11 thg 12, 2011
Bác sĩ nam học cho chính quyền
Trong hai ngày đầu, các kỳ họp của HĐND của hai TP lớn, HN và TP HCM hóa ra là những cuộc tố khổ. Ở đó, những cư dân thành phố chợt thấy cuộc sống là những chuỗi "căn bệnh đô thị" thê thảm.
Nhân dân Thủ đô chắc chắn chưa quên câu chuyện "đi vệ sinh vào túi ni-lông" ở Trường Mầm non Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Cả ngôi trường gần 700 cô- trò, nam trộn nữ, chỉ có một nhà vệ sinh. Mông muội đến man rợ. Chẳng phải vô cớ mà chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm phải tiếp nhận đến 1.500 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường... tiểu. Nguyên nhân, rất "thành phố", rất "phổ biến": Học sinh thành phố phải nín, phải nhịn, vì không thể bước vào những nhà WC quá mất vệ sinh.
Bệnh bí tiểu của học sinh và stress bí tiểu của phụ huynh hôm qua đã được đem ra diễn đàn của HĐND hai TP lớn nhất nước. Đại biểu Võ Văn Sen- TP HCM "tố": Suốt 10 năm qua không có gì thay đổi. Chủ trương có mười nhưng chưa làm được một. Câu này của ông Sen, là để nói đến tình trạng bi thảm trong các trường học và bệnh viện.
Sự bi thảm xuất phát từ thực tế mà một đại biểu khác là ông Trần Văn Khuyên dùng chữ "một năm đau khổ": Số ca sốt xuất huyết là 9.683, tăng 28%, 9 ca tử vong (cùng kỳ không có tử vong); 10.733 ca nhiễm tay chân miệng, tăng tới 256,6% so cùng kỳ. Những con số này bất thường ở chỗ nó là những con số công khai, tại đô thị lớn nhất Việt Nam. Và đằng sau sự bất thường còn là một sự ám chỉ: Chẳng qua các địa phương khác "chưa bị lộ". Không qua nổi chữ "dám" công khai.
Ở bệnh viện thì khỏi phải nói. Tỷ lệ quá tải 300% ở TP HCM, hay con số 7 bệnh nhân trên một giường bệnh ở Hà Nội chưa bao giờ là con số cuối cùng, không bao giờ là một kỷ lục. Không phải ngẫu nhiên mà bà Bộ trưởng Bộ Y tế sốc trước thực trạng "cá hộp" ở TP HCM. Cũng không phải vô cớ mà một vị đại biểu hội đồng dùng chữ "ngồi bệnh", thay cho "nằm bệnh".Nhưng thật ra, sự bi thảm không phải chỉ có ở trẻ con, cũng không chỉ ở trường học và bệnh viện, những nơi đáng lẽ không thể có bệnh tật.
Ngoài bệnh "tiết niệu", cư dân thành phố mắc thêm một căn bệnh đô thị khác liên quan đến đường... hít thở. Một minh chứng điển hình được nêu tại diễn đàn HĐND là sự thay đổi tiêu chí ùn tắc: Trước đây những xe dồn cục từ 20 phút thì gọi là điểm ùn. Nay “tiêu chí” này được nâng lên thành 30 phút (Lời đại biểu Dương Văn Nhân).
Đê chữa bệnh, TP HCM đề xuất tăng phí trước bạ ô tô (tăng lên) 15%. Thủ đô đề xuất tăng lên 20%. Rồi thì phí trông giữ xe tăng 100%. Rồi thì áp dụng mới phí lưu thông. Rồi thì lệ phí đăng ký cũng tăng 1000%. Kẹt xe bi thảm đến nổi những loại thuế, phí với mức tăng cao đến phi lý, dù đánh thẳng vào đầu người dân vẫn khiến những ông hội đồng, với những phát biểu luôn vỗ ngực là đại diện cho dân- lại thấy đó là hợp lý, cho dù căn bệnh ùn tắc phức tạp đến không thể giải quyết nổi, trầm kha đến nan y và việc đánh vào đầu dân bằng thuế phí hoàn toàn không phải là một giải pháp.
Tại diễn đàn hội đồng nhân dân ngày hôm qua, một vị đại biểu HĐND đã thẳng thắn nói đến căn bệnh "chậm" của chính quyền.
Nhưng "chậm" vẫn chưa chính xác là căn bệnh nan y của chính quyền.
Một chính quyền mà đến cái nhà WC cho học sinh tiểu học còn không lo nổi; Một chiếc giường bệnh không "nằm ôm" còn lắc đầu; Một con đường không chen nhau bẹp ruột còn bó tay, thì rõ ràng đó là chính quyền mắc bệnh đô thị nan y: Bệnh bất lực.
Căn bệnh đáng sợ nhất ở thành phố, không phải là bệnh bí tiểu, chưa phải là bệnh tay chân miệng....mà là bệnh bất lực.
Nguồn : ĐAOTUAN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét