Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

28 thg 2, 2013

THƯ NGỎ gửi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCHTƯĐCSVN

Kính thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Tôi dùng cách xưng hô này để tiện cho nội dung thư sẽ viết với tư cách của một người có hân hạnh được quen biết Anh. Đúng hơn là biết, chứ chưa dám nói là quen, vì tôi cũng chỉ gặp và nói chuyện với anh đôi ba lần kể từ dạo anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và có mặt trong buổi tôi báo cáo với Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị về cuộc Khảo sát xã hội học về Cơ cấu xã hội và Phân tầng xã hội, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Theo lời thuật lại của Chu Hảo, lúc ấy là Thứ trưởng Bộ KH và CN ngồi cạnh Anh, thì anh đã nhận xét về tôi “Tay này báo cáo với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mà cứ nói khơi khơi như nói trước Hội đồng Khoa học của Viện không bằng !”.
Lần gặp gần đây nhất là ngày 17 tháng 1 năm 2011 tại Hội trường Hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội. Có thể Anh quên vì bận nhiều việc nên tôi xin được nhắc lại : Hôm ấy, khi tôi đi đăng ký phát biểu ý kiến với Đoàn Chủ tịch Hội nghị, ngang qua chỗ Anh ngồi, Anh đã chủ động đứng dậy chào gọi và bắt tay tôi. Tôi cảm kích về cử chỉ thân thiện này, biết rằng thế là Anh vẫn nhớ tôi, nên đã bắt tay Anh rất chặt và nói “Xin chúc mừng Tân Tổng Bí thư“.
Anh cười và hỏi : “Chúc mừng cơ à?”. Tôi đoán biết và mang máng hiểu ra Anh đang nghĩ gì và định nói gì, nên cũng vui vẻ trả lời “Phải chúc mừng chứ. Hãy cứ chúc mừng đã. Và rồi tôi sẽ dõi theo công việc của Anh làm, hành động và ứng xử của Anh với tư cách Tổng Bí thư, để rồi có tiếp tục chúc mừng hay không là chuyện về sau, còn bây giờ thì phải chúc mừng đã”.  Cả Anh và tôi cùng cười. Những người đứng cạnh cũng cười vì tôi vốn nói to, mọi người đều nghe và nhìn thấy. Nhắc lại chuyện này để nói rằng, hai năm qua, dõi theo những công việc Anh làm, quả thật tôi nghĩ là phải rút lại lời chúc mừng đã đưa ra với Anh hai năm trước. Vì sao? 
Vì chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước,của đời sống đất nước ta. Chính vì thế, chưa bao giờ uy tín của Đảng xuống thấp đến vậy. Điều này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Tổng Bí thư. Thực trạng này được phơi bày quá rõ ràng mà chính Anh, cũng như nhiều người giữ vị trí cao trong bộ máy cầm quyền, đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp nói ra, chứ chẳng phải do “những phần tử thù địch” nào bôi nhọ cả!
Đành rằng với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể“, cả Bộ Chính trị, và toàn thể BCHTƯĐ phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, với trách nhiệm là người đứng đầu BCHTƯ, Tổng bí thư là người phải gánh vác, không thể đổ cho ai được cả.

Trong bức thư này chưa thể nói nhiều về thực trạng của đất nước mà người Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm, xin chỉ nêu lên hai điều trực tiếp nhất và gần đây nhất đã làm trầm trọng thêm sự mất uy tín của Đảng, gây bức xúc trong lòng dân : Một là phát biểu tùy tiện của Tổng Bí thư tại Vĩnh Phúc gây phẫn nộ trong công luận, và hai là sự câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị trong ngày 17 tháng 2! Cái ngày mà cách đây 34 năm, hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược theo lệnh của Đặng Tiểu Bình đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, gây nên tội ác tày trời đối với đồng bào ta, hàng van chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược, buộc chúng phải tuyên bố rút quân.

Trong phạm vi bức thư ngắn này, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề nói trên để mong được Anh xem xét và cho tôi câu trả lời.
Quả thật, tôi quá sửng sốt khi nghe anh nói : Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
Sửng sốt vì không thể hình dung được đây là lời của Tổng Bí thư, một người vốn tính thận trọng, lại tùy tiện quy kết một cách hồ đồ như vậy. Sẽ quá dài dòng và có lẽ cũng chưa là thật sự cấp bách vào lúc này để chỉ ra sự lẫn lộn, nếu không muốn nói là đánh tráo khái niệm, khi Tổng Bí thư nói đến “các luồng ý kiến” được nêu lên trong dịp các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp theo Nghị quyết và lời kêu gọi của Quốc hội, lại là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống“.
Là một trong những người đã ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào đoàn đại biểu do ông Nguyễn Đình Lộc làm trưởng đoàn đến 34 Hùng Vương Hà Nội để trao bản Kiến nghị đó cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo, tôi hết sức bất bình về quy kết hồ đồ của Tổng Bí thư đối với một số điểm trong nội dung của 7 vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi đã chuyển cho Ủy ban Dự thảo nói trên. Tuy vậy, trong thư ngỏ này, tôi chỉ nói ý kiến của riêng tôi và chịu trách nhiệm về những điều tôi nói trong bức thư này.
Phải nói thêm là, đoàn đại biểu chúng tôi đã được Ủy ban Dự thảo tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo đã đưa tin về cuộc gặp này.
Trong thư gửi ông Nguyễn Đình Lộc, người dẫn đầu đoàn đại biểu đến trao Kiến nghị, ông Ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập đã cho biết là “những điều nêu trong Kiến nghị nói trên sẽ được tập hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. Vậy thì, khi Tổng Bí thư quy kết ” vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? ” liệu có phải là nhằm vào những vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi nêu lên không? Nếu vậy thì Nghị quyết và lời kêu gọi toàn dân góp ý kiến vào việc Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội còn có giá trị gì nữa khi mà những ý kiến trái tai lãnh đạo thì bị quy là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống! Là một đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư phải trả lời với Quốc hội và với cử tri về kết luận hồ đồ nói trên. Ít nhất, Tổng Bí thư cần giải thích rõ những ý kiến mà Tổng Bí thư dẫn ra, vì sao gọi đó là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Là nhà lý luận, lại từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổng Bí thư cần giải thích rõ nội hàm của khái niệm đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị để từ đó mà nói rõ những “kiến nghị…” dẫn ra ở trên là suy thoái đạo đức, lối sống,suy thoái về tư tưởng chính trị như thế nào? Một nhà lý luận sao lại có thể giải thích tùy tiện và hồ đồ rằng : “Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!“. Vậy thì đã thừa nhận người ta nêu lên “quan điểm” thì cần phải tranh luận để làm sáng tỏ đúng sai, sao lại quy kết đó là “suy thoái” và đòi phải “ xử lý“? Sẽ không đúng lúc nếu lại đưa ra tất cả những điều mà Tổng Bí thư cho đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đưc, lối sống, xin chỉ đề cập đến mấy vấn đề sau đây:

Ở đâu thì tôi không rõ, chứ trong 7 điểm nêu trong Kiến nghi về sửa đổi Hiến pháp 1992, thì kiến nghị bỏ Điều 4 của Hiến pháp không đồng nghĩa với “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng” theo cách hiểu của Tổng Bí thư. Xin nhắc lại nguyên văn nội dung của kiến nghị đó trong văn bản đã được trao cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 :” … Chính vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ Điều 4 của Dự thảo. Việc tiếp thu đề nghị này tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận“.
Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu lên: “Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả?” và quy kết đó là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” thì lại càng hồ đồ hơn nữa. Xin nhắc lại rằng, đây là quan điểm chúng tôi đã nêu hơn mười năm trước trong nhiều Hội thảo Khoa học do các cơ quan Nhà nước tổ chức và đã đăng công khai trên nhiều tờ báo.                                                                                                                                                           
Xin chỉ dẫn ra một ví dụ ; trong bài “Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự” đăng trên báo “Người Đại biểu Nhân dân“, tiếng nói của Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân,  ngày 26.5.2006 và bài Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “Làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền cũng đăng trên “Người Đại biểu Nhân dân” ngày 10.6.2013, tôi đã trình bày về vấn đề “tam quyền phân lập” như sau :
Vấn đề cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực phải có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn dân thì được làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm, thể hiện rõ nguyên lý quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền tham gia vào việc hoạch đinh pháp luật, giám sát và kiểm soát hoạt động và nhân sự của bộ máy nhà nước. Đây là điểm quy chiếu để xác lập sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyềnnhà nước không pháp quyền…Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền thì quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân [nhà vua] hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền [gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng chung lợi ích, nhân dân đứng ngoài tiến trình này, hoặc chỉ là vật trang sức để lừa mị mà thôi".
Vậy thì dựa vào cơ sở nào để quy kết rằng nói đến "tam quyền phân lập" là " suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" xin Tổng Bí thư chỉ rõ ra đặng chúng tôi nâng cao nhận thức. Cũng xin nói thêm rằng, hai bài báo nói trên lại nằm trong cụm bài trong mục "Đàm luận sáng thứ hai" của tôi đã được tặng thưởng báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2006. Ban tổ chức đã động viên tôi bay ra Hà Nội nhận giải thưởng bằng việc cho biết là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ là người đứng ra trao giải thưởng đó. Tôi đã gửi thư cám ơn và in lỗi đã không ra Hà Nội được, và bức thư đó đăng trên báo. [Xin nói thêm là tiếp năm sau, tôi lại được tặng thưởng lần thứ hai giải báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2007 cùng với hai tác giả khác là ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội] ! Vậy mà nay tôi lại bị Tổng Bí thư quy kết là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” vì đã có tư tưởng về “tam quyền phân lập” thì xem ra tôi khó mà tiếp thu sự khiển trách của Tổng Bí thư về sự “suy thoái” của mình.
Đành tự an ủi với quan điểm tôi đã viết trong bức thư nói trên [đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 31.12.2006 với đầu đề do Tòa soạn đặt : "Dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lý tưởng cao cả".  Quan điểm đó là : "Nhằm giữ cho ngòi bút của mình không thẹn với chính mình, phải có sự lao tâm khổ tứ để chọn ý, chọn lời, chọn cách diễn đạt để sao cho những cá nhân nào đó khỏi động lòng, khiến họ có thể dùng thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, gây khó khăn cho tờ báo đã đăng bài của mình...Nhưng rồi nghề nào cũng có nghiệp ấy, "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì cũng phải bằng mọi cách mà đi cho trọn con đường đã chọn...tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút trung thực của chính mình...!".
Vả chăng, thưa anh Nguyễn Phú Trọng, tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong biển cả nhân dân, sự bị xúc phạm của tôi chưa là gì so với điều mà anh đã xúc phạm đến nhân dân, trong đó có những bậc lão thành cách mạng đáng kính, những trí thức tâm huyết, những người từng giữ trọng trách, nay tuy đã về hưu, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Họ làm điều ấy với lòng mong mỏi đóng góp vào việc soạn thảo một Hiến pháp ngang tầm với đòi hỏi của thời đại, đáp ứng được khát vọng của cả dân tộc muốn hội nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới trong bối cảnh của nền văn minh mới thế kỷ XXI. Trong số đó, có người từng được Anh mời đến góp ý kiến với Hội đồng lý luận Trung ương, mà nếu tôi nhớ không nhầm, thì rất nhiều lần Anh tỏ ý kính phục và trân trọng trí tuệ và tâm huyết của những đóng góp ấy với tư cách là Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ. Những người như vậy mà Anh dám quy cho họ là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" sao?
Anh Trọng ạ, nếu thật sự muốn chỉ ra sự suy thoái ấy thì phải tìm vào trong những kẻ vong ân bội nghĩa với đồng bào, đồng chí từng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới cách đây 34 năm! Vong ân bội nghĩa bằng sự câm lặng trong ngày 17 tháng 2 để khỏi phải phạm vào "điều cam kết" với những kẻ đã từng xua hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào các tỉnh biên giới năm 1979, tàn sát dân lành, tiêu hủy nhà cửa, đốt phá làng mạc, kể cả việc đặt bom phá khu di tích Păc bó. Vì vậy, nói về "suy thoái tư tưởng chính trị" thì không thể chỉ quy chiếu vào sự trung thành hay không trung thành với một hệ tư tưởng được áp đặt, khi mà thực tiễn đã chứng minh những giáo điều từng được học thuộc lòng về hệ tư tưởng ấy đã gây tai họa cho sự nghiệp của đất nước ghê gớm như thế nào. Thì chẳng phải "Đổi Mới" được xem là một cột mốc trong đời sống của dân tộc ta vì nó đã đưa đất nước vượt qua thảm họa của sự sụp đổ những năm 80 do sự áp đặt mô hình được xây nên bằng những giáo điều tai hại đó sao!

Cho nên, trung thành vơi truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại phải đem hết sức mình tiến về phía trước, như dòng sông chỉ có  chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó. Còn nói về tư tưởng chính trị của Đảng thì có lẽ nên tham khảo cách định nghĩa về "đảng chính trị" của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp :" Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố: nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó mà người ta xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy đã hình thành trong lịch sử như thế nào".

Ấy vậy mà, đã từ lâu, ở ta, thường quen dùng và thích dùng khái niệm "Đảng ta", xem đấy như là một lời phong tặng về uy tín của Đảng trong lòng dân, biến khái niệm đảng chính trị thành một thứ "bái vật giáo", mà quên mất rằng, khi là đảng cầm quyền, thì cũng như mọi thực thể quyền lực khác, đều không tránh khỏi sự tha hóa. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa ấy chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị : ngày càng xa dân, cưỡi lên đầu lên cổ dân do cơ chế toàn trị, không muốn và không dám tiếp nhận sự phản biện xã hội [vì không có tự do tư tưởng, không có tự do báo chí, không cho phép quyền tư do lập hội...]. Và sự tha hóa ấy bộc lộ rõ quy luật đã được lịch sử đúc kết “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối“! Câu chuyện về “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất cứ ngày càng to dần lên, càng chống càng phình to ra như một căn bệnh ung thư đã di căn vô phương cứu chữa, mới đích thực là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị” gắn liền với “suy thoái về đạo đức lối sống” đáng sợ nhất.

Thưa anh Nguyễn Phú Trọng.
Sự suy thoái mà Anh vừa nói, trước hết được biểu hiện quá rõ mà “triệu con mắt đều nhìn vào, triệu ngón tay đều chỉ vào” trong ngày 17.2. 2013 vừa rồi : Đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng của quân Trung Quốc xâm lược. Máu của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã thấm đẫm giải đất biên cương. Máu người đâu phải là nước lã, ấy vậy mà để giữ “cam kết” với thế lực hiếu chiến Bắc Kinh, người ta đã chỉ đạo quán xuyến từ trên xuống dưới không có một nén hương, một vòng hoa tưởng niệm? Cần phải nói thêm rằng, thế lực hiếu chiến mà ai đó đã “cam kết” lại đã ngang nhiên tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm về ngày 17.2, ngày chúng mở cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng lại rao rêu khắp cả nước, đưa cả vào sách giáo khoa dạy trẻ em Trung Quốc, rằng đó là cuộc chiến tranh tự vệ nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”! Thế lực hiếu chiến mà ai đó “cam kết” lại đang dung dưỡng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, công nhiên đưa lên bảng hiệu trong cửa hàng Beijing Snacks tại Bắc Kinh dòng chữ ngạo ngược :” không phục vụ người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và chó!”.
Vậy thì ai đã đưa ra lời “cam kết” với bọn xâm lược là “không nhắc lại quá khứ” để tuyệt đối câm lặng trong ngày 17.2 vừa rôi?  Ai đã làm chuyện xấu hổ và dại dột ấy? Ai? Xin Tổng Bí thư chỉ ra.

Thực hiện sự “cam kết” đó, cùng với hương tàn khói lạnh trên các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 17.2, là sự câm lặng trên toàn bộ báo chí chính thống và hệ thống truyền thông theo một cây gậy chì huy thống nhất, là sự ngăn chặn, cản trở, đe dọa bắt bớ và trấn áp những ai đã dâng hương hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, ở Hoàng Sa năm 1974 và ở trận Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Còn sự suy thoái tư tưởng nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa anh Nguyễn Phú Trọng. Có sự sa đọa về đạo đức và lối sống nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa Tổng Bí thư?

Mặt khác, nếu muốn rao giảng về đạo đức thì chính là đạo đức đích thực khi dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học, vẫn quyết theo tiếng gọi của lương tâm, phạm trù cơ bản nhất của đạo đức, quyết dâng vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thắp nén hương tại tượng Quang Trung nơi Gò Đống Đa, giương cao vòng hoa trắng quyết không cho những bọn vô sỉ giành giật và bóc xé dòng chữ tưởng niệm tại tượng đài Cảm Tử bên hồ Hoàn Kiếm, vượt qua mọi sự rình mò và soi mói để trang trọng dâng hoa và những dòng chữ tưởng niệm nhân ngày 17.2.2013 dưới chân tượng Đức Thánh Trần gần bến Bạch Đằng, quận I, thành phô Hồ Chí Minh. Chính là đạo đức, khi trong mỗi ngôi nhà, không phân biệt là nhà cao tầng, biệt thự hay nhà tranh vách đất, người ta thành tâm thắp một nén hương, bày bình hoa trên ban thờ với dòng tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhân ngày 17.2. Cũng chính là đạo đức, khi nêu cao một lối sống không chịu khuất phục, dám ngẩng cao đầu để biểu thị chính kiến của mình như nhà báo trẻ nọ ” làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi.” Biết rõ như vậy, nhưng nhà báo ấy vẫn nói lên tiếng nói trung thực của chính mình, “hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi ” như anh khẳng định.

Thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Liệu sau khi nhỡ lời, anh có thấy hối tiếc vì mình đã xúc phạm đến những người được nhân dân kính trọng, vị tướng lão thành từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, năm nay đã 97 tuổi, đã suy nghĩ, nghiền ngẫm từng chữ từng lời, thêm bớt, bổ sung trước khi ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, và ngày 17.2 vừa qua đã cùng với một số người đáng kính khác ký vào Kiến nghị ấy đã mang hoa đến tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống vì sự tồn vong của Tổ quốc? Nếu có, thì Anh nên xin lỗi họ, cũng tức là xin lỗi nhân dân. Chuyện nhất thời có sự hồ đồ thiếu tỉnh táo cũng là chuyện thường tình, cho nên xin lỗi là một cử chỉ văn minh trong lối sống của người có hiểu biết và có đạo đức. Người có “tư tưởng chính trị” vững vàng chính là người có bản lĩnh dám nhận sai lầm.

Vả chăng, hơn lúc nào hết, khi con thuyền của đất nước đang chao đảo, là người giữ trọng trách lèo lái thì biết thu phục nhân tâm, trân trọng hiền tài phải là cái đức của người biết mình, biết người. Trót hồ đồ, nói thiếu cân nhắc, xúc phạm những người đáng lý phải trân trọng, gây phẫn nộ trong công luận, thì việc lắng nghe để bình tĩnh nhận ra chân lý, có ứng xử thích hợp, luôn là điều đáng làm.
Đến một vị vua từng nằm gai nếm mật, mười năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh, lên ngôi đại định, mở đầu cho một triều đại vẻ vang thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ vẫn một lòng khiêm nhường kính cẩn : “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bờ vực thẳm chỉ vì chưa kiếm được hiền tài giúp đỡ việc trị nước…”. Còn vua Lê Thánh Tông, gặp khi có thiên tai đã chỉ dụ rằng “Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng?”.  Cũng trên cái mạch tư duy ấy, vua Minh Mạng thế kỷ XIX khi nghe tâu về vỡ đê, dân tình cơ cực đã xót xa tự vấn :” Nghĩ tấm thân lạm ở trên trăm họ, không biết tu đức để trời cho hòa khí, đến nỗi dân ta bị tai họa ấy, thực là một điều lỗi lầm của ta“! Thì ra, cha ông ta xưa đã không mắc phải điều mà ngày nay đã trở thành ca dao hiện đại : “mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài đảng ta“!
Gợi lên vài dòng lịch sử chi nhằm nói thêm với người gánh vác trọng trách quốc gia rằng : phải biết “kính cẩn, lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bên bờ vực” chứ không thể tùy tiện phán bảo và quen thói bịt miệng dân, chỉ muốn dân cúi đầu tuân phục “chỉ thị, nghị quyết”, cho dù thực tiễn cho thấy có quá nhiều chỉ thị nghị quyết sai lầm gây bao tai họa cho dân. Và rồi, cái cách lớn tiếng đe dọa “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại đường lối chính sách, làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng” của một vài người có trọng trách trên báo chí và trên tivi mấy ngày qua đã không hù dọa được ai! Trái lại, chỉ làm cho lòng dân thêm phẫn nộ. Điều này mong Tổng Bí thư cần lưu ý.
Đối với riêng tôi, khi tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Tổng Bí thư đã phê phán nặng lời, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã thực hiện lời chỉ dẫn của Các Mác “ trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào.
Cho nên dù bị quy kết thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thấy là chẳng có gì đáng bận tâm. Bởi lẽ, là người am hiểu và tôn trọng phép biện chứng, chắc Tổng Bí thư nhớ nằm lòng ý tưởng của Hégel được Ph. Angghen dẫn ra để nói về biện chứng của sự phát triển : mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.
Người am hiểu về biện chứng như Tổng Bí thư chắc sẽ bình tâm suy nghĩ về “những bước tiến mới” mà đời sống đất nước đang chứng kiến, để với cương vị của mình, thúc đẩy cho những ý tưởng mới phát triển nhằm đẩy lùi trạng thái cũ đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa. Làm được như vậy thì dấu ấn để lại trong lòng người và cho lịch sử sẽ không là sự cáo chung của lực lượng bảo thủ cố duy trì cái cơ chế đã đưa đất nước vào ngõ cụt, mà là người đem lại sự canh tân, thuận với quy luật phát triển, đáp ứng được lòng dân.
Kính gửi Tổng Bí thư lời chào trân trọng.

Nguon : TƯƠNG LAI

27 thg 2, 2013

Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng

Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì nó là cái gì?! … Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”(*)


Bằng tất cả sự tôn trọng với người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách.
Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó
chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông.
Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.

Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?

Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à?

Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…  đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái. Ông đương kim tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.


Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
5- Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tức đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Nguồn : 
Nguyễn Đắc KiênNhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội

20 thg 2, 2013

Sửa Hiến pháp chứ không phải xây Hầm trú ẩn

Nếu tôi là trưởng ban sửa đổi Hiếp pháp 1992 tôi sẽ đề nghị ngưng lại cho đến khi trong Đảng thực sự biết rõ mình muốn duy trì mô hình đảng chủ lập hiến như hiện nay hay muốn thiết lập ở Việt Nam một nền cộng hòa thật sự.
Các nhà nước quân chủ phải lập hiến khi nhà vua bị các tôn giáo, lãnh chúa… buộc phải chia sẻ quyền lực. Các nhà nước đảng chủ phải lập hiến vì muốn tạo ra cái vỏ bọc cộng hòa cho sự toàn trị của mình. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam muốn tiếp tục chế độ chính trị như hiện nay thì cách khôn ngoan nhất là cứ giữ Hiếp pháp 1992 vì nó vẫn đang làm tốt vai trò “phông màn” cho Đảng.
Sẽ là một sai lầm chính trị (của Đảng) nếu sửa đổi hiến pháp không phải vì cải cách mà chỉ để tự trấn an. Khi lực lượng vũ trang đã khẩu hiệu “chỉ biết còn Đảng, còn mình” mà vẫn không hết sợ hãi thì lẽ ra Đảng phải sửa cái gốc là trao quyền lực cho dân. Bảo vệ sự cầm quyền của Đảng mà bằng cách hiến định lòng trung cho quân đội và cố thủ trong điều 4 như một thứ lô cốt thì chỉ gây ra tranh cãi về tính hợp hiến của đảng độc tôn và khiến dân chúng nghĩ rằng Đảng coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Nếu chỉ quan tâm tới việc phân chia quyền lực thì không cần sửa hiến pháp. Quyền lực lâu nay vẫn được phân chia một cách bất thành văn và phe nhóm thường giải quyết tốt hơn hiến pháp. Vấn đề là tại hội nghị trung ương sắp tới ông Nguyễn Bá Thanh có đủ phiếu vào Bộ chính trị, ông Vương Đình Huệ có trở thành bí thư trung ương Đảng hay không? Ông Nguyễn Bá Thanh rồi sẽ chọn con đường đi vào lịch sử như một bao công, hay với không ít tỳ vết hiện nay, sẽ bắt tay với Thủ tướng đương nhiệm, quay lưng với những người đã từng nuôi kỳ vọng?
Nếu nhận ra đây là cơ hội chính trị thì đừng vội vã, hãy ngồi lại với nhân dân, hình thành một bản hiến pháp có thể thiết lập một nền cộng hòa, trên nguyên tắc: một chính quyền không phải do dân thì không thể là của dân và không thể hy vọng chính quyền đó sẽ vì dân được. Với quyền lập hiến, nhân dân phải tham gia với tư cách là người quyết định chứ không phải “khách” mời “góp ý” như Đảng đang làm.
Ủy ban sửa đổi hiếp pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một, chuẩn bị những vấn đề phải trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu dân ý. Điều phải trưng cầu dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình cộng hòa đại nghị (nơi quốc hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia) hay cộng hòa tổng thống (nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).
Cộng hòa đại nghị thường thành công hơn ở các quốc gia đi từ nền quân chủ lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín để trị vì như một biểu tượng quốc gia. Tuy các triều vua của Việt Nam đã bị “phế từ lâu”, vẫn nên hỏi xem dân chúng muốn tìm một hoàng thân hay tự tay bầu ra tổng thống.
Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể đưa điều 4 ra trưng cầu dân ý và nếu nhân dân tán thành trong một cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do thì việc cầm quyền của Đảng sẽ thực sự vinh quang. Nếu dân muốn Đảng cộng sản chỉ là một trong các đảng chính trị của người Việt Nam thì anh chỉ có thể cầm quyền khi thắng trong bầu cử.
Trong tình huống đó, hiến pháp nên quy định sự khác nhau giữa ứng cử viên độc lập với ứng cử viên được đề cử bởi một đảng chính trị. Ví dụ: một người có thể trở thành ứng cử viên tổng thống nếu được một đảng chính trị có cơ sở hoạt động ở tầm quốc gia đề cử hoặc có đủ một lượng chữ ký ủng hộ nhất định (nếu là ứng cử viên độc lập).
Với một dân tộc đang có hàng triệu người sống và làm việc ở khắp năm châu như Việt Nam, cần trưng cầu dân ý về điều kiện của các ứng cử viên: có chấp nhận người có hai quốc tịch ứng cử tổng thống, nghị sỹ Việt Nam hay không? Có nên đòi hỏi ứng cử viên tổng thống và ứng cử viên nghị sỹ quốc hội phải là người sinh ở Việt Nam và sống liên tục ở trong nước 5 năm tính đến ngày bầu cử?
Chế độ kinh tế cũng cần được đưa ra hỏi dân. Tự do tư tưởng là vấn đề phải được bảo vệ trong xã hội tương lai. Hiến pháp tôn trọng niềm tin cộng sản của một thiểu số nhân dân nhưng dân chúng không thể trả chi phí để nuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng cách coi “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Nên trưng cầu dân ý về việc cấm nhà nước thành lập những xí nghiệp mang tính kinh doanh (trừ các doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp khai thác những loại tài nguyên đặc biệt).
Hãy trưng cầu dân ý để dân chúng chọn giữa sở hữu toàn dân và chế độ đa sở hữu đối với đất đai.
Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Ủy ban sửa đổi hiến pháp mới tiến hành bước hai: thiết kế một mô hình nhà nước có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, có thể hòa giải quốc gia, phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh và mang lại công lý cho người dân tốt nhất. Ủy ban cũng không nên giấu dốt, cái gì biết thì hẵng làm cái gì không có kinh nghiệm thì nên học hỏi, nhất là từ những mô hình nhà nước đã được loài người áp dụng thành công. Việt Nam cần một mô hình chính trị bền vững dài lâu chứ không phải chỉ “bay 15 phút” rồi “bỏ kho” như những chiếc máy bay Vam mà Việt Nam đã từng tự chế.
Cách mà công an Hải Phòng đối xử với anh em ông Đoàn Văn Vươn cho thấy, hệ thống tư pháp hiện hành không thể đảm bảo công lý, nhất là đối với những xung đột giữa công dân với địa phương. Ngoài việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử (thay vì theo cấp hành chính), lực lượng điều tra hình sự và công tố nên tổ chức thống nhất ở cấp toàn quốc gia. Cảnh sát địa phương chỉ đảm bảo giao thông và trật tự, trị an; có thể bắt trộm, cướp rồi giao lại cho cơ quan công tố.
Các địa phương tùy vào ngân sách và tình hình an ninh mà quyết định số lượng cảnh sát. Không để tình trạng như Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy thanh niên xung phong ra điều khiển giao thông và chống cướp bằng lực lượng từ trung ương cứu viện.
Thật là nguy hiểm nếu lực lượng công an, quân đội thay vì trung thành với quốc gia lại trung thành với đảng phái. Đảng có thể nay tồn, mai vong nhưng Nước thì muôn đời phải giữ. Nếu quân đội không coi nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ nước thì khi trong Đảng có bất đồng, quân đội mất phương hướng, những kẻ có dã tâm lãnh thổ như Trung Quốc rất dễ thừa cơ chiếm nốt Trường Sa bằng một cuộc chiến tranh cục bộ.
Cũng cần tách bạch hành pháp chính trị và hành chính công vụ để khi Đảng tan rã thì chỉ có chức năng hành pháp chính trị tạm ngưng, trộm cướp vẫn có người bắt; đèn xanh, đèn đỏ vẫn sáng ở ngã tư; người dân vẫn có thể làm passport, đăng ký xe và sang tên nhà, đất…
Bước thứ ba, Ủy ban sửa đổi hiến pháp trình những mô hình hành chánh, tư pháp tương thích này để quốc hội thông qua. Sau đó tới bước thứ tư mới tiến hành cho chuyên viên thảo ra hiến pháp. Do đã trưng cầu dân ý, hiến pháp chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu thông qua chứ không cần đưa ra phúc quyết toàn dân. Chỉ phải giữ nguyên tắc cái gì dân đã quyết khi trưng cầu dân ý thì quốc hội không có quyền thay đổi.
Cũng có thể rút ra các bài học lập hiến từ Việt Nam. Hiến pháp 1946 từng được viết bởi những trí thức có tinh thần pháp quyền và bác ái, tự do. Cho dù nó được quyết định bởi một quốc hội được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử do Việt Minh kiểm soát, Hiến pháp 1946 đã được thông qua bởi những người yêu nước và khát khao độc lập, tự do.
Tuy chưa được công bố chính thức do chiến tranh nhưng Hiến pháp 1946 đã có hiệu lực trên thực tế. Hồ Chí Minh đóng một vai trò quan trọng trong Hiến pháp 1946, nhưng chính ông, sau khi đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế từ Mascova trở về, đã phế bỏ bản hiến pháp dân chủ này để thay thế bằng Hiến pháp 1959.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Hiến pháp 1959 được dịch ra từ Hiến pháp Liên Xô nhưng qua bản tiếng Trung nên nhiều định chế nhà nước đã được copy một cách vội vã và không chính xác. Hiến pháp 1980 cũng copy từ hiến pháp của các nước cộng sản Đông Âu, áp dụng nguyên si những định chế mà ngay sau đó đã bị các nước này bãi bỏ. Không nên sợ hãi trước những mô hình nhà nước đã được áp dụng thành công. “Nhập khẩu” mô hình chính trị đã là truyền thống mà Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1959.
Một chế độ toàn trị thường đi đến sụp đổ hoặc tiếp tục tồn tại bằng cách siết chặt dân chủ, tự do. Quá trình này càng kéo dài bao nhiêu thì càng hủy hoại các nguồn lực và giá trị quốc gia tới đó. Sự sụp đổ hay sự ngắc ngoải của chế độ đều trút hậu quả lên đầu thường dân. Chủ động cải cách để từng bước trao mọi quyền lực cho nhân dân không chỉ là lối thoát của Việt Nam mà còn là cánh cửa để Đảng thoát ra trong danh dự.

12 thg 2, 2013

LÙI.......

1. Thuế  
Kinh tế điêu tàn từng ngày. Câu hỏi điên đầu cho chính phủ là móc tiếp tiền ở đâu? Thuế đường bộ mới chỉ là khúc dạo đầu. Đến hôm nào cửa sổ sẽ đến lượt được đánh thuế? 
2. Rau sạch
Các lái xe taxi mà tôi từng hỏi chuyện đều than phiền là họ ngày càng bị chèn ép bất công đến tàn nhẫn. Cảnh sát, dân phòng để tồn tại cũng cũng cần có “rau sạch”.
3. Điện thoại
Cháu gái con nhà báo Trương Duy Nhất đố bố là khi bị cảnh sát chặn xe thì mọi người làm việc gì đầu tiên? Là rút … điện thoại??? Luật đa dạng tuỳ theo cái… mồm!
4. Chặn xe
Mấy người bạn đang rong ruổi trên đường thì xe bị chặn lại. Cậu cảnh sát trẻ vừa nhìn vào xe chưa kịp cả hỏi đã khoát tay mời đi tiếp. Chạy một lúc cả xe mới hiểu vì cậu cảnh sát nhác thấy một đôi giày của tướng trong chân một người trên xe. Cảnh sát ta bách khoa toàn thư thật!
5. Thân còn chả tiếc
Mẹt hàng rong của các em gái quê trông thật nao lòng. Giữa thủ đô hào hoa thanh lịch ngàn năm mà siêu thị trên tay các em chỉ là mấy bìa đậu lọt thỏm trong cái mâm nhôm cáu bẩn hay vài cân hoa quả toòng teng trên đôi sọt cũ. Một người khoẻ ăn hết gánh hàng đó còn thòm thèm làm sao các em nuôi nổi thân và những người đang cùng đu vào đó. Thân em như vậy thì tính sao cho trọn đến đường duyên?
6. Công nghiệp hoá
Đi khắp nước mà chả thấy có gì đáng mua. Sợ thật! Không hiểu ngoài hàng nông lâm thuỷ sản và dầu, quặng thô ra thì những con số thống kê xuất khẩu còn có bao nhiêu tiền là thực của người Việt. Nói như một anh bạn là có lẽ may ra chế độ này có thể làm ra một nền công nghiệp duy nhất kịp đi tắt đón đầu cùng nhân loại là nền công nghiệp tình dục. Với đà hết tiền, thêm công nợ ngập đầu lút cổ này thì việc mở sòng bài sẽ không còn nhiều thời gian để chần chừ và làm điếm đực hay cái cũng cần được nhanh chóng vinh danh là một nghề lao động cao quí.
7. Quan thì tham và dân thì gian
Đó là câu tôi nghe thấy từ nhiều quan chức ở nhà. Nhưng đặt dân vào thế phải gian mới tồn tại được thì quan nói tham là ghép từ một cách khập khiễng. Phải là táng tận lương tâm.
8. Vét
Vơ và vét là hai động từ mà dân Việt coi là đồng nghĩa với hoạt động của hầu như phần lớn quan Việt hôm nay. Lửa khó thấy mà sao khói nhiều thế nhỉ?
9. Sinh nhai
Dọc các bãi biển miền Trung thỉnh thoảng tôi thấy từng nhúm thuyền của ngư dân kết bè dập dềnh trong bến. Hỏi ra mới biết mấy cái thuyền con này không chỉ lo cơm áo gạo tiền cho các ngư phủ mà còn đang thực thi cả nghĩa vụ thiêng liêng là khẳng định chủ quyền quốc gia trên lãnh hải, ngư trường truyền thống. Gióng xưa còn có tre cả bụi mà vụt thù. Chẳng lẽ nay con cháu của ông mạt vận khi chỉ lêu phêu trên có mấy cái lá tre này? Nghĩ là căm cho bọn quan chức thối nát của mấy mấy cái Vinas.
10. Chủ quyền cờ
Trung quốc giở đủ võ hòng thống nhất với Đài Loan và  một trong những cao mưu của họ Đặng là Đài Loan toàn quyền có quân đội và chính quyền, riêng chỉ cần Đài Loan công nhận một nước Trung Hoa. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu một ngày nào đó Trung Quốc không bắt bớ đánh đập ngư dân Việt mà còn tạo điều kiện nếu các thuyền này khi hành nghề chỉ cần treo cờ Trung Quốc?
11. Bàn thờ
Nét hùng vỹ của núi sông hoà cùng hào khí đế vương vua Trần tạo Yên Tử thành chốn tâm linh đắc địa. Vậy mà ngay cả nơi trang trọng uy nghiêm nhất nơi đây là Chùa Đồng vẫn có nhiều thứ mà chúng ta quen gọi là …rác!
12. Lợi ích
Năm 1974 đồng minh Mỹ đứng nhìn Việt Nam cộng hoà tử chiến ở Hoàng Sa. Năm 1979 răng bập vào môi suốt cả dọc biên giới phía Bắc. Năm 1988 hạm đội Thái Bình Dương ngồi tại Cam Ranh mà Gạc Ma không người cứu. Một nước nhỏ, trong nhà tan nát, cũng như một kẻ tầm thường, thật khó kết giao dài hơi với những người bạn lớn. Nó chỉ có thể vịn vào nội lực của chính mình và kết bạn theo lợi ích giai đoạn mà thôi.
13. Sụp đổ
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước khắp các cửa hàng, chợ nông trường của Liên bang Xô viết cạn sạch hàng hoá. Trong nội địa thì nền sản xuất kế hoạch tập trung sụp đổ. Ngoài thế giới giá dầu hoả lao dốc. Người Liên Xô ai cũng đi làm, nhưng hiệu quả lao động thấp và hầu như tất cả các cơ quan công sở đều nợ lương. Lý luận Marxist bất lực trước cái thiếu, đói, bất công cùng chia rẽ trầm trọng trong lòng lãnh đạo đảng Cộng sản, đã không chống đỡ nổi cho tính chính danh của chính quyền. Dể hiểu khi Yelsin tuyên bố giải tán đảng Cộng sản không thấy có tiếng súng nào phản đối trên khắp 1/6 quả địa cầu.
14. Khá giống
Có mấy năm mà tình hình Việt Nam lụn bại hẳn, gam màu tối đã là chủ đạo. Cảnh chung là chính phủ cũng như dân đều không thấy sẽ có niềm tin và tiền bạc cả trong ngắn cũng như trong trung và dài hạn. Mà nhu cầu của con người lại ngày một cao! Tôi nói với nhiều quan chức rằng đừng chụp các mũ ảo để đàn áp lấy được nhiều tiếng nói của những con người yêu nước thật. Càng cấm càng chứng tỏ anh yếu. Nếu cuộc sống lầm than, bần cùng hoá, nợ lương hoặc có lương mà đồng tiền mất giá thành vô nghĩa thì chính quân đội và công an là những người sẵn súng để chĩa vào chính quyền này nhanh nhất.
15. In tiền
Nước Mỹ đang phát huy hết công suất các máy in tiền và tung hết gói cứu trợ này đến gói cứu trợ khác vào nền kinh tế. So với nhiều đồng tiền khác, Mỹ kim mất giá cỡ 50% chỉ trong mấy năm qua, toàn bộ số công trái phiếu của Trung Quốc mua của Mỹ cũng sắp thành giấy lộn mà lạm phát trong nước Mỹ năm qua chỉ  có 1,7%. Còn các giải pháp được khoác đủ tính từ mạnh của chính phủ Việt lâu nay xem ra đã luôn làm chỉ được một việc là không cứu nổi ngay cả bản thân chính phủ.
16. Nợ
Việt Nam có số nợ quốc gia trên thực tế đã ngang tổng sản phẩm quốc nội. Và con số nợ đang chồng cao mỗi năm. Công nợ lại không thấy đi liền khả năng trả nợ. Nếu cứ kiểu làm ăn này thì hình ảnh Vinashin không trả nổi nợ hôm nay cũng sẽ là hình ảnh chính phủ Việt tương lai phải muối mặt xin giãn nợ, hoãn nợ và xoá nợ  trong một tương  lai đang tới rất gần rất nhanh. Nghèo thường đi đôi với hèn. Công nợ ngất ngưởng không mang vinh hạnh tới cho bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào.
17. Gặp lại Canada
Suốt tháng ở quê nhà mắt thường chỉ thấy gam màu tối và tiếng tơ lòng chỉ thấy ngân lên có mấy cung  buồn là chủ đạo. Vậy mà có một ngày thật vui. Đó là ngày anh Trương Duy Nhất rủ tôi đi thăm Hội An và tâm tình với anh Nguyễn Sự. Một người thuần Việt mà sao từ phong cách, ngôn ngữ, hành động, tâm thức giống đến ngạc nhiên nhiều quan chức Canada mà ai cũng thường gặp bên này. Đông với Tây hoá ra khi tới đỉnh là một. Chỉ có điều là tạng tâm quan như thế ở ta có lẽ chỉ có mỗi Nguyễn Sự, thành ra cơ đồ Việt hôm nay mới ỏm thóp thế này. 

 18. Chiến
Với nhiều người không ra khỏi dẻo chữ S suốt chục năm qua chắc là thấy đất nước có nhiều sự đổi thay và những gì ta đã làm ra được là thành tựu lớn lao. Tuy nhiên nhìn về tổng thể thì đã đào sạch và bán cạn kiệt tài nguyên thô, vay mượn chồng chất, dân trong nước trường kỳ đánh đổi sức lao động bèo bọt, kiều hải ngoại cặm cụi tha lôi đô la về cố quốc là thế mà cơ ngơi Tổ Quốc vẫn thấy chống chếnh như nhà kẻ khó. Nếu cuộc chiến nổ ra lúc này thì chắc đốt hết cả dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng chỉ cầm cự được vài tuần trên biển.  Hoá ra Trung Quốc đang là kẻ có tóc và ta vẫn đang trọc đầu. Thế của chúng ta gần như vẫn chả có gì để mất!
19. Mệt mỏi
Gặp nhiều quan chức đã có dịp ra ngoài thấy họ đều nhận định là người Việt hải ngoại sống đâu có sướng. Đó là điều rất chính xác. Lao động chân tay, không kỹ năng tối thiểu ở Ontario giờ là $10.25/h. Tư bản phải trả thêm các loại thuế má, bảo hiểm kèm vào cũng cỡ $15/h. Giả tiền đó muốn không phá sản thì phải vắt kiệt sức người lao động. Và người lao động ở đây chỉ mơ được bóc lột thậm tệ và đều đặn như vậy, đừng có mất việc. Đáng sợ là ở một nước nghèo và chậm tiến như Việt Nam có rất nhiều kẻ không làm ra bất kỳ sản phẩm gì hữu ích gì cho xã hội lại luôn tin là họ phải được hưởng như thế và hơn thế mới là xứng đáng.
20. Hiến pháp
Chắc chả có nước nào mà Hiến pháp quốc gia lại hay được ưu ái mang ra gạch đi xoá lại như bài tập viết của học sinh tiểu học như ở xứ mình. Và tệ ở chỗ là dù chưa thông qua mà ai cũng đã biết là lại lạc hậu và lại cần chuẩn bị cho lần gạch xoá mới.
 “Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào”…
21. Quyền
Nhân chuyện tẩy xoá lại Hiến pháp bên ta xin kể một ví dụ là Hiến pháp nước Ecuador- một nước nhỏ hơn Việt Nam (có 253,238km2), ít dân hơn nhiều Việt Nam (khoảng 15 triệu), còn bị thế giới coi là nghèo và chậm tiến- mà hiến pháp của họ có cái đáng cho mấy ông quan Việt thích tẩy xoá văn bản này phải suy nghĩ. Họ chơi sang trao cho cả thiên nhiên quyền hiến định. Nói cách khác là trong hiến pháp cũng có hẳn một chương cho cỏ cây, chó mèo, sông hồ… quyền sinh tồn và phát triển cùng con người. Căn cứ theo hiến pháp, năm 2010 hai người Mỹ gốc Ecuador đã nhân danh thiên nhiên kiện và thắng chính phủ vì tội xâm hại một dòng sông khi chính quyền mở rộng một con đường.
22. Bước đường cùng
Nhiều người trong nước nói với tôi là họ cầu mong năm nay đất nước sẽ rơi sâu hơn xuống vực. Nhiều lần tôi phải ngạc nhiên khi nghe họ hăng say nói điều ấy. Chẳng lẽ trí thức Việt đang lưu manh hoá đi khi mong cho Tổ quốc mình điều tệ hại? Lý của họ là Việt Nam mình lạ lắm. Năm 1945 vừa chết đói như ngả rạ cả mấy triệu người mà chỉ mấy tháng sau “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Đất nước này chưa bao giờ chết. Ai mà chả sốt ruột khi thấy thiên hạ đang rầm rập bước thì nó lại lả và  lịm đi.
23. Thời sự
Đến đâu cũng nghe nói về “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức. Kỳ diệu cho sự tổng hoà của chất lượng thông tin và phương tiện truyền thông thời đại! Nhiều người hỏi tôi là đọc thấy gì hay nhất? Tôi thấy hay nhất là câu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Muốn thắng Mỹ thì phải không sợ Mỹ, không sợ Liên Xô và không sợ Trung Quốc.
Củ đang ăn xuống! Có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm thấy cái dũng khí đấy của ban lãnh đạo Việt hôm nay.  Giờ chỉ có mỗi một Trung Quốc là đáng để Việt Nam phải trừng mắt lên mà nhìn, mà coi khinh, mà không thèm sợ thì chỉ thấy rặt một giọng điệu trấn an hèn hạ là mong sao ta giữ được nguyên trạng. 

24. Kinh tế là thống soái
Nền chính trị nào cũng chỉ là cái áo khoác nhất thời. Kinh tế, cuộc vận động sống còn của các qui luật tự nhiên sẽ uốn nắn những hư hỏng rồ rại của các chủ thể chính trị duy ý chí. Nền độc tài ở Việt Nam cũng đã ngấm đòn vô trách nhiệm và đang phải chuyển sang nền độc tài trách nhiệm. Vẫn luôn thiếu viễn kiến, thừa bảo thủ và lợi ích cục bộ. Trọng bệnh lại trong tay những tay lang băm thì không chết cũng đã là hi hữu và thần kỳ.
25. Đau đẻ
Hỏi vợ là cảm giác của em sau chuyến đi Việt Nam thế nào?
“Sợ!!! Mỗi lần về là một lần sợ như đau đẻ ấy. Thế mà cái Việt Nam mình nó đến là lạ. Cứ xa một thời gian lại quên mất nỗi đau lần trước và lại lon ton leo lên bàn đẻ tiếp”
Sao luôn mắn quá thế em ơi!
26. Bức bối
Năm ngoái sau gần hai tháng ở Việt Nam, việc đầu tiên khi đặt chân xuống phi trường Seattle là phải ra thuê ngay một cái xe phân khối lớn. Cứ dận ga thật lực, phóng mải miết trên cao tốc như muốn bứt mình ra khỏi chính mình. Gần 10 tiếng sau mới thấy bớt khỏi cái cảm giác đậm đặc Việt Nam là mình đang ngồi ỳ ra, vô công rồi nghề và tụt hậu mới dám từ từ định hướng qua biên giới về nhà một nhà thơ ở Vancouver. Vậy mà ba ngày lưu trú lại nhà anh, chuyện Việt Nam vẫn làm hai anh em lạc cả giọng.
Năm nay máy bay vừa đến Narita đã thấy điện thoại reo. Anh bạn ở Tokyo hỏi:
- Việt Nam thế nào?
- Chả còn mấy thứ để hi vọng, nhưng, là một dân tộc có  chỉ số hạnh phúc cao cỡ đứng đầu thế giới, người Việt không cần biết đến từ tuyệt vọng!
(…)