Là cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò của các bộ là đưa ra chiến lược phát triển ngành mang tầm vĩ mô, mang tính tổng thể có tầm nhìn xa trong nhiều năm. Đồng thời tìm cách tháo gỡ những nút thắt trong hệ thống, chứ không phải như chỉ loay hoay các giải pháp tình thế, loay hoay đẩy khó cho dân bằng đủ các thứ phí.
Cố tìm ra một cái tên... "phí"Phương án đổi giờ và phân làn đường giao thông đô thị có thể nói là đã không thành công, điều này cho thấy Bộ Giao thông Vận tải quá nóng vội. Tiếp đó, Bộ này lại liên tiếp đưa ra giải pháp giao thông bằng việc thu phí lưu hành và phí bảo trì đường bộ.
Đầu tiên là phí lưu hành xe máy và ô tô cá nhân (đã được nghiên cứu kỹ và đã thống nhất với các bộ ngành - theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng). Sau khi có nhiều ý kiến phản hồi, trong đó chủ yếu là phản đối, thì "bất ngờ" Bộ GTVT lại đề xuất phí bảo trì đường bộ (có lẽ cũng đã được... nghiên cứu kỹ).
Ngay lập tức, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận từ xã hội hơn. Có cảm giác là các đề xuất trên chưa được nghiên cứu kỹ về mặt chiến lược, hiệu quả và tác động của nó đối với xã hội như thế nào, mà chỉ tìm cách để thực thi nó (thu tiền như thế nào).
Là cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò của các bộ là đưa ra chiến lược phát triển ngành mang tầm vĩ mô, mang tính tổng thể có tầm nhìn xa trong nhiều năm. Đồng thời tìm cách tháo gỡ những nút thắt trong hệ thống, chứ không phải như chỉ loay hoay các giải pháp tình thế, loay hoay đẩy khó cho dân bằng đủ các thứ phí.
Chính quyền đô thị đang ở đâu trong sự ùn tắc?
Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, về lâu dài, đây là việc cần làm, đặc biệt là xe máy. Tuy nhiên, để hạn chế loại phương tiện giao thông này, thì bắt buộc phương tiện giao thông cộng cộng phải thay thế được nó (đáp ứng được nhu cầu).
Như vậy, các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chỉ được thực hiện khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng đủ. Vì đi lại không những là một nhu cầu thiết yếu và là quyền của người dân cũng như sự phát triển của xã hội.
Nhu cầu này ngày một tăng, công việc của các nhà quản lý là phải: Dự đoán và tính toán trên cơ sở khoa học nhằm đưa ra các giải pháp giao thông, để đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả và văn minh.
Hiện nay, với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực của phương tiện giao thông công cộng cũng như công tác quản lý ở nước ta không thể đáp ứng nổi. Do vậy chưa thể hạn chế phương tiện cá nhân được.
Việc phải làm ngay là bắt tay xây dựng chiến lược lâu dài và tổng thể một cách công tâm và khoa học cho bài toán giao thông. Chấp nhận chậm còn hơn là manh mún kéo dài.
Vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn cũng đã có nhiều bài phân tích, và mọi người đều thấy rõ nguyên nhân chủ yếu là do:
Thứ nhất, yếu kém về quy hoạch và quản lý đô thị. Các thành phố đã để cho dân số cơ học tăng quá cao, mà không có biện pháp quản lý. Các khu dân cư với các dịch vụ xã hội đi kèm được xây dựng một cách hệ thống hoặc nhỏ lẻ mà không dựa trên tính toán khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Đây là một sai lầm khủng khiếp nhất và khó khắc phục.
Các công trình giao thông nội đô có cải thiện nhưng không thể theo kịp phát triển và không thể bù đắp được sai lầm về quy hoạch. Các phương tiện giao thông công cộng có được tăng cường nhưng rất yếu về chất lượng, số lượng và loại hình.
Thứ hai, luật không nghiêm và ý thức người dân rất tồi. Nguyên nhân nguy hiểm này dẫn đến hình thành những thói quen xấu và rất khó thay đổi của người tham gia giao thông.
Nếu như ở nước ngoài, người đi bộ bị tai nạn ở phần đường không dành cho họ, thì người đó phải gánh hậu quả và chịu trách nhiệm, do vậy người tham gia giao thông rất có ý thức. Còn ở ta thì lẫn lộn, khi có tai nạn thì cãi nhau tùm lum rồi... tự giải quyết.
Ai cũng có thể thấy mọi thành phần tham gia giao thông cứ đua nhau, mạnh ai người ấy đi, hỗn loạn để rồi đối đầu với tai nạn, với tử thần. Mấy cái biển phân làn cùng các bác "cầm gậy" không thể giúp được gì, thế là giải pháp phân làn với bao tâm huyết và tốn kém coi như phá sản.
Không ở đâu trên thế giới có nhiều cảnh sát giao thông đứng ngoài đường như ở Việt Nam. Và cũng không ở đâu người tham gia giao thông lại coi thường luật và vô ý thức như ở nước ta.
Vấn đề giao thông đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta hầu như chỉ thấy tiếng nói của Bộ GTVT, các thành viên chuyên trách của Quốc hội, các thành viên Chính phủ. Đây, trước tiên là vấn đề của địa phương, mà cụ thể là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, chịu trách nhiệm trước tiên là địa phương. Địa phương phải đưa ra các giải pháp cho vấn đề của mình. Có nhiều giải pháp địa phương có thể làm, có những giải pháp phải xin ý kiến cao hơn. Làm như hiện nay, chúng ta không thấy vai trò của địa phương đâu cả. Họ đang ở đâu trong vấn đề này???
Giải pháp trước mắt
Rõ ràng, mọi nỗ lực trước mắt không thể giải quyết triệt để được tình trạng hiện nay, có chăng chỉ cải thiện một phần nào mà thôi. Tôi xin đưa ra một giải pháp để cùng tham khảo:
a) Nghiên cứu chuyển phần lớn các tuyến đường nội đô thành đường một chiều, trừ các đường lớn đã có giải phân cách. Phương án này làm giảm các xung đột giao thông tạo điều kiện tăng tốc độ lưu chuyển các các phương tiện vì:
- Giảm xung đột ở các điểm giao cắt.
- Tránh tuyệt đối xung đột của các phương tiện do ngược chiều nhau.
- Chấm dứt hiện tượng quay đầu giữa đường xe tùy tiện như hiện nay.
Hơn nữa, giải pháp này một phần giảm được việc lạm dụng xe máy: Đối với khoảng cách ngắn phải đi ngược chiều, người tham gia giao thông sẽ chọn cách đi bộ, thay bằng đi xe máy phải đi vòng xa. Dần dần, tạo thói quen đi bộ văn minh cho người dân.
Nếu nghiên cứu và bố trí các tuyến đường một cách hợp lý sẽ cải thiện được tình trạng tắc nghẽn giao thông vì tạo điều kiện cho dòng phương tiện chạy liên tục.
b) Áp dụng chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm luật giao thông. Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu nên không thể không thực hiện, để buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ luật và có ý thức.
Tôi nghĩ đây là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện hiện nay.
Nguồn : Hoàng Minh Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét