Thưa ông Hào,
Thường thường, tập thể nào cũng vậy, đám đông nào cũng vậy, xã hội
nào cũng vậy, trong những sinh hoạt không thể nào tránh khỏi những lúc
lục đục, xào xáo, tranh đấu cho quyền lợi của mình.
Đó là cái lẽđương nhiên. Ngay như chuyện vợ chồng đầu ấp tay gối, yêu
thương nhau thắm thiết, mặn nồng, mà còn có lúc khua đĩa, khua chén, vợ
mặt mâm, chồng mặt thúng, huống hồ gì đám đông, của bá tánh; đặc biệt
là trong quốc gia nói rộng ra, mâu thuẫn có thể phát sinh giữa chính
quyền và dân ở bất kỳ chế độ nào, trong việc thực thi những chính sách
xã hội.
Khi xảy ra xung đột và mâu thuẫn cần được giải quyết, ai cũng tranh
cái lý thắng về mình. “Sư nói sư phải, vải nói vải hay”, đó cũng là cái
lẽ thường tình.
Trong việc tranh chấp đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên), dân có cái ly
thắng của dân, chính quyền và các đối tác đầu tư phát triển có cái lý
thắng của họ.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, cái gì cũng đổ thừa cho cái thói
thường tình, để rồi càng ngày càng rối canh hẹ, đi tới chỗ hư bè rã đám,
ngồi lên cả kỷ cương, pháp luật xã hội, rồi đánh người vô cớ, đàn áp
người dân tay không tất sắt, thì thật không thể chấp nhận được.
Bởi vậy, để tránh tình huống tồi tệ có thể xảy ra, trong mâu thuẫn
dân dã, thường có kẻ trung gian đứng ra môi giới, giúp giải quyết sự
việc. Người ta tìm đến những cá nhân hay những cơ quan pháp luật có
quyền lực để giải quyết sự vụ. Trong chuyện tranh chấp đất đai ở Văn
Giang, người ta tìm đến ngài, một vị Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, cũng
nhằm tìm một tiếng nói và một sự giải quyết theo lẽ công đạo (công bằng
và đạo đức).
Ngài là phó chủ tịch tỉnh, là quan phụ mẫu của dân, gặp lúc dân bị
mất đất và lực lượng đàn áp cưỡng chế đang tăng cao, nếu đã phát biểu,
khuyên răn, thì nên nói sao cho nguy thành an, loạn thành trị, hợp lý lẽ
công bằng mới phải phép của đạo làm quan.
“Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”, như ông Nguyễn Công Trứ đã nói, chính là như vậy đó.
Mà cái đạo của người làm quan, khi khuyên người, tất phải lấy sự
chính trực mà làm đầu. Tâm địa bất chính, miệng nói nhân nghĩa, lòng
chứa gươm đao, miệng nói thiệt hơn, lòng đầy xúi xử, video clip nếu đã
chưa xem, thì nói chưa xem, không nên phán càng, phán bậy, để bao biện
cho những điều sai trái, thì hỏi quan phụ mẫu làm sao trấn an đám con
dân.
Thời chiến quốc, một lời khuyên của ông Lỗ Trọng Liên khiến cho lục
quốc hết cảnh nồi da nấu thịt, mà lo chống cường Tần. Một lời nói của
ông khiến cho chánh đạo được tôn trọng, đại nghĩa được nâng cao, người
quân tử, kẻ chân chính có chỗ đứng, đám tiểu nhân, phường bất tiếu không
có chỗ mà tạ khẩu.
Bởi vậy một tiếng nói của ông Lỗ Trọng Liên được thiên hạ quí hơn ngàn vàng.
Sở dĩ ông Lỗ Trọng Liên được người đương thời coi trọng như vậy là vì
ông có cái tài thuyết phục, đồng thời, ông có cái đức của bậc chính
nhân quân tử. Ông đứng ra hoà giải thiên hạ chỉ vì chính đạo, chính
nghĩa, chính nghị, chứ không vì lòng riêng tư mà mưu đồ bao biện cho bản
thân và đám sai nha.
“Quân tử chính kỳ nghị, bất mưu kỳ lợi//Minh kỳ đạo, bất kế kỳ công”.
Thầy Đổng Trọng Thư đời nhà Hán đã nói như trên và câu này đã trở
thành bất hủ. Đã mưu lấy cái lợi thì làm sao mà “chánh kỳ nghị”, toan
tính kể công thì cách nào mà “minh kỳ đạo” cho được.
Ông Phó Chủ tịch Hưng Yên ơi!
Vấn đề công an cưỡng chế đánh người, bạn đọc Cua Times chúng tôi
nghĩ, chắc ông không xa lạ trong một thể chế chuyên chế. Chúng tôi tin
rằng, trước khi thi hành nhiệm vụ cưỡng chế, ông biết rõ tường tận kế
hoạch.
Nếu giả sử ông không tin vào cái video clip đang đăng tải trên mạng,
quay cảnh công an và dân phòng đánh đập hai nhà báo của VOV, đứng trước
một nghi vấn như vậy, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo tỉnh cần phải làm,
là kiểm chứng và điều tra sự thật.
Ở đây, chúng tôi tin rằng ông không hề tiến hành việc điều tra nào,
thậm chí có thể ông đã không xem cái video clip kia, ông trả lời với báo
chí là clip giả, lại còn nhấn mạnh: ”Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự
móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin
thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên
tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.
Cách trả lời này của ông bộc lộ 2 tiền đề cơ bản:
1) Tôi là người biết hết hết mọi vấn đề
2) Cấp dưới của tôi luôn luôn báo cáo trung thực.
Tiền đề thứ nhất sai vì ông là phó chủ tịch tỉnh chứ không phải
chuyên gia vi tính để nhận biết rằng đó là clip giả khi mà lực lượng
công an và dân phòng trong clip là thật. Các “lực lượng thù địch” dù có
muốn cũng không thể nào thuê họ diễn những tấn tuồng như thế.
Tiền đề thứ hai sai vì nó vi phạm quy luật cơ bản nhất của quản lý
(thiếu kiểm tra khách quan). Chính vì sai ở hai tiền đề cho nên các lập
luận của ông phó chủ tịch không thể coi là có trọng lượng, không thể
thuyết phục đám con dân của ngài được.
Nhìn vấn đề rộng hơn, phát biểu của ngài phó chủ tịch Hưng Yên thể
hiện tư duy thiển cận của tầng lớp kĩ trị hiện nay. Đấy là về lý. Còn về
tình, khi dân bị mất mát, bị đàn áp, đánh đập, ông phó chủ tịch tỉnh
thiếu sự quản lý tận tuỵ, chỉ chối trách nhiệm chứ tuyệt nhiên không có
một dòng thể hiện sự đồng cảm. Việc làm của ông đã tạo ra bao nhiêu sóng
ngầm giận dữ trong dân chúng. Không thể bảo vệ chế độ bằng sự dối trá,
bao biện như vậy!
Hơn lúc nào hết, xã hội lúc này cần “chánh kỳ nghị” và “minh kỳ đạo”.
Nếu có được những lãnh đạo tâm lành, đức trọng như vậy, thì may ra
những xao xáo, những lục đục, mâu thuẩn trong việc tranh chấp đất đai
mới hạn chế được, giúp tăng thêm niềm tin của người dân vào chế độ và họ
an tâm lao động góp phần xây dựng đất nước.
Nhưng, thời này, hình như những lãnh đạo như thế đâu phải là dễ kiếm phải không ông Nguyễn Khắc Hào.
Chào thân ái và quyết thắng.
Nguồn : Tịt Tuốt – Bạn đọc Cua Times.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét