Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

22 thg 4, 2011

Chữa hắt hơi hay điều trị sốt

Giá điện sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường và mật độ “điều chỉnh” giữa hai lần liên tiếp có thể chỉ là mỗi ba tháng kể từ 1-6. Giá xăng chuẩn bị gánh thêm định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu mối, theo một dự thảo của Bộ Tài chính.

Cái gì cũng tăng, trong khi cước viễn thông thì lại bị buộc “không được khuyến mại giảm cước thấp hơn mức tối thiểu”. Có gì khác nhau giữa giá xăng, giá điện, và giá cước viễn thông?
Xăng do Tổng công ty xăng dầu Việt Nam nắm tới hơn sáu chục phần trăm thị phần, một tỷ lệ không gọi khác hơn là độc quyền. Điện do một mình Tổng công ty điện lực Việt Nam nắm toàn bộ từ khâu sản xuất, truyền tải, mua điện, bán điện, và kể cả định giá. Trong khi đó, lĩnh vực viễn thông, từ lâu đã không còn tình trạng độc quyền.
Khỏi phải nói đến các loại hàng hoá dịch vụ khác bởi ví dụ nhãn tiền là khi xăng, điện được điều chỉnh hồi đầu năm đã đẩy lạm phát 3 tháng vượt 50% chỉ tiêu cả năm.


Có quá nhiều thứ đã và đang được điều chỉnh giá và là đợt điều chỉnh giá thứ 2 sau khi giá xăng và điện được “điều chỉnh”.


Cước vận tải, tất nhiên. Nhưng nét mới trong đợt điều chỉnh giá cước vận tải lần này là ngay cả vận tải quốc doanh cũng điều chỉnh từ 15-23%, từ loại xe bus trên không cho đến xe bus trên đường. Mỗi ngày, có thể đọc tới 4-5 cái tin “điều chỉnh” giá: Giá giấy sắp tăng từ 9-14%. Giá thuê bao truyền hình cáp được “điều chỉnh”, thêm 23 ngàn đồng mỗi tháng. Tức là tăng hơn 35,38%. Có tới 9 nhãn sữa cũng “điều chỉnh” giá từ 5-10%. Giá trông giữ xe cũng đang được TP HCM dự kiến “điều chỉnh”. Đến giá nhà cho người thu nhập thấp cũng được điều chỉnh 10%. Ngoài chợ thì thì giá tăng hàng tuần, thậm chí hàng ngày.


Không nói thì ai cũng biết điều chỉnh ở đây là tăng hay giảm. Từ lâu, điều chỉnh giá được coi là đồng nghĩa với tăng giá.


Trở lại với giá xăng, trả lời SGTT, Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho biết việc “điều chỉnh” tăng định mức kinh doanh và định mức lợi nhuận cho DN là để bù lỗ cho việc kinh doanh khi giá thế giới lên cao. Đây chính là bầu sữa mà Bộ Tài chính dành cho tiếng khóc lỗ 3.600 tỷ chỉ trong 3 tháng đầu năm của Petrolimex. Có điều, con số từ 400-600 được điều chỉnh lên 830 đồng cho mỗi lít xăng dầu lại là tỷ lệ tăng mấy chục phần trăm. Và một đồng mà xăng tăng, điện tăng, sẽ sinh ra cả trăm đồng cho tổng hợp các kiểu loại hàng hoá dịch vụ khác sẽ té nước theo xăng.


Còn đối với giá điện, nguy cơ tăng là nhãn tiền bởi ngoài việc vận hành theo cơ chế thị trường, khiến giá điện có thể tăng tới 4 lần một năm, EVN còn được rộng tay hơn rất nhiều trong việc “điều chỉnh”. Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá biến động so với thông số tính toán làm giá điện tăng với mức 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá không cần xin phép.


Điện, cũng như xăng dầu là những mặt hàng đầu vào quyết định đến hầu hết các ngành kinh tế. Khi giá các hàng hoá cơ bản này hắt hơi là cả nền kinh tế sẽ lên cơn sốt. Một sự lựa chọn nên được đặt ra là nên chữa hắt hơi cho các DN xăng dầu hay chữa cơn sốt nóng của nền kinh tế?


Liều thuốc chữa căn bệnh điều chỉnh thực ra không phải là không có: Chấm dứt sự độc quyền. Và có vẻ việc thị trường phát điện cạnh tranh, chính thức vận hành thí điểm vào 1-7 tới, đang là một hướng đi đúng, dù chậm và còn rất nhiều khó khăn để buộc EVN nhè ra miếng bánh độc quyền.


Có thể vào năm 2022, khi thị trường phát điện cạnh tranh đi vào giai đoạn “bán lẻ cạnh tranh” thì có lẽ sẽ xuất hiện những cái tin “không lạ”: Cấm ngành điện giảm giá dưới mức tối thiểu do nhà nước quy định
 
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5378

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét