Trong những ngày qua, rất nhiều
người gọi điện cho tôi hỏi về vụ cưỡng chế ở Văn Giang, về hai nhà báo
của Đài Tiếng nói Việt Nam bị đánh. Tôi trả lời ậm ừ vì chưa nắm được
vấn đề. Rồi tôi bỏ thời gian, công sức để tìm hiểu và gần như muốn hét
lên. Nhưng thôi, chuyện to tiếng hãy để sau. Bây giờ chỉ xin nói lên tâm
tư, suy nghĩ của mình – một người làm báo có thâm niên.
Vừa giận, vừa thương các nhà báo bị đánh
Tôi xin giới thiệu đầy đủ và rõ ràng luôn:
Tôi họ tên là Hồ Bất Khuất, sinh ngày
08/8/1958 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tôi bắt đầu tham gia làng báo vào
tháng 1 năm 1983 tại Tạp chí Cộng Sản sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên
Xô. Sau hơn 10 năm làm báo, tôi trở lại nước Nga và bảo vệ luận án Tiến
sỹ tại Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov vào tháng
5/1995.
Về nước, tôi vừa viết báo, vừa tham gia
giảng dạy. Tôi không bao giờ nghĩ mình là thầy, còn những người học đại
học báo chí tại chức và sau đại học là học trò. Tôi luôn xem đó là những
đồng nghiệp. Nhưng dù sao tôi cũng đã từng đứng nói, còn họ ngồi nghe.
Bây giờ họ là những người có vai trò rất lớn ở nhiều cơ quan báo chí.
Tôi rất mong là họ đứng về phía những nhà báo bị đánh.
Những năm qua, thông tin về nhà báo bị
hành hung khá nhiều. Tôi tự nhủ: “Báo chí là nghề nguy hiểm, đã theo
nghề thì phải chấp nhận thôi”. Nhưng nay việc hai nhà báo của Đài tiếng
nói Việt Nam bị đuổi đánh dã man, tôi không im lặng được nữa.
Tôi đã xem đi, xem lại clip một lũ người
mặc sắc phục và thường phục có đeo băng đỏ ở tay đuổi đánh hai người
đàn ông đội mũ bảo hiểm. Hai người đó chỉ chạy và chịu trận, hoàn toàn
không có bất cứ hành vi chống đối nào. Tôi vô cùng căm tức những kể dùng
gậy gộc, chân tay đánh hai người đàn ông đó. Tôi vô cùng thương cảm họ,
mặc dù lúc đó tôi không biết họ là ai.
Nay biết hai người bị đánh đó là Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm – hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Khi biết điều này, tôi đã để rơi nước
mắt. Nước mắt rơi không chỉ là sự thương cảm, mà còn là sự uất hận.
Trước hết, tôi thương các anh. Vì nước, vì dân đi làm nghề đàng hoàng
thế mà lại bị người nhà nước đánh đuổi. Sau đó là tôi hận các anh. Bị
đánh đau thế, nhục nhã thế sao hàng chục ngày sau mới lên tiếng?!
Theo như báo chí viết, các anh bị đánh,
bị giật máy ảnh, bị thu Thẻ Nhà báo, Thẻ Đảng viên, bị còng tay… Nhưng
chiều 24/4 các anh đã về cơ quan ở Hà Nội rồi. Lúc này ai cấm các anh
lên tiếng?
Mong những người quen biết của tôi không bịt miệng các anh!
Tôi
có quen biết ông Nguyễn Đăng Tiến – Đương kim Tổng Giám đốc Đài Tiếng
nói Việt Namvà ông Vũ Văn Hiền (quê ở Hưng Yên) – Cựu Tổng Giám đốc Đài
Tiếng nói Việt Nam, hiện là Phó Ban Lý luận trung ương gì đó, có con tên
Tuấn, hình như nay là Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam. Những
người này có ngăn cản các anh lên tiếng không?
Tôi biết, một số người vì chức tước, vì
bổng lộc, vì kém cỏi nên đã im lặng. Không những thế, họ còn bắt những
người dưới quyền mình im lặng theo. Trong trường hợp này, tôi hy vọng
những người quen của tôi không làm như vậy.
Các anh đã chịu đau, đã im lặng nhưng
giờ đã lên tiếng. Các anh bị đau về thể chất, còn chúng tôi – những đồng
nghiệp của các anh chịu đau về tinh thần. Chúng ta không nên chịu đau
đớn mãi. Việc này phải làm cho ra nhẽ.
Trước hết tôi muốn nói đến cái clip đánh người và ý kiến của ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, Bùi Huy Thanh.
Tôi muốn nói với ông Thanh thế này: Nhìn
vào clip đánh người, tôi không nghĩ những người đánh đó là những người
đi thi hành công vụ. Tôi không nghĩ đó là những người công an được đào
tạo, mà đó chỉ là một mớ côn đồ. Họ hàng mấy chục người, có vũ khí trong
tay chạy theo đánh hai người không hề chống đối. Vì vậy dù hai người bị
đánh là nhà báo hay dân thường thì những kẻ đánh họ cũng chỉ là những
người được giáo dục rất ít. Nếu họ là những người đã được đào tạo qua
trường lớp, tôi đề nghị thanh tra những cơ sở giáo dục mà họ đã từng
học. Dân không nộp thuế để đào tạo ra những người công an như vậy!
Mà lập luận của ông Chánh văn phòng Thanh cũng rất buồn cười: “… hiện phía cơ quan chức năng chưa thể đưa ra kết luận về vụ việc vì chỉ mới nhận được tường trình một phía, từ các nhà báo”.
Thử hỏi những kẻ gây hại cho người khác có bao giờ đến báo với cơ quan
chức năng trước khi người bị hại kêu cứu chưa? Thậm chí khi bị bắt, bị
tra hỏi, chúng còn chối quanh nữa là!
Xin được hỏi những người có chức, có quyền?
Trở
lại chuyện các nhà báo bị đánh. Trên thế giới, người ta công nhận nhà
báo là nghề nguy hiểm. Họ bị chết ở nơi chiến sự, họ (những nhà báo tham
gia phe phái) bị phe đối lập lăng mạ, họ bị những người dân cho là phản
ánh không trung thực tẩy chay, xua đuổi. Nhưng đấy là những nhà báo ở
nước ngoài.
Còn ở ViệtNamhiện nay không có chiến sự, không có phe đối lập, dân không xua đuổi, tẩy chay… Tại sao nhà báo vẫn bị đánh nhỉ?
Tìm hiểu sâu thêm thì được thấy, nhà báo
chủ yếu bị công an và những kẻ bất hảo được chính quyền thuê đánh
(“Liên minh” chính quyền – đầu gấu là vô cùng nguy hiểm). Bị công an và
đầu gấu đánh thì rõ ràng bản thân nhà báo rất khó chống đỡ. Nhà báo
ViệtNamchỉ mong được chính quyền và nhân dân bảo vệ thôi.
Nhưng trước khi được chính quyền và nhân
dân bảo vệ, cánh nhà báo chúng ta phải tự bảo vệ mình. Trước hết, chúng
ta phải dùng uy lực của những người người có chức, có quyền đã và đang
là nhà báo. Trong bộ máy của Đảng và Nhà nước hiện nay, có rất nhiều nhà
báo. Điển hình là ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam. Ông
Trọng trước đây làm ở Tạp chí Cộng Sản, từ phóng viên thường lên chức
Tổng biên tập. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban
Tuyên giáo trung ương, trước đây làm ở Báo Nhân Dân, cũng từ phóng viên
tới chức Tổng biên tập; Ông Huynh còn đã từng làm Chủ tịch Hội Nhà báo
Việt Nam. Nếu hai ông này mà lên tiếng bảo vệ nhà báo, Giám đốc công an
tỉnh Hưng Yên hay Bí thư Tỉnh ủy cũng không thể xem thường.
Nhưng cho đến giờ phút này, hai ông
Trọng và ông Huynh chẳng hé răng nói một lời. Các ông không nói nên
chẳng biết thái độ của các ông ấy ra sao. Đến ông Nguyễn Đăng Tiến –
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng im lặng nốt.
Vì sao các ông không lên tiếng? Các ông
cho rằng đây là vụ việc nhỏ nhặt không đáng để các ông ấy quan tâm? Nếu
các ông ấy không từng là nhà báo, cũng không nên nghĩ như vậy. Người của
chính quyền đánh dân thường cũng là chuyện to rồi. Đây lại là người của
chính quyền địa phương đánh nhà báo của Đài Đảng trung ương. Chuyện
nghiêm trọng quá đi chứ lị! Đừng quên rằng, những vụ việc ở Trung Đông
vừa qua (dân biểu tình làm chính quyền ở nhiều nước sụp đổ) bắt đầu bằng
việc một người bán hàng rong ở Yemen tự thiêu vì bị cảnh sát ức hiếp!
Có lẽ các ông ấy đang cân nhắc cần bảo
vệ ai trong vụ việc này. Bảo vệ các nhà báo hay bảo vệ những người nhân
danh chính quyền? Đây chưa phải là việc quá nan giải nhưng vẫn là lựa
chọn khó khăn với những người đã từng là nhà báo, nay có quyền cao, chức
trọng.
Còn những người đang là nhà báo, cụ thể
là những người lãnh đạo cao nhất ở Đài Tiếng nói Việt Nam, những người
làm ở Hội Nhà báo Việt Nam– họ có trách nhiệm trực tiếp phải bảo vệ cán
bộ của mình, hội viên của mình. Nhưng rõ ràng họ đang im lặng, hoặc tỏ
ra ngập ngừng, nghe ngóng. Họ đang chờ xem những người như ông Trọng,
ông Huynh có thái độ thế nào. Tôi thấy cách nói của đại diện Hội Nhà báo
nhạt lắm! Cái “chết” của nhà báo chúng ta là ở chỗ đó – những người có
trách nhiệm trực tiếp bảo vệ mình lại sợ những người có chức quyền cao
hơn.
Do vậy, chúng ta – Những người trực tiếp
cầm bút và cầm ống kính, máy ảnh phải tự bảo vệ mình thôi. Chúng ta bảo
vệ mình theo cách của mình: Nói lên sự thật và chấp nhận thiệt thòi, hy
sinh. Chỉ có điều: Chúng ta không chụi hèn, chịu nhục.
Nhà báo HỒ BẤT KHUẤT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét