Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 4, 2011

Tự do ngôn luận thời XHCN

 
Lâu lắm rồi mới đến chơi nhà ông đồ gàn. Thật ra đó là một ông giáo già về hưu, ngày trước mình hay qua nhà ông trao đổi sách với nhau. Đến nơi ông hỏi dồn dập

- Mày biết vụ thằng Vũ con ông Huy Cận chứ, xử 7 năm cơ đấy. Chỉ cái tội nói lên sự thật.

Mình giả vờ hỏi để ông già bật máy nói cho xôm.

- Nói thật mà bị tù đến 7 năm à, chắc là tiết lộ bí mật quốc gia, quốc phòng, an ninh thì mới bị xử tù vì tội nói thật. Chứ ngoài cái đó ra, nói thật phải được khen chứ. Sao lại bỏ tù, thời nào mà lạ vậy.

Ông giáo già chặn ngay.

- Thời XHCN chứ còn thời nào nữa, mày nghĩ mày đang sống thời Tần Thủy Hoàng à. Thời này nói gì không vừa ý người ta , là họ bắt, họ xử. Quyền trong tay họ, họ muốn thế nào chả được.

Mình cãi.

- Thế thì loạn à, phải có pháp luật , mọi cái phải chiểu theo pháp luật chứ. Sao tùy tiện được.

Ông già nói.

- Này nhé, chưa nói đến đoạn họ dựng chứng cứ giả, nhân chứng giả. Chỉ cần giờ tao ví dụ thế này. Mày nói một câu như sau

- Đảng Cộng Sản Việt Nam không tốt, thì họ đã không đứng vững đến ngày nay.

Đấy ví dụ mày nói câu như thế. Mày thấy không có tội đúng không ?

Mình gật đầu nói.

- Như thế là khen Đảng, chứ có tội gì?

Ông giáo già nói

- Con ơi, ông mày đây già đời sống 50 năm trong lòng cộng sản, người ta thích cho mày chết là mày chết, họ đứng vững vì họ có caí quyền đó chứ không phải vì họ không tốt thì đã không đứng vững đâu. Mày cứ nghĩ là đứng vững được là do tốt à. Ngây thế lắm con trai ạ. Giờ tao sẽ chỉ cho mày thấy, riêng câu nói đó nếu họ thích họ cho mày đi tù.

Mình nghe thế điên quá gào.

- Nói thế tù sao được, vi phạm cái gì mà tù.

Ông giáo già xua tay

- Bình tĩnh nào con trai, thế này nhé. Họ bắt mày vì tội tuyên truyền nói xấu chế độ, nhằm kích động lật đổ chính quyền nhân dân.

Mình tá hỏa tam tinh, ngơ ngác hỏi.

- Sao câu đó thôi mà thành tội to thế, ông đùa cháu thì cũng vừa với thực tế thôi chứ.

Ông giáo.

- Thực tế nhất đấy con ạ, đây này nếu họ thích thì họ hỏi mày thế này

Mày có viết đoạn Đảng Cộng Sản không tốt ..không ? Thì mày nói sao, đúng là mày có viết đoạn ấy.

Mình dãy nảy.

- Nhưng mà nguyên văn câu đó còn thêm đoạn là - thì họ không đứng vững đến ngày nay- mà.

Ông giáo nói.

- Tòa nó chả cho mày văn thêm, nó nói bị cáo chỉ trả lời có hay không. Nào thì tòa hỏi bị cáo có viết đoạn Đảng Cộng Sản không tốt...có viết hay không.

Mình nói.

- Tất nhiên là có viết, nhưng còn thêm đoạn sau..

- Uỳnh

Ông già nổi giận đập bàn như chủ tọa Nguyễn Hữu Chính, chánh tòa hình sự Hà Nội.

- Bị cáo Lái Gió trả lời rõ, có hay không. Tất nhiên có viết là bị cáo đã khẳng định mình có viết câu đó. Tòa chuyển sang phần khác.

Mình định cãi, ông già nói.

- Tỉnh táo nhé, tòa nó chỉ hỏi thế, mày có thì tòa nó chuyển sang phần khác. Ở tòa thì thằng chủ tọa nó có quyền. Mày cự sao được. Đến ông tổng giám mục Ngô Quang Kiệt hàng triệu dân Công Giáo yêu mến mà còn bị cắt cúp kiểu đó , chứ mày là cái gì. Giờ mày nghe luận tội nhé.

Ông già nghiêm giọng.

- Bị cáo Lái Gió nghe tòa tuyên án, qua phần xét hỏi bị cáo dù quanh co nhưng đã phải nhận rằng có làm ra tài liệu nói xấu Đảng lãnh đạo. Hành vi của bị cáo đã khiến quần chúng nhân dân phẫn nộ, gây tác động xấu cho xã hội. Mục đích của bị cáo là bôi xấu chế độ khiến nhân dân hiểu lầm, qua đó dẫn đến những thế lực thù địch lợi dụng cơ hội, khoét sâu mâu thuẫn nhằm làm mất ổn định chính trị. Tiếp sức cho cách mạng mầu để thay đổi chính thể, phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân ta đã đổ bao xương máu dành được, ý đồ cuối cùng của bị cáo là tuyên truyền kích động để lật đổ chính quyền nhân dân. Xét thấy hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, tòa căn cứ...xét thấy cần phải có mức án thích đáng...để răn đe ...

Ông già xuống giọng thầm thì.

- Thế là 7 năm chứ 17 năm cũng có lý phải không con. Bọn báo chí nó đưa tin theo chỉ định từ phiên tòa, dăm ba đứa cò mồi nó viết blog ngoài lề dạng kiểu Lái Gió đã nhận tội rằng y có viết đoạn như thế như thế...rồi nó lại ra vẻ thương cảm là sao dại thế, không viết thế này lại viết câu đó. Dân tình đọc xong lúc đó họ đã nghĩ mày có tội thật. Vì từ lúc bắt đến lúc xử xong, người ta làm mọi thứ để thiên hạ hình dung mày có tội thật. Thế là thiên hạ nghĩ là thằng Lái Gió nó mà không viết thế, thì sao nó bị bắt, sao mà bị xử tù. Bao nhiêu người viết đầy ra đấy có sao đâu.

Nghe ông già nói đến đây, mình thấy đuối lý. Công nhận ông già sống lâu kinh nghiệm, nhìn lại thì mọi việc diễn ra như thế là chuyện quá bình thường. Mình nghe xong mà hậm hực, cay cú nhưng chả biết nói sao.

Ông già cười vỗ vai mình nói.

- Tao biết mày sẽ uất ức, vì như thế là mày bị oan. Mày ức vì bị oan là chính đúng không ?

Mình gật đầu nói.

- Vâng ạ.

Ông già nói

- Thế tốt nhất là đừng đưa mình vào thế bị oan, đúng không.?

Mình gật đầu

- Vâng thế không viết, không nói gì ông nhỉ ?

Ông già

- Mày mãi vẫn chưa khôn, đã ví dụ như thế có nghĩa là họ muốn bắt tù mày thì kiểu gì họ cũng làm được, nói hay không thì có nghĩa lý gì.

Mình hỏi

- Thế thì thế nào ạ ?

Ông giáo đứng dậy, nhìn lên ảnh Bác Hồ treo trên tường nói.

- Thì cứ nói mẹ nó thật, như thế đi tù cũng đỡ ức con ạ.
 
 
Nguồn : http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/296/296

28 thg 4, 2011

Sự-Thực-Hư-Cấu-Kết

Đôi lời: Sự thực nhem nhuốc đằng sau những tấm huân chương, ầm ĩ trên báo chí mấy năm trước, giờ vẫn chưa ngã ngũ, gây cảm hứng cho tiểu phẩm sau. Những anh hùng sau chiến tranh, người thành tướng xe tăng, người thành “tướng… xe bò” … Thật chua xót *


HÔM NỌThầy (ngáp): … mình học đến phần nào rồi các em nhẩy ?
Trò: thưa thầy đến đoạn đánh chiếm Dinh Soái Tướng ạ.
Thầy: đúng rồi … 5 giờ sáng .. đạn địch bắn ra như pháo hoa mừng quân ta chiến thắng … (Lẩm bẩm: “Thằng nào soạn giáo khoa mà phét lác rẻ tiền thế không biết”) … Nhìn quanh vẫn chưa thấy bóng dáng đồng đội, Láu … xin mở ngoặc với các em, đó chính là anh hùng Trần Oách mới về làm chủ tịch thành phố ta đây … Láu quyết định một mình anh dũng xông lên, hai nách kẹp hai khẩu A-ka vừa chạy vừa liên tục xả đạn khống chế hai ổ đại liên địch … (Lẩm bẩm: “Mẹ, đúng là phiên bản của cái thằng Téc-mi-na-to, còn tay Ram-bô thì cứ phải gọi bằng cụ”) … 5 giờ 30, Láu đã cắm lá cờ phấp phới hiên ngang lên nóc Dinh. Vừa lúc, anh nhìn xuống sân Dinh thì thấy Trí, Dũng đang chạy tới …
Ngang: thưa thầy … sáng nay mấy tờ báo đều đưa bài viết những phát hiện mới về sự kiện này … ngược hẳn ạ …
Thầy: láo toét, dám bóp méo lịch sử à ?
Ngoan: em kính thầy … chắc là ông Trí, ông Dũng … 30 năm mà vẫn lẹt đẹt rồi mới “trâu buộc ghét trâu ăn” …
Ngang: không phải ! … Có mấy lính địch, cả vài người dân chứng kiến giờ họ mới lên tiếng … là anh Dũng một mình áp sát Dinh, bắn tỉa, ném lựu đạn … Mấy tên địch còn lại quăng súng bỏ chạy hết … Dũng đợi Trí đến … đưa Trí cờ, rồi anh khóc, bảo Trí là “giờ hòa bình tới nơi rồi, mi mà lên cắm cờ thì sau mi được lên to là cái chắc … Rứa cũng xứng đáng thôi vì mi học giỏi, … chớ tau học dốt, mới hết lớp ba mà lên lãnh đạo thì … chỉ có uýnh nhau lại là ngon thôi” … Đôi co mãi, rồi anh Trí cầm cờ quay lên nóc Dinh … thì vừa lúc tay Láu ở ngoài lao vào, cướp lá cờ, dẩy anh Trí ngã lăn …
Thầy: khốn nạn ! …. đúng là …
Ngoan: là “… nhà báo nói phét” ạ … dạ kính thầy !

HÔM NAY
Thầy (tươi cười bước vào lớp): các em ngồi xuống đi. Hôm nay thầy xin được hân hoan thông báo một tin vui … là cả Bộ Sử và Bộ Dạy Dỗ đều hết sức thống nhất là sự kiện chiếm Dinh được xác định lại là đúng như hôm nọ báo chí đăng …
Trò (hét to): hoan hô ! … Có thế chứ ! …
Thầy (hạ giọng, u buồn): hượm đã … nhưng … nhưng … vì yêu cầu “chính trị”, và “dạy dỗ” … nên sẽ phải tách riêng hai “vụ” ra, coi như không … “biết nhau”. Tức là cái “vụ” theo như báo đăng sẽ được chuyển thể thành tác phẩm văn học, dạng … dã sử, rồi sẽ thành huyền sử, như … chuyện hư cấu. Còn cái “vụ” như trong sách Sử viết đây thì vẫn là … “sự thực”, sẽ vẫn là … chính sử, nghĩa là “vũ-như-cẫn” ! …
Trò (lao xao): không thể tin được …

Thầy: Còn theo th
iển ý của thầy … thì có lẽ như vậy nó cũng có cái … độc đáo của nó, là cho thế hệ các em một lịch sử để … ngỏ … để mà tìm tòi, tranh cãi, cả phóng tác nữa, … kiểu như … “phần-mềm-mã-nguồn-mở” í mà.
Trò (ồ lên): bó tay ! … Bó cả mồm luôn !




Ba Sàm

Nguon:http://anhbasam.wordpress.com/2010/11/26/117-s%e1%bb%b1-th%e1%bb%b1c-h%c6%b0-c%e1%ba%a5u-k%e1%ba%bft/

27 thg 4, 2011

Đại Vệ Chí Dị

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66. Đầu mùa hạ khí trời mát mẻ lạ thường.
Năm ấy vật giá leo thang vùn vụt, người dân chưa hết ngỡ ngàng vì thứ này lên giá đã phải giật mình với thứ khác.
Ở hồ Lục giữa kinh kỳ, có một con rùa sống mấy trăm năm, bỗng nhiên nổi lên liên tiếp, toàn thân tróc lở, nhất là phần mai loét hết. Có kẻ rành thuật bói toán nhìn mai rùa phán rằng.
- Mai là nơi cốt tử của rùa, còn là cái nóc cao nhất như mái nhà. Vât thiêng mấy trăm năm ấy nổi lên , mai loét cả thế kia, ấy là điềm nhà dột từ nóc,bệnh này không chữa nổi.

Triều đình nghe thấy, vội vã cho người quây bắt lấy rùa mà chăm sóc. Rùa lành rất nhanh như có phép màu, có kẻ nói rằng có khi đó là con rùa khác thay thế mới nhanh được như vậy.
Bấy giờ thiên hạ lắm sự đảo điên, bỗng dưng nhiều kẻ tuổi đã thất thập cổ lai hy lại sính ra bệnh thích quan hệ loan phượng với trẻ con. Vùng nào cũng có, từ quan chức đầu tỉnh, đầu ngành đến các cụ phụ lão về hưu cũng đua nhau săn tìm trẻ con để giao cấu.
Các quan công sai triều đình tự nhiên trở chứng đồng loạt mắc bệnh thích đánh chết người, cứ gặp việc là tay dao, tay thước, cung nỏ thẳng thừng xuống đầu dân đen. Đến nỗi việc dân đến huyện đường bị đánh chết, hay trẻ em bị bắt cưỡng dâm nhiều đến nỗi thiên hạ nghe thấy mà dửng dưng.
Triều đình thấy sự thế nhiễu loạn, mới quyết sách đem tiên đế ra làm tấm gương cho thiên hạ học tập. Ngõ hầu nhờ đó mà thiên hạ bớt tính hoang dâm, tàn bạo. Nhiều tiền của bỏ ra để phát động phong trào học tập tấm gương tiên đế. Thế nhưng đằng đẵng mấy năm, tình hình xã hội chả khá lên tí nào, thậm chí lại còn đổ đốn hơn cả trước. Quan lại triều đình vò đầu, bứt tai không hiểu tại sao.
Có quan luận rằng.
- Có lẽ tại cuộc học tập này chưa gắn với liền với thiết thực cho lên bà con nhân dân mới không gắng học theo, chứ tiên đế ta anh minh, đạo đức ngời ngời, lẽ nào mười phần dân chúng không thấm nhuần được một , hai phần. Được thế là may lắm rồi.
Các quan bí quá, thấy có lời nói vậy như chết đuối vớ phải cọc, ai cũng nhao nhao cho rằng thiên hạ chưa thấy cái thiết thực do học tập tấm gương tiên đế mới vậy mà thôi.
Triều đình lại lập cho một ban, chuyên trách tìm việc gì thiết thực để gắn cho cuộc học tập tấm gương tiên đế.
Lúc ấy một số quan lại địa phương hùa với bọn nhà giàu, làm kế sách chiếm đất của dân. Nhân dân uất lắm mới kéo nhau lên kinh kỳ để kiện, khi đi họ mang theo di ảnh tiên đế, lập bàn thờ, có nơi công kênh kiệu cả di ảnh tiên đế đi hàng đoàn. Đơn kiện tới tập gửi lên triều đình. Quan trên đang thẩm đơn, đòi kẻ thuộc cấp lên để thẩm vấn. Kẻ ấy mang vàng đút lót cho thư lại xin giúp. Thư lại nói rằng
- Giờ chỉ có cách này mới cứu được ông, muốn xuôi xin thêm vài trăm lượng nữa, kế ấy thế này, thế này....
Kẻ kia nghe xong vỗ đùi
- Thật là cao kiến, mỗ xin vâng lời quan anh.
Mấy hôm sau thiết triều, đến chuyện đất đai dân khiếu kiện bị lôi ra bàn. Quan trên mới nói.
- Chuyện đất đai của nhân dân là chuyện nhỏ, quan huyện xứ Đoài tuy phạm tội nhỏ nhưng lại có công lớn mà chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận khách quan nhiều chiều mới thấy rõ, là công trạng của quan huyện X rất có giá trị trong thời buổi này, thời mà đạo đức khắp nơi xuống cấp trầm trọng như hiện nay.
Các quan trong triều mới lao xao hỏi công trạng gì vậy.
Quan kia e hèm rồi nói.
- Đó là quan huyện xứ Đoài đã vận động được dân chúng hăng hái tự giác tôn kính tiên đế, chả phải là dân xứ ấy lập ban thờ tiên đế, người người mang di ảnh của người một cách thành kính hay sao. Họ đòi đất là chuyện nhỏ, cái lớn là dân xứ ấy muốn nêu cao tấm gương tôn kính tiên đế cho thiên hạ noi theo là chính...
Triều đình nghe thấy ai cũng hài lòng.
Quan huyện xứ Đoài vì thế bỗng nhiên lại được cất nhắc lên trên tỉnh vì có công lớn trong cuộc vận động hình ảnh tiên đế trong nhân dân. Mặc kệ đơn kiện thưa tới tấp,quan lên trên rồi, dân cũng chả còn biết kiện ai, ai nấy đều lặng lẽ về nhà lo kiếm miếng cơm. Di ảnh tiên đế mang về nhà không biết làm gì, đành treo lên trên tường đợi khi nào có dịp tốt lại mang đi kiện.
Thế là tự dưng xứ Đoài lại là điểm nổi bật trong cuộc học tập tấm gương tiên đế, các quan lại xứ khác cử người về học hỏi mô hình kinh nghiệm để phát động rộng rãi khắp nơi.
 
Nguồn :http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fathbvohbatvb1972.zhygvcyl.pbz/wbheany/vgrz/294/294

26 thg 4, 2011

Bầu cử là quyền hay nghĩa vụ?

Ngày 22/05/2011 đã được ông lưỡng nhiệm Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ấn định là ngày đồng bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là điều khoản mới sửa đổi của Luật bầu cử. Thành phần Hội đồng bầu cử trung ương sẽ gồm 21 người, bao gồm Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng bầu cử, cùng các phó chủ tịch từ cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban ngành, đoàn thể, hội trung ương.



Lần đầu tiên chính quyền tổ chức ghép hai cuộc bầu cử quan trọng là bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân lại làm một. Rõ ràng là cơ quan Hội đồng nhân dân đã tỏ ra chỉ là một cơ cấu đi kèm lỗi thời. Đã có Quốc hội đại diện cho nhân dân (?) rồi, tại sao còn có Hội đồng nhân dân làm gì? Họ đại diện cho ai? Nhưng cắt bỏ hoàn toàn thì lại sợ mang tiếng, vả lại các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng nhân dân sẽ chuyển sang cơ quan nào? Rồi hàng năm nguồn kinh phí dư thừa sẽ “tiêu” như thế nào? Vì vậy mặc dù đã thí điểm loại bỏ Hội đồng nhân dân ở một số cấp quận huyện và xã phường, nhà nước vẫn chưa nỡ cắt bỏ hoàn toàn cơ cấu Hội đồng nhân dân. Bởi thế mới có chuyện bầu cử kiểu “ăn theo” như vậy.


Chuyện cơ cấu tổ chức là quyền của Đảng đang nắm quyền điều hành đất nước. Nhưng chuyện người dân Việt Nam hiểu việc đi bầu cử có ý nghĩa và tầm quan trọng gì hay không lại là việc nên bàn. Nếu đã là người dân Việt Nam, hẳn là từ thanh thiếu niên đến các cụ già, ai ai cũng có thể thuộc câu khẩu hiệu: “Đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”. Câu khẩu hiệu này thường được phổ biến rầm rộ trên tất cả các phương tiện truyền thông trước ngày bầu cử.


Vậy đi bầu cử có phải là quyền hay không? Đúng là quyền, vì người dân có quyền bỏ phiếu để lựa chọn ra những người đại diện cho mình, họ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Nhưng những “ông bà quốc hội”, tức là các ông bà nghị, thì có chắc chắn đã phải là người đại diện cho dân hay không, lại là chuyện khác. Việc đề cử đại biểu Quốc hội đã do chính quyền, do Đảng sắp đặt các vị trí kiêm nhiệm trong bộ máy công quyền, từ anh chủ tịch xã phường đến thủ tướng, tổng bí thư.


Các cá nhân tự ứng cử thì cũng đã có sự sàng lọc của chính quyền từ cấp xã phường, ai đã vào tầm ngắm thì coi như bị loại ngay vì đủ thứ lý do, người ta tìm tòi moi móc tất cả mọi chuyện không liên quan gì đến chính trị xã hội để loại bỏ một người tự ứng cử, nếu người ấy bị cho rằng “có vấn đề chính trị”. Vậy còn lại vẫn đại đa số là người của Đảng ngồi ghế Quốc hội, cho nên mọi tiếng nói của dân tại Quốc hội vẫn là tiếng nói của Đảng. Chưa hết, người đã vượt qua được các vòng loại, cuối cùng vẫn phải do Mặt trận tổ quốc (một cơ quan dư thừa nữa) giới thiệu cho Hội đồng bầu cử. Trong tình trạng như vậy thì việc bầu cử chỉ là hình thức chứ không mang nội dung ý nghĩa thiết thực cho nhân dân.


Về chuyện đi bầu cử có phải là nghĩa vụ hay không? Đã là quyền thì tùy ý, làm hay không làm, thực hiện hay không thực hiện là do chủ thể (ở đây là cử tri) quyết định. Nhưng nếu là nghĩa vụ thì lại là chuyện khác, nghĩa vụ là một việc bắt buộc, ví dụ nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ đóng thuế vv.., nếu nói quyền và nghĩa vụ thì tự nhiên hai vế của câu khẩu hiệu đã dẫn ở trên là mâu thuẫn, không chấp nhận được.


Trên thế giới, tại các nước Dân chủ, tỉ lệ người dân đi bầu cử (nói chung) rất thấp so với Việt Nam. Ngay như ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 được kể là có đông cử tri đi bầu nhất từ trước đến nay, cũng chỉ đạt con số 68%, con số của họ là con số của chất lượng. Riêng Việt Nam, chuyện bầu cử đạt con số sấp sỉ 100% là chuyện thường. Nhưng cái gần 100% ấy nó như thế nào? Người viết bài này không nhớ là đã phải đi bỏ phiếu bầu cử bao nhiêu lần, và tại những địa điểm nào. Nhưng nhận thấy hầu hết cử tri đi bỏ phiếu đều là bỏ phiếu tập thể (theo đúng nghĩa là bỏ cho tập thể), tức là vợ bỏ phiếu giúp chồng, con bỏ phiếu giúp bố mẹ, anh em bỏ phiếu giúp nhau, nói chung mỗi nhà chỉ cần 1 người đi bầu cử là đủ. Riêng khối quân đội, công an và khu vực hành chính thì do cơ quan đơn vị bắt buộc, nên họ đều phải đi, nhưng vẫn với tâm trạng là làm cho qua chuyện.


Tại sao người dân lại âm thầm chống đối như vậy? Thực ra nói họ chống đối cũng hơi quá, nhưng sự thật thì họ biết rõ: Ông bà nào lên cũng thế cả thôi, vẫn là cái ổ của nhà họ, không ông Đảng này thì bà Đảng khác, vẫn là Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền, vậy ai trúng cử mà chả như nhau, bận tâm làm gì. Với sự thật việc bầu cử lấy lệ như vậy, nhà nước cũng không mong gì hơn, người dân cứ ngậm miệng, còn Đảng cứ làm thay dân hết, chỉ mỗi việc đóng thuế, xây dựng đất nước và gia nhập quân đội cầm súng bảo vệ tổ quốc là nhân dân phải làm thật.


Qủa là chua chát thay cho nhưng ông bà nghị có chút lòng với đất nước, hay cũng vì lý do nào khác mà phải cay đắng thốt lên: “Quốc hội hiện đang trong tình trạng đưa món gì ăn món đó. Có thể còn những món ngon hơn nhưng Quốc hội không biết để chọn”. Câu chuyện về tính chủ động của Quốc hội khóa XII được đại biểu Ngô Minh Hồng khái quát trong phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ ngày 28/3/2011 vừa rồi đã nói lên điều đó. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất mà còn phải chấp nhận như vậy, vậy thì ai đang thực sự nắm quyền lực cao nhất?


Thật lạ là một số nhà “lạc quan học” (tạm gọi thế) như nhà báo Bùi Tín lại nói là “xã hội dân sự đang lừng lững bước tới” vì thấy vài ba đại biểu Quốc hội như Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Nguyễn Lân Dũng phát biểu phê phán Chính phủ theo kiểu nhắc nhở và đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong khi những sai phạm của Đảng và của Chính phủ đã đủ để cấu thành tội phạm cần truy tố, thì không hiểu là Quốc hội đang bước tới hay bước lùi? Chưa kể đến việc Quốc hội không bao giờ là một thành phần của xã hội Dân sự, mà họ là thành phần của thể chế cầm quyền.


Có lẽ bàn sâu vào chuyện Quốc hội thì càng thêm buồn cho dân trí nước nhà. Mấy chục năm qua, hàng triệu người bỏ mình nơi chiến trường, người người quần quật lao động, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, để rồi được đi bầu ra cái Quốc hội toàn là Đảng viên gộc của Đảng Cộng Sản từ Ban thường vụ đến các tiểu ban, số còn lại thì không là nghị "gật” cũng là nghị “múa”, tức là diễn trò: Diễn trò “phê bình”, “nhắc nhở” cán bộ quan chức, để lấy lòng dân chúng, trong khi các đối tượng được nhắc nhở ấy đang có dấu hiệu là những tội phạm làm hại cho đất nước rành rành, ai cũng có thể thấy.


Ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào, trong phiên họp ngày 28/03/2011 đã công khai về tiền chi phí lương và các khoản cho một đại biểu Quốc hội như sau: “mỗi khi bầu chúng ta, nhà nước, nhân dân mất 500-700 triệu đồng/đại biểu mỗi khóa”. Số tiền đó đem nhân với số lượng 493 đại biểu, không có quyền lực gì chế tài nổi các cơ quan công quyền, chuyên sản xuất ra hàng rừng luật rồi bỏ xó, các cơ quan thừa hành pháp luật cứ tự tung tự tác tùy tiện áp đặt. Thử hỏi số tiền khổng lồ chi cho gần 500 con người vô tích sự đó, ta nên để làm từ thiện có tốt hơn hay không?


Đi bầu cử hay không, rõ ràng là quyền, không phải là nghĩa vụ. Xét cho cùng, ai trúng cử thì mọi việc vẫn thế, đất nước vẫn ngày một thêm gánh nặng nợ nần, tội phạm ngày càng lộng hành, hết dự án nhà nước này thua lỗ, đến dự án chính phủ nọ sập tiệm, nan giải và nan giải.., tiền của dân vẫn bay qua cửa sổ vào túi bọn tham nhũng. Đến vụ Vinashin kinh khủng là thế, lỗ hàng 5 ngàn triệu USD (tương đương với 1/2 lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia năm 2010), thế mà vẫn êm ru, đâu vẫn vào đó. Đến chuyện Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, chính phủ vẫn cứ làm, thì chuyện đi bầu Quốc hội để mong có ngày họ bảo vệ được cho dân cho nước thì quả là nằm mơ giữa ban ngày.




Lê Nguyên Hồng


Nguồn :http://nguyenhong8406.blogspot.com/2011/04/bau-cu-la-quyen-hay-nghia-vu.html

VĂN “HÀNH”


  
Trộm nghe:
Thế nhân vốn một mặt muôn lòng,
Văn chương cũng năm đường bảy ngõ!
Trò đời đã nhiều chuyện lá lay,
Con tạo lại bày trò cắc cớ!

Nhớ xưa,
Bao thi nhân hùng khí chưa mờ,
Bao kiệt tác ngôn phong còn rõ.
Đồ Chiểu đâm mấy thằng gian, bút thép chẳng tà,
Cử Trị mắng bao phường nịnh, lòng son vẫn tỏ.
Hịch Tướng Sĩ, sông Bạch Đằng nước cuộn sóng gào,
Cáo Bình Ngô, núi Chí Linh cây rung lá đổ.
“Văn dĩ tải đạo”, lời cũ thường khuyên,
“Đức khả thắng tài”, kẻ sau chẳng nhớ!

Thế mà nay,
Học hành đôi chữ lem nhem,
Văn vẻ ba xu ú ớ.
Vỗ bụng, khoe ráp được vần ngược, vần xuôi,
Vểnh tai, thích nghe nịnh lời nầy, lời nọ.
Văn nghe giống nước mắm chấm dùi,
Thơ đọc như thầy chùa gõ mõ!
Không rành luật đối, cũng xưng mầy đó ta đây,
Chẳng sạch vần gieo, cũng vô hội nầy hội nọ.
Thơ in vài tập, chừng như đội đá vá trời,
Văn viết đôi bài, đã vội khua môi múa mỏ.

Vậy mà,
Báo tháng thường đăng,
Báo ngày chẳng bỏ!
Chỉ tội người nghe con ráy lùng bùng,
Chỉ thương người xem con ngươi lổ đổ!
Ráng banh miệng, mà cười chẳng ra cười
Cố xệch môi, mà khổ không ra khổ!
Vinh chăng?
Đi xe đời mới, đặt đít sướng mông,
Ở nhà lầu cao, ngẩng đầu trật cổ!

Như ta đây,
Dù cái thi, cái phú chưa đầy lá mít, lá mơ,
Nhưng cái nghĩa, cái tâm khá hơn loài sâu loài bọ.
Ghét quân khẩu Phật tâm xà,
Ghét phường miệng hùm gan sứa.
Không dè lời, cứ thẳng mực tàu.
Theo đúng thước, làm đau lòng gỗ!
Bao năm “bán phổi”, đệ tử mấy ngàn,
Một thuở khua chèo, bạn bè vô số.

Ngặt vì,
Kết bạn thì “Tri mãn nhân gian”
Ngoảnh mặt lại,”Vô thân tứ cố”!
Không độ nổi những kẻ cúi lòn,
Chẳng theo kịp mấy thằng bợ đỡ!
Chẳng bù cái mũi có giàm,
Không giống đồng xu có lỗ!
Chẳng phải bành voi mặc kẻ leo lên,
Không như trôn đĩ mạnh ai nấy xỏ!


Dù cho,
Thời buổi nầy mà rách dép rách giày,
Xe đạp nọ luôn trật sên trật chó!
Dù áo Tử Lộ (!) còn đành mạn cổ, vá vai,
Nhưng mặt Nhan Hồi (2) không dễ bôi vôi, trét nhọ.

Đã từng,
Văn chương treo ở đầu giàn,
Bút mực đem quăng một xó.
Nào chê bai chữ nghĩa rẻ như bèo,
Mà tức khí vàng thau cùng một rọ!

Khổ vì,
Muốn hoàn lương mà nghiệp đĩ cứ đeo,
Muốn quăng bút, mà đường văn còn nợ!
Sá gì gạo vét mòn lon,
Thây kệ giày đi há mỏ!
Đêm dài lắm mộng, ai rằng Vương Khải (3) là vui?
Nước sạch cành hông, ai bảo Vĩnh Kì (4) là khổ?

Thôi thì,
Mặc ai pha muối pha đường,
Mặc nó lộn vừng lộn đỗ.
Tự hào vì thứ ta đủ, mà họ không cần,
Kiêu hãnh bởi điều họ dư, mà ta không có!

Xem xong,
Ai nhột thì cứ “xổ nho”
Ai khoái thì xin cổ võ!


KHA TIỆM LY

Chú: 
(1) Tử Lộ: Học trò nghèo của Khổng Tử.
(2) Nhan Hồi: Học trò giỏi của Khổng Tử
(3) Vương Khải: (thường đi với Thạch Sùng), hai người giàu nhất một thời của Trung Quốc, đêm luôn sợ trộm mà ngủ không yên.
(4) Khải Kì: Vĩnh Khải Kì, người nghèo, thường uống nước suối, ăn rau rừng, mà lúc nào cũng vui, ca hát.

 Nguồn :http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/293555

23 thg 4, 2011


Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã hơn 30 năm. Trong thời gian ấy các nước xung quanh ta phát triển rất mạnh và phồn vinh, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, v.v.


Nước ta, trong thời gian qua cũng đạt được một số thành tựu, như: xây dựng được hệ thống đường sá, cầu cống trên toàn quốc (tuy chất lượng chưa cao, nơi này nơi khác có hư hỏng lún sụt); mở rộng và nâng cấp một số sân bay, bến cảng; xây thêm được một số công trình thủy điện trọng yếu; phát triển được ngành dầu khí; có một số khu công nghiệp hoạt động tương đối có hiệu quả; xuất khẩu được khối lượng gạo lớn và số lượng nông, thủy sản quan trọng; bộ mặt các thành thị được nâng cấp, chỉnh trang phong quang, khởi sắc hơn; xóa đói giảm nghèo có kết quả nhất định; hoạt động ngoại giao năng động, vị thế quốc tế của nước ta được nâng cao; GDP hàng năm tăng với tỷ lệ có vẻ đáng kể, nhưng xét về nhân tố cấu thành và đi lên từ cơ sở xuất phát thấp nên giá trị thực không mấy.


Cùng trong bối cảnh quốc tế ấy, nước ta vẫn tụt hậu xa so với các nước xung quanh. Không những thế, tình hình nước ta còn rất nhiều điều đáng lo ngại và bức xúc:
1. Ngoài việc lấy đất để phát triển giao thông, mở các khu công nghiệp là cần thiết, còn thì do thu hút đầu tư địa ốc quá nhiều, xung quanh nhiều khu đô thị mới quá nóng, mở hàng trăm sân gôn, nên mất rất nhiều ruộng đất. Do người ta xây nhiều đập trên thượng nguồn sông Mêkông, có thể sẽ xây đập thủy điện Sayaburi (đang bàn thảo), và cũng do biến đổi khí hậu, tương lai đồng bằng sông Cửu Long Nam Bộ sẽ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, không có lượng phù sa, "vựa lúa" của chúng ta không còn dồi dào như hiện nay, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nếu còn phung phí ruộng đất canh tác của mình.


2. Lâm tặc và đầu nậu gỗ phá rừng vô tội vạ không kiểm soát và ngăn chặn được, lại do phá rừng trồng cà phê, làm rẫy, cho thuê hàng ngàn hecta rừng ven biên giới hàng 50 năm, người thuê cố nhiên cũng tự do phá, nên rừng mất quá nhiều, lũ lụt nghiêm trọng, khô hạn thất thường, hàng triệu dân khốn khổ, nên nếu không có biện pháp kiên quyết giữ rừng, và nếu lại khăng khăng làm đường sắt cao tốc vốn chưa có nhu cầu thực tế (và không chịu nghe biểu quyết bác bỏ của Quốc hội), thì sẽ phải phá bao nhiêu rừng nữa, tai họa sẽ còn thảm khốc đến thế nào?


3. Về quan hệ với Trung Quốc:
Trước sau ta luôn chủ trương "hữu nghị với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào nội bộ nhau, hợp tác cùng có lợi". Thực tâm Trung Quốc lại không chấp nhận như thế. Họ xảo quyệt đưa ra "16 chữ" và "4 tốt" cốt để ru ngủ và hạn chế ta. Về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ta có đầy đủ cứ liệu lịch sử và pháp lý là thuộc chủ quyền của ta, nhưng ta quá ngây thơ và thật thà tuân thủ "16 chữ" và "4 tốt" (hoặc là quá mềm yếu, đánh mất bản lĩnh của người lãnh đạo biết tiếp nối tư tưởng độc lập tự chủ Hồ Chí Minh), nên không công bố công khai những cứ liệu lịch sử đầy sức thuyết phục ấy cho thế giới thấy chính nghĩa thuộc về ta, rằng Hoàng Sa, Trường Sa đích thực là của Việt Nam không thể tranh cãi. Ta đấu tranh thì họ thất lý. Ta không đối đầu quân sự với họ, ta đấu tranh chính trị ngoại giao đồng thời vẫn giữ quan hệ hữu nghị (hữu nghị cũng có đấu tranh). Không nên sợ hão rằng vì công khai tư liệu đấu tranh chính trị, ngoại giao mà Trung Quốc có thể vô cớ phát động chiến tranh toàn diện đánh ta. Họ đương tuyên bố "không xưng bá", đương phô trương "bộ mặt đẹp, yêu chuộng hòa bình" với thế giới. Hơn nữa nội bộ họ hiện nay cũng đầy dẫy mâu thuẫn đe dọa mất ổn định. Giả sử chiến tranh có xảy ra đi nữa, dù giữa bên mạnh và bên yếu, không có bên nào không tổn thất. Tuy nhiên xét tình hình thực tế hiện nay thì Trung Quốc không và chưa vội bành trướng bằng thủ đoạn gây chiến, họ có cách khác: "chinh phục mềm và gặm dần".

Tại sao ta không dám công khai giới thiệu cho toàn dân ta những cứ liệu lịch sử vững chắc của ta và của thế giới khẳng định hùng hồn Hoàng Sa, Trường Sa là của ta, trong khi Trung Quốc hễ có cơ hội là bày đặt ra nhan nhản đủ loại tư liệu và “chính thống hóa” chúng để giáo dục cho dân họ, từ trong giáo án các trường học, từ trên sách vở, báo chí, phát thanh truyền hình, nhằm nhồi nhét cho dân họ tin nhầm "Tây Sa", "Nam Sa" là của Trung Quốc từ thuở xa xưa bị Việt Nam và Philipin "xâm chiếm" cần phải "thu hồi"? Chỉ về phương diện này thôi, phải nói, thật là khó hiểu và khó khăn khi muốn xác quyết với chính mình cũng như với người khác rằng người lãnh đạo của chúng ta hôm nay vẫn nối tiếp được truyền thống của cha ông, kiên cường lo lắng giữ vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc!

Trung Quốc luôn nhắc "16 chữ" và "4 tốt" giả dối, nói trăm lời "hữu hảo", nhưng không ngừng lấn át, đe dọa và triển khai nhiều hoạt động thâm hiểm đối với ta. Chiếm quần đảo của ta, bao chiếm hải phận trong Biển Đông của ta với cái "lưỡi bò" phi pháp; dùng tàu lớn (tàu "lạ") đâm chìm tàu cá của ngư dân ta; bắn, bắt ngư dân ta, tịch thu tàu, thuyền ngư cụ của họ đòi chuộc và bắt nộp phạt… Gần đây họ tập trận gần Trường Sa nhằm uy hiếp ta. Trong đất liền, Trung Quốc đã đứng chân được trên vị trí chiến lược Tây Nguyên xung yếu của ta, đã thuê dài hạn (50 năm) được hàng ngàn hécta rừng ven biên giới và đầu nguồn của nước ta, thuê dài hạn một đoạn bờ biển ở Đà Nẵng nói là để làm "khu vui chơi giải trí", xây bao kín, người Việt Nam không được đến, họ làm gì trong đó ai biết. Họ dùng thủ đoạn bỏ thầu "thấp", trúng thầu nhiều công trình trong Nam, trúng thầu xây dựng một loạt nhà máy nhiệt điện; họ dễ dàng đưa ồ ạt lao động của họ vào mà chúng ta không kiểm soát được. Đã có hàng vạn người Trung Quốc rải khắp nước ta từ núi rừng đền đồng bằng, ven biển cũng không ai kiểm soát. Hàng hóa Trung Quốc còn tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường chúng ta. Hiện nay tỉnh Quảng Tây đương đàm phán với bên ta "lập khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới" giữa Bằng Tường và Đồng Đăng rộng 8,5km gọi là "1 khu vực 2 Quốc gia" và 1 "khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới" nữa giữa Đông Hưng và Móng Cái khoảng 10km2. Chúng ta rất cần tỉnh táo cân nhắc và cảnh giác trước những điều này, nói như người xưa, chỉ ngủ một mắt còn một mắt vẫn phải ngóng nhìn động tĩnh của anh láng giềng xấu chơi nơi biên giới! Người cầm chịch đất nước có làm được vậy hay không? Dân chúng đang mong họ trả lời câu hỏi ấy bằng những hành vi, động thái cụ thể – dù là tượng trưng – giúp mình có chút yên lòng.

Thế mà, những tín hiệu qua lại ngoại giao con thoi trong những ngày gần đây lại có vẻ như là câu trả lời ngược với điều dân chúng mong đợi – những hoạt động ấy chưa làm “yên dân” chút nào cả, và xin đừng tưởng rằng người dân không biết gì. Người ta dễ dàng so sánh với Philippines, với Malaysia… với nhiều nước ASEAN khác, và bất kỳ một sự “quanh co” nào mà nhìn cho thật sâu là trái với các nguyên tắc ứng xử về Biển Đông đã được ASEAN đề xuất trong Hội nghị thượng đỉnh nhiều năm về trước đều gây lo ngại, nếu không nói là làm giảm sút niềm tin nghiêm trọng.


Ở Lào, Chính phủ Lào mở đặc khu kinh tế Bò Ten với Trung Quốc. Đến nay toàn bộ nhà ở, khách sạn, cửa hàng… đều là của Trung Quốc; 90% dân số là người Trung Quốc, 10% người Lào chỉ làm thuê lặt vặt, vô hình trung và nghiễm nhiên huyện Bò Ten trở thành thành phố của Trung Quốc rồi. Nhớ lại "điểm nối ray" năm xưa sâu vào đất ta khoảng trên 100m cách "Mục Nam quan", nay đã thành đất của Trung Quốc mà khôn xiết lo lắng! Các vị lãnh đạo có biết, có quan tâm và thao thức cùng dân chúng hay không?

Tất cả tình hình trên đây cho thấy nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành một chư hầu hoặc thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, không chóng thì chầy. Độc lập tự do phải đổi bằng xương máu của hàng triệu người Việt Nam ta, của nhiều thế hệ con em tinh hoa của dân tộc trong bao nhiêu năm trời rồi sẽ ra sao đây?!


4. Giàu nghèo phân hóa càng xa, bất công đầy dẫy. Một tầng lớp người chỉ độ 1,2% dân số giàu nứt đố đổ vách do tham nhũng, do buôn bán đất và chiếm đất, do đầu cơ, buôn lậu, do nhận hối lộ từ trong nước và nước ngoài, do ăn từ các dự án. Có những người có 5, 7 biệt thự. Họ ăn chơi phè phỡn, sống như đế vương. Trong khi đó thì đa số nông dân còn quá nghèo, đa số công nhân lương thấp, không có nhà ở, đời sống chật vật; có những người nghèo phải bới từng đống rác, túi rác để kiếm sống. Ốm đau thì người nghèo, người thu nhập thấp khó có đủ tiền chữa bệnh, có được nằm viện thì 2, 3 thậm chí 4 người 1 giường, thuốc men có hạn. Người giàu đi chữa bệnh nước ngoài không là gì, ở trong nước, sẵn tiền "dịch vụ" thì được săn đón, một mình một giường hoặc một phòng, được chăm sóc chu đáo.

Về học hành thì con nhà giàu nếu học trong nước thì ô tô đưa đón, muốn học trường nào tha hồ chọn; đi Tây, đi Mỹ học cũng dễ dàng thoải mái. Con nhà nghèo thì học hết T.H.P.T cũng khó, bỏ học giữa chừng cũng rất nhiều do học phí cao và nhiều khoản đóng góp khác, hoặc do phải nghỉ để giúp gia đình kiếm sống. Trong xã hội còn nhiều bất công nữa, ví như nông dân bị thu hồi đất thì được đền bù với giá rẻ mạt, nhà đầu tư địa ốc (thuộc các “nhóm lợi ích”) giành được đất ngon, xây nhà thì bán giá cao gấp hàng nghìn lần, thu lãi kếch xù; người vô tội thì có tội, kẻ có tội lại được thưởng; thiếu nữ bị dỗ bán dâm thì bị tù, nhiều kẻ mua dâm các em lại vô tội, v.v.


5. Công nghiệp của ta phần lớn là lắp ráp, gia công, phải nhập nguyên liệu nên xuất khẩu thu lợi về không nhiều, góp cho ngân sách không mấy; các tập đoàn kinh tế Nhà nước ngày càng bị Thanh tra Kiểm toán phát hiện cái thì lỗ vốn, cái thì thất thoát lớn và ngày càng lộ ra thêm những món nợ khổng lồ khó lòng trả được, nên tài chính quốc gia đã eo hẹp càng thêm eo hẹp, hàng năm liên tiếp nhập siêu lớn, tuy xuất khẩu nông, thủy sản khá nhưng dự trữ ngoại tệ mỏng, trong khi đó nợ nước ngoài quá nhiều, rất đáng lo ngại.


6. Lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá, mọi thứ đều tăng vọt và tăng nhanh chưa có điểm dừng. Giá điện, giá xăng tăng càng đội giá thức ăn vật dùng hàng ngày tăng ngất ngưởng, không chỉ 20%, 30%, mà có thứ 50%, 100%, ảnh hưởng gay gắt đến bữa ăn, đến việc chữa bệnh, học hành của con cháu dân nghèo và người lương thấp. Từ khoảng 10 năm lại đây chưa bao giờ đời sống khó khăn bức xúc như hiện nay. Thêm vào đó, tham nhũng vẫn diễn biến, tội phạm, tệ nạn xã hội tăng, bất công xã hội tràn ngập khắp nơi… gây nên khủng hoảng lòng tin, tâm lý bất mãn, rất dễ dẫn đến mất ổn định.


Các mặt tình hình trên đây, nói thẳng ra, là hậu quả của 10 năm lãnh đạo của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và 5 năm điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Trước tình hình bức bối như đã sơ bộ vạch ra ở trên, chúng ta phải làm gì? Thật là một câu hỏi khó. Đứng ở phía người dân mà nhìn, có những trách nhiệm không thể thoái thác, do ý thức chung lưng đấu cật để vực dậy đất nước là một nhân tố hàng đầu, chưa được đề cao. Nhưng đây đang nói về phía Nhà nước, người điều hành chính bộ máy hoạt động của toàn thể xã hội, nên chỉ xin nêu một biện pháp khẩn cấp:
Nhà nước cần phát huy dân chủ, nói thật mọi khó khăn với dân, lấy lại ít ra một phần lòng tin (đã mất) của dân đối với mình. Chính đây là khởi điểm để động viên toàn dân chung sức chung lòng nhằm tháo gỡ, vượt qua khó khăn trước mắt. Để làm được điều đó, trước mắt cần mở một cuộc hội thảo rộng rãi, không phân biệt, nghi ngờ, thành kiến, và tổ chức lấy lệ cốt đối phó hơn là thực lòng – như một Hội nghị Diên Hồng hiện đại, gồm các tri thức có chân tài thực học, các chuyên gia chính trị, kinh tế giỏi, và các tầng lớp thức giả khác, lắng nghe và tiếp thu ý kiến hay của họ để có kế sách hữu hiệu cứu nguy cho những bất cập từ lâu về kinh tế và xã hội, đồng thời phát huy tinh thần tự lực tự cường, độc lập tự chủ của cả dân tộc, trước hết là từ lãnh đạo cấp cao, thì mới dần dần cải thiện được tình hình để đưa đất nước tiến lên.
Thiết tưởng điều cấp bách cần làm ngay cho dân tộc ta không có gì hơn thế, và nếu không làm được thế e sẽ ngày càng nan giải.


N.T.V.
Nguồn    http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/thuc-trang-at-nuoc-va-nhung-van-e-noi.html

22 thg 4, 2011

Chữa hắt hơi hay điều trị sốt

Giá điện sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường và mật độ “điều chỉnh” giữa hai lần liên tiếp có thể chỉ là mỗi ba tháng kể từ 1-6. Giá xăng chuẩn bị gánh thêm định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu mối, theo một dự thảo của Bộ Tài chính.

Cái gì cũng tăng, trong khi cước viễn thông thì lại bị buộc “không được khuyến mại giảm cước thấp hơn mức tối thiểu”. Có gì khác nhau giữa giá xăng, giá điện, và giá cước viễn thông?
Xăng do Tổng công ty xăng dầu Việt Nam nắm tới hơn sáu chục phần trăm thị phần, một tỷ lệ không gọi khác hơn là độc quyền. Điện do một mình Tổng công ty điện lực Việt Nam nắm toàn bộ từ khâu sản xuất, truyền tải, mua điện, bán điện, và kể cả định giá. Trong khi đó, lĩnh vực viễn thông, từ lâu đã không còn tình trạng độc quyền.
Khỏi phải nói đến các loại hàng hoá dịch vụ khác bởi ví dụ nhãn tiền là khi xăng, điện được điều chỉnh hồi đầu năm đã đẩy lạm phát 3 tháng vượt 50% chỉ tiêu cả năm.


Có quá nhiều thứ đã và đang được điều chỉnh giá và là đợt điều chỉnh giá thứ 2 sau khi giá xăng và điện được “điều chỉnh”.


Cước vận tải, tất nhiên. Nhưng nét mới trong đợt điều chỉnh giá cước vận tải lần này là ngay cả vận tải quốc doanh cũng điều chỉnh từ 15-23%, từ loại xe bus trên không cho đến xe bus trên đường. Mỗi ngày, có thể đọc tới 4-5 cái tin “điều chỉnh” giá: Giá giấy sắp tăng từ 9-14%. Giá thuê bao truyền hình cáp được “điều chỉnh”, thêm 23 ngàn đồng mỗi tháng. Tức là tăng hơn 35,38%. Có tới 9 nhãn sữa cũng “điều chỉnh” giá từ 5-10%. Giá trông giữ xe cũng đang được TP HCM dự kiến “điều chỉnh”. Đến giá nhà cho người thu nhập thấp cũng được điều chỉnh 10%. Ngoài chợ thì thì giá tăng hàng tuần, thậm chí hàng ngày.


Không nói thì ai cũng biết điều chỉnh ở đây là tăng hay giảm. Từ lâu, điều chỉnh giá được coi là đồng nghĩa với tăng giá.


Trở lại với giá xăng, trả lời SGTT, Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho biết việc “điều chỉnh” tăng định mức kinh doanh và định mức lợi nhuận cho DN là để bù lỗ cho việc kinh doanh khi giá thế giới lên cao. Đây chính là bầu sữa mà Bộ Tài chính dành cho tiếng khóc lỗ 3.600 tỷ chỉ trong 3 tháng đầu năm của Petrolimex. Có điều, con số từ 400-600 được điều chỉnh lên 830 đồng cho mỗi lít xăng dầu lại là tỷ lệ tăng mấy chục phần trăm. Và một đồng mà xăng tăng, điện tăng, sẽ sinh ra cả trăm đồng cho tổng hợp các kiểu loại hàng hoá dịch vụ khác sẽ té nước theo xăng.


Còn đối với giá điện, nguy cơ tăng là nhãn tiền bởi ngoài việc vận hành theo cơ chế thị trường, khiến giá điện có thể tăng tới 4 lần một năm, EVN còn được rộng tay hơn rất nhiều trong việc “điều chỉnh”. Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá biến động so với thông số tính toán làm giá điện tăng với mức 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá không cần xin phép.


Điện, cũng như xăng dầu là những mặt hàng đầu vào quyết định đến hầu hết các ngành kinh tế. Khi giá các hàng hoá cơ bản này hắt hơi là cả nền kinh tế sẽ lên cơn sốt. Một sự lựa chọn nên được đặt ra là nên chữa hắt hơi cho các DN xăng dầu hay chữa cơn sốt nóng của nền kinh tế?


Liều thuốc chữa căn bệnh điều chỉnh thực ra không phải là không có: Chấm dứt sự độc quyền. Và có vẻ việc thị trường phát điện cạnh tranh, chính thức vận hành thí điểm vào 1-7 tới, đang là một hướng đi đúng, dù chậm và còn rất nhiều khó khăn để buộc EVN nhè ra miếng bánh độc quyền.


Có thể vào năm 2022, khi thị trường phát điện cạnh tranh đi vào giai đoạn “bán lẻ cạnh tranh” thì có lẽ sẽ xuất hiện những cái tin “không lạ”: Cấm ngành điện giảm giá dưới mức tối thiểu do nhà nước quy định
 
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5378

21 thg 4, 2011

Họa Sĩ Gustave Courbet & Bức "L'origine du Monde - Cội nguồn trần thế"


Bất kỳ du khách nào đến Paris biết chút đỉnh về hội hoạ, cũng đều cố đến Viện Bảo Tàng Orsay xem cho được bức tranh độc đáo của Gustave Courbet (1819-1877) vẽ vào năm 1866, để rồi từ đó cả cuộc đời và sự nghiệp ông gắn liền vào các tai ương cho đến chết. Hoạ phẩm mang tên "Cội nguồn trần  thế" (L’origine du monde).

Là con trai duy nhất của điền chủ nửa nhà quê nửa tư sản được cha mẹ cùng 3 chị nuông chiều, Gustave Courbet 
có tính ngang tàng phóng khoáng của dân du mục, không nghi ngờ bất kỳ cái gì và không điều gì làm nản chí.
Sinh ngày 10 tháng 6 năm 1819 ở làng Ornans (tỉnh Doubs, vùng Franche-Comté , biên giới Thụy Sĩ) miền Đông nước Pháp, sau khi học sơ sài ở tỉnh Besançon, ông lên Paris năm 1840, 20 tuổi đẹp trai, cao ráo thanh tao với đôi mắt nhung và bán diện có nét đông phương, tánh tình vui vẻ, khôi hài sống động, là một đứa con hiếu kính, một
người bạn trung thành và một người tình ưu tú. Ông tự học vẽ thay vì học luật như đã dự định..
Vào thời đó, Viện Mỹ thuật hàn lâm quyết định mọi việc : chọn giáo sư, tổ chức các cuộc triển lãm mỗi hai năm định giá trị tranh không thì khó lòng bán được, và quyết định sẽ mua bức nào cho các viện bảo tàng... Có hai  trường phái rất chia rẽ : trường phái lý tưởng - khách quan, và truờng phái lãng mạn. Hoạ sĩ trẻ muốn sống còn bắt
buộc phải như bột nhuyễn nằm gọn vào một trong hai khuôn này.
Vì không theo trường phái nào nên Courbet bị Viện Hàn lâm làm nản chí. Courbet tự học một mình, vẽ cóp theo các bức tranh nổi tiếng, nhất là theo trường phái Tây Ban Nha và Flamand (người Bỉ nói tiếng Hà Lan) và tạo ngạc nhiên cảm phục ngay cả những người chống đối ông. Ông đã tìm ra mạch vẽ của mình. Mặc kệ lãng mạn, ông vẽ sự thật như nhìn thấy bằng chính mắt mình, không tưởng tượng màu mè, tự cho mình có khuynh hướng xã hội và tuyên bố là "vẽ như thần".
 

Ông làm việc cật lực và năm 1849 giật được mề đai hạng nhì. Nhưng chưa phải là thành công. Năm 32 tuổi,Courbet về làng sinh trưởng và đưa dân làng vào tranh để năm 1850 hiên ngang trở lại phòng triển lãm Hàn lâm với bức tranh vĩ đại 7m x 3.50 mang tên "Đám tang ở Ormans" (Enterrement à Ornans), đã để lại dấu ấn trong lịch sử hội hoạ. Cho tới bấy giờ, khổ lớn chỉ dùng cho những đề tài "sang trọng, cao quý", Courbet chỉ giới thiệu buổi tang lễ nhà quê, màu tối tăm đen là chính, từ ông Thị trưởng đến người đào huyệt mộ, từ nông dân đến tiểu tư sản... đều có mặt, những khuôn mặt tỉnh lẻ xấu xí như cảnh vật chung quanh. Tất cả đều không đẹp đẽ hài hoà trong bức tranh. Nhưng đó là mục đích.





Sự công phẫn vô cùng to lớn. Các nhà phê bình hết lời. Chính trị chen vào. Và huyền thoại nảy sinh. Được mệnh danh "Hoạ sĩ của sự xấu xí", nhưng ông hài lòng : vị trí ông đã định hình rồi. Càng hài lòng hơn khi bức tranhkhông bán cho chính phủ, mà bán cho các nhà sưu tập. Ông tiếp tục sáng tác và bán chạy. Và ông tự cho phép mình từ chối những đề nghị của Giám đốc Viện Hàn lâm. Cuộc triễn lãm năm 1855 ông vẽ bức "Phòng tranh hoạ sĩ" (L'atelier du peintre), nghệ nhân làm trung tâm xã hội, bị từ chối vì không có chỗ, ông sáng chế kiểu thương mại đầu tiên là thuê một biệt thự cạnh phòng triển lãm chính thức, dành riêng cho tranh hiện thực. Không những tranh bán chạy, mà kể cả hình chụp tranh và ca-ta-lô nữa. Các nhà phê bình không còn lời nào đủ mạnh để nói, giá tranh Courbet cứ tăng lên. Các nhà quý tộc kín đáo mua tranh đồng quê, cảnh sinh hoạt và tranh loã thể càng lúc càng táo bạo của ông.

Về bức "Cội nguồn trần thế"
Năm 1866, Khalil Bey, nhà ngoại giao sưu tập tranh người Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ông bức tranh khiêu khích nhất, bức “Cội Nguồn trần thế, vẽ bộ phận sinh dục của đàn bà, trông thật và sống động tới nỗi nó được giấu mãi, ngay cả đến những năm 1950. Vừa vẽ xong là bức tranh biến mất. Ban đầu nhà sưu tập treo trong phòng tắm, sau đó treo tấm màn che. Rồi hoạ phẩm này được bán đi bán lại, và người mua cuối cùng là nhà phân tâm Jacques Lacan vào
những năm 1950, phải làm khung đôi, bên trên vẽ bức tranh khác.

"Cội nguồn trần thế" bị xem là khiêu khích vì nó quá thực, vì nó gợi lên ý nghĩ "những gì bạn trông thấy và nắm bắt được", đây là trường hợp áp dụng thực tế : "hãy gọi con mèo là con mèo".









"Cội nguồn trần thế" bị xem là xấc xược vì cho thấy một đỉnh vú cương cứng, tức là người mẫu vừa qua cơn thoả mãn hoặc sắp sửa đạt được. Hoạ sĩ đã dám phô bày cái ham muốn của người mẫu, điều này chưa ai làm. Cũng bị cho là xấc xược vì nó là bức tranh. Nếu là quyển sách hay truyền hình thì nguời ta có thể khép sách hay tắt truyền hình - trừ phi phải che bằng tấm màn như nhà sưu tập. Và rằng những gì phô bày hết trong vòng kín đáo thì không thể phơi bày ra trước công chúng.

"Cội nguồn trần thế" cũng bị xem là điếm nhục (ngay cả đến ngày nay đối với một số người) vì hội hoạ là loại nghệ thuật cao, có vai trò phải đưa tâm hồn con người hướng thượng, không được hạ xuống các chuyện xung năng.
Trái lại nghệ thuật khiêu dâm có thể chấp nhận được trong chừng mực đạo đức vào thời đó.

"Cội nguồn trần thế" cũng bị một số người quan niệm là hạ giá đàn bà vì nó đã giảm đàn bà xuống thành đàn-bàđồ-vật ; cũng là hạ giá hội hoạ vì dù là vẽ, bức tranh này không còn là một biểu tượng nghệ thuật nữa.






































Cuộc đời sống gió của Gustave Courbet

Thời đó, trừ số người hâm mộ tài năng, phần đông thiên hạ mọi giới đều xem ông như kẻ thù. Đến nỗi tại quảng trường Vendôme ở Paris (gần quảng trường Concorde và Champs Élysée), nơi cây trụ sừng sững đại diện cho nền quân chủ mà Courbet có "khuynh hướng đỏ" thường mong muốn triệt hạ đi, vì cho đó là "một khối đồng hỗn độn kéo dài truyền thống chinh phục, cướp bóc và sát nhân" - bị đập phá ngày 16 tháng năm 1871, và dù không tham dự, có nhân chứng và luật sư biện hộ, ông cũng không thoát được cảnh tù đày.



Ngày 14 tháng 8 năm 1871, cả Paris, nghệ sĩ, chính trị gia và dân tư sản chen lấn vào toà án Versailles trong cái nóng nung người. Người ta hả hê nhìn ông quằn quại đau đớn bị trĩ hành, ngồi nhấp nhổm trên chiếc gối mang theo đặt trên ghế. Trên đường phố Versailles, một bà đập cán dù vào đầu ông, quán cà phê ném vỡ cái cốc ông vừa uống, báo chí vẽ hình ông tóc tai xum xuê, u tối, nham hiểm... Tại quê nhà Ornans, người ta chặt bức tượng đồng người câu cá mà ông đã tặng trang hoàng quảng trường. Người ta khinh bỉ ông. Toà kết án ông 6 tháng tù giam. Lúc này ông 52 tuổi.

Ra tù, các tai hoạ khác bắt đầu. Các nghị viên muốn xây lại cây trụ và trịch thu tài sản ông làm chi phí. Ở Paris người ta tránh né hoặc canh chừng ông. Ở Ornans phòng tranh ông bị tàn phá. Mẹ chết, bạn bè thời thơ ấu cũng chết, thiên hạ lợi dụng thời cơ vơ vét hết : bà chủ nhà cũ ăn cắp của ông hai thùng tranh, chủ nợ, thương gia, nhà sưu tập cố tạo nhiều khó khăn, bắt trả tiền ngay tức khắc, ngay chị ruột của ông cũng báo trình với cảnh sát. Ông hoàn toàn kiệt quệ vì kiện tụng.

Tháng 5-1873, Hạ Nghị viện quyết định ông phải trả 330.091,68 quan vàng (tương đương 800.000 Euros hiện tại) cho cột trụ bị phá. Họ xiết hết tài sản ông, nếu không trả đủ sẽ phải đi tù. Ông miệt mài vẽ nhưng còn lòng dạ đâu, khi biết là bức nào xong cũng sẽ bị trịch thu ?
Chỉ còn giải pháp lưu vong.


Ngày 22 tháng 7 năm 1873, ông sang Thụy Sĩ, ở La Tour-de-Peilz, một cảng nhỏ quận
Vaud. Tại đây ông sản xuất hàng loạt, nhưng con tim không đi cùng nữa. Ông sa đà vào rượu. Thần kinh suy nhược. Ông xin trở về Pháp nhưng bị từ chối. Tài sản ông đã hoàn toàn bị trịch thu hết. Mọi người đều quay lưng.Chỉ có bố ông là người duy nhất tiếp tục tranh đấu cho ông.



Ông mất năm 1877 tại La Tour-de-Peilz, bịnh xơ gan và thủy thũng, thọ 56 tuổi. Courbet để lại cho đời hơn 600 bức tranh. Bức cuối cùng bán với giá 2, 45 triệu Euros.

Năm 1994, cảnh sát Besançon buộc tiệm sách lấy khỏi tủ kính quyển sách mà tác giả đã dùng bức "Cội nguồn trần thế" làm hình bià. Và đến năm 1995 bức tranh này mới được công khai trưng bày ở Viện bảo tàng Orsay. Trước tường treo hoạ phẩm độc đáo này là hàng ghế luôn luôn có quý ông an toạ... Và đàn bà con gái đi ngang qua đấy tình cờ nhìn phải bức tranh đều vội vã quay chỗ khác, âm thầm đỏ mặt hoặc hốt hoảng kêu Oh my God quýnh hơn gặp ma. Bởi vì bức tranh sống động đến nỗi nếu đặt nằm ngang tầm chiếc giường, hai bên che màn, người nhìn sẽ bắt gặp một người đàn bà đang nằm trần truồng trước mặt.



Nguồn : ST

19 thg 4, 2011

Xe biển chẵn, biển lẻ và tư duy sứt mẻ.


Xứ ta, chuyện ngực lép không được đi xe máy, gia súc cởi truồng không được vào thành phố, mỗi người chỉ được đứng tên sở hữu một cái xe máy...nghe đã quá nhàm.

Tuy nhiên, nhiều chuyện tương tự vẫn đang tiếp tục xảy ra qua việc các nhà quản lý i tờ về pháp luật, cả đời chả đọc hiến pháp nên cứ liên tục gà mờ vi phạm luật pháp vì ban hành các văn bản trái luật. Họ như những ông nông dân chất phác nghĩ sao làm vậy, cứ thấy cái gì vướng thì lại giải quyết theo kiểu cho xong.

Họ đâu có hiểu và biết rằng thời nay ít ra một bộ phận người dân ( không phải là ít trong hơn 80 triệu dân )đã có kiến thức không tồi về pháp luật nước nhà và Quốc tế. Chỉ một tiếng nói phản biện có cơ sở cũng đã khiến cho các nhà quản lý nhiều phen phải mang lá chuối để che mặt.

Đó là về khía cạnh tư duy của các nhà quản lý, tư duy của họ dường như hoàn toàn sứt mẻ. Cá nhân nào cũng sứt mẻ và rất chắp vá, tạm bợ

Còn với các nhà khoa học thì sao ? ít có các đề tài khoa học đem ra giúp ích cho đa số các nông dân nhiều vùng. Từ việc nghiên cứu ra các máy công cụ hỗ trợ sản xuất, công nghệ giống, sinh học, trừ sâu, chăm sóc cây con nông lâm ..đều xuất hiện những nhà khoa học chân đất.


Nào là máy gieo hạt đỗ, máy gặt, máy cày bừa liên hợp, máy phun thuốc sâu, bắt sâu bọ, rồi thậm chí đến cả máy bay cánh quạt cũng có anh nông dân bỏ tiền nghiên cứu để làm. Thật chua xót khi các nhà khoa học chỉ ngồi phòng máy lạnh, làm những đề tài như : " tắm giặt cho bộ đội", " điều tra phá án trộm xe máy", " trồng rừng phòng hộ ", " đề án IC 3 chân", " phần mềm ứng dụng quản lý bãi gửi xe"...không ít những đề án như vậy đã tham gia và nhận giải " Sao vàng đất Việt "!

Ít có những đề án như cải tạo sông hồ, xử lý rác và chất thải, tái tạo vật liệu cho xây dựng. Đấy, lại một anh nông dân Ninh Bình bán cả nhà để nghiên cứu ra gạch không nung từ rác thải, tỷ trọng thấp mà mác đạt tiêu chuẩn cho xây dựng, thế mới kỳ. Viện khoa học vật liệu ở ta cũng có ối nhân sự nhưng chưa làm được như anh nông dân kia, chả hiểu vì sao ?

Năm ngoái, có mấy anh bên giao thông còn xin tiền làm dự án trồng cây chỗ dừng đèn đỏ để bà con dừng trước vạch không bị nắng và giảm các trường hợp vượt đèn đỏ vì ...nắng !


Cũng có anh lãnh đạo đề xuất dự án làm cái bể ngầm chứa nước mưa chống ngập cho Thủ đô !


Có anh còn đề xuất mua vài chục tỷ tiền cửa xếp từ Tàu mang về để ngăn ngã tư, được vài tháng giờ chả biết mang đi đâu hết ?


Có anh còn định xin dự án dùng pháo bắn mây để ngăn mưa dịp đại lễ, nghe như truyện hài bờm vác tre ngang vậy.


Còn cái vụ mấy anh Sài gòn đang đề xuất cho xe biển chẵn đi ngày chẵn, lẻ đi ngày lẻ ! bà con tỉnh xa về công tác vài ngày chắc khóc giòng vì chỉ có mỗi cái biển của xe mà phải đi công vụ những mấy ngày, biết tính sao đây ?


Biết đâu mai các anh lại nghĩ ra ý tưởng là cho xe biển chẵn đi đường này, lẻ đi đường kia để phân lượng xe, chưa biết chừng.


Kể sao cho hết những ý tưởng và dự án kỳ quặc đã và đang được mang ra thi thố, dân cứ nghe xong lại mếu, chả biết là các anh ấy đang bị tình trạng gì. Thân phận dân như con sâu cái kiến, trên ra chiếu gì mà chả phải theo, ra đường lớ ngớ chưa kịp biết qui định mới là ăn phạt mất tiền.


Chả biết bao giờ thì mới hết các chiếu ra kiểu cám hấp, chắc không bao giờ vì tóm lại tư duy của kẻ ra chiếu vẫn chỉ toàn sứt mẻ.
 
 
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/Elec-Life/article?mid=1258&prev=1261&next=1253