Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

1 thg 2, 2012

Châu, lại Châu !

Cái ông trùm phát xít nào đó phát minh ra chuyện nói mãi nói mãi cũng thành thật quả là tài. Tết nhất, chả biết đâu ra chuyện ông thần toán Ngô Bảo Châu trả lời gì gì đó trên báo Tuổi Hèn, quên mất, Tuổi trẻ (Từ sau vụ nhà báo Hoàng Khương, mình thấy báo Tuổi trẻ nên đổi tên, kế tục Tuổi Hồng của thiếu niên thì đến Tuổi Hèn của người lớn cho nó đúng bản chất). Mình đã ngán ngẩm, chỉ thỉnh thoảng thòng đôi câu cho có, chứ thật sự là ngán ngẩm cho cả bên nguyên lẫn bên bị quanh cái vụ trí thức Châu trở chứng không thích phản biện nữa, chỉ thích làm Toán trong viện Toán, lại hơi lạnh giò, muốn trùm chăn trong cái rét hại giữa Hà Nội nhưng báo chí nó không cho trùm, cứ lôi dậy phỏng vấn.

Ừ thì phỏng.
Phỏng xong thì phải bỏng vì bị hắt nước sôi, nóng sang đến Mỹ còn nóng.
Mình, với tư cách không phải là trí thức trên mọi góc độ, cũng bị hút vào “vòng xoáy trong cái cốc” của ông thần này, đành viết thêm tí để từ nay sẽ “tịnh khẩu” với đề tài ông Châu.


Khoan, nói đến ông Châu thì thật vô tình, mình đang ở chung phòng với một đàn anh của Châu, học trên Châu hai lớp ở chuyên Toán Đại học Tổng hợp những năm ấy. Hắn này nhỏ tuổi hơn mình nhưng về Toán, Tin…hắn “chả sợ bố con thằng nào”. Về chữ nghĩa hắn sợ mình, vì trong phòng có hai người, có ai hơn mình nữa đâu.
Tốt nghiệp ở Nga, sống ở Nga đến nay, âm thầm với những phần mềm quản lý rất hoàn hảo của mình, âm thầm với những bữa ăn tự nấu rất nhanh gọn và “thiên về chất chứ không thiên về ngon” của mình. Cùng khóa, cùng lứa với hắn ở Việt Nam cũng không ít tên tuổi lừng lẫy. Còn đàn em, thì có Châu đấy, sang Pháp ăn bánh mì, uống café thế nào mà chợt bừng sáng với cái Field, sáng đến mức đã đổi quốc tịch rồi mà về quê cũ còn nổi hơn Lý Nhã Kỳ. Hắn thì vẫn âm thầm thế, mình bảo sao cậu không được như Châu, hắn cười rằng ở đời còn phải gặp may nữa mới được anh ạ.


May là may thế nào, học mòn người đi ấy chứ, mới ra cái này cái nọ chứ? Không thấy Châu ngắn tủn như cái bút chì cũ kia à? Hắn lại cười, vẫn là may đấy thôi anh ạ.

Ừ thì xem ông Châu may mắn thế nào cái.

Học xong 12 ông ấy sang Pháp, chả biết theo diện gì. Theo thông lệ, Châu phải ngồi mài quần ở cái lâu đài MGU trên đồi Lê Nin bên Nga mới đúng. Xong thì sẽ theo gương đàn anh Lê Bá Khánh Trình, sáng chói với giải Đặc biệt Toán quốc tế, bằng Đỏ MGU để về dạy Khoa học tự nhiên, lương tự nhận, nhà tự mua, chả ai cho đồng rách nào làm cái đề tài khoa học cấp…xã chứ đừng nói đề tài cấp tỉnh.


Các tài năng Toán họ đặc biệt lắm, họ chỉ biết Toán thôi, cuộc đời đối với họ cũng là Toán, tình yêu với họ cũng là Toán. Hồi còn ở Huế, bọn mình có một trò vui vui trước giờ học, đó là đứng trên lầu nhìn ông Hà Thúc D., một cây chuyên Toán tầm cỡ, từ từ đi vào từ cổng trường. Thời ấy mốt quần loe, tóc dài, vậy mà ông Hà Thúc ấy tứ thời đầu ba phân, quần suông lưng lửng, nhưng đặc biệt nhất là cái kiểu đi không nhanh không chậm, đúng giờ ấy khắc ấy là xuất hiện ở cổng, đầu cúi cúi, ánh mắt rà đúng ba mét trước mũi chân, không nhìn ngang nhìn ngửa, không áo em trắng quá, không phượng nở ve kêu… lừ lừ như cái xe tăng thẳng tiến về khu chuyên Toán, tan trường cũng thế, lừ lừ một mạch ra tới cổng. Bọn mình nghi hắn mộng du giữa ban ngày. Về tài Toán, hắn còn được các thầy đánh giá cao hơn Lê Tự Quốc Thắng, bây giờ không biết hắn ở đâu.
Mình cá rằng với những cái đầu siêu Toán như thế, nếu nhốt bọn hắn vào một chỗ và cứ đưa bài cho bọn hắn giải, giải mãi giải mãi thì một chứ vài chục cái Bổ đề bọn hắn cũng sẽ giải được. Chẳng qua cuộc đời không phải lúc nào cũng giao đề toán cho ai đó giải mãi. Bảo Châu cũng thế thôi, giải mãi giải mãi thì cũng giải ra và được nhận giải. Nói các vị ấy thiên tài thì không ngoa, vì trời chỉ sinh vài trăm ông thần Toán một lứa, bên cạnh loại hàng chợ đổ đống như bọn mình. Vì là hàng “xôn” nên bọn mình lăn lóc đủ xó xỉnh cuộc đời, còn hội “siêu” kia, nếu được đi đến cùng con đường thì họ sáng lắm. Còn sáng thế nào, vì sao sáng…thì cũng họ tự đánh giá với nhau thôi.

Nói thế không oan, chính dân Toán với nhau họ cũng công nhận Toán nói chung là…vô bổ. Ấy, khoan hẵng ném đá, là đang nói về “siêu” toán ấy. Chứ toán mười đầu ngón tay của đại đa số dân chúng thì cần thiết vô cùng, không có thì khổ lắm. Có đứa thợ may, mỗi ngày được 500 rup, cuối tháng được tính 15 000 rup tiền lương mà không biết đúng hay không, tối thập thò cửa phòng mình anh ơi, thằng Q nó tính lương cho em như thế đúng không? Mình bảo đúng. Lại hỏi, như thế là được bao nhiêu đồng? Mình bảo khoảng mười triệu. Thế là hớn hở ra về sau khi thở phào.

Mình đọc đâu đó, nói dân Toán họ tự đặt đề cho nhau, tự giải và tự khen nhau là chính. Giải xong thì lại tự ra đề. Đề dễ giải ngay không ăn tiền, phải là đề khó lâu năm, như đồ cổ, càng cổ càng giá trị và giải được mới là “thiên tài”. Mình không tin, chẳng ai rách việc tự xé quần áo ra rồi vá lại, vấn đề là trong khi những bài toán đời thường cần các đầu óc siêu việt giải hộ thì các vị “cao cấp” ấy lại rủ nhau chơi trò đếm sao, phí quá chăng?


Ông Nobel không trao giải cho Toán cũng vì lẽ ấy. Có giai thoại bảo ông có tình địch là dân Toán nên ghét lây, nhưng thực ra ông độc thân tới chết, vợ không tình địch cũng không, chỉ vì lẽ ông coi Toán là loại khoa học không thiết thực phục vụ nhân loại.

Mình không đủ tầm để thẩm định được loại toán cao cấp như của Châu có ích lợi đến đâu cho nhân loại, và càng không hiểu một khinh khí cầu cao vọi như Châu có tác dụng gì không trong công cuộc kiến thiết Đất nước, xóa đói giảm nghèo hay phòng thủ biển đảo hôm nay. Mình nghĩ thủ tướng cũng thế thôi, đọc diễn văn thế thôi chứ nói chung là…khó hiểu. Còn anh Nguyễn Thiện Nhân thì sao?


Ngô Bảo Châu là cứu tinh của anh Nhân.

Anh Nhân là người có học dù anh chưa bao giờ là thần đồng hay tài năng gì, anh tuần tự như tiến với một vài sự nâng đỡ nhè nhẹ, âm thầm nào đó. Và nay anh được giao việc chăm sóc cái sự học cho quốc gia.

Thương thay, anh bị ấn vào tay cái mớ bòng bong giáo dục từ mẫu giáo lên đến đại học, Ban đầu không kém anh La Thăng hiện nay, anh Nhân với chí khí của mình tuyên chiến với những “Có” tiêu cực trì trệ giả dối thiếu thốn mất mát dột nát…bằng đủ các loại “Không”. Có-không-không-có một chặp thì anh…thua, bỏ cuộc và như chúng ta thấy, cái có vẫn có và cái không vẫn không, chỉ có ông thầy Khoa vì nhẹ dạ nghe theo anh Nhân mà đang từ có dạy chuyển sang không nghề, tức thất nghiệp. Anh Nhân, nói gì thì nói, tướng thua trận thì cũng như…bán thất nghiệp.

Tự nhiên trên trời rơi xuống ông Châu toán học, tay ve vẩy cái bằng mang tên một nhà toán học và được các nhà toán học thế giới trao cho rất kịp thời (chậm tí thì quá tuổi coi như “mo”)   
Ông Nhân chộp ngay cơ hội. Ta thua quả “dạy mẫu giáo như đại học và dạy đại học như mẫu giáo” thì ta gỡ bằng quả “Bổ đề”, thứ ấy tù mù với cả dân thường đi bộ lẫn bộ chính trị đi xe. Thế là tung hô, là đến nhà thăm vỗ vai sờ đùi, là phong trào “sống chiến đấu lao động và học tập theo gương…” khắp nơi. Anh Nhân kèm sát anh Châu còn hơn bộ trưởng Du lịch cọ sát với đại sứ Lý Nhã Kỳ sau này. Anh Nhân lại nổi bật trên Ti-vi. Anh Nhân không thèm chơi hệ đại học thường nữa, lập hẳn hệ đại học “cao cấp” luôn cho nó “đi tắt đón đầu”. Thế mới là phó thủ tướng chứ.

Nhà Châu cũng giúp thủ tướng ghi bàn. Gần đây thủ tướng bị coi là “đối lập” với giới lắm chữ, hay nói cách khác, không thích bọn lắm chữ, bởi họ lắm mồm. Sau vụ ông bức tử cái Viện đầy chữ của ông Quang A, ông Đăng Doanh, bà Chi Lan…thì người ta nổi khùng, moi đủ các loại bông băng thuốc đỏ ngày xưa ra xoi mói, lại tò mò đi sưu tầm cái ghế nào ông từng ghé mông ngồi ở trường Luật Sài Gòn để có được cái bằng chuyên tu “không ngu hơn tại chức”, còn bộ đội thì năn nỉ xin chỉ huy cho được tập bắn B40.


Nay rơi xuống từ trời một ông Châu sáng chói. Đấy nhé, Bảo Châu có trí thức không? Có chứ gì, tớ chăm sóc tận răng rồi nhé, tớ bảo đàn em lo đủ nơi ăn chốn chơi nhé, tớ ký duyệt tiền tỉ, cho chi xả láng không thèm đếm rồi nhé. Ai bảo tớ vùi dập trí thức nào? Ai muốn nữa không? Muốn thì có giải như Châu đi, và biết “cho và nhận” như Châu đi, có ngay!

Nói Châu “may” là may chỗ đó, may thứ nhất là vô tình “rơi” đúng điểm rơi. Người ta đang cần có Châu.
Ở đời hơn nhau cái may là đủ để xông xênh rồi.

Bây giờ nói về Châu chút.

Thời Tổng hợp cầm bát đi ăn tập thể với nhau thôi cho qua. Sang Pháp Pháp nuôi, thành tài thì Pháp đóng dấu vào hộ chiếu, và Châu đi làm thầy ăn cơm khắp thiên hạ. Học thầy thì phải làm thầy để trả nghĩa, thế thôi.
Và giải được cái “bổ đề” hóc búa nào đó
.Mà lại giải được và được giải đúng vào phút 89, chứ chậm một năm là vô ích, ăn “giải rút” thôi vì quá tuổi. À, thì ra cái giải này còn có ý nghĩa động viên nữa, kiểu như giải “thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia kể chuyện Bác Hồ” ở ta. Thế thì cũng…vừa vừa thôi nhỉ?
Lại nữa, cái “bổ đề” Châu giải mất rồi, thế đâu ra lắm “bổ đề” mà năm ngóai có đến ba giải Field khác? À, tức là còn nhiều loại đề không bổ khác nữa, các phụ huynh cứ yên tâm!


Bể học khôn cùng, hết “bổ đề” này sẽ có đề khác bổ hơn, vấn đề là phải giải nhanh trước khi già, và quan trọng hơn là giải đúng lúc người ta cần có Giải.

Tôn vinh Châu xong thì theo logic “trọng nhân tài”, phải mời Châu về nước tỏa sáng chứ. Việc trải thảm xong còn phải đóng giày cho cái chân của Châu. Mà Châu thì có đôi chân “cao cấp” thế là sinh ra cái viện “cao cấp”. Cao như thế nào thì chưa biết, chỉ biết nó cao cấp và cao giá. Tiền nào của ấy. (Lại thấy tỉnh Hậu Giang lắm lúa nhưng keo kiệt, mời chào cỡ Tiến sĩ về cống hiến mà hứa cho có trăm triệu, không đủ mua kem chống muỗi!)
Bây giờ Châu thì đã lỡ cưỡi lưng trâu rồi, phải dắt thôi. Dắt làm sao để tám năm nữa nước Việt Nam dù vẫn vị trí 100 về nghèo cũng phải leo vị trí 40 thế giới về Toán. Ai bảo Châu không có nhiệm vụ cụ thể? Đừng tưởng tiêu tiền mà dễ.
Tất nhiên, toán học trừu tượng, nên vị trí 40, hay 41, 42 thì chỉ có Châu và các anh í biết thôi. Và, với mối quan hệ của mình, Châu cứ chi ngân sách, làm liên tiếp các hội thảo hoành tráng thì các tạp chí bạn trong ngành Toán sẽ đồng loạt đăng bài “Công nhận Việt Nam đứng thứ 40”, mất gì của Bọ mà không đăng. Ta vừa rồi lạm phát suýt chết ngạt mà báo Hàn Quốc còn phải nghiêng mình kính phục kìa.


Thôi thì may hơn khôn. Châu may thì Châu cứ may đi đã, không cần lăn tăn gì. Ở đời không phải lúc nào cũng gặp may mắn cả.

Vấn đề là Châu đừng mắc hội chứng “say chiều cao”, ngồi trên khinh khí cầu cũng dễ mắc lắm, Ông Anhxtanh hồi nọ còn được mời làm tổng thống Ixrael mà từ chối đấy. Đừng hứng chí quá thì mất giá, nói gì thì nói Châu vẫn đang được người ta thuê dạy. Mà tư bản nó để ý đến trí tuệ và tư cách ông thầy giáo chứ không coi cái chức viện toán cao cấp ở Việt nam là cái đinh gì đâu.


Ấy, cái chắc chắn, cái cơ bản thì vẫn phải đầu tư, chứ mình đang nghĩ đến một kịch bản khác.

Một ngày nào đó, có ông kia ngồi vào ghế anh Nhân anh Dũng, điểm lại thấy cái Viện cao cấp cao giá ấy mấy năm nay chẳng đẻ được cái gì “bổ béo” , bèn ký lệnh “sát nhập” vào viện khoa học Việt Nam. Dĩ nhiên, Châu vẫn là Châu nhưng sẽ ít được phỏng vấn hơn, chính vì thế nên nếu có dịp trả lời thì Châu cẩn thận chút, vì dân vì Nước chút, đừng vì cái ghế đang ngồi dưới mông.


À, còn một kịch bản nữa.

Một hai năm sau, lại một thiên tài Toán nào đó bỗng phát hiện ra rằng lời giải của Châu cho cái Bổ đề gì đó thực ra là chưa hoàn toàn...đúng. Chuyện rất thường trong khoa học, rất thường.

Không ai thu lại giải đã trao, nhưng mức độ lấp lánh nó giảm đi nhiều. Châu thì vẫn là Châu thôi. Vẫn là giáo sư các trường Pháp, Mỹ. Nhưng cái viện “cao cấp” kia liệu có còn được cấp (kinh phí) cao không?

Anh Nhân sẽ nói thế nào?
Anh Dũng có thu lại 650 tỉ kia không?Anh Tuyển hỏi mượn lại chìa khóa biệt thự không?
Hây zà, viết đến đây bỗng không muốn viết tiếp, sợ nó thành sự thật thì cả làng cả nước “quê” chứ chẳng riêng gì mấy ảnh. Trong đó có mình.

Nguồn :ĐÔNGBLOG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét