Nếu tôi là trưởng ban sửa đổi Hiếp pháp
1992 tôi sẽ đề nghị ngưng lại cho đến khi trong Đảng thực sự biết rõ
mình muốn duy trì mô hình đảng chủ lập hiến như hiện nay hay muốn thiết
lập ở Việt Nam một nền cộng hòa thật sự.
Các nhà nước quân chủ phải lập hiến khi
nhà vua bị các tôn giáo, lãnh chúa… buộc phải chia sẻ quyền lực. Các nhà
nước đảng chủ phải lập hiến vì muốn tạo ra cái vỏ bọc cộng hòa cho sự
toàn trị của mình. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam muốn tiếp tục chế độ chính
trị như hiện nay thì cách khôn ngoan nhất là cứ giữ Hiếp pháp 1992 vì
nó vẫn đang làm tốt vai trò “phông màn” cho Đảng.
Sẽ là một sai lầm chính trị (của Đảng)
nếu sửa đổi hiến pháp không phải vì cải cách mà chỉ để tự trấn an. Khi
lực lượng vũ trang đã khẩu hiệu “chỉ biết còn Đảng, còn mình” mà vẫn
không hết sợ hãi thì lẽ ra Đảng phải sửa cái gốc là trao quyền lực cho
dân. Bảo vệ sự cầm quyền của Đảng mà bằng cách hiến định lòng trung cho
quân đội và cố thủ trong điều 4 như một thứ lô cốt thì chỉ gây ra tranh
cãi về tính hợp hiến của đảng độc tôn và khiến dân chúng nghĩ rằng Đảng
coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Nếu chỉ quan tâm tới việc phân chia
quyền lực thì không cần sửa hiến pháp. Quyền lực lâu nay vẫn được phân
chia một cách bất thành văn và phe nhóm thường giải quyết tốt hơn hiến
pháp. Vấn đề là tại hội nghị trung ương sắp tới ông Nguyễn Bá Thanh có
đủ phiếu vào Bộ chính trị, ông Vương Đình Huệ có trở thành bí thư trung
ương Đảng hay không? Ông Nguyễn Bá Thanh rồi sẽ chọn con đường đi vào
lịch sử như một bao công, hay với không ít tỳ vết hiện nay, sẽ bắt tay
với Thủ tướng đương nhiệm, quay lưng với những người đã từng nuôi kỳ
vọng?
Nếu nhận ra đây là cơ hội chính trị thì
đừng vội vã, hãy ngồi lại với nhân dân, hình thành một bản hiến pháp có
thể thiết lập một nền cộng hòa, trên nguyên tắc: một chính quyền không
phải do dân thì không thể là của dân và không thể hy vọng chính quyền đó
sẽ vì dân được. Với quyền lập hiến, nhân dân phải tham gia với tư cách
là người quyết định chứ không phải “khách” mời “góp ý” như Đảng đang
làm.
Ủy ban sửa đổi hiếp pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một,
chuẩn bị những vấn đề phải trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu
dân ý. Điều phải trưng cầu dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình
cộng hòa đại nghị (nơi quốc hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia)
hay cộng hòa tổng thống (nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).
Cộng hòa đại nghị thường thành công hơn ở
các quốc gia đi từ nền quân chủ lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực
tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín để trị vì như một biểu tượng quốc gia.
Tuy các triều vua của Việt Nam đã bị “phế từ lâu”, vẫn nên hỏi xem dân
chúng muốn tìm một hoàng thân hay tự tay bầu ra tổng thống.
Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể
đưa điều 4 ra trưng cầu dân ý và nếu nhân dân tán thành trong một cuộc
bỏ phiếu hoàn toàn tự do thì việc cầm quyền của Đảng sẽ thực sự vinh
quang. Nếu dân muốn Đảng cộng sản chỉ là một trong các đảng chính trị
của người Việt Nam thì anh chỉ có thể cầm quyền khi thắng trong bầu cử.
Trong tình huống đó, hiến pháp nên quy
định sự khác nhau giữa ứng cử viên độc lập với ứng cử viên được đề cử
bởi một đảng chính trị. Ví dụ: một người có thể trở thành ứng cử viên
tổng thống nếu được một đảng chính trị có cơ sở hoạt động ở tầm quốc gia
đề cử hoặc có đủ một lượng chữ ký ủng hộ nhất định (nếu là ứng cử viên
độc lập).
Với một dân tộc đang có hàng triệu người
sống và làm việc ở khắp năm châu như Việt Nam, cần trưng cầu dân ý về
điều kiện của các ứng cử viên: có chấp nhận người có hai quốc tịch ứng
cử tổng thống, nghị sỹ Việt Nam hay không? Có nên đòi hỏi ứng cử viên
tổng thống và ứng cử viên nghị sỹ quốc hội phải là người sinh ở Việt Nam
và sống liên tục ở trong nước 5 năm tính đến ngày bầu cử?
Chế độ kinh tế cũng cần được đưa ra hỏi
dân. Tự do tư tưởng là vấn đề phải được bảo vệ trong xã hội tương lai.
Hiến pháp tôn trọng niềm tin cộng sản của một thiểu số nhân dân nhưng
dân chúng không thể trả chi phí để nuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”
bằng cách coi “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Nên trưng cầu dân ý về việc
cấm nhà nước thành lập những xí nghiệp mang tính kinh doanh (trừ các
doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp khai thác những loại tài nguyên
đặc biệt).
Hãy trưng cầu dân ý để dân chúng chọn giữa sở hữu toàn dân và chế độ đa sở hữu đối với đất đai.
Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Ủy ban sửa đổi hiến pháp mới tiến hành bước hai:
thiết kế một mô hình nhà nước có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, có
thể hòa giải quốc gia, phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh và mang lại
công lý cho người dân tốt nhất. Ủy ban cũng không nên giấu dốt, cái gì
biết thì hẵng làm cái gì không có kinh nghiệm thì nên học hỏi, nhất là
từ những mô hình nhà nước đã được loài người áp dụng thành công. Việt
Nam cần một mô hình chính trị bền vững dài lâu chứ không phải chỉ “bay
15 phút” rồi “bỏ kho” như những chiếc máy bay Vam mà Việt Nam đã từng tự
chế.
Cách mà công an Hải Phòng đối xử với anh
em ông Đoàn Văn Vươn cho thấy, hệ thống tư pháp hiện hành không thể đảm
bảo công lý, nhất là đối với những xung đột giữa công dân với địa
phương. Ngoài việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử (thay vì theo cấp hành
chính), lực lượng điều tra hình sự và công tố nên tổ chức thống nhất ở
cấp toàn quốc gia. Cảnh sát địa phương chỉ đảm bảo giao thông và trật
tự, trị an; có thể bắt trộm, cướp rồi giao lại cho cơ quan công tố.
Các địa phương tùy vào ngân sách và tình
hình an ninh mà quyết định số lượng cảnh sát. Không để tình trạng như
Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy thanh niên xung phong ra điều khiển giao
thông và chống cướp bằng lực lượng từ trung ương cứu viện.
Thật là nguy hiểm nếu lực lượng công an,
quân đội thay vì trung thành với quốc gia lại trung thành với đảng
phái. Đảng có thể nay tồn, mai vong nhưng Nước thì muôn đời phải giữ.
Nếu quân đội không coi nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ nước thì khi
trong Đảng có bất đồng, quân đội mất phương hướng, những kẻ có dã tâm
lãnh thổ như Trung Quốc rất dễ thừa cơ chiếm nốt Trường Sa bằng một cuộc
chiến tranh cục bộ.
Cũng cần tách bạch hành pháp chính trị
và hành chính công vụ để khi Đảng tan rã thì chỉ có chức năng hành pháp
chính trị tạm ngưng, trộm cướp vẫn có người bắt; đèn xanh, đèn đỏ vẫn
sáng ở ngã tư; người dân vẫn có thể làm passport, đăng ký xe và sang tên
nhà, đất…
Bước thứ ba, Ủy ban sửa đổi hiến pháp trình những mô hình hành chánh, tư pháp tương thích này để quốc hội thông qua. Sau đó tới bước thứ tư
mới tiến hành cho chuyên viên thảo ra hiến pháp. Do đã trưng cầu dân ý,
hiến pháp chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu thông qua chứ không cần đưa ra
phúc quyết toàn dân. Chỉ phải giữ nguyên tắc cái gì dân đã quyết khi
trưng cầu dân ý thì quốc hội không có quyền thay đổi.
Cũng có thể rút ra các bài học lập hiến
từ Việt Nam. Hiến pháp 1946 từng được viết bởi những trí thức có tinh
thần pháp quyền và bác ái, tự do. Cho dù nó được quyết định bởi một quốc
hội được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử do Việt Minh kiểm soát, Hiến
pháp 1946 đã được thông qua bởi những người yêu nước và khát khao độc
lập, tự do.
Tuy chưa được công bố chính thức do
chiến tranh nhưng Hiến pháp 1946 đã có hiệu lực trên thực tế. Hồ Chí
Minh đóng một vai trò quan trọng trong Hiến pháp 1946, nhưng chính ông,
sau khi đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế
từ Mascova trở về, đã phế bỏ bản hiến pháp dân chủ này để thay thế bằng
Hiến pháp 1959.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Hiến
pháp 1959 được dịch ra từ Hiến pháp Liên Xô nhưng qua bản tiếng Trung
nên nhiều định chế nhà nước đã được copy một cách vội vã và không chính
xác. Hiến pháp 1980 cũng copy từ hiến pháp của các nước cộng sản Đông
Âu, áp dụng nguyên si những định chế mà ngay sau đó đã bị các nước này
bãi bỏ. Không nên sợ hãi trước những mô hình nhà nước đã được áp dụng
thành công. “Nhập khẩu” mô hình chính trị đã là truyền thống mà Đảng
Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1959.
Một chế độ toàn trị thường đi đến sụp đổ
hoặc tiếp tục tồn tại bằng cách siết chặt dân chủ, tự do. Quá trình này
càng kéo dài bao nhiêu thì càng hủy hoại các nguồn lực và giá trị quốc
gia tới đó. Sự sụp đổ hay sự ngắc ngoải của chế độ đều trút hậu quả lên
đầu thường dân. Chủ động cải cách để từng bước trao mọi quyền lực cho
nhân dân không chỉ là lối thoát của Việt Nam mà còn là cánh cửa để Đảng
thoát ra trong danh dự.
Nguồn: FB Osin Huy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét