1 thg 10, 2012
Ai chịu trách nhiệm về Đập thuỷ điện Sông Tranh 2?
Là một kỹ sư cơ khí có hơn 36 năm kinh nghiệm thực tiễn ở Canada, tôi xin phép nói lên vài nhận định như sau về sự cố Đập thuỷ điện Sông Tranh 2:
1) Hàng chục cơn địa chấn nhỏ (hay động đất yếu) đã liên tục xảy ra những ngày gần đây, trong lúc mực nước ở mức thấp nhất, cho thấy rằng nguy cơ tiềm tàng báo động một cơn động đất cực mạnh sẽ nổ ra sau khi chính phủ ra lệnh cho tích nước lên mực độ cao nhất. Đó chính là mối lo sợ chính đáng của hàng ngàn hộ dân miền Trung sống dưới hạ lưu. Tôi thông cảm với họ.
2) 10 năm trước, khi chưa xây đập, không hề có chấn động liên tu bất tận như thế. Điều này khẳng định vị trí con đập đã là nguyên nhân gây ra sự cố nguy hiểm. Người dân hoảng sợ là đúng.
3) Hiệp hội Khoa học Nhà nước và công ty EVN đã công khai tuyên bố đập thuỷ điện xây cất kiên cố vững chắc có sức chịu đựng những cơn địa chấn dưới 5,5 độ Richter. Có thể họ tính toán đúng. Nhưng ai dám bảo đảm rằng cơn động đất sắp tới sẽ không vượt qua ngưỡng 5,5 độ, và con đập sẽ không bị sụp đổ tan tành? Có vị quan chức cán bộ khoa học nào dám đứng ra bảo đảm rằng địa chấn xung quanh vùng sẽ không bao giờ vượt quá 5,5 độ Richter?
4) Cứ cho rằng thiết kế tính toán đúng, nhưng khâu thi công xây dựng đã phạm quá nhiều sai lầm, để cho nước thấm qua chảy liên tục suốt 12 tháng trời, hình ảnh do phóng viên báo chí ghi lại cho thấy nước phun chảy như suối, như thác trong những ngày đầu tiên. Như vậy mọi cơ cấu chịu lực do nguyên tắc “đầm lăn” đã bị nước chảy làm suy yếu bên trong. Sức kháng cự của con đập bị giảm, vị cán bộ khoa học kỹ thuật nào dám ký tên công khai bảo đảm an toàn hãy cho biết danh tính trên mặt báo?
5) Nhiều nhà khoa học độc lập đã công khai lên tiếng lo ngại về nhiều sai lầm nghiêm trọng trong thiết kế, ví dụ:
- Thiếu cửa thoát để xả nước dưới đáy đập: nguy hiểm tiềm tàng vì mực nước trong hồ luôn luôn ở vị trí đáng ngại, cản trở mọi công tác sửa chữa bảo trì khi cần. Góp phần gây ra hạn hán cho vùng canh nông hạ lưu vì thiếu nước.
- Hiện giờ miền Trung đang đi vào mùa mưa lũ, nước dâng tràn khắp nơi. Làm sao giải toả lưu lượng nước ứ đọng, khi đập Sông Tranh cứ bị giam mãi, không cho tích nước? Xem ra bài toán còn nan giải phức tạp hơn nhiều, vì nhiều vùng thượng lưu sẽ bị vạ lây???
- Cty nhà nước EVN đã nghiệm thu công trình xây cất đập, họ tuyên bố nhiều lần rằng đập thuỷ điện an toàn. Điều này chứng tỏ khâu “kiểm tra chất lượng” bị xem thường, Nhà nước không theo dõi gắt gao công tác thi công, không có tiêu chuẩn rõ ràng minh bạch, không có phòng thí nghiệm (bê tông, xi măng) để thẩm định chất lượng xây dựng, cho nên mới xảy ra sự cố.
- Chỉ trong vòng vài tuần lễ đầu tiên khi phát hiện sự cố thấm nước, nhà thầu và những người chịu trách nhiệm đã đưa ra quá nhiều lời tuyên bố mâu thuẫn, nhập nhằng về lưu lượng nước thấm cho phép. Điều này chứng tỏ họ không có tính chuyên nghiệp, xem thường dư luận, vô trách nhiệm.
Kết luận: Người dân miền Trung sống dưới hạ lưu và chính quyền tỉnh Quảng Nam lo ngại, nghi ngờ khả năng của cán bộ khoa học kỹ thuật nhà nước là có cơ sở.
Sai lầm nghiêm trọng do từ quản lý lỏng lẻo của chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đích thân lên tiếng giải thích sự kiện này trước công luận và phải chính thức nhận lấy trách nhiệm.
Nguồn : KS Lê Quốc Trinh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét