Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

1 thg 2, 2012

VI HÀNH

Những ngày đầu Xuân, không hiểu sao tôi cứ miên man nghĩ về chuyện vi hành của các ông vua thời xưa và các vị lãnh tụ nổi tiếng.
Có lẽ vì xem ti-vi Tết, chỗ nào cũng thấy các đồng chí lãnh đạo đất nước đi chúc Tết địa phương này địa phương khác. Những ngày thường, lãnh đạo cũng về địa phương thăm hỏi như thế, nhưng đi công khai,trống giong cờ mở, chứ không phải bí mật vi hành. 
Không biết các vị lãnh đạo của ta có bao giờ “vi hành” không ? Chắc là không , vì nếu họ vi hành biết thì đã có những quyết sách khác, sát với thực tế dân nghèo hơn.
 
Theo “Từ điển Tiếng Việt” do Văn Tân chủ biên, in lần thứ 2 có bổ sung, NXB Kho hpcj xã hội, Hà NỘi 1977, thì vi hành là “Nói vua thời xưa đi ra ngoài để bí mất xem xét tình hình”. Xem phim Tàu, phim Hàn quốc,hay đọc lịch sử nước ta, thấy ông vua nào cũng có những chuyên “vi hành” xa gần. Những chuyến đi ấy, vua xuất hành bí mật, không lên kế hoạch trước và chỉ có vài tùy tùng đi cùng. Vua đến các khu chợ, các xóm phố nghèo để xem tận mắt cuộc sống dân tình, để đưa ra những quyết sách chính xác của mình trong chỉ đạo, điều hành đất nước .

Lịch sử Việt Nam trải hàng ngàn năm phát triển với hơn 100 đời vua nối nhau trị vì. Có nhiều chuyện vua vi hành kỳ thú . Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của nhà Trần, ở ngôi 21 năm (1293 – 1314), để tiếp cận với đời sống nhân dân, vua thường đi vi hành. Có lần ông đã bị ném vỡ đầu. Sử cho biết như sau: “Vua thích vi hành, cứ đêm đêm lại lên kiệu cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm ra đến quân phường bị bọn vô lại ném gạch trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: “kiệu vua đấy” bọn chúng biết nhà vua mới tan chạy cả.
Cụ Hồ từ khi thành Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đã nhiều lần vi hành . Tôi xin kể lại vài cuộc vi hành của Cụ Hồ cóp nhặt qua một số bài viết trên báo . Mùa Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946 , vào thời khắc mọi gia đình chuẩn bị đón giao thừa thì Cụ Hồ xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng ( Hà Nội)… để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết của bà con lao động. Giao Thừa đó, Cụ Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết” ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết. Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền khi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.

Tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Chiều mùng hai Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng hai Tết năm 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân… Tất cả đều bí mật bất ngờ và do đó bao giờ cũng tạo hiệu quả lớn. Tết Quý Mão năm 1963 , sáng 29 Tết, Bác thăm chợ Tết Đồng Xuân. Bác đi theo đường Nguyễn Thiệp vào cổng sau của chợ. Người chăm chú quan sát cảnh mua bán tấp nập, dừng chân xem ông đồ viết câu đối Tết, có lúc hỏi giá hàng… Khi đến thăm chợ hoa, Bác định mua một bó hoa huệ nhưng đồng chí cảnh vệ sợ lộ bí mật nên trả giá rất rẻ để rút lui. Bác nói vui: “Trả giá như chú, cả ngày đi chợ cũng chả mua được gì.”.v.v..và v.v..


Nói chuyện vi hành, tôi cứ ao ước : Bao giờ ĐẤT NƯỚC CÓ NHỮNG VĨ LÃNH ĐẠO VI HÀNH ĐỂ BIẾT THỰC CHẤT CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN ? Bởi vì nếu có những cuộc vi hành như vậy, chắc chắc những quyết sách liên quan đến sở hữu đất đai, đến bù giải tỏa, cưỡng chế …của Nhà nước đã không như thực tế hiện hành. 

Đã từ mấy chục năm nay, cả nước ta đã quen với bệnh thành tích, nên bị bệnh ưng thư di căn “CÁO CÁO LÁO”. Báo cáo láo để lên chức, lên quyền. Báo cáo láo để kiếm nhiều dự án, từ đó mới có % làm giàu. Xã láo với huyện, huyện láo với tỉnh, tỉnh láo với Trung ương. Lâu ngày thành một “nếp sống”, thành mẫu mực “đạo đức”. Báo cáo láo kèm theo hối lộ, xu nịnh đã trở thành “tiêu chuẩn sống” của phần lớn cán bộ có chức có quyền. Thường nịnh trên thì trù dập dưới . Bọn chúng đã thẳng tay đàn áp dân nghèo để bảo vệ lợi ích của chúng . Chính bọn chúng đã gây hàng ngàn vụ khiếu kiện đất đai quyết liệt, kéo dài ở Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long, đã gây ra sự kiện nông dân tỉnh Thái Bình nổi dậy chống lại lãnh đạo chính quyền vi phạm luật đất đai và tham nhũng 

1996-1997; đã gây ra vụ án oan khiên đối với bà Ngọc Sương ở Nông trường Sông Hậu, hay gần đây nhất là vụ cương chế thu hồi ao đầm anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Đa phần lãnh đạo bây giờ là bọn suy thoái, tham nhũng. Chúng liên kết với nhau theo nhóm từ trung ương đến địa phương, lợi dụng điều luật “đai đai là sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân” để cướp đất nông dân mua bán làm giàu, đẩy họ vào con đường cũng quẫn. Nếu dân không nghe theo thì chúng huy động công an, bộ đội cưỡng chế, họ chống đối thì quy tội “chống người thi hành công vụ” để bắt tù. Bọn “cầm quyền” ấy , bao nhiêu năm nay đã tạo nên một làn sóng căm thù, phẫn uất trong nhân dân. Sự căm thù đó nếu có mỗi mồi lửa, chắc chắn sẽ trở thành bão lửa to lớn hơn Thái Bình 1996-1997 ! 

Vì thế , tôi cảm thấy rất khó chịu khi thấy các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi đến đâu cũng được tiền hô hậu ủng, xe cộ rầm trời, công an còi hụ inh ỏi không khác gì sắp có biến. Bí thư chủ tịch tỉnh đón, đi kè kè ngày bên cạnh. Tất cả cảnh thăm đều được kịch bản bố trí, sắp xếp từ trước . Chỉ một ông Ủy viên Bộ chính trị thường thôi, thậm chí bộ trưởng thôi về tỉnh cũng còi họ trước hụ sau. Rồi khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm tỉnh N, Y, Z…”. 

Nhân dân của mình, “đồng chí” của mình sao lại quan cách xa vời thế ? Tôi cứ nghĩ đi như rứa cũng là một cách đi, nhưng đó là cách đi để “lấy tiếng”, để đánh bóng tên tuổi và hình ảnh mình, chứ không phải vi hành. Đi như thế không thể biết được thực chất cuộc sống thật, ngày Tết thật của người dân lao động bần hàn.
Giả sử đồng chí Tổng Bí thư Đảng, hay Trưởng Ban kiểm tra Trung ương Đảng …cải trang, đóng vai một thường dân, hay cụ già hành khất, bí mật về xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng, không cho lãnh đạo TP Hải Phòng hay huyện Tiên Lãng biết, hỏi bà con về lịch sử gia đình ông Đoàn Văn Vươn và tại sao lại sinh ra vụ cưỡng chế máu lửa ấy, thì sẽ biết đích xác chân tướng bọn quan tham những ức hiếp dân. Nhưng đi như thế thì phải chịu khó chịu khổ, lại không được “cơm bưng nước rót”, thậm chí không được quà cáp hậu hĩnh. Vì thế ai cũng thích đi cả đoàn , trống gương cờ mở inh ỏi. Ôi đi thăm như thế chỉ làm cho lòng dân thêm rầu, niền tin của dân vào chính thể càng giảm đi . Sự tồn vong của chế độ đã đến lúc báo động đỏ.

Vì thế tôi cứ đêm đêm thao thức trằn trọc, mong mỏi các vị lãnh đạo đảng, nhà nước phải vi hành thật nhiều để hiểu thực chất cuộc sống nhân dân và hiểu chân tướng của bọn suy thoái , tham nhũng đang lộng hành, để có những quyết sách quyết liệt cứu đất nước, cứu dân tộc.

NGUỒN : Ngô Minh Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét