Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

4 thg 5, 2012

Tử sĩ và Liệt sĩ

- Vào thăm ai. Mộ người chết tên gì, nằm ở khu vực nào? 
- Dạ, không có thân nhân gì. Chỉ muốn vô thắp mấy cây nhang cho người chết thôi. 
- Tại sao phải làm như vậy? 
- ….. 
- Thôi được, muốn vào thì trình chứng minh nhân dân đây để lưu sổ. Nhớ không được mang theo máy ảnh, hay giấu điện thoại chụp hình. Chụp lén nếu biết ra đây sẽ bị xóa thẻ. Anh chị nghe chưa, có vào thì đi lẹ rồi ra! 
- ... 

Hôm nay trên đường đi Đồng Nai, tui và hai người bạn nữa chợt có ý rẽ vào thắp nhang; đã nghe về cái sự khó vào khó ra nhưng vẫn bất ngờ trước vẻ mặt lạnh lùng của những người gác cổng Nghĩa trang nhân dân Bình An.
Dùng dằng phải mất hơn 30 năm thống nhất, những người chiến thắng mới có thái độ rõ ràng với hơn 18.000 ngôi mộ tử sĩ nằm trong Nghĩa trang Quân đội ở Biên Hòa: quyết định số 1568/QD của thủ tướng chính phủ năm 2006 đã giao khu đất 58ha này sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương; chuyển quyền cai quản nghĩa trang từ Quân khu 7 cho Tỉnh Bình Dương. Vậy là gần 7 năm nay Nghĩa Trang Quân Đội VNCH đã trở thành Nghĩa trang nhân dân Bình An.
Nơi này tiếp giáp Thủ Đức – Bình Dương – Đồng Nai, ngày trước đi thẳng quốc lộ 1A chưa tới cầu Đồng Nai đã nhìn thấy nghĩa trang nằm bên tay trái với Nghĩa Dũng Đài có hình cây kiếm cụt ngọn bằng bê-tông chỉa thẳng lên trời. Bây giờ thì rất khó để tìm, vì xung quanh nhiều nhà xây cao che chắn tầm nhìn và quan trọng là cây kiếm đã bị cưa ngang hết 15m, chỉ còn là một thanh đá thấp lè tè đi từ xa không thể nào thấy được. Nhiều người tò mò lẫn những người có ý định thăm viếng thật sự đã nản lòng khi đứng trước cổng nghĩa trang. 

Nghĩa Dũng Đài ngày nay. 

Khách quan mà nói thì không khó khăn gì, nhưng với cách thức như vậy trông không giống một nghĩa trang dân sự càng không giống một di tích lịch sử.
Bên trong cây cối mọc cao lẫn cỏ dại lúp xúp chen chúc giữa những dãy mộ và lấn tràn ra đường khiến không khí càng cô tịch và hoang tàn, u uất. 
Theo tui hiểu, thì với tập tục Á Đông, người Việt rất tối kỵ mồ mả cha ông bị rễ cây đâm vào bởi ai cũng tin rằng như thế sẽ làm đau đớn, khó chịu linh hồn người chết và con cháu sẽ không thể sống yên hay làm ăn phát lộc được. 
Bỗng nhớ tới chuyện nhà của một đứa bạn học có cha chết trận được chôn ở đây. Nhiều năm nay gia đình muốn bốc mộ mang về quê nhưng không được phép. Nó bảo, nghe đâu có cả thầy bên Tàu về ếm; những tử sĩ chôn ở đây hồn không thể siêu thoát, con cháu mấy đời sau cũng không thể ngóc đầu lên được. Thật ra thì cần gì thầy với bùa, bản thân nó khi ấy đi thi đại học trầy trật tới mấy lần mới vô được vì dính trong diện đối tượng gia đình có người tham chiến chế độ cũ. 

Lại nhớ tới chuyện Ngũ Viên. Ông tên tự là Tử Tư người nước Sở thời Xuân Thu, cha và anh đều bị Sở Bình Vương giết hại. Ngũ Viên đã trải qua bao gian truân vất vả, lưu lạc sang nước Ngô giúp Hạp Lư giết chết Ngô Vương Liêu chiếm được ngôi vua. Về sau, Ngũ Tử Tư cùng Ngô vương Hạp Lư dẫn quân tiến đánh nước Sở, nước Sở bị thất bại. Khi ấy Ngũ Tử Tư râu tóc trắng xóa, Sở Bình vương cũng đã chết; ông bèn đào mộ lên rồi dùng roi đồng đánh luôn ba trăm cái vào thi thể của Sở Bình vương xong chặt mất đầu để báo thù cái tội giết cả nhà mình khi trước. Người bạn Thân Bao Tư của ông nghe được tin này bèn sai người đem thư sang cho Ngũ Tử Tư, trong thư viết: "Ngay đến người chết anh cũng không tha, làm như vậy thật quá tàn nhẫn". Ngũ Tử Tư xem thư xong liền nói với người đưa thư rằng: "Tôi nhờ anh về nói lại với Thân Bao Tư là tôi chẳng khác nào một người đi đường, trời đã gần tối mà đường đi còn xa lắc xa lơ, nên tôi mới làm cái việc nghịch với lẽ trời này". Trong tâm thế người chiến thắng, việc đối xử với những kẻ thua cuộc, thất thế – cho dù đã chết, là vấn đề hết sức tế nhị. Nó có thể cho thấy sự tự tin, lòng bao dung, nhân tâm và tình người; nhưng mặt khác, cũng có thể cho thấy thái độ hằn học, và vẫn còn tư tưởng thù hận. Nghĩa tử là nghĩa tận. Nói theo cách Ngũ Tử Tư, thì nếu đường đã rộng đẹp thênh thang rồi thì hà cớ gì không làm những việc hợp với lẽ trời. Cư xử với kẻ thù như những người bạn, điều này còn tốt hơn bất cứ sức mạnh và quyền lực nào; đó là điều không phải ai cũng làm được! 

Có lần, cùng với đám bạn đại học ngày xưa ngồi bàn về chữ “Tử sĩ # Liệt sĩ”. Đứa bảo, Tử sĩ đơn giản là chiến sĩ đã chết. Còn Liệt sĩ là người hy sinh vì nước vì dân khi làm nhiệm vụ. Chữ liệt trong một cách nói khác còn là bại, không cử động được; hoặc kém, tồi, trái…Với những gì đang được trân trọng, có thể hiểu liệt sĩ là những người hy sinh oanh liệt vì tổ quốc. Nằm trên trục lộ 1A, Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM (Long Bình, quận 9) chỉ cách Nghĩa trang nhân dân Bình An một quãng đường ngắn; tổng diện tích 30ha được xây dựng qui mô và nghiêm trang, với tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng điêu khắc hoành tráng ngay cửa chính mặt tiền đường. Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ. Mới đây, UBNDTP vừa duyệt diện tích khu vực quy hoạch khoảng 32,7 ha, chưa trừ lộ giới. Dự báo quy mô số phần mộ cát táng là 20.000, trong đó số phần mộ hiện trạng là 15.000, số phần mộ xây mới mở rộng là 5.000. Như vậy, ý nghĩa chuẩn của chữ “Liệt sĩ” sẽ được nới rộng ra rất nhiều. Cho nên có lần đến đây tui không mấy bất ngờ khi phát hiện ra mộ phần của con một ông tướng Công an, anh này không phải hi sinh vì nước vì dân khi làm nhiệm vụ mà chết vì nhảy lầu tự tử. Nghe mấy bác sĩ ở BV Thống Nhất kể lại, khi vụ việc xảy ra đã có lệnh trên gọi xuống; nên trong kết quả khám nghiệm đã ghi là chết vì tai nạn xe cộ. 

Bên trong Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM 

Mười hai năm trước, ngày 21.4.2000 Ðại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã gửi bức thư 6 trang đến các cấp lãnh đạo đề nghị lấy 30.4 làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc” : Sám hối những sai lầm trọng đại, giải quyết tình trạng bi thảm của những người tử vong, tàn tật qua 2 cuộc chiến, và bảo đảm Nhân quyền cho người sống, Linh quyền cho người chết; dù họ thuộc bộ đội miền Bắc hay binh sĩ miền Nam, để chôn cất và trả nghĩa, cho gia đình họ khỏi ngậm ngùi. Hoà thượng đã viên tịch, nhưng những gì ông mong muốn vẫn chỉ có thể nhìn thấy nơi suối vàng. Có một chuyện kể ra nghe chơi, ai tin thì tin không thì …thôi nha.

Cách đây mấy năm tình cờ đi Điện Biên Phủ chung một đoàn làm phim truyền hình có nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, đang nửa đêm đốt lửa dưới chân đồi A.1 - nơi diễn ra những trận chiến đấu dữ dội, dai dẳng và quyết liệt nhất trong chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; mọi người đang ngồi trầm tư, im lắng bỗng giật thót khi thấy bà Hằng mắt mờ dại dõi nhìn xa xăm, mông lung và miệng nói lầm bầm mấy chuyện gì đó. Một lúc sau, bà rùng mình rồi quay sang nhìn mọi người cười bảo: “Mấy chú lính Tây và mấy anh bộ đội mình đang đi chơi với nhau ngang qua đây, thấy họ vui lắm…”. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét