Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 5, 2012

Tài nguyên xác thịt



Trong khi ở Hà Nội, người mẫu Hồng Hà bán “tài nguyên xác thịt” thì ở Cái Răng, Cần Thơ 2 người phụ nữ khác lại dùng xác thịt để bảo vệ tài nguyên.

Hồng Hà, một diễn viên, kiêm người mẫu vừa bị bắt quả tang bán dâm. Cô tất nhiên không nổi tiếng bằng “Vàng Anh”. Cô cũng không có những clip “chuyên nghiệp” như Yến Vi hay “gợi cảm” như những bức ảnh của Hồng Nhung. Nhưng cô thật thà như nữ hoàng nội y Ngọc Trinh khi “tâm sự”: “Em nghĩ đơn giản là mình chỉ đi chơi Đồng Mô một buổi với khách mà lại kiếm được nhiều tiền thế thì chẳng tội gì…”.

Chuyện này có lẽ đáng ra là rất bình thường. Giờ Việt Nam có tới 200.000 cô gái “đào tài nguyên ra bán”, không ít trong số đó là người mẫu, diễn viên.
Diễn viên, người mẫu Trang Trần chẳng phải có lần đã “ném bom dư luận”, rằng “Không ít người đẹp bán dâm để…ăn diện” đó sao.
Rất thường. Vấn đề dư luận gây sốc chỉ là từ cái giá: 1.500 USD. Đắt nhất đối với những cái giá công khai đã bị phát hiện từ trước đến nay. Nhưng nói đến cái giá “đắt nhất” này, chính xác thì vẫn phải dùng chữ “chỉ”: “Tài nguyên phẩm hạnh” được bán vô tội vạ, nhưng cái giá chỉ 1.500 USD.

Ở đây, cần phải nhắc đến câu chuyện kiếm tiền của Hồng Hà. Cô bảo “Phim thì chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng/ bộ, còn chụp ảnh thì em được khoảng 1 triệu đồng/ buổi”. Đóng một bộ phim, chụp ảnh cả 30 buổi mỗi tháng không đủ cho Hồng Hà mua được một cái túi cỡ như của Ngọc Trinh. Mà đối với người đẹp, đại kỵ là việc dùng hàng fade, hàng sale off.
Bài học Lý Nhã Kỳ bị báo chí ném đá tả tơi còn sờ sờ ra đó, dù chiếc váy “fade” Alexander Mc Queen giá “không fade, không sale off” tí nào: 30.000 USD, hay 600 triệu vnd .

Cựu Hoa hậu Thu Thủy từng chém: Bản thân cái đẹp đã là một tài năng”. Nói chính xác hơn thì bản thân sắc đẹp đã là một tài nguyên.
Từng tham gia một cuộc thi sắc đẹp nhưng không được giải. Đóng vài bộ phim “Ai”, “Giấc mơ biển”, “Một thời ta đuổi bóng”, “Pha lê không dễ vỡ”- không ai biết là phim gì. Và cái giá 1.500 USD. Hóa ra ở mình bên cạnh những người có vui thú tao nhã là tậu “vườn thượng uyển” thì nhiếu người khác không biết tiêu tiền vào việc gì.

Vào cái hôm báo chí làm cho những thục nữ Việt choáng váng với cái giá 1.500  USD,  thì báo chí thế giới cũng đồng loạt tung tin: Ở Tây Ban Nha, nữ ca sĩ Colombia Shakira đang được Playboy gạ “nhân trần” với giá 50 triệu USD. Còn ở Pháp, một doanh nhân, tất nhiên là đàn ông, đã đứng dưới ban công khách sạn Majestic để như Romeo mà gào lên với, cũng người mẫu kiêm diễn viên, Kelly Brook: “Làm ơn đi, chỉ một đêm thôi”. 1 triệu euro cho “một đêm” nhằm tái hiện lại tình huống trong bộ phim Indecent Proposal mà Kelly Brook thủ vai. Xem ra, dân chơi Pháp hơn đứt dân chơi Việt.

Điều đáng nói là Kelly Brook thản nhiên lắc đầu. Shakira cũng ngoảnh mặt dù 50 triệu USD cho vài bức ảnh “nhân trần” sẽ không chảy vào túi cô mà dành cho  quỹ từ thiện Barefoot.

Cái giá cho nhân phẩm, 1 triệu euro, hay 50 triệu USD đôi khi cũng là quá rẻ, nhưng 1.500 USD, kể cả khi đã bị báo chí “đội giá”, cũng là quá đắt.

Nhưng cái giá 1.500 USD, 1 triệu euro, hay 50 triệu USD, những cái giá rất ảo cho  “tài nguyên xác thịt”, có lẽ là được định bởi “ánh mắt kẻ đa tình” hơn là giá trị “tài nguyên”.
Cũng giống như giá cây sưa ở Việt Nam mình.

Một câu chuyện đáng để cười rớt răng đang xảy ra ở Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắk Lắk: Giữa thời bình, những công nhân môi trường đang “lấy võng làm giường, vỉa hè làm nhà” để thức trắng canh…cây sưa. Phải mở ngoặc đó là những cây sưa bóng mát trồng bên đường. Truyền hình còn nói có hẳn lực lượng “du kích sưa”. Báo chí thì nghĩ đến chuyện “cảnh sát sưa”. Một cái cây mà cần phải có vệ sĩ”, có “du kích”, có “cảnh sát”,  xem ra chúng ta đang trở về thời chiến khi mà cái sự loạn đã không còn giới hạn nữa.

Rồi ở ngay chính tại “vương quốc sưa” Quảng Bình, do trước đây “thiếu kinh phí” nên nhiều cơ quan, đơn vị đã đóng bàn ghế gỗ sưa cho… rẻ tiền, thành thử sau vụ “hỗn chiến gỗ sưa”, chẳng hạn Sở Y tế Quảng Bình phải thuê hẳn một đội “chân tay to” ngày đêm canh giữ một… bộ bàn ghế bằng gỗ sưa đỏ. Hay ở Minh Hóa, cảnh sát túc trực bảo vệ… phòng ngủ của Chủ tịch Huyện, chỉ vì trong phòng có một bộ bàn ghế gỗ sưa.
Câu chuyện hài có thật này cho thấy một sự thật là bản thân chính quyền, diện cái áo “bảo vệ tài nguyên”, cũng đang bị chi phối bởi những thứ giá trị ảo. Bởi ngẫm ra, gỗ chỉ dùng để làm nhà, để đóng bàn ghế, cùng lắm là để làm…quan tài. Hết
Một thạc sĩ Viện Khoa học lâm nghiệp phân tích: Về mặt chịu lực, gỗ sưa không bằng cây gỗ nhóm 1 như lim, gụ… Sưa thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc. Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương. (Trừ trường hợp đặc biệt là có  một kẻ điên bỏ 60 tỷ đồng sắm quan tài gỗ sưa. Mà kẻ điên đó, không hề có danh tính, nhiều khả năng cũng là sản phẩm  trí tưởng tượng của những tờ báo chuyên kinh doanh cải). 

Gỗ sưa để làm gì? Cây sưa quý như thế nào mà còn coi trọng hơn cả tính mạng con người? Quý thế nào mà phải bảo vệ hơn cả nguyên thủ quốc gia? Chả ai biết.
Khi vụ giang hồ đại náo vườn quốc gia Phong Nha, cái giá được tung ra dư luận là “cả chục triệu đồng/kg”, hay “11 tỷ đồng/ m3” nghĩ kỹ thì hóa ra lại được định ra bởi các thương nhân Tàu khiến cho cây sưa giờ đúng là loại cây tai họa và…nặng nợ.

Nhưng trong dòng thời sự về sưa, còn có một câu chuyện tuyệt hay. Cũng ở Quảng Bình, Huyện ủy  Bố Trạch đã bán quách bộ bàn ghế tại phòng Bí thư với giá 1,5 tỷ đồng. Khi mà trước đó,  nhân viên văn phòng đã phải “ngủ nửa mắt” trên bộ bàn ghế này suốt nhiều đêm liền để phòng “sưa tặc”. Câu chuyện này thực ra là một gợi ý tuyệt vời. Thay vì phải có “du kích sưa”, “cảnh sát sưa”, thay vì mắc võng trắng đêm trông sưa, chúng ta nên bắt chước Bố Trạch, tổ chức bán đấu giá quách cho xong. Một cái “giá ảo” do một “người ảo” nào đó định ra cho một thứ “tài nguyên ảo” thì đáng để bán quách cho chính họ.
Câu chuyện “mắc võng canh sưa”, canh một thứ “tài nguyên ảo” đáng coi là câu chuyện khôi hài nhất trong năm. Nhưng đến hôm qua, khi báo chí đưa tin hai người phụ nữ ở Cái Răng, Cần Thơ đã “khỏa thân để giữ đất” thì đã lại có thêm một câu chuyện “bảo vệ tài nguyên” khác diễn ra theo một chiều hướng bi, nhưng không hài, mà là bi thảm.
Bà Phạm Thị Lài (SN 1960) và con gái là Hồ Nguyên Thủy (SN1979) đã khỏa thân để giữ phần đất mà họ cho rằng đã bị Công ty CIC 8 chiếm đoạt một cách thiếu minh bạch. Người chồng, sức yếu, thế cô, cổ ngắn uất ức đến nỗi đã một lần uống thuốc sâu tự tử để phản đối. Còn giờ, hai người phụ nữ nói họ chấp nhận “lột đồ chịu nhục” để phản đối. Bởi “tài nguyên” mà họ bảo vệ chính là ngôi nhà, là sinh kế của họ.
Để dân phải nổ súng, đặt bom, hay tự tử, lột đồ để giữ đất, nói cách gì cũng là lỗi của chính quyền đã đẩy họ vào bước đường cùng.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, người vừa tạo ra một cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu xung quanh vụ khiếu tố, bao vây trụ sở UBND tỉnh của người dân Bỉm Sơn, từng lý giải giản dị, rằng: “Phải hiểu một điều rất đơn giản: Họ là nhân dân và họ đang đi khiếu kiện”. Rằng: “Phải làm đúng theo luật nhưng cũng phải bám sát thực tế”.
Lợi ích nào cần phải bảo vệ nếu trước hết không vì lợi ích của người dân.
Bởi thế mới nói, còn rất nhiều thứ tài nguyên hữu hình thuộc về phạm trù nguồn sống của người dân không thể đổi bán cho bất kỳ ai với bất cứ giá nào. Có rất nhiều tài nguyên hữu giá trị cần phải bảo vệ hơn nhiều so với cây sưa. Có điều, việc bảo vệ không thể là “mắc võng” nằm canh, không thể là “du kích” hay “cảnh sát”, càng không thể là sự tước đoạt.

Nguồn : ĐÀO TUẤN

29 thg 5, 2012

Những người đàn bà….




Trong tuần qua có hai sự việc liên quan đến thân phận đàn bà làm mình chú ý. Việc thứ nhất được báo chí kèn trống một cách quá lố vì có liên quan đến chân dài. Vụ thứ hai chỉ có hai tờ báo đưa tin có lẽ do vụ việc chỉ liên quan đến hai phụ nữ có chân…không được dài lắm.

Nhân vật chính trong cả hai vụ đều là phụ nữ và nội dung hoàn toàn khác nhau nhưng lại nói lên bộ mặt thật của xã hội hôm nay.

Vụ thứ nhất là người mẫu Hồng Hà, cô bị bắt vì bán dâm với cái giá 1.000 đô la cho một đại gia nào đó mà theo báo chí ỡm ờ có thể là một quan tham mà nhà báo được chính quyền rỉ tai nên không tiện nêu tên vì lý do “nhạy cảm”.

Người mẫu bán dâm thì có gì là lạ trong xã hội Việt Nam khi cái nghề này tuy ồn ào trên báo chí nhưng có cô người mẫu nào giàu được nhờ khả năng và công việc của mình? Những ông bầu sau chiếc cánh gà của sàn catwalk chính là người chính thức hưởng lợi qua các hợp đồng mà người mẫu ký được với những công ty thời trang và sau một thời gian trong nghề, những người mẫu quen tiêu xài ấy sẽ không thể ngưng lại và chiếc xe lộng lẫy do báo chí thổi phồng chỉ có thể đổ xăng bằng các loại thu nhập ngoài…vòng phong tục!

Tuy với lý do gì, mình cho rằng bất cứ người đàn bà nào khi chấp nhận bán dâm cũng đều đáng thương, chí ít là thương hại. Là đàn bà, bạn nghĩ gì khi phải nhắm nghiền hai mắt để một tên đàn ông nào đó thân thể ngập ngụa mùi rượu, tởm lợm với thức ăn chưa tiêu hóa hết trong cuống họng, hì hục làm cái việc mà một con heo nọc xem ra còn dễ coi hơn?

Người chấp nhận làm công việc gọi là bán dâm ấy có vui được không khi báo chí mô tả họ như những kẻ làm băng hoại xã hội này kể cả cô người mẫu đang bị lên án? Người mẫu rồi sao? Họ không có những đau đớn ê chề từ đòn thù mà báo chí hết tờ này tới tờ khác đang thi nhau “bề hội đồng” họ? Cái giá 1.000 ngàn đô la trong khách sạn sang trọng khác gì với hai trăm ngàn tiền Việt của một cuộc bán dâm tại Vườn Tao Đàn? Giá cả không nói lên được bản chất vì đau đớn, nhục nhã lẫn ê chề không có giá và luôn luôn giống nhau. Cô gái từ miền Tây lên thành phố bán thân tuy hoàn cảnh có khác, thân phận có khác và giai cấp cũng có khác nhưng không vì thế mà cô người mẫu “hân hạnh” tăng giá theo như điều mà báo chí đang làm.

Đưa tin theo cách mà báo chí làm với cô người mẫu hiện nay là cách đưa tin đầy nọc đọc. Nọc độc ấy đang được sự hiếu kỳ rẻ tiền của xã hội tiếp tay chuyền vào cơ thể của hàng triệu cô gái Việt Nam khác bất kể thành thị hay thôn quê đang đứng trước nguy cơ không công ăn việc làm trong hoàn cảnh kinh tế mất định hướng và tuổi trẻ mất niềm tin như hiện nay.

Báo chí không dám đả động hay tìm cho ra cái tên đại gia ấy là ai? Hắn làm ở Bộ ở Cục nào trong chính phủ? Hắn có phải là công an hay hiệu trưởng một trường học nào đó hay không? Đó là những câu hỏi mà người đọc cần biết và người làm báo có tay nghề càng phải biết hơn. Tập trung vào một tấm hình duy nhất và loan tin theo bản tin của công an đưa cho thì xin lỗi các anh, hàng triệu người làm báo tốt hơn các anh nhiều mặc dù quanh năm họ không hề bước ra khỏi cửa.

Mình không hề xúc động một chút gì qua bản tin này, do đó bài báo về vụ người mẫu bán dâm kể như tốn giấy một cách ngu đần. Tuy nhiên mình lại xúc động thật sự ở một bản tin khác do Bee.Online đưa tin với đầy đủ hình ảnh: “Hai mẹ con khỏa thân để giữ đất”.
Ảnh: Blog Lê Hiền Đức

Vụ việc xảy ra tại Cần Thơ khi bà Phạm Thị Lài 52 tuổi, với con gái ruột là Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi hiện đang làm kế toán của một doanh nghiệp kinh doanh vật tư xây dựng ở TP Cần Thơ. Hai người đã lột hết quần áo để chống lại với những người đàn ông đang có mặt trên công trường trên mảnh đất của bà bị nhà nước tước đoạt giao cho doanh nghiệp. Bà Lài được trả 500 ngàn cho một mét vuông đất trong khi đó chính quyền giao lại cho doanh nghiệp với con số tăng lên 10 lần.

Sau nhiều lần đấu tranh không thành công hai mẹ con bà đành sử dụng phương pháp cuối cùng: “Lấy cái xấu chống lại cái ác”.

Rõ ràng chị Hồ Nguyên Thủy không phải là người thất học, vì làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân không thể thiếu kiến thức hay được lo lót như làm việc cho nhà nước. Trong lứa tuổi 30 chị không thể được xem là già nhưng chấp nhận không mặc quần áo để chống lại cái ác thì hành động này của mẹ con chị vừa đau đớn cho đàn bà Việt Nam vừa là một vết mực đen quất thẳng vào bức tranh đang được người ta cố hết sức để thổi phồng lên về sức mạnh và sự đẹp đẽ khó tin của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Ảnh: Blog Lê Hiền Đức

Tâm lý xem bộ phận sinh dục của phụ nữ là nơi dơ bẩn đã được truyền bá trong cộng đồng nông nghiệp hàng ngàn năm nay và vì vậy khi chấp nhận khỏa thân thì người dân quê đang dùng đến thứ vũ khí cuối cùng để chống lại đám cường hào mới.

Cường hào không lộ mặt như những thứ Tổng, Lý trong thời Ngô Tất Tố. Cường hào hôm nay có khuôn mặt đẹp đẽ hơn nhiều và cơ ngơi của họ cũng đồ sộ gấp ngàn lần hơn. Họ là những người có chức danh nghe rất kêu như chủ tịch ủy ban này, bí thư thành phố nọ. Khuyển ưng của họ không phải là mấy tên võ biền ốm đói mà cả một rừng quân lính kêu đâu dạ đó, súng ống khiên nón đầy người…

Vậy mà hai mẹ con của bà Lý, người miền Tây của mình lại chỉ có thể đem hai cái vật chỉ bằng hai bàn tay ra chống một cách đau đớn như vậy thử hỏi mấy ai không nghẹn ngào, rơi lệ?

Nhìn cảnh hai mẹ con trần truồng bị đám sai nha lôi xềnh xệch trên mảnh đất của họ người đọc sẽ nghĩ sao so với tấm ảnh của cô gái trong đồn công an về tội bán dâm? Xã hội chưa lên án báo chí thì quả là chuyện lạ!

Đóng bản tin lại mình thẫn thờ tự hỏi: sao mà nhân phẩm con người hôm nay lại rẻ rúng đến như thế? Một bên khoe thân để lấy tiền, một bên đưa thân ra để chống lại bọn người tàn ác. Hai hình ảnh ấy nói lên điều gì tại quê hương của mình ngày hôm nay vậy?

Mình chỉ biết buồn và cầu nguyện cho hai mẹ con bà Lài và cũng không quên cho cả cô người mẫu tội nghiệp.

Mình cũng muốn cắn răng, như một tín đồ Thiên Chúa thường cho rằng nên cầu nguyện luôn cho kẻ thù để chúng sớm quay đầu lại với Chúa…nhưng sao không thể làm được? Có thể giận quá mất khôn, hay tận thâm tâm mình không tin rằng những hung thần của quê hương sẽ không bao giờ quy cải được?

Khi người đàn bà bị đẩy đến chân tường đến nỗi phải dùng đến thứ vũ khí trời ban cho để sinh tồn mà xã hội vẫn nhởn nhơ cười nói thì đến Chúa cũng hết lời chứ nói chi đến mình, một người ngoại đạo?

Nguồn : CÁNH CO BLOG

Đơn tố cáo của con gái ông Nông Đức Mạnh

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập -  Tự Do - Hạnh Phúc
----------------------
    Hà Nội ngày 18 tháng 4 năm 2012

 ĐƠN TỐ CÁO (lần 2)
    Đảng viên, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm vi phạm đạo đức Đảng viên, vi phạm pháp luật nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

 Kính gửi: Báo Người Cao Tuổi  


Tôi tên là Nông Thị Bích Liên con gái ruột của ông Nông Đức Mạnh – nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam. Địa chỉ số 70 Kim Mã Thượng phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngày 09/02/2012, tôi đã viết đơn lần 1 tố cáo với tổ chức và Ông /Bà có trách nhiệm về những vi phạm của cá nhân bà Đỗ Thị Huyền Tâm – đại biểu quốc hội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập doàn Minh Tâm về những dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức đảng viên.

Đã hơn hai tháng, cá nhân tôi chưa nhận được trả lời của cơ quan/tổ chức nào về những tố cáo, phản ảnh của tôi. Nay, tôi tiếp tục viết đơn tố cáo lần 2 phản ánh với tổ chức Đảng và ông/bà có trách nhiệm về những vi phạm của bà Đỗ Thị Huyền Tâm – đại biểu Quốc hội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tâm. Cụ thể như sau:

 1. Bà Tâm là Đảng viên, là Đại biểu Quốc hội nhưng đã cấu kết với chồng là ông Phạm Tuấn Linh lừa dối gia đình tôi, lợi dụng tình cảm của bố tôi để vụ lợi:

- Lợi dụng uy tín của bố tôi để tìm mọi cách đáo hạn các khoản nợ, giãn nợ khoảng 900 tỷ đồng của Công ty Minh Tâm mà bà Tâm là Chủ tịch HĐQT.

- Âm mưu chiếm đoạt và phá vỡ mọi thành quả, nền tảng đạo đức cá nhân và gia đình tôi và xã hội, phá vỡ hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 82 năm xây dựng, gìn giữ và phát triển.

Cuối năm 2010, ngay khi Mẹ tôi lâm bệnh nặng, bà Tâm tìm cách tiếp cận bố tôi, dùng các thủ đoạn lấy lòng những người xung quanh Bố tôi và đặc biệt là lái xe riêng của Bố tôi là ông Vũ Văn Sáng (công tác tại Phòng xe, Văn phòng TW Đảng), thông qua lái xe để nắm các thông tin về gia đình tôi. Từ đó, bà Tâm tạo được vỏ bọc cảm thông chia sẻ với Bố tôi, giả tạo tình cảm để lừa gạt và lợi dụng uy tín của Bố tôi .

Tại thời điểm đầu năm 2011, bà Tâm đã có chồng nhưng đã đặt vấn đề tìm hiểu Bố tôi để tiến đến hôn nhân. Chồng bà Tâm là ông Phạm Tuấn Linh – Đại tá, Phó Phòng Kế hoạch, Cục Quân nhu – Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, cho đến ngày 30/6/2011 bà Tâm mới ly dị chồng .

Cũng tại thời điểm này, công ty của bà Tâm đang phải gánh khoản nợ hơn 900 tỷ đồng tại các ngân hàng và nhiều khoản nợ cá nhân khác. Bà Tâm đã sử dụng mối quan hệ với Bố tôi để ạo ra sự nể nang của một số ngân hàng khi đến hạn phải xiết nợ.

Ngày 30/6/2011, Tòa xử ly hôn giữa bà Tâm và ông Linh  nhưng ngay sau đó ông Linh vẫn nói với một số người là "Gia đình vẫn hạnh phúc, không có chuyện ly hôn."  Việc này lẽ ra ông Linh phải báo cáo tổ chức, không những thế lại còn thiếu trung thực trả lời với những người xung quanh.

Bà Tâm cũng đã che dấu việc đã ly hôn với các cơ quan quản lý của Quốc hội.

Và các cơ quan chức năng, vi phạm đạo đức đảng viên về minh bạch  thông tin cá nhân: che dấu dư luận và cộng đồng dân cư tại nơi cư trú thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm nhằm mục đích tạo hình ảnh đẹp đẽ để hiệp thương và ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Thực tế, bà Tâm và ông Linh cư trú tại thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình khoảng 10 năm nay. Tại xã Mỹ Đình, tổ dân phố thôn Nhân Mỹ đã tiến hành việc lấy ý kiến nhận xét để hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội và ý kiến nhận làm thủ tục Đảng viên chính thức cho bà Tâm trong năm 2011. Tuy nhiên, bà Tâm lại thực hiện ly hôn tại nơi đăng ký hộ khẩu (số 147 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội) chứ không phải tại nơi cư trú để tránh sự quản lý của Chính quyền và tổ chức Đảng nơi thường trú.

Việc tiến hành thủ tục ly hôn của bà Tâm và ông Linh có nhiều điểm mờ ám ( thụ lý xong chỉ có 8 ngày…) việc này đề nghị cần phải được làm rõ:

Ngày 21/6/2011, bà Tâm gửi đơn ra Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội xin ly hôn. Ngay ngày hôm sau 22/6/2011 Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng có thông báo thụ lý việc ly hôn với ông Linh và cũng trong ngày đó, bà Tâm và ông Linh đã ký vào biên bản thuận tình ly hôn. 

Ngày 30/6/2011, Tòa án đã xử ly hôn cho hai người. Đối chiếu với các quy định về pháp luật về giải quyết ly hôn tại Tòa án, tôi nhận thấy có nhiều sai phạm về tố tụng cần được làm rõ, cụ thể là:

a)    Theo Luật Cư trú việc ly hôn của ông Linh và bà Tâm lẽ ra phải được thực hiện tại Tòa án Nhân Dân huyện Từ Liêm chứ không phải thực hiên tại quận Hai Bà Trưng.

b)   Trong hồ sơ ly hôn không lưu bản chính Đăng ký kết hôn của bà Tâm và ông Linh mà chỉ có bản sao công chứng được thực hiện ngay trong ngày 21/6/2011. Vì lý do gì các đương sự lại không nộp bản chính đăng ký kết hôn? Vậy có phải sau khi đạt được mục đích lợi dụng uy tín cá nhân của Bố tôi để đảo nợ và tẩu tán tài sản thì ông Linh và bà Tâm quay lại với nhau?

c)   Tại thời điểm ly hôn, ngôi nhà số 147 Mai Hắc Đế và số 2, Nhân Mỹ, Mỹ  Đình là tài sản chung của ông Linh và bà Tâm nhưng đã thế chấp tại ngân hàng để vay nợ cho Công ty bà Tâm. Vậy trong bản tự khai của ông Linh khi ly hôn có nêu rằng không liên quan đến tài chính và nợ của công ty Minh Tâm thì có đúng không?

II . Qua các tài liệu cho thấy tổng nợ vay của công ty Minh Tâm tại các ngân hàng khoảng 800 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn.

Ông Đỗ Ngọc Minh anh trai ruột của bà Tâm vay gần 400 tỷ đồng và bà Tâm vay hơn 400 tỷ đồng tại các ngân hàng: NH Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Cầu Giấy, NH Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Hà Tây, NH TMCP Công Thương chi nhánh Hưng Yên, NH TM Quốc Tế (VIP) chi nhánh Hà Đông, Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hà Nội, Vietcombank chi nhánh Long An. Việc thực hiện các khoản vay của Công ty Minh Tâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật:

-     Tại sao cùng một thời điểm, công ty đã dùng cùng một tài sản để thế chấp vay nợ tại nhiều ngân hàng?

-     Hàng tồn kho, nguyên vật liệu thế chấp vay nợ không thực sự có trong kho.

-     Đánh giá giá trị tài sản thế chấp vượt quá giá trị thực để được vay số tiền lớn hơn giá trị thực tế của tài sản thế chấp.

-     Hiện nay, trước sức ép phải trả các khoản nợ gốc và lãi lớn của ngân hàng và đặc biệt là nhiều khoản vay bằng sổ đỏ của nhiều cá nhân khác, bà Tâm đang  bằng mọi thử đoạn để tiếp tục được bao che dưới vỏ bọc là vợ của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh để không ai dám trực tiếp đến tận nhà đòi nợ được .

Ngày 08/9/2011, chưa đến ngày giỗ đầu mẹ tôi, bà Tâm đã xúi giục bố tôi làm đăng ký kết hôn tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Đăng ký kết hôn này sai pháp luật nên đã bị hủy (văn bản số 119/UBND – VP Huyện Na Rì). Bà Tâm đã dùng giấy kết hôn sai luật này tới các ngân hàng để gây sức ép, yêu cầu cho bà Tâm gia hạn vay nợ.

Để theo đuổi mục đích của mình, ngay trong ngày UBND Huyện Na Rì có văn bản thông báo về việc hủy kết hôn trái pháp luật, bà Tâm lại tiếp tục bằng mọi cách đăng ký kết hôn tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nơi đăng ký hộ khẩu của bà Tâm. Song thực tế bà Tâm đã không sống tại đây khoảng 10 năm nay. Việc đăng ký kết hôn do phường Quan Thánh, quận Ba Đình – nơi đăng ký hộ khẩu và là nơi đăng ký thường trú của Bố tôi. Như vậy, bà Tâm bằng mọi thủ đoạn phải có được Giấy chứng nhận Đăng ký kết hôn để ép các ngân hàng và các cá nhân giãn nợ khi các khoản nợ đã đến hạn thanh toán. Vậy, phải gây sức ép tới các Ngân hàng và cá nhân để gia hạn nợ, đảo nợ, trốn tránh pháp luật.

Chúng tôi được biết, ngày 15/3/2012, công ty Minh Tâm đã tiến hành thủ tục tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh nhằm thay đổi cổ đông sáng lập công ty và thực hiện việc thông báo theo thủ tục bắt buộc về thay đổi này từ ngày 09/4/2012 đến ngày 09/5/2012. Phải chăng đây là dấu hiệu để bà Tâm đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật của chính bà Tâm đã thực hiện thời gian vừa qua tại công ty Minh Tâm?

Cho đến thời điểm này gia đình tôi gồm họ tộc và con cháu không hề biết mặt bà Tâm và bà Tâm cũng không có lời nói hay hành động nào đối với bất kỳ một người nào trong họ tộc chúng tôi về việc sẽ bước vào gia đình tôi thay thế tư cách của mẹ tôi?

Tôi và toàn thể gia tộc quá đau xót khi đặt câu hỏi về:

- Động cơ, mục đích và những uẩn khúc của việc ly hôn và cả việc đăng ký kết hôn vội vàng khi chưa đến giỗ đầu mẹ tôi.

- Động cơ, mục đích của việc cố tình có được đăng ký kết hôn lần thứ hai ngay trong ngày hủy đăng ký kết hôn trái pháp luật lần thứ nhất . Phải chăng, nếu không có vỏ bọc của vợ nguyên Tổng Bí thư thì bà Tâm sẽ bị khởi tố, xét xử do các hành vi vi phạm pháp luật của bà?

 Là người phụ nữ đã có chồng và 2 con, là đại biểu Quốc hội được tái cử nhiệm kỳ 2 là đảng viên mới được công nhận chính thức, lẽ ra bà Tâm cần phải có cách ứng xử có văn hóa trong việc tiến hành hôn nhân với bố tôi. Nhưng qua hành vi của mình thì bộc lộ rõ bà Tâm chỉ cần tờ đăng ký kết hôn với bố tôi chứ không phải muốn đem lại hạnh phúc đích thực cho Bố tôi nên đã có những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức, trái luân thường đạo lý người Việt Nam mà một người phụ nữ bình thường cũng không thể làm như vậy được .

Với hàng loạt hành vi sai trái của bà Tâm như vậy, dù chỉ là một công dân cũng phải được xem xét, làm rõ huống chi là một đại biểu Quốc hội -thành viên của Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đại diện cho nhân dân.

Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc của Nghị quyết TW 4 Khóa XI của Đảng, với những lý do nêu trên, tôi viết đơn này rất mong tổ chức Đảng, Ông/Bà và các cơ quan chức năng làm rõ, kiểm tra, xem xét kịp thời, ngăn chặn và xử lý những sai phạm của bà Tâm để tránh những hậu quả và sự tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Quốc hội và Chính quyền nhân dân.

Tôi đề nghị :

1- Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng có ý kiến kết luận chính thức về những việc đã làm của bà Tâm như đơn tố cáo đã nêu. Việc đúng hay sai cần trả lời rõ và có ý kiến chính thức về những việc đã làm của bà Tâm như tố cáo đã nêu. Việc đúng hay sai cần trả lời rõ và có ý kiến chính thức cho Bố tôi và bà Tâm. Mặc dù bà Tâm không thuộc diện đảng viên do Trung ương quản lý nhưng vi phạm của người mang danh vợ của nguyên Lãnh đạo cao cấp của Đảng thực hiện các hành vi làm tổn hại đến uy tín của Đảng cần được làm rõ. Để xảy ra sự việc nêu trên là điều hết sức đau xót, tổn hại tới uy tín của Đảng và cá nhân lãnh đạo Đảng trước dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.

 2- Tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng và các cơ quan chức năng gặp trực tiếp bà Tâm để thẳng thắn làm rõ: 

Bà Tâm với tư cách là Đảng viên, là Đại biểu Quốc hội có biết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân và những điều Đảng viên không được làm, phải biết hy sinh cho tổ chức, vì hình ảnh và uy tín của tổ chức Đảng, phải tuân thủ pháp luật chứ không thể đứng trên pháp luật, vi phạm pháp luật như thực tế đã tiến hành.

Các hành vi trái đạo đức, luân thường đạo lý, nguyên tắc của Đảng, pháp luật nhà nước của phải được làm rõ, cụ thể rách nhiệm của bà Tâm, những cá nhân liên quan và thông báo công khai với gia đình tôi và các tổ chức, cơ quan quản lý có liên quan về những nội dung đơn đã nêu.

3- Bà Tâm phải kiểm điểm làm rõ theo tinh thần Nghị quyết TW 4, Khóa XI của Đảng về những việc làm nêu trên đã gây nhiều hậu quả xấu, trước chi bộ và đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tư cách Đảng viên, Đại biểu Quốc hội trước tổ chức Đảng, trước nhân dân… Liệu có còn xứng đáng hay không?

4- Đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến trả lời công khai về tư cách đại biểu quốc hội của bà Tâm có còn xứng đáng đại diện cho dân không?

5 - Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, cụ thể là:

Việc bưng bít thông tin xung quanh Bố tôi đối với gia đình tôi của những cá nhân cán bộ bảo vệ và phục vụ cho Bố tôi. Tại sao không thông tin cho gia đình tôi và tổ chức Đảng được kịp thời, để sự việc xảy ra mà gia đình tôi không hề được biết? Những cá nhân này chịu trách nhiệm như thế nào trước Đảng, trước tổ chức và với chính đạo đức của người Đảng viên?

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ làm chưa hết trách nhiệm và cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể. Để xảy ra sự việc nêu trên là điều hết sức đau xót, tổn hại tới uy tín của Đảng và cá nhân lãnh đạo Đảng trước dư luận xã hội và quần chúng nhân

Người viết đơn     
Nông Thị Bích Liên
Điện thoại liên lạc: 098. 352. 3837

Nguồn : Ở ĐÂY

26 thg 5, 2012

LOẠN THẬT

Sáng nay được nghỉ, lại thêm mưa lắc rắc, lười biếng nằm trên giường bấm remot tivi, thấy cảnh bà con Quảng Bình lũ lượt vào rừng Phong Nha... mót sưa như đi hội, nửa đắm say nửa bặm trợn, nửa thánh thiện nửa lưu manh, nửa đáng thương nửa đáng tội...

Quả là cũng không thể nào nghĩ được, dù có hào phóng trí tưởng tượng đến đâu, cái cảnh hàng ngàn người dân tràn vào rừng một cách hãi hùng như thế. Bởi đã có đầu rơi máu chảy. Đã có trấn cướp oánh nhau. Của rừng mà, mày kiếm được cơm tao cũng phải có chút cháo, huống gì đây không chỉ cơm, đây là hàng trăm tỉ, tiền đàn tiền đống chứ có phải xu rơi xu vãi đâu.


Nó như một xã hội vô chủ, một thế giới vô tổ chức từ thời hồng hoang nào đó chứ không phải ở xã hội dân chủ vạn lần hơn bọn đế quốc sài lang chúng ta.


Ở Phủ Lý thì người ta phải bỏ tiền ra đúc những cái ống bê tông quây lấy gốc sưa, trước đấy thì Hà Nội cho sưa mặc quần bằng thép, xin lỗi, ngày xưa các cụ bà hay bảo đấy là trò "gá bùa L mèo". Còn ở Buôn Ma Thuột thì hàng tối mỗi gốc sưa có 1 công nhân mắc võng ngủ. Học sinh bây giờ chả cần tưởng tượng nhiều về Trường Sơn kháng chiến làm gì, cứ ra ngay thành phố Buôn Ma Thuột sẽ thấy cảnh ngủ võng canh sưa, y như bộ đội ngày xưa ngủ võng giữa Trường Sơn trùng điệp.


Chả lẽ không còn kỷ cương phép nước gì nữa?


Những nơi không có sưa thì dân kiếm ăn bằng cách... rải đinh. Nạn này rầm rộ hàng chục năm nay và chính quyền chống đỡ bằng cách... lập những đội hút đinh, bỏ ngân sách ra sắm xe rà đinh, cử người lái xe ấy hàng ngày, như chơi trò cút bắt với "Đinh tặc".


Rõ ràng có một điều gì đấy bất ổn sâu xa chứ không chỉ là vài ngàn người kiếm ăn kiểu cò con nhưng lại công khai như thách thức một cách bất chấp và chính quyền thì loay hoay mãi ấy?

Lại còn cậu ấm ba mấy tuổi hàm trưởng phòng xây biệt phủ hàng mấy trăm tỉ ở Hải Dương. Kể ra mà có học được cậu cách kiếm tiền thì cũng nên phát động toàn dân học tấm gương cậu để làm giàu, khỏi phải đi làm sưa tặc, đinh tặc, rồi nào là cát tặc, lâm tặc... cả văn tặc báo tặc...


Lương tâm là một thứ xa xỉ hiện nay bởi tư tưởng chụp giật, kiếm tiền chùa quá dễ, nên nó tràn lan. Tiêu tiền kiểu Vinashin sướng hơn bạo chúa ngày xưa, tanh bành ra xong lại được tái cơ cấu để giờ lại đến lượt Vinalines, và cũng được đề nghị tái cơ cấu, rồi Sông Đà, rồi dầu khí... mà vẫn đăng đàn một nhát đến giời không xấu hổ thì đừng mong những người nông dân đói khổ kia biết xấu hổ biết tự trọng không đi rải đinh, không đi mót sưa, cướp sưa, không ăn bẩn một cách cò con làm xấu xã hội như thế. Đất của họ biến thành đô thị hết rồi. Bắt nông dân biến thành thị dân, ngày xưa anh Chí của Nam Cao cũng bắt đầu như thế...


Có phải ai cũng may mắn có bố làm bí thư tỉnh ủy như cậu ấm Hải Dương kia đâu???


Loạn thật rồi.



Nguồn: VĂN CÔNG HÙNG

Tản mạn...Quốc hội !


Từ hội trường QH về, uể oải. Chợt nhớ NL-TBKTSG kỳ QH trước, hôm khai mạc lúc trở về trung tâm Báo chí có lẩm bẩm chửi là: "Chúng nó coi bọn mình như chó" nên tự cười, nghĩ: Mịa, có khi còn khổ hơn chó ấy chứ. Cái từ "chó", ngoài đời người ta hay dùng để ví với mấy người làm nghề gì mà  có tính chất như giữ nhà và trung thành với chủ. Nó ko hợp để chỉ nhà báo. Cho dù gần đây, chỗ nọ, chỗ kia người ta hay dùng từ "ẳng" để nói việc nhà báo kêu chuyện nọ, chuyện kia như chuyện bị đánh...Nhà báo thì trung thành với ai ?-với độc giả thôi.
Buổi sáng, biết là lần này, VPQH đã ra mấy cái quy định khá là khe khắt khiến đám phóng viên khó phỏng vấn được đại biểu tại hội trường: ko cho phỏng vấn ở tầng 1: hành lang trái, phải, giữa..Nếu có nhu cầu dẫn lên tầng 2, có bố trí phòng (như thế không khác cấm tiệt vì chẳng đại biểu nào tự nhiên lại chịu leo lên tầng 2, mất thời gian, trong khi tầng 1 đang đầy thức ăn, đồ uống...), mình mời anh Trần Hoàng Ngân ra tít góc xa ở sân để p vấn, cũng trót lọt đc 1 bài. Vào trong, thấy anh em vẫn đang hớt hải, có 2-3 người đang tranh cãi, giải thích với một anh làm công tác an ninh. Nghe thấy anh lớn giọng đe: lần sau sẽ tịch thu thẻ. Ngán ngẩm. Quanh ra quanh vào, một lúc thấy các phóng viên tụ tập hơn 20 người, xôn xao, bàn tán, bực mình vì không được phỏng vấn. Bỗng đâu, Nguyễn Hạnh Phúc-chủ nhiệm VPQH-đi từ cửa ra, cả đám xông tới đòi hỏi chắc đòi hỏi giải thích. Thấy  anh Phúc mặt nửa ra vẻ ngơ ngác, nửa như có vẻ thú vị vì biết trước chuyện này xảy ra...đi tiếp như chạy...Mình chán, chẳng muốn biết cái gì xảy ra tiếp theo. Đi về.
 Đổi mới, dân chủ hóa...sinh hoạt Quốc hội. Câu này được nghe thường xuyên, kỳ nào cũng thế. Mấy khóa nay rồi nhưng nó thế đấy. Thời ông Nguyễn Văn An còn làm chủ tịch QH, nghe câu đó cũng có chút tin tin nhưng bây giờ, có lẽ, nó cũng không còn lòe được ngay cả một sinh viên báo chí mới ra trường, đi làm, may mắn được cho đi dự kỳ họp QH. Anh Nguyễn Sĩ Dũng, người trung thành với chức vụ phó chủ nhiệm VPQH qua nhiều khóa chắc có lẽ bây giờ cũng thấy nguợng khi nói ra cái từ "dân chủ hóa" ấy. Mặc dù, với những người mà anh từng làm phó như Trần Đình Đàn và nay là anh Nguyễn Hạnh Phúc, họ nói ra những cụm từ: đổi mới, dân chủ hóa...đó vẫn rất vô tư. Tất nhiên, trong đổi mới hay dân chủ hóa sinh hoạt QH thì báo chí cũng chỉ là một phần. Nhưng dân chủ mà không có báo chí, không mở cửa cho báo chí thì đó là thứ dân chủ gì ?.
 Chủ ý hạn chế báo chí tiếp cận, phỏng vấn đại biểu QH có thể không phải của anh Đàn và nay là anh Phúc, có thể ai đó, cấp trên của các anh, không hài lòng với việc trong kỳ họp, đám phóng viên có phần gây nhiễu khi QH đang họp, ra vào chụp ảnh lộn xộn; trong giờ giải lao thì quây kín trong ngoài một quan chức, cán bộ cấp cao nào đó để phỏng vấn, rất ngộp thở...rồi thì lại có những bài phỏng vấn đọc lên nghe rất khó chịu, như kỳ trước, BT Giáo dục Phạm Vũ Luận phải ê chề vì phát biểu "Tôi thấy hàng ngàn điểm không môn sử là...bình thường". Nhưng thay vì tìm một cách thức để báo chí tiếp cận, phỏng vấn các đại biểu có trật tự, văn minh hơn, có một buổi thảo luận, trao đổi cởi mở hơn với báo chí để tìm cách để phóng viên tác nghiệp tại QH hợp lý hơn...việc đặt ra quy định nghe có vẻ là tạo điều kiện cho phóng viên: có phòng phỏng vấn riêng...nhưng không phù hợp với thực tế như vậy, thực chất đã khiến quy định đó thành hàng rào xấu xí, ngăn chặn báo chí tác nghiệp tại QH từ kỳ này. Thực ra, từ kỳ truớc cũng đã đặt ra rồi nhưng cuối cùng cũng không thực hiện được. Không hiểu sao kỳ này, tự nhiên làm quyết liệt thế ??
 Nhưng dù thế nào, việc hạn chế PV tiếp cận ở khu vực hành lang ai cũng thấy là điều dở, trừ mấy ông ở VPQH hoặc là những đại biểu, có thể là những bộ trưởng ngại tiếp xúc với báo chí…cũng ủng hộ điều này. Còn nhiều ĐBQH khác, chắc chắn, có không ít nguời có nhu cầu tiếp xúc với báo chí để nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình, nhất là khi ở hội trường, khi thảo luận, khi chất vấn…đại biểu đó chưa nói được hết ý kiến, muốn qua phóng viên, báo chí nêu đẩy đủ hơn quan điểm, chính kiến của mình. Hoặc cũng có khi, có đại biểu cũng muốn lắng nghe ý kiến của phóng viên, qua câu hỏi của báo chí, họ cũng thấy có những vấn đề thực tế, nóng bỏng của đời sống ở đó: giá điện, chuyện biểu tình quanh bờ hồ…để đặt vấn đề trên nghị truờng. Mà tất cả những câu chuyện ấy, không phải lúc nào cũng buộc ĐBQH, phóng viên phải kéo nhau lên tầng trên, lên phòng kín…để làm thành bài hoàn chỉnh. Đôi khi, chỉ là một trao đổi ngắn gọn, thậm chí 1 câu hỏi và một câu trả lời. Tại sao cứ phải đăng ký rồi leo cầu thang lên phòng phỏng vấn “nhện chăng dây” ???. Hôm nay, trao đổi với phóng viên về chuyện này, khối ĐBQH lấy làm ngạc nhiên: tôi chẳng lấy gì làm phiền về việc phóng viên phỏng vấn ở hành lang. Tôi có quyền trả lời hoặc không trả lời, tôi không thích thì tôi từ chối. Có gì đâu mà phiền ?
 VPQH thực ra hàng năm cũng có tổ chức hội thảo này, kia, có khi tận mấy chỗ resort, khách sạn..năm thì làm ở Tam Đảo, năm thì làm ở Hà Tây (cũ), Quảng Ninh..để anh em báo chí thảo luận, góp ý  về công tác đưa tin, viết bài về QH. "Đổi mới, dân chủ hóa" sinh hoat Quốc hội vì thế sau đó cũng được nhắc đến trong nhiều bài báo. Nhưng với tôi, tôi chỉ muốn, sinh hoạt QH trở lại giống như ...ngày xưa, như khóa X, thời Quốc hội còn họp ở hội truờng Ba Đình cũ, không có rào cản nào cả. Hồi đó, ông Nguyễn Văn An là chủ tịch. Có nhiều quan chức Chính phủ khi đó cũng rất cởi mở. Như ông Nguyễn Sinh Hùng, hồi đó còn làm bộ trưởng Tài chính, giờ giải lao, ông thường ra căng tin, ngồi uống bia hơi, ăn lạc luộc. Phóng viên ai thích phỏng vấn, kê ghế ngồi quanh, ông trả lời cả, từng câu một. Ông Phạm Chuyên, Giám đốc công an Hà Nội và nhiều quan chức khác cũng thế…chưa nói gì đến đại biểu. ĐBQH cũng rất chủ động, họ tìm đến phóng viên để đề nghị làm phỏng vấn. Tôi nhớ có hôm, ông Nguyễn Lân Dũng đi công tác đâu về, đẩy cửa phòng phóng viên hỏi: tớ mới đi công tác về, có cậu nào hỏi tớ ko ? Anh em khi ấy còn cuời ồ, có nguời nghĩ là ông háo danh. Giờ sinh hoạt QH thế này, mới nghĩ là, có ĐB mà chủ động tìm đến mình để nói tâm tư, ý kiến với cử tri, với Chính phủ…đó thật đáng quý. Ôi, bao giờ cho đuợc ngày xưa ?.
 Thế nên bây giờ, mỗi ngày VPQH chỉ phát có 20 thẻ sự kiện để phóng viên vào tác nghiệp tại hội trường-lấy lý do chật chội. Rồi lại thêm quy định, rào cản để làm khó anh em báo chí. Dân chủ hoá, đổi mới sinh hoạt QH mà như thế, để anh em báo chí kêu "khổ như chó" thì nói với nhau làm gì ?.
Nguồn : Ở ĐÂY

25 thg 5, 2012

Trò chuyện với tướng Đặng Quốc Bảo

Tuần qua ở Hà Nội có tán phát một bản viết tay ký tên QHL. Theo điều tra, đây chính là chữ của đại tá Quách Hải Lượng.
Dưới đây là hai bản tường thuật. Bản thứ nhất tường thuật buổi trò chuyện giữa QHL với tướng Đặng Quốc Bảo.
Bản thứ hai tường thuật buổi trò chuyện giữa QHL và VCF với cựu TBT Lê Khả Phiêu.

* Tướng Đặng Quốc Bảo: nguyên UV TW ĐCSVN, trưởng ban Tuyên giáo TWĐ

* Đại tá Quách Hải Lượng từng là tùy viên quân sự ĐSQ VN tại Trung Quốc dưới thời cụ Nguyễn Trọng Vĩnh rồi về làm chuyên viên nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Chiến lược BQP

* VCF là đại tá Vũ Cao Pha, đồng nghiệp của QHL

************************************** 

Thăm ông anh và nghe ông anh nói chuyện 

Thứ năm, ngày 3/5/2012

Hiện nay trung tâm dư luận chú ý là bài nói của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Cu Ba. 

Qua bài đó, người ta đã thấy được hết, hình như số phận của Việt Nam đã được quyết định bởi ý đồ của ê kíp lãnh đạo hiện hành, rơi vào tình trạng bế tắc toàn diện.

Với sự bộc lộ toàn bộ ý đồ, tư tưởng và cũng được coi như là lý luận do Nguyễn Phú Trọng phát biểu, có thể thấy, nếu họ nói và hành động rồi dẫn dắt ta theo nội dung ông ta nói, thì có thể coi là chấm dứt mọi hy vọng về xây dựng đất nước. Không trông chờ gì được vào ê kíp lãnh đạo này. Họ xa cách thực tiễn một cách toàn diện.

Phát biểu ấy, TQ là người có lợi nhất. Nó chứng tỏ TQ đã thành công lớn vì đã bồi dưỡng được một tên tay sai đắc lực. Kể trong lịch sử ta, chưa ai dám làm như hắn, dám nói bậy như thế.

Có một điều đáng tiếc là dân ta chưa thấy cái sai, cái xấu của cái ý đồ của TBT. Ấy thế mà lại có người khen NPT kiên định lập trường XHCN! 

Thật ra nhân dân và cán bộ, đảng viên là những người tốt, chỉ có điều họ chưa hiểu, chưa nhận ra cái bản chất xấu xa của NPT qua bài phát biểu ở Cu Ba. Tuy nhiên, giới trí thức Việt Nam đã thấy rõ. Thấy rằng NPT đã làm sống lại các quan điểm cổ hủ của những năm 50 thế kỷ trước. Hai phe – Ba giai đoạn – Bốn mâu thuẫn (quan điểm 234). Có nhiều quan chức, cán bộ TW, trong đó có cả một số tướng lĩnh do thiếu hiểu biết, cho nên cũng khen NPT. Nhờ có một số khá nhiều người bảo thủ như thế, cho nên NPT được nuôi dưỡng. Trong khi đó các anh em ở miền Nam ra chửi NPT hết cỡ. Họ bảo, lạc hậu đến cùng cực.!

Ngẫm sâu hơn, thấy cụ Hồ cũng có lỗi. Chính cụ đã nuôi dưỡng những loại người như NPT. Vì cụ tù mù về CNXH, lớp người như NPT cứ bám lấy cái lý thuyết mơ hồ CNXH rồi hắn tỏ ra rất trung thành với “con đường của Bác.”! Bây giờ muốn đả phá cái đầu óc sơ cứng ấy khó lắm, về lý luận rất khó gỡ. Vì uy tín Cụ Hồ lớn lắm. Bọn chúng cứ bám chặt lấy Cụ để làm lá chắn. Ở ta, phương Đông lại có thói quen xử lý theo tình cảm đối với vấn đề chính trị, châu Âu khác hẳn, họ duy lý. Vừa qua, giới kinh tế Hàn Quốc phản ứng rất dữ dội với bài phát biểu của NPT. Vì NPT đụng chạm đến uy tín của các Cty xuyên quốc gia, trong khi họ không phải là những cái gì như NPT quan niệm.

Còn cái nữa, NPT tỏ ra rất trung thành với “ cương lĩnh” (của ĐCSVN) mà hắn là tác giả. Cương lĩnh sai, đi ngược trào lưu thế giới. NPT lại lợi dụng cương vị của mình để tô vẽ cho cái đường lối của cương lĩnh. Có thể nói đó là phản tiến bộ, thậm chí nói không quá, chính đó là phản động. 

Có người phân vân, đây là ý kiến của Phú Trọng hay của Trung Ương, hắn đã thông qua BCT và TW chưa? NPT là một tay hoàn toàn có năng lực tự tay viết lấy, không nhờ ai chấp bút. Bài phát biểu của hắn tập trung toàn bộ ý đồ chiến lược của cả ê kíp lãnh đạo do hắn tạo ra được. Hắn định đem ra truyền bá trong thiên hạ, cho rằng sẽ được toàn thể châu Mỹ la tinh hoan nghênh, NPT đã nhầm to. Châu Mỹ la tinh đã thấy cái mô hình XHCN bị hỏng, họ ngán cái mô hình ấy, nhưng chưa tìm ra mô hình mới, lại thiếu lý luận. NPT đinh ninh họ đang lúng túng như thế, nhất định sẽ đón nhận “ kinh nghiệm thành công” của VN trên con đường xây dựng CNXH. Tham vọng của hắn rất lớn, khi hắn thấy ở Hà Nội có thể át giọng được một số người thì chắc hẳn châu Mỹ la tinh sẽ vui vẻ đón nhận kinh nghiệm của Việt Nam (!).

Do chủ nghĩa cá nhân trong con người hắn chi phối nên hắn nói toạc toàn bộ nội dung ý đồ chiến lược sai lầm để tạo thế, tạo cơ sở sức mạnh để tiến hành thanh trừng nội bộ. Kết quả là hắn quá nhầm, hắn đã bị thất bại toàn diện rất thảm hại. Hiện nay nhiều người đã thấy NPT sai hẳn về cơ bản, trong nước đã xuất hiện một lực lượng mới, một bộ phận chống lại NPT. Hắn không nhận thức nổi thế giới ngày nay đã có nhiều biến đổi lớn lao. Lợi dụng cương vị, hắn tìm cơ hội làm ăn, nếu được, hắn sẽ ngồi ghế TBT vĩnh cửu, chứ không phải nửa hay một nhiệm kỳ, đã hình thành sự liên kết PT-TQ.

NPT nhằm vào đối thủ số 1 là NTD và số 2 là TTS.

Rất tiếc, số người bảo thủ là mảnh đất nuôi dưỡng NPT, nếu không có, hắn sẽ không thể tồn tại. Cũng lại phải nhắc lại Cụ Hồ. Cụ ù mù về XHCN, tù mù về tam quyền phân lập nên mới đẻ ra một lớp người như NPT, hơn nữa nó còn đem lại sự bất lực, nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực vì không được kiểm soát. 

Khách quan mà nói, quyền lực là cần thiết nhưng phải được kiểm soát. Chủ nghĩa tư bản sử dụng quyền lực có luật pháp đảm bảo. Theo quy luật, hễ có quyền lực, người thâu tóm quyền lực lớn vào tay sẽ lập tức trở thành kẻ phản bội. (xem như Napoleon thì rõ).

Ở Việt Nam ta, ông VNG khi có quyền lực là đã đổi khác. Khi Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam công tác có dặn Cụ Hồ là phải cảnh giác đối với VNG. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ có công ngăn chặn VNG, dùng NCT để kiềm chế VNG.

Nói thêm, tại sao CNTB đào tạo được nhân tài, còn VN không làm được. Đó là do tập đoàn lãnh đạo chính trị bị tha hóa.

Vấn đề thời đại là:- Phải có kinh tế phát triển bền vững, phải có cơ chế được tự do dân chủ (VN chưa có, vì những người điều hành thâu tóm tất cả rồi) (CNTB mạnh hơn,còn ta thì kém đến mức kinh tởm).

Còn bàn về đạo đức. Động lực nó ở đâu? Phải có đạo lý thời đại. Tuyên truyền cái đạo lý: “vì có Đảng, có Bác.” Nên ta mới được thế này, thế kia... Có người dân thắc mắc: Singapore có Đảng có Bác đâu mà nó hơn ta nhiều thế!!!

Cứ nhấn mạnh vào vai trò đấy làm cho con người bị mất độc lập tư tưởng, thực ra đạo lý bị khủng hoảng, hái dẫn đến tha hóa, mù mờ trách nhiệm chính trị, dối ra, bịp bợm, làm ngu dân, mị dân, con cái các vị tranh giành nhau.

Nhiều vị vướng vấn đề gái. Có nhiều đấy. Chỉ kể việc T.S cũng thấy buồn cười, chẳng hiểu thế nào mà “bồ.” anh ta (cô H) bảo: Anh sang Ma Cao mà chơi gái, tôi trả tiền!!!. Con gái Tô Huy Rứa 24 tuổi chưa biết có tài năng gì mà đưa làm Giám đốc Vinaconex.

Tóm lại, con đường chúng ta đi còn lâu dài, còn có nhiều gian khổ, phức tạp, không có lý tưởng gì đâu, chỉ là Đảng lừa.

Riêng về các câu hỏi quan hệ VN-TQ thì có thể điểm lại lịch sử một chút. Lịch sử VN,ở thời đại nào cũng có kẻ phản quốc, phản bội đi theo TQ. 

Chỉ có L.D. là chống TQ N01. Còn NCT, VTD sùng TQ lắm. 

Về TW 4. Nếu có nghiêm túc kiểm điểm mục: “Suy thoái chính trị.” Thì Nguyễn Phú Trọng đổ trước tiên. Hắn đang lôi kéo, tạo vây cánh, xây dựng lực lượng, có làm được không?... 

QHL Tóm tắt xong 20h ngày 03.05.2012 

----------------------------------------------------------- 

VCF và QHL trò chuyện với Lê Khả Phiêu tại nhà riêng của ông 

Thứ tư 09/5/2012
Vào cổng, gặp Chí Trung. Anh chào hai nhà nghiên cứu quan hệ Việt Trung, nói: TQ muốn làm gì thì làm, quan trọng là Việt Nam ứng xử ra sao. 

A. Lê Khả Phiêu niềm nở mở cửa đón hai người. 

Từ đầu anh nói luôn:

TQ đang muốn thảo luận đa nguyên đấy và vấn đề cán bộ lãnh đạo trẻ, không biết rồi đây Đại Hội của họ giải quyết ra sao? và Việt Nam ta sẽ như thế nào?. 

Cứ xem cách làm ăn của ta thấy cũng gay. 

Như TW14/khóa X, là TW lần cuối định ra nhân sự. Thế mà cãi nhau như mổ bò, cứ như cái chợ. Trong danh sách đề cử (in hẳn hoi) đề cử Nguyễn Thái Học (lãnh tụ Quốc Dân Đảng Việt Nam đã hy sinh từ lâu lắm trong lịch sử) vào Bộ Chính Trị của nhiệm kỳ ĐH XI Đảng Cộng Sản Việt Nam. Anh N Đ M bảo: có sự nhầm lẫn. Tôi bảo thẳng: anh làm ăn vô trách nhiệm. 

Bây giờ TW 4 xem ra khó thực hiện. 

Nhấn mạnh suy thoái chính trị. Đây là vấn đề số 1. Suy thoái chính trị là về tư tưởng,lý luận, đường lối.

Tôi đề nghị và hỏi: BCT có suy thoái chính trị không? Kiểm điểm đi! Các TW thì cũng nên kiểm điểm. Coi đấy là bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Có thuốc rồi phải uống. BCT uống trước đi.

Tôi còn đề nghị không để Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban chống tham nhũng. Không thấy phản hồi ý kiến.

Tôi cho rằng chống tham nhũng không thành công. Cần minh bạch, công khai, phải kê khai tài sản. Tôi kê khai rồi. Bây giờ các anh có lẽ các anh không kê khai không được, nó đã rõ rành rành ra rồi.
Đề ra vấn đề lắng nghe và lấy ý kiến của nhân dân, quần chúng, nhưng lại coi các thư không ký tên sẽ không chấp nhận. Tôi đề nghị chấp nhận tất. Vì cái chính là xem các thư ấy nói có đúng không?. Nếu đúng, không ký tên cũng phải chấp nhận để kiểm điểm.

Dân có câu kể về Lê Khả Phiêu tích cực chống tham nhũng, còn tham nhũng đ/b là thằng y tá.

Đấy, rồi xem sẽ đi đến đâu. E rằng lại lộn xộn, không thành công, mà lại qua đi.

Còn cái vấn đề nói chuyện ở Cu Ba. Dù thế nào cũng cần phải có kiểm điểm rút kinh nghiệm xem thế nào. Bài nói bị Mỹ phản ứng, Châu Mỹ la tinh không chịu nghe, Cu Ba cũng không bằng lòng. Ai lại đi nói theo cái kiểu dạy người ta ấy. Nhiều vấn đề quá phức tạp quá. 

VCF: Sao anh không nói thẳng với Nguyễn Phú Trọng? 

LKP: Nói rồi, nói 6 lần, đến tận nhà ổng 

VCF: Phú Trọng có chấp nhận?

LKP: Nghe cả, nhưng có làm đâu, nghe rồi để đấy.

Sang chuyện khác: 

- LKP hỏi vấn đề Bạc Hy Lai – VCF đăng trình toàn bộ tình hình diễn biến …..

Cuối cùng VCF đưa ra vấn đề: 

Giải quyết quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ra sao? 

Có nên lập diễn đàn Học giả hai nước? 

Sau đó đệ trình lên trên, rồi lãnh đạo cao nhất hai nước trao đổi thẳng hắn với nhau. 

Lê Khả Phiêu tán thành phương án do VCF đưa ra.

Ra về, Lê Khả Phiêu tặng CF và H L cuốn “Những điều tâm đắc” 

Trò chuyện dài hơn 2 giờ từ 9h đến 11 giờ 15 

Ghi nhanh lại xong vào hồi 22 giờ ngày 09.05.2012

QHL

*

Nguồn : DANLAMBAO