15 thg 2, 2011
Thần tượng nào sẽ tiếp tục bị lật đổ?
Báo Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 13/02/2010 trong mục Quan sát – Bình luận có bài viết đáng chú ý về sự kiện nhân dân Ai Cập đứng lên lật đổ một cách ngoạn mục chính quyền của nhà độc tài Hosni Mubarak. Bài viết ấy có tên “Thần tượng bị lật đổ”
Sở dĩ “đáng chú ý” vì báo chí Việt Nam vốn luôn ngoan ngoãn đi theo lề phải và thường đăng những bài được một hệ thống kiểm duyệt tinh vi của Đảng cho phép đăng.
Nay với bài viết bình luận về một sự kiện lớn của thế giới, theo lẽ thường sẽ chỉ lọc ra những thông tin có lợi cho kế hoạch tuyên truyền. Thế nhưng, điểm một số nét trong bài viết ngắn này, ta thấy dường như bài báo đã khôn khéo chuyển tải những bình luận ẩn dưới câu chữ và khiến những bạn đọc tinh ý nhận ra. Bỏ qua những đoạn dài viết về sự nghiệp thăng quan tiến chức, rồi dẫn đến vị trí tối cao, cũng như vị thế quốc tế của nhà độc tài Mubarak. Những đoạn cuối của bài bình luận không khỏi khiến ta liên tưởng đến những nét tương đồng trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Xin trích:
“Ba cuộc “trưng cầu ý dân” với chỉ mỗi ông Mubarak làm ứng viên đã được tổ chức vào các năm 1987, 1993 và 1999 để khẳng định lòng dân “tín nhiệm” ông làm nguyên thủ quốc gia. Đến năm 2005, khi buộc phải chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử theo thể thức “hơn một ứng viên” để bầu tổng thống, ông Mubarak lại trúng cử để tiếp tục ngồi lại sau 24 năm cầm quyền. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước không tin vào tính công bằng và chân chính của cuộc tổng tuyển cử này.”
Trước hết, khi viết về việc Mubarak trưng cầu ý dân, tác giả đã để hàng chữ này trong ngoặc kép, và để giải thích cho rõ nghĩa, tác giả thuật lại những thủ đoạn mà Mubarak sử dụng để tiếp tục duy trì sự lãnh đạo độc tài của ông.
Như vậy, rõ ràng các cuộc trưng cầu ý dân mà Mubarak tổ chức chỉ là trò xiếc về ngôn từ lẫn hành động. So với đủ loại cuộc “bầu cử” mà chính quyền Việt Nam đã tổ chức bao nhiêu năm nay, có vẻ thủ đoạn “trưng cầu ý dân” của Mubarak kém cỏi hơn nhiều.
Ta cũng thấy chữ “tín nhiệm” mà tác giả đặt trong ngoặc kép ở đoạn trên cũng chẳng khác gì tại Việt Nam, các quan lớn về tuyên huấn hay dùng câu chữ trên để mà trả lời thay 87 triệu dân Việt khi có ai thắc mắc về sự lãnh đạo của ĐCSVN. Tiếp tục đoạn sau, tác giả lại cho thêm một nhóm cụm từ vào trong ngoặc kép:
“Ông Mubarak có vẻ quá tự tin vào “sự ổn định chính trị” mà chính thể của ông đã tạo dựng suốt 30 năm qua. Ông cũng quá mơ hồ về lòng dân, khi cứ nghĩ mình vẫn còn là thần tượng trong trái tim khối óc của họ. Ông cho là chỉ có những “thế lực thù địch” và “ngoại bang” chống lại ông”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cả đoạn vừa trích, với những cụm từ với hàm ý mỉa mai Mubarak hoàn toàn tương đồng với tình hình Việt Nam. Ta có thể thay chữ “Ông Mubarak” bằng chữ “CUM TỪ KHÁC” là có ngay những ví dụ quen thuộc.
Từ “sự ổn định chính trị”, cho đến “thế lực thù địch” và “ngoại bang” là những cụm từ mà hệ thống tuyên truyền Việt Nam luôn tuôn ra rả trên khắp các phương tiện truyền thông. Và ở đoạn cuối, tác giả đã kết luận nguyên nhân sụp đổ của thần tượng Mubarak tại Ai Cập như sau:
Dường như ông Mubarak không biết rằng lớp người trẻ đã chiếm đến 30% trong dân số hơn 80 triệu người của nước Ai Cập hôm nay. Với lớp trẻ đông đảo, có học và năng động này, ấn tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế – xã hội mà họ chịu tác động dai dẳng hằng ngày, khiến họ chiếm tới 90% số người thất nghiệp, mạnh hơn những kiến thức mà họ được học từ sách lịch sử…
Anh hùng của nhân dân ngày nào bị chính nhân dân lật đổ hôm nay như thế đấy!
Cũng từ lăng kính Việt Nam ta kinh ngạc khi thấy thêm những tương đồng trong xã hội Ai Cập với xã hội Việt Nam, cũng số dân, cũng tỷ lệ người trẻ, cũng tỷ lệ thất nghiệp tương đương…
Thực tế Ai Cập đã mạnh hơn những gì nhân dân họ được học từ sách lịch sử là kết luận sẽ được áp dụng ngay cho Việt Nam, như tác giả hàm ý? Tôi tin là như vậy khi đọc xong bài viết này và được đọc trên trang Facebook của nhà báo (bị rút thẻ) Huy Đức tiết lộ tác giả Nguyễn Ngọc Hùng của bài báo trên là một chuyên gia về Trung Đông, một cựu đại tá an ninh.
Nguồn :http://danlambao1.wordpress.com/2011/02/14/th%e1%ba%a7n-t%c6%b0%e1%bb%a3ng-nao-s%e1%ba%bd-ti%e1%ba%bfp-t%e1%bb%a5c-b%e1%bb%8b-l%e1%ba%adt-d%e1%bb%95//
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét