Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

12 thg 2, 2013

LÙI.......

1. Thuế  
Kinh tế điêu tàn từng ngày. Câu hỏi điên đầu cho chính phủ là móc tiếp tiền ở đâu? Thuế đường bộ mới chỉ là khúc dạo đầu. Đến hôm nào cửa sổ sẽ đến lượt được đánh thuế? 
2. Rau sạch
Các lái xe taxi mà tôi từng hỏi chuyện đều than phiền là họ ngày càng bị chèn ép bất công đến tàn nhẫn. Cảnh sát, dân phòng để tồn tại cũng cũng cần có “rau sạch”.
3. Điện thoại
Cháu gái con nhà báo Trương Duy Nhất đố bố là khi bị cảnh sát chặn xe thì mọi người làm việc gì đầu tiên? Là rút … điện thoại??? Luật đa dạng tuỳ theo cái… mồm!
4. Chặn xe
Mấy người bạn đang rong ruổi trên đường thì xe bị chặn lại. Cậu cảnh sát trẻ vừa nhìn vào xe chưa kịp cả hỏi đã khoát tay mời đi tiếp. Chạy một lúc cả xe mới hiểu vì cậu cảnh sát nhác thấy một đôi giày của tướng trong chân một người trên xe. Cảnh sát ta bách khoa toàn thư thật!
5. Thân còn chả tiếc
Mẹt hàng rong của các em gái quê trông thật nao lòng. Giữa thủ đô hào hoa thanh lịch ngàn năm mà siêu thị trên tay các em chỉ là mấy bìa đậu lọt thỏm trong cái mâm nhôm cáu bẩn hay vài cân hoa quả toòng teng trên đôi sọt cũ. Một người khoẻ ăn hết gánh hàng đó còn thòm thèm làm sao các em nuôi nổi thân và những người đang cùng đu vào đó. Thân em như vậy thì tính sao cho trọn đến đường duyên?
6. Công nghiệp hoá
Đi khắp nước mà chả thấy có gì đáng mua. Sợ thật! Không hiểu ngoài hàng nông lâm thuỷ sản và dầu, quặng thô ra thì những con số thống kê xuất khẩu còn có bao nhiêu tiền là thực của người Việt. Nói như một anh bạn là có lẽ may ra chế độ này có thể làm ra một nền công nghiệp duy nhất kịp đi tắt đón đầu cùng nhân loại là nền công nghiệp tình dục. Với đà hết tiền, thêm công nợ ngập đầu lút cổ này thì việc mở sòng bài sẽ không còn nhiều thời gian để chần chừ và làm điếm đực hay cái cũng cần được nhanh chóng vinh danh là một nghề lao động cao quí.
7. Quan thì tham và dân thì gian
Đó là câu tôi nghe thấy từ nhiều quan chức ở nhà. Nhưng đặt dân vào thế phải gian mới tồn tại được thì quan nói tham là ghép từ một cách khập khiễng. Phải là táng tận lương tâm.
8. Vét
Vơ và vét là hai động từ mà dân Việt coi là đồng nghĩa với hoạt động của hầu như phần lớn quan Việt hôm nay. Lửa khó thấy mà sao khói nhiều thế nhỉ?
9. Sinh nhai
Dọc các bãi biển miền Trung thỉnh thoảng tôi thấy từng nhúm thuyền của ngư dân kết bè dập dềnh trong bến. Hỏi ra mới biết mấy cái thuyền con này không chỉ lo cơm áo gạo tiền cho các ngư phủ mà còn đang thực thi cả nghĩa vụ thiêng liêng là khẳng định chủ quyền quốc gia trên lãnh hải, ngư trường truyền thống. Gióng xưa còn có tre cả bụi mà vụt thù. Chẳng lẽ nay con cháu của ông mạt vận khi chỉ lêu phêu trên có mấy cái lá tre này? Nghĩ là căm cho bọn quan chức thối nát của mấy mấy cái Vinas.
10. Chủ quyền cờ
Trung quốc giở đủ võ hòng thống nhất với Đài Loan và  một trong những cao mưu của họ Đặng là Đài Loan toàn quyền có quân đội và chính quyền, riêng chỉ cần Đài Loan công nhận một nước Trung Hoa. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu một ngày nào đó Trung Quốc không bắt bớ đánh đập ngư dân Việt mà còn tạo điều kiện nếu các thuyền này khi hành nghề chỉ cần treo cờ Trung Quốc?
11. Bàn thờ
Nét hùng vỹ của núi sông hoà cùng hào khí đế vương vua Trần tạo Yên Tử thành chốn tâm linh đắc địa. Vậy mà ngay cả nơi trang trọng uy nghiêm nhất nơi đây là Chùa Đồng vẫn có nhiều thứ mà chúng ta quen gọi là …rác!
12. Lợi ích
Năm 1974 đồng minh Mỹ đứng nhìn Việt Nam cộng hoà tử chiến ở Hoàng Sa. Năm 1979 răng bập vào môi suốt cả dọc biên giới phía Bắc. Năm 1988 hạm đội Thái Bình Dương ngồi tại Cam Ranh mà Gạc Ma không người cứu. Một nước nhỏ, trong nhà tan nát, cũng như một kẻ tầm thường, thật khó kết giao dài hơi với những người bạn lớn. Nó chỉ có thể vịn vào nội lực của chính mình và kết bạn theo lợi ích giai đoạn mà thôi.
13. Sụp đổ
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước khắp các cửa hàng, chợ nông trường của Liên bang Xô viết cạn sạch hàng hoá. Trong nội địa thì nền sản xuất kế hoạch tập trung sụp đổ. Ngoài thế giới giá dầu hoả lao dốc. Người Liên Xô ai cũng đi làm, nhưng hiệu quả lao động thấp và hầu như tất cả các cơ quan công sở đều nợ lương. Lý luận Marxist bất lực trước cái thiếu, đói, bất công cùng chia rẽ trầm trọng trong lòng lãnh đạo đảng Cộng sản, đã không chống đỡ nổi cho tính chính danh của chính quyền. Dể hiểu khi Yelsin tuyên bố giải tán đảng Cộng sản không thấy có tiếng súng nào phản đối trên khắp 1/6 quả địa cầu.
14. Khá giống
Có mấy năm mà tình hình Việt Nam lụn bại hẳn, gam màu tối đã là chủ đạo. Cảnh chung là chính phủ cũng như dân đều không thấy sẽ có niềm tin và tiền bạc cả trong ngắn cũng như trong trung và dài hạn. Mà nhu cầu của con người lại ngày một cao! Tôi nói với nhiều quan chức rằng đừng chụp các mũ ảo để đàn áp lấy được nhiều tiếng nói của những con người yêu nước thật. Càng cấm càng chứng tỏ anh yếu. Nếu cuộc sống lầm than, bần cùng hoá, nợ lương hoặc có lương mà đồng tiền mất giá thành vô nghĩa thì chính quân đội và công an là những người sẵn súng để chĩa vào chính quyền này nhanh nhất.
15. In tiền
Nước Mỹ đang phát huy hết công suất các máy in tiền và tung hết gói cứu trợ này đến gói cứu trợ khác vào nền kinh tế. So với nhiều đồng tiền khác, Mỹ kim mất giá cỡ 50% chỉ trong mấy năm qua, toàn bộ số công trái phiếu của Trung Quốc mua của Mỹ cũng sắp thành giấy lộn mà lạm phát trong nước Mỹ năm qua chỉ  có 1,7%. Còn các giải pháp được khoác đủ tính từ mạnh của chính phủ Việt lâu nay xem ra đã luôn làm chỉ được một việc là không cứu nổi ngay cả bản thân chính phủ.
16. Nợ
Việt Nam có số nợ quốc gia trên thực tế đã ngang tổng sản phẩm quốc nội. Và con số nợ đang chồng cao mỗi năm. Công nợ lại không thấy đi liền khả năng trả nợ. Nếu cứ kiểu làm ăn này thì hình ảnh Vinashin không trả nổi nợ hôm nay cũng sẽ là hình ảnh chính phủ Việt tương lai phải muối mặt xin giãn nợ, hoãn nợ và xoá nợ  trong một tương  lai đang tới rất gần rất nhanh. Nghèo thường đi đôi với hèn. Công nợ ngất ngưởng không mang vinh hạnh tới cho bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào.
17. Gặp lại Canada
Suốt tháng ở quê nhà mắt thường chỉ thấy gam màu tối và tiếng tơ lòng chỉ thấy ngân lên có mấy cung  buồn là chủ đạo. Vậy mà có một ngày thật vui. Đó là ngày anh Trương Duy Nhất rủ tôi đi thăm Hội An và tâm tình với anh Nguyễn Sự. Một người thuần Việt mà sao từ phong cách, ngôn ngữ, hành động, tâm thức giống đến ngạc nhiên nhiều quan chức Canada mà ai cũng thường gặp bên này. Đông với Tây hoá ra khi tới đỉnh là một. Chỉ có điều là tạng tâm quan như thế ở ta có lẽ chỉ có mỗi Nguyễn Sự, thành ra cơ đồ Việt hôm nay mới ỏm thóp thế này. 

 18. Chiến
Với nhiều người không ra khỏi dẻo chữ S suốt chục năm qua chắc là thấy đất nước có nhiều sự đổi thay và những gì ta đã làm ra được là thành tựu lớn lao. Tuy nhiên nhìn về tổng thể thì đã đào sạch và bán cạn kiệt tài nguyên thô, vay mượn chồng chất, dân trong nước trường kỳ đánh đổi sức lao động bèo bọt, kiều hải ngoại cặm cụi tha lôi đô la về cố quốc là thế mà cơ ngơi Tổ Quốc vẫn thấy chống chếnh như nhà kẻ khó. Nếu cuộc chiến nổ ra lúc này thì chắc đốt hết cả dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng chỉ cầm cự được vài tuần trên biển.  Hoá ra Trung Quốc đang là kẻ có tóc và ta vẫn đang trọc đầu. Thế của chúng ta gần như vẫn chả có gì để mất!
19. Mệt mỏi
Gặp nhiều quan chức đã có dịp ra ngoài thấy họ đều nhận định là người Việt hải ngoại sống đâu có sướng. Đó là điều rất chính xác. Lao động chân tay, không kỹ năng tối thiểu ở Ontario giờ là $10.25/h. Tư bản phải trả thêm các loại thuế má, bảo hiểm kèm vào cũng cỡ $15/h. Giả tiền đó muốn không phá sản thì phải vắt kiệt sức người lao động. Và người lao động ở đây chỉ mơ được bóc lột thậm tệ và đều đặn như vậy, đừng có mất việc. Đáng sợ là ở một nước nghèo và chậm tiến như Việt Nam có rất nhiều kẻ không làm ra bất kỳ sản phẩm gì hữu ích gì cho xã hội lại luôn tin là họ phải được hưởng như thế và hơn thế mới là xứng đáng.
20. Hiến pháp
Chắc chả có nước nào mà Hiến pháp quốc gia lại hay được ưu ái mang ra gạch đi xoá lại như bài tập viết của học sinh tiểu học như ở xứ mình. Và tệ ở chỗ là dù chưa thông qua mà ai cũng đã biết là lại lạc hậu và lại cần chuẩn bị cho lần gạch xoá mới.
 “Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào”…
21. Quyền
Nhân chuyện tẩy xoá lại Hiến pháp bên ta xin kể một ví dụ là Hiến pháp nước Ecuador- một nước nhỏ hơn Việt Nam (có 253,238km2), ít dân hơn nhiều Việt Nam (khoảng 15 triệu), còn bị thế giới coi là nghèo và chậm tiến- mà hiến pháp của họ có cái đáng cho mấy ông quan Việt thích tẩy xoá văn bản này phải suy nghĩ. Họ chơi sang trao cho cả thiên nhiên quyền hiến định. Nói cách khác là trong hiến pháp cũng có hẳn một chương cho cỏ cây, chó mèo, sông hồ… quyền sinh tồn và phát triển cùng con người. Căn cứ theo hiến pháp, năm 2010 hai người Mỹ gốc Ecuador đã nhân danh thiên nhiên kiện và thắng chính phủ vì tội xâm hại một dòng sông khi chính quyền mở rộng một con đường.
22. Bước đường cùng
Nhiều người trong nước nói với tôi là họ cầu mong năm nay đất nước sẽ rơi sâu hơn xuống vực. Nhiều lần tôi phải ngạc nhiên khi nghe họ hăng say nói điều ấy. Chẳng lẽ trí thức Việt đang lưu manh hoá đi khi mong cho Tổ quốc mình điều tệ hại? Lý của họ là Việt Nam mình lạ lắm. Năm 1945 vừa chết đói như ngả rạ cả mấy triệu người mà chỉ mấy tháng sau “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Đất nước này chưa bao giờ chết. Ai mà chả sốt ruột khi thấy thiên hạ đang rầm rập bước thì nó lại lả và  lịm đi.
23. Thời sự
Đến đâu cũng nghe nói về “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức. Kỳ diệu cho sự tổng hoà của chất lượng thông tin và phương tiện truyền thông thời đại! Nhiều người hỏi tôi là đọc thấy gì hay nhất? Tôi thấy hay nhất là câu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Muốn thắng Mỹ thì phải không sợ Mỹ, không sợ Liên Xô và không sợ Trung Quốc.
Củ đang ăn xuống! Có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm thấy cái dũng khí đấy của ban lãnh đạo Việt hôm nay.  Giờ chỉ có mỗi một Trung Quốc là đáng để Việt Nam phải trừng mắt lên mà nhìn, mà coi khinh, mà không thèm sợ thì chỉ thấy rặt một giọng điệu trấn an hèn hạ là mong sao ta giữ được nguyên trạng. 

24. Kinh tế là thống soái
Nền chính trị nào cũng chỉ là cái áo khoác nhất thời. Kinh tế, cuộc vận động sống còn của các qui luật tự nhiên sẽ uốn nắn những hư hỏng rồ rại của các chủ thể chính trị duy ý chí. Nền độc tài ở Việt Nam cũng đã ngấm đòn vô trách nhiệm và đang phải chuyển sang nền độc tài trách nhiệm. Vẫn luôn thiếu viễn kiến, thừa bảo thủ và lợi ích cục bộ. Trọng bệnh lại trong tay những tay lang băm thì không chết cũng đã là hi hữu và thần kỳ.
25. Đau đẻ
Hỏi vợ là cảm giác của em sau chuyến đi Việt Nam thế nào?
“Sợ!!! Mỗi lần về là một lần sợ như đau đẻ ấy. Thế mà cái Việt Nam mình nó đến là lạ. Cứ xa một thời gian lại quên mất nỗi đau lần trước và lại lon ton leo lên bàn đẻ tiếp”
Sao luôn mắn quá thế em ơi!
26. Bức bối
Năm ngoái sau gần hai tháng ở Việt Nam, việc đầu tiên khi đặt chân xuống phi trường Seattle là phải ra thuê ngay một cái xe phân khối lớn. Cứ dận ga thật lực, phóng mải miết trên cao tốc như muốn bứt mình ra khỏi chính mình. Gần 10 tiếng sau mới thấy bớt khỏi cái cảm giác đậm đặc Việt Nam là mình đang ngồi ỳ ra, vô công rồi nghề và tụt hậu mới dám từ từ định hướng qua biên giới về nhà một nhà thơ ở Vancouver. Vậy mà ba ngày lưu trú lại nhà anh, chuyện Việt Nam vẫn làm hai anh em lạc cả giọng.
Năm nay máy bay vừa đến Narita đã thấy điện thoại reo. Anh bạn ở Tokyo hỏi:
- Việt Nam thế nào?
- Chả còn mấy thứ để hi vọng, nhưng, là một dân tộc có  chỉ số hạnh phúc cao cỡ đứng đầu thế giới, người Việt không cần biết đến từ tuyệt vọng!
(…) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét