Nhìn danh sách các tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia để biết đời sống và chất lượng cái “làng” báo Việt ở mức nào. Nhiều tác phẩm, nhiều cây bút “đỉnh” đoạt giải (mô phật có cả một vị cựu Phó Thủ tướng) nghe xong cứ phải quay mặt… nhổ nước bọt!
Tôi không quá lời đâu. Bởi chất lượng các tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia ngày một tuột dốc đến tệ hại. Ông Hữu Thọ, cựu Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương, thành viên hội đồng chấm giải tâm sự “vẫn còn ít những bài điều tra sâu sát công phu mà tôi thường nói là đọc trên những bài báo thấy ít giọt mồ hôi quá. Những giọt mồ hôi vào trang giấy, nó cựa quậy, nó gây xúc động con người…”.
Không biết các nhà báo, nhất là các tác giả đoạt giải nghĩ sao trước nhận xét này? Tôi thì xem đó chẳng khác gì câu… chửi!
Ở entry trước, tôi đã giới thiệu toàn văn bài viết của cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan, bài “Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Năm nay, báo in không có giải A. Bài của ông Khoan đoạt giải B. Như vậy đây được xem là một trong số ít tác phẩm xuất sắc nhất, “Pulitzer” báo chí Việt 2011.
Nói thật, nếu là Tổng biên tập, chỉ cần liếc qua cái tít bài đó, tôi đã vò nát quăng sọt rác. Một cách đặt tít lười suy nghĩ, dễ dãi và cực sến.
Bài khá dài. Nội dung chẳng khác gì một bài nói chuyện của cán bộ tuyên huấn cho các học viên trường đảng. Nhạt, sáo rỗng, chung chung, vòng vo và quan trọng là đọc xong chẳng biết tác giả nói về cái gì điều gì? Nếu gọi đó là bài báo, là một “tác phẩm báo chí” thì có lẽ chỉ nên cho nó ngồi vào các tờ báo tường ở… trường đảng!
Sau 24 giờ tôi post lên, đã có rất nhiều comment của bạn đọc chê đến muối mặt. Nhiều comment nặng lời, miệt thị quá buộc phải xóa. Không tìm được một lời khen, toàn những nhận xét chê… chửi! Người thì bảo cái “tác phẩm” của ông Khoan “đao to búa lớn chẳng có nội dung gì”, rằng “thấy mỗi chữ chả thấy nghĩa, chắt Mác, lọc Lê, bê quá khứ, dấm dứ thời hiện tại… nói đại nhặt ô-sa (mũ quan!) báo chấy”, “là một mớ khẩu hiệu chắp nối với nhau”, người nói “giống “bài thu hoạch” sau các đợt tập trung học chính trị, nghị quyết”, người lại ví von “tác phẩm” ông Khoan là một “món lẩu thập cẩm với mỗi thứ một tí, một tí chính trị, một tí kinh tế, một tí lịch sử, một tí tin tức… ăn vào rất dễ đau bụng”.
Không biết đọc qua các comment này, ông Khoan có biết xấu hổ?
Cho dù ông có khiêm tốn rằng mình cùng lắm cũng chỉ là “lều báo”, nhưng nghe cái cách ông lên lớp dạy đời nhà báo thì nó vừa sến, sáo rỗng và lại cứ muốn… nhổ nước bọt:
“Mượn chính tiêu đề tác phẩm đoạt giải của mình, ông Vũ Khoan tâm sự, nhà báo phải yêu cái dân ưng, ghét cái dân kỵ, đó chính là “trái tim nóng”. Còn “cái đầu lạnh” theo ông, là viết cái có lợi cho dân, cho nước và không viết cái không có lợi cho nước cho dân” (nguồnVnexpress)
Nói vậy không phải chê mỉa gì ông Khoan. Với ông, chỉ cần viết cho sạch chính tả, câu chữ diễn đạt không quá ngô nghê, chấm câu đừng dài quá làm hụt hơi bạn đọc là được rồi. Từng là Bí thư trung ương đảng, Phó Thủ tướng, hưu rồi ông chọn cách viết báo cũng là để mua vui. Tựa như các cụ hưu phường xã hay làm thơ vậy. Cũng là để đỡ buồn chán lúc tuổi già. Tôi nghĩ cũng vô hại, chẳng chết ai.
Điều đáng nói là ở những người đã lôi ông lên cái bục “Pulitzer” nọ. Việc đưa cái “tác phẩm” báo tường của ông vào danh sách chấm giải báo chí quốc gia và trao giải cao nhất cho nó là một sự sỉ nhục các nhà báo.
Tất nhiên, báo chí không phải của riêng nhà báo. Cái giải “Pulitzer” báo chí kia cũng vậy. Động viên khích lệ các cây bút nghiệp dư là cần, đúng và nên. Nhưng dường như người ta chấm trao giải vì cái tên Vũ Khoan, chứ không phải chấm chất lượng tác phẩm.
Mà đây lại là năm thứ hai liên tiếp ông Khoan đoạt giải B báo chí quốc gia.
Danh sách tôn vinh giải báo chí quốc gia năm nay, ngoài cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan, còn vài cái tên to nữa: Hà Đăng, Đào Ngọc Dũng, Nguyễn Thế Kỷ… Cả 3 ông Hà Đăng (cựu Tổng Biên tập báo Nhân Dân), Đào Ngọc Dũng (đương quyền Tổng Biên tập báođiện tử đảng Cộng sản Việt Nam), Nguyễn Thế Kỷ (Phó ban Tuyên giáo trung ương) đều đoạt giải C.
Tôi không biết “tác phẩm” đoạt giải của các vị là những bài nào. Cứ cho là các “tác phẩm” đó hay và xuất sắc gần bằng “tác phẩm” của ông Vũ Khoan, thì việc trao giải cho các ông cũng rất không nên, là một điều đáng… xấu hổ!
Hình như cả 3 ông đều là thành viên hội đồng chấm giải. Đây là điều rất vớ vẩn của giải báo chí quốc gia. Phải đặt ra một nguyên tắc thật dân chủ rằng: đã là thành viên hội đồng chấm giải thì không được phép gửi bài, hoặc anh đã có bài dự giải thì nghiêm cấm anh ngồi ghế hội đồng để chấm chính bài của mình.
Nhìn những Hà Đăng, Đào Ngọc Dũng, Nguyễn Thế Kỷ chen chân trong đội ngũ đoạt giải đêm 21/6 vừa qua thấy nó lốn nhốn rất hề.
Báo chí xa rời, tránh né các điểm nóng, các điều nhạy cảm. Ở bài “sự hèn mạt của báo chí” tôi đã viết: Tại sao báo chí lại tránh né những Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản? Tại sao những tấm băng rôn, những vành khăn tang giữ đất nóng hực và nhức nhối tâm can lại không nên nổi “tác phẩm” nào?
Trong khi lại xuất hiện ngày càng nhiều những “Pulitzer” báo chí Việt như Vũ Khoan, Hà Đăng, Đào Ngọc Dũng, Nguyễn Thế Kỷ với những “tác phẩm” giáo điều, sáo rỗng, chán nhạt hơn nước ốc.
95 tác phẩm đoạt giải. Những “Pulitzer” báo chí Việt mà chẳng tìm được tác phẩm nào thật sự ấn tượng, thật sự thấy được những “giọt mồ hôi”, thật sự thấy nó “cựa quậy”, nó gây “xúc động con người”. Nhìn danh sách các tác phẩm “Pulitzer” để biết đời sống và chất lượng cái “làng” báo Việt ở mức nào.
Và nếu nhìn vào đời sống báo chí để đo sức khỏe tinh thần của chế độ thì quả thật cái "sức khỏe tinh thần" ấy đáng báo động.
—————
– Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như là giải thưởng danh giá nhất hành tinh.
Nguồn :TRUONGDUYNHAT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét