Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

20 thg 5, 2011

Loa phóng thanh của Việt Nam Bị cho ra rìa nhưng vẫn không bị bịt miệng


Một giọng đàn bà từ trên trời chõ xuống vùng ngoại vi tất bật của Hà Nội, lấn át dòng xe cộ ồn ào đinh tai nhức óc, để cất tiếng nói với người dân Việt Nam sinh sống dọc hai bên đường phố.
“Bầu cử Quốc hội là ngày vui của toàn thể nhân dân. Đi bầu cử là quyền lợi và nghiã vụ của mỗi công dân”, cái giọng chán ngắt như trong tiểu thuyết George Orwell vang lên khắp nơi trước khi tiếng nhạc hiệu the thé của Đảng Cộng sản mở đầu cuộc phát thanh.
Việt Nam đang tiến vào cuộc bầu cử ngày 22 tháng Năm trong một quốc gia độc đảng, thế nhưng giọng phát thanh không chỉ dừng lại ở chuyện chính trị.
Nào tiêm chủng, nào lĩnh trợ cấp và thậm chí cả chuyện quét dọn đường phố nữa – nếu như có một công việc cần làm, thì hệ thống loa phát thanh công cộng từ hàng chục năm rồi đứng ra hoạt động để dắt dẫn 87 triệu dân của cả nước được biết mà làm.
“Cực kỳ ngán ngẩm. Chúng tôi không chịu được, nhưng chẳng biết làm gì nổi,” lời một chủ cửa hiệu 50 tuổi sống ngay bên dưới chiếc loa, ông ta sợ không dám xưng tên tuổi sau khi đã nói lời bình phẩm như vậy.
Được bắt đầu xây dựng từ những năm 1950, các phát thanh viên đã giúp mọi người bằng những cuộc báo động máy bay Mỹ thời Chiến tranh, nhưng rồi từ đó cứ tiếp tục và chỉ còn là những trò tuyên truyền thời thượng trộn với những chuyện quan liêu khác.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!” là điệp khúc điển hình vào những dịp có tầm quan trọng quốc gia khi lời lẽ loa đài càng thêm đắc dụng, thí dụ như vào ngày Quốc khánh hoặc ngày sinh nhật đảng cầm quyền.


Thế nhưng trong cái xã hội ngày càng sử dụng Internet và điện thoại di động thông minh, ít ai tỏ ra còn thích lắng nghe loa đài công cộng.
“Chẳng ai chú ý đến nó nữa,” lời của Lê Thị Ngọc Anh, sinh viên quản trị kinh doanh 22 tuổi, người ở ngoại vi thủ đô.
“Tôi không cho rằng loa đài còn có hiệu lực gì, khi mà ba bề bốn bên đều ồn ào như thế,” cô nói. “Tôi không nghĩ rằng mọi người trong gia đình tôi có chú ý đến những chiếc loa đó.”
Với những người khác, nhạc hiệu đều đặn hai lần một ngày không chỉ là một sự lỗi thời hoặc một sự phiền hà nho nhỏ – đó còn là một nguồn ô nhiễm gây ra bởi tiếng ồn dai dẳng.
“Họ mở loa phóng thanh quá sớm, thế là cả phố phải thức dậy,” cô thợ may Trần Thị Bích nói với phóng viên AFP trong lúc tay vẫn múc cháo bí hoặc cháo sắn nóng hôi hổi cho cô con gái và cho ông chồng.
Người đàn bà 50 tuổi, nhà ở bên kia đường cách cái loa phóng thanh chỉ một quãng ngắn ném hòn sỏi cũng tới, nói là bà “không chịu đựng nổi” và không sao quen được với tiếng loa bắt đầu quá sớm, thường là vào quãng 6 giờ 30 sáng.
“Tôi chẳng biết làm cách gì nữa. Có thể chỉ riêng tôi thấy khó chịu vậy thôi, còn những ai khác thì thấy chẳng có gì để phản đối cả,” bà thở dài nói.
Nhưng các quan chức thì rất mau mắn trong việc bảo vệ hệ thống loa đài này.
“Vâng, hệ thống đó cũ kỹ, bởi vì đây là một quốc gia tương đối nghèo,” đó là lời ông Phạm Quốc Bản, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban Nhân dân Hà Nội khi trả lời phỏng vấn.
“Nguốn lực của chúng tôi có hạn, chúng tôi không có tiền để gõ cửa từng nhà nhân dân. Trong một cộng đồng này, chúng tôi có hàng trăm nghìn người phần lớn là những người lao động bình thường, vậy làm cách gì chúng tôi có thể đem thông tin đến cho họ được kia chứ?”


Loa phóng thanh không phải là công cụ duy nhất của cái nhà nước kiểm soát dân chặt chẽ này: Việt Nam đầy những Công an mật vụ, các cuộc biểu tình đều bị quay phim, những cuộc xử án rất nhạy cảm đều không cho công chúng tới dự và nhà cầm quyền đều đặn nghe trộm điện thoại.
Báo chí và các phương tiện thông tin đều gắn với nhà nước, cái nhà nước Việt Nạm xếp thứ 165 trong số 178 quốc gia vào năm 2010 về chỉ số tự do báo chí tiến hành bởi nhóm vận động tự do báo chí Phóng viên Không Biên giới.


Phạm Quốc Bản nhấn mạnh rằng loa truyền thanh là những “công cụ thông tin” của địa phương và không thuộc về hệ thống phương tiện truyền thông quốc gia, chúng được tổ chức theo từng phường hoặc từng thôn trên cả nước.
“Rồi thế nào chúng cũng đuợc thay thế bằng những công cụ kỹ thuật khác,” ông nói.
Vị quan chức này đăm chiêu nhớ lại thời chiến tranh khi cô phát thanh viên được coi là “biểu trưng của Hà Nội”, ông nói: “Người thế hệ tôi vẫn còn nhớ giọng nói của cô ấy đấy.”
Giờ đây, dù có một số người thấy loa truyền thanh làm họ khó chịu và không thích hợp, song lại có những người khác coi hệ thống loa truyền thanh là hữu hiệu, thậm chí là mạch âm thanh mãi mãi hiện hữu trong đời mình.
“Tôi thích nghe tiếng loa truyền thành, không phải vì nghe nhiều thành quen đâu. Vắng tiếng loa truyền thanh thì lại thấy nhớ. Nghe cũng hay hay vui vui,” đó là lời bà bán hàng rong Nguyễn Kim Thanh, 51 tuổi, vừa nói vừa nhể ốc ăn chơi.


Với hầu hết những ai viếng thăm đất nước Việt Nam, khó có thể nói hệ thống loa này là một nguồn an ủi cho được – mà đúng hơn đó là biểu tượng lỗi thời của một chế độ sống bằng tuyên truyền và hoang tưởng.
“Thật sự chẳng còn ai cần đến kiểu truyền tin này nữa,” đó là lời một nhà phân tích phương Tây, người đã sống ở Việt Nam trong 15 năm ròng.
“Tại sao lại duy trì cái hệ thống với dây dợ chằng chịt khắp nơi như thế? Rất có thể, đó chỉ để nhắc nhớ rằng, có một con mắt đang kiểm soát bạn ở khắp chốn cùng nơi.”



Bài của Rachel O’Brien (AFP)
 Người dịch: Đại Phúc
Nguồn : BASAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét