Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

7 thg 9, 2011

Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung “chỉ đạo” những gì?

Tin tức cho biết, nhận lời mời của ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đến Bắc Kinh để cùng chủ trì cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung, từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7.
 
Để biết thêm về Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung là gì, cũng như Ủy ban này đã “chỉ đạo” các vấn đề gì cho Việt Nam kể từ khi thành lập, mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân điểm qua các tin tức có liên quan.

Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương là gì?

Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung, có tên tiếng Anh là “Guiding Committee for China – Vietnam Bilateral Cooperation”, được thành lập ngày 11 tháng 11 năm 2006 tại Hà Nội. Phía Trung Quốc do ông Đường Gia Triền, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc vào thời điểm đó làm Chủ tịch, và phía Việt Nam do ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng giữ chức Chủ tịch.

Theo tin từ báo chí trong nước, Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung được thành lập với sự thỏa thuận của lãnh đạo cao cấp hai nước, do “xuất phát từ yêu cầu khách quan, nhằm thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển toàn diện”.
Ngay sau khi thành lập, Ủy ban đã tổ chức phiên họp đầu tiên trong tháng 11 năm 2006 tại Hà Nội. Trong phiên họp này, hai bên đã hứa hẹn một tương lai tốt đẹp mà Ủy ban sẽ mang lại cho hai nước. Ông Đường Gia Triền cho biết: “Việc lập ra Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác ở cấp cao nầy là một quyết định chiến lược trong tầm nhìn xa vào tương lai của lãnh đạo hai nước, hai Đảng trong tình hình mới, làm tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác nhằm tiến tới một quan hệ hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và lâu dài, láng giềng thân thiện, hữu nghị Trung – Việt”.

Theo ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao và là Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo phía Việt Nam cho biết, nhiệm vụ chính của Ủy ban là: “Tăng cường chỉ đạo, điều phối vĩ mô đối với các cơ chế hợp tác hiện hành giữa hai bên, quy hoạch tổng thể quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, điều phối giải quyết các vấn đề quan trọng, tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, đưa sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn”.  

Ủy ban Chỉ đạo lập website chống Việt Nam?

Ngay sau khi thành lập, một trong những việc đầu tiên mà Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung đã “chỉ đạo” thực hiện là, Bộ Thương mại hai nước ký thỏa thuận thành lập Website “Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, với địa chỉ tên miền tiếng Trung là chinavietnam.gov.cn và địa chỉ tiếng Việt là vietnamchina.gov.vn.
Tham dự lễ khai trương website hôm 16 tháng 11 năm 2006 gồm có các vị lãnh đạo cao nhất của hai đảng, hai nhà nước như: ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc, ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam. Và ba vị lãnh đạo cao cấp này đã cùng nhấn nút kích hoạt trang thông tin điện tử “Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt – Trung”.
Thế nhưng sau đó, chính website này đã đăng nhiều thông tin đứng trên lập trường Trung Quốc, công khai chống lại Việt Nam, đặc biệt là những quan điểm về chủ quyền trên Biển Đông, chẳng hạn như website này đã đưa tin hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.
Mặc dù tên miền trang web này có đuôi là gov.vn, nghĩa là chỉ có Chính phủ Việt Nam mới có quyền sử dụng, thế nhưng khi được hỏi, ông Nguyễn Thành Hưng, Cục trưởng Cục thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, thuộc Bộ Công Thương Việt Nam đã trả lời rằng: “Trang web là của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách. Tiếng Việt do phía Trung Quốc phụ trách để họ đăng trực tiếp bằng tiếng Việt, giúp doanh nghiệp Việt Nam”.

Không rõ phía Trung Quốc đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam những gì ở trang web này, nhưng trên thực tế website này đã được sử dụng để đưa các thông tin công khai chống lại Việt Nam, đứng trên lập trường của Trung Quốc.
Sau khi bị dư luận phía Việt Nam lên tiếng phản đối, ngày 17 tháng 5 năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã chính thức đóng cửa tên miền tiếng Việt website này. Thế nhưng, từ đó đến nay chưa cá nhân nào có liên quan bị đưa ra xử lý, cũng như chưa có một cuộc điều tra nào được tiến hành để xem những ai đã đứng đằng sau “chỉ đạo” việc này.

Cắm mốc theo “tinh thần hữu nghị”?

Hơn một năm sau, phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung được tổ chức, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 1 năm 2008 tại Bắc Kinh, giữa hai đồng Chủ tịch vẫn là ông Đường Gia Triền và ông Phạm Gia Khiêm. Trước đó, chuẩn bị cho phiên họp này là cuộc họp cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Phân giới Cắm mốc Biên giới trên bộ, được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 1 năm 2008.
Trong phiên họp lần thứ hai này, Ủy ban đã điểm lại tình hình quan hệ giữa hai nước về mọi mặt kể từ phiên họp lần thứ nhất hồi cuối năm 2006, thế nhưng không rõ phía Việt Nam có đưa vấn đề website “Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt – Trung” ra để phản đối với phía Trung Quốc hay không.
Tin tức về phiên họp lần thứ hai cho biết, kể từ khi thành lập Ủy ban, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã “khẳng định vai trò và sự cần thiết của cơ chế hợp tác quan trọng này trong việc chỉ đạo và thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt – Trung phát triển sâu rộng và hiệu quả theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác định”.
Phiên họp này cũng nhắc đến việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, chẳng hạn như thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước phải hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trong năm 2008. Kết quả là hai nước cũng đã hoàn thành việc cắm mốc đúng thời hạn đưa ra, nhưng lại theo “tinh thần 16 chữ vàng và 4 tốt”, “xây dựng đường biên giới đất liền Việt – Trung thành đường biên giới hữu nghị và hợp tác”.

Phát biểu tại buổi lễ chào mừng công tác phân giới cắm mốc hôm 23 tháng 2 năm 2009, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết: Việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Trung Quốc - Việt Nam một lần nữa khẳng định, chỉ cần hai bên luôn kiên trì phương châm chỉ đạo 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt, luôn lấy đại cục hữu nghị hai nước làm trọng thì nhất định sẽ giải quyết ổn thỏa tất cả các vấn đề trong quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.
Có lẽ cũng xin nhắc thêm, việc phân định ranh giới giữa hai nước, thay vì phải căn cứ vào tài liệu lịch sử, chẳng hạn như Công ước Pháp – Thanh năm 1887, hay công ước bổ túc năm 1895 được ký giữa Pháp với nhà Thanh, thế nhưng theo Ủy ban Chỉ đạo này thì việc phân định đất đai lại căn cứ vào “phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt”, cũng như đường biên giới không phải để phân chia ranh giới giữa hai nước mà là đường biên giới của “tình hữu nghị”.
Ông Đới Bỉnh Quốc cho biết thêm: Đảng và Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng quan hệ hai nước và sẽ cùng với Đảng và Chính phủ Việt Nam xây dựng đường biên giới đất liền TQ-VN thành đường biên giới của tình hữu nghị và hợp tác, phát triển.

Mặc dù việc phân giới cắm mốc đã hoàn thành từ cuối năm 2008, cho đến nay Chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố bản đồ chi tiết, thế nhưng theo các tài liệu không chính thức mà các nhà nghiên cứu có được, cho rằng Việt Nam đã bị mất rất nhiều đất về tay Trung Quốc.
Ngoài việc lập website chống Việt Nam cũng như chỉ đạo cắm mốc theo “tinh thần hữu nghị”, Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương đã làm thêm những gì “cho” Việt Nam? Đó sẽ là nội dung bài kế tiếp.
Mời quý vị tiếp tục theo dõi những thông tin liên quan Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, cũng như đã trình bày một số việc mà Ủy ban này đã thực hiện kể từ khi thành lập.

Ủy ban chỉ đạo Biển Đông ra sao?

Có lẽ mọi người đều nhận ra rằng, sau khi Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung được thành lập, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động gây hấn cũng như vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, mặc dù vấn đề Biển Đông luôn được Ủy ban này đưa ra thảo luận trong các phiên họp.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong phiên họp lần thứ hai tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 1 năm 2008, hai bên đã đạt được đồng thuận trên 6 vấn đề chính, trong đó có vấn đề liên quan tới Biển Đông như: “Xử lý đúng đắn các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và bảo đảm ổn định phát triển có lợi cho quan hệ song phương đi đúng hướng”.  
Riêng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đưa tin về phiên họp này có liên quan tới Biển Đông như sau: “Hai bên đã trao đổi rất thẳng thắn và nhất trí rằng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần tập trung trao đổi về giải pháp cho các vấn đề trên biển Đông trong đó có vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa”.
Mặc dù trong phiên họp lần thứ hai, hai bên đã cam kết “xử lý đúng đắn các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông”, thế nhưng giữa tháng 3 năm 2009, chỉ vài ngày trước phiên họp lần thứ ba, phía Trung Quốc đã điều tàu ngư chính đến tuần tra ở một số khu vực trên Biển Đông, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 3 năm 2009, giữa ông Phạm Gia Khiêm và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện trung Quốc, thay thế ông Đường Gia Triền giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo này.
Cũng không rõ phía Việt Nam có lên tiếng phản đối vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trong phiên họp này hay không, chỉ biết rằng báo chí trong nước đưa tin về phiên họp này có liên quan đến Biển Đông như sau: “Hai bên thoả thuận, thời gian tới sẽ đặt trọng tâm đàm phán vào các vấn đề trên biển; duy trì hoà bình, ổn định trên biển; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có điều kiện và cùng nhau phấn đấu để cùng với các bên liên quan tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài, cùng chấp nhận được cho vấn đề trên biển”.

Chỉ đạo gây hấn trên biển?

Mặc dù Ủy ban đã thỏa thuận “duy trì hòa bình và ổn định trên biển” trong phiên họp lần thứ ba, thế nhưng chưa đầy hai tháng sau, một lần nữa Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam qua việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại các vùng biển của Việt Nam, kể từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 năm 2009.  
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên lãnh hải Việt Nam, và điều đáng nói là lệnh cấm này được Trung Quốc đưa ra vào thời điểm hai nước đang tồn tại cái gọi là Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, cũng như Ủy ban này đã cam kết “xử lý đúng đắn các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông”.
Bất chấp cam kết mà phía Trung Quốc đã đưa ra trong hai phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, ngày 21 tháng 6 năm 2009, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt giữ ba tàu đánh cá của Việt Nam, cùng 37 ngư dân để đòi tiền chuộc 210.000 nhân dân tệ. Không những thế, ngày 1 tháng 8 năm 2009 cũng là ngày cuối cùng Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, 13 ngư dân Việt Nam khác vào tránh bão tại khu vực Hoàng Sa cũng đã bị phía Trung Quốc bắt giữ.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 8 tháng 11 năm 2009, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện việc thôn tính biển, đảo của Việt Nam qua quyết định thành lập “Ủy ban thôn đảo” trên hai đảo Phú Lâm và Đảo Cây, mà phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, thuộc quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam kể từ năm 1974.
Ðây là hành động với mục đích gây hấn từ phía Trung Quốc, làm căng thẳng thêm tình hình tranh chấp trên biển giữa hai nước, trái ngược với những tuyên bố mà họ đã đưa ra trong hai kỳ họp trước của Ủy ban Chỉ đạo.

Mục đích của“Ủy ban”?

Chuyện Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung đã mang lại lợi ích cụ thể gì cho Việt Nam kể từ khi thành lập, có lẽ chẳng có người Việt Nam nào biết, thế nhưng tin tức trên các website của chính phủ, cũng như của các cơ quan ngoại giao Việt Nam, đã đánh giá cao về cái Ủy ban này.  
Chẳng hạn như, bản tin về cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban đã được Lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh đưa tin như sau: “Hai bên đã điểm lại tình hình mọi mặt của quan hệ hai nước kể từ phiên họp lần thứ nhất vào tháng 11 năm 2006 của Ủy ban, hài lòng nhận thấy rằng, một năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao thường xuyên gặp gỡ, đi thăm lẫn nhau, giao lưu giữa các Bộ ngành hai nước không ngừng tăng lên và mở rộng, hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả…
Qua bản tin trên, phải chăng Ủy ban này được thành lập với mục đích giúp hai đảng, hai nước giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, chứ không phải để giải quyết các vấn đề vĩ mô giữa hai nước mà hai bên nêu ra? Cũng không rõ lắm.
Hãy nghe tiếp bản tin về phiên họp lần thứ ba của Ủy ban này như sau: “Hai bên nhất trí đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương sau hai năm hoạt động, khẳng định vai trò và sự cần thiết của cơ chế hợp tác quan trọng này trong việc chỉ đạo và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu”.
Trong khi đó, quan hệ ngoài Biển Đông giữa hai nước vẫn luôn căng thẳng. Đầu tháng 4 năm nay Trung Quốc vẫn tiếp tục điều các tàu ngư chính đến tuần tra ở vùng biển phía Tây Nam và phía Đông Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến cuối tháng 4, thêm một lần nữa Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, kể từ  ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 năm nay, ở các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Và một hành động leo thang mới nhất của Trung Quốc, ngày 22 tháng 6 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã đơn phương ban hành “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam năm 2010-2020”. Trong Cương yếu này, Trung Quốc đã giao cho tỉnh Hải Nam quản lý khu vực biển, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, như mở các tuyến du lịch đường hàng không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, cũng như khuyến khích người dân Trung Quốc đăng ký sử dụng các đảo không người ở trên quần đảo Trường Sa.
Thế nhưng qua phiên họp lần thứ tư giữa hai đồng chủ tịch là ông Đới Bỉnh Quốc và ông Phạm Gia Khiêm, hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, báo điện tử chính phủ Việt Nam đưa tin: “Hai bên vui mừng nhận thấy, hơn một năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên, giao lưu giữa các Bộ, ngành và địa phương hai nước tiếp tục được thúc đẩy; hợp tác kinh tế thương mại không ngừng tăng nhanh”.
Có một Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, làm việc hữu hiệu như tin tức đã đưa như thế, quan hệ giữa hai đảng, hai nước tốt đẹp như thế, tại sao lại có chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, đánh đập, hay có chuyện biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền như chúng ta vẫn thường nghe phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối trong thời gian qua?
Hơn nữa, Ủy ban này sẽ trả lời ra sao về website “Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt – Trung” đã để cho Trung Quốc sử dụng chống Việt Nam, cũng như việc phân giới, cắm mốc theo “tinh thần hữu nghị”? Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/What-is-the-guiding-committee-for-vietnam-china-bilateral-cooperation-for-ntran-07042010094332.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-is-the-Guiding-Committee-for-Vietnam-China-Bilateral-Cooperation-for-NgTran-07082010154412.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét