Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 3, 2014

Có thể khởi tố Phạm Viết Đào về tội danh gì?

Sáng mai 19 tháng 3 tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với nhà báo Phạm Viết Đào do vi phạm điều 258, đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mặc Lâm tìm hiểu thêm trường hợp đặc biệt của nhà báo này.
Bạch hóa trận chiến biên giới phía Bắc
 

Hai tuần sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng kết án nhà báo Trương Duy Nhất với tội danh vi phạm điểu 258, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng sẽ áp dụng điều này đối với ông Phạm Viết Đào, một nhà báo kỳ cựu có trang blog riêng để đưa các bài viết của ông và những người khác nhằm chia sẻ với người đọc về những thông tin mà ông quan tâm và luôn chú trọng trên trang blog mang tên ông.
Nhà báo Phạm Viết Đào từng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên là Cán bộ thanh tra của Bộ Văn hóa Thông tin, nguyên Trưởng phòng Thanh tra hành chính chống tham nhũng của Bộ Văn Hóa.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông bị bắt các trang mạng mang tên của những lãnh đạo cao nhất nước đã đăng cùng một bài viết rất chi tiết về những điều mà tác giả cho là ông dưới bút danh Phúc Lộc Thọ đã chửi bới Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chửi bới chế độ, đòi đa nguyên đa đảng.
Nếu Trương Duy Nhất đả kích, phê phán gay gắt những biểu hiện sa đọa của cá nhân hay những chính sách sai lầm tắc trách của hệ thống do bốn người cao nhất nước đưa ra thì Phạm Viết Đào lại ít chú trọng lắm tới vấn đề này. Ông cũng phê phán lãnh đạo nhưng người đọc cảm thấy rất rõ những phê phán ấy không gay gắt như Trương Duy Nhất. Khi nhìn tổng thể các bài viết của ông hay được ông lấy lại từ những trang mạng khác, người đọc nhận thấy điều quan trọng nhất mà ông theo đuổi là vấn đề bạch hóa cuộc chiến biên giới phía Bắc, đặc biệt là các trận chiến tại Hà Giang trong đó có sự hy sinh của người em ruột tác giả.
Những bài viết do chính ông lặn lội tận biên giới và các nghĩa trang liệt sĩ nhằm chứng minh rằng cuộc chiến ấy đã có rất nhiều sai lầm và hơn nữa những sai lầm, hy sinh của chiến sĩ không được nhìn nhận.
Ông đã cùng với một nhóm sĩ quan cao cấp trong Quân đội ký kiến nghị yêu cầu 5 điểm trong đó có việc tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh đối với giặc xâm lược Trung Quốc. Đại tá Phạm Xuân Phương từng công tác tại Cục Chính trị, một trong những người ký tên trong kiến nghị nhận xét về nhà báo Phạm Viết Đào:
-Anh ấy là người sốt sắng với cái kiến nghị của chúng tôi. Trước đây anh ấy không liên lạc với chúng tôi mà liên lạc với các đơn vị sư đoàn, tỉnh đội. Vừa qua chúng tôi có quan hệ làm việc với đồng chí Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy trận Hà Giang là tướng Lê Duy Mật. Khi chúng tôi nói cái ý đó và thảo văn bản gửi tới các tòa quan lớn thì anh Đào có tham gia cùng ký vào dự thảo đó. Chúng tôi thấy ảnh là người sốt sắng còn chuyện chống đối thì không biết chống đối ở đâu. Thực ra cái văn thư của chúng tôi được viết công khai chứ có lề phải lề trái gì đâu. Chúng tôi gửi từ chi bộ đi lên, từ đảng ủy phường đi lên. Gửi tới 4 tòa quan lớn cùng các cơ quan liên quan kể cả Bộ quốc phòng.
Sự thật của lịch sử
Thật ra bản kiến nghị năm diểm này không phải là điều khiến các người làm chính sách phải khởi tố nhà báo Phạm Viết Đào mà một lý do khác quan trọng hơn khi ông mở hồ sơ mang tên cuộc chiến trên đồi Lão Sơn tức cao điểm 1509, nơi có trận đánh tàn khốc mà theo một tài liệu từ Nhật cho biết có tới 3.600 bộ đội hy sinh.
Nói chuyện với chúng tôi trước khi ông bị bắt hai tuần và chưa kịp công bố, nhà báo Phạm Viết Đào khẳng định:
-Tôi đang điều tra đây. Cái thông tin tôi đưa về sự kiện biên giới Hà Giang bắt đầu từ việc quen biết khi tôi nhận một nguồn tin từ một anh bên Nhật thông báo là cái trận hy sinh ấy, cái cuộc chiến ấy đã bị lộ. Nguồn tin từ Nhật họ lấy họ nói là có bị lộ. Từ đấy tôi tìm hiểu thì tôi thấy có dấu hiệu như thế. Ví dụ tôi tìm lại các chiến sĩ mở đường máu vào năm 79 họ kể lại như thế nào. Rồi họ lấy trận 72 họ nói chính pháo của mình bắn vào đội hình của mình, rồi sự thất lạc về thông tin.
Gần đây tôi có lên nghĩa trang lớn nhất Hà Giang để kiểm chứng lại bởi vì cái thông tin về các trận đánh tại Hà Giang có những trận mình hy sinh theo như thông tin từ Trung Quốc họ nói là họ tiêu diệt 3.600 bộ đội, đó là theo mạng Trung Quốc và tôi đưa lại những thông tin ấy lên trang của tôi thì nhiều người phản ứng bảo là có 4 trung đoàn đã đánh trận đó thì không có con số lớn như vậy nhưng người ta cũng nói là con số chết hàng nghìn!
Vừa rồi tôi lên Hà Giang kiểm tra lại cái nghĩa trang lớn nhất Hà Giang thì đếm dược 1770 ngôi mộ ở đấy nhưng chỉ đếm được gần 100 ngôi mộ có bia ghi lại hy sinh ngày 12 tháng 7 năm 1984. Người ta giấu đi cái sự kiện ấy thì tôi thấy cần điều tra việc này. Người ta vẫn giấu bớt sự thật lịch sử nên chúng tôi muốn bạch hóa vấn đề để tìm thấy sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam nó đến mức độ nào.
Loạt bài Lão Sơn mà nhà báo Phạm Viết Đào phát đi được một người từ Nhật Bản gửi về cho biết lấy từ  Cục phòng vệ Nhật Bản đã gây phản ứng trái chiều từ dư luận. Tuy người tin người không nhưng nghi vấn đã làm cho quân đội bối rối và chưa có một tài liệu chính thức nào bạch hóa câu hỏi liệu có phải số bộ đội hy sinh đã bị kéo xuống thấp và do đó thi thể của họ cũng bị lãng quên trong cuộc chiến hay không.
Đại tá Phạm Xuân Phương cho biết nhận xét của riêng ông với tư cách một cán bộ cao cấp trong Cục chính trị:
-Thật ra mà nói thì Lão Sơn mỗi nơi một khác tùy từng góc độ, từng đơn vị một xem xét vụ Lão Sơn. Người ta có nói lúc đó chúng ta mất khoảng 3.700 bộ đội trong vụ đó. Hiện nay chưa có tổ chức nào kết luận vụ Lão Sơn cả. Trận Lão Sơn lúc đó thì nhiều sư đoàn luân phiên lên tác chiến. Nhiều sư đoàn, nhiều quân khu quân đoàn lên Lão Sơn.
Động cơ mà Phạm Viết Đào tranh đấu không ngừng nghỉ phát suất từ sự hy sinh của người thân là một lẽ, lý do khác không kém quan trọng là ông chứng kiến quá nhiều bất công đối với những người đã hy sinh chống quân xâm lược nhưng bị đối xử không đúng với tinh thần vị quốc vong thân của họ. Trong những lần đi thực tế ông đã phỏng vấn hàng chục gia đình và bản thân của những bộ đội ấy để thấy rằng nguyện vọng của họ chưa bao giờ được giải quyết và đó là lý do khiến ông không bỏ cuộc mặc dù có rất nhiều đe dọa đối với cá nhân ông.
Ngày 13 tháng 6 năm 2013 ông bị bắt trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc khiến người ta đồn đoán rằng lệnh bắt ông là món quà nhỏ cho chuyến công du. Tuy nhiên nhìn vào trang blog của ông thì suy đoán này không mấy thuyết phục. Nếu có sự trả thù hay bưng bít thông tin thì cơ quan hành động phải là Bộ Quốc phòng Việt Nam vì những thông tin cho rằng cuộc chiến biên giới phía Bắc đã được rò rỉ từ trước đó hai tuần nhưng Bộ quốc phòng Việt Nam không có phương án tác chiến thích đáng.
Loạt bài “Sư đoàn 313 đã để mất cao điểm 1509 (Lão Sơn) như thế nào qua lời kể của các nhân chứng” của ông như một tiếng sét giữa trời quang. Nó không những gây sửng sốt cho nhân dân mà đối với bộ đội chiến sĩ người nào xem loạt bài này cũng phải đặt câu hỏi về khả năng xử lý thông tin, chiến lược chiến thuật của những sĩ quan tham mưu hay tại tiền phương trực tiếp trong cuộc chiến.
Xét theo yếu tố này thì ông phải được xét xử bởi một tòa án quân sự và tội danh của nhà báo Phạm Viết Đào phải lớn hơn đó là làm lộ bí mật quốc phòng chứ không phải là vi phạm điều 258.
Nhiều nhận xét cho rằng nếu truy tố ông về tội này thì sẽ lộ ra biết bao chuyện khác mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn bạch hóa ít nhất là vào lúc này, vì vậy giải pháp 258 có lẽ là êm ái nhất cho cả các bên hay chăng

Nguồn : MACLAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét