Có thể kể ra không hết những cái giật mình của người dân kể từ khi Đinh La Thăng lên làm bộ trưởng, ban đầu là cấm cán bộ ngành GTVT chơi golf. Chẳng biết cái lệnh cấm của Đinh La Thăng có cần thiết lắm không và hiệu lực đến đâu, chỉ thấy sau đó chẳng ai tổng kết cũng không thèm nhắc đến nữa, coi như chuyện trẻ con hò hét dọa nhau chơi.
Mấy tháng qua, cả xã hội đảo lộn chỉ bởi một tay Bộ trưởng thỉnh thoảng nổi cơn ngẫu hứng bất thình lình. Mà toàn là những cơn ngẫu hứng chẳng giống ai. Mình cứ nghĩ đi nghĩ lại tay Bộ trưởng Thăng này muốn có những thay đổi thật sự vì đất nước, vì người dân hay chỉ “nổ” cho cả thế giới biết mình là bộ trưởng và có quyền đưa cả đất nước làm chuột bạch thí nghiệm cho những cơn ngẫu hứng của mình.
Tiếp đến là cái yêu cầu cán bộ công nhân viên ngành của ông ta đi xe bus. Rồi cũng chính anh ta cam kết sẽ đi xe bus mỗi tuần một lần. Chính ông ta cũng cam kết sẽ đi xe bus với bà con. Nhưng sau đó phán một câu xanh rờn:“ thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”. Thế là hòa.
Thế rồi đến chuyện đổi giờ học. Cả thành phố nhốn nháo, học sinh đi học từ sáng đến tận tối mịt chưa được về, đói lả, nhà trường nhốn nháo, gia đình bị động, loạn lên như cào cào… Nhưng, đường tắc vẫn cứ tắc, đỡ giờ này thì phát sinh giờ khác, chưa hết chỗ này thì đã có nhiều chỗ khác tắc hơn. Rồi cũng được dăm ba hôm đâu lại vào đấy, các cháu vẫn cứ theo giờ cũ mà đi, đến giờ thì về, tắc đường vẫn cứ yên tâm mà… chờ hít bụi.
Không thể hiểu nổi, với tư cách là một Bộ trưởng, Đinh La Thăng xem cuộc sống người dân là gì dưới tay anh ta. Cũng như anh ta đã dùng quyền lực nhà nước như thế nào? Cẩu thả, tắc trách, dốt nát hay tính sĩ diện thích ra oai quyền lực đã dẫn anh ta đến hết trò này đến trò khác?
Có phải những cái lệnh đóng dấu Bộ trưởng, những công văn hỏa tốc, quyền lực nhà nước giao vào tay Đinh La Thăng chỉ là để đem ra đùa chơi cho vui, không mang tính nghiêm túc. Bởi nếu có tính nghiêm túc, ông ta phải biết khi muốn áp dụng những kế hoạch nào vào xã hội, cần nghiên cứu thậm chí thí nghiệm cẩn thận trước khi đưa ra.
Nói một cách cụ thể hơn, Đinh La Thăng đã dùng cả mấy triệu dân Hà Nội và cả đất nước này vào những trò thí nghiệm không cần thử trước. Như vậy, tính mạng, cuộc sống người dân dưới tay Đinh La Thăng không bằng thân phận con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.
Thế rồi mới đây anh ta lại đề ra cách thu phí… với đủ cách suy nghĩ và bao biện, mà thực chất là bóp nặn bằng sạch những cái khố rách của người dân vốn đã lao đao với giá cả tăng chóng mặt mà chính phủ cứ mặc dân kêu gào.
Thế rồi mới đây anh ta lại đề ra cách thu phí… với đủ cách suy nghĩ và bao biện, mà thực chất là bóp nặn bằng sạch những cái khố rách của người dân vốn đã lao đao với giá cả tăng chóng mặt mà chính phủ cứ mặc dân kêu gào.
Đến đây người ta đã rõ bụng dạ ông Bộ trưởng muốn gì? Có phải những trò hô hoán, đề đạt đã nêu trên, nói trước bỏ sau, kêu to đánh khẽ, làm đâu bỏ đấy của ông nhằm đến mục đích cuối cùng là nặn túi người dân vét nốt những đồng hào lẻ?
Biện bạch cho thu phí giao thông đánh vào túi người dân, rằng như vậy là phí chồng phí, Đinh La Thăng đã không từ một lý do nào. Khi bị chất vấn về việc thu phí, ông ta bảo thu phí là để làm “đường tuần tra biên giới, nếu không thì ai sẽ giữ biên giới cho chúng ta?”. Cách giải thích lạ đời này đã lập tức bị coi là trò mèo vớ vẩn. Sao ông ta không đề nghị thu phí giao thông luôn để đánh Trung Quốc lấy lại Hoàng Sa hoặc Trường Sa luôn cho tiện. Hoặc thu phí giao thông để cho Phạm Tuân lại đi giao thông lên vũ trụ chơi chuyến nữa? Vì nếu không thì ai lấy lại Hoàng Sa, ai đi lên vũ trụ cho chúng ta?
Chỉ riêng cách giải thích này đã cho thấy tư duy Đinh La Thăng, Bộ trưởng một Bộ chiếm ngân sách khổng lồ và đảm bảo một ngành quan trọng của đất nước rành mạch đến đâu.
Điều không bình thường là trên ông ta còn có Thủ tướng, dưới ông ta còn có các Thứ truởng, cục, vụ, viện… lẽ nào như cha ông ta nói “Cháu nó lú thì có chú nó khôn” mà không ai chỉ bảo cho Đinh La Thăng rằng không được phép lấy cả đất nước và hàng triệu người dân làm chuột bạch như thế.
Nhưng đến khi biện bạch cho việc thu phí, không phải Đinh La Thăng không biết tính toán và không có suy nghĩ. Chính vì có suy tính, nên khi được giao quyền lực trong tay Đinh La Thăng là Bộ trưởng một Bộ giao thông, anh ta đã cố gắng khai thác nhiều nhất khả năng móc túi người dân bằng những cách hiệu quả nhất. Tất nhiên không tính đến sự hợp lý của những quyết định đó.
Chỉ có điều cái suy nghĩ của ông ta là ai cũng như ông, cũng nhiều tiền như Bộ trưởng hoặc đã từng có thời làm mưa làm gió ở cái ngành nhiều tiền nhất của đất nước là ngành dầu khí.
Khi đổi giờ, anh ta bảo: “Có một điều cụ thể là tôi đi làm lúc 6h30, hơn 7h mới về tôi chả thấy bao giờ tắc đường cả. Mọi người cũng thế thôi…”. Vâng, mọi người cũng thế thôi, cũng sống, cũng đi ra khỏi nhà và về nhà mình, nhưng họ không như ông, ông Đinh La Thăng ạ. Họ không có xe đưa đón, không có nhà cửa to lớn và hàng đống người nịnh bợ, giúp việc cũng như họ đang sống đồng lương chết đói trong tình hình giá cả hiện nay.
Đặc biệt, họ không có trách nhiệm thay người khác khi đóng tiền tuần tra biên giới vào phí giao thông. Đó là trách nhiệm của cả dân tộc. Trong đó bao gồm cả những người có cái đầu nghĩ ra những thứnày nhưng không bao giờ phải đi xe riêng hoặc bằng phương tiện cá nhân như anh ta.
Họ cũng không thể cứ đúng 6h30 ra khỏi nhà và hơn 7h mới về như ông. Họ còn cả đống công việc lo lắng cho cuộc sống của họ và gia đình họ.
Trong tư duy của Đinh La Thăng và bộ sậu của anh ta, anh ta cho rằng “không thể nói phí này đánh vào người nghèo” thì tôi không hiểu anh ta đang nói với ai?
- Thứ nhất, nếu không đánh vào người nghèo, thì có nghĩa là yên tâm khi đánh vào người giàu thì không sao? Cứ đánh thoải mái miễn là nó còn nôn ra được tiền? Có phải đây chính là tư tưởng “kinh tế thị trường định hướng XHCN” quái gở mà chúng ta đang lần mò trong đó? Nghĩa là cứ làm giàu đi, đến khi nào cần tao không tịch thu, công hữu được cách này thì sẽ có cách khác buộc mày phải nôn tiền?
- Thứ hai, khi tăng thuế đường, thuế xe, xăng… tất cả mọi thứ sẽ tăng giá buộc mọi người phải chịu vào cước xe. Bà nông dân đi viện, ông công nhân về nhà thăm quê, họ đi bộ mãi được sao? Vậy những khoản đó đánh vào ai? Hay nó đánh vào những người tham gia giao thông bằng xe nhà nước như anh bộ trưởng họ Đinh này?
Thậm chí, một tay Thứ trưởng của anh ta còn giải thích là mỗi chuyến xe thêm mấy triệu chia đều bao nhiêu hành khách không đáng bao nhiêu, hoặc ngành vận tải congtennơ là siêu lợi nhuận nên thêm mỗi chuyến vài triệu không ảnh hưởng. Đúng là miệng lưỡi từ những cái đầu dốt nát và không thể nói gì hơn là ngu xuẩn. Tại sao anh ta không hiểu rằng đời sống người dân đã tích tụ quá nhiều những cái “không lớn” như anh ta đã dẫn ra để đang đi đến sự khốn đốn? Và có phải quyền lực được giao cho anh ta thì anh ta có quyền tước đoạt từ tay người dân đồng tiền mồ hôi xương máu của họ bằng những chính sách bất hợp lý?Tại sao anh ta không hiểu rằng ngành nọ, ngành kia siêu lợi nhuận như anh ta nói thì nhà nước đã sẵn sàng tròng vào cổ họ những sợi dân thuế má khác nhau.
Tại sao có một ngành siêu lợi nhuận hơn cả, là tệ tham nhũng của công, đặc biệt là trong các công trình giao thông ông ta không nhắm vào đó mà lấy lại tiền bị cướp đi?
Cuối cùng, chẳng có thể nói gì hơn, là khi một người được giao trọng trách mà ăn nói quàng xiên, ra lệnh ấm ớ, đặc biệt không biết mình đang phục vụ đối tượng nào, thì đời sống người dân cứ như giao vào tay kẻ đánh bạc. Và cả đất nước, dân tộc ta lại tiếp tục biến thành những con chuột bạch không cần bảo hiểm.
Nhưng, trên hết là thân phận người dân, cứ mòn mỏi nôn sạch từ những đồng tiền cắc nhỏ nhất trong đáy quần cho đến tài sản chắt chiu bao đời cho thỏa cơn khát tiền hiện nay của nhà nước. Cơn khát đó đang được giải khát bằng những lý do vớ vẩn và sự ngụy biện của quan chức để mục đích cuối cùng là người dân nôn ra những thứ họ cần.
Những điều đó không có gì lạ, chính sách đó diễn đi, diễn lại quá nhiều qua nhiều thời kỳ. Nhưng khi một Bộ trưởng dám thừa nhận rằng: “Tôi bị ’chửi’ suốt” như một chuyện bình thường mà không suy nghĩ, thì đó là đã đến lúc không còn gì để nói thêm.
18/3/2012
Nguồn "J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét