Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

27 thg 8, 2011

Ba cái hớ của bà Phương Nga



 

Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao chiều ngày 25/8/2011, bà Nguyễn Phương Nga đã có những lời phát ngôn tôi không thể nuốt trôi vì nhiều cái hớ hênh đến kỳ lạ:  


 Cái hớ thứ nhất: Trả lời SGTT về vụ bắt bớ ngư dân Quảng Bình, bà PN cho biết tọa độ con tàu ở vĩ độ Bắc 17 độ 40′ và kinh độ Đông 109 độ 20′ nhưng khi tính cự ly với bờ lại theo luận điệu TQ là cách Hải Nam 35 hải lý và cách Đà Nẵng 109 hải lý(?!) Ai cũng biết , muốn tính cự ly tọa độ của hòn đảo hay con tàu so với đất liền thì phải kẻ đường gần vuông góc với đường bờ biển.Thế nên về mặt địa lý hành chính thì Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng còn Trường Sa thuộc Khánh Hòa và Cồn Cỏ thuộc Quảng Trị quản lý. Nhìn tọa độ con tầu của ngư dân vừa bị TQ bắt giữ ta thấy nó gần bờ nhất là đọan bờ biển giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị nhưng bà PN lại tính cự ly so với bờ biển Đà Nẵng nghĩa là kẻ một đường xiên cỡ 30- 35 độ so với đất liền nên cự ly xa bờ mới thành 109 hải lý, gấp 3 lần kẻ đường vuông góc tới bờ biển Hải Nam (TQ). Bà PN đã tự mình làm đuối lý mình nên mới phát ngôn run rẩy,lời lẽ ngoại giao mềm oặt như thể  van xin ông bạn láng giềng “Bốn Tốt” TQ rủ lòng thương: “ Ngay sau khi nhận thông tin, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã liên hệ với ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc xem xét sớm trả tự do cho ngư dân và tàu cá Việt Nam trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo, phù hợp với quan hệ giữa hai nước.” 


 Cái hớ thứ hai: Trả lời AFP về vụ trấn áp công dân biểu tình chống TQ ngày 21/8/2011, bà PN bỗng xuất thần có sáng kiến giúp UBND thành phố Hà Nội lập một trụ sở tiếp dân mới toanh: “Để thiết lập và bảo đảm trật tự an ninh tại khu vực bảo vệ, lực lượng làm nhiệm vụ đã áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2005 ngày 18-3-2005 của Chính phủ, đưa những người này về trụ sở tiếp dân tại Thành phố.” Ơ hay! Hà Nội- thành phố vì hòa bình, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam dân chủ gấp vạn lần bọn TBCN mà chính quyền lại có một trụ sở tiếp dân là đồn công an tận phường Mỹ Đình ư? Lúng túng, lỡ mồm nên bà PN vô tình thành kẻ bêu riếu chế độ…


 Cái hớ thứ ba: Bị phóng viên các hãng AFP, Reuteurs truy vấn về việc bắt giữ gần 50 người biểu tình chống TQ, bà PN không biết bấu víu vào đâu, không dưới 5 lần nhắc đến bản “Thông báo…” của UBND thành phố Hà Nội vẫn còn thấy chưa đủ, bà lại có lời khuyên: “Lý do tại sao chúng tôi đã giải thích rất rõ trong thông báo của UBND TP Hà Nội. Tôi khuyên bạn nên nghiên cứu kỹ văn bản này. Văn bản này thể hiện rất rõ quan điểm, lập trường của Hà Nội.” Khổ nỗi đây lại là văn bản không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký, con dấu của cá nhân hoặc tổ chức ban hành văn bản. Cứ đay đi đay lại mãi cái văn bản này làm khuôn vàng thước ngọc cho ký giả người nước ngoài thì bà PN lại tự mình bêu riếu chế độ thêm một lẫn nữa. Sao hớ hênh đến thế hở giời?…


Vũ Ngọc Tiến

26 thg 8, 2011

KHẢO SÁT VĂN BẢN THÔNG BÁO NGÀY 18/8/2011

 

Thí vấn dư sở phạm hà tội ?
Tội tại vị dân tộc tận trung!

(Hồ Chí Minh)

Phạm tội gì đây, ta tự hỏi

Tội trung với nước, với dân à?

(Nam Trân dịch)

Bản thông báo của UBND thành phố Hà Nội phát đi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày 18/8/2011 đã lập tức thành một “văn kiện lịch sử” về nội dung răn đe, ngăn chặn người biểu tình yêu nước và về hình thức bất chấp lề lối pháp quy của việc ban hành một văn bản hành chính. Nhiều người đã khảo sát “văn kiện” này dưới hai góc độ ấy. Ở đây tôi thử làm một phép khảo sát văn bản dưới góc độ ngôn ngữ học.


Trước hết là về tên gọi sự kiện ngày chủ nhật từ đầu tháng 6 đến nay. Sau ngày chủ nhật đầu tiên 5/6/2011, khi mọi người xuống đường đều gọi là đi biểu tình, thì trong một bản tin phát đi từ một cơ quan của chính phủ lại gọi đó là “tụ tập”. Cách gọi đó đã gây ra một làn sóng bất bình, phản ứng mạnh mẽ ở những người tham gia biểu tình và ở những người có sự nhìn nhận khách quan. Một ông phó trưởng ban tuyên giáo trung ương trong buổi giao lưu với tờ báo của ngành công an cũng không dám gọi thẳng tên sự việc là biểu tình mà nói loanh quanh. (Chuyện này tôi đã viết trong bài “Ông phó trưởng ban tuyên giáo trung ương không biết đọc từ điển tiếng Việt”). 
Trong thông báo 18/8, UBNDHN dùng cùng lúc ba tên gọi “tụ tập, biểu tình, tuần hành” để chỉ các cuộc xuống đường trong hơn hai tháng qua. Điều đó cho thấy, thứ nhất, chính quyền đã phải thừa nhận đó là biểu tình, nhưng thứ hai, thừa nhận mà vẫn lúng túng, vẫn không dám gọi đúng tên sự việc, nên dàn hàng ngang ba tên gọi để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Cũng có thể hiểu theo trật tự trước sau của ba tên gọi thì chính quyền đã nhìn nhận cuộc xuống đường đã phát triển từ “tụ tập” tiến lên “biểu tình” và chuyển thành “tuần hành” cùng với một nội dung là “tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”. Hiểu theo cách này thì chính quyền đã gọi đúng nội dung thực sự của sự kiện biểu tình. Cái từ “tự phát” ở đây cũng rất chính xác, vì nếu có một tổ chức nào nằm trong hệ thống chính quyền hiện hành đứng ra xin phép cho người dân biểu tình phản đối Trung Quốc thì không thể nào được, còn một tổ chức nào nằm ngoài hệ thống chính quyền hiện hành đứng ra làm việc đó thì đã bị quy là trái pháp luật và bị chính quyền xử lý ngay rồi. “Tự phát” đúng là tính chất của các cuộc xuống đường vừa qua, và chính quyền đã lại thấy ra nguồn gốc sự tự phát đó là “xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.” Rất đúng! Nhưng cần phải thấy thêm nữa rằng, sự tự phát đó bùng ra được là căn cứ vào Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định một quyền của công dân là quyền được biểu tình. Còn nói “tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân” dẫn đến những cuộc biểu tình tự phát yêu nước thì là một sự dũng cảm của chính quyền khi công khai thừa nhận một tâm trạng có thật của nhân dân trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng đấy là suy luận của người đọc, còn người soạn thảo văn bản đưa mệnh đề ấy vào chắc là để gài sẵn một cái cớ cho lập luận sau đó nói phải ngăn chặn biểu tình. Trong tiếng Việt, nói “bức xúc” luôn phải có bổ ngữ cho động từ này: bức xúc về ai, bức xúc về cái gì. Bổ ngữ đối tượng ấy chính là cái chính quyền lo sợ.


Như vậy, đoạn mở đầu thông báo 18/8: “Trong các ngày Chủ nhật từ đầu tháng 6 năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp diễn ra các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Những ngày đầu, các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.” cho thấy UBNDHN đã phải thừa nhận một sự thật. Từ chỗ miệt thị gọi những cuộc xuống đường yêu nước của người dân là “tụ tập” đến chỗ phải thêm vào hai từ “biểu tình” và “tuần hành”, chính quyền đã không thể chối bỏ một hiện tượng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ở trong một văn bản trái pháp quy được ban ra nhằm chấm dứt hiện tượng không thể chối bỏ đó.

Lý do để chính quyền ra lệnh chấm dứt các cuộc “tụ tập, biểu tình, tuần hành” nằm ở câu tiếp liền sau: “Những ngày gần đây lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô.” Cụm từ “những ngày gần đây” ở câu này là để đối lại cụm từ “những ngày đầu” ở ngay câu trên, như vậy là chính quyền có sự phân kỳ 10 cuộc biểu tình từ 5/6 đến 14/8 thành hai giai đoạn: “tự phát” và “kích động”. Mà kích động là có tổ chức (“các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước”). Nếu thực tế có diễn ra thế, nếu nguyên nhân đó có thực, thì việc phát hiện ra các thế lực, tổ chức đó trong “những ngày gần đây” và vô hiệu hóa, loại trừ chúng, để quần chúng nhân dân vẫn được bày tỏ tinh thần yêu nước một cách tự phát như “những ngày đầu” là chức năng, nhiệm vụ của chính quyền với hệ thống công cụ trong tay. Vì chính quyền đã thừa nhận tính chất của biểu tình và đã tìm ra nguyên nhân làm chệch hướng biểu tình (như họ nói) thì chỉ việc khắc phục sự chệch hướng, trả lại ý nghĩa nguyên sơ cơ bản của biểu tình hợp với lòng dân là xong. Nếu không làm được thế mà vin cớ “những ngày gần đây” để dẹp “những ngày đầu” thì chính quyền đã lộ ra là mình yếu kém, bất lực hay sao. Như vậy khác nào muốn hắt đổ chậu nước bẩn thì hắt luôn cả đứa bé đang ngồi trong chậu!

Do tư duy phân kỳ biểu tình hai giai đoạn, lấy đoạn sau xóa đoạn trước,  nên câu chữ ở các phần sau của thông báo 18/8 rất lúng túng và mâu thuẫn. Vừa thừa nhận biểu tình là yêu nước (mệnh đề này tướng Nhanh giám đốc công an thành phố đã nói rất dứt khoát trong cuộc giao ban ngày 2/8 được đăng tải rộng rãi trên các báo chí) thì đã lại quy cho biểu tình làm xấu hình ảnh thủ đô, làm mất an ninh, trật tự phố phường. Biểu tình mà không biểu ngữ, khẩu hiệu, không hô hào, kêu gọi, không cuốn hút mọi người tham gia, để thể hiện công khai chủ đề, nội dung biểu tình (“phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”), thì sao gọi là biểu tình. (Và thực tế các cuộc xuống đường vừa qua không hề lộn xộn, luôn đi có hàng lối, nếu có khi cản trở giao thông, được cảnh sát yêu cầu, đoàn người đã chấp hành đúng luật lệ.) Đặc biệt, vừa thừa nhận “các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân” thì đã quay sang quy kết “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin, ngộ nhận tham gia biểu tình tự phát là thể hiện tinh thần yêu nước”. Điều này cho thấy chính quyền vừa thiếu tôn trọng nhân dân vừa loay hoay như gà mắc tóc trong ma trận chữ nghĩa do mình tung ra. K. Marx nói “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy” thật quả chính xác.

Mệnh đề “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin” nên sinh ra ngộ nhận, vì ngộ nhận nên tham gia biểu tình, dễ khiến người ta nghĩ theo lối “từ đó suy ra” đơn giản như sau: đa số quần chúng do đủ thông tin nên không ngộ nhận, từ đó không tham gia biểu tình. Để xem lối nghĩ này có đúng hay không, chỉ cần đọc lời phát biểu của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII, sau khi các đại biểu được nghe Bộ Ngoại giao báo cáo kín tình hình Biển Đông tại hội trường. Ông Quốc nói: “Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy một tiếng và không có thảo luận. Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì CP đã làm, nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.” Vậy là nếu dân chúng có thiếu thông tin thì do chính quyền không cung cấp thông tin, nhưng không phải vì thiếu thông tin mà dân chúng ngộ nhận biểu tình. Ngược lại, trong thời đại thông tin toàn cầu và thế giới phẳng ngày nay, những người biểu tình có được nhiều thông tin không qua con đường chính quyền. Những thông tin đó có thông tin sạch và thông tin nhiễu. Nếu những thông tin họ nhận được bị nhiễu mạnh thì lỗi là ở chính quyền không cung cấp cho họ thông tin sạch. Nhưng bản thân họ cũng biết lọc thông tin.Vì thế, từ các thông tin nhận được, họ lo lắng cho sự an nguy của đất nước, từ nỗi lo đó họ tự phát xuống đường bày tỏ sự phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sự tự phát này, xin nhắc lại một lần nữa, là đúng pháp luật vì được bảo đảm bằng Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, một tác động quan trọng khác của các cuộc biểu tình vừa qua ngoài khơi dậy lòng yêu nước của người dân là đặt Quốc hội trước đòi hỏi cấp thiết của hoàn cảnh chính trị-xã hội hiện thời phải cụ thể hóa điều quy định của Hiến pháp thành Luật biểu tình. Nếu không, người dân vẫn có quyền tự phát biểu lộ lòng yêu nước trên cơ sở Hiến pháp, còn chính quyền thì lúng túng đối phó, ngăn chặn bằng những bản thông báo trái pháp luật, sai quy cách trong khi đang hô hào cải cách hành chính.

Giao lực lượng Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với chính quyền các cấp, các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành, ủng hộ và tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự.” Đoạn này của thông báo 18/8 đã gài sẵn chốt bật đèn xanh cho việc trấn áp biểu tình. Lực lượng công an là công cụ bảo vệ pháp luật, nó không phải là chủ thể pháp luật, do đó giao nó chủ trì tức là đã đặt bạo lực lên trên tuyên truyền, lấy răn đe thay giáo dục, đưa chính quyền vào thế đối lập chứ không phải đối thoại với nhân dân. Lẽ ra ở đây câu chữ phải thể hiện vị trí và vai trò của các cơ quan, đoàn thể theo một trật tự khác, đề cao sự đồng thuận chứ không phải sự chia rẽ lấy cớ là có sự khác biệt trong nhận thức của người dân và của chính quyền trước vận mệnh đất nước. Đoạn này cũng mâu thuẫn với lời tuyên bố của tướng Nhanh hai tuần trước đó là công an thành phố và cấp trên không chủ trương đàn áp biểu tình. So sánh lời tuyên bố của một vị tướng công an hôm 2/8 và lời thông báo hôm 18/8 của UBNDHN thì rõ là lực lượng công an đã được chính quyền bắt vào thế làm ngược ý mình. Và vì lực lượng công an là công cụ của chính quyền và lại được chính quyền giao cho trách nhiệm chủ trì dẹp biểu tình nên lời ông tướng muốn tỏ rõ sự độc lập của ngành mình thành vô hiệu.


Thực chất, toàn bộ câu chữ của bản thông báo 18/8 với những lập luận mâu thuẫn, thiếu logic, chỉ cốt để đưa tới điều này: “Đối với những người cố tình không chấp hành, tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và xử lý theo quy định của pháp luật.” Rốt cục chính quyền đã vất đi hai từ “biểu tình” và “tuần hành” nêu ở đầu văn bản, lại nhốt hết mọi người xuống đường vào mệnh đề “tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ” để dễ bề ra tay “áp dụng các biện pháp cần thiết”. Bởi vì người biểu tình họ tự phát nhưng thấy mình làm đúng, họ đi đứng trật tự, đàng hoàng, họ hô những khẩu hiệu yêu nước, nên khi bị cảnh sát xô vào ngăn chặn, bắt giữ, họ phản ứng, họ vùng vẫy, thế là họ bị sa bẫy “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ”. Ma trận ngôn từ biến thành vòng vây cảnh sát là vậy.


Hơn bốn mươi người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày chủ nhật 21/8/2011 là hệ quả tất yếu của một văn bản được soạn thảo bất chấp logic ngôn ngữ và phép tắc hành chính chỉ cốt tạo ra một cơ sở pháp lý để bắt người biểu tình, dù cho cơ sở pháp lý đó là vi hiến và sai thủ tục.


 Hà Nội 22.8.2011 
Phạm Xuân Nguyên

25 thg 8, 2011

Công lý trả đũa


8 năm trước, một "người đi bộ không đúng luật" gây chết người đã được đưa ra xét xử tại TP HCM. Vụ này có hậu quả nghiêm trọng là gây chết người. Đây là vụ đầu tiên của cả nước, mang tính chất án điểm dù không xử lưu động công khai. Án 9 tháng cải tạo không giam giữ.

Suốt 8 năm nay, không có thêm vụ thứ hai dù những người đi bộ cản trở giao thông vẫn xảy ra như cơm bữa. Mới biết án điểm chả hề có tác dụng nếu nó chỉ trừng trị mà không có tác dụng giáo dục ý thức pháp luật của người dân.

Khi clip thiếu nữ tóc đỏ, mặt mày hung tợn đẩy dúi, tát cảnh sát giao thông được tung lên mạng, 99% người xem đều cảm thấy bất bình. Những bình luận đều cho thấy họ phẫn nộ trước hành vi quá chợ búa và vô giáo dục của một cô gái còn rất trẻ. Hành vi của cô cần được xử lý bằng pháp luật, để đảm bảo sự nghiêm mình của pháp luật.
Nhưng khi cô nữ sinh chưa đầy 18 tuổi mặc áo trắng, đứng lẻ loi trước vành móng ngựa và nhận bản án 9 tháng tù cho một cái tát, dù là cái tát vào biểu tượng pháp luật, thì dư luận lại bức xúc với bản án của các vị phán quan, cũng nhân danh pháp luật. 9 tháng tù cho một cái tát là một bản án quá nặng nề.
Sự nặng nề có ngay trong phần lập luận của bản án khi hành vi của cô được đánh giá là "nguy hiểm cho xã hội", là "ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe" của những người thực thi pháp luật.

Có đến mức độ như thế hay không? Có nguy hiểm đến mức nhất thiết "cách ly khỏi xã hội" hay không? Có lẽ phản ứng của hàng trăm người dân dự tòa và hàng ngàn comment trên mạng Internet trong 24h qua cũng đủ để trả lời: Đã không xuất hiện cảnh ném đá.

Nền pháp luật của thời đại văn minh khác với thời trung cổ ấu trĩ ở chỗ nó phải đặt giáo dục lên trên sự trừng phạt. Một bản án, dù là vô tư, cũng phải có lý, có tình. Nếu một bản án điểm, xử lưu động, gây phản ứng dư luận về sự nghiêm khắc đến hà khắc, nặng nề y như một sự trả đũa, thì liệu đó có phải là bản án phản tác dụng giáo dục ý thức pháp luật chung?
Nữ sinh 18 tuổi, nữ bị cáo đã khóc tại tòa. Cô nói cô hối hận. Cô bảo cô đã sống trong sự dằn vặt và sợ hãi. Và một chi tiết, tưởng nhỏ, là cô đã nhuộm lại mái tóc đen của mình.
Liệu có nên trừng phạt nặng nề một người đã nhận ra và hứa sửa chữa lỗi lầm của mình?

Nguồn ĐÀO TUẤN BLOG

23 thg 8, 2011

“Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”

Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.

Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “
Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.


Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.


Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…



* * *



Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày


Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “
cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bóp”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?

Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên “an ninh quốc gia”, họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm. Những việc ấy, ở nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện kiểm sát v.v. cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.


Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích. Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi.


Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.



* * *



Cái cảm giác xa lạ này đã nhiều lần đến với tôi. Lần đầu tiên, là ngày tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi. Tôi thường được bố mẹ cho lên nhà ông bà chơi – một căn nhà áp mái ở phố cổ, nhỏ xíu, nóng như điên như dại, có khung cửa sổ tròn màu xanh cổ kính, rất đẹp, và rất không ăn nhập với bức tường lở loét, gian buồng chật đến không thể chật hơn. Đó là một khung cửa sổ thời Pháp thuộc.


Lúc ấy tôi không biết rằng lẽ ra, khung cửa sổ ấy là của một ngôi nhà kiểu Pháp rất bề thế. Hòa bình lập lại, ngôi nhà bị xé nhỏ, ông bà tôi được ở phòng xếp mái. Toàn bộ khuôn viên còn lại dành cho các cán bộ mới về tiếp quản.


Tôi nhớ tôi đã hăng hái đi lấy nước hộ ông bà. Xuống máy nước, hứng đầy xô, rồi lũn cũn xách lên gác, tới khoảnh sân chung chừng ba mét vuông trước cửa một căn buồng đóng kín, tôi đặt phịch cái xô xuống. Nước sóng sánh tràn ra ngoài. Cửa xịch mở và một ông lao ra. Nhìn vũng nước trên sàn, bộ mặt ông ta nhăn nhúm lại, kèm tiếng rít lên: “
Á, con này, con này…”.

Đứa bé 5 tuổi kinh hãi đứng chết sững, mặt tái dại (có lẽ thế). May mắn thay, ông nó xuất hiện kịp thời, xin lỗi hàng xóm và xách xô nước, dắt nó lên nhà. Sau đó nó được người lớn bảo cho biết, ông láng giềng vốn là một cán bộ công an tên M., nghiêm lắm, tại nó làm sánh nước ra sân chung trước cửa nhà ông ấy nên ông ấy mắng cho là đúng rồi. Nhưng từ ngày ấy, đứa bé cứ sợ sợ, nó tự hỏi làm sao người hiền từ như ông bà nó lại ở gần cái ông công an ác như con ma thế. Trẻ con mà, chúng thường nghĩ ai xung quanh cũng phải hiền và yêu chiều chúng nó như ông bà, bố mẹ chúng nó; người tốt dứt khoát là phải ở với người tốt.


Đứa bé đâu có biết, ngôi nhà ấy không còn là của ông bà nó nữa từ ngày giải phóng thủ đô.



* * *



Bây giờ tôi đã lớn, và ông bà tôi đều đã mất từ lâu. Ngôi nhà xưa nay càng xa lạ hơn. Thỉnh thoảng nghĩ đến ông (như lúc này đây), tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi ngồi trong lòng ông – cụ giáo dạy sử, dạy toán trường Hàng Kèn – và nghe ông thủ thỉ: “
Ông đố cháu ông này, triều Hậu Lê có bao nhiêu vua?”. Và tôi reo lên: “Cháu biết rồi, “Đời vua Thái Tổ Thái Tông; con bế, con bồng, con dắt, con mang”, mở đầu phải là Thái Tổ nhé…”. “Đúng rồi, cháu ông giỏi. Thế triều Nguyễn có bao nhiêu vua?”. “Ưm… Gia Long này, Minh Mạng này, Thiệu Trị này…”.

Ông ơi, sinh thời, có bao giờ ông nghĩ, lớn lên cháu sẽ thành một trong những phần tử “bất mãn”, “chống phá”, từng bị quy kết là “xâm hại an ninh quốc gia” không, ông của cháu? Có bao giờ ông tưởng tượng được, bạn của nó, một thanh niên rất yêu và rất giỏi môn lịch sử, bây giờ đang bị giam đâu đó “trong kia” vì tội tham gia biểu tình… chống Trung Quốc gây hấn không, ông của cháu?


Anh tôi làm thơ:


… Bao giờ cho đến ngày xưa,

Cháu thành thằng bé ngồi vừa lòng ông?

Nhưng tôi không biết làm thơ. Tôi chỉ ao ước, giá ông bà tôi còn sống… tôi sẽ hỏi ông bà thật nhiều về lịch sử, về quá khứ của Việt Nam thế kỷ 20: thời Pháp thuộc, những ngày tháng căng thẳng tiền khởi nghĩa, cách mạng mùa thu 1945, tạm chiếm, cuộc đấu tranh thầm lặng của người dân trong lòng thành phố, bộ đội về thủ đô, ký hiệp định hai miền chia cắt, dòng người tản cư, tiếng mẹ gào gọi con, những đêm Khâm Thiên lửa đỏ trời, chiến thắng rộn rã, rồi bo bo, cơm độn, gạo tấm, những mảnh tem phiếu…


Rồi tôi sẽ hỏi ông: Người ta có nên yêu nước, nên gắn bó với đất nước không ông?

Hà Nội, buổi chiều trống rỗng 21/8/2011
Nguồn : ĐOAN TRANG BLOG

Tại sao lãnh đạo Hà Nội lại làm như vậy?


Tôi thật sự không thể nào hiểu nổi: tại sao Thành ủy, UBND TP Hà Nội và những người lãnh đạo cao hơn nữa lại làm như những gì đã diễn ra đối với người biểu tình 10 Chủ nhật nay tại Hà Nội để phản đối Trung Quốc gây hấn ở vùng biển của nước ta?


Đáng lẽ đại diện lãnh đạo Hà Nội chỉ cần gặp đoàn biểu tình lần thứ 10, mời họ vào hội trường, cùng nhau trò chuyện. Chỉ cần nói rằng các bác, các anh chị em biểu tình bày tỏ lòng yêu nước là chính đáng, cảm ơn họ đã vì nước mà dấn thân… Những người lãnh đạo và nhân dân ta đều yêu nước cả, cũng bức xúc, sục sôi trong lòng… Nhưng chủ trương của lãnh đạo hiện nay không nên có những cuộc biểu tình tự phát như thế… Vì những lý do sau… Vì vậy các bác, các anh chị em hãy cố nén lòng, hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng cách khác… Chúng tôi ghi nhận tấm lòng, hành động của các bác, các anh chị em và mong mọi người hãy ngưng các cuộc biểu tình từ Chủ nhật sau…

Rồi lắng nghe, đối thoại, chia sẻ suy nghĩ, tâm tư, tình cảm với nhân dân... Tôi tin rằng chính quyền và những người biểu tình sẽ tìm được sự đồng thuận, trên cơ sở của lòng yêu nước.

Người biểu tình là những ai? Họ là những nhân sĩ, trí thức, cựu chiến binh, nam nữ công dân ưu tú, có văn hóa, có trách nhiệm xã hội… Họ xứng đáng được các cấp lãnh đạo tiếp xúc trò chuyện một cách đàng hoàng để bàn đến những vấn đề lớn của dân tộc, của đất nước (chứ không phải nghe loa oang oang đọc điều 38CP…)!

Nếu làm như vậy tôi tin rằng những người biểu tình sẽ đồng cảm với chính quyền và ngưng biểu tình, bày tỏ lòng yêu nước bằng những cách khác.

Nếu làm như thế mọi người dân nhìn vào đều thấy đồng lòng, vì có lý có tình giữa chính quyền và dân.

Nếu làm như thế những người lãnh đạo đã chứng tỏ sự chân thành lắng nghe dân, gần dân, hiểu lòng dân, trọng dân và biết giải quyết những khác biệt chính kiến xã hội một cách dân chủ, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết nhân dân với chính quyền… Đó chính là tư tưởng căn bản của Hồ Chí Minh.


Nhưng tiếc thay, chính quyền Hà Nội đã làm hoàn toàn ngược lại!

1. Họ đã đàn áp, bắt bớ, đe dọa, sách nhiễu, ghi vào sổ đen, cho người theo dõi những người biểu tình và cả gia đình họ. Điển hình là vụ CA Minh đạp vào mặt anh Chí Đức, trong khi anh đang bị mấy CA khác khiêng vứt lên cửa xe bus. Anh Đức là ai? Là một đảng viên trẻ trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cái đoạn ghi hình “CA đạp mặt dân” đó truyền đi khắp thế giới. Rõ như thế mà ngành CA cứ nhắm mắt tuyên bố trước báo chí là “không có chuyện CA đánh, đạp người biểu tình!”. Chỉ một lời công nhận sự thật và chân thành xin lỗi dân mà cũng không thể nói ra được! Lạ thế! Thay vào đó là thái độ đổi trắng thay đen trơ tráo, làm phơi bày hết hết bản chất những gì họ quen nói và làm. Họ đã tự làm mất hết cả lòng tin của dân vào những lời nói, việc làm của CAND, vốn từ dân mà ra, vì dân phục vụ!


2. UBND TP Hà Nội, ngày 18/8/2011 ban ra một bản thông báo “cấm biểu tình” không đủ căn cứ pháp lý, không được ban hành theo những thủ tục hành chính thông thường và đặc biệt không có người ký để xác định cá nhân chịu trách nhiệm… Thông báo này còn “chụp mũ”, đe dọa rằng: “…lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống đối nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô”(?). Bản thông báo được đồng loạt đăng trên các báo, phát sóng tên truyền hình… Sau đó là chỉ đạo viết những bài báo như của Nguyễn Việt, đăng trên ANTĐ, lên mặt dạy bảo, phê phán những người biểu tình là ngây thơ chính trị, bị “các thế lực thù địch lợi dụng, xui giục”, rồi quy kết “động cơ” này nọ. Theo tôi, mấy người ra cái thông báo và viết những bài báo nhảm nhí đó rất hỗn, họ không đáng là học trò của các nhân sĩ, trí thức đi biểu tình và ký tên phản đối bản thông báo ngu dại ấy! Họ đã đẩy những người biểu tình yêu nước đáng kính trọng về phía thù địch, hoặc là tay sai cho “các thế lực thù địch”! Tôi không đi biểu tình mà còn thấy giận dữ, thì làm sao những người đã tham gia biểu tình đáng kính ấy chịu được cách hành xử thiếu văn hóa, phản chính trị như vậy?

3. Tối 20 và sáng ngày 21/8/2011, Hà Nội huy động mọi lực lượng công an, dân phòng, các lực lượng trong “toàn hệ thống chính trị” và các phương tiện chống bạo động để quyết tâm phá tan lực lượng biểu tình! Các cuộc họp kín từ cấp nọ đến cấp kia. Khắp Hà Nội, từ thành phố đến quận, huyện, phường, tổ dân phố (nghe nói cán bộ dân phố được phát 30.000 đồng/ngày) chỉ nhằm đè bẹp bằng được những người biểu tình. Họ huy động hết bộ máy “quân, dân, chính, đảng” ở địa phương, chia nhau thành nhóm 5–6 người, đến nhà từng người đã tham gia biểu tình để “vận động”, đe dọa đủ các kiểu. Lão thành cách mạng, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Võ Thị Hảo cũng có 6 – 7 cán bộ liên ngành đến “giải thích”, “giác ngộ”! Rồi dùng người thân trong gia đình vận động, kiềm chế… khiến cho nhiều gia đình mâu thuẫn nhau, tranh cãi nhau về lòng yêu nước! Thế là tự họ đã huy động toàn bộ lực lượng, chính họ gây ra xáo trộn xã hội, gây căng thẳng gia đình, gây lo hãi cho người dân, làm xôn xao dư luận… loạn cả thành phố chứ không phải là những biểu tình!

4. Đặc biệt sáng ngày 21/8/2011, sau “lệnh cấm biểu tình”, trời u ám, tuôn mưa mà những người biểu tình vẫn tiếp tục. Họ biểu tình hôm nay không chỉ vì yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn mà còn muốn khẳng định quyền công dân chính đáng của họ.

Và điều tồi tệ đã xảy ra: các lực lượng CA chìm nổi cùng dân phòng, “thanh niên xung kích”… đã xô đẩy, giằng co, bắt bớ những người biểu tình đẩy lên xe buýt. Một cảnh hỗn loạn “huynh đệ tương tàn” diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ngay tại trung tâm Thủ đô. Tất cả diễn ra trước mắt bao người dân và được ghi hình truyền đi khắp thế giới, lưu vào ký ức lịch sử nước nhà! Chủ nhật trước, cảnh biểu tình văn minh, trật tự, đẹp cho Hà Nội bao nhiêu, thì cảnh bắt bớ sáng nay thô bỉ, hỗn loạn, làm xấu xa cho Hà Nội bấy nhiêu! 

Vì sao họ lại làm như thế?

- Có lẽ vì họ đã quen lối mòn suy nghĩ, như là quán tính, định kiến: ai nói và làm gì trái với quan điểm của chính quyền (bất kể đúng hay sai) đều là “tiêu cực”, “không chấp nhận được” và nếu tiếp tục “ngoan cố” thì sẽ quy kết là liên quan đến “thế lực thù địch”, “chống phá nhà nước XHCN”…

Với cách tư duy đó bất kể người dân nào, dù là lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức hay học sinh, sinh viên đều có thể bị kết tội nếu có suy nghĩ, hành vi trái với quan điểm của chính quyền! Giới trí thức là đối tượng “đáng ghét nhất”, vì hay có quan điểm “khác với đa số”, “đi ngược” với suy nghĩ của chính quyền…

- Có lẽ vì họ quen suy nghĩ và hành động bạo lực bằng cách huy động toàn lực lượng của “hệ thống chính trị” trong đó lực lượng CA là nòng cốt để đè bẹp “một cá thể” hay “một nhóm người” dám “làm trái ý chính quyền nhân dân”. Họ muốn qua đó gây sợ hãi cho những người khác, cho toàn xã hội, khẳng định “sức mạnh vô địch của bạo lực cách mạng”! “Nghe theo chính quyền thì sống, chống lại chính quyền thì chết!”…

Cái cách nghĩ và làm này học từ Trung Quốc và đã áp dụng từ Cải cách ruộng đất, từ vụ Nhân văn Giai phẩm và nay vẫn quen hành xử như vậy. Và kẻ mạnh là chính quyền bao giờ cũng “thắng”, vì kiểm sát, công an, tòa án, bộ máy tuyên truyền đều trong tay chính quyền! Họ trở nên kiêu ngạo, trắng trợn, coi khinh dân, nhất là đối với “một nhóm người tụ tập”…!

Cách hành xử này đã gây lên bao nhiêu vụ án oan sai và chồng chất những cuộc “khiếu kiện đông người” không dứt, diễn ra khắp cả nước từ mấy chục năm nay. Cách hành xử đó ngày càng đưa chính quyền xa rời dân! Thật nguy hiểm và đau lòng.

- Họ đã quen cách suy nghĩ áp đặt và hành xử bạo lực như trên quá lâu và “rất hiệu quả” trong việc giữ vững “ổn định chính trị - xã hội” (không lộn xộn như ở các nước tư bản) nên họ đã bị mất dần khả năng đối thoại dân chủ với nhân dân. Nếu họ có bắt buộc phải tiếp xúc với dân thì chỉ đem các điều luật này nọ ra giải thích, hù dọa…

Họ dường như đã mất khả năng trò chuyện chân thành thẳng thắn với dân một cách thuyết phục. Có tiếp dân thì cũng tiếp một cách đối phó, hứa hão, đùn đẩy cho qua chuyện… Thậm chí, chỉ mấy cháu nhỏ học sinh nghịch ngợm, họ bắt vào đồn cũng không biết nói chuyện với các cháu mà chỉ biết tra xét, đánh đập…

Họ sợ đối thoại với người biểu tình mà thay bằng bạo lực cho nhanh gọn! Thật kinh hãi!

- Một lý do căn bản nữa, khiến chính quyền sợ đối thoại với dân, nhất là nhân sĩ, trí thức vì có lẽ họ đã vướng mắc vào những chuyện mờ ám gì đó, không thể / khó trả lời thuyết phục được dân. Và do đó họ sợ dân, tránh né dân, cho cấp dưới dùng các thủ đoạn đối phó với dân.

Tôi nghĩ mãi, tại sao Thủ tướng Anh tiếp mấy học sinh và giải quyết chuyện vé xem bóng đá của mấy em đã đặt mà người ta tùy tiện cắt của các em; tại sao Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp tiếp và trò chuyên với anh em hai cậu bé mới 7 và 5 tuổi về vấn đề nợ công của đất nước. Ông Chủ tịch đầu bạc cúi xuống lắng nghe cậu bé 7 tuổi, thọc tay túi quần, hiên ngang nói “Cháu không muốn các bác bán hòn đảo đi để trả nợ, Đất nước không thể đem bán!”. Ông Chủ tịch đã trân trọng bắt tay và cảm ơn cháu bé… Thế mà ở ta bao nhiêu bức tâm thư đầy trí tuệ và tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng gửi đến các cấp lãnh đạo cứ như gửi vào chốn hư không!? Họ khinh rẻ hay sợ hãi không dám đối mặt? Thật khó hiểu.

Và cũng theo cách đó, những người biểu tình yêu nước một cách hòa bình, văn minh, lịch sự - những công dân đáng kính trọng đã không được lãnh đạo chính quyền tiếp chuyện, mà thay bằng lực lượng tay chân của chính quyền dùng bạo lực để bắt bớ, đàn áp coi họ là những “phần tử chống đối chế độ”!... Họ xem người biểu tình và các tầng lớp nhân dân ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước là những người đối kháng với chính quyền! Họ cho thanh niên lập sân khấu quanh bờ hồ ca múa để “phản biểu tình”, chứng tỏ đó mới là những người yêu nước. Họ đã cố tình tạo ra sự chia rẽ giữa những người dân yêu nước…


Họ không biết rằng thời nay là thời nào mà còn hành xử như thế? Thời đại của toàn cầu hóa, dân chủ hóa, tin học hóa… làm sao có thể nhắm mắt, hành xử như thời trung cổ mãi được?

Dù tôi đang bận viết những cái người ta đã đặt tiền và thú vị, tôi vẫn phải bỏ thời gian suy tư và viết bài này, vì một công dân khi thấy những điều ngang trái, không thể không lên tiếng. Biết rằng bài viết này làm chính quyền rất khó chịu và CA sẽ cho tên mình vào sổ đen… nhưng lòng trung thực của con người không cho phép tôi nói /viết những điều trái với suy nghĩ thực của mình. Đó chính là điều khiến làm tôi hiểu tấm lòng những người đi biểu tình yêu nước.

Tôi biết, triết lý của chính quyền này là: “ai khen ta (dù đúng hay sai, tốt hay đểu) đều là bạn ta; ai chê ta, dù đúng, cũng là kẻ thù của ta!”. Thế mà tôi vẫn phải viết những dòng này! 



Đêm 21/8/2011

M.V.T.
Nguồn : BOXITEVN

Kẻ thù!


Trước đây…

Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi vào Đảng cộng sản, một trong những vấn đề cốt yếu nhất mà tôi thường phải học đi, học lại là xác định rõ kẻ thù dân tộc trong từng thời kỳ.
Thời chống Pháp, chúng tôi biết rõ đồng minh số một của Pháp là Mỹ, nước giúp Pháp hơn 80% chiến phí. Rồi kế tiếp Mỹ là nước nào, nước nào. Đến thời chống Mỹ, dù miền Nam có chính phủ Việt Nam Cộng hòa, được nhiều quốc gia công nhận, nhưng chúng tôi được xác định Mỹ mới là kẻ thù chính và “Mỹ cút” thì “ngụy nhào”. Chúng tôi biết Pháp không phải đồng minh của Mỹ. Pháp là một trong những nước đầu tiên chấp nhận cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miềnNam đặt cơ quan đại diện để liên hệ với thế giới.

Tuyệt đại đa số nhân dân, được phổ biến nhận định về kẻ thù rất kịp thời. Ví dụ, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nhân dân được hướng dẫn, từ đây kẻ thù chính là Nhật, kế đó mới là bọn Pháp cam tâm làm tay sai cho Nhật.
Trước khi ký kết Hiệp nghị Geneve, chúng tôi được báo sắp tới đây, kẻ thù sẽ là Mỹ.


Trước cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc của Trung Quốc năm 1979, Tổng bí thư Lê Duẩn cho toàn Đảng, toàn dân biết rằng, ông không hề bị bất ngờ vì đã nhìn thấy âm mưu xâm lược của Trung Quốc hằng chục năm trước! (Cho đến nay, Trung Quốc không hề thay đổi bản chất, chỉ có chúng ta tự thay đổi cách nhìn của mình đối với họ!).

Xác định rõ kẻ thù dân tộc cho đảng viên, cán bộ và nhân dân biết rõ là điều kiện cơ bản để tạo ra sự thống nhất tư tưởng cao, chuẩn bị tinh thần và lực lượng để đối phó, sẵn sàng chịu đựng, và phát huy sáng tạo về mọi mặt để chống giặc: Đánh chúng cả ba vùng (nông thôn, thành thị, miền núi); đánh chúng bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, ngoại giao); đánh chúng bằng mọi phương tiện: súng, hầm chông, ong bò vẻ…

Nhờ hiểu rõ kẻ thù mà nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, giành được thắng lợi khiến cho nhiều nhà nghiên cứu quân sự thế giới phải ngạc nhiên.



Bây giờ…

Giờ đây nhân dân ta lại đứng trước một tình hình vô cùng bức bối là phải xác định cho rõ kẻ thù!
Năm 2009, ông Nguyễn Trần Bạt – tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng, khi được hỏi có băn khoăn gì về kinh tế, ông nói: “Điều tôi băn khoăn bây giờ không còn là chuyện kinh tế VN. Điều tôi suy nghĩ bây giờ chính là điều mà đầu thế kỷ 20 Hồ Chí Minh suy nghĩ, tức là chúng ta bắt đầu lại phải suy nghĩ về vấn đề độc lập dân tộc”.
Ba năm sau, ngày 14-7- 2011, hằng ngàn đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, trí thức tiêu biểu và đủ mọi tầng lớp nhân dân trong ngoài nước đã ký vào Bản kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.
Đề mục thứ nhất của Bản kiến nghị là 
“I- Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng”. Nội dung là: Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, tự ý vạch ra “đường lưỡi bò”chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, liên tục tiến hành những hoạt động bất hợp pháp để khẳng định yêu sách của họ. Trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc tấn công chiếm toàn bộ Hoàng Sa của ta, năm 1988 chiếm 7 đảo và bãi đá thuộc Trường Sa của ta, tự ý cấm đánh bắt cá, xua đuổi bắt giữ, cướp tài sản, đòi tiền chuộc đối với ngư dân ta; gây sức ép buộc hủy bỏ các hợp đồng của ta ký kết với các tập đoàn kinh doanh dầu khí nước ngoài; cho tàu chiến xông vào vùng biển của ta cắt cáp tàu thăm dò… Trung Quốc tìm mọi cách dụ dỗ, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, can thiệp, lấn chiếm, từng dùng hành động quân sự. Tất cả đều trong mưu đồ lâu dài khiến cho ViệtNam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc. VIỆT NAM CÀNG NHÂN NHƯỢNG, TRUNG QUỐC CÀNG LẤN TỚI.

Qua nhận định trên đây, bộ mặt kẻ thù đã hiện rất rõ.
Tuy nhiên hiện thực Việt Nam lại diễn ra một cách u u minh minh, người dân luôn luôn được định hướng phải cảnh giác về một “thế lực thù địch” không phải là kẻ láng giềng thâm hiểm mà là những kẻ ở tận bên trời Tây! Lập luận này nghe cũng khá trôi chảy, thuận tai, bởi vì cả hai cuộc chiến tranh giành độc lập mà di hại còn sờ sờ ra đó chẳng phải đều có nguồn gốc từ phương Tây cả hay sao?

Trong khi bao nhiêu gia đình ngư dân đang chết dở vì Trung Quốc bắt, bắn hay đòi tiền chuộc thì Tân Hoa xã đưa tin: “Ngày 15-4-2011, Bộ trưởng Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc đã nói với Chu Vĩnh Khang Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc: Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc hợp tác giữa cơ quan hành pháp và an ninh hai nước, sẵn sàng cùng với Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của hai nước”.

Các cơ quan truyền thông Việt nam và Trung Quốc cùng đưa tin: Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung quốc Quách Bá Hùng thăm Việt Nam, được lãnh đạo Việt Nam tiếp đón long trọng.

Chiều 13-4-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thượng tướng Quách Bá Hùng, hai bên xác định cùng Cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Một tháng sau, ngày 26-5-2011, Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 đang làm nhiệm vụ thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Tân Hoa xã lớn tiếng lên án Việt Nam láo xược xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao ta thì Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn của ta và bên họ đã thỏa thuận với nhau sẽ không làm gì gây phức tạp tình hình, cùng định hướng truyền thông hai nước không làm gì ảnh hưởng đến tình hữu nghị…

Nhưng chỉ phía chúng ta tích cực tuân thủ điều đó. Họ không ngừng có những bài viết xúc phạm nhân dân ta. Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên tổ chức khảo sát vùng biển từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa suốt một tháng rưỡi, từ 13-6 đến 30-7-2011, rồi công bố tin này như một thách thức sự hèn yếu của chúng ta.


Giữa lúc những người Việt Nam yêu nước quá bức xúc liên tục xuống đường biểu tình vào các ngày Chủ nhật phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn, nhằm hậu thuẫn cho tiếng nói của chính phủ ta trước áp lực của kẻ xâm lược thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng long trọng tuyên bố: Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Không phải chỉ những ngư dân miền Trung ngơ ngác mà các đảng viên cộng sản khi nghe, cứ tưởng ông Ủy viên Bộ Chính trị của mình có khiếu khôi hài!


Đúng thời điểm Chủ tịch Quốc hội ta phát đi tín hiệu mới về hòa bình hữu nghị thì phía Trung Quốc cũng đáp lễ: Ngày 19-8-2011, ông Nguyễn Ngọc Hiếu Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (Đông Hới, Quãng Bình) cho biết tàu QB-1825-TS do anh Nguyễn văn Thạnh làm chủ đã bị Trung Quốc bắt tại 17 độ 50 vĩ độ Bắc, 109 độ 20 kinh độ Đông. Chị Nguyễn Thị Hằng vợ anh Thạnh nhận điện từ Trung Quốc, thông qua phiên dịch, cho biết Trung Quốc đòi phải nộp 6250 USD mới thả tàu và người.

Thưa ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tình yêu đơn phương của ông đã không được chú Đại Hán chấp nhận! Liệu quỹ cứu trợ của André Menras Hồ Cương Quyết có đủ khả năng trợ cấp mãi mãi tiền chuộc tàu thuyền cho anh Thạnh và bà con ngư dân?


Câu hỏi này chưa được trả lời thì Thông báo của UBND Hà Nội được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cả nước buộc phải chấm dứt biểu tình, vì: Ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình; Tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định chính trị; Tác động tiêu cực đến đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước ta; Đối tượng chống đối trong ngoài nước sẽ lợi dụng chống Đảng, nhà nước. Thông báo này đề ra cho lực lượng làm nhiệm vụ được “áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự”…

Như vậy là đang lặp lại khả năng tái diễn những hình ảnh lôi, khiêng, đạp vào mặt, quăng những người biểu tình như quăng súc vật. Đó mới thực sự là những hình ảnh chẳng những làm xấu xa hình ảnh Thủ đô –Thành phố vì hòa bình, mà còn bôi nhọ cả nhà nước và chế độ này.


Nếu cho chiếu lại cảnh quay những cuộc biểu tình sẽ thấy cái xấu, cái đẹp là ở đâu rất rõ ràng. Suốt hai tháng qua, đi đầu các cuộc biểu tình đều là các đảng viên cộng sản, trí thức nhân sĩ đáng kính, nào thấy bóng tên phản động Việt Tân nào? Đảng Việt Tân luôn tìm cách khoa trương thanh thế, nhưng chúng chẳng tìm đâu ra cơ hội. Chỉ thấy bà Phương Nga nhà ta yếu bóng vía đã vô tình đề cao bọn chúng: “Đảng Việt Tân đang lợi dụng tình hình căng thẳng để kích động nhân dân ViệtNamcó những hành vi chống nhà nước”.

Nói như vậy là quá coi thường một nhân dân đã được trui rèn trong cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng đất nước. Bài học đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở là phải tin dân, hỏi dân, học dân, sao bà Nga và các vị không nhớ?  

Nhân đây, tôi cũng muốn kể lại ý kiến của số khá đông người nhận định về Đảng Việt Tân. Cứ nhìn cách họ hành xử có thể cảm nhận, hình như đây là một tổ chức của Bắc Kinh lập ra nhằm:
1/ Chia rẽ nhân dân với Đảng, nhà nước Việt Nam;
2/ Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế có lý do lên án Việt Nam bắt bớ người bất đồng chính kiến, xâm phạm nhân quyền.
Bởi vì chưa thấy một Đảng chính trị nào mà số đảng viên bị bắt, bị đem làm vật hi sinh cho danh tiếng của Đảng nhiều như Việt Tân. Ông Phạm Minh Hoàng bị bắt, đang cố chối mình không phải Việt Tân, vợ ông trả lời báo chí cũng cả quyết như thế. Nhưng người đại diện của Việt Tân nhanh chóng tuyên bố đòi nhà nước ViệtNam phải trả tự do ngay cho đảng viên Việt Tân là ông Phạm Minh Hoàng.
Kẻ thù phương Bắc đã và đang lộ rõ chân tướng bành trướng của chúng. Nhân dân thế giới ngày ngày liên tiếp cảnh báo bộ mặt thật của chúng. Mọi hành vi che đậy bộ mặt xấu xa của chúng, dù thực, dù giả đều có hại, vì sẽ làm sứt mẻ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Niềm tin mạnh hơn súng đạn. Đảng, nhà nước ViệtNam phải ghi nhớ điều đó.
Chúng ta muốn hòa bình hữu nghị, chúng ta tránh khiêu khích, nhưng không giả dối nuốt bồ hòn làm ngọt, mà phải dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào bạn bè trong khu vực và thế giới để buộc họ cũng phải cư xử bình đẳng với ta. Đó là những tấm gương hành xử của Nhật, Hàn,Phi,Singapore… Và trên hết là dựa vào nhân dân! Nhân dân biểu tình trong trật tự, hát vang bài ca cách mạng là hình ảnh đẹp nhất, đáng tự hào nhất của một quốc gia và những người lãnh đạo nước nhà.


19-8-2011, ngày Cách mạng Mùa Thu.
TỐNG VĂN CÔNG
Nguồn :BAUXITEVN

22 thg 8, 2011

Không bán hàng cho giặc!!!


Năm 1946 cuộc chiến Pháp Việt bùng nổ. Người Việt Nam khi ấy vừa trải qua 80 năm dài nô lệ với thói quen cúi đầu trước người Pháp, nhưng chỉ sau 1 năm, khi lòng tự hào dân tộc được khơi dậy, và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ xứng tầm là ông Hồ, vẫn những người Việt Nam ấy, đã trở thành một loại người hoàn toàn khác.

Khi dấu hiệu của một cuộc chiến bắt đầu manh nha, người Việt lúc đó lập tức quay lưng với Pháp. Lịch sử vẫn còn ghi lại phong trào tẩy chay buôn bán với Pháp của người Việt: "Không bán hàng cho giặc, không giao lưu với giặc và không chỉ đường cho giặc".

Tiêu thổ kháng chiến, nhiều người Việt sau đó tự tay đập đi những ngôi nhà của mình, 9 năm sau, họ quay trở về sau trận Điện Biên Phủ. Một cuốn sách của Pháp xuất bản trong thời kỳ này, khi đề cập đến người Việt Nam, họ dùng cụm từ Annamit. Sau năm 1954, cuốn sách được tái bản, tác giả bỏ toàn bộ cụm từ Annamit và thay thế bằng cụm từ "người Việt Nam".

Nếu không có sự quyết tâm, không có cái tinh thần "Không bán hàng cho giặc" ấy, ắt hẳn, chúng ta đã không có một nước Việt Nam như hiện nay.

Những năm qua, lãnh thổ của chúng ta liên tục bị chiếm từng phần một. Năm 1974, Việt Nam mất trọn quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, hơn 80 thủy binh Việt Nam tử trận và chúng ta mất 9 đảo và đá tại Trường Sa. Từ 1979 đến 1988, chiến tranh liên miên tai biên giới phía Bắc với cái chết của hàng chục nghìn người. Thời kỳ được coi là hòa bình từ 1991 đến nay, máu của ngư dân Việt Nam vẫn liên tục rơi trên biển. Ít ai có thể quên sự kiện tàu hải quân Trung Quốc xả súng bắn chết 9 ngư dân Việt Nam năm 2005. Trên biển Đông đã có bao nhiêu vụ tàu thuyền Việt Nam bị tông chìm? bao nhiêu sinh mạng ngư dân Việt trôi dạt vĩnh viễn trên biển?

Hạm tàu Trung Quốc ngày một càn quét xa hơn xuống phía Nam, từng chút một, kế sinh nhai của người Việt ngày một cạn kiệt trên biển.

Giặc đối với người Việt, là ai???

Trong những ngày biển Đông đang nóng như một lò lửa, khi tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vẫn liên tục bị chèn ép khi ra khơi. Mỗi chuyến mưu sinh, trở thành một chuyến đi có tính sinh tử, trong khi đó, trên đất liền, thương lái Trung Quốc vẫn càn quét như đi vào chỗ không người. Ngoài biển, Trung Quốc liên tục xâm lấn lãnh hải Việt Nam, và trên đất liền, người Trung Quốc đi lại tự do và mua bất cứ gì cần cho cái đất nước ấy.

Hậu quả có thể nhìn thấy ngay: Trong lúc Việt Nam đang lạm phát nặng nề, Trung Quốc mua vét hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm sinh hoạt thiết yếu như thực phẩm, gạo, thịt ... nguồn hàng khan hiếm hơn, giá cả tiếp tục tăng, trong khi người Việt đang vật lộn với chỉ số lạm phát ngót 20%. Việt Nam sẽ chống lạm phát bằng cách nào? Trong lúc tàu thuyền đánh cá của Việt Nam ra khơi ngày một khó khăn, ngày một đánh đu với sinh mạng trước họng súng của Trung Quốc, thì thương nhân Trung Quốc mua vét hải sản trên đất liền. Báo chí Việt Nam loan tin, hơn 100 nhà máy chế biến hải sản phải ngừng hoạt động.

Tại sao những câu chuyện đó lại diễn ra quá dễ dàng? Cái tinh thần không bán hàng cho giặc hiện giờ ở đâu? Chúng ta giữ độc lập bằng cách nào? Khi mọi thứ dường như chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu.

Hàng hóa độc hại của Trung Quốc tràn lan tại Việt Nam, tiền thuế của dân chi ra để nuôi đủ thứ bộ máy công quyền, gồm thuế, hải quan, công an, quản lý thị trường, bộ công thương, bộ khoa học công nghệ ... và đủ thứ biên chế ăn lương khác, họ đang làm gì để bảo vệ người Việt Nam, để ngăn chặn dòng thương mại độc hại đang bóp chết người Việt về sức khỏe, bóp chết nền sản xuất Việt về giá cả?

Công an Việt Nam đang làm gì? Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đang làm gì và bản thân chính người Việt Nam đang làm gì để thương nhân Trung Quốc đi lại tự do trên lãnh thổ Việt và mua bất cứ gì họ muốn như một công dân bản địa, khi thậm chí hành vi thương mại của họ đang làm xói mòn chính sách tài chính của Việt Nam?

Trong quá khứ, lúc nguy nan, người Việt tự biết bảo nhau "Không bán hàng cho giặc". Một lịch sử bất khuất sau đó được viết lên bởi chính thế hệ những người Việt vừa mới bước ra khỏi 80 năm nô lệ.

Ngày nay, những người dân Việt Nam của một nước độc lập về lý thuyết từ năm 1975, tính đến nay, đã có gần 40 năm độc lập, dễ dãi và bắt tay với giặc, phải chăng chúng ta đang đi ngược lại con đường mà người Việt từng đi?


Nguồn : LANG BLOG

Người Trung Quốc sang Việt Nam làm.... dê?


Cách đây vài hôm, khi được hân hạnh tiếp xúc với đại biểu QH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và đại biểu QH, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm QUang Nghị, cử tri Quận Ba Đình- Hà Nội, ông Nguyễn Phú Nho bày tỏ bức xúc trước tình trạng lao động nước ngoài vào VN làm việc nhưng không có giấy phép, cơ quan chức năng quản lý không chặt trong khi đó lao động VN đang thiếu việc làm. "Đừng xem vấn đề lao động nước ngoài tràn vào VN chỉ là vấn đề lao động - kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị, an ninh trật tự nữa. Trách nhiệm quản lý thuộc về ai cần phải được làm rõ- ông nói.
Không biết là cử tri ở những nơi khác như Cà Mau, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, TP HCM, Ninh Bình, Quảng Ninh, và đặt biệt là ở Thanh Hóa- có bức xúc, có kiến nghị không!

Chuyện lao động Trung Quốc không hề mới. Một báo cáo của ngành công an cách đây 2 năm cho biết đã có tới 35 ngàn lao động Trung Quốc có mặt tại Việt Nam. (Năm nay, số lao động nước ngoài đã lên tới 74 ngàn người). Câu hỏi về chất lượng lao động cũng không khó để trả lời. Ví dụ như ở nhà máy allumin Nhân Cơ – Đắk Nông, chỉ một cuộc kiểm tra đã phát hiện ra hơn 60% công nhân ở đây không có một chút bằng cấp kỹ thuật nào dù theo đăng kí thì 190/312 người làm việc ở đây là công nhân kỹ thuật cao.
Cái mà người dân quan tâm, là câu trả lời. Theo bản tin của Tuổi trẻ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị hứa sẽ chuyển tải ý kiến của bà con tới Quốc hội và các cơ quan chức năng. Khéo thật. Mình thích câu trả lời này quá. Nói, mà không phải là nói, trả lời mà không trả lời. Trí tuệ siêu đỉnh, IQ vô đối. Cái này cần đưa vào sách giáo khoa. Một câu trả lời có thể áp dụng cho bất cứ câu hỏi, thuộc bất cứ lĩnh vực nào.
 
Nhưng "cơ quan chức năng" chỉ ngay sau đó cũng đã có những chỉ đạo khiến bà con mắt tròn mắt dẹt. Tại Hội nghị toàn quốc của ngành, tân Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: " Đây là vấn đề, trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta...Đề nghị lãnh đạo các sở giúp lãnh đạo địa phương, đồng thời báo cáo kịp thời cho lãnh đạo bộ về diễn biến, nguyên nhân và giải pháp xử lý đúng pháp luật đối với lao động nước ngoài ở VN”. Mình đã tự cắt đi rất nhiều chữ rườm rà, vô nghĩa, nhưng nói thực bảo tìm một phát biểu chỉ đạo nào ít chung chung, ít quan liêu hơn, ít trách nhiệm hơn, thì chịu. Một chỉ đạo mà năm nay nói cũng được, sang năm nói cũng chẳng sao và giống giống vài năm trước.
Trách nhiệm của "chúng ra" xưa nay vẫn được hiểu là chẳng của ai cả.
Và rồi không đợi đến lúc bác Nghi chuyển tải ý kiến bà con, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biết rồi. "Có mặt và chỉ đạo" trong hội nghị của ngành Lao động, bà nói: “Tôi rất lo vì lao động Trung Quốc đã có mặt ở tận vùng sâu vùng xa như đất mũi Cà Mau”.
Giật mình bây giờ đã có vẻ quá muộn. Có lẽ lo lắng chả giải quyết được gì. Cũng có thể, lo, là vì chuyện "không hiểu" của ngành Lao động- thương binh và xã hội.
Cấp phó của bà Chuyền, Thứ trưởng Hòa thì nói và bỏ lửng câu nói: Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc giaSao một thứ trưởng ăn cơm thuế, cầm "thẻ bài", quyết cần câu cơm của gần năm chục triệu lao động mà cũng "không hiểu". Không hiểu là vì sao ông không hiểu. Thú thực, mình cũng không hiểu là ông nói không hiểu để định bắt ai hiểu nữa.

Vị thứ trưởng thậm chí còn ráo hoảnh như thế trách nhiệm trước chất lượng lao động Việt Nam là của bộ Lao động Trung Quốc: "Trong cùng một công việc, một cơ chế lương lao động chúng ta lại chê không vào làm thì họ phải mang lao động của họ vào làm. Cái lớn hơn là trong một vài nhóm công việc, lao động của chúng ta không đáp ứng được các kỹ năng mà họ đòi hỏi. Nhìn thực tế thì cùng công việc, cùng mức lương, lao động của họ lại làm việc năng suất cao hơn lao động của ta. Trong khi ý thức kỷ luật và năng suất làm việc của lao động ta kém".

Trong cuốn "Lời thú tội của một sát thủ kinh tế", John Perkins đã kể lại câu quá trình đổ bộ của các DN Mỹ vào Ả rập Xê Út được bắt nguồn từ một bức ảnh, và một câu nói. Đó là bức hình chụp những con dê nhặt rác thải bên ngoài một tòa nhà của Chính phủ. Một người Ả Rập sau đó khẳng định: Không một người dân Ả Rập Xê Út có tự trọng nào lại chịu đi thu lượm rác. Chúng tôi để việc đó cho súc vật.
Người Việt Nam không phải là người Ả Rập. Vì miếng cơm manh áo, họ chấp nhận xa chồng con, bỏ quê hương đi làm Osin, không đâu xa, mà ngay tại Đài Loan. Còn trong các loại nghị quyết vẫn nói tới "lợi thế nguồn nhân công giá rẻ" (Không lẽ giờ TQ còn phá giá!). Tại TP HCM, văn phòng lao động việc làm đưa ra con số mỗi tháng có tới 12 ngàn người đăng ký thất nghiệp. Số đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc lên tới 7,4 triệu người. Không cần bất cứ thuyết âm mưu nào cũng có thể thấy lao động TQ tràn ngập khắp nơi đang tước đoạt cơ hội làm việc của người Việt.

Cũng khó để tin người Trung Quốc sẵn sàng sang Việt Nam làm dê, để chấp nhận làm tất những thứ người Việt chê.
Năm 2009, chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ, hàng trăm công nhân Trung Quốc, tay gậy, tay đá chơi chiến thuật biển người đã đập phá, tấn công, hành hung dân bản địa ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, sau rất nhiều lần đã xử "treo" theo kiểu luật rừng những người Việt vượt rào vào khu Trung Quốc, sau rất nhiều lần gây áp lực bằng số đông với công an địa phương. Một phóng sự truyền hình của VietNamNet đã ghi lại hình ảnh công nhân Trung Quốc tấn công bất cứ nhà dân nào, bất cứ người dân nào miễn là họ nói tiếng Việt.
Cũng trong phóng sự này, những thường dân đã chống lại Trung Quốc bằng cách nhắm mắt mà chụp lên đầu chiếc mũ bảo hiểm. Người khác thì nói phải "bỏ chạy".
Chạy ư!

Nguồn : ĐAOTUANBLOG

Ai gây ra ” bao trò lố”?

http://quechoablog.files.wordpress.com/2011/08/dc3a2n-c491en.jpg
Lần đầu tiên báo lề phải gọi biểu tình yêu nước là những “trò lố”. Báo Hà Nội Mới hôm nay có bài: “Giải tán một nhóm người cố tình vi phạm quy định, tụ tập hò hét tại khu vực hồ Gươm” có đoạn viết: “Cuối cùng thì bao trò lố của một số người cầm đầu ngoan cố, lợi dụng chính sách tốt đẹp của Nhà nước ta lôi kéo, tụ tập thành đám đông gây mất trật tự đường phố hàng tuần cũng đã bị lật tẩy.Nếu đây là ý kiến của ai đó, đăng ở blog nào đó thì mình chẳng nói làm gì. Nhưng bài viết này là của “Nhóm PV Điện tử + Nội chính”  của báo Hà Nội Mới, tức tiếng nói chính thức của bản báo thì không thể chấp nhận được.


Người ta có thể không đồng tình, có thể phản đối các cuộc biểu tình yêu nước, nhưng gọi biểu tình yêu nước là những trò lố là xúc phạm nghiêm trọng đến những người yêu nước, xúc phạm ngay cả  chính quyền Hà Nội. Mới cách đây ít lâu, tướng Nguyễn Đức Nhanh thay mặt Chính quyền Hà Nội đã tuyên bố: “ Đây là những cuộc biểu tình yêu nước tự phát, cho nên các cấp và Công an Hà Nội không có chủ trương trấn áp, bắt giữ người biểu tình tự phát. ” Nếu gọi biểu tình là trò lố thì nói thế nào đây với tuyên bố của tướng Nhanh?


Thế nào gọi là lố? Nhân danh điều gì để gọi những cuộc biểu tình yêu nước là những trò lố?

Nên nhớ Báo Hà Nội Mới là tiếng nói của Đảng bộ Hà Nội, là bộ mặt văn hóa của chính quyền Hà Nội, không thể có kiểu phát ngôn vô trách nhiệm và thiếu văn hóa như thế được.

Hãy xem hai clip dưới đây để biết ai  gây ra “bao trò lố”.




Nguon : NGUYỄN QUANG LẬP

21 thg 8, 2011

Chiến lược nào cho Việt Nam? Chúng ta không còn thời gian nữa


Đến thời điểm này, nhận định của anh Lãng có vẻ đã xác đúng tới 99%. Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở các vùng biển thuộc phạm vi lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam và Phillipin chỉ là một màn hỏa mù che dấu cho ý đồ thực sự: Đưa giàn khoan khổng lồ vào khai thác tại vùng nước tranh chấp ở vùng biển Trường Sa. Vấn đề với các nước có liên quan: Họ sẽ phải cản bước Trung Quốc lại bằng cách nào?

Thực tế cho thấy, với bản chất lật lọng và tráo trở, người Trung Quốc coi mọi thỏa thuận mà họ từng ký chỉ là nắm rác. Trung Quốc chỉ tôn trọng đối phương, khi đối phương đủ mạnh, đủ quan hệ đồng minh để đối chọi lại sức mạnh đang không ngừng gia tăng của cái đất nước hiếu chiến ấy. Quá ngây thơ cho bất cứ ai, tin vào chữ tín hay sự thật lòng của Trung Quốc.
Điều đáng buồn là trong nhiều thập niên, đã từng có không ít thằng ngu đang nắm quyền cai trị ở Việt Nam thực sự đã từng tin vào sự thật lòng của Trung Quốc. 

Mới chỉ cách đây ít năm thôi, khi một loạt chuyên gia kinh tế và những người Việt Nam có tầm nhìn xa, đưa ra hàng loạt cảnh báo về các chính sách của Việt Nam đang tạo sự nguy hiểm khi để các công ty Trung Quốc có điều kiện thắng thầu và thâm nhập quá sâu vào nền kinh tế Việt Nam. Bất chấp mọi lời cảnh báo, sự thiếu thận trọng của bộ phận chóp bu cầm quyền, trông đợi vào chữ tín và sự hòa hiếu của Trung Quốc với những con mẹ gì mười sáu chữ vàng và bốn tốt, được làm trầm trọng thêm bởi đội ngũ lãnh đạo tha hóa tham nhũng (Trung Quốc rất sẵn lòng lợi dụng điều này), để đến ngày nay, nền kinh tế Việt Nam lâm vào những khó khăn nặng nề. Cùng lúc đó, trên biển, Trung Quốc không ngừng lấn tới.

Tuy nhiên mọi sai lầm cũng là quá khứ. Đất nước nguy nan, đây không  phải là lúc chúng ta đem vấn đề ra mổ xẻ rằn vặt lẫn nhau. Phải chấp nhận thực trạng đau xót hiện tại, nhìn thẳng vào nó, cùng xiết chặt tay nhau tìm lối ra trong màn đêm đen tối. Phẩm chất ưu tú này của người Việt, chính là thứ để thế giới phải kính chào, và cũng chính là chất keo gắn kết giúp cha ông chúng ta gìn giữ được bờ cõi trước hàng trăm cuộc xâm lược đến từ Trung Quốc trong quá khứ.

Trung Quốc vốn là một dân tộc hèn nhát và ti tiện. So với các dân tộc kiêu hùng trong khu vực, ví dụ Nhật Bản, thì người Trung Quốc chỉ là một đám dân ti tiện và hèn mạt không hơn. Dẫu rằng Khổng Tử sinh ra ở Trung Quốc, nhưng dân tộc bội tín, hèn nhát, tráo trở và lừa lọc nhất lại chính là người Trung Quốc. Họ chưa từng dám đánh nhau với bất cứ một cường quốc nào, khi bị xâm lăng, Trung Quốc luôn đầu hàng và bại trận. Một Nhật Bản bé nhỏ bằng 1/20 Trung Quốc với dân số ít hơn vài chục lần, nhưng cũng đủ sức đè đầu cưỡi cổ cả nước Trung Hoa rộng lớn trong ngót 10 năm, mà bản thân người Trung Quốc không có khả năng tự giải phóng lấy mình. Nếu thế chiến thứ hai, Mỹ và Liên Xô không hợp lực đánh bại Nhật Bản, thì giờ cả đất nước Trung Hoa hẳn đã là một lãnh thổ trực thuộc phía Nam của nước Nhật. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn sẵn sàng vênh vác, cậy đông cậy mạnh để o ép các dân tộc nhỏ yếu hơn. Đây là câu chuyện hiện đang diễn ra ở Biển Đông, giữa Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á nhỏ yếu khác.

Trung Quốc có thể là một nước lớn, nhưng nó không bao giờ có tư cách trở thành bá chủ như Liên Xô một thời hay như Mỹ hiện nay. Bởi đơn giản, nó không có tư cách đáng được tôn trọng.
Nhận xét thấu triệt về bản chất Trung Quốc, sẽ giúp chúng ta nhìn thấu chiến lược nhất quán của người Tàu, từ đó đề ra phương cách khoét sâu vào điểm yếu đối phương và tìm ra giải pháp.
Tham lam, đê tiện và hèn nhát, Trung Quốc sẵn sàng chà đạp bất cứ một đối thủ yếu ớt nào không một chút xót thương. Nhưng nó sẽ co vòi, nếu chạm với một đối thủ cứng đầu, dù yếu hơn nhưng có tinh thần bất khuất. Điều này chính là thứ đã diễn ra trong suốt lịch sử mấy chục thế kỷ sinh tồn của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc
Quỵ lụy và hèn nhát trước Trung Quốc, chúng sẽ lấn tới và chà đạp chúng ta xuống tận bùn đen, không có một chút nhân từ hoặc nhân tính con người (Hãy xem cảnh lính Trung Quốc hăm hở xả trọng liên vào hàng lính nắm tay nhau trên bãi ngầm ngập nước của Việt Nam năm 88, và hãy nhớ lại sự nhục nhã hèn kém của Trung Quốc trước Nhật Bản thời thế chiến II, và đến giờ Nam Kinh vẫn là vết nhơ không cách gì xóa nổi của một đất nước to lớn, tàn bạo, nhưng hèn kém). 
Đừng bao giờ trông chờ vào sự nhân từ của Trung Quốc, và càng đừng bao giờ trông đợi vào những thứ con mẹ gì tình đồng chí, đồng ý thức hệ, 16 chữ vàng hay 4 tốt. Một thế hệ những thằng ngu ở Việt Nam rồi sẽ phải chịu phán xét của lịch sử cho những sự ngu dốt của chúng.

Chiến lược duy nhất của Việt Nam, để tồn tại bên cạnh Trung Quốc, nhường nhịn đến hết mức có thể chấp nhân, nhưng phải luôn sẵn sàng tinh thần quyết chiến đến cùng với bất cứ giá nào khi chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia bị đe dọa. Chỉ có tinh thần sẵn sàng quyết chiến, một cách thật sự, bằng những hành động cụ thể, mới giúp chúng ta có cửa sinh tồn bên cạnh cái đất nước đê tiện ấy.
Mọi kế hoạch của người Việt, đều phải được xây dựng bám sát theo cái chiến lược cốt lõi ấy: Nhẫn nhịn, nhưng bất khuất và sẵn sàng chiến đấu tới cùng.

Những sự kiện gần đây, là các bước tiến có tính logic của Trung Quốc trong chiến lược thôn tính trọn vùng biển phía Nam. Trung Quốc đã tiến hành mục đích này một cách nhất quán, xuyên suốt từ thời Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân cho tới Hồ Cẩm Đào hiện nay. Bất kể kẻ nắm quyền ở Trung Quốc là ai, thì bản chất đất nước (chứ không phải chỉ là chính quyền) Trung Quốc đều không từ bỏ cái dã tâm xâm lấn này.
Với một đối thủ nham hiểm, luôn có dã tâm nhất quán, nhiều thế hệ cầm quyền ở Việt Nam đã phạm sai lầm. Điều đó khiến Trung Quốc thắng thế và từng bước nuốt dần lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Năm 1958 chúng chiếm đảo Phú Lâm, năm 1974 chúng nuốt trọn Hoàng Sa, năm 1988 chúng chiếm 9 đảo và đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa và hiện nay, năm 2011 chúng đang âm mưu đưa giàn khoan khổng lồ khoan sâu 3000 m nước vào cắm tại Trường Sa, trong một chiến lược nhằm hiện thực hóa quyền kiểm soát và khai thác của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam

Chúng ta cần có một chiến lược nhất quán, nhằm chặn chiến lược của Trung Quốc lại, chứ không phải chỉ đối phó với những hành động gây hấn có tính chiến thuật của người Tàu. Không thể cư xử với người Tàu bằng các giải pháp cấp thời, có tính đối phó manh mún, mà phải có một chiến lược nhất quán.
Cách đây 4 năm, anh Lãng từng đưa ra cảnh báo, trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ đơn phương thăm dò khai thác tại Biển Đông, đi kèm với các chiến thuật kiểm soát nguồn lợi hải sản và chế tài trên biển. Đến giờ, tất cả đều đã được chứng minh. Đối với cá nhân anh mà nói, hoàn toàn không có một chút tự hào gì khi tầm nhìn của anh biến thành sự thật. Thực sự, anh cảm thấy đau xót, và phẫn nộ. 
Người Việt Nam, không thiếu trí tuệ, không thiếu tài nguyên, không thiếu nguồn lực con người, nhưng chúng ta, gồm cả những người ưu tú nhất, đều chỉ có thể giương mắt nhìn thực tế Trung Quốc ngày một xâm nhập sâu vào nền kinh tế Việt Nam, ngày một tiến dài hơn xuống phía nam để chiếm đoạt và xâm lược lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Đây là một câu chuyện thuộc về lịch sử và nhiều kẻ rồi sẽ phải trả lời.
Nhưng cũng như bất cứ một thời khắc nguy nan nào trong lịch sử, mà cha ông chúng ta nhiều lúc đã trải qua. Chính thế hệ những người Việt Nam hiện nay, phải chấp nhận đối mặt với thử thách, và chắc chắn phải tìm ra lối đi cho dân tộc.
Trung Quốc mạnh lên, hung hăng hơn, và chúng cũng đồng thời đang phạm sai lầm. Cái mặt nạ yêu chuộng hòa bình của Trung Quốc đã bị lột bỏ, sự tráo trở cũng thể hiện rõ khi thỏa ước DOC ký giữa TQ với ASEAN năm 2002 cũng đã bị Trung Quốc đạp dưới gót dày. Không còn bất cứ sự ngây thơ nào tin tưởng vào mục đích trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Đây là điều Việt Nam cần tận dụng và chớp lấy cơ hội.
Trước chiến lược thôn tính và xâm lăng nhất quán của TQ, Việt Nam cũng cần có một chiến lược nhất quán, xuyên suốt mọi chính sách, mọi lãnh đạo cầm quyền và thậm chí là mọi chế độ: “Nhẫn nhịn hết mức với Trung Quốc, nhưng luôn đề cao giá trị cốt lõi về chủ quyền, về toàn vẹn lãnh thổ, luôn sẵn sàng quyết chiến đến cùng một khi giá trị cốt lõi của Việt Nam bị đe dọa. Lấy mục tiêu thoát khỏi ảnh hưởng kìm kẹp về kinh tế, chính trị, văn hóa của Trung Quốc làm một chiến lược lâu dài. Xây dựng thêm các quan hệ đồng minh xuyên đại dương, phải nhắm tới quan hệ bền vững với Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, EU làm nền tảng”

Hãy nhìn vào thực tế này, sau các hành động quấy rối của TQ với các tàu thăm dò của Việt Nam, duy nhất có công ty của Nhật Bản công khai tuyên bố: Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để thăm dò khai thác dâu khí, bởi chúng tôi tin rằng đó là lãnh hải không tranh chấp thuộc Việt Nam theo các quy định của luật pháp quốc tế. Lửa thử vàng, chúng ta phải trân trọng những người bạn đích thực, và cần có thêm những người bạn đích thực như thế.
Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc, cũng tạo thành một cơ hội vàng để Việt Nam thực hiện các bước đi kiên quyết, nhất quán, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Hoa. Thể chế cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, và toàn bộ người Việt Nam, phải chớp lấy cơ hội này để thoát khỏi cái vỏ giả tạo 16 chữ vàng hay 4 tốt mà Trung Quốc và đám chóp bu Việt Nam vẫn tụng niệm (và tôn trọng trên thực tế về phía Việt Nam) trong những năm qua. Bất cứ một ảo tưởng nào vào chữ tín, vào sự hòa hiếu của TQ cần phải được xóa bỏ triệt để. 
Trung Quốc đã xé mặt nạ, Việt Nam cần nhân cơ hội thực hiện các bước đi kiên quyết. 
Trên hết, anh muốn đề cập đến lĩnh vực kinh tế.
Nhiều người thường nói rằng, dứt khỏi dòng thương mại với Trung Quốc, Việt Nam sẽ khủng hoảng nặng nề. Điều đó đúng, nhưng sự tổn thất cũng đồng thời chính là cơ hội. Quan hệ giao thương với Trung Quốc, phần bất lơi thuộc về Việt Nam. Phần thặng dư 15 tỷ USD trong quan hệ thương mại với Trung Quốc với phần lợi nghiêng về người Tàu, là một nguồn công ăn việc làm quan trọng với Trung Quốc chứ không phải chỉ với chúng ta. Có nhiều nguyên nhân cho sự nhập siêu nặng nề này của Việt Nam, các hợp đồng thắng thầu của hàng lọat công ty TQ với các dự án trọng điểm ở Việt Nam (Giá rẻ, kết hợp nạn tham nhũng trong quan chức Việt Nam khiến câu chuyện càng trầm trọng, cố nhiên, đi kèm với nó là chất lượng vứt đi của công trình hàng tàu mà người đóng thuế Việt Nam phải gánh), nạn hàng lậu, tiền giả, chính sách tỷ giá bất đối xứng, tất cả đều là những lý do do bức tranh toàn cảnh. Bên cạnh đó, dòng thương mại với Trung Quốc còn khiến nền sản xuất Việt Nam bị bóp chết ở nhiều ngành. Yếu điểm về tính manh mún, chộp giật của người Việt bộc lộ rõ khi chúng ta trong nhiều năm trời không xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ, cái mà nếu có, Việt Nam đã trở thành một cường quốc có năng lực sản xuất, xuất khẩu mạnh và xuất siêu.
Tiếp tục cơ chế buôn bán với TQ như hiện nay, vĩnh viễn Việt Nam bị biến thành một công đoạn sản xuất hàng và xuất khẩu phụ trợ cho nền kinh tế TQ. Thặng dư của Việt Nam với Mỹ và EU, bị đổi lại toàn bộ bởi nhập siêu với Trung Quốc. Chúng ta, thay vì thặng dư thực sự, hóa ra chỉ là một công cụ xuất khẩu của người Tàu.
Giũ bỏ dòng thương mại với Trung Quốc, sẽ tạo thành một cú sốc nặng nề với Việt Nam, nhưng chúng ta cũng sẽ có cơ hội để thực sự xây dựng được một nền sản xuất mạnh, gồm cả ngành công nghiệp phụ trợ lẫn thành phẩm, cái sẽ tạo tiền đề để Việt Nam cất cánh trong tương lai.
Có nhiều lý do để anh Lãng tin chắc người Việt Nam sẽ thành công: Giá nhân công Việt Nam hiện vẫn rất cạnh tranh, thấp hơn nhiều so với khu vực và kể cả bản thân TQ. Công nghệ của các ngành sản xuất cơ bản, đặc biệt là ngành dệt, hóa chất cơ bản, tơ sợi, hòan toàn nằm trong khả năng tiếp cận và làm chủ của người Việt Nam. Không có lý do gì, Việt Nam không xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ, mà vốn hiện nay đang phải lệ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc do cái bẫy của cơ chế thương mại toàn cầu.
Trong khi có thể mua hàng từ TQ, tất nhiên không có doanh nhân nào của Việt Nam tự bỏ tiền ra đầu tư những nhà máy phụ trợ mới. Nhưng nếu Việt Nam nhân cơ hội TQ xé rách da mặt, quyết tâm gánh chịu tổn thất kinh tế, từ chính phủ, đến doanh nhân và người tiêu dùng, cùng đồng cam cộng khổ, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được một nền kinh tế có cơ cấu phù hợp, đủ sức cạnh tranh và vươn lên trong hệ thống thương mại, sản xuất thế giới. Chúng ta phải luôn ý thức được rằng, Việt Nam có đủ lợi thế về nhân lực, về mặt bằng giá lao động và cả về chất xám. Vấn đề còn lại là, chúng ta có đủ dũng cảm, đủ quyết tâm để dứt bỏ khỏi sự lệ thuộc dễ dãi nhưng đau xót với hệ thống thương mại TQ hay không mà thôi.
Nếu anh Lãng đang nắm quyền, anh sẽ thực thi các biện pháp kiên quyết, từ từ nhưng nhất quán, dựng ra các hàng rào kỹ thuật để hàng TQ vào Việt Nam ngày một khó khăn hơn. Các lý do không khó, vì hàng TQ tồn tại quá phổ biến sự độc hại và các vấn đề về chất lượng. Cản hàng TQ lại, nền sản xuất VN sẽ gặp khó khăn, nhưng nếu chính phủ hỗ trợ thành phần doanh nhân Việt Nam một cách hợp lý, họ sẽ có đủ quyết tâm, dũng khí và nguồn lực để xây đắp những nhân tố cơ bản, bền vững cho nền sản xuất và nền kinh tế Việt Nam.

Gần đây TT Nguyễn Tấn Dũng, giữa cơn quay cuồng o ép chủ quyền của người Tàu trên biển Đông, và bài phát biểu đanh thép với cương vị thủ tướng Việt Nam tại Nha Trang, lại tiếp tục ra tuyên bố thúc đẩy dự án Bô xít Tây Nguyên. Đây là một điều đáng thất vọng, bởi nó cho thấy, trong một bộ phận thành phần nắm quyền chủ chốt, vẫn chưa đủ tư duy và dũng khí thoát ra khỏi bóng ma lợi ích cá nhân và lề lối cũ. Người Việt Nam cần đấu tranh bằng được với lối tư duy này. Nó đi ngược lại lợi ích sống còn của dân tộc chúng ta.

Xuyên suốt, chúng ta cần chấp nhận giảm dòng thương mại với Trung Hoa, chấp nhận các cú sốc với nền kinh tế, tự lực cánh sinh xiết chặt tay nhau xây dựng nền công nghiệp phụ trợ và nền kinh tế hướng ra xuất khẩu. Trong vòng 10 năm, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu, và chúng ta sẽ được tưởng thưởng bởi những thiệt hại và khó khăn trong hiện tại. Điều này, cũng phù hợp với đặc tính của người Việt Nam: Khi bị dồn đến chân tường, cái dân tộc ấy sẽ làm được nhiều kỳ tích. Đây là một chiến lược không lệ thuộc vào anh, hay các bạn, mà nằm ở Bộ Chính Trị Việt Nam. Chúng ta phải đành phải chờ xem, chúng ta đang được lãnh đạo bởi ai, và họ có thực sự đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Với các chiến thuật gây hấn không ngừng của của Trung Quốc trên biển, chúng ta cũng cần có một chiến lược xuyên suốt và nhất quán. Chúng ta nhường nhịn Trung Quốc, sẵn sàng tôn trọng lợi ích chiến lược của Trung Quốc, nhưng luôn có tinh thần và phải thực sự sẵn sàng quyết chiến đến cùng với TQ. Nhường nhịn, nhưng khi phải đánh, chúng ta sẵn sàng đánh, chấp nhận mọi cái giá phải trả và đánh đến cùng. Không có cách nào khác.
Khi TQ tôn trọng chúng ta, chúng ta cần tôn trọng họ hết mức có thể, thậm chí xếp Tàu trên chúng ta một bậc. Nếu giả sử TQ chấp nhận tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam cần sẵn sàng hợp tác cùng khai thác với TQ, và đảm bảo an ninh cho TQ. Nhưng khi chúng lấn tới, chúng ta phải đánh tới cùng.
Câu chuyện trước mắt, Việt Nam phải chặn giàn khoan TQ sẽ đưa vào Trường Sa bằng cách nào. Vin vào dư luận quốc tế, vào thỏa ước DOC đến giờ cho thấy là không đủ. Việt Nam cần kết hợp với Philipin, nước cũng bị ảnh hưởng trực tiếp, kiên quyết hình thành một hoạt động liên minh phối hợp, chặn bằng được giàn khoan của TQ. Vận dụng tối đa dư luận quốc tế, nhưng sẽ là không đủ, cần chuẩn bị các phương tiện ngăn cản trên thực địa, có phối hợp hành động với Philipin. Nếu anh là thủ tướng, anh sẽ họp bàn với Tổng thống Philipin để bàn về kế hoạch đó ngay từ bây giờ, ngay từ lúc này. Vấn đề ở chỗ là, anh Lãng đéo phải thủ tướng. Chúng ta đành chờ hành động của TT Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Chính Trị Việt Nam.
Giữ hòa bình tối đa, nhưng không ngại va chạm, chấp nhận đổ máu và chặn bước tiến của TQ bằng bất cứ cách nào. Nếu hôm nay TQ đặt thành công một giàn khoan nước sâu 3000 mét tại Trường Sa, trong năm sau sẽ có 10 giàn khoan Tàu Khựa mọc lên, và vùng biển tranh chấp biến thành biển Khựa trên thực tế. Chúng ta không thể lùi, dù phải trả bất cứ giá nào. Chiến thuật cần thực hiện, là phản đối công khai, vin vào luật biển, vào thỏa ước DOC để giành tính chính danh, lôi kéo ủng hộ quốc tế, dựa vào phương tiện, vào hỏa lực, vào sự kiên quyết để chặn hành động TQ trên thực địa, và dựa vào sự phá hoại ngầm, bằng đặc công nước, bằng lính cảm tử để phá hoại trên thực tế. Nếu dám làm và quyết tâm làm, Việt Nam sẽ thành công.

Đây cũng chính là thời kỳ, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy các bước tiến mạnh mẽ hơn về phía Mỹ, Nhật, Ấn, EU... Chúng ta dễ được cảm thông, vì chúng ta là một nước nhỏ, đang bị o ép, và bản thân lợi ích các nước lớn trên thế giới cũng đang bị đe dọa. Và điều này, cũng cần trông chờ vào dũng khí, vào khả năng vượt qua chính mình của tầng lớp chóp bu cai trị Việt Nam.
Tựu trung lại, lúc nguy nan này, cũng chính là lúc Việt Nam có cơ hội để thực sự bước sang một con đường khác, một giai đoạn khác, một nấc thang khác. Lợi ích dân tộc ở bờ vực sinh tồn, cũng chính là lúc thức tỉnh lương tri ở bộ máy cai trị tha hóa của Việt Nam. Cũng chính là lúc chúng ta có cơ hội, để tiến hành các cải cách, sẽ đem lại khủng hoảng trong ngắn hạn, nhưng lợi ích dài hạn của dân tộc sẽ được tưởng thưởng.
Và chính các bạn, bọn con bò, những thanh niên Việt Nam ưu tú, chưa được khai sáng và có dân trí đủ mức để làm chủ cuộc sống của chính mình. Đây cũng chính là lúc các bạn cần thức tỉnh, xiết chặt tay nhau đoàn kết chống lại mối họa cận kề, xiết chặt tay nhau, tạo thành sức mạnh đồng thuận để có những cải cách ở Việt Nam, cả về chính trị, về chiến lược phát triển kinh tế và đường lối ngoại giao. Số phận của chúng ta, nằm trong chính bàn tay chúng ta chứ không nằm trong tay thằng đéo nào cả.


Nguon :LANG BLOG