Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

26 thg 4, 2011

Bầu cử là quyền hay nghĩa vụ?

Ngày 22/05/2011 đã được ông lưỡng nhiệm Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ấn định là ngày đồng bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là điều khoản mới sửa đổi của Luật bầu cử. Thành phần Hội đồng bầu cử trung ương sẽ gồm 21 người, bao gồm Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng bầu cử, cùng các phó chủ tịch từ cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban ngành, đoàn thể, hội trung ương.



Lần đầu tiên chính quyền tổ chức ghép hai cuộc bầu cử quan trọng là bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân lại làm một. Rõ ràng là cơ quan Hội đồng nhân dân đã tỏ ra chỉ là một cơ cấu đi kèm lỗi thời. Đã có Quốc hội đại diện cho nhân dân (?) rồi, tại sao còn có Hội đồng nhân dân làm gì? Họ đại diện cho ai? Nhưng cắt bỏ hoàn toàn thì lại sợ mang tiếng, vả lại các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng nhân dân sẽ chuyển sang cơ quan nào? Rồi hàng năm nguồn kinh phí dư thừa sẽ “tiêu” như thế nào? Vì vậy mặc dù đã thí điểm loại bỏ Hội đồng nhân dân ở một số cấp quận huyện và xã phường, nhà nước vẫn chưa nỡ cắt bỏ hoàn toàn cơ cấu Hội đồng nhân dân. Bởi thế mới có chuyện bầu cử kiểu “ăn theo” như vậy.


Chuyện cơ cấu tổ chức là quyền của Đảng đang nắm quyền điều hành đất nước. Nhưng chuyện người dân Việt Nam hiểu việc đi bầu cử có ý nghĩa và tầm quan trọng gì hay không lại là việc nên bàn. Nếu đã là người dân Việt Nam, hẳn là từ thanh thiếu niên đến các cụ già, ai ai cũng có thể thuộc câu khẩu hiệu: “Đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”. Câu khẩu hiệu này thường được phổ biến rầm rộ trên tất cả các phương tiện truyền thông trước ngày bầu cử.


Vậy đi bầu cử có phải là quyền hay không? Đúng là quyền, vì người dân có quyền bỏ phiếu để lựa chọn ra những người đại diện cho mình, họ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Nhưng những “ông bà quốc hội”, tức là các ông bà nghị, thì có chắc chắn đã phải là người đại diện cho dân hay không, lại là chuyện khác. Việc đề cử đại biểu Quốc hội đã do chính quyền, do Đảng sắp đặt các vị trí kiêm nhiệm trong bộ máy công quyền, từ anh chủ tịch xã phường đến thủ tướng, tổng bí thư.


Các cá nhân tự ứng cử thì cũng đã có sự sàng lọc của chính quyền từ cấp xã phường, ai đã vào tầm ngắm thì coi như bị loại ngay vì đủ thứ lý do, người ta tìm tòi moi móc tất cả mọi chuyện không liên quan gì đến chính trị xã hội để loại bỏ một người tự ứng cử, nếu người ấy bị cho rằng “có vấn đề chính trị”. Vậy còn lại vẫn đại đa số là người của Đảng ngồi ghế Quốc hội, cho nên mọi tiếng nói của dân tại Quốc hội vẫn là tiếng nói của Đảng. Chưa hết, người đã vượt qua được các vòng loại, cuối cùng vẫn phải do Mặt trận tổ quốc (một cơ quan dư thừa nữa) giới thiệu cho Hội đồng bầu cử. Trong tình trạng như vậy thì việc bầu cử chỉ là hình thức chứ không mang nội dung ý nghĩa thiết thực cho nhân dân.


Về chuyện đi bầu cử có phải là nghĩa vụ hay không? Đã là quyền thì tùy ý, làm hay không làm, thực hiện hay không thực hiện là do chủ thể (ở đây là cử tri) quyết định. Nhưng nếu là nghĩa vụ thì lại là chuyện khác, nghĩa vụ là một việc bắt buộc, ví dụ nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ đóng thuế vv.., nếu nói quyền và nghĩa vụ thì tự nhiên hai vế của câu khẩu hiệu đã dẫn ở trên là mâu thuẫn, không chấp nhận được.


Trên thế giới, tại các nước Dân chủ, tỉ lệ người dân đi bầu cử (nói chung) rất thấp so với Việt Nam. Ngay như ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 được kể là có đông cử tri đi bầu nhất từ trước đến nay, cũng chỉ đạt con số 68%, con số của họ là con số của chất lượng. Riêng Việt Nam, chuyện bầu cử đạt con số sấp sỉ 100% là chuyện thường. Nhưng cái gần 100% ấy nó như thế nào? Người viết bài này không nhớ là đã phải đi bỏ phiếu bầu cử bao nhiêu lần, và tại những địa điểm nào. Nhưng nhận thấy hầu hết cử tri đi bỏ phiếu đều là bỏ phiếu tập thể (theo đúng nghĩa là bỏ cho tập thể), tức là vợ bỏ phiếu giúp chồng, con bỏ phiếu giúp bố mẹ, anh em bỏ phiếu giúp nhau, nói chung mỗi nhà chỉ cần 1 người đi bầu cử là đủ. Riêng khối quân đội, công an và khu vực hành chính thì do cơ quan đơn vị bắt buộc, nên họ đều phải đi, nhưng vẫn với tâm trạng là làm cho qua chuyện.


Tại sao người dân lại âm thầm chống đối như vậy? Thực ra nói họ chống đối cũng hơi quá, nhưng sự thật thì họ biết rõ: Ông bà nào lên cũng thế cả thôi, vẫn là cái ổ của nhà họ, không ông Đảng này thì bà Đảng khác, vẫn là Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền, vậy ai trúng cử mà chả như nhau, bận tâm làm gì. Với sự thật việc bầu cử lấy lệ như vậy, nhà nước cũng không mong gì hơn, người dân cứ ngậm miệng, còn Đảng cứ làm thay dân hết, chỉ mỗi việc đóng thuế, xây dựng đất nước và gia nhập quân đội cầm súng bảo vệ tổ quốc là nhân dân phải làm thật.


Qủa là chua chát thay cho nhưng ông bà nghị có chút lòng với đất nước, hay cũng vì lý do nào khác mà phải cay đắng thốt lên: “Quốc hội hiện đang trong tình trạng đưa món gì ăn món đó. Có thể còn những món ngon hơn nhưng Quốc hội không biết để chọn”. Câu chuyện về tính chủ động của Quốc hội khóa XII được đại biểu Ngô Minh Hồng khái quát trong phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ ngày 28/3/2011 vừa rồi đã nói lên điều đó. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất mà còn phải chấp nhận như vậy, vậy thì ai đang thực sự nắm quyền lực cao nhất?


Thật lạ là một số nhà “lạc quan học” (tạm gọi thế) như nhà báo Bùi Tín lại nói là “xã hội dân sự đang lừng lững bước tới” vì thấy vài ba đại biểu Quốc hội như Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Nguyễn Lân Dũng phát biểu phê phán Chính phủ theo kiểu nhắc nhở và đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong khi những sai phạm của Đảng và của Chính phủ đã đủ để cấu thành tội phạm cần truy tố, thì không hiểu là Quốc hội đang bước tới hay bước lùi? Chưa kể đến việc Quốc hội không bao giờ là một thành phần của xã hội Dân sự, mà họ là thành phần của thể chế cầm quyền.


Có lẽ bàn sâu vào chuyện Quốc hội thì càng thêm buồn cho dân trí nước nhà. Mấy chục năm qua, hàng triệu người bỏ mình nơi chiến trường, người người quần quật lao động, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, để rồi được đi bầu ra cái Quốc hội toàn là Đảng viên gộc của Đảng Cộng Sản từ Ban thường vụ đến các tiểu ban, số còn lại thì không là nghị "gật” cũng là nghị “múa”, tức là diễn trò: Diễn trò “phê bình”, “nhắc nhở” cán bộ quan chức, để lấy lòng dân chúng, trong khi các đối tượng được nhắc nhở ấy đang có dấu hiệu là những tội phạm làm hại cho đất nước rành rành, ai cũng có thể thấy.


Ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào, trong phiên họp ngày 28/03/2011 đã công khai về tiền chi phí lương và các khoản cho một đại biểu Quốc hội như sau: “mỗi khi bầu chúng ta, nhà nước, nhân dân mất 500-700 triệu đồng/đại biểu mỗi khóa”. Số tiền đó đem nhân với số lượng 493 đại biểu, không có quyền lực gì chế tài nổi các cơ quan công quyền, chuyên sản xuất ra hàng rừng luật rồi bỏ xó, các cơ quan thừa hành pháp luật cứ tự tung tự tác tùy tiện áp đặt. Thử hỏi số tiền khổng lồ chi cho gần 500 con người vô tích sự đó, ta nên để làm từ thiện có tốt hơn hay không?


Đi bầu cử hay không, rõ ràng là quyền, không phải là nghĩa vụ. Xét cho cùng, ai trúng cử thì mọi việc vẫn thế, đất nước vẫn ngày một thêm gánh nặng nợ nần, tội phạm ngày càng lộng hành, hết dự án nhà nước này thua lỗ, đến dự án chính phủ nọ sập tiệm, nan giải và nan giải.., tiền của dân vẫn bay qua cửa sổ vào túi bọn tham nhũng. Đến vụ Vinashin kinh khủng là thế, lỗ hàng 5 ngàn triệu USD (tương đương với 1/2 lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia năm 2010), thế mà vẫn êm ru, đâu vẫn vào đó. Đến chuyện Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, chính phủ vẫn cứ làm, thì chuyện đi bầu Quốc hội để mong có ngày họ bảo vệ được cho dân cho nước thì quả là nằm mơ giữa ban ngày.




Lê Nguyên Hồng


Nguồn :http://nguyenhong8406.blogspot.com/2011/04/bau-cu-la-quyen-hay-nghia-vu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét