Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 7, 2012

11%

Bị một bãi nước bọt nhổ vào mặt là phải chịu bao nhiêu phần trăm tỉ lệ thương tật? 0%, kể cả trước khi rửa.
Ở Đức, hành vi đó bị coi là xâm phạm cơ thể.
Bật nhạc quá to trước 6 giờ sáng và sau 8 giờ tối là xâm phạm tai hàng xóm.
Để đèn quá sáng trước cổng nhà mình là xâm phạm mắt thiên hạ.
Một người lái ô tô phanh quá gấp trước đèn đỏ, khiến người đi xe đạp bên cạnh giật mình, ngã, xước một chút đầu gối, bị tòa phạt về tội sơ ý xâm phạm cơ thể, kết hợp với sơ ý gây tổn hại tài sản của người khác, vì qua đó chiếc quần của người đi xe đạp bị toạc.

Một ông khách làng chơi bị tòa phạt về tội cố ý xâm phạm cơ thể, vì ép cô gái phục vụ tình dục vào tư thế khiến cô buộc phải phục vụ bằng đường miệng.

Một nhân viên cảnh sát bị kết án xâm phạm cơ thể và làm nhục người khác khi thi hành công vụ, vì bắt một người bị tình nghi phạm tội phải cởi hết quần áo để khám xét, trong khi nghi vấn phạm tội của người này không đến mức phải bị khám lột truồng như vậy.

Đối tượng được luật pháp bảo vệ trong điều 223, Luật Hình sự Đức, là sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người. Một bãi nước bọt, một cái đá đít, bạt tai, một cây thước kẻ đập vào tay… dù không gây một thương tật tạm thời hay vĩnh viễn nào, đều là phạm luật và có thể bị truy tố hình sự
Khá nhiều người Việt ở Đức không nhập tâm được cái luật mà họ cho là vừa cứng nhắc vừa rách việc đó. Người ta ai chẳng có lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cha mẹ không phát vào mông con mình thì phát vào mông ai. Vợ chồng túm tóc cào mặt nhau là thường, lên giường lại âu yếm. Bạn bè lỡ phang chai bia vào đầu nhau, xong thì xin lỗi, máu chảy một chút là khô, có gì đâu mà điều nọ khoản kia rắc rối. Chưa đâm ai, mới giơ một con dao gọt táo ra dọa đã tù treo. Việt Nam mình mà thế thì cả nước lĩnh án.
Thái độ “rộng lượng” đó dường như cũng được thể hiện trong Luật Hình sự của Việt Nam. Trong các điều từ 104 đến 109, đối tượng được bảo vệ không phải là sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người, mà chính xác chỉ là 89% sức khỏe của con người. Trừ những trường hợp đặc biệt – quy định trong khoản 1, điều 104 – tiêu chuẩn để khởi tố hình sự một hành vi “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là: tỉ lệ thương tật của người bị hại phải đạt tối thiểu 11%, và từ đó gắn liền với một điều kiện khác: phải có kết quả giám định về thương tật.
Lòng tin của chúng ta vào hoạt động giám định nói chung tại Việt Nam khó có thể gọi là lớn. Về giám định tư pháp nói riêng, chính ông Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, TS Vũ Dương, đã cho biết rằng bảng tỉ lệ phần trăm được ban hành cách đây 25 năm của một ngành khác, đã lạc hậu, lại được “áp vào sử dụng một cách đương nhiên cho giám định pháp y khiến nhiều khi các giám định viên không biết áp dụng kiểu nào vì không có đủ các mục tổn thương.” Ông nêu ra ví dụ về “một kiểu tính tỉ lệ phần trăm trong vụ án hiếp dâm có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam: lấy số tuổi của nạn nhân cộng với 10% để cho ra tỉ lệ tổn hại sức khỏe. Có nghĩa là một bé gái 3 tuổi sẽ ít tổn hại hơn một bà lão 60 tuổi khi cùng bị xâm hại tình dục. Câu trả lời của đích thân người ‘phát minh’ ra cách tính tỉ lệ phần trăm này rất đơn giản, ‘vì tra không có quy định không biết tính kiểu gì’”.
Ngành giám định tư pháp cho đến nay vừa bị coi là “điểm nghẽn”, gây ách tắc trong hoạt động tố tụng, vừa bị coi nhẹ. Còn các hoạt động tố tụng liên quan tới giám định tư pháp thì vướng từ chuyện không thể khởi tố khi người bị hại từ chối giám định, qua chuyện trưng cầu chính công an giám định thương tật của người bị công an hành hung, đến chuyện cộng trừ nhân chia tỉ lệ thương tật sao cho cái mốc 11% không bị vượt qua.


Gương mặt sưng vù của phóng viên Hán Phi Long đáng bao nhiêu phần trăm trong bản tỉ lệ vốn dành cho thương binh và tai nạn lao động mà ngành pháp y Việt Nam đang áp dụng? May lắm thì được 2 – 5%, như quy định trong chương XI, dành cho các vết thương phần mềm.

Không cần ai đó phải chia nhỏ, tỉ lệ thương tật ấy không đủ để khởi tố vụ án, theo luật pháp Việt Nam.
Việc hai phóng viên bị hành hung trong vụ Văn Giang từ chối giám định bị nhà báo Phong Dao trên tờ Dân Việt phê phán là “thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng nghìn đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung” trên tờ Dân Việt. Nhà báo Trương Duy Nhất còn đi xa hơn, khi coi đó là hành động “tự cầm gậy phang mặt mình“. Song theo tôi, câu hỏi “Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?” ở đây là không hợp lí. Dù có muốn, họ cũng không thể vượt qua tỉ lệ 11%. Trừ khi những chiếc dùi cui giáng xuống họ bị đánh giá là hung khí nguy hiểm, hay hành động của nhóm công an và dân phòng hành hung họ bị coi là có tính chất côn đồ hoặc cản trở công vụ của họ, để khoản 1, điều 104 Luật Hình sự có hiệu lực. Nhưng việc đánh giá đó nằm ngoài thẩm quyền và ý muốn của họ.

Quả nhiên không chỉ là chuyện cá nhân hai nhà báo, mà là chuyện sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người phải được bảo vệ, chứ không phải chỉ là 89% sức khỏe. Mỗi quốc gia một luật pháp, song con người ở đâu cũng là con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét