Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

23 thg 7, 2013

THOÁT TRUNG LUẬN



Nhìn lại lịch sử cận đại của thế giới và Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam châu Á, địa chính trị, và cơ hội chúng ta thấy gì? Hãy điểm nó lại một cách khách quan để nhìn nước Việt đến vài thế kỷ tới xem sao? Đó là mục đích của bái viết này.

Địa chính trị và lịch sử

Các quốc gia Đông Nam Á khác, như Nam Dương(Indonesia) và Mã Lai Á nhờ địa lý tách ra khỏi bán đảo Đông Dương, nên bị thực dân Âu châu nhảy vào sớm hơn, từ đầu thế kỷ XVI. Cụ thể là Mã Lai Á thì Hà Lan bước chân vào năm 1511. Nam Dương cũng được Bồ Đào Nha đặt chân đầu tiên vào năm 1512. 

Miến Điện, một quốc gia có đường biên giới với Trung Hoa, nhưng gần với Ấn Độ và tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng phải đến đầu thế kỷ XIX mới bị người Anh xâm chiếm ra khỏi sự quan tâm của Trung Hoa.

Ngay cả Ấn Độ có cùng đường biên giới hiểm trở với Trung Hoa, mà Ấn Độ là một nước lớn, nhưng cũng mãi đến khi Trung Hoa suy yếu vào cuối đời nhà Thanh thì các cường quốc châu Âu gồm: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp mới có thể xâu xé Ấn Độ vào cuối thế kỷ XVIII.

Cũng có địa chính trị cùng đường biên giới với Trung Hoa là bán đảo Đông Dương, nên cũng chịu dưới sự quan tâm đặc biệt của Trung Hoa từ ngàn năm trước.

Lịch sử Việt Nam đúng chỉ có khoảng 2.600 trăm năm, trong đó hơn ngàn năm bị đô hộ giặc Trung Hoa. Trong những khoảng trống không bị đô hộ đó, Việt Nam chưa bao giờ độc lập với Trung Hoa, mà phải quan hệ kiểu thiên triều và chư hầu, theo dạng triều cống và lãnh ấn chỉ chủ dụ từ Trung Hoa. 

Chỉ có một giai đoạn duy nhất từ giữa thế kỷ thứ XIX, khi cuối triều nhà Thanh suy yếu, Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy bỡi các cường quốc châu Âu: Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Quốc và kể cả Nhật Bản, lúc ấy Việt Nam mới bị sự dòm ngó của Pháp và xâm lược Đông Dương.

Khi Trung Hoa có nền Cộng Hòa xuất hiện do Tôn Trung Sơn lãnh đạo vào năm 1912, cũng là lúc suy thoái kinh tế toàn cầu 1929 - 1933 ập đến. Ba thập kỷ người Trung Hoa có nhiều nội loạn, vả lại chịu dưới sự xâm lược của người Nhật. Nên Trung Hoa không đủ sức dòm ngó đến Đông Dương và Miến Điện.

Sau chiến tranh thế giới II, người Pháp thất trận, Trung Hoa thành lập 1949, cũng là lúc họ bắt đầu quan tâm đến Đông Dương. Dù họ còn rất yếu do nhiều lý do khách quan và chủ quan của cách cai trị của Mao, nhưng Trung Hoa đủ mạnh để tranh đoạt bá vương và cùng với Hoa Kỳ để đi đến Thông Cáo Thượng Hải 1972 ăn chia Đông Dương và khu vực, cũng như toàn cầu.

Sau 30/4/1975, có một giai đoạn ngắn đến 1990, Việt Nam không bang giao với Trung Hoa nhờ vào sức mạnh của Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì Hội Nghị Thành Đô lại làm cho Việt Nam trở lại thời kỳ bằng mặt, nhưng không bằng lòng với Trung Hoa. Hiện nay thì ai cũng thấy rõ ràng chính sách ngoại giao đa phương - dĩ bất biến ứng vạn biến của Tôn Tử - đang là cách mà nước Việt đang đương đầu với Trung Hoa.

Cơ hội

Qua những điều đã điểm ra ở trên, cho ta thấy các nước nhỏ quanh Trung Hoa có cùng biên giới rộng lớn với họ đều được họ xem là vùng đệm và chư hầu trong quan hệ ngoại giao.

Điều đáng lo lắng nhất với các quốc gia cùng biên giới với Trung Hoa là, không bao giờ Trung Hoa muốn các quốc gia này hùng mạnh để dễ bề thao túng và cai trị. Hãy điểm lại mà xem, Việt, Miên, Lào, Bắc Hàn, Mông Cổ, Bắc Hàn, Hồi Quốc Pakistan. 

Và kể cả Miến Điện, một quốc gia hùng cường vào 2 thập niên 1960s và 1970s nhưng cũng bị Trung Hoa chi phối làm cho kiệt quệ, và chỉ mới đổi mới xoay chuyển chính trị bằng cách chuyển dời, xây dựng thủ đô mới để tránh những bí mật quốc gia bị tiết lộ với Trung Hoa mới từ chối được cái dự án 2,5 tỷ đô la làm đường ống dẫn dầu từ Yangon đến Vân Nam, và thay đổi thể chế chính trị triệt để tách khỏi Trung Hoa như hôm nay. Một sự thay đổi Miến Điện mà thế giới kinh ngạc, nhưng là bài học Thoát Trung Luận cho Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Báo cáo kinh tế thế giới của Ngân Hàng Thế Giới vào ngày 13/6/2013 cho thấy nợ tư trong nước của Trung Hoa cao nhất thế giới, lên đến 160% GDP. Việt Nam cũng không khá hơn với 110% GDP của nợ tư trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đang dự đoán một Trung Hoa hạ cánh nặng nề, và một tia hy vọng sáng sủa cho các quốc gia quanh khu vực có thể làm cuộc Thoát Trung Luận với Trung Hoa mà, lâu nay theo kiểu ngoại giao họ luôn tự cho mình là thiên triều.

Sự suy yếu của Trung Hoa trong những năm tới là có thực, không mơ hồ, do nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa gây ra không chỉ ở Trung Hoa mà ngay cả ở Việt Nam sau khi sao chép 23 năm qua. Dù khó khăn, nhưng đó là cơ hội cho Việt Nam rất lớn để làm cuộc Thoát Trung Luận.

Nhìn lại lịch sử cận đại của Việt Nam và Trung Hoa, thời nhà Nguyễn kéo dài 143 năm - từ 1802 đến 1945 - đất nước Việt hùng cường nhất mọi thời đại. Bở cõi được mở rộng đến Mũi Cà Mau, Hoàng Sa Trường Sa vững vàng không sợ họa xâm lăng, mà còn dẹp được khu vực phía Nam của người Hoa Minh Hương trấn giữ. Chúng ta không phải lệ thuộc Trung Hoa cũng một phần lớn là khi đó nhà Thanh suy tàn, và nhà Nguyễn của ta có chiến lược ngoại giao khôn khéo với cả các lâng bang và cả với thực dân châu Âu. Điều này lịch sử cần nhìn nhận trung thực và công bằng với nhà Nguyễn. Như vậy, chúng ta đã Thoát Trung rồi, sau khi Quang Trung thay đổi chữ viết từ Hán sang Nôm, thì Nhà Nguyễn thoát theo. Sao giờ này ta lại phải chịu một lần nhục cho tổ quốc và dân tộc?

Bài học và phương án Thoát Trung Luận

Từ thế kỷ XIX ở Nhật Bản, có ông thầy giáo Fukuzawa Yukichi đã viết và đưa ra chiến lược Thoát Á Luận. Các vị minh quân của nước Nhật đã đi theo và họ đã thành công như hôm nay, một phần nhờ địa chính trị. Nhưng có một quốc gia khác có địa chính trị giống Việt Nam - Miến Điện - họ đã và đang làm cuộc Thoát Trung Luận đến nay rất tốt.

Có thông tin cho rằng sở dĩ Miến Điện thoát được Trung Hoa là nhờ họ dời trung tâm hành chính quốc gia từ thủ đô cũ là thành phố Yangon đến Naypyidaw là do những trung tâm hành chính quốc gia Miến Điện dưới thời Thein Shwe là do Trung Hoa viện trợ và xây cất. Họ phải dời đô vào nơi an toàn, để bảo mật quốc gia, sau đó mới tính chuyện chuyển đổi thể chế chính trị, thì mới an toàn cho đất nước họ và Thoát Trung Luận mới thành công. 

Liệu rằng, những cơ sở hành chính quốc gia Việt được Trung Hoa giúp xây dựng thời chiến tranh có đảm bảo bí mật quốc gia?

Năm 2010, ở Việt Nam rộ lên việc di dời trung tâm hành chính quốc gia ra khỏi Ba Đình, nhưng một số thành phần ưu tú và trí thức Việt Nam lại cho là sai lầm. Rồi mọi chuyện rơi vào quên lãng.

Hôm nay, tình hình nước Việt như ngàn cân treo sợi tóc - kinh tế xem như đang trên đà sụp đổ hoàn toàn, chính trị rối ren vì nạn bè phái tranh ngôi đoạt vị - mà chuyện quốc sự quan trọng nhất là làm sao Thoát Trung Luận, thì đất nước mới mong thái bình, dân tộc mới mong thịnh vượng và độc lập tự chủ.

Trong lúc kinh tế khó khăn, chuyện xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới là điều nên làm, để vực nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội. Một công đôi việc vừa vực nền kinh tế quốc gia, vừa giúp cho tiến trình Thoát Trung Luận đẹp cả đôi bề.

Lý thuyết nhị nguyên luận trong triết học đã được người Mỹ áp dụng trong việc tạo ra hình thái chính trị xã hội cho một hời kỳ mới mà họ gọi là trật tự mới cho những thời đại tiếp theo rất thành công. Âm dương, nước lửa, trời đất, phá và xây, v.v... Cộng hòa và Dân chủ là 2 trường phái để xây dựng Hoa Kỳ ngày nay theo Nhị Nguyên Luận rất triết học và rất thành công. 

Người dân Việt hiếu hòa, không ai muốn và cũng chưa có lực lượng nào đủ sức để giành quyền lãnh đạo với đảng cầm quyền hiện nay. Đừng nên xem dân mình là thù địch vì quyền lợi cá nhân. Đã đến lúc cần phải tách đôi đảng cộng sản ra làm 2 đảng và cần một hành động cụ thể như Miến Điện để làm cuộc Thoát Trung Luận hoàn hảo, khi cơ hội bắt đầu hé mở ở chân trời - đó là một Trung Hoa đang và sẽ suy yếu. Thiên thời, nhân hòa lòng dân muốn và chỉ còn việc tạo ra địa lợi để biết chớp lấy thời cơ. Nếu không, 300 năm hay 1.000 năm nữa quan hệ Trung - Việt vẫn theo kiểu mà ngàn năm trước không thay đổi.



Câu chuyện Thoát Trung Luận là câu chuyện lớn cho cả tổ quốc và dân tộc. Nó không chỉ có liên quan đến cơ hội, thời thế, mà còn liên quan đến cả tư duy và hành động của lãnh đạo, nhân dân cần phải thoát ra khỏi cái quán tính tư duy bao đời hằn sâu trong tâm khảm.

Trong phần Thoát Trung Luận mà tôi đã viết hôm 28/6/2013 chỉ là nói đến thời cơ - thời thế và cơ hội - sau khi điểm qua lịch sử, địa chính trị của khu vực và bài học của Nhật Bản cách đây 2 thế kỷ, và bài học của Miến Điện hôm nay. Trong bài viết này tôi xin bàn đến tư duy của lãnh đạo và dân tộc. Vì cuộc cách mạng tư tưởng luôn phải đi trước cách mạng xã hội một bước, tư tưởng mà không thông thì đừng hòng làm được bất cứ cái gì.

Chúng ta bắt đầu từ văn hóa

Văn hóa là nguồn cội của tư duy. Như tôi đã viết, văn hóa duy tình kiểu làng xã, tiểu nông của Việt Nam chỉ quanh quẩn bỡi cái ăn chắc mặc bền, mà không hoặc khó dám nghĩ đến chuyện thay đổi cái cũ, để tìm cái mới tốt đẹp hơn. Chỉ khi nào vận đến cùng thì mới dám nghĩ đến chuyện phải tự cứu lấy mình, bằng cách thay đổi lề lối làm việc và chọn phương cách mới.

Chính cái quan điểm văn hóa duy tình, làng xã bám vào gốc rạ để sống, hòng tìm một sự bền lâu này nó đã là một quán tính tư duy trong mỗi con người Việt Nam, từ lãnh đạo đến cùng đinh không dám có sự thay đổi và bức phá, ù lì trong cái túng cùng cả nghèo hèn và nhược tiểu.

Điểm lại lịch sử, hầu hết các cuộc cách mạng của dân ta cũng chỉ xảy ra khi và chỉ khi cái chén cơm của mỗi người đều bị mất trắng, đời sống của toàn dân bị cơ cực đến tận cùng. Thời phong kiến các đời cũng vậy, mà thời Pháp thuộc cũng thế. Ba mươi tám năm qua, sau thống nhất đất nước cũng không hơn, chỉ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, không còn chỗ để ăn xin, nên đảng cầm quyền mới nghĩ và hành động để cỡi trói cứu lấy quyền lợi bền lâu của mình.

Nhưng sau khi cỡi trói thì cái tư duy làm nô lệ và cầu viện ngoại bang vẫn còn khắc vào tâm khảm, nên mới có cái Hội nghị Thành Đô 1990, để đảng cầm quyền tìm một chỗ nương náu yên thân. Thời nội chiến từ 1954 đến 1975 cũng vậy, cả 2 miền Nam Bắc, các lãnh đạo Việt cũng kẻ Bắc tìm sự nô dịch với Liên Xô và Trung Hoa, người Nam bám vào sự viện trợ của Hoa Kỳ để tranh bá. Cuối cùng nhân dân là người thua cuộc. Để hôm nay, chúng ta lại phải hầu hạ và tôn thờ Trung Hoa một cách mù quáng.

Cho nên, cái cần kiếp ngay từ bây giờ là, phải đào tạo một thế hệ có tư duy thoát ra khỏi cái văn hóa bần nông, làng xã và duy tình này. Cần duy lý, tự lực cảnh sinh để tự cường đứng dậy đi thẳng lưng như người ở đồng bằng, chứ không đi lom khom như ngàn năm nay của người sơn cước.

Rất dễ để kiếm tìm những bài viết của các học giả, hay trí thức đến sinh viên nhìn sự việc cảm tính hơn là duy lý. Và dân gian nước mình cũng có những câu ca dao lột tả rất rõ về điều này - Thương nhau cũ ấu cũng tròn/Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo.

Vấn đề quán tính tư duy

Hơn một năm trước, tôi viết bài quán tính tư duy là cái làm cho đám đông vô thức bị tầng lớp tinh hoa xỏ mũi kéo lê dân tộc đi từ khổ nạn này đến tai ách khác. 

Nhưng nếu nhìn lại, thì cái quán tính tư duy cũng làm cho tầng lớp tinh hoa của đất nước Việt Nam bao đời nay vẫn còn trong ao tù nước đọng.

Ngàn năm trước dưới ách đô hộ của Trung Hoa, lãnh đạo bao triều vua vẫn chịu thần phục, triều cống phương Bắc dù dân khí có hùng cường đánh đuổi được giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi.

Điểm lại lịch sử công tâm, chỉ có triều Nhà Nguyễn gần đây mới có chuyện độc lập tự chủ, mở mang bờ cõi đến Cà Mau, Trường Sa, Hoàng Sa và biển Đông thuộc về ta mà bao triều đại trước đó, và cả ngay bây giờ cũng không thể sánh bằng. Đó cũng nhờ một phần Nhà Thanh bên Trung Hoa suy tàn, và Nhà Nguyễn nước ta có tư duy thoát Trung Hoa.

Sau Nhà Nguyễn suy tàn, nước ta rơi vào ách thực dân Pháp, những hòa ước Pháp Thanh cũng phải lấy bản gốc triều Nguyễn để ký kết về biên giới, biển đảo. Nhưng các tinh hoa làm cách mạng thoát Pháp vẫn cứ mang tư duy cậy nhờ ngoại bang, để đẩy dân tộc vào máu lửa chiến tranh, và nhân dân vẫn là người thua cuộc.

Bây giờ cũng thế, sau hội nghị Thành Đô 1990 tạm giúp ổn định không chiến tranh được 23 năm nay. Nhưng gần đây nguy cơ này lại đến. Đầu tháng 6/2013 này lại có cái ký kết vịnh Bắc Bộ với Trung Hoa, nhưng chữ ký chưa ráo mực thì tàu hải giám Trung Hoa đã tấn công ngư dân ta ngay trên vịnh Bắc Bộ. Câu chuyện chủ tịch nước phải đi thăm Hoa Kỳ vội vả vào 25/7/2013 này nói lên tất cả những thất bại về quan hệ kiểu nương nhờ ngoại bang trong cái tư duy của lãnh đạo của ta hiện nay. Trong khi đó, dân khí mới là rường cột của quốc gia, thì chính quyền lại thẳng tay đàn áp. Một tư duy có bản chất nô lệ, có quán tính từ ngàn xưa vẫn còn mãi đến hôm nay.

Nếu còn tư duy nô lệ như thế thì ngàn năm sau không hy vọng gì đất nước ta có thể tự lực, tự cường, đứng thẳng người như Nhật, Hàn hay một số quốc gia trong khu vực kể cả Miến Điện và Cambodia.

Chính trị là một nghệ thuật của sự có thể - Otto Von Bismarck - vấn đề là cần nâng nghệ thuật này bằng tư duy tới hạn từ những vấn đề mà tôi đã lược ra ở trên.

Ngay cả nước Pháp có cuộc phá ngục Bastille vào ngày hôm qua cách đây 224 năm, mà mọi người cứ tưởng là cuộc cách mạng dân chủ tư sản dẫn dắt nhân loại từ bỏ phong kiến đến nền cộng hòa, thì cũng phải diễn ra chậm hơn cuộc cách mạng Trà Boston của Hoa Kỳ đến 16 năm. Nhưng Nã Phá Luân đã đưa nước Pháp trở về thời đại phong kiến một lần nữa, sau thế chiến thứ hai nước Pháp mới có nền cộng hòa thực sự. Trong khi đó, Hoa Kỳ đi một mạch trước cả châu Âu và Pháp để đến cường quốc số một toàn cầu là chuyện đáng để kính trọng hơn tất cả.

Nói lên điều này để thấy việc thoát ra khỏi cái quán tính tư duy không dễ ngay ở các quốc gia tiên tiến phương Tây. Nó càng khó hơn với Việt Nam, nếu hệ thống tuyên truyền của đảng cầm quyền mãi còn tư duy nô dịch.

Muốn cỡi trói văn hóa nô dịch và tư duy bần nông làng xã hành động thế nào thì lại liên quan đến nghệ thuật của sự có thể. Hẹn ở phần ba cho đề tài Thoát Trung Luận này. Chúc dân tộc này một tương lai tốt đẹp.


Tại sao gần đây báo chí rộ lên tình hình thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự? Dân thì mất lòng tin đảng cầm quyền và nhà nước của đảng lập ra vì tham nhũng và tha hóa. Thế thì sức mạnh của một đất nước còn gì? Phải làm gì về chính trị để giải quyết sức mạnh toàn dân, vực đất nước và dân tộc qua cơn tai kiếp vừa khủng hoảng chính trị, vừa khủng hoảng kinh tế này?

Tại sao cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cuối thập niên 1990s của thế kỷ trước, chính phủ Thái lan và Hàn Quốc kêu gọi nhân dân giúp sức, thì người dân sẵn sàng gom vàng, tiền tiết kiệm của mình để cứu nền kinh tế và cứu đất nước của họ ra suy thoái? Trong khi nước ta đang lúc suy thoái cùng cực về cả chính trị lẫn kinh tế thì người dân thờ ơ, và thanh niên quay mặt với tổ quốc và dân tộc?

Hầu hết các tổ chức nhà nước trên thế giới đều thua lỗ, và ăn bám vào tiền đóng thuế của dân, ngay cả ở các nước tiên tiến, và đây là nơi để nạn tham nhũng và tha hóa hoành hành. Cho nên, ở bất kỳ quốc gia nào dù trong sạch đến số 1 toàn cầu thì nạn tham nhũng vẫn sống và tồn tại. Ở một xã hội mà quyền sở hữu cá nhân bị tước đoạt, tỷ lệ các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, công, nông nghiệp, v.v... là của công quyền nắm giữ, thì đó là cái nôi phục vụ cho tham nhũng, và tha hóa.

Sức mạnh của một xã hội là ở sự giải phóng quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất, chứ không phải là nhà nước và đảng ôm quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất về riêng cho mình. Tham nhũng và hũ hóa đã là căn bệnh của nước Việt từ 38 năm qua, chứ không chỉ hôm nay. Nhưng hôm nay nó trở thành nạn dịch là nhờ vào cuộc cách mạng internet cho thấy rõ hơn, và bệnh đã đến lúc không còn thuốc chữa. Đó là hậu quả của một nền chính trị thối nát phục vụ cho cái xấu.

Vấn đề hiến pháp

Chính trị là nghệ thuật của sự có thể. Như tôi đã chứng minh rằng, sức mạnh của một đất nước không phải là của các chủ thuyết hình thành nên chế độ, hay do chính khách nặn ra để phục vụ quyền lợi thông qua chính đảng của mình đang cầm quyền. Vấn đề sức mạnh rường cột của một quốc gia là dân khítư duy của cộng đồng dân chúng và quan lại, chứ không phải cái gì khác.

Bằng chứng cho những vấn đề trên là nước Mỹ chưa bao giờ vỗ ngực đi theo chủ thuyết nào. Tên nước Mỹ cũng không cho thế giới thấy rằng họ theo chế độ kiểu nào - Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ: United States of America. Nhưng các quốc phụ của nước Mỹ chỉ đơn thuần xây dựng nước Mỹ theo tuyên ngôn độc lập và hiến pháp mà họ đã cùng nhau soạn thảo. 

Lâu nay mọi người đã quá nhầm tưởng hiến pháp chỉ đơn thuần là luật cơ bản. Nhưng khác với những hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới, hiến pháp nước Mỹ không chỉ đơn thuần là một bộ luật cơ bản. Nó còn là một hợp đồng khế ước của chính khách với nhân dân và tổ quốc của tất cả mọi giống dân từ thiểu số đến đa số cùng về Tân thế giới - nước Mỹ để kiếm tìm mảnh đất tự do dân chủ - rằng, họ phụng sự cho một quốc gia do dân, vì dân và của dân hùng cường đi đến lãnh đạo toàn cầu, với tinh thần Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Hiểu vấn đề hiến pháp một cách đơn giản đúng với bản chất của nó, để từ đó chúng ta có thể đi đến vấn đề chiến lược quốc gia dài hạn. Thế thì vấn đề hiến pháp của Việt Nam phải tập trung vào sửa đổi những vấn đề cốt tử nào?

Đầu tiên của hiến pháp là phải tập trung vào vấn đề này: "Một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tự cường, và của dân vì dân do dân, mà không vì bất cứ chủ thuyết, đảng phái, chế độ nào cả". Trong một rừng chủ thuyết triết học của nhân loại từ khi khai sinh lập địa của loài người, chủ thuyết nào cũng có cái hay, cái dở. Hãy chọn cái hay mà học, mà thực hiện. Cái dở, cái sai nên loại bỏ. Ấy mới là lãnh đạo anh minh biết yêu nước thương nòi.

Nói như thế, không có nghĩa là một đất nước không có đảng phái chính trị, mà là cần nhiều đảng phái chính trị nữa là khác. Và các đảng phái chính trị đó phải vì tôn chỉ này trong ứng cử và tranh cử công minh hợp pháp, theo đúng quy luật mâu thuẫn và phát triển của triết học. Vì không có cái gì độc tôn mà đúng với quy luật triết học, và sẽ lụi tàn là điều tất yếu. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có những chiến lược lâu dài không thụ động, không vụ lợi cá nhân, đảng phái hay bất kỳ một phe phái của ngoại bang nào muốn xen chân vào tổ quốc này.

Thứ hai là hiến pháp phải giải phóng sức dân. Để giải phóng sức dân thì không có gì ngoài việc công nhận quyền sở hữu cá nhân - bản chất của mọi loài đã thành quy luật. Vì không ai phải bỏ công cho việc cha chung không ai khóc. Chỉ có những kẻ phản động - phản lại quyền và lới ích của quốc gia dân tộc - mới còn bám víu vào sở hữu công toàn dân để xà xẻo, tư túi trên xương máu dân tộc và tài nguyên của quốc gia. Trong cái chung phải phục vụ, nó phải mang lại quyền lợi cho cái riêng của mỗi thành viên trong xã hội, thì mới có động lực để thúc đẩy cái riêng dốc toàn tâm, toàn ý mà phụng sự cho cái chung. Đó là triết học biện chứng.

Thứ ba và cuối cùng là, hiến pháp Việt nam phải tạo ra một sân chơi rạch ròi cho tam đầu chế của đất nước, để tạo dựng một bầu không khí chính trị công bằng cho mọi công dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Việc điều hành đất nước với chiến lược lâu dài, hằng định theo những quy luật khoa học, chứ không theo bất kỳ của một ý chí chính trị nào, của đảng phái nào đưa ra vì quyền lợi của đảng phái hay tổ chức chính trị ấy.

Với việc dựng xây hiến pháp như trên việc tiếp theo cần phải làm là thực hiện sự thay đổi chính trị. Vì kinh tế sụp đổ hôm nay là do lỗi chính trị sai lầm làm kinh tế đi sai đường, không thuốc chữa, chứ không phải lỗi của việc điều hành kinh tế.

Vấn đề cốt tử là chuyển đổi chính trị

Để thực hiện những điều trên, như tôi đã viết, nên tách đôi đảng cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam ra thành 2 đảng. Chỉ có cách này mới không tổn hại đến tổ quốc và dân tộc có nguy cơ đổ máu một lần nữa.

Tại sao phải tách đôi? Vì bản chất của đảng cộng sản ở Việt Nam không còn là cộng sản nữa, mà chỉ là một tôn giáo phục vụ cho quyền lợi của các con chiên đang lợi dụng đảng, để đi theo một hình thái chính trị xã hội nửa tư bản hoang dại, nửa phong kiến tập quyền. Nó đang mất tính chính danh ban đầu của nó, và nó đang đi ngược lại quyền lợi của quốc gia dân tộc, vì nó tự đặt ra hiến pháp sai quy luật để phục vụ cho quyền lợi của nó. mà không vì quốc gia dân tộc.

Sau khi tách đôi nó ra, việc đặt tên cho chúng có thể là đảng bảo thủ và đảng cấp tiến. Mỗi đảng phái nên có tôn chỉ hành động có tính chiến lược lâu dài, có tính trường phái triết lý cho vận mệnh của quốc gia, không nên là một tôn giáo duy ý chí theo chủ thuyết này hay chủ thuyết nọ, để ứng cử, tranh cử theo một chiến lược lâu dài của mình, nhằm phụng sự cho tổ quốc và dân tộc, mà tôi đã đề ra ở trên một cách công minh và toàn tâm, toàn ý. Đây là con đường tất yếu phải đến của mọi hình thái chính trị xã hội, vì nó là đúng quy luật triết học.

Bây giờ ở trên đất nước Việt Nam không có ai có sức mạnh cứng và mềm như tập hợp của những thành viên thuộc đảng cầm quyền. Thực hiện chuyển đổi chính trị bây giờ là thời điểm thích hợp nhất, nếu không, e rằng đất nước sẽ có biến, khi lòng dân và kể cả lòng quân không còn chỗ để sợ bất cứ cái gì, dù gươm kề cổ, súng kề tai, và lúc ấy thì đã muộn.

Chính trị luôn ù lỳ và chậm thay đổi hơn kinh tế. Vì chính trị là ý chí của con người, nó tùy thuộc vào yếu tố chủ quan của con người. Còn kinh tế là động, nó phụ thuộc vào quy luật bàn tay vô hình của thị trường khách quan cung cầu chỉ huy, mà không bị sự chi phối của ý chí con người. Quy luật kinh tế cung cầu chi phối cả những nền chính trị năng động nhất, kể cả Hoa Kỳ. Cho nên khủng hoảng tài chính và kinh tế cũng có chu kỳ, vì lòng tham vô đáy của con người làm khủng hoảng thừa cung mà thiếu cầu.

Nhưng một khi đã chuyển thành một nền chính trị năng động thì, các chu kỳ khủng hoảng kinh tế sẽ tức thì được ổn định nhanh chóng, và chính trị cũng vững vàng theo. Vì về mặt triết học, kinh tế quyết định chính trị, và chính trị tác động kiềm hãm hay thúc đẩy kinh tế phát triển. Các cường quốc của thế giới cấp tiến đã minh chứng cho điều này. Nước Mỹ trong cơn bạo bệnh năm 2008, làm cả thế giới suy sụp theo, nhưng hôm nay phục hồi nhanh nhất cũng là nhờ vào một nền chính trị năng động giúp kinh tế ổn định trong nạn suy trầm.

Trung Hoa "khỏe mạnh" là thế, với hơn 20 năm tăng trưởng kinh tế hơn 10%/năm, nhưng khi quy luật cung cầu của bàn tay vô hình trong kinh tế phát huy tác dụng, thì họ đang tiến thoái lưỡng nan, không biết cách nào để có thể tránh được một cuộc sụp đổ cả kinh tế lẫn chính trị.

Dân khí, dân trí và lòng tin mất thì mất cả thế kỷ để phục hưng, nhưng từ đói nghèo để đi đến giàu có thì chỉ cần thời gian bằng thập kỷ. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh hùng hồn điều này.

Với những thay đổi từ tư duy đến hành động mà tôi đã viết trong 3 bài của loạt bài Thoát Trung Luận này, chắc chắn nền chính trị Việt Nam sẽ lấy lại lòng tin dân chúng trong nước, cộng đồng trên thế giới, và nước Việt sẽ hùng cường lâu bền.

Một khi đã có một chiến lược đúng đắn và bền lâu, thì chúng ta đâu còn sợ gì phải dựa vào ai, để chèo lái con thuyền của đất nước mãi chòng chành trong bão tố? Việc Thoát Trung Luận cũng đâu còn là quá khó, mà phải đi cầu cạnh, bang giao theo kiểu kẻ trên, người dưới?

Đây là một loạt 3 bài viết tổng thể cho một sự chuyển đổi tốt đẹp nhất, ít tổn thương nhất đối với nước nhà và dân tộc. Việc cụ thể hóa những gì tôi tâm tình ở đây cần phải có một sự chuẩn bị công phu, chi tiết gồm những dự án cho từng lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế và cả văn hóa giáo dục, v.v... trong một xã hội pháp trị. Nó là một hành trình gian nan của chính quyền và dân chúng. Nhưng cho dù gian nan đến đâu, mà để hậu thế ghi ơn, cộng đồng quốc tế sửng sốt và nể nang như họ đã nhìn Miến Điện hôm nay, và Nhật Bản cách đây 2 thế kỷ, cũng như Hàn Quốc trong chỉ 4 thập kỷ qua, thì phải làm và mạnh dạn làm.

Loạt bài này như một nén hương xin kính gửi những oan hồn hơn 3 triệu dân Việt đã ngã xuống - dù ở bên này hay ở bên kia chiến tuyến, vì cuộc nội chiến 20 năm trong quá khứ, để có một nước Việt thống nhất hôm nay - hãy phù hộ cho tổ quốc và dân tộc này thoát khỏi cảnh chư hầu ngàn năm còn hằn sâu trong tâm khảm của mọi thế hệ.

Nguồn : BACSIHOHAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét