Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

28 thg 2, 2011

Tình yêu thời bão giá


Y mới có người yêu. Cô ta xinh hay xấu, lành hay ác, tuổi tác ít hay nhiều, làm nghề ngồi một chỗ hay chạy loạn ngoài đường, là mối tình thứ mấy của y… chuyện ấy chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói là y có tình duyên mới đúng vào lúc cả nước đang rơi vào vòng xoáy điên cuồng của một cơn bão mạnh cấp 11, giật trên cấp 12: bão giá.

Trời hại y, con tim đang vui trở lại, lòng dạt dào muốn yêu, thì bão giá nổ ra. Hàng hóa gì cũng tăng giá, trừ hàng hóa sức lao động của y. Lẽ thường, với một người nghèo, chi tiêu sẽ dồn vào ăn là chính. Điều này đúng cho cả một gia đình lẫn một đất nước: Nhà nghèo tốn tiền ăn phần nhiều chứ mấy nhà tốn vào tiền mua vé xem phim với xem thi hoa hậu. Đứng trên tầm vĩ mô mà nói, khi đất nước nghèo, chi tiêu của dân chúng đổ hầu hết vào ăn uống, còn chuyện làm đẹp, giải trí, giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần… phải để sau, cứ theo thứ tự ấy mà ưu tiên.

Y cũng thế. Dạo trước bão giá, sau khi bán hàng hóa sức lao động của mình, y có thể dùng tiền ấy để ăn uống, tậu thiết bị cho con laptop cưng, mua giày, cắt tóc, mua sách báo truyện đọc cho dễ ngủ mỗi đêm. Từ khi bão giá nổ ra, y chẳng còn mua được gì, suốt ngày chỉ thấy lo ăn. Đã thế lại đèo bòng thêm một cô người yêu đúng vào lúc này, quả là trong cái may có cái rủi.

Chẳng hiểu người khác yêu đương thế nào chứ với y, mối tình nào cũng làm y lõm về tài chính. Y quan niệm: làm thằng đàn ông đi ăn uống với phụ nữ dứt khoát là phải trả tiền. “Bất khả tri” thì được chứ “bất khả chi” là một điều không thể chấp nhận. (Chính cái ý nghĩ nặng nề ấy giết chết y, chứ thật ra cô người yêu kể cũng thuộc dạng biết điều, cô ta muốn chung lưng chia sẻ tiền ăn uống với tình nhân lắm. Khổ là cứ mỗi khi cô ta toan rút ví thì đều bị y lấy cái lưng to cồ cộ chặn lại, đứng chắn giữa cô ta và người bán hàng).

Mà giá cái gì cũng tăng chóng mặt, giời ơi. Xưa một ly trà Lipton có 5.000 đồng mà bây giờ lên 12.000. Xưa vé xem phim Vincom có 55.000 đồng/ người, giờ vọt lên 70.000 đồng, thêm tiền vé gửi xe bị tương lên 10.000. Mỗi lần giành trả tiền với người yêu, y cố lấy vẻ mặt hào hứng hoặc tệ nhất cũng là lạnh lùng bình thản. Nhưng trong lòng y xót, y đau, và nhất là y buồn, y nhớ. Vốn người hoài cổ, y nhớ tiếc cái thời cấp ba của y, với mối tình đầu. Đó là đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời ấy hình như cái gì cũng ngon hơn, rẻ hơn. Phở 3.000 đồng/bát. Bánh mì patê 2.000 đồng/cái, bánh mì không nhân 1.000 đồng. Với 10.000 đồng thầy u chu cấp, y và tình nhân đầu tiên có thể lang thang đi chơi khắp Hà Nội cả ngày mà vẫn no đủ. Thời ấy nay còn đâu?

Rồi miên man nhớ cái thời ấy, y lại nhớ đến mối tình đầu của y, thầm chép miệng: “Sao hồi xưa mình trong sáng thế nhỉ?...”. Cô người yêu đi bên cạnh chẳng hiểu quái gì, nhìn y âu yếm. Y cũng nhìn cô âu yếm không kém.

Các nhà kinh tế phân tích tình hình sao đó, y không nhớ, nhưng đại ý là thế này: “Thị trường nó lạ lắm nhé, nó tự điều chỉnh được hết. Khi nào lạm phát xảy ra thì dân chúng sẽ tự biết cách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu cá nhân đi, rồi cũng đâu vào đấy cả. Mà nói thật ra lạm phát đây là do dân ta ăn tiêu xa hoa quá đấy, bây giờ phải nhịn miệng đi là đúng rồi, còn cãi gì?”.

Y vốn dân kỹ thuật, chẳng hiểu gì về kinh tế - cái môn khoa học mà y không biết là nên xếp vào xã hội hay tự nhiên, văn hay toán nữa. Nhưng y nghe mang máng thế thì cũng tự hiểu: Phải biết tiết kiệm chi tiêu. Trong lúc hàng hóa sức lao động của y không lên giá, mà lại vẫn phải đảm bảo “khả chi” mỗi lần đi ăn đi uống với bồ, thì y chỉ còn cách nhịn ăn tiêu ở những chỗ khác. Giống như giáo Thứ của cụ Nam Cao khi xưa, nay y tự bảo y rằng: Y sẽ bỏ cái lệ 10.000 phở mỗi sáng đi. Y sẽ tự cắt tóc để khỏi phải ra hàng. Y sẽ ít đú với bọn thằng X thằng Z để tránh những lúc hứng ăn hàng hay uống nước (trà) chanh. Tất cả những món tiền ấy, góp lại chẳng đủ cho y và bạn gái đi chơi, uống nước cả tuần đó ư?

5/6/2008


* * *

Cập nhật lại số liệu, gần hai năm sau ngày tôi viết bài “nhảm văn” ở trên, lại cũng xoay quanh chuyện ăn uống: Trà Lipton 5000 đồng/cốc (ly) trước khủng hoảng kinh tế, vọt lên 12.000 đồng năm 2008, và giờ đã tăng tới 30.000 đồng là mức trung bình. Nếu bỏ lệ phở sáng thì nhân vật được gọi là “y” trong bài sẽ tiết kiệm không phải 10.000 đồng/ngày nữa mà là 30.000 đồng.

Dân Việt Nam ngày trước có một nét văn hóa rất đẹp là khi đi ăn nhậu, bao giờ cũng đánh nhau để trả tiền. Ba năm trở lại đây trong cơn bĩ cực lạm phát, tôi để ý thấy truyền thống đó đã dịch chuyển thành khuynh hướng “campuchia” – chúng ta cùng chia sẻ tổng thiệt hại. Đơn giản vì không ai, với thu nhập từ mức trung lưu trở xuống, còn đủ sức làm hào kiệt nữa. Thế là một nét văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mất đi. Chà…

Nguồn :http://trangridiculous.blogspot.com/


Thơ ca thời bão giá
Tác giả: Tân Hà nội


Thời bão giá
Tôi lại đạp xe đèo em đến lớp,
Tiếng chim liu lô khi Hà Nội xuân về.
Xích lô leng keng đi về khi cưới hỏi,
Chạng vạng chiều, vợ chạy bộ mua rau.
Và cảnh sát, anh không cần núp nữa,
Có còn ai tranh cướp vượt đèn đâu.
Mũ bảo hiểm bỗng nhiên vứt xó,
Cho tóc tung bay trả lại tuổi học trò.
Chó lại chạy tung tăng trên phố
Chẳng còn lo xe máy cán thành què.
Chị tôi gò lưng đạp xe điện ra ga,
Cu hàng xóm trượt patanh đi mua rượu.
Ôi cuộc sống thời bão xăng, bão điện
Phố bỗng trầm, người bỗng thấy nao nao.
Hà Nội, 24/2/2011

Đau đầu
Tác giả: Namsouth

Đau đầu vì điện.
Điên đầu vì đô.
Ngây ngô vì vàng.
Ngỡ ngàng vì đất.
Ngất vì tỷ giá.
Ngã vì lãi suất.
Uất ức vì lương.
Đường cùng vì thuế.
Ô uế vì lạm phát.
Nát vì giá xăng!!!

Bài ca “Xăng tăng giá”
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Thì ra Bác chưa ngủ …
Anh đội viên nói nhỏ:
“Xăng tăng giá Bác ơi”
Bác bảo: “Bác biết rồi,
Mười chín nghìn một lít”
Anh đội viên sụt xịt:
“Xe cháu xe tay ga”
“Xe bác Toyota
Chú khổ sao bằng Bác”
Hai bác cháu phờ phạc
Vì lạm phát dâng cao,
Và họ cùng ước ao,
Lạm phát không còn nữa.

Nguồn :http://hieuminh.org/2011/02/24/tho-ca-tho-bao-gia/#more-10761

26 thg 2, 2011

Thuốc đắng mới mong chữa được bạo bệnh


Triệu chứng
Trái với kỳ vọng của nhiều người, diễn biến kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu ổn định sau khi chúng ta bước vào năm mới 2011. Mặc dù ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh giảm giá VNĐ thêm 9.3%, lo lắng về sự mất giá của đồng nội tệ khiến giao dịch trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng cao hơn với trần qui định trên 6% và chạm mức 22400 VNĐ/USD. Giá điện được thông báo sẽ tăng 15.1% từ ngày 1/3. Giá xăng được dự báo sẽ tăng ít nhất 2000 VNĐ/lit trong những ngày tới.

Nhiều khả năng lạm phát sẽ tiệm cận mức 4% ngay trong 3 tháng đầu năm ảnh hưởng trực tiếp đến đời song người dân và khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% trong năm 2011 của Chính phủ trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Tâm lý lo lắng khiến người dân đổ xô đi mua vàng phòng lạm phát khiến giá vàng chạm mức 38.500 VNĐ/ lượng cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới. Những biện pháp của Chính phủ dường như mang tính chữa cháy, ứng phó nhiều hơn là giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Những liều thuốc quen thuộc có vẻ như chưa mang lại kết quả mong muốn.

Không chỉ người dân gặp khó khăn với tỷ giá và lạm phát, các doanh nghiệp cũng đang phải gồng mình đối mặt với những thách thức của bất ổn vĩ mô.

Thống kê của chúng tôi đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty niêm yết (được cho là hiệu quả hơn mặt bằng chung) ở mức 17.63% trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng đã lên tới gần 20%. Với mức lãi suất này, phần lớn các dự án sẽ khó mang lại hiệu quả, do vậy các dự án đầu tư phát triển mới sẽ đình trệ. Với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu hiện nay là 1.43 lần (không tính khối tài chính/ngân hàng), lãi suất phải trả cho ngân hàng sẽ nhiều hơn 1.5 lần so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Với tình trạng nhập siêu vẫn ở mức cao lên đến trên 12 tỷ USD hay xấp xỉ 12% GDP trong năm 2010 trong bối cảnh dự trữ ngoại hối thấp khiến tỷ giá tiếp tục phải chịu sức ép. Nhập siêu đã là vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế và tiếp tục ở ở mức cao trên 1 tỷ USD trong tháng 1 khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hay phải vay nợ nước ngoài tiếp tục đau đầu với bài toán tỷ giá. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng khi sự ổn định của đồng tiền nội địa không được duy trì.

Căn nguyên?
Vấn đề - hay đúng hơn là triệu chứng của vấn đề là điều mà ai cũng biết. Tính từ năm 2007 đến nay, nhiều biện pháp điều chỉnh vĩ mô dựa trên chính sách tiền tệ đã được đưa ra nhưng không giải quyết được gốc vấn đề khiến nền kinh tế ở trạng thái lúc nóng lúc lạnh mà các chuyên gia nước ngoài gọi là “Stop & Go” (dừng và đi). Theo chúng tôi chính sách thúc đẩy tăng trưởng quá thái từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 1998 đã khiến nền kinh tế tăng trưởng có lượng mà không có chất.

Thật vậy, để thúc đẩy tăng trưởng Việt nam đã nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm duy trì chi phí vốn (lãi suất) thấp đồng thời thúc đẩy chi tiêu công. Chính sách này dẫn đến ba vấn đề chính:

1. Chi tiêu và đầu tư công luôn ở mức cao khiến thâm hụt ngân sách luôn ở mức đáng kể mặc dù hiệu quả đầu tư công luôn là lĩnh vực đầu tư không hiệu quả khiến hệ số ICOR (vốn đầu tư/tăng trưởng) lên đến mức 6-7 lần, cao gấp 1.5 lần mức trung bình 3-5 lần của các nước trong khu vực. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước ở mức rất thấp 6.3% so với mức 17.63% của các doanh nghiệp niêm yết hay 28% của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp nhà nước cũng tạo ra ít việc làm/vốn đầu tư hơn nhiều so với các doanh nghiệp dân doanh. Đầu tư quá mức không mang lại hiệu quả cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu tăng cao khiến trạng thái nhập siêu thêm trầm trọng. Vụ việc Vinashin có lẽ được coi là điển hình cho sự không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.

2. Chính sách tiền tệ nới lỏng khiến cung tiền và tăng trưởng tín dụng tăng mạnh. Trong những năm vừa qua cung tiền (M2) và tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao, dữ liệu của ADB
cho thấy cung tiền M2 tăng trung bình 31.2% trong 10 năm từ năm 2000 đến 2009. Con số này là 27% cho năm 2010, năm được coi là chính sách tiền tệ thiên về thắt chặt. Theo lý thuyết về tiền tệ, tốc độ tăng cung tiền chỉ nên xấp xỉ mức tăng trưởng GDP cộng với lạm phát mục tiêu, có nghĩa là nếu GDP tăng 9% lạm phát mục tiêu 4% thì cung tiền chỉ nên ở đâu đó quanh mức 13%. Cung tiền tăng vọt giúp duy trì lãi suất thấp có thể không dẫn đến lạm phát ngay lập tức nhưng đến một lúc nào đó tất yếu phải thể hiện vào mặt bằng giá cả cao hơn. Chi phi vốn rẻ cũng khuyến khích doanh nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng nhiều hơn là phát triển theo chiều sâu. Lãi suất thấp cũng thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và một phần thúc đẩy nhập khẩu.

3. Mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng và lạm phát ở mức cao, chính phủ thường sử dụng chính sách tiền tệ (nâng lãi suất) để hạ nhiệt nền kinh tế mà không điều chỉnh chính sách tài khóa (chi tiêu công) ở mức tương xứng. Điều này tạo ra hiệu ứng “Crowding effect” tức là các doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt nhiều do lãi suất cao, trong khi khối nhà nước ít bị ảnh hưởng hơn do đầu tư và chi tiêu công không giảm. Điều này cũng khiến nợ công tiếp tục tăng cao, đầu tư kém hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Thuốc đắng mong chữa được bạo bệnh
Như vậy có thể thấy những vấn đề hiện nay của nền kinh tế là do các chính sách quá thiên về thúc đẩy tăng trưởng diễn ra trong nhiều năm khiến chất lượng tăng trưởng đã giảm sút đến mức nguy hiểm. Căn bệnh ủ lâu cần cả những biện pháp ngắn và dài hạn mới mong giải quyết được vấn đề một cách căn cơ. Theo chúng tôi trước mắt NHNN cần:

1. Tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất VNĐ cao, bằng cách hạn chế cung tiền để kiểm soát lạm phát đồng thời hạn chế tổng cầu (tiêu dùng và đầu tư) và không làm cho vấn đề nhập siêu thêm trầm trọng. Giảm cung tiền khiến VNĐ trở nên khan hiếm cũng buộc nhiều tổ chức và cá nhân giảm trạng thái nắm giữ ngoại tệ khiến tỷ giá trên thị trường tự do bớt căng thẳng. Tuy nhiên không được để lãi suất tăng cao đột biến gây shock cho hệ thống ngân hàng cũng như doanh nghiệp.

2. Có chính sách làm cho việc nắm giữ, cũng như vay vốn ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn nhằm giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Điều này, như ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa, có thể thực hiện bằng cách tăng mạnh dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ. Theo chúng tôi tỷ lệ này có thể được tăng theo một lộ trình 3-6 tháng từ mức 1% đến 3% hiện nay lên ít nhất 25%.

Bên cạnh khác Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ hơn đó là:

1. Siết chặt chi tiêu công, giãn tiến độ các công trình dự án không thật quan trọng, chống lãng phí và giảm mạnh thâm hụt ngân sách. Các chuẩn mực báo cáo ngân sách cũng cần được điều chỉnh lại theo thông lệ quốc tế để số liệu có thể thực sự so sánh được với các quốc gia khác. Phát hành nợ của chính phủ phải sao cho ít ảnh hưởng đến dòng vốn cho khối tư nhân đồng thời không ảnh hưởng đến mức nợ của quốc gia hiện đã ở mức khả cao dự kiến vượt 57% GDP trong năm 2011

2. Cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cổ phần hóa để cải thiện hiệu quả tăng sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các doanh nghiệp lớn hiện nay do nhà nước quản lý. Sự kiện Vinashin phải được sử dụng triệt để như cơ hội để thay đổi tư tưởng thiên vị các doanh nghiệp nhà nước vốn phổ biến trong các cấp các ngành.

3. Thực tế cho thấy việc bao cấp giá điện, than, xăng dầu không khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ gây lãng phí tài nguyên và làm chảy máu nguồn tài nguyên quí giá cho tương lai ra nước ngoài. Có lộ trình rõ ràng để bỏ bao cấp, đưa giá năng lượng tiệm cận với các nước nhằm thực sự vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường sẽ giúp giải quyết dần tình trạng thiếu điện và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu. Các bước đi này cần kết hợp với những biện pháp an sinh xã hội như bù giá, trợ cấp cho nhóm dân cư nghèo dễ bị tổn thương từ quá trình điều chỉnh.

Thực tế cho thấy, để nền kinh tế có thể vận hành và tăng trưởng bền vững, nhà nước cần thực sự sử dụng các qui luật của thị trường, giảm dần can thiệp và chỉ đóng vai trò giúp nền kinh tế vận hành thay vì trực tiếp tham gia. Các biện pháp can thiệp hành chính như quản lý giá, lãi suất, tỷ giá tuy có thể là cần thiết trong một vài thời điểm nhất định nhưng sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Biện pháp căn cơ hơn như đã phân tích ở trên vẫn nằm ở việc các doanh nghiệp nhà nước giảm chi tiêu công và tái cơ cấu những bất hợp lý của thị trường.

Sự minh bạch và quyết tâm chính trị
Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình có thu nhập trên 1000 USD/năm, tuy nhiên nguy cơ quay trở lại nhóm thu nhập thấp là đáng kể nếu như chúng ta không đẩy mạnh cải cách và chỉ cần VNĐ tiếp tục mất giá thêm trên 10% trong năm 2011.

Chính phủ dường như đã nhận ra vấn đề và đã có một số biện pháp đúng hướng trong thời gian gần đây như điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11%, tuyên bố rút bớt tiền ra khỏi lưu thông và giảm chi tiêu công cũng như sẽ điều chỉnh giá năng lượng như điện, than và xăng dầu. Tuy nhiên các biện pháp này dường như chưa đủ mạnh và chưa có sự minh bạch cần thiết để tạo niềm tin cho thị trường.

Vẫn còn đâu đó nhưng tuyên bố của một vài người có trách nhiệm hay những “chuyên gia kinh tế” như: “ Điều chỉnh tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát”, “ Sẽ kiểm soát … để giảm lãi suất”. Những tuyên bố này không phù hợp với thực tiễn và nền kinh tế đang phải đối mặt và không được làm rõ từ các kênh chính thức gây nhiễu thông tin cho thị trường. Sự không nhất quán giữa tuyên bố, mục tiêu với thực tiễn và hành động cũng đã gây ra sự hoang mang và làm cạn dần niềm tin của thị trường.

Thực tế, căn bệnh của chúng ta đã lâu năm mang tính cơ cấu do đó cần các biện pháp dài hơi với quyết tâm chính trị cao và cần thay đổi tư duy để có thể đạt kết quả tốt. Chúng ta cần sẵn sàng hy sinh tốc độ tăng trưởng trong một vài năm về mặt con số để lấy lại chất lượng tăng trưởng. Đời sống của người dân đã tốt lên rất nhiều so với 10 năm trước đây, cũng như trình độ và nhận thức đã rất khác trước. Chúng tôi tin rằng cả doanh nghiệp và người dân sẽ chấp nhận những khó khăn và song hành cùng Chính phủ nếu được thông tin, được chia sẻ và hiểu rõ được thách thức mà chúng ta phải vượt qua.


Nguồn :http://www.viet-studies.info/kinhte/VuTuanAnh_ThuocDang.htm

25 thg 2, 2011

THẬT ĐAU LÒNG!



Đầu tháng 6/2010 tôi có viết bài về giá xăng dầu của chúng ta đang cao hay thấp so với thế giới, với cái tựa: Khi độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên (1).
Một phép tính so sánh giữa giá xăng dầu của ta và của Mỹ lúc ấy, thì giá xăng của ta cao hơn giá xăng của Mỹ ở tiểu bang đắt giá nhất nước Mỹ là California tới 4850VNĐ tương đương với 25cents USD thời giá lúc ấy. Trong đó, giá xăng nước Mỹ tại California đã có lãi cho doanh nghiệp và nhà nước là 12cents để cho việc xây dựng và tu bổ giao thông nước Mỹ rồi. Hơn thế nữa với thu nhập bình quân đầu người nước Mỹ lại cao gấp 30 lần so với ta. Nhưng hệ thống giao thông nước Mỹ lại là số 1 thế giới, trong khi của ta là ổ gà, ổ voi, lô cốt và ngập úng khi thuỷ triều lên, nhưng lại gọi là "triều cường". Giao thông nghẽn tắc vì thiếu tầm nhìn trong quy hoạch.



Sau một thời gian gắng gượng để không thể gượng được nữa vì sáng nay xem tin chào buổi sáng trên VTV1, thì Daklak không có dầu, xăng để bán cho nông dân trồng cà phê, tiêu, ca cao vì công ty xăng dầu miền Trung, là công ty chịu trách nhiệm đến 60% nhu cầu xăng dầu của tỉnh, không cung cấp đủ xăng dầu cho nông dân. Khi vào trang web của tỉnh Daklak thì thấy thông tin rằng
49 đại lý xăng dầu trong tỉnh ghim xăng dầu chờ tăng giá! Trong khi hạn hán sắp tới, ai đã từng sống ở Daklak, sẽ thấy rằng mùa tưới tiêu sau tết với cây cà phê rất cần thiết để cho ra sản lượng. Thật đau lòng cho nông dân.

10h sáng hôm nay
bất ngờ thông báo tăng giá xăng dầu đến một tỷ lệ kịch trần trong lịch sử tăng giá xăng dầu từ trước đến nay. Với xăng A92 tăng 2.900/lít tương đương với 17.7% mỗi lít xăng. Còn với dầu Diesel tăng 3.550VNĐ/lít, tương đương với 24.1% mỗi lít. Dầu hoả thì tăng thêm 3.100VNĐ/lít, tương đương với tăng 20.5% mỗi lít. Lại thật đau lòng cho toàn dân.

Chỉ mới cách đây chưa được nửa tháng chính phủ đã
phá giá đống tiền cũng với một tỷ lệ chưa từng có trong lịch sử sau ngày cỡi trói. Sự phá giá đó đã làm cho chỉ số CPI tháng 02/2011 này tăng 2.09%. Nó góp phần làm tăng lạm phát chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011 lên đến con số 3.87%. Trong khi con số báo cáo của chính phủ trước Quốc hội cuối năm ngoái là sẽ giữ lạm phát năm 2011 này chỉ 7%. Như vậy chỉ mới 2 tháng đầu năm tốc độ lạm phát trong năm đã chiếm hơn 50% chỉ tiêu mà chính phủ mong muốn. Cũng thật đau lòng cho chính phủ và quốc hội.

Qua câu chuyện tăng giá xăng dầu và phá giá đồng tiền trong đầu năm Tân Mão có mấy vấn đề cũng đau lòng không kém, cần phải phân tích để thấy cách điều hành tiền tệ và giá cả của các think tanks rất không khoa học:
Thứ nhất, khi tăng không ai tăng giật cục một tỷ lệ quá lớn như năm nay. Tăng cao như vậy, phản ứng của thị trường sẽ là sự trả đủa thực sự rõ ràng và cuối cùng là người dân nghèo và công nhân viên chức sống bằng lương - chỉ bằng một tô phở của các "đại gia" ăn trên ngồi trốc - sẽ gánh những sự thật trần trụi đau lòng và hậu quả khó lường.
Thứ hai, khi đã tăng xăng dầu hay phá giá đồng tiền cần phải tuyệt đối bí mật. Nhưng qua lần này, trước tết hầu hết ai cũng biết sẽ có sự phá giá đồng bạc và tăng giá xăng dầu. Nên sẽ làm cho các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ và xăng dầu vụ lợi trong việc này. Lại thêm
cho tung ra 132 nghìn tỷ tiền mới trước tết cho các ngân hàng, với cái gọi là "đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân hàng", để dẫn đến những hiện tượng ghim vàng, đô la và xăng dầu chờ ngày phá giá, tăng giá để hưởng lợi, và góp phần cho lạm phát kịch trần. Cuối cùng cũng chỉ có dân nghèo và công nhân viên lãnh hậu quả đau lòng, khi cầm đồng lương lãnh ra không biết tiêu ra sao để có thể tồn tại, mà không cần sống đúng nghĩa.

Thứ ba, đối với mỗi quốc gia, chiến lược làm giá xăng dầu và giá ô tô có khác nhau hòng kích thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giải quyết vấn đề giao thông phân phối và tiết kiệm trong chi tiêu.
Ví dụ như Singapore, một đảo quốc nhỏ chỉ bằng 1/3 Sài Gòn cả về diện tích và dân số, nhưng mật độ dân số của họ gấp rưởi của Sài Gòn. Nên họ có chiến lược tiết kiệm đất đai để không có nạn kẹt xe. Họ đưa ra chiến lược giá ô tô và xăng dầu cao gấp nhiều lần so với ta. Nhưng không vì thế mà làm một bài toán so sánh với ta như một bài báo đăng trên trang
diễn đàn kinh tế.
Nếu thực sự đất nước chúng ta cần có chiến lược ấy, thì quốc hội và chính phủ phải soạn thảo ra hiến pháp và pháp luật qui định rõ ràng, chứ không nên làm việc tăng giá với một tỷ lệ kịch trần và giật cục như thế, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho dân rất đau lòng.
Thứ tư, không hiểu vì nguyên nhân gì, mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đầu năm Tân Mão mà có đến 3 cuộc tấn công của các bộ ngành nhà nước đẩy giá cả thị trường lâm vào cảnh khốn cùng. 11/02/2011 phá giá đồng tiền 9.3%. 24/02/2011 tăng giá nhiên liệu từ 17% đến 24%. và ngày 01/3/2011 tới đây
tăng giá điện lên hơn 15%. Kiểu tăng như một dòng thác cuốn trôi tất cả.
Lại thật đau lòng cho cả nhà nước lẫn dân đen.Và cuối cùng là, khi chính phủ đã ra chủ trương họp khẩn đầu năm là chống lạm phát mạnh mẽ, với ổn định thị trường, kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ linh động và thận trọng... Nhưng cái cách tăng giá xăng dầu như hôm nay là không hợp lý. Nếu muốn chống lạm phát, thì chính phủ phải có lộ trình tăng giá xăng dầu cụ thể hơn. Cụ thể, nếu ai sử dụng phương tiện giao thông cho việc chuyên chở hàng hoá thiết yếu và hành khách thì được mua giá xăng dầu cũ. Nếu các phương tiện giao thông dành cho di chuyển đi làm riêng của bản thân, đi du lịch, v.v... thì phải chịu giá tăng xăng dầu như đãtăng. Chỉ có như thế thì giá hàng hóa nhu yếu phẩm hằng ngày mới không tăng giá. Và lạm phát mới được kềm chế.Trong khi đó, tất cả các động thái sau tết nguyên đán của nhà nước là luôn như thợ đụng, mà không có lộ trình một cách khoa học cho việc đại sự quốc gia.Lẽ ra chính phủ phải đưa ra giải pháp buộc các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước phải bán USD cho ngân hàng trước khi đưa ra biện pháp có nên phá giá đồng Việt Nam vì thiếu hụt ngoại tệ hay không? Nhưng chính phủ lại quyết định ngược là phá giá đồng tiền trước, rồi sau khi phá giá vẫn không có khả năng kềm chế giá USD leo thang, thì lúc đó, hôm nay mới ra quyết định buộc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phải bán tất cả các nguồn ngoại tệ cho ngân hàng. Một cách làm không khoa học và thợ nhiều hơn thầy. Với cách làm việc này thì hậu quả sẽ do ai chịu? Thật đau lòng cho chính phủ.
Đã thế, do cách làm không khoa học, hôm nay chính phủ lại ra một quyết định trở về thời kỳ bao cấp là cấm thị trường tự do buôn bán vàng miếng. Tiến tới trên thị trường không còn sử dụng, buôn bán vàng miếng. Thật đáng buồn. Sau hơn 20 năm cỡi trói, hôm nay lại quay về chỗ cũ. Cái chỗ mà cách đây 21 năm những Quốc phụ nước Việt đã công nhận mình sai.Có phải chăng khi độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên, thì chính các tổ chức kinh tài độc quyền ấy đủ mạnh để quyết định dùm cho các chính khách vì lợi nhuận của riêng họ?Có phải chăng khi sở hữu chính trị được quy định độc quyền trong hiến pháp, thì các chính khách có quyền làm như thợ đụng, không có lộ trình khoa học, mọi sai lầm của chính khách không có ai chịu trách nhiệm, và lúc đó người dân chỉ biết than trời?
Thật đau lòng,

20 thg 2, 2011

HÔI THẢO RÙA


Đọc tin bác Cỏ ra quyết định thành lập “Ban chỉ đạo” bảo vệ rùa, ngay sau hội thảo, mà hẳn hoi là “Hội thảo quốc tế” chẩn bệnh cho cụ rùa, chả hiểu sao mình lại chỉ thấy buồn cười.

Cứ đà này không khéo Hà Nội sẽ phát động thi viết tiểu sử cụ rùa, hoặc tổ chức cuộc thi sáng tác bài hát về cụ. Mà nhỡ miệng- một ngày nào đó cụ về với tổ tiên, không khéo Chính phủ lại chả thành lập ủy ban quốc gia về sự cố cụ rùa, sẽ có vụ án được khởi tố, vài anh xộ khám bóc lịch như chơi. Gì thì cũng là rùa hồ Gươm. Một cụ rùa đã sống nổi vài trăm năm trong một vùng nước tù bẩn thỉu và hôi hám nhường đó.


Cả cái hội thảo quốc tế về cụ rùa, cuối cùng cũng không đưa ra được một thông tin khả dĩ về tình hình bệnh tật, hay ốm đau, hay già yếu của cụ rùa, cũng chưa rõ phải chữa trị thế nào.

Cuộc hội thảo quốc tế, được tường thuật trên báo như cuộc mổ trâu với vô vàn các ý kiến nhưng đều bắt đầu bằng hai chữ “có thể”:
Nhiều khả năng cụ bị ốm. Bị sát thương.
Có khả năng cụ bị bệnh. Nom có vẻ cụ già yếu.
Có vẻ như cụ bị rùa tai đỏ tấn công.
Có thể cụ bị vướng vào sắt thép, lưỡi câu.
Hay cụ bị lây bệnh ngoại lai.
Cần phải cho uống tam thất. Phải tiêm. Phải tắm thuốc. Phải lấy mẫu AND. Phải gắn chíp theo dõi. Thậm chỉ phải…mổ

Và, tránh cho cụ bị tress- như lời một vị tiến sĩ phát biểu.
Nghe chừng đấy khả năng và từng đấy biện pháp “Giáo sư rùa” Hà Đình Đức phát biểu “Tôi bị choáng”. Mình chỉ nghe cũng muốn tress. Cụ rùa mà biết, không khùng mới lạ
.
Trần đời có một. Người ta đã chẩn bệnh và đưa “phác đồ điều trị” cho cụ rùa qua ảnh. Có nghĩa, thậm chí không được nhìn bằng mắt thường. Thiếu mỗi cách buộc dây vào…cẳng cụ cho các lang băm bắt mạnh như trong phim Trung Hoa. Mà chẩn bệnh qua ảnh thì đến Hoa Đà, Biển Thước có lẽ cũng bó tay.

Hình như ai cũng ngại nói tới chuyện bắt một con rùa lên bờ để mục sở thị tình trạng của nó. Có thể vì đó là con rùa hồ Gươm. Có thể vì đó là Cụ Rùa. Hay là vì vây bằng lưới sẽ làm bàn dân thiên hạ mất đi sự tôn kính?
Hay là lo, không bắt nổi cụ rùa “có thể nặng hàng tạ” này? Mở ngoặc cái là thế nào cũng lại có hội nghị, thậm chí hội thảo quốc tế bàn chuyện bắt- mà không, phải gọi là rước cụ rùa lên bờ- thế nào.

Nhân chuyện này, mình nhớ hồi năm 2003, theo “Giáo sư rùa”, tiên sinh Xuân Ba và đại ca Nguyễn Như Phong đi Thanh Hóa viết về…rùa Thanh Hóa, mình gặp 1 thợ săn rùa thứ thiệt.
Trong những câu chuyện rông dài, ông này bảo tầm cụ rùa hồ Gươm, 2 cha con ông chỉ 2-3 tiếng là “tóm gọn”. “Tóm bằng cách gì?”- mình hỏi. “Chỉ cần một sợi thừng 15m”- ông thợ săn rùa đáp. (Hồi đó, mình viết 1 phóng sự với nhan đề “Cụ rùa, Giáo sư rùa và Thợ săn rùa”. Xếp mình chỉ đề nghị sửa 1 chữ Cụ Rùa). Cũng có thể vì cái chữ viết hoa này mà giờ chả ông nào dám quyết, vì sợ?

Mình nhớ là từ khi cái mộ cha đẻ ông bá hộ được xây, thì cái tên Tháp Rùa đã có từ hồi đó. Nhưng đến năm 1992 thì chuyện về “một loài rùa quý” mới được “giáo sư lắm chuyện” Hà Đình Đức nêu ra khi Hà Nội định nạo vét cơ giới hồ Gươm, và thêm sức nặng bởi một công văn ngày 3-3-1992 do đích thân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký tên.

Gần hai chục năm, đã có những tay thầy giáo-bỏ ngang- dở hơi- cả ngày lẫn đêm rình rập cụ rùa nổi để…chụp ảnh, để được nổi tiếng ké con rùa. Và không rõ từ khi nào, rùa hồ Gươm được gọi thành kính là Cụ Rùa- mà chỉ riêng sự viết hoa đã có thể coi là một biểu hiện của “tín ngưỡng rùa”. Và cả thủ đô rộn ràng mỗi độ cụ nổi. Và cả đất nước nháo nhác trước một bức ảnh cụ bị rùa trẻ con… gặm vai.


Nhưng cụ rùa bệnh tật ra sao? Sẽ bắt, à rước- lên bờ như thế nào? Và có mổ hay không giờ vẫn chưa ai quyết.

Sở KHCN Hà Nội, cơ quan tổ chức hội thảo quốc tế nói sẽ “báo cáo lên Thành phố”, và không biết chừng, Thành phố lại báo cáo lên Chính phủ, không biết chừng còn xin ý kiến Thủ tướng. Đến xử lý chuyện ngoài da cho một con rùa còn họp hành, hội thảo, văn bản, giấy tờ nhường đó thì chả trách những chuyện đại sự liên quan đến con người luôn được xử lý chậm như rùa.

Và chưa ai nêu câu hỏi nếu việc đánh bắt tới đây lôi lên được cụ rùa với 2-3 bà vợ- cũng nặng cả tạ, và lúc nhúc một đống con cháu- tai không đỏ-thì sự thành kính có mất đi với một cụ rùa vi phạm luật hôn nhân gia đình không nhỉ?

19 thg 2, 2011

Ba Ba - Dùa Dùa


- Dùa ơi, lên đây hỏi tí.
- Uh, đợi tí, lên ngay đây.
- Làm gì mà chậm thế? Nhanh lên đi.
- Chậm thì bố mới là Dùa, còn Nhanh thì bố đã là CÁ.
- Rồi, thế thích gọi bằng cụ hay gọi bằng thằng cho nó thân mật. Phải hỏi thế kẻo không có mấy thằng ngu độc giả ở trong này nó lại băn khoăn giới phóng tin viên xấc xược với cụ Dùa hay đứng giữa đường làm phóng sự hiện trường.
- Ôi dào, bọn ngu đấy vừa đông vừa lắm lắm, chấp làm đeó gì. Cứ mày tao đi cho nó nhã.

- Trông mày đứng gần thấy có già đeó đâu nhỉ mà chúng nó gọi bằng cụ. Gân gủng, vây vủng, mai mủng trông vẫn hùng dũng lắm. Cho xem thằng nhỏ nào, vẫn dùng được chứ?
- Ô dào, thì vưỡn. Cứ 20 năm làm một nhát, đều như vắt chanh. Mày xem này, vẫn bóng loáng chứ chưa đóng vẩy, mọc rêu đâu nhé.
- Thế mày già thật đấy à, tao thấy thằng đóe nào cũng gọi mày bằng cụ. Thấy bảo mày ngậm cả gươm của ông Lợi à?
- Đeó đâu, hôm ấy lão ấy dong thuyền đi chơi ở đây. Số tao cũng đen, tự nhiên nổi lên gần thuyền rồng của lão Lợi. Thế là lão tiện tay rút gươm ra phóng vào đầu tao, ý hẳn kiếm miếng tươi về ăn lẩu. May mình có võ, đảo mắt thấy gươm bay tới là ngoặt cổ ngoạm ngay. Tao vẫn để dưới tổ, thỉnh thoảng đem đi cắt cáp của bọn EVN mắc dưới hồ để đi lại cho dễ.
- Thế đéo nào thành chuyện ông Lợi trả kiếm cho mày?
- Ôi mày tin làm đeó gì, toàn bọn sử gia đại loại như Trung Quốc Dương hay Lê Huy Phan ấy mà, tin thế đeó nào được mà tin. Đấy, ngay cả cái tích cũng sai, lúc thì gươm, lúc thì kiếm. Còn tao khẳng định với riêng mày nhé, đó là con phóng lợn bán ở đầu Sinh Từ.

- Thế nào, bệnh tình của mày thế nào mà inh hết cả lên thế?
- Bệnh đeó gì đâu, dạo này bọn phố cổ ở quanh đây nó cứ thả lắm mấy con Dùa teen teen xuống nhìn gợi đéo chịu được nên tao chơi bời hơi quá độ. Bị dính ngay quả sùi mào gà, nên phải phơi nắng cho nó chóng khỏi để còn chơi tiếp. Thế bọn nó bảo tao bị sao?
- Ôi dời, lắm bênh lắm. Từ tim la, trĩ nội trĩ ngoại, ghẻ lở hắc lào, sâu quảng, dương mai, thối mồm, viêm phổi... đủ cả. Bọn nó còn lập cả một hội đồng Dùa nằm trong gói dự án Giải cứu Binh Nhì Du-à gồm toàn những thằng đầu hói, trán nhăn giáo sư tiến sỹ. Phen này mày hơi bị sướng nhé. Có thằng gợi ý rắc bột tam thất xuống cho mày xơi để tăng cường sinh lực, có thằng xin thầu 30 tấn vôi bột rắc xuống để khử trùng nước hồ, có thằng đeó gì ở bên điện lực nó bảo, nếu được tăng giá điện, bọn EVN nhà nó xin cung tiến quả cáp 500kilo vôn dí thẳng xuống hồ trong vòng 5 phút để diệt bọn Dùa tai đỏ.... Nói chung kinh lắm, vì chuyện của mày mà bọn dân Lừa tao quên mẹ nó 17/2, giá xăng, gas, đô vàng phi mã... Cũng lợi phết.

- Thế thằng Đức có ý kiến gì không?
- Ý mày là thằng Đức nào, thằng Đức hút bùn hay Đức giáo sư.
Thằng Đức hút bùn thì nó bảo chưa thanh toán tiền hút cho nó nên nó tạm đi hút bồn cầu đã. Bao giờ thanh toán xong tiền cho nó thì nó mới về dọn ổ cho mày tiếp. Còn anh Đức giáo sư chuyên về mày thì thê thảm, tha thiết và đau đáu. Đeó hiểu có phải họ hàng của mày không mà suốt ngày lo mày chết.
- Chuyện, tao mà chết thì còn đéo gì danh hiệu giáo sư Dùa. Đù má thằng nào bảo tao bị ghẻ lở với mấy cái bệnh nghe kinh kinh kia. Nước có bẩn nữa thì tao cũng đeó sợ. Mà sao bọn chúng mày rách việc thế nhỉ. Cả đời tao sống yên ổn đóe sao, đến bây giờ suốt ngày bị chúng mày réo.
- Uh, hồi trước có mỗi chuyện mày hóc dao của của anh Lợi, còn lại im re đến hết ĐỔi MỚI. Mẹ nó, kinh tế thị trường được mấy năm là nhan nhản Cụ Dùa, Cụ nổi ứng với điềm lọ điềm chai, Cụ Dùa, nguồn tinh trùng duy nhất còn sót lại, Cụ Dùa sống mãi... Tao cũng thấy phát nôn với mày Dùa ạ.
- Ôi dào, tao cũng được miếng nào đeó đâu. Tự nhiên tự lành nổi trúng mấy dịp, thế là có ngay nghị quyết và thời khóa biểu bắt tao nổi. Không thì điện giật đau lắm.
- Thôi thế này, có lẽ mày nên chết cụ nó đi cho lành. Lợi nó cũng chết lâu lắm rồi, giờ mày qua quả 1k là cũng thọ rồi. Mày chết, chúng tao lấp ngay quả hồ này, xây trung tâm thương mại, sau đó đắp tượng mày trên nóc. Hồ này cũng có đeó gì đâu. Thằng bá hộ Kim định táng mả nhà nó ra giữa hồ, hỏng. Chùa bị phá, hỏng. Đền toàn đạo tặc, hỏng. Mày - con Dùa lại là nguyên nhân phát sinh của một lũ 1 lũ ngu xuẩn đầu hói, hỏng. Nói chung, sứ mệnh của mày nên chấm dứt ở thời đại này.
- Mày nói cũng đúng, đa thọ đa nhục. Bằng này tuổi đầu rồi mà còn bị chúng nó lôi ra trục lợi. Nhục đóe tả. Thôi tao đi chết đây.
- Ok, tao thích thế. Bye nhá!@

Nguồn :
bài của tên Lý Trưởng trên diendanvanhoathethao.net

18 thg 2, 2011

Công hữu và Tư hữu

Tư hữu và công hữu có công bằng

Trong Đại hội XI Đảng vừa qua, có một chi tiết được bàn thảo tại hội trường khá kỹ lưỡng. Đất nước đã hội nhập với thế giới nhưng tại phòng họp của Mỹ Đình vẫn còn băn khoăn: Giữ nguyên Cương lĩnh 1991 “chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”, hoặc kế thừa Nghị quyết Đại hội X, tức dựa trên “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Người đọc báo bình thường thì không ai để ý. Ở VN mình thế. Cái gì cũng của Nhà nước, muốn lấy lúc nào cũng được hay “trả lại nhân dân” cũng tùy thời.
Có một Bộ trưởng (Võ Hồng Phúc – BKH ĐT) không bỏ qua chuyện này. Ông cho rằng “Nhận định đó của Đại hội X là kết quả tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới. Có đồng chí cho rằng dự thảo “công hữu tư liệu sản xuất” là dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng tôi xin nói, Mác dạy rằng lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Thực tiễn là gì: Liên Xô, Đông Âu theo mô hình ấy đã thất bại; Việt Nam rút ra bài học và đã thành công. Giờ sao lại bỏ đi?”.
Rồi ông Phúc phân tích: Quá trình phát triển sau Cương lĩnh 1991, Đảng đã rút ra là phải xây dựng một nền kinh tế trên cơ sở đa sở hữu. Giờ bỏ đi, tư nhân ai dám đầu tư nữa? Nhà máy điện, đường sá, hạ tầng cơ sở là những nút thắt cổ chai của nền kinh tế, ta đang thiếu, có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu không? Hay ta kêu gọi tư nhân đầu tư vào để rồi khi hoàn tất giai đoạn quá độ, vỗ béo xong là thịt?
“Có quan điểm cho rằng cái gốc của CNXH là sở hữu. Nhưng tôi cho rằng gốc đó phải là công bằng xã hội, là điều tiết thu nhập. Coi sở hữu là gốc, ta sẽ vấp lại sai lầm trước đây, đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu”.

Có lẽ quá nhiều báo chí nói rồi, nhiều người khen chê. Blog HM muốn chấm điểm 10 (thang 10) cho phát biểu này của ông Phúc. Có tầm nhìn và mạnh miệng như thế mà ông lại sắp…hưu.
Nếu Bin và Luck lớn, có công ăn việc làm, không bao giờ tôi muốn chúng vào làm cho tư nhân, mà phải làm trong Nhà nước. Không phải vì mình con ông cháu cha, mà đơn giản, làm việc trong khu vực Nhà nước, chúng sẽ được làm chủ một tài sản chỉ vì một chính sách khá lạ về sở hữu tư liệu sản xuất.
Số liệu của
TCTK năm 2009 (hiện đang online) cho biết tại sao.


Theo Tổng cục TK (TCTK), tổng số người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) của cả nước khoảng 50 triệu người. Số người lao động trong khu vực Nhà nước luôn ở con số khoảng 5 triệu và sẽ ít đi trong những năm tới vì cải cách hành chính sẽ làm teo đi những ung nhọt ăn bám xã hội, mang danh nhà nước. Đó là xu hướng không thể đảo ngược.

Như vậy, kinh tế ngoài Nhà nước có số lao động khoảng 45 triệu. Nông dân chiếm khoảng 35 triệu. Còn lại là 10 triệu người trong độ tuổi lao động phi nông nghiệp, những nhà hoạch định chính sách định đưa họ về đâu, nếu không phải là kinh tế tư nhân. Các bác có con sắp đi làm nên để ý số liệu này. Quan trọng lắm đó.
Người ta cũng dự đoán, trong số 35 triệu nông dân thì có tới 15 triệu đổ về thành phố kiếm tiền. Nếu bàn chuyện công hữu sản xuất thì hãy nghĩ đến từ 25 triệu người không có “tư hữu sản xuất” mà phải nhờ Nhà nước đang “công hữu” thượng vàng hạ cám.

Nếu tính cả nông dân với ruộng đồng thuộc “sở hữu toàn dân” thì số 45 triệu trong độ tuổi lao động thực chất là “con ở” cho 5 triệu người còn lại. Bất kỳ ai vào làm cho Nhà nước sẽ trở thành ông chủ của 9 người (45/5=9) mà không phải làm gì.

Ông Nguyễn Phú Trọng, khi phát biểu nhậm chức TBT, đã hứa “nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Để làm được điều đó thì kinh tế Nhà nước có nên làm chủ đạo như Vinashin, vài năm làm ăn, lỗ hơn 4 tỷ đô la. Nhiều “anh cả” khác là những tầu há mồm, giữ tài sản toàn dân, và toàn làm ra…lỗ.

Tại sao Trung Quốc lại trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới? Đó là một phần đóng góp rất lớn của kinh tế tư nhân, đã cất cánh cho đất nước này. Số liệu những năm 1990 cho biết, số công ty tư nhân tăng từ 100.000 năm 1991 thành 1,3 triệu trong năm 2000. Người lao động tăng từ 2 triệu thành 20 triệu. Thời kỳ đó, hàng hóa do tư nhân sản xuất tăng 70% hàng năm. Thập kỷ 1990 đã giúp cho những năm đầu của thế kỷ 21 và làm nên nước Trung Quốc ngày nay.
Nếu biết thêm Ấn Độ, Brazil, những nền kinh tế mới nổi từ một nước nghèo, thì sẽ hiểu, kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào trong việc tăng GPD.
Có lẽ chẳng cần nói hay cho tư nhân, nhất là xứ Mỹ này. Làm ở Nhà nước thì dân tư nhân nhìn bằng nửa con mắt.

Sau 1986 có đổi mới, nông dân được làm chủ ruộng đồng. Từ một nước nhập lương thực, bỗng nhiên VN xuất khẩu gạo nổi tiếng trên thế giới. Tư hữu ruộng đất đã phát huy tác dụng.
Nhiều người còn nhớ giọng ông Trọng sang sảng trên tivi ““Chúng tôi ý thức được rằng, những thành tựu và kinh nghiệm quý báu có được trong những nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt là trong những năm đổi mới sẽ là nền tảng vững chắc cho bước phát triển kế tiếp của đất nước”.
Nên theo Đại hội X cách đây 5 năm, muốn “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” là nền tảng cho phát triển.
Hay lại muốn nhất trí với Nghị quyết năm 1991 về “công hữu tư liệu sản xuất” ra đời cách đây 20 năm để chẳng học được gì ngoài những thất bại của thời kỳ quan liêu bao cấp, trì trệ , chỉ vì khái niệm “làm chủ tập thể và sở hữu toàn dân”.

HM. 25-01-2011
Nguồn :
http://hieuminh.org/2011/02/15/tu-huu-va-cong-hu/#more-10305

17 thg 2, 2011

Tăng giá cao nhất để kiềm chế lạm phát ? Sáng kiến sáng láng của chính phủ Việt Nam


Hôm trước báo Hà Nội Mới đưa tin thế này
http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Kinh-te/446614/chinh-phu-dong-y-tang-gia-dien-tu-thang-32011.htm

Ngày 11-2, Thủ tướng có công điện khẩn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường. Trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nghèo, khó khăn. Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3 tới.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang tiến hành thẩm định các phương án giá điện từ các đơn vị gửi sang. Các mức giá được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân.

Vào tháng 3-2010, giá bán lẻ điện đã có một đợt điều chỉnh. Theo đó, giá bán điện sinh hoạt tăng bình quân 6,8% so với năm 2009 và lên mức 1.037 đồng mỗi kWh. Mức tăng này được xây dựng trên cơ sở giá than năm 2010. Trong đó, than cám loại 5 tăng 28%, từ 405.500 đồng lên 520.000 đồng một tấn và than cám loại 4B từ 442.000 đồng lên 648.000 đồng một tấn, tăng 47%.

Tại thời điểm xây dựng phương án giá điện, mức tăng cao nhất được liên bộ Tàichính - Công thương và Tập đoàn Điện lực VN đề cập là 10,7%. Sau đó, Chính phủ quyết định lấy mức hợp lý và ít ảnh hưởng hơn là tăng trung bình 6,8%, áp dụng từ ngày 1-3.


Hôm sau thế này
http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Kinh-te/448014/hai-phuong-an-tang-gia-dien.htm

Hai phương án tăng giá điện
14/02/2011 19:16
Hôm nay (14-2), hai phương án tăng giá điện được trình Chính phủ xem xét. Một phương án từ Bộ Công thương với đề xuất tăng giá điện lên khoảng 18% và một phương án của Bộ Tài chính đề xuất tăng 11%.

Trong số hai phương án này thì phương án giá điện tăng lên 18% có thể được đánh giá là sẽ được Chính phủ thông qua. Như vậy, giá điện sẽ tăng lên khoảng hơn 160 đồng/KWh. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì có thể áp dụng ngay từ tháng 3.

Theo Bộ Công thương, mức tăng giá điện lên 18% mà Bộ này đề xuất của năm nay đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân.

Chính phủ cũng đã yêu cầu việc tăng giá điện sẽ phải đi kèm với các chính sách hỗ trợ người nghèo, kiềm chế lạm phát... Nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thì dù giá điện tăng 11% hay 18% cũng sẽ góp phần nâng giá mạnh các mặt hàng tới đây. Bởi tăng giá điện sẽ kéo theo giá nước, sắt thép, xi măng, dệt may... tăng lên bởi chi phí dùng điện của các ngành này rất lớn.

Theo VTV
---------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu cuộc vờn dư luận, đầu tiên là những con số 10,7% hay 6,8% dạm trước, rồi lại hai phương án tăng giá 18% và 11% đưa ra cho người tiêu dùng phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng.

Nực cười là có vẻ nhất trí tăng với giá cao nhất là 18% với lý do là đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân.

Tăng giá mức cao nhất mà lại nói là để kiểm chế lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân. ?

Điện là nguồn năng lượng quan trọng nhất trong đời sống, sản xuất trong xã hội cùng với xăng dầu điều đơn giản ai cũng biết. Tăng một vài phần trăm cũng khiến đời sống đảo lộn, kinh tế bị tác động mạnh , mà là tác động xấu điều ai cũng thấy trước. Thế nhưng những nhà chính sách lại quả quyết tăng giá cao nhất là vì mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa lên đời sống người dân.

Nói có vẻ vô lý quá chừng, có khi đây là cái bẫy để dân tình phát khùng lên với mức giá 18%, để rồi tăng từ 6,8% lên đến 11%. Sau đó dân tình chấp nhận vui vẻ với giá 11% và cám ơn chính phủ đã sáng suốt, đã chịu chia sẻ thông cảm với nhân dân. Uy tín của chính phủ lại cao vòn vọt, niềm tin yêu của dân đối với chính phủ, Đảng càng thêm sâu sắc.

Nghĩ chuyện ngày xưa, cũng con người ấy, xã hội ấy mà phải chịu cảnh xếp hàng ăn cơm độn sắn, đi bộ hàng cây số đến trường, đến nhà máy. Thế rồi đổi mới vẫn con người đó, chế độ đó người dân được ăn cơm trắng, có xe gắn máy phi vèo vèo. Công đó do Đảng và chính phủ hết chứ còn công ai.

Nay giá điện đáng ra 18% nhưng chính phủ kiềm chế nhà sản xuất chỉ cho tăng có 11% vẫn rõ là ơn của chính phủ còn gì.

Khổng Minh bắt Mạch Hoạnh, bắt rồi thả, thả rồi bắt. Bắt và thả đến lúc Mạnh Hoạch phải mang ơn. Chính phủ ta còn tài hơn thế, điện lực là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước , chính phủ muốn bảo họ tăng đến 50 % để tiết kiệm năng lượng cũng được đừng nói là 18%. Tăng 50% rồi bảo thương dân, xét cho dân nghèo tăng 20% hay 2 % , thằng dân nào dám cãi.? Tăng bao nhiêu biết thế mà trả bấy nhiêu, bớt cho đồng nào là tốt đồng ấy.

Lúc đánh nhau thì bảo quân xâm lược dày xéo đất nước ta, lúc không thích đánh nhau thì bảo giữ hòa bình ổn định, ngoại bang xâm chiếm là do lịch sử để lại cần đám phán khéo léo trên tinh thần hòa bình, hữu nghị.

Tăng 18% hay 11% là quyền của chính phủ mà thôi. Dân đâu có quyền gì để bàn mà báo chí đưa đi đưa lại cho nhức đầu. Ti vi chiếu phim, kịch cả ngày, diễn trên báo nữa làm gì.


Nguồn :http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/236/236

16 thg 2, 2011

PHÁ GIÁ ĐỒNG TIỀN: ĐƯỢC VÀ MẤT


Đến hẹn lại lên xuân thu nhị kỳ đồng Việt nam buộc phải phá giá.
Cũng tháng 02/1010 nhà nước Việt Nam đã quyết định phá giá đồng tiền 3.4%.
Rồi đến tháng 8/2010 lại phá giá thêm lần nữa trước khi làm lễ hội ngàn năm Rồng bay với tỷ lệ 2.09%.
Đến chu kỳ tháng 02 năm nay, mà cụ thể là hôm nay 11/02/2011, nhằm ngày Đinh Dậu, tháng Dần, năm Mão, mồng 9 tháng giêng năm Tân Mão lại phá giá với tỷ lệ 7.18% (nếu tính giá đô la từ 19.500 tăng lên 20.900).
Còn nếu tính theo cách tính khác thì: Một là đô tăng tức là tỷ lệ (20693-18932)/19832%=9.3%. Hai là đồng giảm: mỗi đồng trước ăn

1/18932=0.0053 cent đô nay còn 1/20693=0.00483 cent đô, vị chi đồng giảm (0.00483-0.00528)/0.00528% = -8.5%
Ý nghĩa của 2 con số trên là: Đồng bạc Việt Nam phá giá 8.5%, hoặc nhà xuất khẩu Việt Nam được lợi 9.3% hoặc nhà nhập khẩu và người tiêu dùng bị thiệt 9.3%
Người ta bảo ngày hôm nay là ngày tốt để khai trương làm ăn, nên chọn nó làm ngày phá giá đồng bạc cũng là tốt vậy.

Năm 2009 chỉ số CPI là 6.9% với tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 38% đã "giúp" năm 2010 có chỉ số CPI lên 2 con số: 11.75%.
Trong 5 năm gần đây thì chỉ số CPI năm 2010 đứng hàng thứ 2, sau năm 2008 là năm lạm phát cao với chỉ số CPI là 22.76%.
Nhìn lại thì tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng của năm 2007 là 54% với chỉ số CPI là 8.45%. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng của năm trước càng cao thì tỷ lệ lạm phát của năm sau tỷ lệ thuận tăng theo. Nhìn lại năm 2010 khoảng 27.65% và chỉ số CPI là 11.75%, thì nó cở bằng
mức tăng trưởng tín dụng năm 2003.

Hầu như năm nào mà trước đó có mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng cao là năm sau để lại hậu quả "đau thương" với mức lạm phát 2 con số. Lạm phát vì nhiều nguyên nhân: lượng tiền trong thị trường quá nhiều, đầu tư công nhiều mà không hiệu quả, phá giá đồng bạc,... Nhưng hãy bỏ qua
những nguyên nhân gây ra lạm phát và các yếu tố này nên chỉ làm một tổng kết về được và mất khi có chuyện phá giá đồng tiền xem sao?

Được: Có nhiều cái được, nhưng có 4 cái được quan trọng cho nền kinh tế mà cần phải thấy để hiểu vì sao phải phá giá đồng bạc:
Người ta bảo rằng cái được đầu tiên là dành cho các nhà xuất khẩu hàng hóa Việt có sức cạnh tranh, mà các nước tư bổn giãy chết nó bảo là một cách bảo trợ xuất khẩu, nên chúng nó kiếm chuyện để cấm này cấm nọ.
Cái được thứ hai quan trọng cho kinh tế vĩ mô là giúp cho các nhà đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI: Foreign Direct Investment) tăng cường đầu tư vào Việt Nam để giúp tăng trưởng và phát triển công nghệ "lắp ráp".
Một cái được thứ ba là làm cho nhập khẩu giảm đi, xã hội bớt chi tiêu mà phải tiết kiệm để "hùng cường".
Nhưng có một cái được mà ít ai thấy là sẽ có một số nhà làm kinh tế "thân thuộc" ngủ một đêm đến sáng tự nhiên lãi suất bằng tỷ lệ phá giá đồng bạc. Nó cực kỳ quan trọng hòng giúp đất nước xuất hiện những tỷ phú mới để giúp dân có công ăn việc làm. Vì theo như đường lối của đảng bảo thủ phe cộng hòa ở Mỹ thì chỉ có tạo điều kiện để có nhiều người giàu thì mới đẻ công ăn việc làm cho nhân dân. Còn nếu, cả xã hội chỉ có cá mè nghèo nghèo hoặc bậc trung thì làm gì có tiền để đầu tư tạo ra công ăn việc làm cho xã hội? Thế mới là "nhân đạo kiểu Mỹ", và bài học ấy đã được áp dụng một cách nhuần nhuyễn ở nước ta từ nhiều năm qua. Nó giúp người giàu giàu hơn.

Mất: Điểm lạ chuyện mất thì có 5 cái mất quan trọng không thể bỏ qua.
Cái mất đầu tiên là dân chúng làm công ăn lương và dân nghèo tự nhiên đồng lương hoặc thu nhập của mình ngủ một đêm đến sáng bị vơi đi bằng tỷ lệ phá giá đồng bạc. Người nghèo thì nghèo hơn.
Cái mất thứ hai là các doanh nghiệp nhập khẩu và thực hiện dự án với đơn hàng của giá đồng Obama hôm trước, thì hôm sau lỗ bằng tỷ lệ phá giá đồng tiền. Cứ mỗi lần phá giá các doanh nghiệp có đơn hàng nhập khẩu cuối năm trước phải giao hàng năm sau luôn thiếu oxy để thở, nếu hợp đồng bị chốt giá tiền Việt.
Cái mất thứ ba là từ cái được thứ ba mà ra. Tức là xã hội ít tiêu xài thì sản xuất sẽ co cụm để bảo toàn tính mạng các doanh nghiệp. Nên thiểu triển là chuyện ắt sẽ đến.
Cái mất thứ tư là lạm phát ắt sẽ xảy ra vì một số mặt hàng sẽ tăng giá vì đồng tiền mất giá mà hàng hoá nhập về bị đội giá cao hơn.
Cái mất quan trọng và cuối cùng là mất lòng dân vì phân hóa giàu nghèo. Mất vật chất thì có thể cho qua, còn mất tinh thần thì không vật chất nào đánh đổi được. Mà đặc biệt, dù có là xã hội số 1 của thế giới như nước Mỹ thì số được lợi chỉ chiếm có 2%, tức số người giàu. 98% còn lại là trung và nghèo, thì mất lòng dân là quan trọng hơn cả.

Suốt 5 năm qua người Mỹ phá giá đồng đô la của họ để gây áp lực với Trung Quốc, nhưng giá cả nước Mỹ không lạm phát để ảnh hưởng đến dân. Còn ở ta thì khác.
Sáng nay ăn sáng bình thường thì giá tô phở đã tăng hơn 10%. Phải công nhận dân mình nhạy thiệt, dù là bán bún bò Huế, nhưng 1 tô hôm qua giá 22.000VNĐ, sáng nay khi chưa có thông tin ngân hàng phá giá đồng bạc thì họ đã tăng giá tô bún bò Huế lên 25.000VNĐ rồi. Thị trường là thế, thị trường rất nhanh nhạy và cách trả đủa thị trường cũng rất sòng phẳng.

Bà con nào đã mua ếch xanh sớm hôm nay trở về trước thì canh khoảng trưa hoặc chiều mai bán chốt lãi. Vì để phá giá kịch trần kiểu này (7.18%) thì chắc chắn các "đại gia thân thuộc" đã dự trữ ếch xanh đủ để chốt lãi và kềm giá đó nhen.

Nguồn :http://bshohai.blogspot.com/2011/02/pha-gia-ong-tien-uoc-va-mat.html

Báo chí thời buông rèm


Sáng nay, giở Tuổi trẻ ra đọc, mình mới biết đã mắng oan một bạn cùng phòng.
Bảo đi làm tin phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ QH, người này cứ nhem nhẻm cãi: Cấm báo anh ơi.
Mình bảo: Cấm là cấm thế đéo nào, chuẩn bị cho bầu cử thì có gì mà cấm.
Lại bảo: Ai? ở đâu quy định thường vụ QH họp là bí mật mà bảo cấm.

Hóa ra, Tuổi trẻ cũng đăng lại tin của TTX thật.
Giở lại thông cáo báo chí Chương trình phiên họp, từ 14 đến 19-2 thì thấy các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự về những vấn đề sau:
1- Ngày khai mạc phiên họp. Mà ngày khai mạc không cho tham dự có nghĩa là về nguyên tắc sẽ không biết được nội dung của kỳ họp.
2- Chiều ngày 14, buổi cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chánh án.
3- Chiều ngày 15, buổi cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.
4- Sáng ngày 16, buổi cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
5- Chiều ngày 17, buổi cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
6- Chiều ngày 18, từ 15 giờ 30 phút, đây là quãng Thường vụ nghe Chính phủ báo cáo về việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam sử dụng ngân sách nhà nước năm 2011.
7- Chiều ngày 19, buổi cho ý kiến một số vấn đề về công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIII.6 ngày họp,

Bẩy buổi cấm lai vãng.Những nội dung thì tham dự như bình thường.Thảo nào bạn cùng phòng bảo: Kỳ này xin nghỉ, vì chả có gì. Mình bảo: Ừ nghỉ, nhưng không phải là vì không có gì đâu đấy nhé.
Bây giờ, làm báo nhiều khi cũng sướng. Cái gì tế nhị cứ TTXVN mà phang, tội đâu “thằng TTX” nó chịu. Nhưng đến cỡ Tuổi trẻ cũng lấy lại TTX thì mình nghĩ các báo khác cần quái gì đăng lại, tốn tiền bạn đọc, có lẽ lần sau chỉ cần đưa rằng “Tin họp thường vụ QH mời bạn đọc tìm đọc trên TTX”, tất nhiên có cả trên Vê tê vê, trên báo Nhân Dân nữa (Cái này được gọi là bộ tam tam thì phải).

Mình có cậu bạn, tên Huy Boom, từ độ chuyển sang TTX đâm ra lại khó gặp. Thật tình cờ và thật bất ngờ, 8h sáng nay mình gọi điện xin gặp, cậu chàng cáu nhặng lên, chắc gắt ngủ. Khỉ thật, không biết làm ở TTX rồi thì bao lâu nữa hình dáng của nó chuyển từ thuôn thuôn hình cái bơm xe ra thành tròn tròn như cái bát tô.

Mình nghĩ làm TTX sướng thật. Đương nhiên được mời đi họp, đương nhiên được đưa tin, đương nhiên định hướng cho các cơ quan chuyên tưởng mình có cái quyền thứ tư to tướng là định hướng dư luận.
Nghe nói hChuyện này làm mình nhớ lại anh Minh Tuấn, giờ đã bỏ báo, làm giáo sư ngôn ngữ ở Tokio. Hồi xưa, có lần mình nhớ anh Minh Tuấn mắng như hát hay giữa chiếu chèo ĐĐK rằng: Chi bộ họp quái gì mà cứ lén la lén lút, cứ phải buông rèm. họp chi bộ ở đâu cũng phang nhau kinh lắm- cái đó gọi là phê và tự phê thì phải- nhưng đến lúc rèm kéo lên, ai nấy thảy đều tươi tỉnh.
Hỏi: Có gì không? Đáp: Không.Nhưng cái gì cũng buông rèm thì biết lấy gì mà viết. Dù là viết kiểu bị buồng rèm!
Đấy, chiều nay Thường trực Chính phủ họp với các Tổng 90-91, các “đầu tàu của nền kinh tế” đấy.
Mình gọi cho một cậu bạn bên VPCP, bảo: Có cách nào cho anh vào nghe với.
. Đành bảo: Hay chiều cho anh cái bóc băng, chứ không lNó bảo: Ông ở trên mây à. Bàn toàn chuyện lớn cả đấy. Ối chao, hóa ra Chính phủ họp triển khai nhiệm vụ với các “đầu tàu” cũng lại là chuyện buông rèm, cũng lại là những thông tin chỉ có bộ tam tam được vào ngồi nghe và định hướng lại cho các cơ quan định hướng dư luận chứ không lẽ lại mời bạn đọc mai tìm báo Nhân Dân?!

Nguồn : http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5123

15 thg 2, 2011

Thần tượng nào sẽ tiếp tục bị lật đổ?


Báo Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 13/02/2010 trong mục Quan sát – Bình luận có bài viết đáng chú ý về sự kiện nhân dân Ai Cập đứng lên lật đổ một cách ngoạn mục chính quyền của nhà độc tài Hosni Mubarak. Bài viết ấy có tên “Thần tượng bị lật đổ”

Sở dĩ “đáng chú ý” vì báo chí Việt Nam vốn luôn ngoan ngoãn đi theo lề phải và thường đăng những bài được một hệ thống kiểm duyệt tinh vi của Đảng cho phép đăng.
Nay với bài viết bình luận về một sự kiện lớn của thế giới, theo lẽ thường sẽ chỉ lọc ra những thông tin có lợi cho kế hoạch tuyên truyền. Thế nhưng, điểm một số nét trong bài viết ngắn này, ta thấy dường như bài báo đã khôn khéo chuyển tải những bình luận ẩn dưới câu chữ và khiến những bạn đọc tinh ý nhận ra. Bỏ qua những đoạn dài viết về sự nghiệp thăng quan tiến chức, rồi dẫn đến vị trí tối cao, cũng như vị thế quốc tế của nhà độc tài Mubarak. Những đoạn cuối của bài bình luận không khỏi khiến ta liên tưởng đến những nét tương đồng trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Xin trích:
Ba cuộc “trưng cầu ý dân” với chỉ mỗi ông Mubarak làm ứng viên đã được tổ chức vào các năm 1987, 1993 và 1999 để khẳng định lòng dân “tín nhiệm” ông làm nguyên thủ quốc gia. Đến năm 2005, khi buộc phải chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử theo thể thức “hơn một ứng viên” để bầu tổng thống, ông Mubarak lại trúng cử để tiếp tục ngồi lại sau 24 năm cầm quyền. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước không tin vào tính công bằng và chân chính của cuộc tổng tuyển cử này.”

Trước hết, khi viết về việc Mubarak trưng cầu ý dân, tác giả đã để hàng chữ này trong ngoặc kép, và để giải thích cho rõ nghĩa, tác giả thuật lại những thủ đoạn mà Mubarak sử dụng để tiếp tục duy trì sự lãnh đạo độc tài của ông.
Như vậy, rõ ràng các cuộc trưng cầu ý dân mà Mubarak tổ chức chỉ là trò xiếc về ngôn từ lẫn hành động. So với đủ loại cuộc “bầu cử” mà chính quyền Việt Nam đã tổ chức bao nhiêu năm nay, có vẻ thủ đoạn “trưng cầu ý dân” của Mubarak kém cỏi hơn nhiều.
Ta cũng thấy chữ “tín nhiệm” mà tác giả đặt trong ngoặc kép ở đoạn trên cũng chẳng khác gì tại Việt Nam, các quan lớn về tuyên huấn hay dùng câu chữ trên để mà trả lời thay 87 triệu dân Việt khi có ai thắc mắc về sự lãnh đạo của ĐCSVN. Tiếp tục đoạn sau, tác giả lại cho thêm một nhóm cụm từ vào trong ngoặc kép:

Ông Mubarak có vẻ quá tự tin vào “sự ổn định chính trị” mà chính thể của ông đã tạo dựng suốt 30 năm qua. Ông cũng quá mơ hồ về lòng dân, khi cứ nghĩ mình vẫn còn là thần tượng trong trái tim khối óc của họ. Ông cho là chỉ có những “thế lực thù địch” và “ngoại bang” chống lại ông”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cả đoạn vừa trích, với những cụm từ với hàm ý mỉa mai Mubarak hoàn toàn tương đồng với tình hình Việt Nam. Ta có thể thay chữ “Ông Mubarak” bằng chữ “CUM TỪ KHÁC” là có ngay những ví dụ quen thuộc.
Từ “sự ổn định chính trị”, cho đến “thế lực thù địch” và “ngoại bang” là những cụm từ mà hệ thống tuyên truyền Việt Nam luôn tuôn ra rả trên khắp các phương tiện truyền thông. Và ở đoạn cuối, tác giả đã kết luận nguyên nhân sụp đổ của thần tượng Mubarak tại Ai Cập như sau:

Dường như ông Mubarak không biết rằng lớp người trẻ đã chiếm đến 30% trong dân số hơn 80 triệu người của nước Ai Cập hôm nay. Với lớp trẻ đông đảo, có học và năng động này, ấn tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế – xã hội mà họ chịu tác động dai dẳng hằng ngày, khiến họ chiếm tới 90% số người thất nghiệp, mạnh hơn những kiến thức mà họ được học từ sách lịch sử…

Anh hùng của nhân dân ngày nào bị chính nhân dân lật đổ hôm nay như thế đấy!

Cũng từ lăng kính Việt Nam ta kinh ngạc khi thấy thêm những tương đồng trong xã hội Ai Cập với xã hội Việt Nam, cũng số dân, cũng tỷ lệ người trẻ, cũng tỷ lệ thất nghiệp tương đương…
Thực tế Ai Cập đã mạnh hơn những gì nhân dân họ được học từ sách lịch sử là kết luận sẽ được áp dụng ngay cho Việt Nam, như tác giả hàm ý? Tôi tin là như vậy khi đọc xong bài viết này và được đọc trên trang Facebook của nhà báo (bị rút thẻ) Huy Đức tiết lộ tác giả Nguyễn Ngọc Hùng của bài báo trên là một chuyên gia về Trung Đông, một cựu đại tá an ninh.


Nguồn :http://danlambao1.wordpress.com/2011/02/14/th%e1%ba%a7n-t%c6%b0%e1%bb%a3ng-nao-s%e1%ba%bd-ti%e1%ba%bfp-t%e1%bb%a5c-b%e1%bb%8b-l%e1%ba%adt-d%e1%bb%95//

14 thg 2, 2011

GIẤC MƠ AI CẬP.


Vậy là Hosni Mubarak đã buộc lòng phải ra đi, từ bỏ vị trí quyền lực trong 30 năm lãnh đạo sau cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày của người dân Ai Câp.
Phải thừa nhận rằng, cuộc biểu tình đòi tự do - dân chủ trên khó mà có thể kéo dài trong hơn 2 tuần, nếu như quân đội Ai Cập tham gia ngăn chặn ngay từ đầu.

Sự im lặng của quân đội Ai Cập trước lệnh đàn áp cuộc biểu tình không phải là thái độ đồng hành với nhân dân, đó thực sự là sự nằm im đánh giá tình hình của giới tướng lĩnh quân sự. Và thông tin cá nhân về khoản tài sản hơn 70 tỷ đô la của ông Mubarak là giọt nước cuối cùng làm tràn ly dẫn đến cuộc đảo chính.

Omar Suleiman - phó Tổng thống Ai Cập - đã thông báo quân đội sẽ tạm thời nắm giữ quyền hành trong khi tuyên bố việc từ chức của ông Hosni Mubara

Liệu cuộc cách mạng ở Ai Cập có đi đến tiến trình dân chủ thực sự như lòng dân mong muốn không, nếu những người lãnh đạo quân đội đang tạm thời lãnh đạo đất nước lại rơi vào vòng xoáy của quyền lực???

Bất kỳ một thể chế nào dù dân chủ hay độc tài cũng luôn muốn bảo vệ quyền lợi của mình. Và việc dùng quân đội để chống lại nguyện vọng của nhân dân là hạ sách.

Trên Facebook của mình blogger Osin (nhà báo Huy Đức) có viết:
"Quân đội là lực lượng được nuôi để đánh thứ giặc thực sự của nhân dân: ngoại xâm. Quân đội chỉ được dùng để bảo vệ nhân dân và giữ từng tấc đất của cha ông. Dùng quân đội để chống lại nhân dân thì khi có ngoại xâm nhân dân có thể sẽ không còn cho con đi đánh giặc."
Cuộc cách mạng ở Ai Cập liệu có đi đến hồi kết như mong đợi hay không?

Đó còn là một chặng đường dài phía trước, nhưng một sự thật không thể phủ nhận được rằng : nền móng vững chắc để xây dựng dân chủ thực sự là : ý thức và trách nhiệm của người dân đối với đất nước mình - sự thượng tôn của luật pháp và hiến pháp - sự tự do ngôn luận - tự do báo chí

Nguồn : http://menam0.multiply.com/journal/item/439

13 thg 2, 2011

Khỏa thân nghệ thuật




















Nguồn : ST

Chuyện cụ rùa Hồ Gươm


Sức khỏe cụ rùa Hồ Gươm có vẻ đến hồi lâm nguy. Các nhà rùa học quýnh lên như nước Việt ni sắp vĩnh viễn mất đi một loài… quốc thú!



Thậm chí chính quyền thành phố Hà Nội còn đang gấp rút chuẩn bị một hội thảo khoa học tầm quốc tế để bàn cách… chữa mấy vết thương cho cụ rùa. Tôi không am hiểu về rùa học, nhưng cứ trộm nghĩ: rùa nó bị thương thì lôi quách lên bờ rửa cồn, xoa dầu, bôi thuốc đỏ, bó thuốc cho nó- thế là xong. Có gì phải ngoắng lên ỏm tỏi thế nhỉ?

Không biết xửa xưa có bao nhiêu cụ rùa. Nhưng đến nay có vẻ như trong lòng Hồ Gươm còn độc cụ này.
Tính tuổi thì có lẽ nó cũng chả phải là cụ rùa trong truyền thuyết trao- trả kiếm thần cho Lê Lợi. Vậy nhưng nó vẫn được dựng thêu thành rùa thiêng. Thậm chí chữ cụ rùa người ta còn dám viết hoa (Cụ Rùa) như viết hoa chữ “Người” khi nói về Hồ Chí Minh vậy.

Hồ bẩn, ngột ngạt, rùa phải ngóc đầu nhoi lên mặt nước để thở thì bị gán cho tích này điềm nọ, đến mức báo chí còn thổi rằng đó là cụ rùa thiêng ngoi lên để… chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Mô Phật! May mà rùa không biết nói!

Một con rùa già, đến tuổi rồi cũng phải chết. Sao cứ nhắng lên như sắp… mất nước đến nơi thế nhỉ?
May mà Bộ Văn hóa- Thể Thao- Du lịch mới đề xuất chọn quốc hoa. Nay mai lỡ tiếp tục đề xuất chọn quốc thú, tôi e người ta lại chọn cụ rùa thì hài hước thay cho cái nước Việt này. Tôi sợ nay mai rùa chết, các nhà rùa học và “Hà Nội học” lại đòi phải tổ chức… quốc tang cho cụ rùa này cũng nên. Nực cười đến mức quá lo cho cụ rùa dưới nước mà quên đi bao nhiêu điều khác đáng lo hơn cho các “cụ rùa” trên bờ, cho cái không gian văn hóa đang hiện hữu trên bờ kia.

Nhớ chuyện trước Tết người ta bày trò đúc tim cho ngựa Gióng mà phì cười mãi. Thế mà đến cả Chủ tịch nước cũng thân chinh về dự, cúi lạy và ngợi ca “trái tim đồng” nhét trong ruột ngựa.

Xin đừng dựng tượng đúc tim cho ngựa Gióng, đừng khoác áo thiêng cho một con rùa già trần tục lặn ngụp giữa hồ nước thủ đô. Đừng phỉ báng tới mức mãi tin rằng tổ tông người Việt sinh ra từ bọc trứng…

Truyền thuyết là tư duy lý giải hoang đường của thời sơ khai mông muội. Dựa níu mãi vào những truyền thuyết thời mông muội đó phải chăng chính là sự khủng hoảng niềm tin, hay là sự lúng túng, bế tắc trong tư duy của người Việt?


Nguồn :http://truongduynhat.org/?p=1515

XE TĂNG KHÔNG PHẢI ĐỂ NGHIỀN NÁT NHÂN DÂN


Tôi tin rằng rồi lịch sử của đất nước Kim Tự Tháp sẽ mãi mãi khắc ghi hình ảnh những đoàn xe bọc thép biết dừng bánh, chứ không nghiền nát nhân dân của họ.

BBC đưa tin: Phó Tổng thống Ai Cập, Omar Suleiman vừa phát biểu trên truyền hình rằng "Tổng thống Hosni Mubarak từ chức".
Tin ra lúc 16 giờ chiều giờ châu Âu khiến đám đông tại Quảng trường Tahrir ở Cairo reo hò mừng rỡ. Như thế, sau gần ba tuần dân chúng biểu tình, nhà lãnh đạo 82 tuổi phải ra đi sau ba thập niên cầm quyền liên tục.


Cuộc cách mạng lật đổ Mubarak ở Ai Cập là cuộc nổi dậy không cần lãnh tụ, một cuộc nổi dậy bột phát đúng nghĩa từ dân chúng. Song tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh những quân nhân tay bồng súng ngồi trên những đoàn xe bọc thép lại ân cần tươi cười với những người nổi dậy.
Nếu đó là đoàn quân Giải phóng Trung Hoa thì chắc chắn Cairo đã đẫm máu. Nhưng những đoàn xe bọc thép của quân đội Ai Cập đã không như những đoàn xe bọc thép của quân Giải phóng Trung Hoa. Tôi tin rằng rồi lịch sử của đất nước Kim Tự Tháp sẽ mãi mãi khắc ghi hình ảnh những đoàn xe bọc thép biết dừng bánh, chứ không nghiền nát nhân dân của họ.


Xin giới thiệu một bài viết của nhà báo Huy Đức trên trang facebook của anh:


Người Bạn Ai Cập
Có lẽ vì internet bị cắt, tôi không liên lạc được với Olfa, một nữ biên tập viên của Đài truyền hình Ai Cập. Chúng tôi có một năm học tập và trao đổi kinh nghiệm ở Đại học Maryland.
Olfa là con dâu của một cố bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập. Chị nhiều lần ngỏ lời mời tôi đến nghỉ ngơi tại biệt thự riêng bên bờ biển chỉ dành cho những kỳ nghỉ mát của gia đình. Dưới chế độ của tổng thống Hosni Mubarak, quân đội có rất nhiều quyền lợi và quyền hành.
Mấy ngày qua, khi theo dõi tình hình Cairo, vẫn biết là Mubarak khó lòng chống lại được ý chí của nhân dân, nhưng vẫn cảm thấy mừng khi quân đội Ai Cập tuyên bố không dùng súng đạn.
Olfa có đôi mắt vô cùng đẹp. Tôi vẫn nói đùa: “Nhìn mắt của Olfa tôi hiểu vì sao đàn ông Trung Đông lại rất hay chiến tranh”. Khác với chúng tôi, 2-3 fellows share với nhau một apartment, Olfa ở một căn hộ riêng để thỉnh thoảng chồng chị bay tới thăm. Chồng Olfa là dân hồi giáo, anh ấy có quyền được lấy 4 vợ nhưng khi tôi hỏi thì Olfa cười: “Một vợ đã là mệt lắm”. Chị nói: “Cũng có nhiều người đàn ông Hồi giáo học cao, biết rộng vẫn lấy nhiều vợ. Nhưng, những người thực sự văn minh thì lựa chọn cuộc sống một vợ một chồng”.

Học kỳ nào tôi cũng lấy mấy lớp về văn hóa, chính trị Trung Đông. Những năm sau sự kiện “11-9”, các trường đại học ở Mỹ nghiên cứu nhiều hơn về Hồi giáo. Ở lớp, tôi vẫn thường tranh luận về “các nền văn minh”. Tôi cho rằng không có “sự xung đột giữa các nền văn minh” mà chỉ có “sự xung đột giữa các trình độ văn minh”. Câu chuyện của Olfa được tôi lấy làm ví dụ. Hồi giữa thế kỷ 20, ở Việt Nam, nếu người vợ để cho đàn ông không phải chồng mình cầm tay đã có thể bị coi là thất tiết. Ngày nay, các cô vợ đã có thể bắt tay, ôm hôn những người bạn đàn ông. Khi đã ở một trình độ văn minh như nhau con người cho dù xuất thân từ đâu cũng có thể chia sẻ rất nhiều giá trị.

Trong lớp, có một tiến sỹ người Hàn Quốc, anh vừa học vừa dạy về “Dân chủ và Khổng Tử”. Anh nói, về ảnh hưởng nho giáo thì Hàn Quốc có khi còn nặng hơn Việt Nam. Cuối thập niên 1990, khi người Hàn Quốc dân chủ hóa một cách triệt để hơn, đã có những phong trào đòi “Khổng Tử phải chết”. Một người Hàn Quốc khác mà tôi có dịp share phòng với anh suốt hai tháng ở Santa Cruz, tiến sỹ Byungsik- Phó trưởng đoàn đàm phán quốc tế của Bộ Tài chánh Hàn Quốc- kể rằng: “Nhiều người dân Hàn Quốc cũng bất ngờ khi nhận ra chính dân chủ đã làm cho xã hội Hàn Quốc thực sự ổn định so với hơn hai thập niên độc tài. Và, cho dù, Hàn Quốc từng có những nhà độc tài được coi là anh minh, từng đưa ra những chính sách phát huy nội lực đưa đất nước vươn lên. Nhưng, chỉ từ khi dân chủ thật sự, nền kinh tế Hàn Quốc mới bắt đầu bền vững”.

Theo Olfa, nhiều tướng lĩnh Ai Cập xuất thân từ những gia đình dòng dõi, đa số được đào tạo với trình độ văn hóa cao. Cũng không đáng ngạc nhiên khi những chiếc xe tăng được Mubarak điều vô chỉ ngoan ngoãn nằm im trên đường phố và binh lính thì khá thân thiện với những người biểu tình chống chính quyền. Không phải tự nhiên mà các nước thường đặt quân đội trong một bộ gọi là bộ quốc phòng.
Quân đội là lực lượng được nuôi để đánh thứ giặc thực sự của nhân dân: ngoại xâm. Quân đội chỉ được dùng để bảo vệ nhân dân và giữ từng tấc đất của cha ông. Dùng quân đội để chống lại nhân dân thì khi có ngoại xâm nhân dân có thể sẽ không còn cho con đi đánh giặc.

Chính quyền cho dù dân chủ hay độc tài thì cũng có nhu cầu bảo vệ mình. Hoàn toàn hợp pháp khi lập ra một lực lượng cảnh sát đối phó với biểu tình. Nếu nghĩ đến lợi ích quốc gia thì phải hiểu, dùng quân đội chống biểu tình là điều tối kỵ. Những chiếc xe tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khi nghiến nát nhân dân vào đêm 3-6-1989 ở Thiên An Môn cũng đã nghiến nát hai từ “Nhân dân” trong cái tên của nó.

Huy Đức (nguồn:
San Trương facebook)
Nguồn:
Trương Duy Nhất-Blog