Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

20 thg 6, 2011

Trả giá


Năm 2009, khi đòi “quật” Bể than Sông Hồng, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã tung ra dư luận dự báo Việt Nam sẽ thiếu than trầm trọng, và sẽ phải nhập than, và nhập ngay từ năm 2013, và nhập đến cả trăm triệu tấn trong tương lai không quá 10 năm.
Bấy giờ, dư luận sốc nặng. Một quốc gia mà số lượng mỏ than, thể hiện bằng những chấm vuông màu đen chi chit trên bản đồ khoáng sản, một quốc gia “rừng vàng biển bạc” mà trữ lượng than lên tới 220 tỷ tấn cuối cùng đã “mút đến những ngón tay cuối cùng”.

Và bây giờ, khi TKV hân hoan thông báo những tấn than đầu tiên cập cảng (Vâng, chính xác là TKV đã hân hoan. Còn tại sao lại hân hoan thì cứ nhìn sang EVN, nhìn vào những số liệu xủng xoảng bị chi phối bởi “dã tâm thành tích” thì biết), sự trả giá hoá ra đã đến sớm hơn rất nhiều so với lời đe doạ của TKV.
Nhưng 9,5 ngàn tấn than nhập khẩu, một “thành tích” đau xót của KTV khi dưới sự “thống trị” của họ, Việt Nam rất nhanh chóng từ một nước xuất khẩu trở thành một nước nhập khẩu than.
Đã có những năm, việc xúc bán của KTV còn mang lại cho họ thành thích lọt top những ngành xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Thành tích của TKV ngày hôm nay rõ ràng là sự trả giá cho lối khai thác tài nguyên sa đoạ và vô tội vạ của hôm qua. Chúng ta đã có “một ngày hôm qua” vô tội vạ. Sự vô tội vạ kéo dài suốt nhiều chục năm với công nghệ khai thác kiểu cuốc xẻng, theo lối đào đất bán lấy tiền. Nhiều chục năm xuất than vô tội vạ với giá rẻ mạt, với hoạch định kiểu bóc ngắn cắn dài. Và nhiều chục năm những tập đoàn than thổ phỉ cạnh tranh lạnh lùng với những đoàn tàu nối dài vô tội vạ vượt biên đưa than về phương Bắc.

Mỗi năm, TKV vẫn xuất khẩu trên dưới hai chục triệu tấn than, có năm, họ xuất tới gần 32,5 triệu tấn. Và trước nguy cơ thiếu hụt nguồn than được cảnh báo từ trước, họ vẫn không thể ngừng xuất khẩu. Chỉ với một lý do duy nhất là để có tiền, có doanh số, có lợi nhuận với danh nghĩa “cân đối tài chính” cho việc bán than dưới giá thành cho nhu cầu trong nước. Nhưng ngay cả khi xuất tới 32,5 triệu tấn than thì giá trị của sự bán thô tài nguyên mang lại là rất rẻ mạt. Chẳng hạn với 1,08 tỷ USD thu được từ việc xuất thô hơn 32 triệu tấn than năm 2007, chỉ đủ mua lại 7,5 tấn than chỉ sau đó 1 năm.

Và giờ là đến lượt nhập. Năm 2012 phải nhập 10 triệu tấn. Năm 2020 sẽ là 100 triệu tấn “theo kế hoạch”, theo dự báo. Nhưng có lẽ, với việc những vỉa than lộ thiên ở Quảng Ninh đã cạn kiệt, với việc những tấn than ngoại đã được nhập sớm 2 năm so với dự kiến và tất nhiên là với cả công nghệ nhiệt điện ăn than như ăn gỏi, thì có lẽ con số 100 triệu tấn than nhập khẩu cũng sẽ rất sớm “vượt kế hoạch”.

Một câu hỏi cần được đặt ra: Ai sẽ là người được hưởng lợi từ việc nhập than. Câu trả lời rất dễ: Chỉ có thể là TKV dù người kêu gào nhiều nhất, cần nhiều than nhất là điện, là xi măng. Rất đơn giản là bởi bên cạnh độc quyền khai thác, họ còn có thêm độc quyền xuất nhập khẩu mặt hàng này.

Có một điều đáng chú ý: Khi ném ra dư luận những lời đe doạ về việc thiếu than lần đầu năm 2009, tức là gần 40 năm sau khi khái niện an ninh năng lượng được đưa ra sau cuộc khủng hoảng năng lượng 1973, TKV hướng tới việc đòi “quật” bể than Sông Hồng chứ không phải để rút kinh nghiệm cho việc quản lý, hoạch định và khai thác của mình. Bởi vậy, dù có trữ lượng dự đoán hơn 200 tỷ tấn, bể than Sông Hồng vẫn là quá ít cho cung cách quản lý và khai thác của TKV chừng nào những lời đe doạ và việc nhập khẩu than chưa được coi là hậu quả nhãn tiền của lối khai thác đào đất ăn tiền của một ngành độc quyền mà công việc chính là bán rẻ tài nguyên.
Vẫn phải nhắc lại là nạn than thổ phỉ chưa bao giờ chấm dứt với “kim ngạch” không dưới 10 triệu tấn mỗi năm.
Liệu an ninh năng lượng có nên phụ thuộc vào thành tích của chỉ một ngành, một tập đoàn, một cái đầu? 


Nguon : TUANDDK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét