Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

29 thg 2, 2012

Lưỡi đao và cái phao


Đâu là điểm “mới” trong “19 Điều cấm” (Quy định số 47-QĐ/TW về Những điều Đảng viên không được làm, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 1/11/2011 (Xem ở đây-gọi tắt là QĐ47), vừa được công bố?. Rất khó bởi 19 điều cấm theo QĐ 47 cũng không khác bao nhiêu so với 19 điều cấm theo Quy định số 115-QĐ/TW ngày 7/12/2007 của Bộ Chính trị khóa X (Xem ở đây -gọi tắt là QĐ115).

Trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Đán, nguyên Vụ trưởng vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương - người từng tham mưu sửa đổi “19 Điều cấm”, có nói một ý rất... “lạ”. Nguyên văn: "Công dân là Đảng viên khác với công dân không phải là Đảng viên!".
Ông Đán không giải thích rõ điểm “khác”.
Và thực tế cũng cho thấy, theo "19 Điều cấm" mới tinh này, thì công dân Đảng viên chỉ khác công dân không Đảng viên, ở việc không được “tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử” khi chưa được Đảng cho phép (theo Điều 7) - Một quy định mà ông Đán cho rằng: “Là cần thiết bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ!”.


Những “Điều cấm” thực ra đã có quy định cụ thể trong các quy phạm pháp luật, mà gần nhất là Luật Cán bộ, công chức. Kể cả Điều 1, Đảng viên không được: “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”.

Ai nói là công dân “được phép”(có nghĩa là “khác” Đảng viên), tức là không sống ở Việt Nam, hoặc mắc chứng “hoang tưởng kiện cáo”.

17 tháng trước, trên VietnamNet, TS.Đặng Đức Đạm, nguyên Phó Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng: Quy định số 115 (về 19 Điều đảng viên không được làm), là điển hình của tình trạng hành chính hóa công tác Đảng.

Theo ông: “Để làm được dù một việc thôi trong 19 Điều cấm đó, Đảng đã phải sử dụng các công cụ chủ yếu của mình là công tác giáo dục, vận động Đảng viên, cũng như công tác tổ chức một cách khéo léo và kiên trì thì mới mong đạt được kết quả... Huống hồ ở đây, muốn thực hiện một lúc bằng ấy Điều cấm, mà chỉ bằng một văn bản thì thật là ảo tưởng!”.
19 Điều cấm, vì thế, có lẽ chỉ dành cho những... đồng chí “bị lộ”?.
Quân đội có một khẩu hiệu cực hay “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”.

Nhưng nếu những đồng chí vi phạm “19 Điều cấm” mà chỉ bị cảnh cáo để hạ cánh an toàn, bị khiển trách, để điều chuyển từ địa phương lên Trung ương, thậm chí chỉ bị “kiểm điểm cho phép tồn tại”. Thì ngẫm ra, 19 Điều cấm có vẻ là “cái phao” hơn là một “lưỡi đao”.


Có người cho rằng 19 Điều cấm vừa thừa, vừa không cần thiết. Bởi một Đảng viên chân chính, thực ra chỉ cần là một công dân chân chính, tuân thủ đúng và đủ những quy định của pháp luật.
Với hầu hết các Quy định cấm Đảng viên làm những việc “trái quy định của pháp luật”; hoặc “Chưa được phép” hoặc “Không được phép”… Rất khó để phân biệt điểm khác, giữa trách nhiệm và nghĩa vụ giữa “công dân có Đảng” và “công dân chưa/không có Đảng”.

Điểm “khác”, nếu có, có lẽ chỉ là ở “cái miệng”...



Nguồn: ĐÀO TUẤN

CÓ NÊN CÔNG AN HÓA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

Có nên Công an hóa bộ máy nhà nước?
Trong mọi vấn đề mà chính trị không là ngoại lệ, những nhầm lẫn chính sách hiện diện khắp nơi ở mọi giai đoạn lịch sử. Có những nhầm lẫn do ấu trĩ, có những nhầm lẫn mang tính hệ thống có chủ định.
Một ví dụ: Khi đời sống dân chúng được nâng lên từ chỗ ngày hai bữa, sáng sắn chiều cơm đến chỗ ngày ba bữa sáng phở, trưa cơm, chiều thích cơm có cơm thích phở có phở thì đảng bảo: dưới sự lãnh đạo của đảng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và từng bước giầu lên. Ai cũng thừa nhận chuyện dân ta có cái ăn cái mặc tốt hơn trước nhưng bé cái nhầm ở chỗ đâu phải nhờ lộc đảng ban cho. Dân có cái ăn cái mặc do chính dân vẫn vật lộn với đất gội nắng dầm mưa như đã từng như vậy nhưng khác ở chỗ trước đây đảng trói dân trong cơ chế hợp tác hóa nhưng khi sợi thừng cơ chế được tháo bỏ, nhân dân đã thở được, chân tay được tự do nhiều hơn để hết lòng cày cuốc trên các thửa ruộng. Điều đó không phải đảng hay bất cứ ai ban cho.
Cũng vậy, tư duy của mấy chục năm trước ở lĩnh vực khác như quản lý tư tưởng có thể sẽ là sợi thừng trói chân tiến bộ xã hội trong khi tiến bộ xã hội là tiền đề cho bước đi của đất nước hướng  đến một xã hội công bằng, thúc đẩy sự giải phóng năng lượng sáng tạo của con người đóng góp vào tương lai phồn vinh cho một dân tộc, cho nhân loại. 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định bổ nhiệm Trung tướng Phạm Dũng - Uỷ viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an - giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Việc thuyên chuyển cán bộ từ một lĩnh vực công tác này sang một lĩnh vực công tác khác là một việc rất bình thường trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên việc một cán bộ công an cao cấp được cơ cấu vào một lĩnh vực công tác vốn mang tính dân sự như Nội vụ và Tôn giáo lại là điều rất đáng quan tâm. Đó có phải là tư duy công an hóa bộ máy nhà nước và siết chặt quản lý Tôn giáo?
Trong bộ máy nhà nước Việt nam hiện nay, chức năng chính của Bộ Nội vụ là tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, quản lý cán bộ.
Nhìn vào hệ thống cơ cấu nhà nước có thể sơ bộ đoán định được tính ưu việt hoặc thiên hướng chính trị của nhà nước đó. Dù là nhà nước ở chế độ chính trị nào đi nữa thì : “Nhà nước là một bộ máy để cho giai cấp này áp bức giai cấp khác” (như  Lê nin đã từng viết).
Trong một xã hội có giai cấp, giai cấp bị áp bức luôn là giai cấp không có quyền lực, nghèo khổ muốn thay đổi số phận bằng tranh đấu. Bởi vậy, giai cấp có quyền lực, có đặc lợi phải dùng nhà nước làm công cụ áp bức, đè bẹp giai cấp kia. Trong bộ máy nhà nước, công an, cảnh sát  là một công cụ sắc bén đàn áp giai cấp đối kháng. Nếu nhà nước là một thanh gươm thì công an là lưỡi gươm. Trong cỗ máy nhà nước, một bộ không hoặc chưa có cán bộ công an làm nòng cốt sẽ là một điều “khiếm khuyết”? 
Tất nhiên, bất kỳ một “công cụ nào” cũng có mặt trái của nó. Trong lịch sử phát triển các nhà nước, đã là “công cụ” thì “tố chất” cốt tử là phải được “rô bốt” hóa “lập trình” hóa. Trên thế giới đã từng có những Nhà nước cảnh sát. Thuật ngữ “Nhà nước cảnh sát” (police state) được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó thực hiện các biện pháp kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Nhà nước cảnh sát thường bộc lộ các yếu tố của Chủ nghĩa toàn trị và kiểm soát xã hội. Thông thường, có ít hoặc không có khác biệt giữa luật pháp và việc thực thi quyền lực chính trị của người đứng đầu nhà nước trong một nhà nước cảnh sát. Nhưng nếu đưa công an cảnh sát nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước có phải là một cứu cánh cho một nhà nước khi nhà nước đó bị mất niềm tin do lỗi hệ thống biểu hiện bằng các hiện tượng tham nhũng, bất công, ức hiếp quần chúng tràn lan?
Platon (427-347 tr.CN) – nhà triết học xuất sắc thời Hy Lạp cổ đại, ông tổ của thuyết duy tâm khách quan, xuất thân quý tộc, nhưng không chịu nổi thói cơ hội của bọn cầm quyền Athena. Bị thôi thúc  bởi cái chết bi tráng do dám đối đầu với nhà nước của ông thầy Xôcrat  đã ám ảnh ông suốt đời. Platon trăn trở tìm những phương cách để nâng cao chất lượng lãnh đạo nhà nước. Nhà nước lý tưởng, theo ông là mô hình được đề cập trong tác phẩm Cộng hòa. Theo đó, xã hội được cai trị bởi nhà nước chủ nô quý tộc, tồn tại trên cơ sở 3 đẳng cấp: những người cai trị xã hội, những người giữ xã hội và những người nuôi xã hội. Mỗi đẳng cấp có một quyền uy và địa vị khác nhau. Con người sống trong xã hội phải phục tùng nhà nước, phải sống vì nhà nước. Và để tồn tại nhà nước này, các nhà triết học và vệ binh không được có tài sản riêng, gia đình riêng vì họ làm việc công, nếu có tài sản riêng, gia đình riêng họ sẽ chỉ phục vụ cho gia đình mình, mang tài sản về nhà mình. Dù có mâu thuẫn và bất hợp lý, nhưng với tư tưởng này, Platon đã manh nha xóa bỏ chế độ tư hữu.
Hêghen, đại biểu tư tưởng cho giới quí tộc Phổ lại cho rằng Nhà nước Phổ (thế kỷ XVI - XVII) là "hình mẫu lý tưởng", là hình thức Nhà nước "tuyệt đích cuối cùng" mà loài người có thể mơ thấy và do đó trách nhiệm của mỗi công dân là phải phục tùng nó.
Đối lập với những quan niệm ấy, Mác và Ăngghen khi chứng minh và luận giải về tính tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp vô sản sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản, đã đi đến kết luận rằng: chuyên chính vô sản là "đỉnh cao cách mạng" của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Song ngay từ lúc đó, các ông đã ý thức được rằng Nhà nước chuyên chính vô sản chẳng qua cũng chỉ là "Nhà nước nửa Nhà nước", là hình thức quá độ để nhà nước tiêu vong. Điều này được thể hiện rõ ngay trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Khi phác thảo những nét cơ bản của xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai, Mác và Ăngghen viết: "... nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt cả sự thống trị của giai cấp mình”.
Đi tìm mặt trái của mô hình nhà nước chuyên chính, có thể đưa ra vài ví dụ ở Liên xô cũ, các nước trong khối Hiệp ước Vác sa va, Bắc Triều tiên hoặc ở nước ta, nếu nhà nước cơ cấu cho một số cán bộ công an đổi cảnh phục để mặc áo vét như trường hợp ông Nguyễn Văn Thành Bí thư Thành ủy Hải phòng là một trong nhiều ví dụ khác. Sự kiên quyết lạnh lùng khi quyết định điều động lực lượng công an quân đội hùng hậu để cưỡng chế một cái đầm tôm của nông dân ở Tiên lãng giống như thực hiện một chiến dịch quân sự vừa qua của chính quyền thành phố Hải phòng cho thấy vai trò “tố chất công an” đã đem đến một sự khủng hoảng chính trị tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như thế nào.
Trong vụ việc cưỡng chế và hậu cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, vai trò nổi bật của các ông Nguyễn Văn Thành, Đỗ Hữu Ca là không thể phủ nhận. Tính “rô bốt” và những hạn chế đương nhiên của nó, sự thiếu vắng tư duy nhân bản dẫn lối cho hành động đã khiến ông Thành ông Ca luôn “vấp” ở tất cả các khâu quan trọng trong quá trình “vận động theo lập trình cũ”. Một loạt các sai phạm nghiêm trọng như sử dụng quân đội đàn áp nhân dân, xả súng quá mức, ủi phá nhà nạn nhân của chính quyền Hải phòng chưa kịp sửa chữa thì các sai phạm tiếp theo: vu vạ, đổ tội phá nhà dân cho “nhân dân”, bao che, chối tội v.v và v.v…đã làm cho bộ mặt “nhà nước Hải phòng” lõa lồ trước công luận trong nước và thế giới. Chưa hết. Một khiếm khuyết bất ngờ khác ở Hải phòng  xảy ra ngoài sự tính toán của chính phủ. 
Khi người đứng đầu cỗ máy nhà nước “rì pe” con “rô bốt” Hải phòng, bỗng nó giở chứng tự “đoản mạch” tóe lửa, người vận hành trên thực tế bị “bỏng mặt”. Đó là việc ông Thành bí thư Hải phòng dám công khai “đánh nguội” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tiếp xúc với các cụ hưu trí lão thành cách mạng tại câu lạc bộ Bạch Đằng.
Trở lại việc Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Trung  tướng công an cỡ Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an - giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Nếu trước đây Ban Tôn giáo chính phủ đã có thành tích trong công tác “quốc doanh hóa” một số Giám mục Giáo hội Công giáo thì thành tích đó cũng có mặt trái át cả cái “lợi” mà nó đem lại. Thành tích mậu dịch Công giáo đã làm chính quyền mất sự cảm nhận tinh tế chính trị nên mới để xảy ra những vụ Đồng chiêm, Cồn dầu, Khâm sứ, Thái hà. Hậu quả của chính sách đó chưa thể lường hết. Đây là các núi lửa đã tạm dừng phun trào nham thạch nhưng sự vận động nội tại tiềm ẩn các đợt bùng phát có thể dữ dội hơn nữa. Điều đó có xảy ra sớm hay muộn trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách của Ban Tôn giáo chính phủ. Lợi bất cập hại là điều chắc chắn khi nhà nước tính toán để hiện thực việc công an hóa Ban Tôn giáo chính phủ. Chính vì thế việc giải quyết các vấn đề tôn giáo cần phải được đặt ra như là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có những phương pháp giải quyết đúng đắn. 
Công an hóa Ban Tôn giáo có là khôn ngoan? Hãy đọc lại chính mấy ông tổ cộng sản Mác – Lênin đã từng chỉ ra rằng: “Chỉ những kẻ ngu ngốc mới tuyên chiến với tôn giáo”.
Tôn giáo là hiện thực tự nhiên của sự vận động tất yếu trong xã hội con người. Mác nói: Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Dùng bạo lực tiêu diệt giai cấp, tiêu diệt Tôn giáo cũng có nghĩa tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt cả sự thống trị của giai cấp mình. Cách thức đưa Việt nam trở lại một thể chế Nhà nước cảnh sát như Bắc Triều tiên hiện nay  chắc là con đường ngắn nhất đến với một nhà nước tiêu vong.
Đó là lý thuyết được thực tế kiểm chứng trên khắp thế giới từ Ceausescu đến Gaddafi. Lẽ nào ở điều kiện Việt nam với hơn 80 triệu dân, tính“đặc thù” sẽ hoàn toàn khác với quy luật tự nhiên phổ quát của toàn thể nhân loại?
Trong một thời điểm nào đó, thực thể vận hành “rô bốt” liệu có thể là nạn nhân, là đối tượng chịu sự điều khiển của chính cỗ máy mình tạo ra?

Nguồn : Mai Xuân Dũng.

27 thg 2, 2012

Việt Nam – Niềm hy vọng cho sau 20 năm

 phamngoccuong
Việt Nam đang nói là phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản là một nước công nghiệp. Nếu định nghĩa công nghiệp theo kiểu Việt Nam thì không cần bàn, còn nếu theo qui chuẩn của thế giới thì đây là một loại bánh vẽ tiếp của dân tộc trong thế kỷ 21.
Tiến sĩ PHẠM NGỌC CƯƠNG (Toronto, Canada)
          Cũng như nhiều người dân Việt khác, khi lang thang khắp địa cầu tôi luôn đặt cho mình câu hỏi: tại sao dân tộc ta lại thua kém thiên hạ lâu vậy? Câu trả lời luôn nằm ở: bản lĩnh của lãnh đạo và văn hóa sống của dân chúng.
          1- Chăm lao động:
          Sự thịnh vượng bắt nguồn từ nhiều điều. Nhưng có lẽ lao động trí óc sáng tạo và lao động chân tay chăm chỉ là yếu tố chung hàng đầu. Đến Hàn Quốc xem bảo tàng của họ thì thấy cách đây khoảng 50-70 năm dân họ làm nông nghiệp; cái ăn, cái ở, cách sinh hoạt nhà cửa cũng chả khác mấy dân mình. Sau cuộc chiến nam bắc kết thúc năm 1953, dân miền Nam cũng gần như tay trắng lập nghiệp, tất cả xây dựng trên đống hoang tàn. Vậy mà sau có khoảng 30 năm họ đã thành một nước công nghiệp mới với GDP đứng 15 toàn cầu. Dân Hàn được đánh giá là chăm lao động bậc nhất thế giới. Trung bình làm tới 65 tiếng /1 tuần. Dân bắc Mỹ cũng cầy cuốc ra trò: ít nhất là 40 tiếng/ tuần- Tuy vậy rất nhiều người làm thêm giờ. Dân Pháp làm có 35 tiếng/tuần, nhưng a ma tơ như dân Pháp mà từ thế kỷ 12(1163) đã xây được nhà thờ Đức Bà, con cháu của những người ấy lại đang làm ra Airbus, nước hoa Chanel và túi Louis Vuitton… thì tuy có không quá chăm về giờ giấc nhưng được cái hiệu quả của thông minh bù lại.
          2- Ý thức chung:
          Qua Nhật Bản thì cái ảnh rất nổi tiếng mà khắp nơi trưng bày là ảnh một người nước ngoài chụp Tokyo khoảng 150 năm trước. Ngày đó toàn Tokyo nhà cửa thấp lè tè. Vậy mà bây giờ muốn tìm một nơi nhà thấp của Tokyo chắc là chỉ còn khu hoàng cung. (…) Khắp Tokyo với hơn 13 triệu dân chắc phải có thùng rác công cộng nhưng vì quá ít nên tôi chưa tìm ra. Vậy mà đâu cũng sạch tinh tươm không có rác. Ra tòa thị chính hỏi thì họ bảo là ở Nhật mọi công dân tự giác mang rác về nhà mình vất. Nhiều người trong túi sách tay có đủ cả ba loại túi để chứa ba loại rác khác nhau. Túi đựng rác tái chế, túi đựng rác hữu cơ, túi để rác thải. Về nhà cứ sẵn túi nào bỏ ngay vào thùng rác đấy. Ở một đất nước có nhiều hãng xe danh tiếng toàn cầu mà tôi thấy các thanh niên diện đồ hàng hiệu chủ yếu đi bộ, đi phương tiện công cộng hoặc đạp xe. Và nhìn kỹ chưa thấy có cái xe đạp nào láng cóng cả. Về Việt Nam thấy chỗ nào cũng có đầy rẫy những cái rất đáng làm, cần làm và phải làm phải sửa ngay, tuy vậy hầu như không thấy mấy ai coi đó là việc của mình và chịu động vào. (…)
          3- Khoa trương, hình thức:
          Tôi từng dắt con di dạo khắp mấy km2 khuôn viên của trường đại học Harvard tròn 375 tuổi năm 2011, nơi làm việc của 44 tác giả giải Nobel với quỹ năm khoảng 32 tỷ USD mà không tìm ra một cái biển hay cổng chào nào với hàng chữ Harvard University “đáng” để chụp ảnh. Vậy mà trên khắp Việt đâu đâu cũng biểu ngữ, khẩu hiệu giăng khắp nơi mà toàn nội dung sáo mòn. Trụ sở lớn bé nào (chc chỉ trừ trụ sở các cơ quan mt, chìm) cũng gắn tên tuổi to vật vưỡng.
          4- Rèn luyện sức khỏe:
          Người Việt là giống người có thể tạng nhỏ bé và yếu ớt. Người da đen và da trắng tầm vóc cơ thể đều hơn người Việt. Trong dân châu Á, người Việt cũng là loại nhỏ con. Đã vậy người Việt lại ít vận động. Người thành phố thì nửa bước cũng ôtô xe máy. Người vùng quê cũng ngồi chơi nhiều. Khó tìm ra nước nào người ngồi ngoài đường hàng quán từ sáng tới tối đông như ở Việt Nam. Ngay người Việt ở nước ngoài nhiều năm mà số lượng người chịu tập thể thao cũng khá ít. Số người Việt trung niên ở nước ngoài chịu tập các môn thể thao mùa đông lại càng ít hơn. Nhiều người quá nửa đời ở xứ lạnh mà vẫn kêu mùa đông lạnh lẽo và nhìn thấy tuyết là ngại. (…)
          5- Qui hoạch phát triển:
          Một qui hoạch phát triển ít công viên, khu tập luyện thể thao và vui chơi giải trí ở từng khu vực dân cư là một qui hoạch thiếu tầm và tâm. Ít nơi tập thể thao và vui chơi lành mạnh thì thì phương án xấu vừa là sức khỏe dân chúng xuống cấp và phải chi nhiều hơn cho y tế. Phương án xấu hơn là tội phạm gia tăng. Xấu nhất là cả tội phạm tăng, cả sức khỏe xuống cấp, và chính quyền làm ngơ với cả tội ác lẫn bệnh tật. Tuy nhiên khi ngay cả trường học và bệnh viện đất còn bị cắt xén, bé con con thì những đòi hỏi khác thật là quá xa vời. Trong 100 người giàu nhất trên sàn, nhóm giàu nhất và đông nhất là bất động sản. Con số đó nói lên rằng tiền người Việt hôm nay kiếm ra vẫn chưa có nhiều hàm tố trí tuệ. Nếu thực hiện thu thuế nhà đất hàng năm từ 1-2% giá trị thực, và từ cái nhà thứ 2 đánh thuế giá trị gia tăng cùng với áp thuế thừa kế đất cao thì đất sẽ tiếp tục rớt giá, xã hội sẽ bớt căng thẳng về chỗ ở, người Việt nào khi đi làm cũng có quyền và khả năng mưu cầu cho mình một mái ấm. Người Việt có tiền sẽ phải nghĩ làm sao ra sản phẩm công nghệ cạnh tranh trên thương trường. Nếu có công bằng và minh bạch chi tiêu tiền thuế sẽ thu được và đủ chi dùng cho giáo dục cùng nghiên cứu khoa học làm động lực cho nền kinh tế trí tuệ cất cánh. Nhưng vấn đề là lấy ai thông qua luật ấy nếu những người nắm quyền là chủ đất lớn?
          6- Đi tắt đón đầu ?
          Khẩu hiệu đó thể hiện khá rõ cái bản chất khôn vặt của người Việt. Mà đã là khôn vặt tức là không bài bản, không đàng hoàng. Chẳng thể nào từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không tưởng được nên vẫn phải vòng lại về chủ nghĩa tư bản thực dụng. Ít nhất, chúng ta phải học cách đi cho đàng hoàng, thẳng lưng mà đứng, ngẩng cao đầu, mở to mắt mà nhìn thiên hạ đúng sai thế nào. Nếu muốn vượt họ thì phải lấy quyết tâm, rèn luyện thể lực, trí tuệ và tinh thần tăng tốc độ, chứ không phải chen ngang luồn lách, chặn đường ai cả.
          7- Môi trường kinh doanh:
          Tầm vóc GDP của cả Việt Nam chưa bằng một nửa (khoảng 46%) của thành phố Singapore (103.6/222.7tỷ USD) hay Hồng Kông (103.6/224.5 tỷ USD), chưa bằng 7% của Tokyo (103.6/1,479 tỷ USD). Nhìn vậy để thấy rằng quản lý và phát triển có một dúm tiền đó thì đâu có phải là cái gì kinh khủng với nhân loại hôm nay. Vậy mà nền tảng GDP của Việt Nam lại chủ yếu là từ đào bới (khai thác khoáng sn) và hái lượm (thu hoch lúa và các sn phm nông lâm ngư nghip). Sau 37 năm hô hào và quyết tâm công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam vẫn chưa có một công ty có tầm vóc khu vực. Bảng vàng 100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2011 bắt đầu tính từ người có tài sản chứng khoán độ hơn 3 triệu đô (mà cũng chưa rõ đây là tài sn có tht hay tài sn góp, đng tên h). Thực ra ai làm được kinh doanh ở Việt Nam hiện nay một cách chân chính được tôi nghĩ phải đáng phong tặng mấy lần anh hùng. Khắp Canada mấy năm nay lãi suất có từ 2-3% nhiểu nhà băng còn gạ cho lãi suất có 0% trong 6 tháng. Luật pháp rõ ràng, tham nhũng, hối lộ gần như không có, lạm phát cả năm thường dưới 2% mà có mấy ai mở mang kinh doanh được gì đâu. Một số công ty, ngân hàng lớn trả lãi cổ đông có 4-5% /năm là đã vui rồi. Việt Nam đang nói là phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản là một nước công nghiệp. Nếu định nghĩa công nghiệp theo kiểu Việt Nam thì không cần bàn còn nếu theo qui chuẩn của thế giới thì đây là một loại bánh vẽ tiếp của dân tộc trong thế kỷ 21.
          8- Hội nhập:
          Thế giới đã chứng kiến nước Nhật bước vào suy thoái cả hai thập kỷ nay. Bắc Mỹ khủng khoảng cả 5 năm nay giờ mới đang bắt đầu gượng dậy, châu Âu giờ đang lún sâu vào khủng hoảng, Trung Quốc nếu không có những cải cách nền tảng và quyết liệt sẽ lâm vào suy thoái và khủng hoảng trong thập kỷ này. Và khi khủng hoảng lớn xảy ra thì thành quả mấy chục năm tích cóp liền đi tong. Chưa bao giờ công việc quản lý vĩ mô lại cần tập trung nhiều trí tuệ đến thế, lại cần một ý thức xã hội và tinh thần dân tộc cao đến thế, lại cần sự nghiêm túc nghiên cứu, phản biện và cầu thị kỹ lưỡng đến như vậy.
          Khi anh dắt trâu đi trên đường làng nếu sơ sểnh xảy ra thì thiệt hại chỉ là rất nhỏ, còn khi anh lao cái ô tô lọc cọc lên đường cao tốc thì tai nạn xẩy ra là thảm khốc. Ở tầm phát triển càng cao thì sự yếu kém trong quản lý gây thiệt hại càng lớn.
          Nhìn về toàn cục Việt Nam nhỏ thó có khoảng 320 km2 mà chia nát ra tới 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương thì đã thấy là các bộ sậu quản lý cồng kềnh và rườm rà lắm rồi (vì không qun to ni nên phi chia nhỏ ra). Đã thế nơi nào cũng hai chính quyền song hành (va cơ quan đng va cơ quan chính ph). Vậy mà trình độ lại tầm thường cá mè một lứa, chỉ có mỗi “thành tích” duy nhất là quản lý cả cái nhỏ cũng không được tốt. Trong cả đống tỉnh thành ấy chỉ thấy có vài đốm sáng tức là vài tỉnh hay thành phố tự sống lay lắt được, không phải ngửa tay ra xin tiền từ ngân sách trung ương phân bổ. Chính phủ thì có tới 22 bộ và cơ quan ngang bộ; ngân sách mỗi bộ loanh quanh có một trăm triệu tới vài tỉ đô/năm (tc là ngang doanh thu ca mt công ty tm khu vc), vậy mà bộ nào cũng ôm đủ điều tiếng, bất cập.
          Nhìn tổng thể, Việt Nam quá lập cập trong con đường hội nhập. Các cụ nhà ta thường nói khôn ăn người, dại người ăn. Cái cách làm của Việt Nam hôm nay dẫn đến kết quả là nếu người tha cho thì sống (vin trưu đãi thuế quan…). Ăn của người cái công nghệ lạc hậu, bất chấp môi trường, tương lai con cháu, lối sống hợm hĩnh giàu sổi… để người trục lợi trên đủ đường từ ưu thế địa chính trị, nhân công, tài nguyên, chính sách…
          9- Tầm nhìn:
          Khi hoàng đế Meiji của Nhật mất năm 1912, nước Nhật thương nhớ vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử của họ bằng cách dành hơn 70 héc ta ở thủ đô Tokyo và người dân Nhật gửi tặng khoảng 120 ngàn cây gồm 365 chủng loại khác nhau trồng ở đó sao cho giống một cánh rừng thiên nhiên nhất. Cả trăm năm trôi qua, đất ở Tokyo dù có là vàng là kim cương thì cánh rừng vẫn còn đó, vừa tưởng niệm vị minh quân vừa là công viên, lá phổi cho thành phố và hầu như không tốn kém trong việc bảo trì. Thật đau khi thấy người ta cho phép cất nhà ở trong đại nội Huế, hay bê tông, nhựa đường hóa các quảng trường của đất nước. Khắp cả nước là các loại mồ mả xây dựng tùy tiện. Nhìn vào sự “hiên ngang” của các tư dinh người quá cố này không rõ bao nhiêu trong số đó là do con cháu thực sự hiếu thảo, bao nhiêu là sự trục lợi cá nhân mong thế giới âm phù hộ độ trì. Chỉ biết rằng triều đại nào dù được đặt ở cuộc đất nào rồi cũng đến hồi cáo chung. Dân những nước văn minh đối xử với mồ mả tổ tiên của họ thật nhẹ nhàng mà họ cũng đâu có nghèo hèn.
          10- Ý chí:
          Khi đi thăm nhà tù Hỏa Lò Hà nội, tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết có người nào dán mác “chng Cng” ở hải ngoại dám một lòng một dạ xả thân hy sinh tất cả tính mạng và tài sản cho công cuộc mà họ hô hào? Và cũng không biết còn có bao nhiêu quan chức chính quyền ở Việt Nam hôm nay một lòng vì nước quên thân vì dân phục vụ? Trong cái phần còn lại của một chứng tích cho sự hào hùng một thủa của dân tộc chỉ thấy lác đác vài du khách ngoại quốc. Đáng nể Hàn Quốc biết bao khi bảo tàng nào cũng ngập thầy cô giáo và học sinh ngồi học tại chỗ.
          11- Bài bản và chuyên nghiệp:
          Hiện nay, tại di tích nhà tù nói trên có trưng bày viên gạch và viên ngói người Pháp dùng để xây vào năm 1896. Sau 115 năm, đi gần khắp cả Việt Nam tôi cũng chưa thấy có viên gạch nào có chất lượng và đẹp như viên đó. Liệu người Việt Nam có thể có một ngành công nghệ nào có tầm vóc nếu không tập làm cho cẩn thận từ những cái nhỏ nhất. Trước khi về Việt Nam đọc qua trang web của các hãng du lịch nước ngoài thấy họ báo là “người Vit không có áo mưa, khi có mưa người Vit qun các bao đng rác quanh người…” “Bao rác” thì không phải, nhưng là một nước nhiều mưa nhưng đến giờ đúng là người Việt chưa có nổi một hãng nào chế ra cái áo đi mưa cho ra hồn.
          12- Cách mạng?
          (…)
          Sự thay đổi thường theo một hoặc hai con đường, tiệm tiến hoặc cách mạng. Con đường tiệm tiến sẽ làm khá nhiều người cấp tiến bức xúc vì khá chậm chạp, nhưng ít đổ vỡ và xáo trộn xã hội lớn. Cuộc cách mạng sẽ mang đến sự thay đổi chóng vánh nhưng chưa có cuộc cách mạng nào mang đến một sự ổn định nhanh về toàn cục.
          Con đường cách mạng thì theo định nghĩa của V.I Lê Nin sẽ chỉ nổ ra nếu có ba điều kiện: tầng lớp “dưới” không thể tiếp tục sống như cũ, tầng lớp “trên” không thể tiếp tục lãnh đạo như cũ và có một chính đảng cách mạng lãnh đạo. Tuy nhiên, vế thứ ba của định nghĩa này cần thay đổi là trong thời đại bùng nồ thông tin toàn cầu hiện nay cá nhân hay phong trào dù tự phát nhưng nếu phù hợp với tâm lý đám đông trong chốc lát cũng dễ dẫn đến một cuộc cách mạng. Điều đó giải thích tại sao mấy vụ biểu tình nhỏ lại bị nhà cầm quyền đàn áp dữ dội thế. Dù họ biết đó là yêu nước nhưng nếu cứ để cho tiếp diễn thì có nguy cơ một Thiên An Môn, một mùa xuân Ả Rập phẩy… và hơn nữa quần chúng càng được tập dượt càng dễ biết làm cách mạng.
          Hiện nay, tầng lớp dưới ở Việt Nam tuy gặp thật nhiều khó khăn vẫn đang sống được, tầng lớp lãnh đạo thì càng thấy sống ngon, sống khỏe, chỉ duy có một bộ phận tầng lớp trí thức có suy tư dằn vặt thì chưa thể có một cuộc cách mạng nào trong một tương lai gần.
          Theo con đường tiệm tiến thì đất nước sẽ phải qua vài giai đoạn chia chác của những người nắm quyền. Giai đoạn một là chia các tài nguyên thiên nhiên (đt…), sau đó chuyển sang chia tiếp các cơ hội và tài sản vật chất khác (cổ phn hóa các loi tài sn có thể còn li...) và sau khi có đủ cả tiền và quyền thì con đường an toàn nhất để giữ được cái gì đó là phải thúc đẩy pháp trị.
          13- Còn mình?
          Tôi gặp rất nhiều người bức xúc với câu khẩu hiệu giăng ở Việt Nam: “Lc lượng công an nhân dân chỉ biết còn Đng còn mình”. Theo cách tuyên truyền này thì lực lượng khổng lồ ăn tiền thuế của dân (…) thành một loại công cụ riêng của đảng, cho đảng và vì đảng, chỉ trung thành với đảng mà thôi, còn dân tộc và nhân dân không được đếm xỉa tới. Vậy nếu khi đảng (hoc nhng người nhân danh đng và có khả năng điu đng lc lượng này) sai (mà đng thì cũng thường sai lm) và có thời điểm khi lợi ích của cái “nhóm sai” trong đảng này với dân là đối nghịch thì lực lượng này sẽ sẵn sàng chĩa súng vào nhân dân?
          Công an, viên chức ở Việt Nam hay ở đâu đi nữa thì cũng là những người làm công. Đã làm công thì có quan hệ “ch” “t”. Thường người làm thuê hay ngộ nhận rằng lương bổng hậu hĩnh của họ có được là hoàn toàn do sự tử tế của ban giám đốc và hay nể sợ ban giám đốc. Khi dân trí càng cao thì càng nhiều người biết rằng ban giám đốc nhiều khi cũng chỉ là do hội đồng quản trị đại diện cho các cổ đông thuê điều hành mà thôi. Nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam mới thực là chủ sở hữu của bất kỳ ban ngành, cơ quan nào của Việt Nam. Vua, chúa, Đảng… chỉ là một ban giám đốc nhất thời.
          14- Hướng tới:
          Việt Nam, như đứa trẻ đang tuổi lớn mà lại bị ghì chặt ở nhiều hướng. Đứa trẻ tuy vẫn cao lớn lên nhưng là kiểu lớn quặt quẹo và bệnh hoạn. Năm 1953 khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Bắc Triều có cơ sở vật chất tốt hơn nhiều lần Nam Triều. Vậy mà nay nền kinh tế Bắc Hàn chỉ bằng 2.7% Nam Hàn (28/1,014 tỷ USD) thu nhập bình quân đầu người phía Bắc chỉ bằng khoảng 5.7%($1,200/$20,700) phía Nam. Cùng một giòng giống, cùng một văn hóa, cận kề lãnh thổ sao có mấy chục năm đường ai nấy đi mà khác nhau dữ vậy? Thế mới thấy bản lĩnh người cầm quyền, cái sai cái đúng của những người ở tầm cao quyền lực thật lợi hại!
          Để đừng lạc chân thành một tiểu Trung Hoa, tiểu Ấn Độ, hay tiểu Hoa Kỳ mà vẫn theo được một phần bước tiến chung của nhân loại, chỉ còn hi vọng là Việt Nam đang từ một nước hầu như làm cái gì cũng chưa hẳn là đúng chuyển hóa thành một nước làm cái gì cũngkhông sai trong liền mấy thập kỷ tới.
Nguôn: PNC

Trước Loạn Kiêu Binh

Nông dân từ Nam Ðịnh lại kéo lên Hà Nội khiếu kiện về đất đai. Hai ngày trước, Blog Nguyễn Xuân Diện đã đăng hình ảnh bà con nông dân Dương Nội (Hà Ðông), Văn Giang (Hưng Yên), và Ðắk Nông đi biểu tình trước các cơ quan chính quyền, đòi giải quyết các yêu cầu của nông dân bị bỏ qua từ nhiều năm mà đảng Cộng Sản vẫn bỏ qua. Phong trào tranh đấu mới này là hậu quả của biến cố Ðoàn Văn Vươn.
Khi cương quyết chống lại những kẻ cướp đất của mình, Ðoàn Văn Vươn đã khơi dậy lên tinh thần tranh đấu chống cường quyền của những người thấp cổ bé miệng nhất nước ta.

Người nông dân không sợ nữa. Một bằng cớ: Người ta đã dám tự xưng tên tuổi khi được nhà báo hỏi. Một cụ bà 63 tuổi cho nhà báo Trần Ðịnh biết tên cụ là Vũ Thị Thu. Bà đòi trả lại đất ruộng đã bị nhà nước trưng thu để làm khu đô thị thương mại và du lịch Ecopark. “Họ lấy đất ba năm nay mà không nói gì cả thì chúng tôi đòi thôi.” Gia đình bà có bảy người và họ không có tiền mua đất ở nơi khác, “Chúng tôi muốn lấy lại đất nông nghiệp - cho con cháu.” Ông Trần Ðịnh nói rất đúng: “Ðoàn Văn Vươn trở thành người có công trong việc xé toang bầu trời ảm đạm che phủ hy vọng của nông dân Việt Nam.”

Nhưng bầu trời của đảng Cộng Sản thì đang tối tăm. Trần Ðịnh nhận xét: “...tình trạng trên bảo dưới không nghe, vô chính phủ, quân hồi vô phèng ngang nhiên diễn ra ở Hải Phòng, đang là trái nổ mang tính dây chuyền.” Cảnh “quân hồi vô phèng” này cũng có thể gọi tên là “Loạn Kiêu Binh.” Nguyễn Tấn Dũng họp báo “giải quyết” vụ cướp đất của Ðoàn Văn Vươn; tuyên bố tất cả các quyết định lấy đất của ông Vươn là sai, việc phá nhà ông Vươn là sai; nhưng cuối cùng các tên đầu sỏ gây ra lại chỉ được lệnh “tự kiểm điểm với nhau” mà thôi! Nguyễn Tấn Dũng vừa nói xong, cả nước Việt Nam được chứng kiến cảnh họ “kiểm điểm” như thế nào!

Ngày 17 Tháng Hai, Bí Thư Hải Phòng Nguyễn Văn Thành lại họp các cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu công khai tuyên bố “khẳng định rằng ông Ðoàn Văn Vươn đã làm sai, chứ không phải là huyện Tiên Lãng sai.” Tức là hoàn toàn nói ngược lại những kết luận của Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều cán bộ cũ cũng phải nổi nóng lên và phản đối, nhưng tất nhiên cũng phải cúi đầu chịu nhục! Kết quả việc “kiểm điểm” càng khiến lòng người phẫn nộ, cả nước phẫn nộ, không riêng gì người dân Hải Phòng. Tên dẫn đầu hàng trăm cảnh sát, công an, bộ đội và du côn đi phá nhà là Ðại tá Công an Ðỗ Hữu Ca, Phó chủ tịch thành phố Ðỗ Trung Thoại và bè lũ chỉ bị “tạm đình chỉ công tác 15 ngày” để “kiểm điểm đúng quy trình và quy định của điều lệ đảng.” Họ viện dẫn “điều lệ đảng,” nghĩa là họ chỉ có trách nhiệm trong đảng xử lẫn nhau, bao che cho nhau, không cần biết đến luật pháp quốc gia nào cả. Tên Ðỗ Trung Thoại còn phạm tội “Vu cáo cho dân cả huyện Tiên Lãng” khi xưng xưng nói là “Nhân dân bức xúc” đã tự động đến phá nhà anh em ông Ðoàn Văn Vươn. Vu khống tất cả mọi người một cách công khai trâng tráo như vậy, mà chỉ phải “tạm nghỉ” 15 ngày sao được? Bọn đàn em cấp huyện, cấp xã, những tay được hưởng lợi trực tiếp trong vụ cướp đất, cũng chỉ bị “tạm đình chỉ công tác,” tức là cũng chỉ chịu trách nhiệm trước đồng đảng của họ, chứ không người nào chịu tội trước gia đình nạn nhân Ðoàn Văn Vươn hay người dân trong xã, trong huyện, và trước pháp luật quốc gia. Có một nước nào mà những kẻ đi cướp đất, phá nhà của người dân mà lại không bị truy cứu tội phạm, mà lại được quyền tự họp nhau rút tỉa kinh nghiệm, ưu khuyết điểm với nhau hay không? Phải gọi đó là tình trạng “một quốc gia trong quốc gia,” hay là một thứ “Loạn Kiêu Binh” rồi!

Nhưng đám kiêu binh ở Hải Phòng vẫn chưa thỏa mãn. Bị cả nước vạch mặt chỉ tên, tự ái của họ đã bị đụng chạm nặng nề. Họ còn nhu cầu rửa nhục. Sau khi đã “tuyên án” đình chỉ công tác 15 ngày như “đi nghỉ hè bất đắc dĩ,” họ phải “ra tay” lần nữa, sai bọn côn đồ đến phá cả tấm lều cư ngụ mà gia đình Ðoàn Văn Vươn đã dựng lên trên nền nhà cũ. Cả nước lại được chứng kiến trên mạng những hình ảnh các nạn nhân mò mẫm đi lượm các mảnh vụn của bàn thờ bị phá. Nền nhà cũ của ông Ðoàn Văn Vươn có cả một đám công an canh gác. Nhưng khi có nhà báo hỏi tại sao họ không ngăn cản những kẻ đi phá nhà người ta, mấy tay công an trả lời tỉnh bơ: Không thấy. Không thấy ai đến phá cả! Mấy anh công an này tỏ ra thông minh hơn ông Phó chủ tịch Ðỗ Trung Thoại, cho nên không ai nói đó vẫn là “Nhân dân bức xúc!”

Tại sao họ phải “đánh bồi” vào gia đình Ðoàn Văn Vươn một lần nữa như vậy? Không phải chỉ vì họ thù ghét gia đình Ðoàn Văn Vươn, thù đến xương tủy; mà còn có nhu cầu chứng tỏ uy quyền của chính họ. “Phải làm cho biết phép tao!” Họ cần chứng tỏ là họ không hề sợ sệt quyền hành nào cả “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!” Không những không sợ bị “thằng nào con nào,” kết tội những việc họ làm là sai, mà còn dám làm tiếp, làm tới, xem “có đứa nào” dám đụng tới “bọn ông” hay không! Phải gọi đó là một thứ “Loạn Kiêu Binh!”

Vào thế kỷ 17, 18, cuối thời Trịnh Nguyễn phân tranh ở nước ta, khi nhà Trịnh suy đồi, đã để xẩy ra “Loạn Kiêu Binh.” Các Chúa Trịnh đã dựa vào đám quân thuộc ba phủ tuyển từ Thanh Hóa, Nghệ An. Ðám này cậy công càng ngày càng đòi hỏi quyền lợi. Họ cũng bất chấp pháp luật. Năm 674, lính tam phủ đã giết một quan tham tụng (tương đương với thủ tướng bây giờ) và phá nhà một vị khác. Có thể gọi đó là những “cú đảo chính” cung đình. Năm 1741, lính tam phủ lại phá nhà một quan tham tụng và định giết ông. Các ông chúa Trịnh muốn ngồi hưởng độc quyền cai trị miền Bắc, đã phải gọi bọn lính tam phủ này là “Ưu Binh,” một danh hiệu cũng giống như nói “đảng viên ưu tú” ngày nay. Ðám ưu binh được những đặc quyền kinh tế, sách nhiễu dân, đặt ra các thứ “phí” giống như các loại “phí” mà người dân bây giờ cũng phải đóng, chẳng theo luật pháp nào về thuế vụ cả. Một số tên đầu sỏ lính tam phủ quá ác cũng bị đưa ra xét xử, cho dân bớt oán thán. Nhưng trong thực tế chính quyền của các ông chúa Trịnh không thể nào bắt họ theo pháp luật được. Cho nên dân gọi họ là “Kiêu Binh.”

Ðến khi một ông chúa Trịnh phải “vận động” lính tam phủ để được lên ngôi thì đám kiêu binh này càng lộng. Năm 1782 Trịnh Khải nhờ lính tam phủ đảo chính để lên làm chúa, phế bỏ Trịnh Cán. Sau đó Trịnh Khải phong quan tước và trọng thưởng cho quân tam phủ. Ðám kiêu binh càng kiêu hơn, đòi hỏi những mối lợi như thu lệ phí ở các trạm canh gác như cửa ải, chợ búa, bến đò, trên các đầm cá, hồ nước, trên các gò bãi, vân vân. Dân chúng khổ sở, thù hận thấm xương tủy, lính với dân coi nhau như kẻ thù.

Trong đảng Cộng Sản hiện nay cũng có một đám “lính tam phủ” mà thành phần tiêu biểu là những quan chức cán bộ từ cấp xã Vinh Quang, lên huyện Tiên Lãng, tới cấp thành phố Hải Phòng! Chính các đảng viên cộng sản cũng nhiều người là nạn nhân của đám kiêu binh này. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã được “cơ cấu” cho đắc cử đại biểu Quốc Hội ngay trong vùng huyện Tiên Lãng, do các tay em dưới trướng của đảng ủy thành phố và huyện“bố trí.” Ðối với Nguyễn Tấn Dũng, họ là những “đồng chí” và “đối tác kinh doanh” trong việc khai thác quyền hành để sinh ra các mối lợi trong vùng này.

Hải Phòng không phải là nơi duy nhất. Trên cả nước Việt Nam, những tay cầm đầu guồng máy đảng và nhà nước đều liên đới quyền lợi với nhau. Tất cả đều là rường cột của chế độ, dùng bộ máy công an để bảo vệ chế độ. Và tất nhiên họ phải khai thác quyền hành để kiếm lợi, theo quy luật kinh tế thị trường, là khi đầu tư thì phải kiếm lợi!

Biến cố Ðoàn Văn Vươn bất ngờ mở một khe hở cho người ta trông thấy đám kiêu binh đó coi thường luật pháp và coi thường dư luận người dân như thế nào. Nhưng ở nước Việt Nam bây giờ có những Blog Cu Vinh của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện. Có những người bênh vực dân oan như cụ Lê Hiền Ðức mà nhà tranh đấu Trần Ngọc Thành gọi là “Ðại Lão Bà.”

Tiến Sĩ Trần Ngọc Thành, một đảng viên cộng sản đã từ bỏ đảng, đang sống ở Ba Lan, trong nhiều năm qua đã tranh đấu bênh vực cho các người lao động Việt Nam bị con buôn bóc lột, như ở Mã Lai, ở Trung Ðông. Ông vừa kêu gọi các nhà tranh đấu trong nước: Phải thành lập chi hội, huyện hội, tỉnh hội Dân Oan và Liên Hiệp Hội Dân Oan trong cả nước. Ðồng bào nông dân các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Ðông, Hưng Yên, Ðắk Nông, đang cần những Hội Dân Oan. Ðồng bào có thể làm được. Tinh thần dũng cảm của Ðoàn Văn Vươn đã mở ra những tia hy vọng. Một phong trào nông dân tranh đấu bất bạo động trên toàn quốc sẽ có thể dẹp “Loạn Kiêu Binh” trong lúc đảng Cộng Sản đang trên đường theo các ông chúa Trịnh.

Ngô Nhân Dụng