Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

2 thg 1, 2012

Không phải là bò nhưng “có còn là con người nữa không”?


Ngày đầu tiên của năm mới, đọc báo và… đau đớn! Chưa có năm nào mà dịp cuối năm lại cùng lúc được nghe và thấy một GS (Nguyễn Huệ Chi, BBC, 31.12.2011) và một nhà văn (Võ Thị Hảo, BBC, 30.12.2011) trăn trở về cái chuyện hổng giống ai trên trái đất này: GS Nguyễn Huệ Chi mong muốn những người cầm quyền biết rằng trí thức không phải là bò, còn nhà văn Võ Thị Hảo thì băn khoăn, có lẽ trí thức Việt Nam bây giờ không còn/ không giống là con người nữa (!). (Nguyên văn: “Chúng ta có còn bình thường không và có còn là con người nữa không…”. “Chúng ta” là nói về trí thức Việt Nam theo nghĩa hẹp và “cả dân tộc Việt Nam” theo nghĩa rộng).
Hai cách nói và nghĩ của hai người không lẽ “bỗng dưng” mà trùng lặp? Rõ ràng không thể có chuyện ngẫu nhiên mà phải đoan quyết ngay lập tức rằng đây chính là tâm trạng chung, suy nghĩ chung của không ít trí thức thời nay trước việc họ bị gạt ra bên lề xã hội, trong khi hầu như ai cũng biết về cái gọi là “nền kinh tế tri thức”, “vai trò hàng đầu của trí thức trong thời đại mới”… Những ngôn từ thật kêu và thật mạnh của nỗi mỉa mai ê chề.
Chợt nhớ đến Trịnh Công Sơn khi ông đã từng hát lên rằng, có “một đàn bò vào thành phố”. Vì là ngôn ngữ của ca khúc nên không rõ (thật ra là chẳng muốn bới đào cái sự rõ) là Trịnh muốn nói tới loại bò nào. Phải chăng Trịnh nghĩ và tin rằng, bởi vì có những người mặc nhiên là bò nên họ coi ai cũng là bò? Chính vì cái lẽ mặc nhiên ấy nên xã hội thời nay đang tạo ra cả một thế hệ như bò hoặc xa xôi một chút, không còn là con người nữa?
Một đất nước mà chỉ băn khoăn vì một nỗi không phải bò, không phải người thì làm sao có thể phát triển, làm sao có thể văn minh hơn người, giông giống người? Nỗi đau này ai thấu hiểu cho đây? Chẳng lẽ những người có trách nhiệm cũng cho rằng chuyện này là “chuyện nhỏ”? Làm sao năm hết tết đến, bao thứ phải nghĩ, phải lo; trí thức hay người dân lao động chân tay lại không hề vui mà chỉ buồn về thân phận thấp hèn, bị quyền lực coi khinh, chà đạp?
Nếu tỉnh lại một chút và nghĩ xa hơn một tý sẽ thấy rằng, sự nguy nan của vận nước, sự đau đớn của thời cuộc đã trầm trọng lắm rồi. Không đúng ư? Có thời buổi nào, ở nước nào mà cùng lúc hai nhà văn lại “đồng thanh” nói chúng tôi không phải là người, có lẽ là bò? Đây không chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh mà là sự báo động ở cấp độ da cam một thực tế rằng sự coi khinh trí thức, sự chà đạp lên các giá trị thông thường đã đến mức không thể chấp nhận được.
Nhân ngày đầu năm, xin bày tỏ một ước mong nhỏ nhoi: Trong năm 2012, chúng ta không phải là bò!
Huế, Ngày 1-1-2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét