Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 6, 2011

CÁI GÌ QUÝ HƠN?


           Sáng. Còn đang mơ màng đã thấy đập cửa ầm ầm. Chết rồi! Chắc là có chuyện.
 Vội vàng mắt nhắm mắt mở chạy ra. Giời ạ. Lại ông bạn khùng “đếch nói nữa… không lại bảo là phản động”. Hắn hỏi luôn:
          - Này nghe tin gì chưa?
          Mình hốt hoảng. Chắc là có đám tự tử hay lại chuyện đâm xe có người bị thương cấp cứu. Vội hỏi: Chuyện gì?
          Hắn bảo cứ mở cửa cho tao vào nhà đã chuyện dài lắm. Mình đành mở cửa mời hắn vào, nhưng trong bụng vẫn phấp phỏng. Hắn thong thả bảo:
          - Đài vừa nói thành nhà Hồ- Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
          Ôi giời ơi! Vậy mà nó làm mình đứng tim. Cái thằng này điên thật rồi. Dớ dẩn quá! Vừa mở mắt ra…Tưởng gì! Tức quá mình mới bảo: Công nhận Di sản thế giới là mừng, nhưng tôi với ông có được thêm cái gì mà chưa sáng đã rộn cả lên. Tưởng hắn tức mà đứng ngay lên phủi đít quần, về… Khác với mọi khi, hôm nay hắn không giận mà còn trầm ngâm rồi lẩm bẩm:
          - Nhưng sao thế giới nó lại công nhận vào lúc này nhỉ? Mà lại đồng thuận trăm phần trăm không cần bỏ phiếu!
          Mình xổ ra một tràng nào là thành nhà Hồ rộng hàng trăm hec ta, nào là thành nằm dựa thế voi chầu hổ phục, nào là đấy là Tây Đô của Việt Nam, mấy trăm năm còn nguyên vẹn, nào là đá ở đấy lấy ở khắp đất nước, nào là những phiến đá nặng hàng chục tấn mà ghép với nhau không cần chất kết dính xây nên cổng thành, tồn tại đến bây giờ, nào là vững vàng qua mưa gió, nào là… Hắn ngắt lời:
          - Biết rồi! Ai chả biết như vậy. Nhưng tại sao thành cao hào sâu vững vàng vậy mà vẫn mất nước, vẫn làm tù binh. Nhục như con… mèo, đang làm vua bị đày xuống làm thằng lính ở Quảng Tây. Cả triều đình bị nó bắt làm tù binh. Nhục…
          Mình vớt vát: Nhưng thực ra Hồ Quý Li là ông vua có nhiều cải cách sâu rộng, có nhiều đổi mới trong cai trị, ví như đổi tiền đồng thành tiền giấy, thay chữ Hán bằng chữ nôm… lại còn biết cải tiến vũ khí. Còn thằng giặc Minh thì nó đã có âm mưu từ lâu…
          Hắn ngồi im nghe rồi đột ngột:
          - Vậy ông có biết tại sao lại có tên Hồ Quý Li không?
          Quả thật điều này mình chưa biết. Vì chỉ biết Hồ Quý Li là em rể Trần Nghệ Tông, có con gái lấy vua, rồi cướp ngôi cháu ngoại…
          - Vì lão ấy cho rằng mình là con cháu vua Nghiêu, vua Thuấn… chứ thực ra ông ta tên là Lê Quý Ly. Nhưng để chứng tỏ ta là thuộc nòi cao sang, lí tưởng cao sang mới đổi thành họ Hồ…
          - Thì đấy cũng là một niềm tự hào…
          Hắn chộp lấy điều ấy nói một hơi: Thì ngu chính là ở chỗ ấy. Cứ cho là không ai hơn mình, xuất xứ dòng tộc cao sang, thông minh hơn người, sáng suốt hơn người, mỗi lời nói là chân lí, bắt mọi người phải câm mồm vâng phục. Vậy mới sinh ra họa mất nước. Vậy ông có nhớ Hồ Nguyên Trừng nói gì không?
          Điều này thì mình biết và nhắc lại câu của Hồ Nguyên Trừng: “Đánh giặc không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo.”
          - Ấy đấy! Mấu chốt là ở chỗ ấy đấy! Hắn nói luôn. Vậy nên tao mới nghĩ: Nước ta từ xưa cứ triều đại nào xây thành đắp lũy thì y như rằng mất nước. Thì ra lòng dân mới là quan trọng nhất. Mà lòng dân lúc bấy giờ phụ thuộc vào ai? Mấy ông bà nông dân chữ nhất cũng chả biết… họ chỉ biết dựa vào thái độ của mấy ông có học, tức là tầng lớp nhân sĩ trí thức đấy. Nhân bất học bất tri lí mà. Những người ấy là những người hiểu lẽ đời, biết phải biết trái. Nhưng Vua cứ cho mình là đệ nhất thiên hạ, đã không chịu nghe lời nói phải lại còn bịt mồm bịt miệng người ta nên mới tàn nghiệp đế. Nên mới phải chịu cái phận tù binh làm khổ sai nô dịch cho giặc Minh. Thế mới nhục, nhục nhất trong các vua nước Nam trong khi thành thì bền vững nhất trong các triều đại nước Nam.
          Thằng này hôm nay nói hay phết, lập luận khá phết! Nhưng tại sao hắn lại lèo từ cái việc Thế giới Công nhận Di sản thành Nhà Hồ sang chuyện này. Như đọc được cái ý của mình hắn bảo:
            -Hình như thế giới muốn cảnh tỉnh mình hay sao ấy? Nhất là trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này. Hình như người ta bảo công nhận các anh có cái thành cổ quý đấy, nhưng cái quý ấy lại là chứng tích cho thấy phải cần cái khác quý hơn. Có phải không nào?
          Hắn lặng đi một tí rồi bảo: Thôi đếch nói nữa, không có lại bảo…Mà nhà ông còn rượu không? Cho tớ một hớp. Không hiểu sao sáng nay tớ thấy nhạt miệng thế...



Nguồn : CUA RAN Blog

28 thg 6, 2011

Thuỳ mị - Nết na & duyên dáng


Việt Nam đã phản đối bằng đường ngoại giao từ ngữ âm của bà Nguyễn Phương Nga qua hành vi gây hấn của Trung Quốc vụ Bình Minh 02 và Viking II. Nhiều người nói chưa đủ độ trước sự ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ, đó là cách giữ thuỳ mị trước muôn trùng vây.
         
Rồi bà Khương Du, Hồng Lỗi rướn cổ trước ống kính các hãng thông tấn truyền đi thông điệp cứng rắn của Trung Quốc với biển Đông lại càng cho thấy Trung Quốc như muốn không làm bạn với khu vực. Và Việt Nam đã kịch liệt phản đối những hành vi trắng trợn xâm phạm chủ quyền. Đấy là cái nết.
         
Nhưng cái thuỳ mị vẫn e ấp với sự kiện diễn ra “Chiều 18-6, hai tàu HQ375 và HQ376 thuộc Đoàn M62 (Vùng D hải quân) được Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ đại diện Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam rời bến đến địa điểm tập kết để cùng với tàu của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đây là đợt tuần tra chung lần thứ 11 kể từ khi hải quân hai nước ký kết thỏa thuận về Quy chế tuần tra liên hợp tháng 10-2005” (QĐND online ngày 18.6).
         
Trung Quốc công bố tập trận trên biển Đông, Việt Nam nhân sự kiện kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng mời nhà báo đến xem dàn tên lửa được nói hiện đại nhất thế giới
S-300PMU1 của Đoàn tên lửa phòng không 64 - Sư đoàn phòng không 361. Nhiều người bình luận là nắn gân. Không. Thật sự là thuỳ mị.
Ngày 17-6 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đã lên tiêng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam ở biển Đông. Hành động nết na ấy chắc chắn sử hồng dân tộc không quên.
         

Sau hội thảo về biển Đông tổ chức ở Hoa Kỳ, các học giả thế giới huấn thị học giả Trung Hoa về đường lưỡi bò, về học thuật biển Đông, Trung Quốc thua to bởi không có chứng lý chính xác và sau đó hung hăng bóng gió “đang đùa với lửa”. Và cũng sau đó, Việt Nam đã cử thứ trưởng bộ Ngoại giao sang Bắc Kinh gặp Đới Bỉnh Quốc để chủ trương duy trì hoà bình ổn định biển Đông đó chẳng phải là thuỳ mị nết na vậy sao!
         
Nhưng trước đó, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn bộ ngoại giao nói Việt Nam có hoạt động hợp tác giao lưu giữa hải quân Việt Nam với hải quân của một số nước. Do đó, việc tàu hải quân của các nước đến thăm cảng của Việt Nam cũng là việc bình thường. Đấy là duyên
.

Cu Làng Cát

27 thg 6, 2011

MỀM NẮN, RẮN BUÔNG

Biển hiệu các dịch vụ bằng tiếng Tàu
cạnh nhà máy Nhiệt điện HP
"Mình cũng lấy làm lạ: "Sao mà lắm người Tàu trên đất nước mình đến thế?". Có đi Bắc Nam mới biết. Trên tàu hỏa cũng thấy đông, xuống ga cũng gặp nhiều, qua Thanh Hóa, Vinh và các thành phố lớn cũng nhan nhản người Tàu..." - Một chi tiết trong câu chuyện của tác giả Mai Tiến Nghi (Blog Cua Rận), kể lại câu chuyện mà ông và hàng chục người Việt Nam trên chuyến xe khách đường dài đã chứng kiến, chịu đựng khiến cho người đọc không thể không xót xa , giật mình về 1 thực tại đã, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều địa phương trong cả nước.


Mình lại nhớ đến câu chuyện cách đây không lâu: Tụi mình xuống Hải Phòng làm phóng sự về tình trạng lao động phổ thông Trung Quốc tràn lan ở TP Cảng. Mặc dù đi xe Lancruised con vẹt xanh đỏ của VTV, đen biển số 80B đàng hoàng, nhưng từ Ủy ban đến Công an TP, huyện Thủy Nguyên, khi nghe đến "tên đề tài" đều... trốn biệt. 


Tìm cách phỏng vấn lao động TQ


Điên tiết, tụi mình phi thẳng đến "Trung tâm lao động Trung Quốc" làm Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, nằm ỡ xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên và... yểm hộ nhau quay phim, phỏng vấn. Điên nhất là khi chui vào tận cái "khu ổ chuột" của hàng vài trăm lao động Tàu, mấy thằng quần là áo lượt (hình như là Đội trưởng lao động hay quản lý gì đó), xủng xẻng ngăn không cho quay phim tác nghiệp và sai phiên dịch gọi... Công an huyện tới xử lý tụi mình.



Bảo vệ xe Đài - máy quay (tài sản XHCN mà), rút cục đành phải hậm hực vác máy, quay tự động và rút khỏi cái "ổ chuột", đứng ngoài cổng khóa chặt, nghe chúng nó xủng xẻng chửi tụi mình từ bên trong. Thằng kều, phóng viên Ban Thời sự VTV văng tục, mình vẫn nhớ: "ĐM! Đất nước của mình mà đéo được quay, lại bị chúng nó đuổi cổ. Có khẩu AK ở đây, tao bắn chết mẹ tụi này rồi muốn ra sao thì ra!".



Phóng sự đó, tụi mình làm rất công phu bởi từ lái xe, kỹ thuật, quay phim, biên tập đều dồn hết tâm huyết cho đề tài. Thế nhưng rút cục, vẫn không được phát sóng. Bài viết này, mình minh họa bằng những tấm hình mình đã chụp, trong mấy ngày đó. Âu cũng thoải mái...


Xin trân trọng cảm ơn người kể lại câu chuyện mang "tinh thần cảnh giác". Giá như ai cũng thực hiện "đối sách" này, thì chắc hẳn bọn "hố hố há há" chẳng dám ngông nghênh trong phố, ngoài đường, trong công trường, cổng nhà máy... ở khắp các thành phố, vùng miền, thôn quê - biên giới trong cả nước. Đặc biệt, ở ngay trên Biển Đông, kinh nghiệm này cũng nên được học tập.

-----------------------------------------------------------------------------

Mốc địa giới xã Minh Đức 
bằng... tiếng Tàu
MỀM NẮN, RẮN BUÔNG

Năm ngoái, bằng giấc này, mình vào Đồng Tháp thăm người nhà. Lúc đi bằng tàu hỏa Thống Nhất. Lúc về bằng ô tô giường nằm của hãng xe Hoàng Long.

Đi xe giường nằm tương đối thoải mái. Đỡ tiếng ồn, có máy lạnh và được ngắm cảnh thỏa thích, chứ không như tàu hỏa, cứ "kình kịch, cành cạch" điếc cả tai, nhìn ra ngoài toàn rừng với núi… Nhìn một lúc chán mắt muốn buồn ngủ, nhưng cái tiếng "cành cạch kình kịch" nó choảng vào lỗ tai, khó chịu đến không thể ngủ được.


Nhưng xe chật nên giường nằm chỉ rộng khoảng 50 phân, còn chiều dài cũng đủ 1m90, nhưng khoang để chân người sau, là phần gối đầu của người nằm phía trước.


Nhà xe rất cẩn thận, trước khi lên xe, hành khách mỗi người nhận 1 cái túi nilol bỏ dép giầy vào đấy, rồi cất lên chỗ nằm cùng với hành lí khác. Lúc nào xuống xe, thì cầm cái túi đựng dép ra cửa xe lấy dép đi vào. Vì vậy, sàn xe sạch bong.


Trên xe, nằm ngay trước mình là 2 thằng người Tàu. Mình cũng lấy làm lạ: "Sao mà lắm người Tàu trên đất nước mình đến thế?". Có đi Bắc Nam mới biết. Trên tàu hỏa cũng thấy đông, xuống ga cũng gặp nhiều, qua Thanh Hóa, Vinh và các thành phố lớn cũng nhan nhản người Tàu...


Sở dĩ mình biết được đó là người Tàu, vì ngày cấp III phải học ngoại ngữ tiếng Tàu, nên nghe tiếng, mình có thể hiểu, còn bảo mình nói thì ngoài "Nỉ hảo, nỉ mân hảo", chả nói được gì hơn.


Với lại ở Việt Nam, trông thấy anh nào nhếch nhác, đầu trọc, mắt một mí, thuốc lá rút từng điếu ra mời thì chắc chắn là cái anh người Tàu… nhận ra ngay.


Cổng vào "Khu ổ chuột" lao động TQ

Hai thằng người Tàu, đầu trọc nằm ở trước mình (có nghĩa đầu nó gối trên chân mình), một cao một lùn. Thằng cao thì cao hơn mình, nhưng gầy hơn mình. Còn thằng lùn thì thấp hơn mình, nhưng béo hơn. Nếu tính bình quân, thì mình cũng chẳng kém gì chúng nó.

Nhưng 2 thằng này lại rất vô văn hóa. Trên xe cứ cười nói ông ổng cả ngày, cả đêm. Mình không chịu nổi nữa, phải hét: "Im mẹ cái mồm chúng mày đi cho tao ngủ!". Bọn nó nghe quát vậy thì im bặt, trợn mắt nhìn, rồi lại "hố hố há há". Cả xe tức điên. Có người chửi: "Mả bố nhà chúng nó! Nó sang nước mình mà cứ như là đến chỗ không người!".


Mỗi lần nghỉ dọc đường, là 2 thằng lại biến đi đâu mất. Lúc lên xe, tất cả mọi người phải đợi. Nhà xe phải cho người đi tìm. Mãi mới thấy 2 thằng khệnh khạng "hố hố há há" lên xe.


Mình hỏi mấy anh nhà xe: "Kệ cha chúng nó không được à?. Sao lại để nó đi xe?". Tay nhà xe bảo: "Chúng cháu có muốn chở những loại này đâu, nhưng nó mua vé ở bến, bến xe xếp chỗ nên đành chịu. Chứ chở nó cũng chẳng hơn được đồng nào!".


Các lao động TQ tràn ra ngoài để.... 
đuổi phóng viên VTV

Mình bảo: "Kệ mẹ chúng nó!. Nó đến chậm, cho rớt dọc đường!". Nhà xe phân trần: "Không được đâu chú ơi!. Nó kiện cho mất nghề ấy, chứ chả chơi!". (Sau này mới biết mấy tay lái xe nói thật. Cái vụ Dìn Kí lật tàu đấy. Nó đòi phải đền 4 thằng Tàu, mỗi mạng 30.000 USD, còn chỉ phải đền mỗi mạng người Việt có 7.000 USD. Vậy ra, giá trị mạng sống chúng nó đắt hơn mạng người Việt Nam?).

Sau khi nghỉ ở Quy Nhơn, lúc lên xe, mình cầm vào cái túi đựng quần áo ở cuối chỗ nằm, thấy dính bết vào tay: "Giời ạ! Bã kẹo cao su!". 2 thằng chó này ăn kẹo cao su, rồi ném ngay sang chỗ mình. Mình biết điều ấy vì cả xe chả có ai ăn kẹo cao su, chỉ có 2 thằng mồm cứ trèo trẹo như trâu nhai lại. Vả lại, đầu nó sát chỗ mình để hành lí của mình, chỉ cần với tay sang lúc mình không để ý...


Khi 2 thằng đầu trọc "hố hố há há" khệnh khạng lên xe. Mình chìa cái túi có bã kẹo vào mặt 2 đứa, tay xua xua, bảo: "Không nên làm vậy!".


Hai thằng nhăn răng cười, đầu gật gật.


Hàng hóa TQ do người TQ mang sang 
bán trước "Khu ổ chuột"
"Mày biết rồi thì ông không thèm chấp!" - Mình ngủ một giấc. Ra đến Đà Nẵng nghỉ ăn cơm. Mình lăng xăng cầm túi đựng dép định xuống xe trước. Hai thằng trọc xuống liền sau. Mọi người trong xe cũng lục tục xuống theo.

Đến cửa xe mình thò tay vào túi lấy dép. Lại thấy dính. Lại bã kẹo cao su. Điên tiết, mình quay ngược lại, chỉ vào mặt 2 thằng Tàu: "2 thằng chó này!. Tao đã nhịn mày lần trước mà mày vẫn còn chơi đểu tao hả. Đồ khốn nạn!".


Hai thằng lại nhe răng cười!


Không thể chịu nổi nữa, mình rút dép dứ vào mặt 2 thằng: "Ông đã nhịn mày rồi, mà mày vẫn còn giở trò khốn nạn hả! Ông phải đập vào mặt mày, cho mày chừa cái thói khốn nạn đi nhá,2 thằng mất dạy kia!".
Và mình phang. 2 thằng tránh. Mọi người trên xe nhao nhao: "Đập chết mẹ nó đi!. Nhịn nó là nó tưởng mình sợ!. Ông cứ đập bỏ mẹ nó đi!". Vậy là mình yên tâm: "Ông một mình, nhưng ông có bao nhiêu người ủng hộ. Ông không sợ!".

Lao động TQ tại Thủy Nguyên, HP

Hai thằng xanh mặt, cụp đuôi im thin thít.

Chặng đường còn lại, 2  thằng không dám tác oai tác quái nữa. Không thấy "hố hố há há", nghỉ dọc đường xong cũng nhanh nhẹn lên xe, mọi người không phải đợi.. Nhà xe bảo: "Cái lũ này, mềm nắn rắn buông. Càng nhịn nó càng lấn tới. Cứ phải vậy mới được!".

 Tới Hà Nội. 2 thằng Tàu nhảy xuống đầu tiên. Mình xuống xe,  nhìn quanh: Không thấy 2 cái đầu trọc đâu!. Bọn này lẩn nhanh thế!..
 
----------------------- 
 Nguon : Mai Thanh Hải Blog -

25 thg 6, 2011

QUYẾT DIỆT KÌNH NGƯ NGOÀI ĐÔNG HẢI

Ngày ấy, ngư dân miền Trung nước Việt đang sống an bình, ngày ngày ra khơi đánh cá. Tôm cá nhiều vô kể, cứ đến mùa cá là hàng đoàn thuyền đánh cá họp nhau lại cùng ra khơi. Khắp mặt biển xanh vang câu hò câu hát. Họ cùng nhau ra biển của mình, sống chết có nhau cùng nhau hợp lực vẫy vùng với sóng to gió lớn, cùng sẻ chia những mẻ cá lớn cá nhỏ. Thuyền về cá đầy khoang, nhà nhà đều vui vẻ. Cả vạn chài sung túc no đủ vui vẻ chan hoà. Hàng năm, cứ đến mùa biển lặng, Vua lại cử cả một hải đòan ra tuần thú ngoài đảo cát xa xôi tế lễ tiền nhân ngàn đời đã mở mang trông nom đảo qúy đem về bao sản vật trời ban cho dân Việt…

Chuẩn bị xuất kích. Ảnh: Mai Thanh Hải-blog

Cuộc sống đang an bình, Thế rồi, mấy tay anh chị trong vạn chài tách đòan đi đánh lẻ, tự nhiên chúng vớ được những đàn cá lớn và trở nên giàu có. Chúng  bỏ tiền đóng thuyền to, thuê những tay chài nghèo khó lực lưỡng lặn sâu mò san hô ngọc trai và bao sản vật qúy dưới lòng biển khơi. Quăng lưới lớn, câu dài bắt cá to. Chúng ngồi hưởng lộc trời của muôn dân mà chẳng phải làm gì.Từ đấy, vạn chài đang thanh bình bỗng trở nên lục đục. Người người ra khơi nhưng mạnh ai nấy đánh. Thấy luồng cá to thì ngấm ngầm vơ vét mà chẳng báo cho bạn chài hay, Đánh được bao cá, mò được bao ngọc chẳng ai kiểm sóat. Chúng chỉ dâng lễ cho quan trên rồi hưởng một mình mọi báu vật của thiên hạ. 
Kẻ thì trở nên giàu nứt đố đổ vách, người thì nghèo xác nghèo xơ. Đội thuyền tan tác. Nhiều thuyền gặp sóng cả gió to nhưng đi lẻ loi nên bị sóng dữ nhận chìm chẳng có bạn chài nào cứu vớt. Xóm chài tuy có khang trang lên chút đỉnh nhưng không còn cái không khí vui tươi chan hòa như ngày nào. Kẻ thì nhà cao cửa rộng nghênh nghênh ngang ngang, người thì túp lều che thân cũng không đủ chỗ mà chui mà rúc lại bị lũ cường quyền trong thôn trong xã thi nhau quấy nhiễu hạch sách đủ điều.

Bỗng một hôm, đang trời yên biển lặng, tàu ra khơi xa buông câu thả lưới, chợt ầm ầm có cơn sóng lớn bất thần xuất hiện. Dân chài hỏang hốt thấy từ phương Bắc lừ lừ một lũ kình ngư cao to như những trái núi di dộng đang lao thẳng vào những con thuyền yếu ớt, nhỏ bé. Tàu bè vỡ tan, chúng nuốt chửng những khoang cá đầy ắp mà mất bao ngày cật lực mất bao công sức mới gom góp được. Từ đấy, cả vạn chài mất ăn mất ngủ. Những ngư dân sống sót trở về họp nhau lại bàn cách ứng phó. 
Mấy tay chài sừng sỏ nhiều kinh nghiệm bày kế “Kình ngư to là thế nhưng không đáng sợ. Chúng tham ăn lắm. Hễ thấy, ta cứ cho nó lại gần, thủ sẵn kiếm sắc giáo nhọn, thừa cơ nó há mồm đâm tàu, anh em ta chui vào miệng nó dùng dáo mác mà đâm thủng sọ, phanh thây xé xác chúng ra liệu chúng làm gì nổi ta? 
 To xác mà tham lam cũng không đáng sợ. Chỉ lo mình có dám quyết tâm sống mái với chúng hay không mà thôi. Nếu thuyền nào cũng đồng lòng thì Kình ngư có to, có khỏe đến mấy ta cũng diệt hết?”. Lại có kẻ hèn hạ xúi: “Thôi nó to , nó khỏe như thế, mình đánh nó thì khác nào như trứng chọi đá. Đánh làm sao được? Gặp kình ngư thì cứ qùy xuống mà vái rồi dâng cả khoang cá cho nó. No bụng rồi xin nó tha cho mà về. Đi kiếm mẻ khác vậy. Miễn là mình còn thuyền còn, thì cá còn”…

Nói là làm. Mấy ngư phủ dũng mãnh nhất vạn chài rút cuộc tuy có giết được một hai Kình ngư nhưng vài người dũng mãnh nhất cũng đành ngậm ngùi nằm trong bụng cá. Những tay hèn hạ dâng cả khoang thuyền đầy cá cũng chẳng được an thân. Nuốt sạch cá, lũ Kình ngư nuốt luôn cả kẻ hèn hạ đang qùy lạy vừa dâng cả thuyền cá đầy ắp cho chúng.

Đội Chiến thuyền của nhà Vua có nhiệm vụ ra đảo xa tuần thú cũng vô cùng hoang mang lúng túng. Gửi sớ tâu vua ba lần bảy lượt mà chẳng được Vua ban chỉ dụ đối phó. Các quan vội vã cử người về tận triều đình cấp báo.

Đang ngồi uống rượu xem chọi gà, nghe hát với lũ cận thần và mỹ nữ, nghe tin dữ, Vua đang nâng chén rượu bỗng mặt biến sắc. Tay run run, Ngài hỏi đi hỏi lại có đúng là như vậy không? 
Vua phán: “Quái lạ! từ xửa từ xưa Tiên đế ta đã cưỡi cơn sóng dữ chém sạch lũ kình ngư rồi cơ mà ? Sao lại có Kình ngư mới xuất hiện là thế nào?”. Ngài vội vã triệu tập quần thần để tìm kế sách đối phó. Lũ cận thần đang say ngất nga ngất ngưởng trong men rượu nồng, máu chọi đang phừng phừng trong hiệp chọi dang dở, hốt ha hốt hoảng đóng khăn áo vào triều bàn nghị sự.

Nhà vua thuật lại sự tình rồi hỏi lũ cận thần kế sách. Lũ cận thần gần vua nhất thì lúng ba lúng búng chẳng biết nói năng ra sao. Có vài kẻ nhìn trước nhìn sau mong cho giá ngự sớm kết thúc để vội về ôm nhanh túi vàng bao năm vơ vét được cùng vợ con đào tẩu thóat thân. Một vài trung thần thì xúm lại bàn tính và xem xét lại những kinh nghiệm mà Tiên đế thủa xưa đã diệt kình ngư ra sao hầu mong gỡ được thế bí…

Vua nhớ lại tích xưa, khi giặc nhà Ân xâm lăng bờ cõi, tiên đế đã sai sứ giả mang loa đi rao khắp thiên hạ mong tìm được người tài ra cứu nước. Rút kinh nghiệm xưa, sứ giả đi đến những nhà có trẻ con mong tìm ra được những trẻ lên ba như Thánh Dóng bỗng bật dậy biết nói xin ra cứu nước. Tìm mãi mà chẳng thấy trẻ nào? Có Mấy đứa xung phong noi gương Thánh Dóng nhưng lại không biết cầm cây gậy tre chứ đừng nói gì đến cung đến kiếm bởi chẳng ai dạy. Thấy vũ khí là run bởi trẻ con bấy giờ bị cấm ngặt .

Sứ giả đi đến đâu cũng rặt một tin đồn: “Cứ tìm đến Ngư ông trăm tuổi mà hỏi”. Đi khắp nơi mà chẳng tìm được ai ngòai câu trả lời “Ngư ông trăm tuổi”…

Nhà vua ủ rũ lo lắng. Suốt bao tháng trời mà lũ Kình ngư vẫn không ngừng tác oai tác quái. Mỗi ngày chúng lại hãm hại thêm nhiều ngư dân. Không những thế, chúng còn định phá cả thuyền bè nhà cửa trong bến nữa.

Bỗng một đêm, Hòang thượng mơ thấy Ngư ông từ dưới biển Đông hiện lên trong ánh hào quang rực rỡ. Tiên ông ôn tồn hỏi: “Nhà ngươi lại có chuyện gì cần đến ta chăng?”. Hòang thượng qùy xuống phủ phục dưới chân Tiên ông và chợt ngộ ra mình đã có nhiều lần gặp Ngư ông và nghe ngài cảnh báo nhiều điều nhưng lúc ấy Vua bỏ ngòai tai. Nay trong lúc tâm trí rối bời, ngài cầu mong mong xin tiên ông tha thứ và cho kế sách chồng lũ Kình ngư tàn ác đang tác oai tác quái ngòai Đông Hải và khắp nơi.

Tiên ông dõng dạc truyền vang như tiếng sấm rền ngòai biển Đông: “Nhà ngươi quên cả rồi sao? Muốn chém được cá kình thì biển Đông phải dậy sóng! Tòan dân thiên hạ, già trẻ gái trai đều phải đồng lòng. Mỗi người đều nhất loạt ném đá đuổi bầy cá dữ. Nhỏ thì ném một viên sỏi, lớn thì bẩy cả trái núi to xuống biển. Khi ấy, Đông Hải sẽ xuất hiện đại sóng thần. Bão táp phong ba nổi lên giận giữ sục sôi. Khi ấy, không một lòai Kình ngư nào có thể bức hiếp được nước non này”. Nghe lời truyền, nhà Vua bỗng nhớ tới lời tiên đế dạy từ đời xửa đời xưa: “Đẩy thuyền cũng nhờ dân! Lật thuyền cũng do dân”.

Hòang thượng vã mồ hôi, người lạnh tóat tỉnh cơn mê. Ngài bỗng ngộ ra một chân lí mà ai cũng biết nhưng chỉ có những người tài hiền mới làm nổi mà thôi.
Nguồn : VUTHELONG

Không Bán Dối Lừa


Đêm đó từ Hải Phòng về Hà Nội, xe về  Lương Yên đến Bác Cổ dừng lại cho một số người xuống trước bến. Hắn xuống xe dáo dác tìm xe ôm, đáng nhẽ vào hẳn bến thì có nhiều xe, đằng này lại muốn xuống đây cho thoáng, vì hắn sợ cái không khí nồng nặc mùi dầu xe, mùi nước tiểu ở bến xe. Bước lững thững dọc vỉa hè men viện bảo tàng lịch sử, bỗng tiếng xe máy áp tới và một giọng nữ trung niên hỏi
-     Đi không anh ơi.?
Hắn quay đầu lại nhìn, trên chiếc xe máy wawe Trung Quốc cũ là một phụ nữ xồ xề hơn 50 , khuôn mặt bự phấn cười nhăn nhở.
-     Đi
Hắn leo lên đằng sau xe, người phụ nữ rồ ga vẻ hứng chí như vớ được con mồi, chị ta cười nhăn nhở hỏi.
-       -Tàu nhanh nhé, nhà nghỉ ngay đây, trong đê thôi.
Hắn không hẳn từ chối, nói
-       - Cứ đi đoạn nữa đê.
Thấy vẻ không dứt khoát của hắn, chị phụ nữ nài nỉ
-       -Vào đi, tớ chiều hết mình, muốn gì cũng được. Gái già có chiêu của gái già, bọn trẻ kia nó kiêu lắm không làm hết mình đâu.

Người phụ nữ ra sức nài nỉ, chị ta bỏ một bên tay lái vòng đằng sau sờ quần hắn, hơi thở từ nụ cười nhăn nhở phả vào mặt hắn thối hoắc. Hắn gạt tay chị ta ra nói

- Đi nhìn đường, đâm bây giờ.

Chị ta cười cố gắng duyên dáng nói.

- Đi mở hàng cho tớ đi, hôm nay chưa có khách, tớ cũng đang máu lắm, lấy rẻ thôi nhé, 100 nghìn cả nhà nghỉ bao 1 tiếng, đi không ?

Xe đến quán phở, không còn cách nhà bao nhiêu. Hắn bao xuống đây, chị phụ nữ dừng xe, nét mặt thẫn thờ như tiếc công sức từ này mồi chài không được, Chị thở dài nhìn hắn vớt vát nài nỉ.

- Đi cho chị có chút tiền đong gạo cho cháu, xăng xe của chị cũng chả còn đây em này.

Hắn lặng lẽ lục ví, tìm tờ 100 đưa cho chị. Cầm tờ tiền, cảm tưởng cả lớp phấn trắng bệch rẻ tiền trên mặt chị cũng dãn ra theo nếp nhăn.

- Chị xin, chị hay đứng muộn ở chỗ ban nãy em lên xe, lúc nào muốn giải quyết tìm chị nhé, coi như chị nợ em lần này.

Hắn hỏi

- Có thật trừ nợ không hay điêu ?

Chị quả quyết

- Chị bán thân chứ không bán cái điêu.

Hắn cười gật đầu rồi vào hàng phở, chị phụ nữ rồ xe quay đi. Cái lưng sồ sề hai bên eo chảy xệ trong lớp áo thun trắng, lớp mỡ rung rinh...chắc chị lại đi tìm khách. Chuyện chị cầm tiền rồi nhắc nhở như có vẻ nợ nần, hứa thanh toán bằng xác thịt lần sau làm hắn phì cười. Người ta hay cho rằng gái điếm cầm tiền là xong, nhưng hắn nghĩ chị nói thật. Nếu lần sau hắn có nhu cầu, chắc chị sẽ trả nợ. Những gái điếm già quá lứa, rất cần khách, cần tiền, nhưng cũng rất biết chơi sòng phẳng. Không như bọn gái nhà hàng đôi mươi , nhõng nhẹo kể chuyện gia đình thương tâm này nọ, mõi tiền khách xong, lát nữa đã thấy ở quán bar nhảy múa gào thét.

Một lần nọ, ở một thị trấn tỉnh lẻ, nơi vườn hoa trung tâm có đường quốc lộ chạy qua. Hắn chờ xe khách chuyến muộn. Ngồi ở hàng nước của hai mẹ con. Người mẹ dặn con gái

- Mày về xem con gà nhốt kỹ chưa, không nó bay mất, nhớ cho nó ăn ít cơm nhé.

Hắn tò mò, hắn tưởng đó là một con gà quý, chắc là gà chọi. Bèn hỏi

- Gà gì mà phải giữ cẩn thận thế

Chị bán hàng

- À con gà để ngày mai giỗ cho con trai chị.
- Mai thịt thì cho nó ăn làm gì
- Kệ chứ, đến bữa vẫn cho nó ăn, bao giờ thịt hẵng hay, để nó đói tội
- Sao không để mai mới mua hả chị.
- Mua hôm phiên chợ cho rẻ em ạ, không đúng phiên đi mua lại hàng buôn mất thêm chục nghìn.

Nghe kể chuyện mới biết, mẹ con chị dành mãi mới mua được con gà, bán nước này nhặt nhặn một vài nghìn cả vốn lẫn lãi hai mẹ con sống lay lắt. Giờ giỗ anh trai con bé kia có được con gà , sổng mất thì mất giỗ. Thế nên chị phải bảo con gái về canh con gà, con chị cố ngồi thêm đêm nay gắng kiếm thêm đồng mua bát gạo nấu xôi. Chồng chị ở tù vì trộm cắp, con chị đi lao động đội than ở bến tàu, lao phổi ốm rồi chết lúc tuổi 23, đến nay là đã 2 năm. Chị nói thằng đó đẹp trai lắm, cao ráo, lao động cực nhọc ở bến xà lan mà vẫn trắng hồng. Nhưng lúc phát bệnh xuống sức mau quá, không kịp chữa trị gì nữa, nằm viện vài tháng là cháu đi.

Hắn lấy ra tờ 200 nghìn đưa chị nói

- Em muốn gửi chị 100 thắp hương cho cháu, chị có tiền trả lại em 95 nghìn, em trả 5 nghìn tiền nước.

Chị sững sờ, bối rối chị ngại ngùng nói

- Thôi chị không nhận đâu, tự nhiên nhận của em

Hắn nói

- Chị nhận đi, chỉ là cân gạo nấu xôi cho cháu, em cho cháu có cho chị đâu.

Chị vẫn ngại

- Nhưng chị không quen em, sao mà nhận được.

Hắn nói

- Chị à, đâu phải cần quen, em cũng là dân đầu đường, em cũng ở tù như anh nhà chị. Nói thế là hiểu nhau chị đừng ngại.

Chị cầm tiền, giở đủ các túi lôi hết ra những đồng tiền lẻ, cả xấp tiền toàn tờ 1 hay 2 nghìn, tờ 500 đồng, có vài tờ 5 nghìn. Không đủ 95 nghìn, chị lại tần ngần nói

- Thôi chị không nhận đâu, chỉ còn tiền lẻ trả lại khách, đêm rồi cũng không đổi được

Hắn nói

- Em cho chị nợ, lần sau em ghé qua lấy.

Chị nói

- Biết lần nào em qua, hay em cho chị số điện, khi nào chị có chị trả.

Hắn cho chị số điện, xe đến hắn nhảy lên chào từ biệt. Ánh mắt chị phụ nữ nhìn theo đầy biết ơn.

Tháng sau, có người ở trên đó về Hà Nội, người ta tìm hắn đưa 100 nghìn, nói là hàng xóm chị bán nước, chị ấy biết đi xuống đây nên nhờ gửi tiền chả hắn. Tờ 100 mới nguyên để trong cái phong bì.

Hôm nọ vào ngày 12-6-2011 tại Sài Gòn, những người yêu nước bức xúc trước cảnh quân Trung Quốc xâm phạm trắng trợn lãnh hải Việt Nam, họ xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc dưới sự kiểm soát gắt gao của cơ quan an ninh Việt Nam, những người không hề mong muốn có bất cứ cuộc tuần hành nào dù bởi lý do nào đi nữa. Bởi thế  có 2 thanh niên trẻ đã bị công an bắt đi một cách thô bạo. Sự việc rành rành có bao người làm chứng. Thế nhưng một người đàn bà l lại nói rằng 2 thanh niên bị bắt vì tội trộm cắp điện thoại.

Sự thực thế nào, 2 thanh niên kia là ai, khi họ được công an thả về trong ngày, lý do vì sao ai cũng biết.

Thế nhưng người phụ nữ kia  lại trắng trợn nói rằng lý do bắt là trộm cắp điện thoại của người khác.

Một sự trắng trợn đến đê tiện, vì sao mà người phụ này có thể dựng đứng một sự kiện rõ ràng như vậy.

Vì tiền ư ?

Không hiểu nổi, đến một phụ nữ già làm điếm có thể bán thân xác chứ không bán cái điêu, người phụ nữ nghèo bán nước có thể thức cả đêm nhặt từng nghìn lẻ làm giỗ cho con chứ không bán cái điêu chác, lọc lừa.

Nhất là  lại vu khống những chàng trai trẻ, xuống đường tuần hành vì lòng yêu quê hương đất nước. Trong khi bao nhiêu nam thanh nữ tú khác đang phè phỡn, chơi bời  bằng đồng tiền cha mẹ móc túi từ nhân dân lại được ca ngợi bằng những từ ngữ mỹ miều.


Nguon : NGUOIBUONGIO

24 thg 6, 2011

Sexy tất cả, trừ lòng yêu nước

Bây giờ bạn có thể biết đến tận giường ngủ của những người nổi tiếng, hơi nổi tiếng, nổi tiếng chút chút, tự mình làm nổi tiếng…với căn nhà cỡ triệu đô, hơn triệu đô và nhiều triệu đô. Bởi tất cả được phơi bày trên các trang mạng.
Bạn có thể tưởng tượng hình bóng người đẹp ngâm mình trong các bồn tắm sang trọng của một phần giá trị trong những căn nhà đắt tiền đó. Bởi rất cả được phơi bày trên các trang mạng.
Bạn có thể mất ngủ nhiều ngày về sự giàu sang phô trương của các sao và tự hỏi họ kiếm đâu ra ngần ấy tiền giữa lúc một người trí thức (chưa kể dân đen) kiếm được đồng tiền nuôi gia đình hết sức chật vật?
Bạn có thể khó chịu vì hàng ngày mở tờ báo và các trang mạng chỉ thấy chuyện tốc váy, yêu đương, ly hôn, cặp bồ…của những người nổi tiếng và được coi là nổi tiếng. Thậm chí đám cưới của sao nào đó cũng chiếm mất khá nhiều giao diện trên trang mạng với không có thông tin gì cả ngoài các chân dài tới dự lễ thành hôn. Giữa lúc xã hội nơi tôi đang sống có quá nhiều việc cần phải lên tiếng.
Bạn có thể cười nhạt vì một party sinh nhật phù phiếm và hết sức sành điệu của ai đó cũng là người nổi tiếng được tổ chức linh đình và lôi kéo sự chú ý của các phóng viên và nhiều độc giả. Giữa lúc nhiều người dân nước tôi đang thiếu dù chỉ một bữa cơm no bụng.
Bạn có thể kinh ngạc về tội ác diễn ra hàng ngày được “trình diễn” trên các báo và mạng internet như là phần không thể thiếu của cuộc sống trên mảnh đất này. Những vụ án đốt con, đốt chồng, những thây người bị giết cắt rời từng mảnh, những vụ bắn nhau chỉ vì va chạm trên đường, những vụ hiếp dâm trẻ nhỏ và chính con cái mình…Tội ác dường như là chuỵên bình thường khi mọi giá trị nhân văn mang tính người đã bị đẩy ra khỏi cuộc sống.
Bạn có thể bị kinh động bởi những vụ tham ô, thất thoát số tiền lên đến nhiều tỷ tỷ đồng mà người bình thường không biết đó là bao nhiêu chữ số, nhưng vẫn chỉ “rút kinh nghiệm”. Thử hình dung nếu có một Bao Tự* thay vì thích xé lụa mà xé tiền thì mất bao nhiêu năm mới xé hết số tiền ấy với mệnh giá 500.000 VND? Nhưng đất nước tôi vẫn bao dung, nhẫn nhịn…cho qua. Trong khi vẫn rất nhiều đứa trẻ phải bỏ học vì không có tiền. Ngày ngày trẻ con vẫn đu dây vượt sông lũ đến trường. Vô vàn đứa trẻ vùng cao phải ở lán dựng tạm trống hoác nơi núi cao rét buốt để nhọc nhằn bám theo con chữ. Vẫn nhiều người phát bệnh tâm thần do nghèo đói, bệnh tật…Chuyện đó ai cũng biết vì tất cả phơi bày trên báo chí.
Bạn có thể thất vọng đau đớn khi thấy thiểu số lãnh đạo cả dân tộc bằng tư duy không thể nói là lạc hậu, mà phải nói là lẩm cẩm, điên khùng. Vậy mà dân tộc tôi vẫn cúi đầu cam chịu, nhẫn nhục cắn răng…Tất cả cũng hiển hiện trên các trang báo và mạng không hề dấu diếm, hàng ngày...Sự thô bỉ, vô liêm sỉ, vô minh, trắng trợn, giả dối, độc ác diễu hành từ mấy chục năm nay và vẫn đang tiếp tục. Sự nhẫn nhục, vụ lợi, bàng quan, lạnh nhạt của triệu triệu người dân cũng chẳng hề dấu diếm…
Có thể phơi bày tất cả, trừ sự thật.
Có thể phơi bày tất cả trừ sự liêm sỉ, tử tế.
Có thể phơi bày tất cả trừ công bằng.
Và đau đớn hơn, có thể phơi bày tất cả trừ lòng yêu nước.
Tôi đã thấy điều đó qua cuộc biểu tình vì Trường Sa – Hoàng Sa – Vịêt Nam vào ngày 12/ 6 / 2011 vừa qua. Nhưng chủng tử của lòng yêu nước trong thời đại mới sẽ gieo mầm vào lòng người từ bây giờ, giây phút này…
Và tôi tin, chỉ một dúm người bày tỏ lòng yêu nước so với gần 90 trịêu dân nước Việt thì cũng đã bắt đầu thổi làn gió dân chủ, tự do vào cuộc sống ngột ngạt hôm nay.
Tôi tin tuổi trẻ, dù là số không nhiều, sẽ truyền năng lượng, nhiệt huyết của họ đến tư duy ù lỳ của rất đông người khác đang bị mắc căn bệnh thời đại “pakinson thể xơ cứng”. Sự thay đổi của cái mới chưa bao giờ bắt đầu từ số đông, thậm chí từ vài con người…Chỉ cần họ tìm ra một điểm tựa là có thể bẩy cả trái đất này.
Nếu có cô gái đẹp nào đã dám khỏa thân vì môi trường (hay vì gì gì đó) thì xin hãy một lần sexy lòng yêu nước để người dân được một lần ngưỡng mộ?
Xin tất cả mọi người hãy sexy lòng yêu nước và sự tử tế, còn những gì thuộc về riêng tư xin hãy kín đáo, lựa lời…
Đừng để các bạn trẻ chỉ thấy sự phồn hoa, phù phiếm mà quên đi hơi thở nặng nhọc của người dân và đời sống nghèo nàn, cực khổ của bao kiếp người đang vật lộn mưu sinh, trong đó có thể là cha mẹ họ.
Đừng để họ bị lóa mắt về tiền bạc, vật chất, đánh mất tính người mà gây tội ác.
Đừng để họ nhiễm sự ích kỉ, vụ lợi, cơ hội để tiếp bước lối sống mặc định trong xã hội: tranh đua học hành; dành giật, mua bán chức quyền; kiếm tiền bằng mọi giá; giàu sang chẳng kém ai; đừng để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con"…
Đừng để sự giả dối thoải mái sexy và lên ngôi, thống trị đất nước này.

*Cám ơn sự góp ý của độc giả. Tôi đã có sự nhầm lẫn giữa Bao Tự và Dương Quí Phi. Xin được sửa lại.
Nguon : THUYLINH

23 thg 6, 2011

Biển Đông - Bài toán khó ...

Với những hành động cắt cáp thăm dò dầu khí của tầu Bình Minh 2 khi tầu đang hoạt động trong vùng biển 200 hải lý thuộc hải phận Việt Nam, và rồi trắng trợn đổi trắng thay đen ra điều lên án Việt Nam gây hấn, Trung Quốc đã tự lộ nguyên hình là một kẻ sở khanh lòng lang dạ thú.

Thời gian qua Trung Quốc ngang nhiên cho tầu hải quân bắn dọa quấy nhiếu các tầu cá Việt Nam khi bà con đang đánh bắt cá trong vùng hải phận của Viêt Nam. Đây là những dấu hiệu hiếu chiến bất chấp lẽ phải đúng sai cố tình gây hấn từ phía Trung Quốc.


Mặc dù chưa thể có những biện pháp hữu hiệu hóa giải vận hạn, nhưng những gì đang thể hiện trên báo chí cho thấy một ngoại lực mới đã nhập nội vào tâm trí người dân Việt Nam để giải thoát cho họ khỏi "bùa ma hiểm" bị Trung Quốc "yểm" lâu nay.

Các "đồng chí" Trung Quốc rất giỏi trong việc "khóa mồm" thiên hạ. Trong mọi vấn đề Trung Quốc đều tính toán rất bài bản và kỹ lưỡng đến độ kẻ bị hại không dám kêu, mà nếu có kêu thì cũng có biết kêu ai. Với cảm giác lờ mờ về tình hữu nghị, người Việt Nam nghi ngại lẫn nhau tránh né nói lên sự thật về Trung Quốc.

Năm 1946, lấy cớ giải giáp phát xít Nhật, Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã đánh chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19/1/1974, lợi dụng thời điểm khó khăn của Việt Nam, một lực lượng lớn hải quân Trung Quốc đã bất ngờ đánh chiếm tất cả các hòn đảo của quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Sài Gòn kiểm soát.

Trung Quốc đã tính toán rất chính xác thời điểm để tấn công cướp đảo, bởi trong bối cảnh nhập nhèm "bạn thù" và trong thời khắc quan trọng tất cả phải dồn cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, chính phủ Việt Nam, mặc dù rất phẫn nộ nhưng không thể ra tuyên bố lên án họ. Một lần nữa Trung Quốc thành công trong việc "khóa mồm" người bạn "môi hở răng lạnh".

Vào năm 1979, Trung Quốc sau khi lên kịch bản cho Ponpot gây hấn khiến cho Việt Nam phải tập trung quân để bảo vệ biên giới phía Nam, thì Trung Quốc đã xua quân tấn công các tính phía Bắc của Việt Nam. 10 năm sau, đúng lúc Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, phần bị cấm vận, phần vì Liên Xô - liên minh chiến lược của Việt Nam - bị tan rã; tháng 3/1988, Trung Quốc ngang nhiên tấn công chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù Việt Nam ra sức chiến đấu để bảo vệ biển đảo, và về mặt ngoại giao đã lên án hành động xâm lược này của Trung Quốc, nhưng khó có quốc gia nào trên thế giới hiểu được sự tình, bởi Việt Nam vẫn đang bị bóng đè từ phía các đồng chí cùng chí hướng xã hội chủ nghĩa Trung Quốc.

Trước những sự kiện như vậy, người dân Việt Nam không khỏi không căm thù Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ vài năm sau đó, trên tất cả các kênh truyền hình Việt Nam đều chiếu phim Trung Quốc, chiếu ngày chiếu đêm, chiếu liên tục trong hàng chục năm trời, và nội dung của tất cả các phim này chỉ xoay quanh một điều là nhồi nhét vào đầu người xem thông điệp "Vua Trung Quốc là người nhân từ và đại diện cho lẽ phải". Người dân phẫn nộ, nhưng không một ai dám đặt vấn đề nghi ngờ có bàn tay khống chế của Trung Quốc?

Cuộc xâm lăng văn hóa này không phải không có tác dụng. Người ta đã nghĩ đến một tình hữu nghị mới giữa hai dân tộc, và luôn tránh né mọi nguyên cớ dẫn đến sự đổ vỡ. Sự tránh né còn được thể hiện trong việc có biết bao nhiêu hàng dởm "made in China", biết bao nhiêu hoa quả có hóa chất độc hại tràn vào Việt Nam, nhưng thay vì chính phủ phải lên tiếng thì chỉ khuyến cáo người dân Việt Nam thận trọng, còn người dân cũng chỉ còn cách tự trách mình mỗi khi bị lừa.

Với những sự chuẩn bị tinh thần "Vua Trung Quốc đại diện cho lẽ phải", Trung Quốc đã tính bài tìm cớ gây hấn, nhằm đổ vấy trách nhiệm "đạo đức" lên nhà nước Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc, người dân Việt Nam không dễ bị mắc lỡm. Nếu Trung Quốc dám liều lĩnh gây hấn tấn công Việt Nam tức là nó đã vứt bỏ những chiếc lá nho đạo đức cuối cùng để hiện nguyên hình là một kẻ xâm lược Đại Hán.

Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông như hiện nay, mặc dù Việt Nam đã lên tiếng phản đối nhưng sự ủng hộ từ các nước lớn trên thế giới chưa thực sự mạnh. Điều này một phần là do bản thân sự việc quá phức tạp và trong nhiều năm trước đây Trung Quốc đã thành công trong việc "khóa mồm" hạn chế sự phản ứng từ phía Việt Nam; một phần nữa là do sự nham hiểm của Trung Quốc được thể hiện trong việc tính toán thời điểm động binh. Các nước lớn trên thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Cuộc chiến Trung Đông và Bắc Phi đang làm đau đầu Mỹ và NATO.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù thế chủ động gây hấn nằm hoàn toàn trong tay Trung Quốc, nhưng nhiều người vẫn đang còn luẩn quẩn trong cái vòng kiểm tỏa của khái niệm ý thức hệ, khiến cho khả năng nhận thức bị tê liệt.

Cần phải hiểu là có một sự khác biệt giữa một bên là phương thức sản xuất và một bên là tình hữu nghị.

Những giá trị khoa học đích thực từ kinh nghiệm phát triển đất nước thì cần phải học. Nhưng chắc chắn người dân Việt Nam không muốn vì tình "hữu nghị" mà bị xỉ nhục, mà chịu kiếp nô lệ, bị cướp mất biển Đông, mất cơ hội trở nên hùng mạnh.

Trước những thái độ ngang ngược và hiếu chiến của Trung Quốc, nhiều người dân Việt Nam không khỏi không lo lắng cho vận mệnh dân tộc. Tuy nhiên cũng cần phải nhận thấy một điều là, bằng chính những tuyên bố cứng rắn đáp lại những hành động ngang ngược của Trung Quốc, người Việt Nam đã dũng cảm xé toạc bức màn "u mê", để nói lên tiếng nói của chính mình với thế giới và đó là bước đầu tiên để giữ gìn được sự vẹn toàn biển đảo giữ gìn độc lập dân tộc.


Nguon : VITINFFO

Bạn hay Thù


Ðối với mỗi cá nhân, các nền đạo lý đều khuyên chúng ta hãy coi mọi người khác như bạn. “Tứ hải chi nội giai huynh đệ” là lời Khổng Tử nói, hoặc Chúa Giêsu dạy ngay cả những kẻ đã “tát vào một bên má” của mình cũng không nỡ ghét bỏ.
Ðó là những châm ngôn rất đáng theo. Nhưng đối với các dân tộc thì sao? Một quốc gia có thể coi “mọi người như bạn” đối với một nước khác hay không?


Trong việc bang giao, có một quy tắc đã được nhắc tới nhiều lần: Một quốc gia không có kẻ thù và cũng không có bạn; giao thiệp với các nước khác chỉ cần biết đến quyền lợi của mình mà thôi. Các quyền lợi được chia sẻ theo những bản hiệp ước, sòng phẳng giống như các hợp đồng thương mại. Người kinh doanh thương thuyết với nhau về quyền lợi, không cần phải yêu nhau người ta mới ký các hợp đồng; những ai làm trái hợp đồng sẽ bị trừng phạt. Việc bang giao nên làm như theo lối đó.


Trong lịch sử nước ta, nước láng giềng lớn nhất là Trung Quốc. Nước Việt Nam thường coi Trung Hoa là bạn hay là kẻ thù?
Hầu như Tổ tiên chúng ta không bao giờ chọn Trung Quốc làm bạn vàng; cũng không ai gọi họ là kẻ thù vĩnh viễn.
Lúc nào người Việt Nam cũng sẵn sàng cư xử với họ, như bạn hoặc như thù, tùy theo hoàn cảnh. Bạn: Giống như các dân tộc Á Ðông khác, người Việt qua bao đời vẫn học hỏi phương pháp trị quốc, tổ chức giáo dục, và văn hóa Trung Hoa. Thù: người Việt không bao giờ quên đề phòng quân phương Bắc xâm lăng.

Mỗi lần đánh đuổi quân xâm lăng từ phương Bắc xong, các người lãnh đạo nước Việt Nam đều xin “giảng hòa,” vì biết chiến tranh sẽ chỉ làm chết dân. Không bao giờ người dân được nghe chính quyền gọi cả nước Trung Hoa là kẻ thù của nước mình.
Lý Thường Kiệt khi mang quân sang đánh chiếm các vùng trên biên giới cũng không tuyên bố đi đánh một quốc gia láng giềng để “cho nó một bài học,” mà lại nêu chính nghĩa là đem quân giúp người dân phương Bắc hạch tội một chính quyền đang làm hại cho dân chúng của họ.
Bản Bình Ngô Ðại Cáo nêu danh quân địch là “Cuồng Minh tứ ngược,” dùng tên hiệu nhà Minh, một chính quyền đang cai trị, chứ không gọi chung họ là “quân Hán.”

Vua Trần Nhân Tông sau khi thắng trận đã khiêm tốn tự xưng là “vi thần” khi “dâng sớ” gửi tới vua nhà Nguyên.
Lê Thái Tổ không những đã “xin hòa” theo lối xưa mà còn xin bồi thường thiệt hại nữa. Quang Trung thắng trận rồi, chịu thần phục và đưa một người giả làm mình đi sang chào kính.
Vua nhà Trần đã cấp thuyền bè, lương thực cho tàn quân nhà Nguyên về nước. Lê Thái Tổ cũng vậy đối với quân Minh.


Chỉ có một thời chính quyền Việt Nam nhất thiết coi Trung Quốc là “nước bạn” để dựa dẫm, là vào nửa cuối thế kỷ 19, khi nhà Nguyễn cố bám lấy “thiên triều” cầu mong họ giúp chống lại quân Pháp, rồi không thành.
Và một lần nữa, từ giữa thế kỷ 20, khi chính quyền miền Bắc Việt Nam muốn nhân dân phải coi Trung Quốc là nước bạn quý, là đàn anh vĩ đại của nước mình; rồi sau đó có lúc lại coi họ là kẻ thù tuyệt đối, để mươi năm sau thì đổi ngược lại. Những sai lầm vì dốt nát hay vì nông nổi của một nhóm người lãnh đạo đều dẫn đến những hậu quả tai hại, các thế hệ sau còn phải chịu đựng.


Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, trong lúc người dân miền Bắc đang phải hát bài ca ngợi Tình Bạn: “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông.” Trung Quốc lại đánh chiếm thêm một số đảo ở Hoàng Sa năm 1988 trong lúc dân Việt được nghe chính quyền gọi họ là Kẻ Thù truyền kiếp! Các chính sách coi Trung Quốc là bạn hay là thù, đều đưa người Việt Nam đến chỗ bị thiệt thòi.
Những cuộc thảo luận và điều đình về biên giới và hải phận đầu thập niên 1990 càng khiến cho người dân Việt thêm căm giận khi thấy nước mình bị lấn áp để mất mát nhiều quá.
Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đang biểu hiện rõ ràng sau những vụ tầu Trung Quốc cắt dây cáp của tầu thăm dò đáy biển của Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2011 khiến chúng ta nên suy ngẫm thêm một lần nữa để áp dụng một quy tắc trong mối bang giao với Trung Quốc: Không nên coi một quốc gia nào là kẻ thù hay là bạn! Thước đo duy nhất trong việc ngoại giao là quyền lợi quốc gia. Tại sao cứ phải nhắc lại quy tắc trên? Vì nó có hiệu quả, nghĩa là nó mang lại lợi ích thiết thực nhất khi biết áp dụng. Các quốc gia tồn tại được lâu đời lúc nào cũng cư xử theo quy tắc này.



Dân Mỹ đã đánh đuổi quân Anh để giành độc lập vào cuối thế kỷ 18; đến thời Nội Chiến Mỹ chính quyền Anh vẫn còn muốn can thiệp. Nhưng trong thế kỷ 20, ít có nước đồng minh nào gắn bó với nhau như Anh và Mỹ. Tuy vậy, các chính phủ này họ không hành động theo “tình bạn” mà chỉ theo quyền lợi quốc gia.
Năm 1956, liên quân Anh Pháp tấn công Ai Cập, đến khi bị Mỹ đề nghị triệu tập đại hội đồng Liên Hiệp Quốc làm nghị quyết phản đối, và dùng cả IMF làm áp lực, Anh Pháp phải rút lui nhục nhã.
Ngay trong Ðại Chiến Thứ Hai, hai nước chắc chắn là bạn nhưng quyền lợi vẫn khác nhau. Tháng 8 năm 1941, sau hai năm tìm cách thúc đẩy chính quyền Mỹ tuyên chiến với Ðức, Ý và Nhật mà không được, Thủ Tướng Anh Winston Churchill bí mật gặp Tổng Thống Mỹ Franklin Roosevelt ở ngoài khơi Canada trong Ðại Tây Dương. Hai người bắt đầu trở thành đôi bạn tâm đắc, họ đồng ý với nhau là phải ngăn cản những bước tiến của quân Ðức ở Nga và quân Nhật ở Á Châu. Nhưng khi trở về nói chuyện với dân Mỹ, các nhà báo hỏi, “Nước Mỹ có sắp tham chiến hay không?” Roosevelt trả lời: “Tôi nghĩ là không.” Churchill thấy bị ông bạn quý bỏ rơi!

Ðầu tháng 12 năm đó, Churchill gặp Ðại Sứ Mỹ John G. Winant ở London, hỏi: Ông có nghĩ là Nhật sẽ gây chiến hay không? Thưa thủ tướng, có! Churchill quả quyết: Nếu Nhật Bản tuyên chuyến với nước Mỹ, chúng tôi sẽ tuyên chiến với họ ngay lập tức, ông biết không? Dạ tôi biết, thủ tướng đã nói điều đó nhiều lần. Churchill: Nếu Nhật Bản tuyên chiến với nước Anh, thì chính phủ Mỹ có tuyên chiến với họ hay không? (Lúc đó Churchill đang lo Nhật, sau khi vào Việt Nam, sắp tấn công các thuộc địa Anh ở Hồng Kông, Singapore, Miến Ðiện, Mã Lai). Ðại sứ Mỹ đáp: Thưa thủ tướng tôi không thể trả lời được. Vì theo Hiến Pháp chỉ Quốc Hội Mỹ mới có quyền tuyên chiến!

Nỗi thắc mắc của Churchill sau được giải quyết, nhờ Nhật Bản. Ngày 7 tháng 12 năm 41, Nhật tấn công Pearl Habor, Quốc Hội Mỹ biểu quyết tham dự vào cuộc Ðại Chiến Thứ Hai - vì quyền lợi của nước họ, tuy nhiên vẫn có một phiếu chống!

Nhưng trong thời gian sau đó, chính phủ Mỹ luôn luôn tỏ ý muốn ngăn cản không cho nước Anh trở về thống trị các thuộc địa cũ. Họ tìm cách hạ thấp vai trò của Anh tại Thái Bình Dương. Bộ chỉ huy quân Mỹ ở không cho Hải quân Hoàng gia Anh tham dự các trận đánh Phi Luật Tân hay Okinawa, mặc dù Tướng Mountbatten ngỏ ý muốn giúp. Khi quân Nhật đảo chính Pháp ở Ðông Dương, Anh Quốc yêu cầu quân Mỹ giúp vũ khí cho mấy ngàn quân Pháp đang chạy qua trú ở Trung Quốc để họ quay về đánh Nhật. Bởi vì nếu để một xứ Việt Nam trở về tay chính quyền do người Việt Nam cầm đầu (chính phủ Trần Trọng Kim), thì sẽ có hại cho nền cai trị của Anh ở Miến Ðiện, Mã Lai sau này. Nhưng quân đội Mỹ, đang có mặt bên cạnh Tưởng Giới Thạch, đã từ chối không giúp tàn quân Pháp; ngược lại họ còn giúp các người Việt chống Pháp. Cố vấn chính trị của Tướng Mountbatten than rằng chính quyền Mỹ coi nước Anh như “tiểu bang thứ 49” của họ! Tại Paris, Tướng De Gaule than phiền với Ðại Sứ Mỹ Jefferson Caffery, “Tôi không hiểu các ông muốn cái gì! Các ông có muốn nước Pháp sẽ thành một nước trong Liên Bang Xô Viết hay không?” Ngày 19 tháng 3, hơn hai tuần sau cuộc đảo chính Nhật, Churchill đánh điện kêu gọi chính phủ Mỹ hãy giúp vũ khí cho tàn quân Pháp. Ngoại trưởng Mỹ chuyển qua cho Tướng Wedemeyer ở Trùng Khánh, nhưng quân Mỹ bất động, chỉ lo gửi hai máy bay qua Việt Nam cứu các điệp viên OSS của họ. Sau khi Nhật đầu hàng, quân Anh được phép vào miền Nam Việt Nam, nhưng khi họ để cho quân Pháp trở lại Sài Gòn thì đại diện quân đội Mỹ rút ra khỏi Ủy Ban Kiểm Soát, không tham dự vào đạo quân đồng minh ở đó nữa.


Hai nước Anh và Mỹ từ đầu đến cuối Ðại Chiến Thứ Hai vẫn là đồng minh, nhưng mỗi nước vẫn chỉ lo cho quyền lợi của chính mình. Mà không phải chỉ có hai nước đó. Nga và Ðức đã ký hiệp ước không đánh nhau trước khi Ðức tấn công Pháp (Bạn). Nhưng sau đó, Ðức đã đánh sang Nga (Thù). Nhật Bản và Nga đã kết bạn, ký thỏa ước bất tương xâm năm 1941, nhưng sau khi bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống nước Nhật, Nga tuyên chiến và tiến quân vào Mãn Châu. Nếu không có Mỹ ngăn cản thì Nga đã tiến chiếm lấy đảo Hokkaido ở phía Bắc nước Nhật.



Trong việc ngoại giao, các quốc gia không thể coi một nước khác hoàn toàn là bạn, hay là kẻ thù. Chính quyền mỗi nước phải theo quy tắc đó, không nên bắt dân chúng tụng đọc mỗi ngày những bài tuyên truyền ca ngợi các nước bạn vĩ đại, hoặc phỉ nhổ nước khác là kẻ thù man rợ! Khi cả nước tỉnh táo, người ta không cần yêu quá mà cũng không ghét quá, thì lòng người không thù hận mà cũng sợ hãi.

Trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tháng 6 năm 2011 có một điều đáng mừng là người Việt Nam đi biểu tình ở khắp nơi chỉ hô hào chống lại những hành động sai trái cụ thể của chính phủ Bắc Kinh mà không bày tỏ lòng thù hận với người dân Trung Hoa ở lục địa. Thế giới sẽ nhìn vào thái độ đó mà kính trọng người Việt Nam, nước Việt Nam. Nhờ thế, chúng ta mới có thể kêu gọi các nước khác giúp nước ta tránh khỏi bị nước láng giềng tiếp tục lấn áp.


Các cuộc chiến thường xẩy ra giữa các nước khi chính quyền của một nước muốn gây chiến mà người dân không được quyền quyết định cũng như không biết những tai hại của chiến tranh. Các chính quyền độc tài thường sử dụng một khí cụ để gây chiến, là kích thích lòng ái quốc, thúc đẩy thù hận bằng lối tuyên truyền một chiều. Cuối cùng thì sau mỗi cuộc chiến tranh, người dân luôn luôn bị thiệt hại. Nếu được tự do chọn lựa, dân chúng các nước đều không muốn chiến tranh. Chỉ có thể giảm bớt chiến tranh khi người dân các quốc gia đều được thông tin đầy đủ. Khi nào hai quốc gia đều theo chế độ tự do dân chủ thì chính quyền khó nói dối người dân để đưa họ vào vòng chinh chiến.

Chỉ khi nào hai nước Việt Nam và Trung Hoa đều sống trong thể chế tự do dân chủ thì chúng ta mới hy vọng giảm bớt được những xung đột trên mặt biển hiện nay. Trong khi chờ đợi, người Việt Nam cứ phải luôn luôn bày tỏ thái độ kịch liệt phản đối những hành động lấn áp, có lúc tàn bạo, của chính quyền Trung Quốc, để chứng tỏ dân Việt Nam không chịu khuất phục


Nguon : NGONHANDUNG

22 thg 6, 2011

Xứ thiên đường xây nhà máy lọc dầu


Chuyện tập đoàn Vinashin lỗ bung bét được coi là phần nổi của nền kinh tế quốc doanh xứ Thiên đường. Ty nhiên, có chuyện khác cũng hấp dẫn không kém là chuyện nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây được coi là sự rối ren trong đường lối kinh doanh của nhà Sản dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tiệc.

Đã một vài lần đến Dung Quất, Chủ tịch xin hầu bạn đọc chuyện xây nhà máy lọc dầu của nhà Sản.

26/6/1986, Xí nghiệp LD Dầu khí Việt-Xô đã khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ giàn MSP-1. Sự kiện này khiến VN có tên trong danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.

Tính đến nay, xứ Thiên đường ta đã có dư ¼ thế kỷ khai thác dầu thô, với sản lượng trên 300 triệu tấn. Dưng khác với các nước khác, xứ ta, hút dầu lên chỉ để bán rồi mua các sản phẩm dầu mỏ từ các nước Tư bổn.

Giàu như thằng Kuweit hay Bruney cũng xây nhà máy lọc dầu. Không có giọt dầu thô nào như thằng Nhật bổn hay thằng Sing cũng xây nhà máy lọc dầu. Lọc dầu là nghành công nghiệp lãi lớn, 1 ăn 1. Dầu là nguyên liệu chiến lược, là máu của nền kinh tế, hút dầu thô lên chỉ để bán xài chơi là cớ làm sao?

Cách làm này khiến người ta nghĩ đến chuyện Công tử Bạc Liêu ở Nam bộ, bán thóc đong gạo ăn cho khoẻ, nhưng không phải như vậy. Chuyện bán dầu thô, nhập sản phẩm có thể ví như bán thóc ăn đặc sản thì hợp hơn.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xem như một dự án thế kỷ của Việt Nam, không chỉ vì quy mô đầu tư trên 3 tỉ USD, mà còn ở quãng thời gian kể từ lúc thai nghén cho đến ngày hoàn thành kéo dài tới hơn hai thập niên.

Dự án này được Nhà sản ấp ủ từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Đến đầu những năm 90, Total của Pháp chính thức đề xuất với nhà Sản. Theo đó vốn đầu tư ước tính 1,5 tỉ USD và Total đã đạt được được một số thỏa thuận ban đầu với phía VN.

Đầu 1995, Thủ tướng Kiệt, với sự tham vấn của Phó TT Lương (quê Quảng Ngãi) đã quyết định chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số một, thay vì Long Sơn- Bà Rịa - Vũng Tàu như đề xuất của Total.

Sau sự kiện này, Total quyết định hủy bỏ kế hoạch đầu tư sau nhiều năm theo đuổi dự án.

Liên tiếp hai năm sau đó, nhiều tập đoàn đến từ Hàn Quốc (Hyundai), Malaysia (Petronas) cũng tiếp cận với dự án và nhanh chóng rút lui do dịa điểm đặt nhà máy ở Dung Quất không khả thi về kinh tế.

Tháng 7/1997, chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Chính phủ quyết định tự thực hiện dự án và giao cho PetroVietnam làm chủ đầu tư.

Ngày 8/1/1998, lễ khởi công xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được tổ chức trọng thể tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.



Đầu tháng 2/1998, Việt Nam và Liên bang Nga lại ký hiệp định liên chính phủ về xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu tại Dung Quất. Đây là cơ sở để liên doanh nhà máy lọc dầu Việt - Nga (Vietross), giữa PetroVietnam và Zarubezhneft ra đời với vốn đầu tư 1,297 tỉ USD.

Một số chuyên gia của PetroVietnam đã tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án do Vietross tiến hành, do tổng mức đầu tư của dự án chỉ chưa đầy 1,3 tỉ USD, trong khi kinh phí mà Chính phủ dự trù khi quyết định giao cho PetroVietnam đầu tư tới 1,5 tỉ USD.

Dự án vẫn được tiến hành và các đối tác của liên doanh đã hoàn tất xong giai đoạn đấu thầu để chọn tổng thầu cung cấp thiết bị và thi công cho hầu hết gói thầu của dự án, bao gồm cả gói xây dựng nhà máy chính.

Đầu năm 2003 Vietross tan, Zarubezhneft rút. Nguyên nhân: Do bất đồng, trong đó có việc chọn lựa công nghệ và nguồn cung cấp thiết bị, giữa hai đối tác có quyền quyết định ngang nhau, lại thêm địa điểm phải đặt ở Dung Quất.


PetroVietnam trở lại làm chủ đầu tư duy nhất của dự án và tiếp tục đàm phán để ký hợp đồng trọn gói cung cấp thiết bị và thi công gói thầu chính với Technip.

Tháng 3/2003, Chủ tịch đến Dung Quất, tự tay lái xe hơi chạy vô tư với tốc độ 90km/h, ngắm thành phố Vạn Tường mênh mông bát ngát với những đàn bò ung dung gặm cỏ. Cũng tại đây, Chủ tịch gặp một số thằng bạn học vừa cho tàu cập cảng Dung Quất để nghe chúng nói về cái gọi là cảng nước sâu ở xứ này.





Cứ như những thằng đi biển có nghề thì vịnh Dung Quất chẳng có gì là địa lợi cả.Vịnh hình móc câu, chỉ chắn được gió đông Nam, còn với gió đông bắc thì lãnh đủ. Muốn làm cảng nước sâu, phải đầu tư kè chắn sóng cực kỳ tốn kém. Đó là chưa nói đến chuyện, đáy vịnh thường xuyên bị sa bồi bởi sông Trà Bồng đổ ra vịnh.

Thêm vào đó, Bình Sơn là huyện nghèo ven biển, hạ tầng đơn sơ, dường như chưa có cơ sở dịch vụ nào đáng kể.
Tháng 2/2004, hợp đồng phát triển thiết kế tổng thể giữa PetroVietnam và Technip được PetroVietnam chấp thuận.

Tháng 11/2005 lễ khởi công các gói thầu quan trọng nhất của dự án mới được tiến hành, sau hơn một năm chờ đợi Chính phủ phê duyệt. Đến thời điểm này, kinh phí đầu tư của dự án không còn là 1,297 tỉ USD nữa, mà đã vọt lên tới 2,501 tỉ USD.

Nguyên nhân: USD mất giá so với đồng euro; giá cả thiết bị nhà máy lọc dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh, là những nguyên nhân chính. Cùng với đó, do tầm nhìn hạn hẹp về nhu cầu thị trường và sự áp đặt chủ quan để làm cho dự án được khả thi, cũng góp phần không ít vào sự thay đổi này.

Trước đây, theo thiết kế, đến 80% xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là xăng Mogas 82. Đây là cấp sản phẩm mà ngày nay đã không còn xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Do vậy, trong quá trình đàm phán với Technip, Việt Nam đã phải bổ sung vào thiết kế hai phân xưởng kỹ thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn xăng Mogas 82 trong danh mục sản phẩm để thay bằng loại xăng Mogas 92 và 95.

Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc tăng chí phi khoảng 200 triệu USD. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải tăng dự toán cho hàng loạt hạng mục đầu tư khác, như đê chắn sóng, cảng xuất, nhập nguyên liệu và thành phẩm, thuê tư vấn giám sát...



Bạn Chủ tịch, một chuyên gia của PetroVietnam cho biết,  ngay từ đầu bản thiết kế nguyên thủy của một tập đoàn Mỹ xây dựng đã có hai phân xưởng kỹ thuật, nhưng để cho dự án được khả thi về kinh tế, người ta đã cắt xén phần thiết kế và khi dự án được chuyển giao cho liên doanh Vietross, hai phân xưởng này đã không còn. Đó là nguyên nhân dự toán kinh phí đầu tư chỉ còn gần 1,3 tỉ USD, giảm 200 triệu USD so với dự trù trước đó.

Không chỉ đội chi phí, kế hoạch về tiến độ thực hiện dự án cũng liên tục bị phá vỡ. Điều này không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư, do công trình chậm đưa vào khai thác, mà còn làm cho Việt Nam mất đi cơ hội khiến dự án trở nên hiệu quả (nhờ biến động về giá cả vật tư, thiết bị của thị trường nên giá trị nhà máy trở nên rẻ).

Từ năm 2002-2005, đồng Euro tăng mạnh so với đô la Mỹ, kéo theo giá thiết bị nhà máy lọc dầu (quy về USD) leo thang với mức tăng của nhiều loại thiết bị lên đến 160-300%.

Nếu dự án không bị chậm trễ và mọi thủ tục thẩm định, phê duyệt được thực hiện nhanh chóng hơn, xứ ta đã có một nhà máy lọc dầu công suất 6,5 triệu tấn/năm với chỉ 1,5 tỉ USD. Với chi phí này, chắc chắn lọc dầu Dung Quất đã có hiệu quả.

Tuy nhiên, 2,501 tỉ USD vẫn chưa phải là mức chi phí cuối cùng. Đến tháng 8/2010, Chính phủ phải quyết định tăng thêm gần 553 triệu USD nữa vào tổng dự toán của dự án lọc dầu Dung Quất. Theo giải thích của lãnh đạo tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc bổ sung này nhằm “phù hợp với tình hình biến động giá cả và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 100% công suất của dự án”.

Như vậy, tổng mức đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đến nay là 3,054 tỉ USD, trong đó phần xây lắp và thiết bị gần 2,7 tỉ USD, chi phí tài chính 90 triệu USD, vốn lưu động 200 triệu USD và còn lại là chi phí dự phòng và hỗ trợ cho các hộ dân phải di dời khỏi phạm vi dự án.


Ngày 22/02/2009, sau gần 15 năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới cho ra đời lô sản phẩm đầu tiên. Những tưởng mọi khó khăn của dự án đã qua đi, nhưng sự cố mới lại nảy sinh và đến nay, hơn một năm kể từ ngày cho ra đời sản phẩm, nhà thầu Technip vẫn chưa thể bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư.

Sự cố bắt đầu từ 14/08/2009, khi một van ở phân xưởng cracking xúc tác bị hư, nên nhà máy phải ngừng hoạt động một tháng rưỡi để sửa chữa. Sau khi vận hành trở lại, nhà máy lại tiếp tục phải dừng để giải quyết hơn 170 lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành thử.

Ngày 25/02/2010, thời hạn cuối cùng để bàn giao nhà máy, theo yêu cầu của Chính phủ, tiếp tục trôi qua và đến cuối tháng 3/2010 vẫn còn khoảng 100 lỗi kỹ thuật. Theo báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, các lỗi kỹ thuật xảy ra ở phân xưởng lưu huỳnh, phân xưởng trung hòa kiềm, xưởng cracking xúc tác, thiết bị ngưng chân không, máy nén khí tại phân xưởng sản xuất ni tơ, ống gia nhiệt tại bể chứa dầu thô...

Việc khắc phục các lỗi này có thể phải kéo dài tới tháng 10/2011. Tuy việc khắc phục thuộc trách nhiệm của nhà thầu, nhưng nó cũng gây thiệt hại cho chủ đầu tư vì không thể vận hành nhà máy hết công suất. Một đống tiền bỏ ra không sinh lợi như dự toán.

Dù sao, lỗi kỹ thuật cũng chỉ là khó khăn tạm thời. Vấn đề lớn hơn hiện nay chính là ở hiệu quả của dự án. Xứ người, xây nhà máy cỡ đó chỉ hết xấp xỉ 2 triệu đô, còn xứ ta, con số đầu tư gần gấp đôi.


Hòng cứu vãn danh dự, Xứ Thiên đường hiện đang ban phát nhiều ưu đãi cho các sản phẩm của nhà máy Dung Quất. Trong đó có việc miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm. Nhờ đó, giá thành sản phẩm của nhà máy tạm thời cạnh tranh được với xăng, dầu nhập khẩu.
Dẫu sao thì Quốc doanh vẫn phải chủ đạo, kể cả chủ đạo trong việc được hưởng ân huệ về chính sách thuế và đầu ra sản phẩm.

Nguon : PHANTHEHAI