Đến một ngày ngành GTVT sẽ đặt trạm bên tượng vua Lê bên Bờ Hồ để “hoàn vốn” cho “Con đường Bô xít”?
Điều nguy hiểm nhất của câu chuyện thu phí, không chỉ là sự vô lý khi người dân phải trả tiền cho một thứ hàng hóa dịch vụ mà họ không dùng mà ở chỗ nó thể hiện tư tưởng tận thu, từ việc bòn nhặt những đồng tiền lẻ. Nếu đây là tư tưởng chính cho chính sách giao thông thì có lẽ, đến một ngày ngành GTVT sẽ đặt trạm bên tượng vua Lê bên Bờ Hồ để “hoàn vốn” cho “Con đường Bô xít”.
Ngay khi Bộ Tài chính công bố dự thảo quyết định tăng mức phí đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, lên gấp 1,5 lần, để lấy ý kiến người dân, những người hàng ngày phải lưu thông trên con đường, với điểm khởi đầu là cây cầu Thăng Long có “làn da mặt hiểm trở”, ngay lập tức đã chỉ ra 2 điểm vô lý. Thứ nhất: Đường “Second hand”, từ lâu đã không còn là cao tốc, “nguyễn y vân” tình trạng ùn tắc triền miên, không những không “sell off”, mà còn “tăng giá” hẳn nhiên sẽ bán không ai mua, cho không ai đắt, trừ phi bán theo “kiểu Việt Nam”, tức là bắt dân mua, với một mức giá “không mặc cả”. Điểm vô lý thứ hai, là những người đi lại trên đường Bắc Thăng Long- Hà Nội đang phải trả tiền đường cho Vietrancimex 8 để công ty này hoàn vốn cho dự án xây dựng đoạn tránh Quốc lộ 2 ở tận…Vĩnh Yên.
Câu chuyện này đáng xếp vào mục “Chỉ có ở Việt Nam”. Bởi cũng chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện những người mua phải trả tiền cho một thứ hàng hóa mà họ không (có nhu cầu) dùng.
Nói đến chuyện tăng phí, có lẽ không thể không nhắc lại “chuyện cái mặt” của cầu Thăng Long. Nghĩ thật tội cho hai chữ “Thăng Long” khi giờ đây xe cộ qua lại bò còn không nổi chứ đừng nói đến bay khi cái mặt cầu trăm tỷ càng sửa càng hỏng được mô tả bởi một từ đắc địa là “Hiểm trở”.
Nhân đây cũng phải khen ngành GTVT bởi dù một “cái mặt” của cây cầu được xác định là “công trình trọng điểm quốc gia”, trên tuyến độc đạo kết nối Thủ đô Hà Nội với…thế giới, đã áp dụng đủ loại công nghệ Anh Quốc, vật liệu Singapore đổ ngót trăm tỷ, sửa đi sửa lại suốt 3 năm- vẫn là câu chuyện nhai đi nhai lại như nỗi khổ cực của dân chúng. Ấy thế mà trong việc thu phí, tăng phí thì họ lại nhanh nhẹn, năng động và “sáng tạo” tuyệt vời.
Tin cũ là Bộ GTVT khẳng định những tập thể cá nhân tham gia dự án sửa chữ đều “có trách nhiệm”. Và sự cố chỉ là ở “công nghệ”.
Tin mới là ngành GTVT đã “quyết” đổ thêm 12,5 tỷ để nghiên cứu công nghệ “căng da mặt” cầu Thăng Long.
Tin không tốt là mặt cầu sẽ tiếp tục sửa, ngay sau khi vừa sửa xong, và kinh phí là từ nguồn vốn vay. Vốn vay chứ không phải là cho không.
Liệu sẽ có một ngày đẹp giời, ngành GTVT sẽ thu phí bên Hồ Con Rùa để có tiền trả nợ cho việc chữa mặt cầu Thăng Long không nhỉ?
Nguồn : ĐÀOTUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét