Tư hữu và công hữu có công bằng
Trong Đại hội XI Đảng vừa qua, có một chi tiết được bàn thảo tại hội trường khá kỹ lưỡng. Đất nước đã hội nhập với thế giới nhưng tại phòng họp của Mỹ Đình vẫn còn băn khoăn: Giữ nguyên Cương lĩnh 1991 “chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”, hoặc kế thừa Nghị quyết Đại hội X, tức dựa trên “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.
Người đọc báo bình thường thì không ai để ý. Ở VN mình thế. Cái gì cũng của Nhà nước, muốn lấy lúc nào cũng được hay “trả lại nhân dân” cũng tùy thời.
Có một Bộ trưởng (Võ Hồng Phúc – BKH ĐT) không bỏ qua chuyện này. Ông cho rằng “Nhận định đó của Đại hội X là kết quả tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới. Có đồng chí cho rằng dự thảo “công hữu tư liệu sản xuất” là dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng tôi xin nói, Mác dạy rằng lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Thực tiễn là gì: Liên Xô, Đông Âu theo mô hình ấy đã thất bại; Việt Nam rút ra bài học và đã thành công. Giờ sao lại bỏ đi?”.
Rồi ông Phúc phân tích: Quá trình phát triển sau Cương lĩnh 1991, Đảng đã rút ra là phải xây dựng một nền kinh tế trên cơ sở đa sở hữu. Giờ bỏ đi, tư nhân ai dám đầu tư nữa? Nhà máy điện, đường sá, hạ tầng cơ sở là những nút thắt cổ chai của nền kinh tế, ta đang thiếu, có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu không? Hay ta kêu gọi tư nhân đầu tư vào để rồi khi hoàn tất giai đoạn quá độ, vỗ béo xong là thịt?
“Có quan điểm cho rằng cái gốc của CNXH là sở hữu. Nhưng tôi cho rằng gốc đó phải là công bằng xã hội, là điều tiết thu nhập. Coi sở hữu là gốc, ta sẽ vấp lại sai lầm trước đây, đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu”.
Có lẽ quá nhiều báo chí nói rồi, nhiều người khen chê. Blog HM muốn chấm điểm 10 (thang 10) cho phát biểu này của ông Phúc. Có tầm nhìn và mạnh miệng như thế mà ông lại sắp…hưu.
Nếu Bin và Luck lớn, có công ăn việc làm, không bao giờ tôi muốn chúng vào làm cho tư nhân, mà phải làm trong Nhà nước. Không phải vì mình con ông cháu cha, mà đơn giản, làm việc trong khu vực Nhà nước, chúng sẽ được làm chủ một tài sản chỉ vì một chính sách khá lạ về sở hữu tư liệu sản xuất.
Số liệu của TCTK năm 2009 (hiện đang online) cho biết tại sao.
Theo Tổng cục TK (TCTK), tổng số người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) của cả nước khoảng 50 triệu người. Số người lao động trong khu vực Nhà nước luôn ở con số khoảng 5 triệu và sẽ ít đi trong những năm tới vì cải cách hành chính sẽ làm teo đi những ung nhọt ăn bám xã hội, mang danh nhà nước. Đó là xu hướng không thể đảo ngược.
Như vậy, kinh tế ngoài Nhà nước có số lao động khoảng 45 triệu. Nông dân chiếm khoảng 35 triệu. Còn lại là 10 triệu người trong độ tuổi lao động phi nông nghiệp, những nhà hoạch định chính sách định đưa họ về đâu, nếu không phải là kinh tế tư nhân. Các bác có con sắp đi làm nên để ý số liệu này. Quan trọng lắm đó.
Người ta cũng dự đoán, trong số 35 triệu nông dân thì có tới 15 triệu đổ về thành phố kiếm tiền. Nếu bàn chuyện công hữu sản xuất thì hãy nghĩ đến từ 25 triệu người không có “tư hữu sản xuất” mà phải nhờ Nhà nước đang “công hữu” thượng vàng hạ cám.
Nếu tính cả nông dân với ruộng đồng thuộc “sở hữu toàn dân” thì số 45 triệu trong độ tuổi lao động thực chất là “con ở” cho 5 triệu người còn lại. Bất kỳ ai vào làm cho Nhà nước sẽ trở thành ông chủ của 9 người (45/5=9) mà không phải làm gì.
Ông Nguyễn Phú Trọng, khi phát biểu nhậm chức TBT, đã hứa “nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Để làm được điều đó thì kinh tế Nhà nước có nên làm chủ đạo như Vinashin, vài năm làm ăn, lỗ hơn 4 tỷ đô la. Nhiều “anh cả” khác là những tầu há mồm, giữ tài sản toàn dân, và toàn làm ra…lỗ.
Tại sao Trung Quốc lại trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới? Đó là một phần đóng góp rất lớn của kinh tế tư nhân, đã cất cánh cho đất nước này. Số liệu những năm 1990 cho biết, số công ty tư nhân tăng từ 100.000 năm 1991 thành 1,3 triệu trong năm 2000. Người lao động tăng từ 2 triệu thành 20 triệu. Thời kỳ đó, hàng hóa do tư nhân sản xuất tăng 70% hàng năm. Thập kỷ 1990 đã giúp cho những năm đầu của thế kỷ 21 và làm nên nước Trung Quốc ngày nay.
Nếu biết thêm Ấn Độ, Brazil, những nền kinh tế mới nổi từ một nước nghèo, thì sẽ hiểu, kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào trong việc tăng GPD.
Có lẽ chẳng cần nói hay cho tư nhân, nhất là xứ Mỹ này. Làm ở Nhà nước thì dân tư nhân nhìn bằng nửa con mắt.
Sau 1986 có đổi mới, nông dân được làm chủ ruộng đồng. Từ một nước nhập lương thực, bỗng nhiên VN xuất khẩu gạo nổi tiếng trên thế giới. Tư hữu ruộng đất đã phát huy tác dụng.
Nhiều người còn nhớ giọng ông Trọng sang sảng trên tivi ““Chúng tôi ý thức được rằng, những thành tựu và kinh nghiệm quý báu có được trong những nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt là trong những năm đổi mới sẽ là nền tảng vững chắc cho bước phát triển kế tiếp của đất nước”.
Nên theo Đại hội X cách đây 5 năm, muốn “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” là nền tảng cho phát triển.
Hay lại muốn nhất trí với Nghị quyết năm 1991 về “công hữu tư liệu sản xuất” ra đời cách đây 20 năm để chẳng học được gì ngoài những thất bại của thời kỳ quan liêu bao cấp, trì trệ , chỉ vì khái niệm “làm chủ tập thể và sở hữu toàn dân”.
HM. 25-01-2011
Nguồn :http://hieuminh.org/2011/02/15/tu-huu-va-cong-hu/#more-10305
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét