Nói như vậy, vì người
viết muốn nhìn ra ở đây "một hiện tượng lịch sử" có nghĩa biểu
tượng.
Lịch sử đi tới theo đội hình hình thoi chứ không
"dàn hàng ngang mà tiến". Bao giờ những người đi trước cũng thuộc số
ít. Càng ít hơn nữa là những ngươi có tầm mắt vượt lên phía trước,
nhìn thấu được những điều mà nhiều người đồng hành chưa nhìn ra,
hoặc nhìn nhưng chưa thấy, hoặc thấy nhưng chưa rõ. Và càng sát cái
điểm đầu chóp hình thoi ấy thì càng đơn độc! Trần Độ là một hiện
tượng, đúng hơn, là một bằng chứng rất sống động về sự "đơn độc của
tia chớp" đang dẫn dắt suy tư của người viết
nhân ngày mất của ông, 9. 8. 2002.
Nhận thức là một quá trình, điều này chẳng có gì mới
đáng nói. Cái đáng nói hơn vào thời điểm này là: với sự kiểm nghiệm
của thời gian, có những con người đã trở thành một hiện tượng
lịch sử vì nó là biểu tượng sống động về sự oái oăm của lịch sử
trong nhận thức về lịch sử. Mà trớ trêu thay, chính sự oái oăm đó
làm nên lịch sử. Làm nên bằng chính cái tầm vươt lên phía trước ấy.
Chẳng thế mà Voltaire từng khuyến cáo rằng "Lịch sử không nên đề
cập đến sự thăng trầm của các ông vua mà là trào lưu tiến hoá của
dân tộc, không nên đề cập đến từng quốc gia riêng rẽ mà là toàn thể
nhân loại, không nên đề cập đến chiến tranh mà là đề cập đến sự
phát triển của tư tưởng. Những trận đánh, những đoàn quân chiến
thắng hoặc chiến bại, những thành phố bị chiếm đi hoặc lấy lại là
những sự kiện quá tầm thường, không nói lên điều gì quan trọng.
Điều quan trọng là con người sống và suy nghĩ như thế nào qua các
thời đại... qua những giai đoạn nào con người đi từ trạng thái man
rợ đến trạng thái văn minh”.*
Không hiểu có phải lẩn thẩn không mà người viết bài
này những cứ muốn bạo gan đặt ra câu hỏi với nhà Khai sáng Pháp:
liệu dưới tác động nào đó, trong một thời đoạn đau thương nào đó, có
thể có quá trình ngược lại, một cơ chế phi lý đẩy con người đi từ
trạng thái văn minh trở lại với trạng thái man rợ ? Trần Độ có bốn
câu thơ dưới dạng "tự bạch":
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
Liệu nỗi niềm "ai hay,
biến đổi, ác luân hồi" có chút bóng dáng
nào của cái cơ chế phi lý kia không? Vì rằng, nếu cứ nhìn về nhân
thân và sự nghiệp theo một nếp hằn rất chi là "lập trường quan điểm"
từng chi phối đời sống tinh thần xã hội gần hai phần ba thế kỷ nay,
thì con người này là một mẫu mực sáng giá, một điểm son chói lọi
trong những trang sử hiện đại: Đi làm cách mạng từ năm 16 tuổi, vào
đảng năm 17 tuổi, vào tù, cắn răng chịu tra tấn trong các nhà tù đế
quốc , vượt ngục về hoạt động bí mật vào những ngày "tiền khởi
nghĩa", góp phần vào Cách Mạng tháng 8.1945, đảm nhiệm vai trò chính
ủy Mặt trận Hà Nội "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" những ngày Thủ đô
rực lửa năm 1946, tiếp đó là chính ủy trung đoàn, chính ủy đại đoàn,
chính ủy quân khu, rồi phó chính ủy và phó bí thư quân ủy,
được phong hàm thiếu tướng rồi trung tướng, được bầu làm Phó Chủ
tịch Quốc hội, ủy viên BCHTƯĐCSVN, Trưởng
ban văn hóa văn nghệ TƯ.
Dù được quy chiếu theo những hệ thống giá trị nào
thì cuộc đời dấn thân hết mình cho tổ quốc, nằm gai nếm mật, vào tù
ra tội, luôn đứng ở mũi nhọn của cuộc chiến tranh cứu nước, con
người này có một cuộc sống thật đẹp! Càng đẹp theo kiểu "ta phó
thân ta với đất trời" chứ không chỉ vì những chức vụ, danh vọng
mà ông có được bằng sự dấn thân kia !
Ấy thế mà khi con người ấy nằm xuống, người ta quyết
không cho cuộc đời "thương tiếc" ông. Dùng một con rôbốt vô hồn để
thực hiện một công vụ táng tận lương tâm là kể tội ông trong điếu
văn đọc trước linh cữu người quá cố, người ta đã chà đạp lên truyền
thống "nghĩa tử là nghĩa tận" trong đời sống dân tộc. Cái
đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất chính ở chỗ này đây.
Một giải pháp vô văn hóa, phản tâm linh được thực
thi một cách triệt để theo lối "đào tận gốc, trốc tận rễ"
khi người ta "trả nghĩa" cho ông "Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung
ương" của đảng bằng hành động vô văn hóa đó. Một hành động được
hoạch định kỹ càng và đóng dấu ở nơi cao cấp nhất! Từ cách công bố
tin ông mất sát kề ngày tang lễ để đồng chí, đồng đội của ông không
đến kịp nhằm giảm tối đa số người "thương tiếc" ông tại nhà
tang lễ đến chuyện xé bỏ những băng tang đính trên vòng hoa nếu có
chữ "vô cùng thương tiếc" và rồi bài điếu văn phản nhân văn,
ráo cạn nhân tình không tiền khoáng hậu đi vào lịch sử như một vết
nhơ không sao xóa mờ đi được!
Xin chen vào đây một mẩu chuyện: vòng hoa của người
viết bài này nhờ một người bạn vốn là lính của tướng Độ mang đến nhà
tang lễ. Hai vị CA chặn lại, yêu cầu gỡ bỏ mấy chữ "Vô cùng
thương tiếc" .Vị cựu chiến binh là thương binh chiến đấu ở chiến
trường Miền Tây cố làm nhẹ sự căng thẳng bằng một đề nghị hóm hỉnh:"
thế tôi sửa lại là "thương tiếc vừa vừa đồng chí Trần Độ
nhé". CA trừng mắt, quát. Xô xát có cơ xảy ra vì anh thương
binh "quân của tướng Độ" đã xắn tay áo. Ánh mắt đang đổ dồn về đây.
Một vị đeo lon trung tá vừa lịch lãm vừa xử sự rất "có nghề" đã
nhanh chóng xin lỗi người cựu chiến binh, vừa gạt tay thuộc cấp định
gỡ vòng hoa, rồi mời người cựu chiến binh mang nó cùng đi. Nhưng khi
đến gần bậc thềm nhà tang lễ thì anh ta nói " theo quy định,
chúng tôi phải trực tiếp chuyển vòng hoa, đồng chí cứ đứng đây".
Thế rồi y nhấc bổng vòng hoa đi vòng ra phía sau, mất hút!
Gọi điện kể lại, người cựu chiến binh tự hào là "quân
của tướng Độ" đó an ủi: "thôi chú ạ, thế là mình cũng đã thể
hiện được tấm lòng và ý chí trọn nghĩa vẹn tình với ông ấy, người sẽ
đi vào lịch sử. Đến vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng
nó cũng đòi bóc, đại tá Huyên quyết liệt đấu tranh, cuối cùng cũng
đành chỉ còn hai chữ "thương tiếc", phải bỏ hai chữ "vô
cùng" trên vòng hoa tang của bậc công thần, người anh cả của
quân đội cụ Hồ gửi viếng một vị tướng từng chỉ huy Mặt trận quyết tử
của Hà Nội mở đầu cuộc chiến tranh giữ nước để rồi có mặt trên tất
cả các mặt trận nóng bỏng nhất cho đến khi kết thúc chiến tranh, mà
chú!
Có thể ai đó khi hạ lệnh gỡ bỏ những dòng chữ "vô
cùng thương tiếc" trên vòng hoa tang đã cạn nghĩ, hoặc mê
muội trong nguyên lý khủng khiếp từng thuộc nằm lòng về sự chuyên
chính đối với kẻ thù giai cấp, đã không lường trước được hệ lụy cũng
khủng khiếp không kém của quyết định dại dột bất cận nhân tình ấy.
Trong tâm thức của dân tộc, vết nhơ kia sẽ không có cách gì rửa sạch
được. Và nếu như ông cha ta dạy "gươm dơ lấy nước làm sạch,
nước dơ lấy máu làm sạch" thì rồi đây lấy gì để rửa vết nhơ
lịch sử kia đây? Xét cho cùng, vết nhơ lịch sử này chính là
nỗi đau văn hóa.
Đây là điều mà M.Gorki, một thời được mệnh danh là
"nhà văn vô sản vĩ đại" từng chiếm lĩnh trọn vẹn các giáo trình lý
luận văn học của các trường đại học và sách dạy phổ thông ở nước ta
đã từng quyết liệt cảnh báo ngay từ những năm 1917-1918 [đương nhiên
là người ta dấu nhẹm sự cảnh báo này]: "Cách mạng đã đánh đổ nền
quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc
cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng.
Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong
phú cho nước Nga về mặt tinh thần". Chính vì vậy, M.Gorki
viết: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không
đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy”!**
Sư suy thoái đạo đức đích thực, chứ không phải sự
gán ghép tùy tiện do sự lú lẫn đầy ác ý, là biểu hiện dễ thấy của "sự
lâm nguy" này. Sự lâm nguy bắt đầu từ khi người ta "đã
mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng" của cả dân
tộc. Càng nguy hiểm hơn khi, thay vì "phải được trui rèn trong
ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn
sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi", thì người ta làm ngược
lại, tàn phá văn hóa.
Sẽ quá dài nếu phải liệt kê ra đây sự tàn phá đó khi
mà chỉ lẩy riêng ra "một hiện tượng Trần Độ", nói chính xác
hơn, cách ứng xử với ông Trưởng Ban Văn hóa Văn Nghệ Trung Ương Trần
Độ khi ông nằm xuống, cũng đã quá đủ để minh họa một cách sống động
về điều này.
Trong một bài gần đây trên tạp chí "Văn Hóa Nghệ
An" ngày 31.7.2013, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lưu ý rằng: "quan
sát trong xã hội, đạo đức suy thoái, đúng là chưa bao giờ đất nước ở
vào tình trạng như hiện nay. Nói cách khác, trong lịch sử chỉ
thời mạt mới xuất hiện những chuyện như thế...". Ông dẫn
trong "Hoàng Lê Nhất thống chí" lời học trò của Lý Trần
Quán trả lời thầy khi bị ông mắng về tội bắt Chúa Trịnh Tông nộp cho
Tây Sơn: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu
thân” để đưa ra nhận định: "Có thể nói đó là câu nói điển
hình cho sự suy thoái.... Còn về các nước, có thể nói, nếu so sánh,
phải thấy là những xã hội có hiện tượng như thế này là xã hội kém
phát triển. Xã hội văn minh cũng có những hiện tượng này nhưng nó
không bệ rạc, không phổ biến như thế"....Quả đúng vậy. Nhưng để
cho trọn vẹn hơn thì xin mạo muội đề nghị giáo sư Thuyết trích thêm
một dòng nữa ở trang 106 trong sách nói trên, con người "lừa thầy
phản chúa" ấy rồi "được phong làm Tráng Nghĩa hầu thêm
chức Trấn thủ Sơn Tây"! Chính cái "được" này
mới là động cơ mãnh liệt thôi thúc những chuyện lừa thầy, phản chủ
mà giáo sư gọi là "suy thoái" kia.
Những con "rô bốt" vô hồn, dù là cao sang quyền quý,
danh gia vọng tộc hay lưu manh chính trị mạt hạng đang nhan nhản
khắp nơi, hoặc tác oai tác quái với dân, hoặc lên mặt đạo đức giả đi
rao giảng đạo đức lấy đó làm cái lá nho để che đi những xấu xa thối
nát quá lộ liễu, hoặc nói một đằng làm một nẻo mất hết liêm sỉ mà
dân gian gọi là đã đứt giây thần kinh xấu hổ ...xét đến cùng chính
là vì cái được ấy! Ngay cả những người đang theo lý
thuyết "mắc-kê-nô", tạm bằng lòng với ngôi nhà vừa tậu, chiếc ô tô
đời mới hay cái công ty của con đang làm ăn yên ổn đang xua tay
"không muốn động đến chuyện chính trị" thì trong sâu thẳm tâm hồn
họ, cái động cơ mãnh liệt kia vẫn đang khởi động.
Xét đến cùng, vâng, xét đến cùng, cái "được"
kia, nói chữ nghĩa ra là lợi ích nhận được từ cái cơ
chế sản sinh ra những "rôbốt" vô hồn kia chính là chất xi măng gắn
kết chúng với nhau vì lợi ích, và cái đem lại lợi ích nhanh chóng
nhất chính là quyền lực. Trong bài viết cách đây chưa
lâu, người viết này đã nói về quy luật này: "Quyền lực
thúc đẩy việc mở rộng vô hạn độ quyền lực, và hầu như không có điểm
dừng. Nhưng "quyền lực lại có xu hướng tha hóa và quyền lực
tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối” (Power tends to
corrupt and absolute power corrupts absolutely, có người dịch từ
"corrupt" là "tham nhũng" trong những văn cảnh nhất định nào
đó). Chế độ toàn trị phản dân chủ là nguyên nhân sâu xa cho
cái chuyện "quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối
" ấy. Liệu lịch sử loài người đã biết có bao nhiêu thứ
"quyền lực tuyệt đối" như chê độ toàn trị hiện hành?
Thật ra thì vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước,
Milovan Dijlas, tác giả của "Giai cấp mới", một tác phẩm viết
trong tù được bí mật gửi ra nước ngoài và được in ở New York
năm 1957 từng phân tích rất rành mạch về chyện này:
"Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự
phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ
sở...Ở đây, muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu
thì cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị".
Ông chỉ ra rằng: "Giai cấp mới giống như một
hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần. Để đi lên, chỉ
ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và "vận dụng lý luận nữa",
cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ
khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm
được nghệ thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho
giai cấp nữa".
Vì thế, "cùng với việc củng cố giai cấp mới,
khi bộ mặt của nó càng thể hiện rõ, thì vai trò của đảng cũng ngày
càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên
trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà
nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến,
thì nay, đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã biến
thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của
mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai
cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra".***
"Hiện tượng Trần Độ" liệu có phải là minh chứng sống
động về"những người vẫn còn tin vào lý tưởng" bị đẩy
ra một cách quyết liệt, quá sức phũ phàng, cạn tàu ráo máng? Mà phải
đẩy ra bằng được, vì lý tưởng cao đẹp của con người ấy đang là vật
cản cho quá trình "củng cố giai cấp mới ở bên trong cũng như
trên đỉnh quyền lực của đảng, cũng như của bộ máy nhà nước".
Chẳng có gì khó hiểu và ví ẩn trong chuyện phũ
phàng, cạn tàu ráo máng với Trần Độ. Đây là diễn biến logic về sự
tha hóa của quyền lực. Nó đồng thời cảnh báo một nguyên lý sẽ được
đẩy tới ngày càng hung dữ và bất chấp đạo lý cũng như luật pháp:
quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối! Chuyện chà đạp lên
đời sống tâm linh trong đạo lý nghĩa tình dân tộc chẳng là gì so với
chuyện củng cố bộ máy quyền lực khi "cần phải quyết liệt trong
cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc
tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài
năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp mới đang nắm quyền"!***
Thế thì làm sao chấp nhận được một ủy viên trung
ương đảng, một phó chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao
nhất, lại đòi hỏi:" Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ
độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội,
Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo
luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban
bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí,
xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết
định của cơ quan tổ chức Đảng...".
Càng không thể nào dung nạp được một cách tư duy
quyết liệt khi vạch ra rằng:" Không nên lạm dụng chữ cách
mạng. Ta bây giờ không phải là cách mạng chống ai cả, không phải
đánh đổ ai cả. Xây dựng hoà bình thì phải đoàn kết, có gì trở ngại
thì hoá giải nó để tiến lên...không thể lúc nào cũng phải có chương
trình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng phải hành động cách mạng...
Chính quyền bây giờ không phải là chính quyền
cách mạng. Điều đó chỉ có ý nghĩa khi cách mạng vừa mới thành công...Ngày
nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng. Chính quyền xây dựng
thì phải có những chủ trương, chính sách làm cho mọi người dân đều
được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm
thông tin và trao đổi thông tin. Như thế tự do làm ăn
mới thực hiện được... Ở rất nhiều nơi, nhiều lúc,
không cần đến cách mạng. Nhưng ở tất cả các nơi đều
cần có tự do, và lớn nhất là “tự do làm ăn” phải có tự do hưởng lợi
ích của kết quả sự làm ăn đó.
Nhân dân chỉ muốn tiến hoá, chứ không muốn
cách mạng bạo lực! Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử kéo
dài gồm những cuộc chiến đấu chống xâm lược giành độc lập, hoà bình
xây dựng, rồi lại bị xâm lược. Và lại chiến tranh chống xâm lược.
Qua quá trình đó mà đất nước ta trưởng thành và phát triển. Cho đến
nay, đất nước đã được hoà bình độc lập,
thống nhất.
Không biết tương lai loài người sẽ phát triển,
tiến bộ thế nào và do đó đất nước ta sẽ gặp những tình huống thế nào
? Nhưng chắc chắn là những bước đi sắp tới của ta cũng không có thể
lặp lại y nguyên những tình hình trước đây
"Động trời" hơn nữa khi Trần Độ tuyên bố không úp
mở: " Chiến tranh lớn và các hoạt động bạo lực, lật đổ càng
ngày càng trở nên lạc hậu lỗi thời...Để có tự do và hạnh phúc, không
nhất thiết phải có bạo lực, không nhất thiết phải đánh đổ ai. Thậm
chí ngày nay có những nền độc lập giành được cũng không cần có bạo
lực và chiến tranh"!
Và rồi, người đứng đầu cơ quan lãnh đạo văn hóa văn
nghệ mà lại công khai nói thẳng cái sự thật nghiệt ngã mà hơn nửa
thế kỷ qua người ta cố né tránh, bưng bít: "Văn hóa mà không
có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền
cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp
chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những
nhà văn hóa cao đẹp".
Cách chức, khai trừ đảng là chuyện quá dễ hiểu,
không thế mới lạ! Thì chẳng phải đã có một ví dụ quá rõ nét khi Đảng
và nhà nước Nam Tư đã bỏ tù tác giả của "Giai cấp mới", người
đã từng được bầu làm Phỏ Tổng thống Liên bang Nam Tư, "cây lý luận
hàng đầu" của Đảng Cộng sản Nam Tư đó sao?
Milovan Dijlas từng tuyên bố: "Tôi, một trí
thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ
những chức vụ thấp nhất, từ các tổ chức cơ sở cho đến quốc gia và
quốc tế, từ việc thành lập một đảng cộng sản chân chính, chuẩn bị
cách mạng, đến việc tham gia xây dựng cái gọi là chế độ xã hội chủ
nghĩa. Không ai buộc tôi phải tham gia hay từ bỏ chủ nghĩa cộng sản
cả. Tôi đã tự quyết, theo niềm tin của mình, một cách tự do...Càng
rời xa chủ nghĩa cộng sản, tôi càng tiến gần đến lý tưởng của chủ
nghĩa xã hội dân chủ"...
Tư tưởng bình đẳng và bác ái tồn tại cũng lâu
như chính loài người, được chủ nghĩa cộng sản ủng hộ trên lời nói,
vốn mang trong mình nó sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ
tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của
những lý tưởng đó đã làm cho việc phê phán chúng trở thành không chỉ
phản động mà còn trống rỗng và vô nghĩa nữa".
Chính vì thế, người trí thức "đã đi trọn con
đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi" ấy đã "tập
trung mô tả đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản hiến đại...Tất cả chỉ
là sản phẩm của thế giới mà tôi đang sống và đang phê phán. Tôi đã
thấy và đã trình bày tất cả mà không ngượng ngùng khi thú nhận rằng
mình đã là sản phẩm của nó, có lúc đã là người tham gia xây dựng nó
và bây giờ là người phê phán nó". ***
Phải chăng đây là sự" phê phán nó" khi
"nó" đã tự tha hóa, tự biến mình thành công cụ trong
tay "giai cấp mới" với lợi ích của chính nó, củng cố chế độ
toàn trị phản dân chủ, quay lưng lại với nhân dân? Trong những bức
thư Trần Độ gửi lãnh đạo của, đặc biệt là bức thư viết vào cuối năm
1974 dưới bút danh Chín Vinh, đã có bóng dáng của sự phê phán nói
trên:" nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội và trong tất cả
các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền...Điều đó ai cũng thấy.
Thế nhưng vấn đề là tại sao nó lại chuyển biến chậm chạp. Sự biến
chuyển chậm chạp này đã tạo ra một tình trạng giảm sút lòng tin
trong cán bộ, đảng viên, trong nhân dân và đáng ngại nhất là trong
thanh niên...Những hiện tượng tiêu cực của xã hội ( và trong Đảng,
trong chính quyên) làm vẩn đục sự trong sáng và đẹp đẽ của những lý
tưởng, đầu độc những lòng say mê hăng hái có tính chất lãng mạn cách
mạng, "sống tiêu cực", tạo nên "một thế lực xã hội" bao vây và xua
đuổi những tâm hồn trung thực"...mọi người trung thực đều nóng lòng
mong đó một cái gì đổi mới, chuyển biến gì mạnh mẽ...".****
Phải chuyển nhanh, phải đổi mới nhanh để khỏi phải
chứng kiến những điều đau lòng mà ông nghe được từ người bạn cũ cùng
xóm lần ông từ chiến trường về quê sau mười năm xa cách:"cuộc
sống ở nhà thật khốn khổ, khốn khổ nhưng không ai dám kêu. Đói đấy
phải bảo là no. Có ai hỏi đều nói " cám ơn bác cũng đủ ăn. Nếu kêu
đói tức là thành phần xấu. Ông hỏi người bạn cũ: Được mấy
cháu rồi?- Nhờ ơn cách mạng được ba đứa- Sao lại nhờ ơn cách
mạng?- Ở chiến trường không biết chứ ở nhà cái gì chả nhờ ơn cách
mạng. Nuôi được con lợn to, cưới được vợ cho con, nhất nhất là ơn
của cách mạng cả"!
Là người lăn lộn ở chiến trường cùng với chiến sĩ,
lặng lẽ ghi những hiện thực thất đáng buồn ở hậu phương, câu chữ
ngọn bút ghi lại chạy trên trang giây mỏng hoàn toàn là sự thật,
tướng Trần Độ day dứt: "Nếu sự thật này ở tiền tuyến người
lính biết được hoàn cảnh sống của cha mẹ vợ con thì cấp trên biết
nói thế nào với họ"? **** Trung thực với chính mình, trung
thực với cuộc sống, trung thực với lịch sử, chính cái đó tạo ra
"hiện tượng Trần Độ", ở đây "sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với
những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính
nhân bản của những lý tưởng đó" bị chính sự dối trá lọc lừa
của "quyền lực bị tha hóa" làm cho băng hoại. Bằng sự
trải nghiệm của cả cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng nhân văn
cao đẹp, Trần Độ tỉnh táo nhận ra sự băng hoại khủng khiếp đó.
Trong Nhật ký viết vào những năm cuối đời mà ông gọi
"đây là một tấc lòng “để tặng người đời và cuộc đời”. Đây là
những ý nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm
Rắn, và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ
còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm
cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người".
Vấn đề Trần Độ đặt ra đâu chỉ là ý nghĩ của riêng
ông. Một xã hội mà công
dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được
quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã
hội không có chân móng. Câu này
Nguyễn Khải viết trong "Đi tìm cái tôi đã mât". Thật đau đớn
khi "một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt
người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng long rom như một kẻ
bại trận. Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào
chiến tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng
một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự
nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống.
Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy!
Vẫn là Nguyễn Khải dăn vặt trong "Đi tìm cái tôi đã mất".
Mà đâu chỉ nhà văn Nguyễn Khải có nỗi dắn văt đó,
nhà thơ Chế Lan Viên trong bài "Trừ Đi"
cũng từng nói lên nỗi đau dằng xé tâm can:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ - tôi giết
Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển - Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
Chính vì thế, Trần Độ thẳng thắn chỉ rõ:
"Tự do là chìa khoá của phát triển.
Tôi nghĩ thế này: nước Việt Nam ta hiện nay, sau
bao nhiêu năm đấu tranh và chiến tranh gian khổ, cần phải hoà bình
phát triển và cần phải phát triển nhanh, để bù lại những thời gian
đã mất, và để theo kịp các nước chung quanh. Đó là mục đích và yêu
cầu quan trọng nhất của đất nước. Những cái khác là phụ. Do đó, để
phát triển đất nước thì rõ ràng ta phải tìm đường lối nào, học
thuyết nào phục vụ được yêu cầu đó. Nếu thật sự coi phát triển đất
nước là quan trọng nhất thì Đại đoàn kết dân tộc là quan trọng hơn
đấu tranh giai cấp; trí thức quan trọng hơn công nhân và nông dân;
phát triển sức sản xuất là quan trọng hơn mọi thứ; để dân làm chủ
mọi lĩnh vực quan trọng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu
thập được nhiều ý kiến khác nhau và trái ngược nhau kể cả về đường
lối chính sách, quan trọng hơn là bắt mọi người phải tuân theo một
quan điểm, một ý kiến".
Cho nên, đúng là không có gì khó hiểu khi người ta
phải khai trừ Trần Độ ra khỏi đảng, rốt raó đến độ khi ông mất lại
cạn tào ráo máng cấm không được "thương tiếc ông". Đây
là kế tục thực hiện một nguyên lý cai trị. Thì chẳng thế sao ? Từ
những năm 1955, ngay sau giải phóng Thủ đô, thay vì "Khi đoàn
quân tiến về là đêm tan dần" như Văn Cao mơ ước, người ta đã "...đem
bục công anh đặt giữa tim người/ Bắt tình cảm ngược xuôi/ theo luật
đi đường nhà nước". [Thơ Lê Đạt] Chẳng những thế, "phải
tạo ra một tình hình chính trị luôn căng thẳng (một cuộc chiến tranh
có thể xảy ra, một cuộc bạo loạn có thể xảy ra) để buộc các công dân
phải sống trong những quy chế nghiêm ngặt của thời chiến, ở các chế
độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là
cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chặn, một
để chống.
Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ
có một biện pháp: đàn áp, bắt giữ, lập toà án xét xử những kẻ cầm
đầu. Cách giải quyết vừa nhanh gọn lại mau ổn định, không dây dưa,
phiền toái vì có quá nhiều luật lệ, qua nhiều lý lẽ như ở các nước
tư bản. Những rối loạn vặt vãnh thật ra là nước là không khí của các
nhà cầm quyền độc tài.
Họ đâu có sợ loạn. Họ còn bày ra những cuộc
chiến cung đình như ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay một cuộc
chiến giữa nhân dân với nhau như đã làm ở Trung Quốc. Không có mùi
vị của thuốc súng, của máu người và những tiếng la hét cuồng nộ của
đám đông thì người cầm quyền biết thở bằng gì"...Những
câu này là của tác giả "Đi tìm cái tôi đã mất".
Chính vì thế mà phải "
Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết
run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen
lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại
và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không
hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống
không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng
vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không
giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói
.
Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người
cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện,
nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn
là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối
trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay
không thật...
Mọi cái khác với chính thống đều bị lên án,
mọi cái giống nhau đều được tuyên dương. Vì những cái khác nhau rất
khó tạo ra sự nhất trí, còn những cái giống nhau sẽ dễ nghe theo,
làm theo mọi mệnh lệnh.
Nhà văn Nguyễn Khải đau đớn đặt ra một câu hỏi: "một
môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả,
quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?
Vị tướng Trần Độ trả lời câu hỏi đó trong những trang Nhật ký viết ở
chặng sắp kết thúc một cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng cao
cả từ thuở đầu xanh cho đến lúc tóc bạc để đúc kết vào chỉ mỗi một
câu thôi:
" Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách
mạng, và của một kiếp người".
Tôi mượn câu này làm một nén hương lòng thắp trước
di ảnh của ông nhân ngày Giỗ của người mà tôi kính mến. Tôi là kẻ
hậu sinh, quen biết ông quá muộn, được ông xem là bạn vong niên đã
là một niềm cảm kích lớn, xin chỉ gợi lại một kỷ niệm nhỏ với ông.
Hôm ông đến chơi, ông trách tôi: "anh tệ thật, không thèm gửi sách
cho tôi", vừa nói ông vừa đến bên giá sách và chỉ vào cuốn "Khảo
sát xã hội học về phân tầng xã hội" đã in cách đó 5 năm. Tôi
choáng người, vội xin lỗi và thanh mình: "Chết tôi rồi, tôi đã
gửi biếu anh ngay sau khi nhận được từ nhà xuất bản về. Tôi còn nhớ
rõ, cuốn đánh số 4". "Sao? Đánh số? lại số 4", ông ngạc
nhiên hỏi.
"Vâng, chính vì thế mà tôi nhớ rõ mà. Duyên do là
cuốn sách ấy chỉ là toàn bộ bản báo cáo về cuộc khảo sát xã hội học
ở Thái Bình mà Anh đã hỏi chuyện tôi khi gặp anh tại nhà khách tỉnh
ủy sau đó một năm nay hoàn chỉnh lại về văn phong, câu chữ để đưa
in. Tuy đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước chấp thuận, nhưng
khi đưa in thì Nhà xuất bản đòi bỏ một số đoạn. Tôi từ chối. Giằng
co mãi, cuối cùng anh Nguyễn Duy Quý xử lý một cách rất cao tay: in
và lưu hành nội bộ. Tôi đồng ý ngay. Chỉ cần in, còn lưu hành nội bộ
thì càng tốt, đó là một cách quảng cáo cho sách. NXB chơi chua: chỉ
in 100 cuốn và đánh số từ 1 đến 100, gửi cho ai thì phải ghi tên
người đó và số của cuốn sách (!). Cuốn này, tôi gửi cho anh HTK, sau
khi anh ấy mất, tình cờ đến chơi nhà, thấy cuốn sách nằm lăn lóc
trong đống sách cũ, tôi xin lại đem về đặt vào đây, cuốn sách mà anh
đang cầm trong tay đó, vì còn cuốn cuối cùng trên giá sách này thì
một người bạn thân cầm về rồi "quên" chưa trả".
Ông trầm ngâm đưa trả cuốn sách không nói gì. Một
lần khác, cùng ông lên chơi nhà Thu Bồn ở "Suối Lồ Ồ", đến nơi thì
đã tối tròi, khi bước xuống xe thấy ánh đèn flash lóe sáng. Ông cầm
tay tôi nói to với các bạn cùng xuống xe: "đứng lại để người ta
chụp ảnh đã, chụp xong rồi hãy vào nhà", mọi người cười ồ. Lúc
ăn cơm, tôi nhắc với ông để in lỗi vì chưa đi photo cuốn sách để gửi
đến ông nhưng nói thêm là sách lạc hậu rồi, anh đứng mất thì giờ đọc
làm gì. Ông cười và yêu cầu gửi gấp, câu này ông nói hơi to. Thế là,
sáng hôm sau, một người học trò cũ của tôi, nay là "nhà báo", người
ngồi cạnh tôi tối qua ở nhà Thu Bồn và bả lả vui vẻ: "em tình cờ
thấy thầy và theo vào đây, vui quá, thầy cho phép em ngồi chứ",
bỗng bất ngờ đến chơi. Thầy trò gặp nhau vui vẻ, anh ấy xuống bếp
mươn mấy cái đĩa, lôi từ trong túi giấy ra mấy thứ bánh lá "em
biết thầy vẫn thích loại bánh này nên mang đến thấy dùng bữa sáng".
Vừa ăn bánh, vừa hàn huyên bao chuyện cũ, anh học trò hạ giọng,
"thầy ơi, cuốn sách thầy đinh photo biếu bác Độ, thấy có thể cho em
xem được không ạ".Biết việc anh ấy phải làm và mục đích của bữa ăn
sáng, tôi kéo anh ta đến giá sách, lôi cuốn sách ra đưa cho anh và
nói: "Mình nhờ cậu đi photo giúp mình, quả thật mình cũng đang
định làm chuyện này nhưng bận quá. Cậu photo cho mình 2 cuốn, một
mình giữ lại, một đưa biếu ông Độ, còn lại cậu muốn photo ấy bản đủ
cho công việc của cậu thì tùy"! Người ta "chăm sóc" ông Độ thật
chu đáo.
Nhưng rồi bộ sách"Trần Độ. Tác Phẩm tập 1, 2,3" do
NXB Hội Nhà Văn in rất đẹp cũng đã ra mắt bạn đọc. Dành thì giờ đọc
lướt qua mấy nghìn trang sách, nhưng những lời, những đoạn tôi trích
ra trong bài viết này thì không có ở trong đó.Thôi thì chăc là ai đó
đang sực nghĩ đến những bước đi của lịch sử và sự sòng phẳng của
lịch sử. Ngạn ngữ phương tây có câu: “Không có vĩ nhân dưới con
mắt của kẻ hầu phòng". Người hầu phòng mẫn cán và thông thạo
nghiệp vụ chỉ cần đánh giá khách hàng của anh ta thông qua đẳng cấp
căn phòng mà khách thuê và số tiến bo anh ta sẽ nhận được từ hầu bao
của vị khách.
Sực nhớ đến "Lời" trong "Bơ vơ
Đông đảo" của Việt Phương:
Những người lính trẻ ngã xuống ở Lạng Sơn
không liên quan gì đến ngày hôm nay nữa
Chỉ còn lo toan những ghế nhỏ lên ghế to
xe cúp lên ô tô chung cư lên biệt thự
trong cuộc đòi bơ sữa mà thôi.
Vậy thì người lính Trần Độ, tướng Trần Độ, nhà văn
hóa Trần Độ liệu có "bơ vơ" giữa cuộc đời "đông đảo"
này không nhỉ?
Tôi tìm thấy trong tâp thơ "Nắng" của
Việt Phương với đề từ "đời đang đón đợi để đong đầy"
vừa nhận được hôm qua hai câu:
Mong sao được là người mê muội
Lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời
Sài Gòn 8.8.2013
Nguồn : GS .TƯƠNG LAI
_______________________
*
Roger Pearson, (2005), Voltaire Almighty, London:
Bloombury Publishing. Tr. 66 – 67.
**
Maxim Gorky Những ý tưởng
không hợp thời đăng trên nhật báo Novaja Žizn
(Đời Mới) trong những năm 1917-1918.
NXB Surkamptaschenbuch của Đức ấn
hành năm 1974.
***Những đoạn có *** đều
trích trong "Giai Cấp Mới" của Milovan Dijlas
**** Những đoạn có **** đều
trích trong "Chuyện Tướng Độ" của Vũ Bá