Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

4 thg 7, 2012

Ý đồ biến biển của Việt Nam thành “vùng tranh chấp”

Khu vực 9 lô dầu khí mà PetroVietnam đang thăm dò khai thác và Trung Quốc đang mời thầu không phải là khu vực tranh chấp. Nó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Câu hỏi có thể đặt ra là, vậy Trung Quốc căn cứ vào đâu để công khai mời thầu quốc tế ở địa điểm này? 

Câu trả lời là: Trung Quốc căn cứ vào đường lưỡi bò mà họ đơn phương đưa ra và muốn cả thế giới phải công nhận.

Bản đồ những lô dầu khí mà Trung Quốc đang mời chào, công bố trên website của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), cho thấy, cả 9 lô đều nằm trong vùng biển thuộc đường lưỡi bò, và dọc theo đường 9 đoạn “tai tiếng” này.

Trong thông báo của mình, đăng trên mạng ngày 23-6, CNOOC tuyên bố: “Hiện nay, 9 lô dầu khí trải dài trên diện tích 160.124,38 km2 đang được mở ngỏ cho các hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác giữa CNOOC và các công ty nước ngoài. Xin mời tham khảo vị trí của các lô trong bản đồ đính kèm: Bản đồ Vị trí các lô mở trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dành cho hoạt động hợp tác với nước ngoài trong năm 2012”. Tiếp sau đó là phần mô tả địa điểm và diện tích của từng lô, thủ tục để bắt đầu tiến hành hợp tác, và thông tin về địa chỉ liên hệ.

Trái với UNCLOS

Trước hành động đó của CNOOC, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đã tuyên bố ngày 27-6: “Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế”. PVN “cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”.

Văn bản quan trọng mà Trung Quốc vi phạm là UNCLOS 1982, ra đời ngày 10-12-1982, mà Trung Quốc ký phê chuẩn và tham gia vào ngày 7-6-1996. Với việc đưa ra đường lưỡi bò để đòi chủ quyền đối với 75% diện tích biển Đông, Trung Quốc đã hành xử một cách “phi UNCLOS”. Chẳng hạn, kèm với tấm bản đồ đường lưỡi bò được công bố chính thức lần đầu tiên ra thế giới ngày 7-5-2009, Bắc Kinh chỉ nói chung chung rằng họ “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong biển Đông và các vùng biển lân cận; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất của những vùng biển này”. Nhưng họ không hề xác định tọa độ, phạm vi cho “vùng biển lân cận”, “vùng biển liên quan”, và cũng không dùng tới các thuật ngữ của UCNLOS, như nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… để định nghĩa “biển” của họ.

Đã ký phê chuẩn UNCLOS, nhưng lại đưa ra yêu sách hoàn toàn phi UNCLOS, và rồi công khai mời thầu những lô dầu khí trong một vùng biển nghiễm nhiên cho là của mình – những hành động đó cho thấy sự mâu thuẫn, lật lọng trong chính sách của Trung Quốc trên biển Đông.

Điều nguy hiểm cho Việt Nam

Việc dựng ra một đường lưỡi bò không tọa độ, rồi mời thầu trong vùng biển nằm trong ranh giới lưỡi bò là hành động vi phạm UNCLOS 1982 thấy rõ. Nhưng bên cạnh đó, rất có thể Trung Quốc còn có những ý đồ kín đáo hơn.

Ngày 27-6, học giả Mỹ Matt Taylor Fravel, Giáo sư khoa học chính trị, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã có bài viết trên tờ The Diplomat, trong đó, ông nhận định: “Không như các lô mà CNOOC mời thầu trong năm 2010 và 2011, các lô mới này (9 lô dầu khí đang được Trung Quốc chào mời) nằm hoàn toàn trong vùng tranh chấp trên biển Đông. Như bản đồ (đăng tải trên website của CNOOC) cho thấy, các lô này nằm ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, trải rộng hơn 160.000 km2. Rìa phía tây của một số lô có vẻ như nằm cách bờ biển Việt Nam không đầy 80 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tất cả các lô đều chồng lấn ít nhất là một phần với (các lô) của PetroVietnam, kể cả những điểm có tiềm năng dầu khí, mà các công ty nước ngoài đang tiến hành hoạt động thăm dò”.

GS. Matt Taylor Fravel cũng viết: “Có lẽ các công ty nước ngoài ít có khả năng hợp tác với CNOOC để đầu tư ở các lô đang tranh chấp. Tuy nhiên, hành động của CNOOC rất có ý nghĩa, vì một số lý do. Việc tuyên bố mời thầu cho thấy một bước đi mới trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố quyền chủ quyền tại vùng biển này. Chẳng hạn, mới tuần trước thôi, Trung Quốc đã nâng địa vị hành chính của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ cấp huyện lên cấp vùng, thuộc tỉnh Hải Nam”.

“Việc một công ty nhà nước của Trung Quốc chào mời các lô dầu khí không chỉ củng cố quyền tài phán mà Trung Quốc đòi hỏi, mà còn tăng cường cơ sở pháp lý cho các lập luận của Trung Quốc phản bác mọi hoạt động của Việt Nam tại vùng biển này. Trong quá khứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, với lưu ý rằng rằng chúng diễn ra trong vùng biển của Trung Quốc. Giờ đây thì Trung Quốc có thể khẳng định là những hành động đó vi phạm luật pháp của Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác tài nguyên”.

Nghĩa là, mặc dù thừa nhận rằng “một số lô… nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế” của Việt Nam, nhưng GS. Fravel cũng đã mặc nhiên coi đây là khu vực chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh đã phần nào thành công trong việc biến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thành vùng tranh chấp. Từ đây, đi đến quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác”… biển của Việt Nam chỉ là một bước ngắn.


Nguồn : ĐOANTRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét