Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

26 thg 8, 2011

KHẢO SÁT VĂN BẢN THÔNG BÁO NGÀY 18/8/2011

 

Thí vấn dư sở phạm hà tội ?
Tội tại vị dân tộc tận trung!

(Hồ Chí Minh)

Phạm tội gì đây, ta tự hỏi

Tội trung với nước, với dân à?

(Nam Trân dịch)

Bản thông báo của UBND thành phố Hà Nội phát đi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày 18/8/2011 đã lập tức thành một “văn kiện lịch sử” về nội dung răn đe, ngăn chặn người biểu tình yêu nước và về hình thức bất chấp lề lối pháp quy của việc ban hành một văn bản hành chính. Nhiều người đã khảo sát “văn kiện” này dưới hai góc độ ấy. Ở đây tôi thử làm một phép khảo sát văn bản dưới góc độ ngôn ngữ học.


Trước hết là về tên gọi sự kiện ngày chủ nhật từ đầu tháng 6 đến nay. Sau ngày chủ nhật đầu tiên 5/6/2011, khi mọi người xuống đường đều gọi là đi biểu tình, thì trong một bản tin phát đi từ một cơ quan của chính phủ lại gọi đó là “tụ tập”. Cách gọi đó đã gây ra một làn sóng bất bình, phản ứng mạnh mẽ ở những người tham gia biểu tình và ở những người có sự nhìn nhận khách quan. Một ông phó trưởng ban tuyên giáo trung ương trong buổi giao lưu với tờ báo của ngành công an cũng không dám gọi thẳng tên sự việc là biểu tình mà nói loanh quanh. (Chuyện này tôi đã viết trong bài “Ông phó trưởng ban tuyên giáo trung ương không biết đọc từ điển tiếng Việt”). 
Trong thông báo 18/8, UBNDHN dùng cùng lúc ba tên gọi “tụ tập, biểu tình, tuần hành” để chỉ các cuộc xuống đường trong hơn hai tháng qua. Điều đó cho thấy, thứ nhất, chính quyền đã phải thừa nhận đó là biểu tình, nhưng thứ hai, thừa nhận mà vẫn lúng túng, vẫn không dám gọi đúng tên sự việc, nên dàn hàng ngang ba tên gọi để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Cũng có thể hiểu theo trật tự trước sau của ba tên gọi thì chính quyền đã nhìn nhận cuộc xuống đường đã phát triển từ “tụ tập” tiến lên “biểu tình” và chuyển thành “tuần hành” cùng với một nội dung là “tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”. Hiểu theo cách này thì chính quyền đã gọi đúng nội dung thực sự của sự kiện biểu tình. Cái từ “tự phát” ở đây cũng rất chính xác, vì nếu có một tổ chức nào nằm trong hệ thống chính quyền hiện hành đứng ra xin phép cho người dân biểu tình phản đối Trung Quốc thì không thể nào được, còn một tổ chức nào nằm ngoài hệ thống chính quyền hiện hành đứng ra làm việc đó thì đã bị quy là trái pháp luật và bị chính quyền xử lý ngay rồi. “Tự phát” đúng là tính chất của các cuộc xuống đường vừa qua, và chính quyền đã lại thấy ra nguồn gốc sự tự phát đó là “xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.” Rất đúng! Nhưng cần phải thấy thêm nữa rằng, sự tự phát đó bùng ra được là căn cứ vào Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định một quyền của công dân là quyền được biểu tình. Còn nói “tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân” dẫn đến những cuộc biểu tình tự phát yêu nước thì là một sự dũng cảm của chính quyền khi công khai thừa nhận một tâm trạng có thật của nhân dân trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng đấy là suy luận của người đọc, còn người soạn thảo văn bản đưa mệnh đề ấy vào chắc là để gài sẵn một cái cớ cho lập luận sau đó nói phải ngăn chặn biểu tình. Trong tiếng Việt, nói “bức xúc” luôn phải có bổ ngữ cho động từ này: bức xúc về ai, bức xúc về cái gì. Bổ ngữ đối tượng ấy chính là cái chính quyền lo sợ.


Như vậy, đoạn mở đầu thông báo 18/8: “Trong các ngày Chủ nhật từ đầu tháng 6 năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp diễn ra các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Những ngày đầu, các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.” cho thấy UBNDHN đã phải thừa nhận một sự thật. Từ chỗ miệt thị gọi những cuộc xuống đường yêu nước của người dân là “tụ tập” đến chỗ phải thêm vào hai từ “biểu tình” và “tuần hành”, chính quyền đã không thể chối bỏ một hiện tượng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ở trong một văn bản trái pháp quy được ban ra nhằm chấm dứt hiện tượng không thể chối bỏ đó.

Lý do để chính quyền ra lệnh chấm dứt các cuộc “tụ tập, biểu tình, tuần hành” nằm ở câu tiếp liền sau: “Những ngày gần đây lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô.” Cụm từ “những ngày gần đây” ở câu này là để đối lại cụm từ “những ngày đầu” ở ngay câu trên, như vậy là chính quyền có sự phân kỳ 10 cuộc biểu tình từ 5/6 đến 14/8 thành hai giai đoạn: “tự phát” và “kích động”. Mà kích động là có tổ chức (“các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước”). Nếu thực tế có diễn ra thế, nếu nguyên nhân đó có thực, thì việc phát hiện ra các thế lực, tổ chức đó trong “những ngày gần đây” và vô hiệu hóa, loại trừ chúng, để quần chúng nhân dân vẫn được bày tỏ tinh thần yêu nước một cách tự phát như “những ngày đầu” là chức năng, nhiệm vụ của chính quyền với hệ thống công cụ trong tay. Vì chính quyền đã thừa nhận tính chất của biểu tình và đã tìm ra nguyên nhân làm chệch hướng biểu tình (như họ nói) thì chỉ việc khắc phục sự chệch hướng, trả lại ý nghĩa nguyên sơ cơ bản của biểu tình hợp với lòng dân là xong. Nếu không làm được thế mà vin cớ “những ngày gần đây” để dẹp “những ngày đầu” thì chính quyền đã lộ ra là mình yếu kém, bất lực hay sao. Như vậy khác nào muốn hắt đổ chậu nước bẩn thì hắt luôn cả đứa bé đang ngồi trong chậu!

Do tư duy phân kỳ biểu tình hai giai đoạn, lấy đoạn sau xóa đoạn trước,  nên câu chữ ở các phần sau của thông báo 18/8 rất lúng túng và mâu thuẫn. Vừa thừa nhận biểu tình là yêu nước (mệnh đề này tướng Nhanh giám đốc công an thành phố đã nói rất dứt khoát trong cuộc giao ban ngày 2/8 được đăng tải rộng rãi trên các báo chí) thì đã lại quy cho biểu tình làm xấu hình ảnh thủ đô, làm mất an ninh, trật tự phố phường. Biểu tình mà không biểu ngữ, khẩu hiệu, không hô hào, kêu gọi, không cuốn hút mọi người tham gia, để thể hiện công khai chủ đề, nội dung biểu tình (“phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”), thì sao gọi là biểu tình. (Và thực tế các cuộc xuống đường vừa qua không hề lộn xộn, luôn đi có hàng lối, nếu có khi cản trở giao thông, được cảnh sát yêu cầu, đoàn người đã chấp hành đúng luật lệ.) Đặc biệt, vừa thừa nhận “các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân” thì đã quay sang quy kết “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin, ngộ nhận tham gia biểu tình tự phát là thể hiện tinh thần yêu nước”. Điều này cho thấy chính quyền vừa thiếu tôn trọng nhân dân vừa loay hoay như gà mắc tóc trong ma trận chữ nghĩa do mình tung ra. K. Marx nói “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy” thật quả chính xác.

Mệnh đề “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin” nên sinh ra ngộ nhận, vì ngộ nhận nên tham gia biểu tình, dễ khiến người ta nghĩ theo lối “từ đó suy ra” đơn giản như sau: đa số quần chúng do đủ thông tin nên không ngộ nhận, từ đó không tham gia biểu tình. Để xem lối nghĩ này có đúng hay không, chỉ cần đọc lời phát biểu của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII, sau khi các đại biểu được nghe Bộ Ngoại giao báo cáo kín tình hình Biển Đông tại hội trường. Ông Quốc nói: “Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy một tiếng và không có thảo luận. Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì CP đã làm, nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.” Vậy là nếu dân chúng có thiếu thông tin thì do chính quyền không cung cấp thông tin, nhưng không phải vì thiếu thông tin mà dân chúng ngộ nhận biểu tình. Ngược lại, trong thời đại thông tin toàn cầu và thế giới phẳng ngày nay, những người biểu tình có được nhiều thông tin không qua con đường chính quyền. Những thông tin đó có thông tin sạch và thông tin nhiễu. Nếu những thông tin họ nhận được bị nhiễu mạnh thì lỗi là ở chính quyền không cung cấp cho họ thông tin sạch. Nhưng bản thân họ cũng biết lọc thông tin.Vì thế, từ các thông tin nhận được, họ lo lắng cho sự an nguy của đất nước, từ nỗi lo đó họ tự phát xuống đường bày tỏ sự phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sự tự phát này, xin nhắc lại một lần nữa, là đúng pháp luật vì được bảo đảm bằng Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, một tác động quan trọng khác của các cuộc biểu tình vừa qua ngoài khơi dậy lòng yêu nước của người dân là đặt Quốc hội trước đòi hỏi cấp thiết của hoàn cảnh chính trị-xã hội hiện thời phải cụ thể hóa điều quy định của Hiến pháp thành Luật biểu tình. Nếu không, người dân vẫn có quyền tự phát biểu lộ lòng yêu nước trên cơ sở Hiến pháp, còn chính quyền thì lúng túng đối phó, ngăn chặn bằng những bản thông báo trái pháp luật, sai quy cách trong khi đang hô hào cải cách hành chính.

Giao lực lượng Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với chính quyền các cấp, các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành, ủng hộ và tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự.” Đoạn này của thông báo 18/8 đã gài sẵn chốt bật đèn xanh cho việc trấn áp biểu tình. Lực lượng công an là công cụ bảo vệ pháp luật, nó không phải là chủ thể pháp luật, do đó giao nó chủ trì tức là đã đặt bạo lực lên trên tuyên truyền, lấy răn đe thay giáo dục, đưa chính quyền vào thế đối lập chứ không phải đối thoại với nhân dân. Lẽ ra ở đây câu chữ phải thể hiện vị trí và vai trò của các cơ quan, đoàn thể theo một trật tự khác, đề cao sự đồng thuận chứ không phải sự chia rẽ lấy cớ là có sự khác biệt trong nhận thức của người dân và của chính quyền trước vận mệnh đất nước. Đoạn này cũng mâu thuẫn với lời tuyên bố của tướng Nhanh hai tuần trước đó là công an thành phố và cấp trên không chủ trương đàn áp biểu tình. So sánh lời tuyên bố của một vị tướng công an hôm 2/8 và lời thông báo hôm 18/8 của UBNDHN thì rõ là lực lượng công an đã được chính quyền bắt vào thế làm ngược ý mình. Và vì lực lượng công an là công cụ của chính quyền và lại được chính quyền giao cho trách nhiệm chủ trì dẹp biểu tình nên lời ông tướng muốn tỏ rõ sự độc lập của ngành mình thành vô hiệu.


Thực chất, toàn bộ câu chữ của bản thông báo 18/8 với những lập luận mâu thuẫn, thiếu logic, chỉ cốt để đưa tới điều này: “Đối với những người cố tình không chấp hành, tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và xử lý theo quy định của pháp luật.” Rốt cục chính quyền đã vất đi hai từ “biểu tình” và “tuần hành” nêu ở đầu văn bản, lại nhốt hết mọi người xuống đường vào mệnh đề “tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ” để dễ bề ra tay “áp dụng các biện pháp cần thiết”. Bởi vì người biểu tình họ tự phát nhưng thấy mình làm đúng, họ đi đứng trật tự, đàng hoàng, họ hô những khẩu hiệu yêu nước, nên khi bị cảnh sát xô vào ngăn chặn, bắt giữ, họ phản ứng, họ vùng vẫy, thế là họ bị sa bẫy “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ”. Ma trận ngôn từ biến thành vòng vây cảnh sát là vậy.


Hơn bốn mươi người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày chủ nhật 21/8/2011 là hệ quả tất yếu của một văn bản được soạn thảo bất chấp logic ngôn ngữ và phép tắc hành chính chỉ cốt tạo ra một cơ sở pháp lý để bắt người biểu tình, dù cho cơ sở pháp lý đó là vi hiến và sai thủ tục.


 Hà Nội 22.8.2011 
Phạm Xuân Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét