Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

18 thg 9, 2011

Chính phủ chúng ta: đã thiệt!!!


Nông dân trồng lúa: lúa ngày một trúng, nông dân nghèo ngày một mạt.
Chính phủ ở xa nông dân quá, Chính phủ chẳng có chính sách gì hiệu quả để giúp nông dân trồng lúa, Chính phủ để nông dân bị đè đầu cởi cổ bởi các nhóm lợi ích, đến nổi GS. TS Võ Tòng Xuân đưa ra nhận xét hết sức xác đáng rằng: nông dân đang “ tự bơi”.
Không những không có những chính sách hiệu quả để giúp nông dân làm giàu, Chính phủ còn thực hiện một số chính sách làm nghèo nông dân.


Chính phủ không có một chính sách nào hiệu quả để phát triển lúa gạo
Chính phủ nói nhiều đến việc cơ giới hóa thu hoạch và sau thu hoạch, nhưng Chính phủ không có một chính sách nào hiệu quả. Chính sách cơ giới hóa của Chính phủ chỉ dừng lại ở mức cho nông dân vay tiền mua máy.
Là một nước nông nghiệp, thế mà Chính phủ không hề phát triển nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp, cũng không hỗ trợ giá cánh kéo cho nông dân, để nông dân phải mua máy gặt đập liên hợp của Kubota với giá khoảng 500 triệu một chiếc thì việc cơ giới hóa vẫn là tự phát.
Chính phủ không có chính sách tạo thương hiệu cho gạo Việt Nam, không có chính sách nâng cao giá trị hạt gạo, không đầu tư xây dựng kho bãi liên hợp với nhà máy xay lúa và máy sấy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh xây dựng 4 triệu tấn kho từ năm 2008 đến nay đã quá hạn mà kho vẫn chưa đủ.
Hễ lúa lên giá là cấm xuất khẩu
Năm nào cũng vậy, khi lúa lên giá là Chính phủ vội ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, sau đó lúa rớt giá, Chính phủ ra lệnh Hiệp hội Lương thực Việt Nam ( VFA) mua lúa tạm trữ để cứu nông dân: giá tạm trữ rẻ như bèo.
Điển hình năm 2008, lúc giá lúa lên 975 đô la Mỹ/ tấn Chính phủ vội ký lệnh cấm xuất khẩu, sau đó lúa hè thu ế ẩm, không người mua, Chính phủ giúp đỡ nông dân bằng cách lệnh cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua tạm trử, với giá lúa từ 3.800 – 4.000 đồng.
Năm 2009 cũng vậy, khi giá lúa lên cao, Chính phủ kêu VFA ký văn bản cấm xuất khẩu gạo, sau đó lại giúp nông dân bằng cách cho VFA vay không lãi mua lúa cũng với giá 4.000 đồng/kg.
Bán lúa giá 4.000 đồng/ kg nông dân hòa vốn, làm lúa hòa vốn nông dân phải đi vay tiền để sống, nông dân ngày càng nợ nần chồng chất.
Giá lúa lên là cấm xuất khẩu, hỏi nông dân làm sao không ngày càng tàn mạt?

Chính phủ dùng thu nhập của nông dân để chống lạm phát
Lý do được nêu để ngừng xuất khẩu là an ninh lương thực, nhưng thực chất là ngừng xuất khẩu để khống chế giá lúa gạo trong nước, không cho tăng theo giá lúa gạo thế giới, để chống lạm phát.
Chống lạm phát bằng cách này, tức là, Chính phủ dùng thu nhập của nông dân để chống lạm phát.
Sự việc này, được chứng minh, bởi phát biểu trên báo Tuổi trẻ của ông Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên kiêm Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ: “Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân”.
Chính phủ hãy nhìn sang Thái Lan, Sắp tới Chính phủ Thái lan tăng giá bán mua lúa của nông dân họ lên khoảng 500 đô la Mỹ/ tấn, tăng giá bán gạo lên khoảng 750 đô la Mỹ/ tấn, mà Chính phủ Thái Lan đâu có sợ lạm phát.
Chính phủ Việt Nam mà không thay đổi tư duy chống lạm phát, nông dân Việt Nam còn nghèo dài dài.

Chính phủ mua lúa tạm trữ: đang bần cùng nông dân
Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ thường xuyên cho phép VFA mua lúa của nông dân để tạm trữ.
Mua lúa tạm trữ để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, Chính phủ phải ấn định giá mua lúa tối thiểu cho VFA, thế nhưng, Chính phủ lại giao toàn quyền việc ấn định giá mua bán lúa gạo cho VFA, mà không hề có sự kiểm tra kiểm soát gì cả.
Vừa độc quyền lại được đặc quyền nên VFA lấy cướp hết lợi nhuận của nông dân.
Tôi đã phân tích việc mua lúa tạm trữ, mà trong đó VFA cướp hết lợi nhuận của nông dân ở bài: “Mua lúa gạo tạm trữ để giữ giá cái con… khỉ khô, ăn cướp thì có” đăng trên Bauxite Việt Nam. Tôi xin được nhắc lại.
Năm 2008 VFA bán gạo xuất khẩu giá qui ra giá lúa 6.432 đồng/ kg, mua lúa nông dân với giá 4.000 đồng/ kg. VFA lời 2.432 đồng/kg, nông dân bán lúa hòa vốn.
Năm 2009, bán gạo xuất khẩu qui lúa giá 6.362 đồng/ kg, mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/ kg. VFA lời 2.362 đồng/ kg, nông dân hòa vốn.
Năm 2010, VFA mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu với giá vẫn 4.000 đồng/ kg, nhưng bán gạo với giá qui lúa 5.365 đồng/ kg.
Làm lúa hòa vốn, nông dân phải ăn vào đất, nợ nần ngày càng chồng chất, như vậy nông dân đang bị bần cùng hóa.

Chính phủ vi phạm luật cạnh tranh
Trong bài, “Độc quyền lúa gạo: cái ách đang quàng lên cổ nông dân” đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi đã chứng minh rằng: lúa gạo của nông dân đang chịu sự độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước. Hay nói cách khác lúa gạo thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.
Điều 15 khoản 1 mục a của luật cạnh tranh qui định: Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp: “Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước”.
Hiện nay, Nhà nước đang độc quyền lĩnh vực lúa gạo, nhưng Chính phủ lại giao sự độc quyền này lại cho VFA là một hiệp hội ngành hàng hoạt động vì lợi nhuận, khiến cho VFA có quyền ấn định thu nhập cho nông dân và tự để lại lợi nhuận. Vì thế VFA luôn ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân.
Như vậy, việc cho phép VFA mua lúa tạm trữ, cho phép VFA toàn quyền ấn định giá sàn xuất khẩu gạo và giá thu mua lúa, tức là, Chính phủ và VFA đang vi phạm Luật Cạnh tranh.

Chính phủ không thực hiện Nghị quyết do chính Thủ tướng ký
Ngày 23/12/2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị Quyết số 63/NQ-CP “về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”. Nghị Quyết qui định: “Thực hiện đồng bộ cách giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”.
Trong bài, “Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành?” đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi đã chứng minh rằng: giá lúa đảm bảo cho nông dân lời 30% so với giá thành là một mức giá rẻ như bèo (qui ra giá bán gạo khoảng 380 đô la Mỹ/ tấn, đây là mức giá quá rẻ so với giá thị trường thế giới).
Vậy mà, vào vụ hè thu năm 2010, VFA mua lúa của nông dân chúng tôi với giá chỉ 3.800 – 4.000 đồng/ kg, trong khi giá thành khoảng 3.100 đồng/ kg, tức là giá lúa không “ đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” theo qui định của Nghị Quyết số 63/NQ-CP.
Báo Điện tử Sài Gòn Tiếp thị (bài “Đồng Tháp: nông dân lỗ 300 – 600 đồng/kg lúa hè thu 2010”) cho biết: “Theo tính toán của ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Đồng Tháp, giá thành sản xuất một ký lúa hè thu đã lên đến gần 3.100 đồng, trong khi giá thu mua lúa tại ruộng chỉ dao động khoảng 2.500 đồng/kg đến 2.800 đồng/kg”.
Không có bất cứ hành động nào để thực hiện Nghị quyết do chính Chính phủ ban hành, ngày 30/6/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thản nhiên ký Quyết định số 993/ QĐ-TTg “Về mua tạm trữ lúa, gạo hè thu năm 2010”. Quyết định này giao VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn qui gạo vụ hè thu, bắt đầu thực hiện ngày 15/7/2010, nhưng không đưa ra giá thành sản xuất lúa, cũng như không ấn định giá thu mua lúa cho VFA, mà lại qui định: “Các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”.
Thủ tướng ký Nghị Quyết: “Đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”, vậy mà Phó Thủ tướng ký Quyết định: “Các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”, tức là cho phép VFA muốn mua lúa của nông dân tạm trữ với giá nào thì mua.
Nghị quyết của Chính phủ ban hành là một cam kết đối với nông dân, mà Chính phủ muốn thì thực hiện, không muốn thì thôi, giống chuyện giỡn chơi, chẳng cần giải thích, khiến cho nông dân chúng tôi không biết Nghị quyết của Chính phủ có còn giá trị hay không?!

Chính phủ không thực hiện được Nghị định do Chính phủ ban hành
Ngày 4/11/2010, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ ký Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.
Tôi đã phê phán Nghị định này trong bài viết: “Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo số 109/2010/NĐ-CP: Sự quan liêu, vô trách nhiệm đối với quyền lợi nông dân” đăng trên Bauxite Việt Nam, và sự phê phán này đã được thực tế xuất khẩu gạo năm 2011 chứng minh là đúng đắn.
Nghị định 109 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, nông dân thu hoạch lúa đông xuân và đầu tháng 2/2011, thế nhưng đến tháng 3/2011 Bộ Tài chính mới đưa dự thảo Thông tư “hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu” ra lấy ý kiến.
Một lần nữa, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong bài, “Nông dân góp ý dự thảo thông tư giá sàn xuất khẩu gạo”, tôi lại góp ý cho dự thảo Thông tư rằng: dựa vào dự thảo Thông tư chẳng thể ấn định được giá sàn.
Tôi dám chắc rằng chính tác giả của Thông tư cũng không thể dựa vào thông tư này mà ấn định được giá sàn.
Như vậy, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, đến ngày hôm nay chỉ là tờ giấy lộn, vì không thế áp dụng vào thực tế xuất khẩu gạo.

Chính phủ tự tạo thêm cạnh tranh trong xuất khẩu gạo
Năm nào VFA cũng tuyên bố rằng không có đủ khách hàng mua lúa, nên không mua lúa của nông dân chúng tôi, lúa thừa mứa không ai mua, nên Chính phủ phải cho VFA vay không lãi để mua lúa tạm trữ với giá rẻ như bèo.
Lúa ế giá rẻ. Lẽ ra, Chính phủ phải tìm cách bán được lúa với giá cao. Thế nhưng Chính phủ lại ra lệnh cho Tổng công ty lương thực miền Nam liên doanh với Campuchia để xuất khẩu gạo của Campuchia.
Tôi đã phản đối việc lập liên doanh này, và tranh luận với ông Nguyễn Thọ Trí Phó Chủ tịch VFA trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn sau cùng ông Trí cho biết “Về việc thành lập Công ty cổ phần Lương thực Cambodia Việt Nam (Cavifood) giữa Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Greentrade Co. (thuộc Bộ Công thương Cambodia) thì đây là liên doanh theo thỏa thuận cấp cao của Thủ tướng Chính phủ hai nước”.
Như vậy là, Chính phủ bắt nông dân chúng tôi phải cạnh tranh với khoảng 1 triệu tấn gạo của Campuchia.
Không những Chính phủ tự tạo ra cạnh tranh về xuất khẩu gạo với Campuchia, Chính phủ còn cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhảy tưng qua châu Phi lập liên doanh trồng lúa, biến các nước châu Phi thành các quốc gia xuất khẩu lúa gạo.
Hợp tác cấp quốc gia phải nói đến quyền lợi, hợp tác cấp quốc gia không thể xuất phát từ mục đích từ thiện nếu nó gây hại cho nông dân.
Tư duy bao đồng của Chính phủ đang gây hại cho nông dân.
Thủ tướng Thái Lan nói phải giúp cho nông dân, vậy là, cả Chính phủ Thái Lan tìm mọi cách tăng giá thu mua lúa lên khoảng 50%.
Thủ tướng Việt Nam cũng nói phải giúp cho nông dân, thế mà, cả Chính phủ tìm mọi cách khống chế giá lúa gạo, kể cả việc đưa ông Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên tung tin đồn nhảm để hạ giá lúa gạo.
Phải chi Chính phủ Việt Nam lo cho nông dân Việt Nam bằng phân nửa Chính phủ Thái Lan lo cho nông dân Thái Lan, nông dân Việt Nam không càng ngày càng nghèo như hiện nay.

Nguon : BAUXITEVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét