Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 3, 2012

Nước Vệ triều nhà Sản
Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai.

Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa.
Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông.
Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc.
Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt.
Nhà nhà phá sản, khánh kiệt.
Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa,quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng.

Bấy giờ nhà Sản thấy ngân khố trống rỗng, lo lắng họp triều định nghị sự, đại thần nghị chính Tôn Dưa mở đầu nói rằng.

- Nay thiên hạ rối ren, đập nứt, vỡ nợ, nông dân thì kiện triều đình mất đất, ngư dân thì bị Tề bắt giam đòi chuộc, giá cả lạm phát hàng ngày....nhưng thứ đó đều quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất cần bàn phải là ngân khố triều đình. Đập vỡ chết dân thì dân lại sinh đẻ. Nông dân, ngư dân không có ruộng, biển hành nghề  tức khắc đói đầu gói phải bò kiếm nghề khác. Giá cả cao thì không ăn thịt nữa chọn rau , củ mà ăn...chưa hẳn là cấp bách. Ngân khố là sức mạnh đoàn kết của triều đình, không có ngân khố không duy trì được ba quân. Không giữ được ba quân thì không giữ nổi triều đình. Nước Vệ ta từ khi thành lập đến nay dân tình trải qua bao lần đào sắn, khoai trừ bữa nhưng chưa bao giờ sinh biến, ấy bởi vì ngân khố cho ba quân còn mạnh. Ba quân mạnh thì dẫu biến thế nào cũng trị được. Bởi vậy lần này nghị triều, việc khẩn cấp là tìm nguồn tài lực cho ngân khố. 

Vệ Kính Vương trầm tư gật đầu, xưa Dưa với Vệ Kính Vương cùng trường, người khóa trước kẻ khóa sau. Nên nói là hợp ý. Vệ Kinh Vương trăn trở luận rằng.

- Biết là vậy, nhưng tài nguyên đã bán hết từ lâu, ruộng đồng của dân thu hồi về bán cũng gần hết. Vay nợ bên ngoài khắp nơi giờ cũng hết chỗ mà vay. Biết chỗ nào trông cậy.

Bạo e hèm một tiếng, triều thần đổ dồn ánh mắt về phía Bạo. Làm tể tướng nhiều năm, Bạo có tiếng là liêm khiết. Gia sản thanh bạch, nhà cửa mồ mả cha ông ở quê nhà vẫn đơn sơ, giản dị. Con cái, họ hàng không được nhờ cậy toàn phải tự lực cánh sinh. Lúc Bạo làm tể tướng tính yêu sự thật, ghét giả dối cho nên không có bè cánh gì cả, chỉ dựa vào tài năng, đức độ của mình mà điều hành việc nước. Không những dân chúng trong nước yêu mến, mà ngay cả người nước ngoài đều đánh giá Bạo tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Bởi vậy Bạo hắng giọng là được sự chú ý của cả triều đình.

Bạo đưa cằm lên cao, ngước mắt nhìn xung quanh, mắt nheo nheo, miệng cười khẩy nói.

- Triều nhà Sản ta xưa nay lắm lý luận, chả lẽ không có kế gì sao.?

Một phần ba đại thần nghị chính là nho sĩ, triết gia, lý luận hàng đầu của nước Vệ. Nghe Bạo hỏi ai cũng tảng lờ. Việc tiền bạc và chữ nghĩa xưa nay không mấy khi chung đường. Bạo đợi mãi không thấy ai trả lời, mới hỏi.

- Thế nào là phát huy nội lực.?

Vẫn không ai trả lời, Bạo quay lại đằng sau gọi quân bản bộ của mình là tùy tướng Đương Leo Thang.

-  Này Thang, ngươi có trả lời được câu này cho triều đình nghe không ?

Đương Leo Thang tuổi trẻ, tài cao, chí lớn. Người trấn Sơn Nam Hạ. mắt phượng, mày ngài đi đứng ăn nói dõng dạc. Nghe chủ tướng gọi tên mình, Thang bước ra giữa triều tâu.

- Phát huy nội lực chính là lúc này đây, không lấy được tiền từ tài nguyên, đất đai, vay mượn thì lấy từ trong dân. Kế này gọi là hết nạc ta vạc đến xương. Dân ta bây lâu nay nhờ ơn nhà Sản mở mang luật pháp cho làm ăn, của nả cũng dư dả. Xe cộ nườm nượp đi tắc cả đường. Nay nhân cớ dẹp tắc đường mà thu phí. Đó chả phải là kế hay sao.?

Bạo hỏi.

- Thế ngươi đã có chủ trương gì chưa ?

Thang tâu.

- Thưa tể tướng, thần từ khi nhậm chức đã biết lo xa. Nên đã học Thương Ưởng.

Triều đình có tiếng thì thầm, học gì , Thưởng Ưởng là ai nhỉ ?

Thang rành rẽ kể.

- Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.

Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”.
Suốt ngày hôm đó không có ai vác.
Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”.
Hôm ấy cũng chẳng có ai vác.
Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì. 

Một người ăn mày nói:
-Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?
Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.

Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.
Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt.
Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy

Thang ngừng lại một lát để câu chuyện được thấm vào tai người nghe, đoạn tiếp.

- Thần khi mới nhậm chức, đã học chuyện đó mà cách chức mấy mống quan dưới quyền. Ra lệnh khắt khe với bọn dưới trướng. Dân tình giờ ai cũng hân hoan, khen ngợi quan lại triều ta chí công vô tư. Lời nói bây giờ thần đã có trọng lượng với dân rồi ạ.

Bạo khoát tay.

- Thôi không rườm rà, thế đã đến lúc phát huy nội lực chưa ?


Thang tâu.


- Giờ đã là lúc chín muồi, thần đã có bản tấu xin triều đình phê chuẩn thu phí xe cộ trong dân gian.

Bản tấu của Đương Leo Thang chuyền tay cho triều đình đọc, ai cũng tấm tắc khen kế sách chu toàn, nghĩ trước sau chặt chẽ. Các quan lại đứng đầu các bộ như tìm ra được hướng đi, hân hoan bàn tán râm ran, người tính tăng giá thuốc, người lượng tăng giá than, người áng thu phí thuế đất ở phi nông nghiệp....

Vệ Kính Vương nâng ly mừng tể tướng Bạo.

- Quả là rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt, công lao này thuộc cả về tể tướng.


Bạo nhận chén rượu, khiêm tốn đáp lễ rằng.


- Ấy là nhờ Vương cả, giữ vững được niềm tin cho dân chúng đến chùa, giữ được chùa tất nhiên có oản mà thôi.

Triều đình nhà Sản nghị xong, tình đoàn kết lại tràn trề. Mọi mối tị hiềm đều được xua tan. Đúng là một nước cường thịnh, vua sáng tôi hiền. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời tiên đế ban khi xưa.

Lúc lệnh ban ra, dân chúng đa số đồng thuận. Duy có lác đác vài kẻ cự nự. Đại thần nghị chính kiêm tổng trấn kinh thành là Cả Sáng phán.

- Chúng mày nhiều tiền mua xe đi, kêu ca cái nỗi gì.

Dân chúng từ đó không còn ai dị nghị nữa.


Nguồn : NGƯỜIBUONGIO

28 thg 3, 2012

Phí chồng phí, đẩy khó cho dân

Là cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò của các bộ là đưa ra chiến lược phát triển ngành mang tầm vĩ mô, mang tính tổng thể có tầm nhìn xa trong nhiều năm. Đồng thời tìm cách tháo gỡ những nút thắt trong hệ thống, chứ không phải như chỉ loay hoay các giải pháp tình thế, loay hoay đẩy khó cho dân bằng đủ các thứ phí.
 
Cố tìm ra một cái tên... "phí"
Phương án đổi giờ và phân làn đường giao thông đô thị có thể nói là đã không thành công, điều này cho thấy Bộ Giao thông Vận tải quá nóng vội. Tiếp đó, Bộ này lại liên tiếp đưa ra giải pháp giao thông bằng việc thu phí lưu hành và phí bảo trì đường bộ.
Đầu tiên là phí lưu hành xe máy và ô tô cá nhân (đã được nghiên cứu kỹ và đã thống nhất với các bộ ngành - theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng). Sau khi có nhiều ý kiến phản hồi, trong đó chủ yếu là phản đối, thì "bất ngờ" Bộ GTVT lại đề xuất phí bảo trì đường bộ (có lẽ cũng đã được... nghiên cứu kỹ).
Ngay lập tức, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận từ xã hội hơn. Có cảm giác là các đề xuất trên chưa được nghiên cứu kỹ về mặt chiến lược, hiệu quả và tác động của nó đối với xã hội như thế nào, mà chỉ tìm cách để thực thi nó (thu tiền như thế nào).
Là cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò của các bộ là đưa ra chiến lược phát triển ngành mang tầm vĩ mô, mang tính tổng thể có tầm nhìn xa trong nhiều năm. Đồng thời tìm cách tháo gỡ những nút thắt trong hệ thống, chứ không phải như chỉ loay hoay các giải pháp tình thế, loay hoay đẩy khó cho dân bằng đủ các thứ phí.

Chính quyền đô thị đang ở đâu trong sự ùn tắc?
Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, về lâu dài, đây là việc cần làm, đặc biệt là xe máy. Tuy nhiên, để hạn chế loại phương tiện giao thông này, thì bắt buộc phương tiện giao thông cộng cộng phải thay thế được nó (đáp ứng được nhu cầu).
Như vậy, các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chỉ được thực hiện khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng đủ. Vì đi lại không những là một nhu cầu thiết yếu và là quyền của người dân cũng như sự phát triển của xã hội.
Nhu cầu này ngày một tăng, công việc của các nhà quản lý là phải: Dự đoán và tính toán trên cơ sở khoa học nhằm đưa ra các giải pháp giao thông, để đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả và văn minh.
Hiện nay, với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực của phương tiện giao thông công cộng cũng như công tác quản lý ở nước ta không thể đáp ứng nổi. Do vậy chưa thể hạn chế phương tiện cá nhân được.
Việc phải làm ngay là bắt tay xây dựng chiến lược lâu dài và tổng thể một cách công tâm và khoa học cho bài toán giao thông. Chấp nhận chậm còn hơn là manh mún kéo dài.
Vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn cũng đã có nhiều bài phân tích, và mọi người đều thấy rõ nguyên nhân chủ yếu là do:
Thứ nhất, yếu kém về quy hoạch và quản lý đô thị. Các thành phố đã để cho dân số cơ học tăng quá cao, mà không có biện pháp quản lý. Các khu dân cư với các dịch vụ xã hội đi kèm được xây dựng một cách hệ thống hoặc nhỏ lẻ mà không dựa trên tính toán khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Đây là một sai lầm khủng khiếp nhất và khó khắc phục.
Các công trình giao thông nội đô có cải thiện nhưng không thể theo kịp phát triển và không thể bù đắp được sai lầm về quy hoạch. Các phương tiện giao thông công cộng có được tăng cường nhưng rất yếu về chất lượng, số lượng và loại hình.
Thứ hai, luật không nghiêm và ý thức người dân rất tồi. Nguyên nhân nguy hiểm này dẫn đến hình thành những thói quen xấu và rất khó thay đổi của người tham gia giao thông.

Nếu như ở nước ngoài, người đi bộ bị tai nạn ở phần đường không dành cho họ, thì người đó phải gánh hậu quả và chịu trách nhiệm, do vậy người tham gia giao thông rất có ý thức. Còn ở ta thì lẫn lộn, khi có tai nạn thì cãi nhau tùm lum rồi... tự giải quyết.
Ai cũng có thể thấy mọi thành phần tham gia giao thông cứ đua nhau, mạnh ai người ấy đi, hỗn loạn để rồi đối đầu với tai nạn, với tử thần. Mấy cái biển phân làn cùng các bác "cầm gậy" không thể giúp được gì, thế là giải pháp phân làn với bao tâm huyết và tốn kém coi như phá sản.
Không ở đâu trên thế giới có nhiều cảnh sát giao thông đứng ngoài đường như ở Việt Nam. Và cũng không ở đâu người tham gia giao thông lại coi thường luật và vô ý thức như ở nước ta.
Vấn đề giao thông đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta hầu như chỉ thấy tiếng nói của Bộ GTVT, các thành viên chuyên trách của Quốc hội, các thành viên Chính phủ. Đây, trước tiên là vấn đề của địa phương, mà cụ thể là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, chịu trách nhiệm trước tiên là địa phương. Địa phương phải đưa ra các giải pháp cho vấn đề của mình. Có nhiều giải pháp địa phương có thể làm, có những giải pháp phải xin ý kiến cao hơn. Làm như hiện nay, chúng ta không thấy vai trò của địa phương đâu cả. Họ đang ở đâu trong vấn đề này???

Giải pháp trước mắt
Rõ ràng, mọi nỗ lực trước mắt không thể giải quyết triệt để được tình trạng hiện nay, có chăng chỉ cải thiện một phần nào mà thôi. Tôi xin đưa ra một giải pháp để cùng tham khảo:
a) Nghiên cứu chuyển phần lớn các tuyến đường nội đô thành đường một chiều, trừ các đường lớn đã có giải phân cách. Phương án này làm giảm các xung đột giao thông tạo điều kiện tăng tốc độ lưu chuyển các các phương tiện vì:
- Giảm xung đột ở các điểm giao cắt.
- Tránh tuyệt đối xung đột của các phương tiện do ngược chiều nhau.
- Chấm dứt hiện tượng quay đầu giữa đường xe tùy tiện như hiện nay.
Hơn nữa, giải pháp này một phần giảm được việc lạm dụng xe máy: Đối với khoảng cách ngắn phải đi ngược chiều, người tham gia giao thông sẽ chọn cách đi bộ, thay bằng đi xe máy phải đi vòng xa. Dần dần, tạo thói quen đi bộ văn minh cho người dân.
Nếu nghiên cứu và bố trí các tuyến đường một cách hợp lý sẽ cải thiện được tình trạng tắc nghẽn giao thông vì tạo điều kiện cho dòng phương tiện chạy liên tục.
b) Áp dụng chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm luật giao thông. Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu nên không thể không thực hiện, để buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ luật và có ý thức.
Tôi nghĩ đây là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện hiện nay.



27 thg 3, 2012

MẸ VIỆT NAM ĐANG BỊ CÀI BOM NỔ CHẬM KHẮP NGƯỜI ?

Đó là 
1-Những quả “bom nước” hàng ngàn triệu mét khối với sức cuốn trôi không thua gì sóng thần ở Fukushima..

2-Đó là những quả “bom bùn đỏ” mà mấy cái ông tờ-sờ, giờ-sờ đảng-viên-hưởng-đặc-ân-của-người-chủ-trương-cài-đặt-bom đã… liều mạng “đảm bảo không thể xảy ra thảm họa bùn đỏ Hungary” với lời hứa tỉnh bơ “Nếu có chuyện gì tôi xin đi…tù!” (nay chắc tất cả đã hết nhiệm kỳ và mang theo lời hứa... về hưu ”hạ cánh an toàn”, y như những kẻ tội tầy trời nhưng phen này thoát khỏi bị chỉnh đốn!


3-Đó là 16 quả bom hạt nhân được bảo đảm sẽ "rước" về từ những nơi đang “thà thắp nến nhưng không dùng thêm điện hạt nhân”, những nước văn minh, tiên tiến đang phải biểu tình đi, đứng, ngồi, nằm để ngăn chặn cái thứ năng lượng giết người hàng loạt đến 2, 3 đời con cháu này. Họ từ chối năng lượng hạt nhân vì an toàn, vì không phải là đã hết giải pháp thay thế nó!

Ba thứ bom này chưa gây tai họa tiêu diệt từng mảng dân tộc Việt Nam ngay trước mắt nên ồn ào một dạo, kiến nghị, kiến nghiếc, phản biện, phản biếc, lấy chữ ký chữ kiếc….từ các nhân vật có uy tín, các giáo sư-tiến sỹ có chuyên môn nổi tiếng ở nước ngoài lẫn nước trong,…
Nhưng…tất cả đều chỉ như…nước đổ lá khoai! Thậm chí có ông tướng CA còn nói thẳng “Cái bọn ở Nguyễn Du (ý nói trụ sở của cơ quan IDS đã bị bức tử)ấy phản động thì có chứ phản biện phản biếc cái gì!” 
Mọi ý kiến khác với ý Đảng lần lượt bị đẩy sang ý kiến của “lực lượng thù địch”! Dân chủ bị khóa chặt mồm! Nhà tù ngày càng được tăng cường thêm những….”cục phân”!

Dư luận bắt đầu chán! 

Riêng mình, mọi kiến nghị này nọ mình đều kiên quyết không tham gia vì mình kiên trì với ý nghĩ: Chẳng dại gì mà “kính gửi” những kẻ coi hàng ngàn chữ ký của nhân dân chẳng đáng giá lấy một đồng xèng! Chẳng dại gì mà đấm vào không khí, chẳng rỗi hơi đánh đàn vào tai những kẻ còn xa mới lên tới hàng tai trâu!

Và…phải nói thiệt tình: Mình đã bị cái chiến thuật ù lì muôn thuở của những người nắm quyền lực mà có lúc nản lòng , thậm chí có tí …”cá nhân chủ nghĩa” khi nghĩ rằng: Đập có xập, Bùn đỏ có tràn, Hạt Nhân có Chết-nổ-bùm (Tchernobyl) thì…mình cũng chẳng còn ở trên đời này! “Chúng nó ngu thì kệ bu chúng nó chết!”. Để con cháu chúng ta sẽ xử lý những kẻ đã nhập cảng những trái bom nước, bom bùn, bom hạt nhân ở cái nước mà làm “cái ốc vít cho máy tính cũng chưa làm nổi”! (trích ý kiến thẳng thừng của một chuyên gia Nhật trên VTV1 đêm 23/3/2012)

Vả lại có chuyện gì xảy ra cũng ít nhất phải 10, 15 năm nữa. Lúc ấy mình cũng chẳng còn ở trên đời này mà lo bị…nhiễm xạ! Hơn nữa trước mắt còn bao chuyện phải tập trung năng lượng còn lại để góp sức với đời vạch trần cái xấu, cái ác, bảo vệ đất đai, biển đảo quê hương, viết về anh Vươn, về chỉnh và đốn Đảng của họ….



Nguồn : TÔ HẢI

26 thg 3, 2012

Chính phủ, những Đoàn Văn Vươn & miếng giẻ rách an dân

Câu chuyện “anh Vươn” Nguyễn Văn Tưởng Quảng Nam đau nhói lòng.
          Những bi kịch này vì đâu? Vì đâu người nông dân cùng quẫn đến bước đường cùng để buộc họ phải giương súng bắn vào chính quyền, phải vung dao đâm cán bộ rồi tự kết liễu cuộc đời bằng một liều thuốc độc?
          Lại nghe đâu đó người dân uất ức khiêng cả quan tài xông vào trụ sở ủy ban…
          Ngày một nhiều hơn những đoàn dân “đòi đất” từ các vùng quê kéo về Hà Nội. Qui hoạch, chỉnh trang, thu hồi, giải tỏa đền bù thế nào để đến nỗi dân tình phải xuống đường với băng rôn “cướp đất”?
          Có gì đó thật bất an.
           ***
          Đập sông Tranh nứt. Giá như…
          Tôi không dám nghĩ đến điều kinh hoàng đó. Một con đập khổng lồ với hơn 1 triệu khối bê tông, dài 650 m, cao 96 m sừng sững vời vợi như chạm trời chợt thấy… mong manh!
          Nếu đổ ập xuống sẽ ra sao? Quả bom hơn 730 triệu khối nước sẽ vùi nát và cuốn phăng bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu con người? Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập đã phải hốt hoảng thốt lên rằng: Nếu xảy ra sự cố gì từ những vết rò rỉ này, thì đó thực sự là thảm họa vô cùng to lớn, thảm họa chứ không phải tai họa!
          Nhìn những tốp công nhân bé tẹo như đàn kiến treo mình trên vách đập để khoan đục, nhét từng miếng… giẻ rách bịt các kẽ nứt mà kinh sợ!
          Tôi không thể ngờ và tin nổi người ta lại chọn phương cách an dân bằng những miếng giẻ như vậy. Những miếng giẻ rách an dân phản cảm và bất an!
           ***
          Xe cháy hàng loạt. Cứ vài ngày lại nghe một vụ cháy. Dai dẳng mấy tháng trời. Thủ tướng, chính phủ và đủ thứ bộ ngành hô hào điều tra nghiên cứu (nghe nói vậy) vẫn không tìm ra nguyên nhân vì sao?
          Cả thủ đô nháo nhào, xáo trộn vì chủ trương bắt đổi giờ làm giờ học của một ông Bộ trưởng giao thông. Xã hội xáo trộn, hoang mang, bất ổn vì đủ thứ loại phí chất chồng đánh vào nồi cơm dân chúng.
          Trong khi lạm phát vẫn như con ngựa bất kham. Đời sống dân tình đong bữa. Thu nhập thực tế của dân thấp hơn 9-10 năm về trước. Kinh tế tuột dốc như một “cỗ xe hỏng phanh”. Hàng loạt chủ trương chính sách của chính phủ bị dân chúng la ó, phản đối.
          Vì sao?
          Hình như chính phủ đang có vấn đề? Hàng loạt các chủ trương chính sách ngày càng có vẻ xa, ngược, đối chọi với lợi ích dân chúng.
          Đảng thì lại đang “trọng bệnh”!
          Không biết ai đó nhìn đâu thấy phấn khởi, thấy hồ hởi, thấy niềm tin, thấy vĩ đại, thấy… muôn năm. Còn với tôi: một cảm giác thật bất an.
Nguồn : TRUONGDUYNHAT

Vỡ đập thuỷ điện Sông Tranh 2: nguy cơ rình rập?

Cả tuần nay nín thở theo dõi tin tức về chuyện nứt nẻ của đập thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), tôi cảm thấy có chuyện gì bất ổn giấu giếm bên trong công trình đồ sộ tốn kém, nhưng chứa đầy nhiều nguy cơ cho dân chúng miền Trung sống dưới hạ lưu.

Trong khi chờ đợi báo cáo chính thức của Nhà Nước, tôi xin mạn phép nêu lên đây vài điểm quan ngại của một kỹ sư cơ khí sống và làm việc trong công nghiệp xây dựng Bắc Mỹ.
Theo thông tin sơ khởi tôi lượm lặt được từ nhiều nguồn trên báo Mạng trong nước, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 do cty Nhà Nước EVN đứng ra chủ trì xây dựng gần làng Trà My tỉnh Quảng Nam, có sức chứa gần 730 triệu mét khối nước, con đập chính, nơi thoát nước chứa nhiều tổ máy phát điện, có chiều cao 96m, dài 640m là nơi phát hiện nhiều vết nứt quan trọng từ mấy tuần qua.
Quan sát bức ảnh chụp tại chỗ của đoàn thanh tra cho thấy hai chỗ nước chảy liên tục xối xả như suối ở hai bên thân đập chính, và không xa lắm vài vết nứt xuất hiện nước phun lên thành vòi cao hơn cả thước. Bao nhiêu hình ảnh đó khiến tôi càng thêm lo ngại cho số phận của hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ lưu, nếu đại hoạ vỡ đập xảy ra. Tôi xin nêu ra đây vài nhận xét có tính khoa học kỹ thuật tổng quát:

1)- Ở vài chỗ, nước phun lên thành vòi cao cả thước, chứng tỏ áp suất nước rất cao, có nghĩa là vết nứt nẻ đang lan dần xuống sâu (càng sâu thì áp lực Archimede càng mạnh). Với áp suất cả trăm psi (lb/in2) làm sao mà hoá chất ximăng nào có thể trám từ bên ngoài chịu đựng cho thấu?



2)- Nước chảy ào ạt thành suối (hơn 30 lít mỗi giây), tính ra thành hơn 400 gallon US mỗi phút, hay108.000 lít mỗi giờ, hai con suối cho lưu lượng gấp đôi. Có thể dửng dưng với hiện tượng này được không? Có thể duy trì tình trạng này trong suốt mấy chục năm ròng không? Chưa nói nước chảy xuyên qua thân khối bêtông tàn phá cấu trúc ximăng, làm rỉ sét sắt thép, rãnh nứt càng ngày càng lan rộng ra ... thì nguy cơ vỡ đập trong tương lai chắc không còn là ảo tưởng nữa rồi!

 


3)- Phương pháp dùng máy khoan đục lỗ tròn để chận vết nứt lan toả thêm, theo thiển ý, có lẽ không mấy hiệu nghiệm. Tôi là kỹ sư cơ khí đã từng sử dụng phương pháp này để sửa chữa những lò nung quặng trong kỹ nghệ luyện kim (đường kính lò 4m, dài 30m) khi vết nứt nẻ xuất hiện, lỗ khoan xuyên qua lớp thép dày 15mm chính là để giải toả sự ức chế (stress, contrainte) bên trong kim loại, không cho nó tiếp tục rạn nứt thêm. Kính chắn gió của xe hơi bị sỏi đá va chạm rạn nứt cũng thường được chữa khẩn cấp bằng phương pháp khoan lỗ nhỏ này. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời để tránh nguy cơ đổ vỡ trước mắt. Đập thuỷ điện là một khối bêtông cốt sắt dày cả chục thước, làm sao khoan xuyên qua bề dầy đó để giảm stress cho được. Khó hiểu thật!

4)- Nếu nhà thầu thật tình muốn trám bịt lỗ rò, thì có lẽ phương án hiệu quả nhất là cho thợ lặn mang đủ thiết bị an toàn và dụng cụ hiện đại, lặn sâu bên trong hồ nước rồi trám (ximăng epoxy hay geomembrane, chẳng hạn) ngay những vết nứt (nếu phát hiện được) phía thượng lưu. Bởi vì áp suất nước bắt nguồn từ bên trong hồ chứa. Đây mới chỉ là ý tưởng cấp thời của người làm cơ khí, thiết tưởng kỹ sư công chánh ở VN biết rõ hơn tôi nhiều, họ có thể cung cấp thêm nhiều dữ liệu và phương án tu sửa hiệu quả nhất. Tôi tin vậy.

Trong khi chờ đợi các chuyên gia trong nước cho ý kiến tôi chỉ muốn nêu lên vài nhận xét tổng quát để chia sẻ nỗi lo âu với người dân trong nước, tuyệt nhiên không dám "múa rìu qua mắt thợ". Lại sực nhớ đến "đường hầm Thủ Thiêm" mới khai trương hồi cuối năm 2011, cũng từng bị phát hiện thấm nước trước và sau khi hạ thuỷ hợp long (2010), tôi đành chắp tay cầu nguyện Trời Phật phù hộ cho người dân VN tai qua nạn khỏi.

Ngoài ra, nếu các chuyên gia trong nước đánh giá sự cố nghiêm trọng, thì tôi đề nghị Nhà Nước nên ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp những làng mạc, huyện xã và hộ dân dưới hạ lưu và nằm trong vòng ảnh hưởng, để tránh tổn thất nhân mạng khi đại hoạ xảy ra.