Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

24 thg 3, 2013

“Nói với mình và các bạn”: Vẻ đẹp của chính trị ( Tiếp )

III - “THAM GIA CHÍNH TRỊ” LÀ LÀM GÌ?

Chúng ta thường hay nghe, trong xã hội, có những người hay nói: “Tôi không làm chính trị”, “Tôi biết thế thôi chứ tôi không tham gia”… Nếu ta hỏi lại: “Làm chính trị là làm gì cơ?”, câu trả lời của họ sẽ là: “Thì tức là tham gia chính trường, đấu đá, leo cao, tranh giành quyền lực…”. 

Đó có lẽ cũng là cách hiểu của đại đa số người dân Việt Nam về hành động “làm chính trị”. Cách hiểu ấy cho thấy rằng, chúng ta gần như không biết gì về chính trị, và quan niệm của chúng ta về lĩnh vực bao trùm xã hội này đã bị bóp méo quá nhiều bởi một chính quyền, một nền giáo dục, một nền văn hóa chính trị hoàn toàn không khuyến khích người dân tư duy để “nâng cao nhận thức chính trị”.

Trên thực tế, nếu chúng ta hiểu chính trị là “quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia”, thì hoạt động chính trị hẳn phải rộng hơn rất nhiều so với việc “đấu đá, leo cao”, và nó càng không phải chỉ giới hạn trong một giới gọi là “lãnh đạo”. Hoạt động chính trị, theo nghĩa rộng, là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức, nhằm thuyết phục họ hành động như ý bạn muốn.

Phong trào “trên 25 độ C”

Ta hãy lấy một ví dụ vui vui và đơn giản (dĩ nhiên là bịa) để cùng hiểu thế nào là “hoạt động chính trị” theo nghĩa rộng. Giả sử bạn làm việc ở TP.HCM, và bạn nhận thấy là các cơ quan, công sở nơi bạn đến đều để điều hòa nhiệt độ ở mức rất lạnh, có khi chỉ 17-18 độ C, vừa tốn năng lượng (điện), vừa hại môi trường, vừa hại sức khỏe - lần nào vào phòng họp, bạn cũng rét run cầm cập.

Bạn nghĩ là sẽ phải làm thế nào đó để tổ chức của bạn, hoặc các cơ quan, công sở mà bạn biết, hoặc nhiều hơn nữa, mọi cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố đều đặt máy điều hoà nhiệt độ ở mức cao hơn, chẳng hạn trên 25 độ C. (Như vậy là bạn đã có ý thức chính trị).

Sau đấy thì bạn sẽ hành động. Đầu tiên là ngay trong tổ chức của bạn. Có nhiều cách để bạn thuyết phục cơ quan làm điều bạn đang muốn: Bạn có thể gặp riêng sếp, “bỏ nhỏ”, rỉ tai, nhờ sếp ra quy định yêu cầu toàn thể nhân viên “chỉ để điều hòa nhiệt độ từ 25 độ C trở lên”. Bạn có thể gửi thư chung cho cả cơ quan, kêu gọi, vận động “anh chị em tăng điều hòa nhiệt độ lên đê!”, rồi thủ thỉ “trên 25 độ C, vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo chênh lệnh nhiệt độ hợp lý so với bên ngoài, đỡ hại sức khỏe”. Để thuyết phục hơn, bạn thậm chí còn nghĩ ra một phong trào, mang cái tên chung, chẳng hạn, là “Trên 25 độ C”.

Nếu bạn muốn đi xa hơn, làm sao để tất cả các cơ quan, công sở, đều thực hiện “trên 25 độ C”, thì bạn sẽ phải tính toán thêm một chút, để người ta không bảo bạn là điên, dở hơi, rỗi việc. Trong những trường hợp như vậy, thường thì bạn nên “có tổ chức”. 

  • Bạn phải huy động thêm một số người cùng nghĩ như bạn vào việc thuyết phục;
  • Hoặc bạn phải lôi kéo được một tổ chức nào đó có liên quan, ví dụ một NGO, một cơ quan báo chí, một kênh truyền hình về môi trường, cùng tham gia ủng hộ, đứng sau lưng bạn
  • Hoặc bạn thành lập một tổ chức của riêng bạn. Việc này thì không đơn giản, bởi vì bạn sẽ phải tính đến các yếu tố như: thủ tục thành lập, nhân sự, vốn, mục đích (cái này các NGO thường hay gọi là “sứ mệnh”, còn ngôn ngữ hành chính nước ta hay gọi là “chức năng, nhiệm vụ”). Không lẽ lập một tổ chức chỉ để vận động các cơ quan, công sở tăng điều hoà nhiệt độ lên trên 25 độ C?
  • Hoặc, trong kỷ nguyên Web 2.0 hiện nay, cách đơn giản là bạn phát động một phong trào “25 độ C” trên mạng xã hội và được đông đảo người dùng Internet hưởng ứng.
  • v.v.
Nào, ta thử bảo vệ môi trường!

Nếu mối quan tâm của bạn vượt khỏi chuyện “để điều hòa nhiệt độ trên 25 độ C”, mà là bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng nói chung, thì bạn có thể thực hiện nhiều hành động chính trị hơn nữa, ví dụ:

- Bỏ phiếu cho đại biểu quốc hội nào thể hiện sự quan tâm đến vấn đề môi trường, đưa việc cải thiện môi trường vào chương trình hành động… Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn chọn được người mà bạn ủng hộ vào cương vị bạn cho là thích hợp.

- Tiếp xúc với các đại biểu quốc hội để nhờ vả, thuyết phục họ lưu tâm đến các vấn đề môi trường và đưa ra các đạo luật hay chính sách mà bạn cho là thích hợp. Cái này gọi là “vận động lập pháp”, “vận động chính sách”. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn vận động một cách đàng hoàng, minh bạch, mà nó chỉ có nghĩa là “đi đêm”, “hối lộ”.  

- Tổ chức và tham dự các hội nghị, hội thảo, thảo luận bàn tròn v.v. về các chủ đề môi trường. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn dễ dàng tổ chức hội nghị, hội thảo, thảo luận bàn tròn v.v. 

- Viết bài đăng báo. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam là rất khó có diễn đàn nào để bạn lên tiếng. Cứ cho là bạn có khả năng và kỹ thuật viết, bạn viết một bài báo rất chuyên nghiệp, cũng không chắc là bài của bạn sẽ được đăng tải trên báo chí chính thống, có khi chỉ đơn giản vì ban biên tập không quan tâm đến vấn đề môi trường. Bạn muốn tìm một tờ báo về môi trường, thì lại không có, mà giả sử có thì cũng không được tới 1000 người đọc. Nếu bạn tự quay phóng sự truyền hình để gửi tới đài truyền hình (trung ương hoặc địa phương) thì lại càng khó khăn hơn nữa, gần như không có cơ may nào để tác phẩm của bạn được phát sóng.

- Thành lập một tổ chức về môi trường. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn dễ dàng lập hội.

- Tham gia một tổ chức về môi trường. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép các tổ chức dân sự dễ dàng hoạt động. Họ vấp phải đủ vấn đề: thủ tục, nền tảng luật pháp, nhân sự, tài chính, v.v.

- Làm đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép các vụ việc của một cá nhân được giải quyết nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiện tụng của bạn sẽ bị chìm lấp trong hàng nghìn đơn thư khác, vụ việc của bạn rất có nguy cơ bị lãng quên.

- v.v.

Có thể còn nhiều hành động chính trị khác nữa, gồm cả những hành động mà bạn chắc hẳn chưa từng nghĩ tới và không biết đó chính là “làm chính trị”.

Nếu bạn quan tâm, chúng ta sẽ tìm hiểu về chúng trong bài sau, tức là phần tiếp theo của bài này, để trả lời một cách cụ thể: Tham gia chính trị là làm gì (lý thuyết và thực tế trên thế giới)? Chúng ta sẽ biết được rằng, những cuộc “đấu đá, tranh giành quyền lực nội bộ” chỉ là một trong những hình thức hoạt động chính trị mà thôi; khái niệm làm chính trị rộng hơn và có thể đẹp đẽ hơn thế rất nhiều.
IV - VẬN ĐỘNG HÀNH LANG, THÀNH LẬP ĐẢNG...

Với cách hiểu chính trị là “quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia”, hoạt động chính trị, theo nghĩa rộng, là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức, nhằm thuyết phục họ hành động như ý bạn muốn. Còn theo nghĩa hẹp, hoạt động chính trị là công việc của những người làm chính trị như một nghề để sống; tuy nhiên, chúng ta sẽ bàn đến các chính trị gia chuyên nghiệp trong một kỳ khác của loạt bài này.

Trở lại với cách hiểu hoạt động chính trị là tất cả những gì bạn làm để thuyết phục cá nhân, cơ quan, tổ chức, bạn thấy ngay là nó quá rộng: Từ việc nhỏ như vận động cả công ty đặt điều hòa nhiệt độ ở mức trên 25 độ C, cho đến việc lớn hơn như làm thế nào để GS-TS. Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục làm đại biểu quốc hội thêm một khóa thứ ba, trong khóa này dứt khoát phải làm sao để bác ấy thúc đẩy vấn đề bảo vệ môi trường và xử lý dứt điểm chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm… cái gì cũng là hoạt động chính trị cả.

Quá rộng, quá nhiều và bao trùm, nhưng bạn đừng “ngộp thở” vội, vì chúng ta sẽ phân loại các hoạt động chính trị ngay bây giờ (1). Về cơ bản, có các hình thức hoạt động chính trị như sau: vận động; hoạt động đảng phái; làm truyền thông; khiếu kiện; biểu tình; đình công; tẩy chay; bất tuân dân sự; bạo động, ám sát. (Bạn có thể thấy hình thức cuối cùng, “bạo động, ám sát”, là đầy màu sắc bạo lực, vô luật, vô chính phủ. Đúng vậy, nhưng chúng vẫn cứ là hoạt động chính trị và vì thế vẫn sẽ được liệt kê ở đây.)

Vận động  

Vài năm gần đây, trong ngôn ngữ chính trị của Việt Nam xuất hiện một số từ mới như “vận động hành lang”, “vận động chính sách”, dịch từ tiếng Anh “lobby” và “policy advocacy”, gọi chung là “vận động”. Đó là việc một cá nhân, hoặc một nhóm lợi ích có tổ chức, tác động lên quá trình hoạch định chính sách để chính sách được ban hành theo ý họ, bằng cách gặp gỡ trao đổi, thuyết phục, hối lộ, đe dọa người làm chính sách. Ví dụ bạn mời sếp đi nhậu, hoặc đến nhà sếp biếu vợ sếp mảnh khăn kết hợp với cái phong bì, để nhờ sếp hạ thấp tiêu chuẩn cho chức vụ trưởng/phó phòng… đều là vận động cả.

Trên bình diện quốc gia, người làm chính sách có thể là quan chức chính phủ, dân biểu (nghị sĩ, ở ta gọi là “đại biểu quốc hội”), và cả tòa án. Riêng ở Việt Nam, “đối tượng” làm chính sách bao gồm một lực lượng tối quan trọng là lãnh đạo các cơ quan Đảng, từ Trung ương đến địa phương.

Vận động, theo nghĩa nguyên thủy của nó, là một hoạt động chính đáng, hợp pháp và cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để nó chính đáng, hợp pháp, là vận động phải đảm bảo công khai, minh bạch – mà công khai, minh bạch những gì, hình thức vận động cụ thể như thế nào, thì do luật pháp quy định. Ví dụ, công chúng có quyền biết là nhóm lợi ích nào đang ủng hộ và tác động để dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam được thông qua, nhóm lợi ích nào đứng sau chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên… Thậm chí luật còn phải quy định rõ: Đưa bao nhiêu tiền thì là hợp lý và chấp nhận được? 

Nếu không có luật, không có sự công khai minh bạch, thì vận động sẽ trở thành “đi đêm”, “hối lộ”, “móc ngoặc”, “tham nhũng chính sách” như ở Việt Nam.

Về phần mình, nếu bạn (hoặc nhóm lợi ích của bạn, nếu có) muốn vận động thành công thì điều kiện tiên quyết là bạn phải có khả năng “tiếp cận đối tượng hoạch định chính sách” hoặc phải biết sử dụng người có khả năng làm việc đó. Tóm lại là biết “đi đúng cửa” – chuyện này thì ở nước nào cũng vậy.

Hoạt động đảng phái

Vận động là hình thức hoạt động chính trị mà một cá nhân – như bạn – cũng có thể làm. Nhưng tất nhiên, nó sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có tổ chức. Giống như khi bạn muốn tất cả các cơ quan, công sở, đều thực hiện phong trào “trên 25 độ C”, thì bạn nên huy động thêm một số người cùng nghĩ như bạn vào việc thuyết phục, hoặc bạn phải lôi kéo được một tổ chức nào đó có liên quan, ví dụ một NGO (2), một cơ quan báo chí, một kênh truyền hình về môi trường, cùng tham gia ủng hộ/ bảo trợ/ tài trợ cho bạn. Một tiếng nói đơn lẻ khó mà có sức mạnh như nhiều tiếng nói cùng kết hợp một cách có tổ chức. 

Cho nên hoạt động chính trị gắn với tổ chức, đảng phái là vì thế. Để hiệu quả, bạn sẽ phải hoặc là thành lập một tổ chức/ chính đảng mới; hoặc gia nhập một tổ chức/ chính đảng có sẵn; hoặc bố trí, chỉ định nhân sự vào một tổ chức/ chính đảng nào đó có ảnh hưởng quyết định chính sách (hiểu nôm na là “cài cắm người”).

Việc đoàn kết, tập hợp lại là điều đương nhiên để có thể thực hiện một mục đích chung, chẳng hạn để tiếng nói của mình được lắng nghe; vậy nên nó đã trở thành một trong các quyền con người căn bản, ngôn ngữ chính trị gọi là “quyền lập hội” (bao gồm cả thành lập đảng phái). Định nghĩa một cách đầy đủ hơn: Quyền lập hội (freedom of association) là quyền của mỗi cá nhân được hợp tác cùng các cá nhân khác trong việc lên tiếng, thúc đẩy, theo đuổi và bảo vệ một/những lợi ích chung của họ. Quyền này đôi khi cũng được gọi là quyền tụ tập (freedom of assembly, freedom to assemble).

Như vậy, bạn có thể thấy khiếu kiện tập thể, biểu tình, thành lập đảng mới, đều là thực hiện quyền tự do tụ tập/ quyền tự do lập hội của mình. Và chắc rằng đến đây thì bạn cũng đã hiểu vì sao luật về hội của Việt Nam mãi vẫn chưa được thông qua, sau ít nhất 16 lần dự thảo (tính đến năm 2010); vì sao Nhà nước lại ra Nghị định 38 xử phạt hành chính các hành vi tụ tập đông người; vì sao nước ta bao lâu nay chẳng có đảng nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền...

Bạn cũng có thể tự hỏi: Vậy nếu là người dân thấp cổ bé họng, không có khả năng tiếp cận nhà làm chính sách để mà lobby, cũng không được kết hợp với những người khác, không được “có tổ chức” đứng sau lưng, thì còn biết làm cách nào để lên tiếng, để nguyện vọng của mình được lắng nghe và thực hiện đây?

Trong thời đại Internet, công nghệ Web 2.0 (chứ không phải Đảng và Nhà nước ta) đã đem đến một cách mới cho người dân lên tiếng. Cách đó đã được sử dụng và mang lại hiệu quả nhất định trong nhiều sự kiện chính trị vài năm trở lại đây, và các blogger, Facebooker gọi nó là “làm truyền thông”. Và bạn biết không, đó cũng chính là một hình thức hoạt động chính trị.

(1) Cách phân loại này dựa trên một số lý thuyết về khoa học chính trị, đặc biệt là của nhà chính trị học người Mỹ Austin Ranney, cùng với nhìn nhận của tôi về thực tế ở Việt Nam.

(2) NGO, viết tắt của cụm từ tiếng Anh non-governmental organization, nghĩa là tổ chức phi chính phủ.  
 
Nguồn : ĐOAN TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét