Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

11 thg 6, 2011

Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch!


(Bài nguyên vẹn chưa bị “biên tập” như trên Vietnamnet)

imageCụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết phải đối mặt thế nào với “bọn cá mập” hung hãn để chúng không liều lĩnh dấn thêm từng bước hành vi tàn bạo của chúng: “Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công”.

Ngày hôm qua, mồng 5 tháng sáu 2011, tôi đã đi biểu tình, để nói lên sự công phẫn của tôi đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, và biểu lộ sự ủng hộ toàn diện của tôi với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước bạn ASEAN mà cái “lưỡi bò” của Trung Quốc muốn chiếm đoạt biển đảo thiết yếu cho cuộc sống hôm nay và sự phồn vinh ngày mai. 
Tôi đi biểu tình để vợi bớt sự cay đắng tích lũy từ nhiều tháng, nhiều năm qua. Cùng đi với tôi là những người bạn đã từng chia sẻ hoạn nạn và chung lưng đấu cật đấu tranh trong nhà tù của chế độ độc tài làm tay sai cho xâm lược Mĩ. Thế là thế hệ lục tuần chúng tôi đã gặp lại nhau, với đầu óc, trái tim và niềm tự hào của tuổi hai mươi, đoàn kết chống lại cuộc xâm lược mới. Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời trong sáng, không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức mạnh an nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là không sợ những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt.



Chúng tôi đã nhận lời chính quyền TP HCM, cụ thể là ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, và ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có nhã ý mời chúng tôi đối thoại. Với hai vị, chúng tôi đã khẳng định là chúng tôi kiên quyết lên án thái độ hiếu chiến, bành trướng chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi cũng nói rõ với các vị không gì và chẳng ai có thể ngăn chặn được sự phẫn nộ xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân, bởi đó là sự phẫn nộ lành mạnh, chính đáng và cần thiết để bảo vệ đất nước. Đó là sự phẫn nộ cứu quốc. Chúng tôi đã yêu cầu Chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để sự công phẫn được thể hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong sự tôn trọng trật tự.


Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì đối phương lầm tưởng im lặng là bạc nhược. Làm sao có thể trông mong vào sự ủng hộ của công luận thế giới nếu ta cấm đoán chính nhân dân ta lên tiếng? Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần trong lúc này. Làm sao mà những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước, ngày nay lại có thể cản ngăn quyền thông tin và hành động của nhân dân?


Trung Quốc đã quyết đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự ở Biển Đông. Điều ấy, cộng đồng quốc tế đã thấy nhãn tiền: vậy chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ! Trung Quốc vi phạm mọi thỏa thuận mà họ đã ký kết: chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ! Hải quân Trung Quốc sách nhiễu, khủng bố ngư dân Trung Bộ trên những vùng biển mà họ đánh bắt từ đời cha ông: chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ! Hãy lên tiếng trên đường phố, trong hàng quán, tại các trường phổ thông và đại học. Hãy thông báo về số phận những đồng bào bị sách nhiễu, bắt giam, cướp bóc và phá sản trên Biển Đông, phổ biến thông tin trên khắp nước, cho đến mọi vùng sâu vùng xa. Tóm lại: hãy thông báo trung thực về tình hình cuộc xâm lược ngày càng xấu xa và ráo riết.


Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! Ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của mấy chuyên gia Việt Nam để khẳng định điều ấy một cách âm thầm với vài chuyên gia quốc tế. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa ở cả nước. Tôi rất sửng sốt và đau buồn khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, hòn đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không được biết gì về địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em bị hải quân Trung Quốc bắt bớ, giam cầm, nhận chìm tàu thuyền. Biết bao tấm bản đồ hành chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình vì tại đây, tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh!


Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn tránh cho nhân dân mình đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc phải gánh chịu những hy sinh mới. Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng làm hại và tàn phá to lớn, nhất là đối với những nước lân cận như Việt Nam.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chứng tỏ họ không ngần ngại làm đổ máu Việt Nam: năm 1974, năm 1979, năm 1988. Ngày nay họ vẫn tiếp tục, họ vin vào bất cứ biểu hiện kháng cự chính đáng nào để hành động khiêu khích, giết chóc, phá hủy và chiếm đóng. Những con người đã làm đổ máu chính nhân dân họ, thanh niên của nước họ năm 1989, những con người ấy không biết băn khoăn, coi trọng mạng sống con người là gì. Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó sẽ đuổi theo anh và cắn anh. Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết điều ấy: “Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công”.


Có những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước hết là nói thật, nói sự thật. Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn những ngư dân ngày ngày phải liều mạng ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo 20 hải lý. Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, hung hãn, chắc là được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc đóng căn cứ ở Hoàng Sa. Còn ngư dân Việt Nam, tôi không thấy ai nói là cảm thấy được bảo vệ hay yểm trợ! Và khi gặp họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những món nợ to lớn phải trả. Thân cô thế cô, như ông Tiêu Viết Là, người xã Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam. Trợ cấp của Nhà nước hoặc không có, hoặc không thấm vào đâu. Phải anh hùng đến mức nào mới tiếp tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy!


Những người vợ góa của các ngư dân đã bị mất tích một cách bí hiểm ở khu vực Đá Bông Bay, một thứ “tam giác Bermuda” của Quần đảo Hoàng Sa, ngày nay sống đơn độc, hết sức cô độc, vì “quỹ tiết kiệm” duy nhất của họ là người chồng. No đói là nhờ chồng. Có chị thậm chí tiền không có để xây được một cái “Mộ Gió” cho chồng. Mùa mưa, không có tiền sửa lại mái dột trên căn nhà một gian trơ trọi. Tiền đâu cho con cái học thêm, mà việc học của con cái là nguồn hy vọng duy nhất cho những người góa bụa đau thương này.
Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền thi thoảng ban phát nơi này nơi kia không thay đổi được số phận của họ. Món tiền hàng tỉ đồng mà các đại gia bỏ ra để xây tượng đài ở Trường Sa không giúp gì cho họ sống qua ngày. Phải lên tiếng, phải nói về họ. Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên và tối thiểu cũng phải cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được học và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu các em phải được coi là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em, mẹ của các em là bảo vệ biển đảo, là bảo vệ đất nước một cách cụ thể và hữu hiệu.


Trong bối cảnh ấy, tôi lại càng sửng sốt khi thấy chính quyền tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện “tàu lạ” với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay “tàu Trung Quốc”. Họ chẳng “lạ” gì, sự thật rành rành đối với họ. Tại sao phải giấu cả tên bọn hung thủ mà không ai không biết? Tại sao còn bắt cả báo chí phải dùng chữ “lạ” ở đây? Cái gì hại đến khả năng tự vệ là có hại cho đất nước!
Nhiều bạn nói với tôi: Trung Quốc không như Mỹ đâu: họ khôn lắm, nên nguy hiểm hơn nhiều. Không chắc! Đúng là gần kề thì hiểm họa càng lớn và lâu dài, đúng là họ có kế hoạch bành trướng bạo liệt về mọi mặt – kinh tế, quân sự, ngoại giao và tuyên truyền đối nội – nhưng chưa chắc là họ đã cân nhắc đầy đủ những hậu quả của chính sách xâm lược ấy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là “khôn” không? Leo thang quân sự như vậy, họ đang tạo điều kiện xích lại gần nhau giữa những nước ASEAN mà lợi ích ở Biển Đông bị đe dọa. Sau các sự kiện Tây Tạng, Tân Cương, họ đang đánh mất chút uy tín còn lại đối với công luận quốc tế. Họ mở ra một trận tuyến mới, nghĩa là phải ghìm ở đây những lực lượng, nghĩa là chuyển hướng một phần đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu lưu tốn kém chắc chắn sẽ làm họ sa lầy. Đã qua rồi cái thời mà họ có thể ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những bất bình đẳng xã hội. Nguy cơ xảy ra rối loạn xã hội không thể dùng đàn áp mà đẩy lùi mãi mãi, và những rối loạn ấy sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế mà thực chất là tư bản chủ nghĩa. Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng: khó khăn của Bắc Kinh đang ở trước mặt, chứ không phải ở sau lưng. Đó là điều chắc chắn. Và lúc đó, họ sẽ phải trả lời trước nhân dân Trung Quốc, trước những người mà họ sách nhiễu, đàn áp, trấn lột.


Còn một bài học Lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn quên – như thế không “khôn” tí nào – đó là: về lâu dài, không thể làm nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc, bởi vì sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí. Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa, nói lên ý chí của người dân hải đảo. Khi một ngư dân mất tích vì bão biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai, để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là “mộ gió”, để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: “Dù các người làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với biển, với văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không gì, không ai có thể chiếm đoạt được”.

André Menras Hồ Cương Quyết

Nguon :BAUXIT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét