Các anh em công an, bộ đội bị thương trong vụ cưỡng chế trái pháp luật ở Tiên lãng thân mến!
Khi đọc trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ việc cưỡng chế vừa qua ở Tiên lãng Hải phòng, tôi không thấy có lấy một chữ nào nói về các anh, những người trót dại, nhắm mắt theo lệnh chỉ huy cầm súng chĩa vào người dân, những người đã từng là đồng đội của các anh, những nông dân một nắng hai sương như cha mẹ các anh ở quê nhà làm ra hạt thóc củ khoai nuôi nấng các anh nên người thì tôi cảm thấy thật bất nhẫn nếu không viết những dòng này chia sẻ cùng các anh, dù các anh có đón nhận tấm lòng của tôi hay không.
Các anh thân mến!
Vụ hai anh em người nông dân nổi dậy Đoàn Văn Vươn nổ súng bắn vào 6 nhân viên công an, quân đội ở Tiên lãng làm tôi nhớ đến vụ 6 cảnh sát Mĩ bang Utah, Hoa kỳ bị một công dân bắn hạ trong một cuộc đấu súng.
Vụ cưỡng chế của chính quyền huyện Tiên lãng xảy ra ngày 5/1 trong khi vụ lục soát ma túy của cảnh sát ở bang Utah xảy ra ngày 4/1 cũng có 6 nhân viên công lực bị thương vong.
Lục lại các tài liệu về vụ đó tôi thấy rất nhiều điều muốn kể với các anh.
Phóng viên Paul Foy của báo Associated Press Post-Gazette viết: “6 cảnh sát được lệnh đột kích vào một ngôi nhà ở thành phố Ogden Utah mà chủ nhân của nó là một cựu quân nhân đã từng có tiền sử bất hảo và hiện cảnh sát đang nghi vấn người này buôn lậu ma túy, trồng và điều chế cần sa. Khi cảnh sát đạp cửa xông vào thì bị chủ nhà là Matthew David Stewart nổ vài loạt đạn AK47. Kết quả một cảnh sát thiệt mạng và 5 người khác bị thương nặng”.
Vụ nổ súng này làm sục sôi nước Mĩ. Cả một cơn bão công luận bùng lên, kết án kẻ tội phạm ma túy và biểu thị đồng tình với cảnh sát. “Đến giữa ngày thứ năm (nghĩa là 2 ngày sau), hơn 1.000 người đã bày tỏ sự ủng hộ và lòng biết ơn đối với cảnh sát viên Francom-người bị tử thương. Trên trang Facebook và các mạng xã hội khác tràn ngập những lời cầu nguyện, những bài thơ và những thông điệp tưởng niệm”. “Nhiều Blog, hàng vạn người trao đổi các bức ảnh cá nhân của họ có logo màu đen với một dải màu xanh, tưởng niệm cảnh sát Francom”.
Dân chúng bang Utah và cả nước Mĩ cho rằng Francom và 5 cảnh sát bị thương có thể tự hào về sự cống hiến của họ cho đất nước Hoa Kỳ. Dân chúng thuộc bất kể tầng lớp nào bất kể người thuộc phe đảng Cộng hòa hay Dân chủ cùng nắm tay nhau tôn vinh 6 cảnh sát của họ.
Ở bên này của bán cầu là một câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Người nổ súng cũng là một cựu quân nhân, một nông dân. Nhưng công luận cả nước, cái tên Đoàn Văn Vươn được nhắc đến với sự kính phục, trân trọng, yêu mến. Viết về ông là hàng vạn bài báo của người Việt nam ở khắp 5 châu chia sẻ và đồng cảm. Đoàn Văn Vươn còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các vần thơ đậm chất anh hùng ca, điều chỉ có trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống quân xâm lược.
Ngược lại, người ta quên hẳn những chiến sĩ công an và bộ đội bị trúng đạn hoa cải của gia đình ông Vươn. Sau vụ việc, chỉ có vài tờ báo đăng tin “các chiến sĩ bị bắn trọng thương” với lối viết tường thuật như một trận cầu. Rồi tất cả giới truyền thông kể cả báo chí nhà nước đều làm ngơ về số phận của các anh.
Tất nhiên các anh khó có thể trách móc hoặc đòi hỏi dư luận dành cho các anh sự cảm thông, yêu mến bởi thực tế, tuy phũ phàng nhưng tôi tin các anh biết: Dân chúng chẳng coi các anh là công an nhân dân hay anh bộ đội Cụ Hồ như trước kia. Công an có nhiệm vụ giữ an ninh cho đất nước, bảo vệ nhân dân nhưng các anh đâu còn là Công an nhân dân nữa khi các anh trực tiếp tham gia vào lực lượng ức hiếp nhân dân, người ta chưa gọi các anh là bọn cướp ngày, lũ giặc là còn may. Nhưng mấy anh bộ đội tham gia vụ cưỡng chế thì có khác một chút. Đau đớn nhất cho các anh và đau lòng lắm cho nhân dân là các anh bây giờ cũng trở thành kẻ phản bội nhân dân.
Nhân Dân là cha là mẹ các anh, nuôi các anh với mong muốn các anh bảo vệ đất nước bảo vệ nhân dân thì nay tại sao các anh lại có thể cầm súng chĩa vào nhân dân?. Các anh thừa biết lực lương công an đang bị dân gọi là “thằng” và nhiều ví von không hay ho khác nữa. Chẳng lẽ Quân đội nhân dân lại sẽ có ngày bị dân gọi các anh bằng những từ ngữ khi nói đến công an sao?.
Các anh hẳn còn nhớ bài hát “Bộ đội về làng”? Đến bây giờ khi nghe bài hát ấy: “các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi còn nhớ mãi” tôi còn thấy gai người muốn trào nước mắt vì tình cảm thân thương, gắn bó đến vô cùng với những anh bộ đội yêu mến và tự hào của chúng tôi. Các anh nỡ nào phụ bạc tấm lòng nhân dân dành cho các anh đến thế?
Có lẽ đọc báo, nghe thông tin, các anh chắc cũng biết chỉ có một số rất ít người (trong đó có tôi) khi nghe tin các anh bị thương đã cùng các bác, anh chị em khác như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, các cựu sĩ quan công an và quân đội, các anh em nhóm biểu tình chống Trung quốc góp tiền gửi quà thăm hỏi các anh. Thông thường, lẽ ra các anh phải là nạn nhân trong vụ nổ súng nhưng trớ trêu thay, các anh có nhận ra rằng: Nạn nhân thực sự của vụ Tiên Lãng lại chính là người nổ súng vào các anh, những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.
Điều vô lý cũng là điều chí lý nhất bởi: Khi cầm súng cưỡng chế người dân, các anh trở thành lực lượng phi nghĩa, bất hợp pháp, các anh đâu còn là người “thi hành công vụ nữa”. Phải nói chính xác rằng anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn là những người nông dân khởi nghĩa chống lại giặc cướp, chống lại cường quyền.
Các anh thân mến. Là những người trong cuộc, không biết các anh có suy nghĩ gì khi tất cả 5 người các anh đều bị thương ở vùng mặt riêng ông thượng tá Phạm Văn Mải, trưởng công an huyện lại bị thương ở sau lưng và bắp chân? Nếu đã là những quân nhân các anh sẽ cay đắng khi nhận ra phần nào bộ mặt thật của những người đã đẩy các anh vào chỗ nguy hiểm, họ là những người sẽ quay lưng bỏ chạy đầu tiên khi gặp hiểm nguy. Rất may không có ai trong các anh phải nằm dưới ba tấc đất vĩnh viễn không còn gặp lại cha mẹ, vợ con trong vụ này bởi các anh bây giờ chắc hiểu: Vinh quang và danh dự không bao giờ dành cho những người chĩa súng vào nhân dân dù tự nguyện hay bị cưỡng bức.
Tôi biết, tôi đã nghe nhiều người trong các anh khi bị điều động đến khu vực cưỡng chế đất đai trên khắp đất nước chúng ta hiện nay. Các anh nhăn nhó phân trần: “Chúng cháu chỉ làm theo lệnh trên thôi, là con người chú tưởng chúng cháu sướng lắm sao? Chúng cháu cũng biết xấu hổ nhục nhã lắm! Nhưng biết làm sao chú ơi, không chấp hành lệnh các sếp chúng cháu chỉ có ra đường. Chúng cháu biết dân người ta chỉ mong yên thân, người ta có đấu tranh chẳng qua cũng là bị bó buộc ức hiếp quá mà thôi. Nhưng lệnh trên thì chúng cháu phải ra đây nghe chửi. Cũng vì miếng ăn nhục lắm chú ạ”.
Các anh thân mến!
Giờ này khi nằm trong bệnh viện hoặc nghỉ dưỡng thương ở nhà trong sự vắng lặng của dư luận trong sự lãnh đạm đến tàn nhẫn của những kẻ như Lê Văn Liêm, Lê Văn Hiền, Đỗ Hữu Ca, Đỗ Trung Thoại v.v…các anh có còn nghĩ rằng mình là những người phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc hay chỉ là những con tốt đen trong tay những kẻ thiếu nhân cách thừa mưu mô, những kẻ sẵn sàng hy sinh các anh cho mục đích cá nhân của họ. Vậy mà Thành ủy, chính quyền thành phố Hải phòng lại cử Đoàn công tác có Đỗ Trung Thoại, Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an TP Hải Phòng là thành viên trong khi chính họ là những kẻ tham gia vào cuộc cưỡng chế trái pháp luật gây hậu quả hết sức nghiêm trọng; sau khi xảy ra vụ việc lại có những tuyên bố hoàn toàn sai sự thật. Chỉ riêng điều đó cũng đủ cho thấy họ hoàn toàn là những kẻ bất chấp lẽ phải, bất chấp dư luận nhân dân và hết sức trơ tráo.
Bây giờ thì nhân dân chẳng ai lạ gì lũ cướp ngày này, chỉ chưa đến lúc buộc phải như anh Vươn mà thôi. Chính vì thế truyền thông báo chí không muốn nhắc đến các anh. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” dù ngựa ở tàu nào cũng thế. Nhưng nhắc đến các anh, người ta sẽ còn đau hơn khi buộc phải nuốt nỗi cay đắng vào lòng mà thừa nhận rằng: Không chỉ các anh đâu, tất cả chúng ta đã bị phản bội và đem ra làm kẻ thí thân cho những tên bạo chúa đang ngồi đếm tiền cùng lũ đại gia bất nhân bất nghĩa bạo tàn.
Chúc các anh mau bình phục, dành phần còn lại cuộc đời sống có ý nghĩa hơn và ngày sau không phải xấu hổ khi nghĩ về chính bản thân mình.
Ngày 14/2/2012.
Nguồn : Mai Xuân Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét