Hồi ông Phiêu (Lê Khả Phiêu) làm Tổng Bí thư, tôi phục ở việc dẹp được đội ngũ “cố vấn”. Trước nhiệm kỳ ông Phiêu, các vị trong bộ tứ nguyên thủ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội) khi nghỉ hưu đều được phong hàm “cố vấn Ban chấp hành trung ương”. Hàm “cố vấn” ấy cố nhiên được hưởng trọn đời đến khi chết.
Ngoài đảng, nên tôi không rõ qui chế và thực tế quyền lực được trao cho hàm vị “Thái thượng hoàng” trong đảng như thế nào. Nhưng quả thật một thời gian dài nhìn vào cứ tưởng như tồn tại song hành từng cặp 2 Tổng bí thư, 2 Chủ tịch nước, 2 Thủ tướng, 2 Chủ tịch quốc hội- rất khôi hài! Sự nhiêu khê trong các quyết sách lớn ảnh hưởng ra sao không rõ, nhưng tôi nghĩ tất nhiên là có. Nội việc dành ghế cho các ngài trong mỗi mùa đại hội, lễ lạt và cách thưa gửi loằng ngoằng đã nghe rối rắm, chối tai.
Cựu Tổng thống Mỹ không có quyền và cũng chẳng ai mời vào Nhà trắng dự các hội nghị, lễ nghi của chính phủ. Hưu thì về quê cưỡi ngựa chơi dáng cao bồi Texas như George W. Bush, viết sách và lập quĩ phòng chống HIV/AIDS mang tên mình như Bill Clinton, hoặc “rong chơi” vận động hòa bình, hóa giải xung đột cho các điểm nóng toàn cầu (ngoài nước Mỹ) như Jimmy Carter.
Cơ chế “Thái thượng hoàng” không được quốc gia nào dung nạp, ngoài các thể chế phong kiến và cộng sản.
Vì thế, việc loại bỏ tầng lớp “Thái thượng hoàng” trong đảng được coi là cú đột phá táo bạo và dũng mãnh nhất của ông Phiêu, cho dù ông chỉ ngồi ghế Tổng bí thư chưa trọn một nhiệm kỳ. Không nhờ ông, tôi dám chắc mãi đến nay vẫn chưa thể xóa nổi cái lớp tầng đặc biệt cao hơn trời này. Ấn tượng thời ông Phiêu để lại có lẽ được mỗi điều đó.
Hưu. Cho dù vẫn lập “văn phòng” tại tự gia, nhưng ông Phiêu ít xuất hiện, vai trò mờ nhạt dần, ít can dự vào các hội hè, quyết sách.
Tất nhiên, vẫn nghe nhiều đồn đoán về vai trò “buông rèm chấp chính” của cụ này cụ nọ trong việc này việc kia, nhất là câu chuyện nhân sự. Nhưng phải thừa nhận rằng “sức ép Thái thượng hoàng” đã dần mờ nhạt và khó có đất sống. Nhiều vị hưu cái là ngồi hẳn nhà, không xuất hiện, cho dù tầm cấp lễ hội nào, thậm chí cả đại hội đảng. Cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là nhân vật ít ỏi trong nhóm “Thái thượng hoàng” biết im lặng, và ông giữ được thái độ không can dự, đóng tròn vai “hưu” đến cuối đời.
Tất nhiên, không thể không ghi nhận nhiều “giá trị hưu” của một vài cụ biết thức tỉnh trong chặng cuối khi đã nghe quá gần mùi đất. Đặc biệt ở vai trò kích hoạt cho tiến trình dân chủ, công bằng và công lý cho dân. Nhưng loại này rất ít, giỏi lắm đôi ba người, đủ làm giá trị mang tính biểu tượng.
Vai trò và “giá trị hưu” của chính khách khác với vai trò và “giá trị hưu” của nhân sĩ trí thức. Vai trò và “giá trị hưu” của nhân sĩ trí thức cần khơi gợi, khích lệ, nhưng vai trò và “giá trị hưu” của chính khách thì nên đóng cửa, im lặng- Tôi nghĩ thế!
Các chính khách, khi hưu nên học cách… im lặng! Nhất là các cụ từng ngồi lì hàng mấy nhiệm kỳ nhưng chẳng để lại dấu ấn gì. Không ít cụ mới ngày trước còn đương nhiệm ngồi mắng người khác "Hãy nhìn người ta một cách toàn diện, chứ không phải cuối đời nói một số điều cho phù hợp với xu thế đổi mới có nghĩa là cái gì ông cũng nhất, không phải đến lúc về hưu rồi mới bắt đầu nổi lên như sóng cồn", nhưng hưu ngày trước, ngày sau chính họ lại oang oang như thánh tướng, ghế nào cũng ngồi, mâm nào cũng dự.
Đây cũng là việc để các cụ các bác đương nhiệm nhìn lại mình sớm. Khi đương nhiệm, quyền chức đầy mình thì cố làm nên một thay chuyển gì đó, để lại ấn tượng gì đó cho hậu thế còn nhớ, chứ không phải đến khi hưu rồi mới nói hay, thành cụ “cựu” rồi mới… phát sáng!
Gần đây, chợt thấy ông Phiêu hay xuất hiện trở lại. Ông Sang (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) đi đâu cũng thấy ông Phiêu song hành. Vào thị sát miền Tây cũng thấy ông Phiêu, vào Thanh Hóa phát động lại lời phát động của cụ Hồ xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh “kiểu mẫu” cũng thấy ông Phiêu chễm chệ ngồi ngang cạnh Chủ tịch Sang.
Đại hội của chị em phụ nữ hôm rồi cũng tùm lum các cụ cựu ngồi choán hết hàng ghế đầu.
Tôi không hiểu các cụ ngồi để làm gì? Thú thật, riêng khoản này tôi phục các cụ. Già cả, đi đứng loạng choạng, vậy mà chịu khó ngồi hết chỗ này nơi nọ, suốt buổi, cả ngày phải nghe, phải cười, phải vỗ tay mà không ngủ gật thì quá… tài!
Không biết nghe đâu đó, ai kể quên rồi về chuyện… Liên Khui Thìn đếm tiền! Ấy là khi chưa lâm nạn, còn cả núi tiền. Có người hỏi “ông giàu thế, tiền đốt không hết mà sao vẫn ham kiếm tiền thêm nữa để làm gì?”. Thìn đáp rằng: Ừ, tiền nhiều không biết làm gì hết, nhưng đêm ngủ vẫn mơ thấy tiền, và thú thật đời tôi có một thú vui rất kỳ lạ khó bỏ được, nó gây nhiều cảm hứng, đó là: đếm tiền!
Có nhiều cách cắt nghĩa. Nhưng tôi nghĩ đó là bệnh nghiện. Nghiện tiền còn hơn nghiện ma túy.
Nghiện quyền lực, hơn thế nữa, khó cai chữa hơn nghiện tiền và nghiện ma túy trăm vạn lần.
Người nghiện ma túy ngày một nhiều.
Đại gia nghiện tiền như Thìn Liên Khui cũng không ít.
Trường hợp của ông Phiêu càng không phải cá biệt.
Nghiện ma túy còn được vào trại, có thuốc cai. Nghiện tiền cũng trị được, cho dù bằng “gói thuốc” là án tù chung thân như Liên Khui Thìn.
Nhưng cái bệnh nghiện quyền lực, mà lại là quyền lực “Thái thượng hoàng” thì thuốc nào đặc trị ?
Nguồn : TRUONGDUYNHAT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét