũ. Như vậy người ta sẽ đặt ra câu hỏi : bày đặt ra chuyện sửa đổi hiến pháp để làm gì? Khi không có nhu cầu sửa đổi mà lại đặt ra chuyện sửa đổi, điều đó không hiểu được! Chẳng hạn người ta cũng đặt ra ít nhất vấn đề có nên thay đổi tên nước không.
Chủ nghĩa xã hội mù mờ như vậy mà bây giờ đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, liệu có động viên được toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước không? Ít nhất các vị trong Mặt Trận cũng cân nhắc về chuyện này và đặt ra phương án là trở lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời năm 45-46; bây giờ cứ khăng khăng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tốt. Có lý do kỳ lạ lắm do một số ông nghị đưa ra là sợ tốn tiền chẳng hạn: như nếu thay đổi phải khắc con dấu lại, tốn tiền. Đất nước này ‘đổ sông, đổ biển’ biết bao nhiêu tiền của: Vinashin, VinaLines… Bây giờ ngại ngần gì số tiền bỏ ra để khắc con dấu: lý do kỳ dị.
Dự thảo gửi cho quốc hội hiện nay hết sức lạ lung. Có những người trong ban dự thảo như ông Trần Du Lịch, Dương Trung Quốc đều không biết. Họ làm việc theo nguyên tắc nào mà những thành viên trong ban dự thảo lại không biết nội dung của dự thảo! 
 
Cơ quan chức năng duy trì quan điểm vì Đảng
Theo nhận định của 72 nhân sĩ trí thức thì trong dự thảo sửa đối hiến pháp trình cho kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa 13 thể hiện sự ‘khăng khăng bám giữ thể chế dân chủ toàn trị của một đảng gắn với ý thức hệ và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác- Lênin’ đã lỗi thời trên toàn thế giới qua thực tiễn đời sống.

Hiện nay trên thế giới chỉ còn vài quốc gia đếm được trên đầu ngón tay theo chủ nghĩa cộng sản như Việt Nam. Những quốc gia đó đều thuộc nhóm kém phát triển.
Theo thư phản đối của nhóm 72 nhân sĩ trí thức thì sự hiến định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội và nhà nước phủ nhận tất cả những điều khác dù có qui định về các quyền con người, quyền cơ bản của công dân...

Cũng theo phó giáo sư- tiến sĩ Hoàng Dũng thì ông lấy làm lạ, không thể hiểu được vì sao Nhà Nước cho tiến hành một cuộc lấy ý kiến người dân một cách rầm rộ từ đầu tháng giêng cho đến cuối tháng ba với tổng kết hơn 26 triệu lượt người góp ý mà cuối cùng văn bản dự thảo chẳng có gì mới. Ông đặt nghi vấn:
Tôi phải nói lại không hiểu vì nhu cầu gì mà làm việc này? Hay là trong lãnh đạo có nhiều nhóm, có nhóm muốn thay đổi thật; nhưng cuối cùng nhóm này thua không điều khiển được, không giữ được ý tưởng muốn thay đổi để cho nhóm bảo thủ lấn át và cuối cùng quay lại con đường cũ. Có thể thế chăng? Điểm mới thực ra là đưa quân đội trung thành với Đảng. So với hiến pháp 1992 điều này không có; không lẽ sửa đổi hiến pháp chỉ nhằm mục đích đó thôi hay sao. Thực ra điều 4 là cốt tử nhất; nếu đã thừa nhận đảng lãnh đạo đất nước toàn diện, thì không cần điều khoản quân đội trung thành với đảng; thực chất cũng chỉ thế thôi. Đó là điều cốt tử chi phối hết toàn bộ.

Cơ hội bị bỏ lỡ
Theo nhiều người, ngay cả những người thuộc nhóm theo ‘lề đảng’ thì lần sửa đổi hiến pháp này là cơ hội lịch sử để giúp Việt Nam chuyển đổi. Với một khế ước xã hội tiến bộ, người dân thực sự trở thành chủ nhân đất nước thì giúp hóa giải được nhiều hạn chế lâu nay, đưa đất nước tiến lên sánh vai với những nước khác.
Về điều này, phó giáo sư- tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra ý kiến:
Tôi nghĩ không phải đơn giản thay đổi hiến pháp là mọi chuyện thay đổi đâu; nhưng đó là một trong những dấu hiệu, biểu hiệu không những báo cho trong nước mà cả nước ngoài rằng Việt Nam đã thay đổi. Nếu cuộc thay đổi hiến pháp này mà chúng ta tiến hành tốt, đó là điều tốt để báo thông điệp như thế. Tiếc rằng thông điệp lại ngược lại: thông điệp cho người dân trong nước và bạn bè nước ngoài là Việt Nam kiên quyết theo con đường cũ.

Trong thư phản đối gửi quốc hội, các vị nhân sĩ trí thức kêu gọi các vị đại biểu phải biểu tỏ ý kiến và đòi hỏi sự tôn trọng khác biệt ý kiến đối với dự thảo do ủy ban soạn thảo đưa ra.
Một đề nghị được các vị nhân sĩ trí thức nên lên là quốc hội sớm quyết định cho tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của hiến pháp để có thời gian chuẩn bị và làm tốt cho công tác được nhóm 72 nhân sĩ cho là quan trọng và mới mẻ này dù rằng Việt Nam đã qua mấy lần sửa đổi hiến pháp từ năm 1946 cho đến nay, cụ thể vào năm 1959,1980, 1992.
Cảnh báo được các vị nhân sĩ trí thức đưa ra là nếu chỉ làm vội vàng để thông qua dự thảo hiến pháp như đã trình quốc hội thì đó là một tai họa cho đất nước

Nguon : TẠI ĐAY

NHỮNG BÀN CHÂN NỔI GIẬN

Tháng trước, Tòa Án tỉnh Long An Việt Nam đã kết án nặng nề hai sinh viên yêu nước ở độ tuổi 20. Trong những tội danh bị áp đặt có tội "nói xấu Trung Quốc". Những cáo buộc  này đã chạm vào điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế người Việt Nam là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Người ta phẫn nộ, vì như thế là ai đó đã hợp đồng với Trung Quốc xâm lược để quay lại đàn áp người yêu nước. Bi kịch lớn nhất của một số người lãnh đạo Việt Nam là sự ám ảnh về cái gọi là "cùng chung một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" nên đã không quyết liệt đáp trả những thủ đoạn bành trướng nham hiểm và những hành động xâm lược ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng lại quyết liệt đàn áp những người yêu nước, bóp nghẹt dân chủ, bưng bít thông tin và khủng bố tư tưởng công dân mình. Đầu tuần này, công an Hà Nội đã trấn áp một cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bắt nhiều người, hành hung, đánh đập họ, trong đó có cả phụ nữ.

 

Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về truyền thống bất khuất, quật cường của mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước trong vị thế oái oăm nằm sát cạnh một láng giềng khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng bành trướng nhằm nuốt chửng Việt Nam. Đất nước này đã từng chìm đắm cả nghìn năm Bắc thuộc. Trong cái đêm dài đau đớn ấy, kẻ thù luôn tìm cách đồng hóa dân tộc Việt. Và chúng đã thất bại.

 

Việt Nam đã từng đánh bại đế quốc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII và những kẻ xâm lược khác trong thế kỷ XV, XVIII và XX. Bản lĩnh dân tộc Việt đã được hun đúc qua những cuộc chiến tranh khốc liệt chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, bất chấp luật pháp quốc tế và chà đạp lên nguyên tắc và đạo lý, Trung Quốc đã ngang nhiên thực hiện mộng bành trướng trên Biển Đông, cái "lưỡi bò" ham hố và bẩn thỉu đang thè ra chực nuốt cả vùng biển rộng lớn, nơi có trữ lượng dầu mỏ đủ đáp ứng cơn khát nguyên liệu của một nền kinh tế đang cố ngoi lên vị thế siêu cường. Nơi đây cũng là con đường huyết mạch trên biển để Trung Quốc thực hiện tham vọng của họ. Vì thế, những “bàn chân nổi giận” đã rầm rập xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

 

Cùng với những cuộc biểu tình ấy, những khiếu kiện tập thể của nông dân cũng dồn dập bùng lên. Sự nối kết giữa tầng lớp trí thức với giới trẻ ở đô thị và nông dân – những người bị đẩy vào cuộc sống đói nghèo vì mất đất sản xuất khi người ta nhân danh "sở hữu toàn dân" để tước đoạt quyền sở hữu mảnh đất cha ông họ để lại mà  không được đền bù thỏa đáng. Cùng với điều đó, mạng lưới thông tin qua Internet đã trỗi lên như nấm sau cơn mưa biểu thị tinh thần yêu nước bất chấp mọi đàn áp đang mở ra một cục diện mới.

 

Sự nổi giận của người Việt Nam lại càng tăng lên khi một số những người lãnh đạo lùi bước trước những hành động tội ác của Trung Quốc xâm lược Việt Nam nhưng lại quyết liệt đàn áp người yêu nước đấu tranh đòi dân chủ và tự do. "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa " là một khái niệm rất mơ hồ, nhưng những người lãnh đạo lại dùng nó để duy trì một hệ thống chính trị đã quá lỗi thời.

 

Nếu không có những đổi mới ở thập niên 80, nền kinh tế tập trung có lẽ đã đưa Việt Nam đi đến bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, những cải cách kinh tế đó đã bị đình trệ vì không có cải cách chính trị song hành. Tuy nói rất nhiều về một nhà nước "của dân do dân và vì dân" nhưng người ta chưa bao giờ muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự đúng với ý nghĩa đích thực của nó.

 

Với cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Việt Nam đã nhận được sự đồng cảm, lòng tôn trọng và ngưỡng mộ của nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đáng tiếc là từ đỉnh cao của chiến thắng, người ta lại duy trì một hệ thống chính trị lạc hậu và một hệ tư tưởng giáo điều nên nền kinh tế Việt Nam đã không thể phát triển mạnh mẽ như nó cần làm và có đủ điều kiện để làm. Để rồi họ trở thành mục tiêu phê phán của cộng đồng quốc tế về đàn áp dân chủ và vi phạm nhân quyền.

 

Chính vì một số nhà lãnh đạo Việt Nam bị "cái mũ kim cô"  của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán siết chặt nên đã đẩy đất nước ra khỏi quỹ đạo dân chủ để gánh chịu lạc hậu và lạc điệu so với thế giới văn minh, một thế giới mà Việt Nam đang rất cần hòa nhập để đất nước có điều kiện phát triển.

 

Ấy thế mà từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội để thay thế bằng một "Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc" man rợ nhằm nuôi dưỡng mộng bành trướng của cha ông họ mà họ chưa bao giờ từ bỏ. Cho nên, cái gọi là "cùng chung ‎ ‎thức hệ" mà ai đó đưa ra chỉ là cái bình phong che đậy cho tham vọng quyền lực, nhằm giữ bằng được cái ghế mà họ đang ngồi. Những ngôn từ đạo đức giả được đưa ra, rồi mười sáu chữ bịp bợm về "láng giềng hữu nghị" được tung hứng chỉ là trò khôi hài.

 

Nhằm bảo vệ cái ghế quyền lực của một số người đang giành được những vị thế quan trọng, để củng cố và mở rộng những lợi ích béo bở của mình, người ta đang quay lưng lại với nhân dân. Một số trí thức và nhân sĩ, trong đó có người viết bài này, đã đưa ra hàng loạt kiến ​​nghị về thực thi dân chủ và nhân quyền trong Hiến pháp nhằm hướng tới việc tạo ra một hệ thống chính trị thực sự dân chủ. Tuy nhiên, đề xuất của chúng tôi đã gặp phải những lời lăng mạ và vu khống trên các tờ báo chính thống được chỉ đạo sát sao.

 

Người ta đã không thấy được rằng, một khi phong trào yêu nước chống ngoại xâm gắn kết được với cuộc đấu tranh dân chủ và thực hiện quyền con người đã được ghi vào trong Hiến pháp, sẽ đẩy tới những bước hợp trội trong sự phát triển, tạo ra những đột phá không lường trước được, hình thành một cục diện mới, đưa đất nước đi lên.

 

Cho nên, càng sử dụng bạo lực và đàn áp, càng cho thấy sự phi dân chủ, vô nhân tính của những người sử dụng nó.

 

Người lãnh đạo nắm bắt được cục diện mới, nhanh nhạy đáp ứng được lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và trước hết, sẽ nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ của dân và sự đồng tình của bạn bè quốc tế.

 

Ngược lại, nếu tiếp tục quay lưng lại với dân, nấp dưới chiêu bài ý thức hệ đã lỗi thời, bám chặt mô hình toàn trị phản dân chủ, chỉ cốt giữ cho được cái ghế quyền lực đã rệu rã và đưa đất nước vào ngõ cụt không lối thoát, thì sự cáo chung là điều không thể tránh khỏi.