Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

26 thg 10, 2011

Viết trong ngày doanh nhân


Không phải ngẫu nhiên mà xã hội dần hình thành một lớp doanh nhân trí lùn, nhưng lại luôn cặp kè và sai khiến cả… nguyên thủ!
Việc tầng lớp siêu giàu đang "sở hữu" các chính trị gia đã không còn là câu chuyện của riêng nước Mỹ. Không biết ở Việt Nam, nhóm 1% kia đang chiếm ôm đến bao nhiêu phần trăm vốn liếng và tài sản quốc gia? Và thật sự cái “phố Wall” của nước Việt này đang nằm ở… chỗ nào?
         
Tất nhiên, không ai dám xem thường vai trò và vị thế của người “làm ra tiền”. Đả phá giới “con buôn” là “di sản” ấu trĩ của một thời gõ kẻng ăn cơm. Giá trị doanh nhân và tầm thế của người “làm ra tiền” ngày càng được nhìn nhận đúng mực và coi trọng hơn. Không cần nhắc điều này nữa, bởi nó đã được ca tụng, tôn vinh quá nhiều và xã hội đã có hẳn một ngày dành cho họ: ngày doanh nhân. Nói trước vậy để xin các “đại gia” đừng chụp cho thằng Nhất cái mũ “xem thường khinh miệt” những người biết “làm ra tiền”. Tôi chỉ muốn nhìn xét thử ở vài nghĩa khác, những chiều nghĩa thấy còn ít nhiều “lộm cộm” về một xu thế và tầng lớp “doanh nhân mới”.
         
Chơi quen và thân nhiều thương nhân, trong đó không ít hàng đại gia, tôi giật mình nghiệm ra rằng: đa phần họ đều… ít học. Hiếm có tay nào nhiều chữ lại lắm tiền! Có lẽ cũng giống như con nhà nghèo thường học giỏi, việc hẫng hụt thua thiệt trong sự học đã thành động cơ khiến họ cố vươn lên trong sân chơi … bạc tiền!
         
Ừ thì không phải ai cũng có học, cũng như không thể ai cũng lắm tiền. Nhưng nhiều điều khiến tôi lẩn thẩn mãi: Tại sao phần lớn các đại gia lại đều thuộc diện ít học? Hay phải chăng ở cái nước mình, muốn làm giàu thì không cần học và học càng nhiều thì “cơ hội” làm giàu càng xa? Tại sao cái sự học lại có vẻ mâu thuẫn với sự giàu, và nếu vậy thì giáo dục và đường hướng cho con cháu ra sao? Xã hội cần tiền, cần người biết làm ra tiền, nhưng chẳng lẽ lại khuyên bảo con cháu: đừng học nữa, hãy đi… làm tiền?
         
Ai đó bảo: doanh nhân Việt không cần vốn, cái vốn lớn nhất cần nhất quan trọng nhất và chóng làm giàu nhất là “vốn quan hệ”. Tuyệt đúng! Do thế, cái sự “quan hệ” này lại rất ứng với sự ít học của nhiều đại doanh Việt. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội dần hình thành một lớp doanh nhân trí lùn, nhưng lại luôn cặp kè và sai khiến cả… nguyên thủ!
         
Cái “vốn” này đem lại cho họ những lợi ích khổng lồ. Chiếc bánh lợi ích đó thay vì được cắt chia đều cho xã hội, thì lại được dồn gói làm giàu cho vài thương nhân máu mặt biết quan hệ. Sự làm tiền và làm giàu vì thế nhiều khi trở nên quá dễ dãi và bất chấp. Xã hội dần hình thành một lớp thương nhân cực giàu, đẩy sự cách biệt trong xã hội ngày một xa hơn.
          
Từ chỗ không cần học lại dễ làm giàu, dễ sai khiến làm không ít doanh gia ảo tưởng lao vào sân chơi chính trị. Sự xuất hiện quá nhiều doanh gia trong quốc hội kỳ này, với nhiều người có thể xem là một báo hiệu tốt, nhưng với tôi đó là một mối lo. Với sự ít học và chí thú làm tiền, nguồn vốn “quan hệ” cùng chiếc bánh lợi ích quốc gia sẽ được chia sẻ, bấu xé ra sao? Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã từng thẳng thừng khi nói rằng đó là dấu hiệu “khó yên tâm”. Ông bảo: “thương nhân có thể có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống kinh tế, nhưng tham gia vào bộ máy chính trị thì họ không phải là những người làm chính trị chuyên nghiệp.
          
Đã nghe ai đó mơ một ngài Thủ tướng xuất thân từ doanh nhân. Tôi thì không mơ vậy mà giả như nếu có thì đó là mối nguy. Thật tình tôi đang sợ, rất lo sợ khi cảm thấy dường như sự can dự ngày càng sâu của các nhóm đại gia tiền lắm trí lùn vào các chủ trương chính sách tầm quốc sự.
          
Chẳng dám chê bỉu gì. Ai lại không cần tiền. Tôi cũng vậy. Cần lắm chứ. Nhưng nhìn vào những sự giàu có kia khiến tôi… sợ! Không phải ngẫu nhiên mà cuộc biểu tình phố Wall nổi sóng với câu khẩu hiệu “Khi người giàu ăn cắp của người nghèo, họ gọi đó là kinh doanh. Khi người nghèo đứng lên tự vệ, họ gọi đó là bạo động”. Việc tầng lớp siêu giàu đang "sở hữu" các chính trị gia đã không còn là câu chuyện của riêng nước Mỹ. Không biết ở Việt Nam, nhóm 1% kia đang chiếm ôm đến bao nhiêu phần trăm vốn liếng và tài sản quốc gia? Và thật sự cái “phố Wall” của nước Việt này đang nằm ở… chỗ nào?

Nguồn : TRƯƠNG DUY NHẤT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét