26 thg 2, 2011
Thuốc đắng mới mong chữa được bạo bệnh
Triệu chứng
Trái với kỳ vọng của nhiều người, diễn biến kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu ổn định sau khi chúng ta bước vào năm mới 2011. Mặc dù ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh giảm giá VNĐ thêm 9.3%, lo lắng về sự mất giá của đồng nội tệ khiến giao dịch trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng cao hơn với trần qui định trên 6% và chạm mức 22400 VNĐ/USD. Giá điện được thông báo sẽ tăng 15.1% từ ngày 1/3. Giá xăng được dự báo sẽ tăng ít nhất 2000 VNĐ/lit trong những ngày tới.
Nhiều khả năng lạm phát sẽ tiệm cận mức 4% ngay trong 3 tháng đầu năm ảnh hưởng trực tiếp đến đời song người dân và khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% trong năm 2011 của Chính phủ trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Tâm lý lo lắng khiến người dân đổ xô đi mua vàng phòng lạm phát khiến giá vàng chạm mức 38.500 VNĐ/ lượng cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới. Những biện pháp của Chính phủ dường như mang tính chữa cháy, ứng phó nhiều hơn là giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Những liều thuốc quen thuộc có vẻ như chưa mang lại kết quả mong muốn.
Không chỉ người dân gặp khó khăn với tỷ giá và lạm phát, các doanh nghiệp cũng đang phải gồng mình đối mặt với những thách thức của bất ổn vĩ mô.
Thống kê của chúng tôi đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty niêm yết (được cho là hiệu quả hơn mặt bằng chung) ở mức 17.63% trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng đã lên tới gần 20%. Với mức lãi suất này, phần lớn các dự án sẽ khó mang lại hiệu quả, do vậy các dự án đầu tư phát triển mới sẽ đình trệ. Với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu hiện nay là 1.43 lần (không tính khối tài chính/ngân hàng), lãi suất phải trả cho ngân hàng sẽ nhiều hơn 1.5 lần so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.
Với tình trạng nhập siêu vẫn ở mức cao lên đến trên 12 tỷ USD hay xấp xỉ 12% GDP trong năm 2010 trong bối cảnh dự trữ ngoại hối thấp khiến tỷ giá tiếp tục phải chịu sức ép. Nhập siêu đã là vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế và tiếp tục ở ở mức cao trên 1 tỷ USD trong tháng 1 khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hay phải vay nợ nước ngoài tiếp tục đau đầu với bài toán tỷ giá. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng khi sự ổn định của đồng tiền nội địa không được duy trì.
Căn nguyên?
Vấn đề - hay đúng hơn là triệu chứng của vấn đề là điều mà ai cũng biết. Tính từ năm 2007 đến nay, nhiều biện pháp điều chỉnh vĩ mô dựa trên chính sách tiền tệ đã được đưa ra nhưng không giải quyết được gốc vấn đề khiến nền kinh tế ở trạng thái lúc nóng lúc lạnh mà các chuyên gia nước ngoài gọi là “Stop & Go” (dừng và đi). Theo chúng tôi chính sách thúc đẩy tăng trưởng quá thái từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 1998 đã khiến nền kinh tế tăng trưởng có lượng mà không có chất.
Thật vậy, để thúc đẩy tăng trưởng Việt nam đã nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm duy trì chi phí vốn (lãi suất) thấp đồng thời thúc đẩy chi tiêu công. Chính sách này dẫn đến ba vấn đề chính:
1. Chi tiêu và đầu tư công luôn ở mức cao khiến thâm hụt ngân sách luôn ở mức đáng kể mặc dù hiệu quả đầu tư công luôn là lĩnh vực đầu tư không hiệu quả khiến hệ số ICOR (vốn đầu tư/tăng trưởng) lên đến mức 6-7 lần, cao gấp 1.5 lần mức trung bình 3-5 lần của các nước trong khu vực. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước ở mức rất thấp 6.3% so với mức 17.63% của các doanh nghiệp niêm yết hay 28% của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp nhà nước cũng tạo ra ít việc làm/vốn đầu tư hơn nhiều so với các doanh nghiệp dân doanh. Đầu tư quá mức không mang lại hiệu quả cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu tăng cao khiến trạng thái nhập siêu thêm trầm trọng. Vụ việc Vinashin có lẽ được coi là điển hình cho sự không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.
2. Chính sách tiền tệ nới lỏng khiến cung tiền và tăng trưởng tín dụng tăng mạnh. Trong những năm vừa qua cung tiền (M2) và tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao, dữ liệu của ADB cho thấy cung tiền M2 tăng trung bình 31.2% trong 10 năm từ năm 2000 đến 2009. Con số này là 27% cho năm 2010, năm được coi là chính sách tiền tệ thiên về thắt chặt. Theo lý thuyết về tiền tệ, tốc độ tăng cung tiền chỉ nên xấp xỉ mức tăng trưởng GDP cộng với lạm phát mục tiêu, có nghĩa là nếu GDP tăng 9% lạm phát mục tiêu 4% thì cung tiền chỉ nên ở đâu đó quanh mức 13%. Cung tiền tăng vọt giúp duy trì lãi suất thấp có thể không dẫn đến lạm phát ngay lập tức nhưng đến một lúc nào đó tất yếu phải thể hiện vào mặt bằng giá cả cao hơn. Chi phi vốn rẻ cũng khuyến khích doanh nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng nhiều hơn là phát triển theo chiều sâu. Lãi suất thấp cũng thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và một phần thúc đẩy nhập khẩu.
3. Mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng và lạm phát ở mức cao, chính phủ thường sử dụng chính sách tiền tệ (nâng lãi suất) để hạ nhiệt nền kinh tế mà không điều chỉnh chính sách tài khóa (chi tiêu công) ở mức tương xứng. Điều này tạo ra hiệu ứng “Crowding effect” tức là các doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt nhiều do lãi suất cao, trong khi khối nhà nước ít bị ảnh hưởng hơn do đầu tư và chi tiêu công không giảm. Điều này cũng khiến nợ công tiếp tục tăng cao, đầu tư kém hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng suy giảm.
Thuốc đắng mong chữa được bạo bệnh
Như vậy có thể thấy những vấn đề hiện nay của nền kinh tế là do các chính sách quá thiên về thúc đẩy tăng trưởng diễn ra trong nhiều năm khiến chất lượng tăng trưởng đã giảm sút đến mức nguy hiểm. Căn bệnh ủ lâu cần cả những biện pháp ngắn và dài hạn mới mong giải quyết được vấn đề một cách căn cơ. Theo chúng tôi trước mắt NHNN cần:
1. Tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất VNĐ cao, bằng cách hạn chế cung tiền để kiểm soát lạm phát đồng thời hạn chế tổng cầu (tiêu dùng và đầu tư) và không làm cho vấn đề nhập siêu thêm trầm trọng. Giảm cung tiền khiến VNĐ trở nên khan hiếm cũng buộc nhiều tổ chức và cá nhân giảm trạng thái nắm giữ ngoại tệ khiến tỷ giá trên thị trường tự do bớt căng thẳng. Tuy nhiên không được để lãi suất tăng cao đột biến gây shock cho hệ thống ngân hàng cũng như doanh nghiệp.
2. Có chính sách làm cho việc nắm giữ, cũng như vay vốn ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn nhằm giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Điều này, như ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa, có thể thực hiện bằng cách tăng mạnh dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ. Theo chúng tôi tỷ lệ này có thể được tăng theo một lộ trình 3-6 tháng từ mức 1% đến 3% hiện nay lên ít nhất 25%.
Bên cạnh khác Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ hơn đó là:
1. Siết chặt chi tiêu công, giãn tiến độ các công trình dự án không thật quan trọng, chống lãng phí và giảm mạnh thâm hụt ngân sách. Các chuẩn mực báo cáo ngân sách cũng cần được điều chỉnh lại theo thông lệ quốc tế để số liệu có thể thực sự so sánh được với các quốc gia khác. Phát hành nợ của chính phủ phải sao cho ít ảnh hưởng đến dòng vốn cho khối tư nhân đồng thời không ảnh hưởng đến mức nợ của quốc gia hiện đã ở mức khả cao dự kiến vượt 57% GDP trong năm 2011
2. Cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cổ phần hóa để cải thiện hiệu quả tăng sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các doanh nghiệp lớn hiện nay do nhà nước quản lý. Sự kiện Vinashin phải được sử dụng triệt để như cơ hội để thay đổi tư tưởng thiên vị các doanh nghiệp nhà nước vốn phổ biến trong các cấp các ngành.
3. Thực tế cho thấy việc bao cấp giá điện, than, xăng dầu không khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ gây lãng phí tài nguyên và làm chảy máu nguồn tài nguyên quí giá cho tương lai ra nước ngoài. Có lộ trình rõ ràng để bỏ bao cấp, đưa giá năng lượng tiệm cận với các nước nhằm thực sự vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường sẽ giúp giải quyết dần tình trạng thiếu điện và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu. Các bước đi này cần kết hợp với những biện pháp an sinh xã hội như bù giá, trợ cấp cho nhóm dân cư nghèo dễ bị tổn thương từ quá trình điều chỉnh.
Thực tế cho thấy, để nền kinh tế có thể vận hành và tăng trưởng bền vững, nhà nước cần thực sự sử dụng các qui luật của thị trường, giảm dần can thiệp và chỉ đóng vai trò giúp nền kinh tế vận hành thay vì trực tiếp tham gia. Các biện pháp can thiệp hành chính như quản lý giá, lãi suất, tỷ giá tuy có thể là cần thiết trong một vài thời điểm nhất định nhưng sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Biện pháp căn cơ hơn như đã phân tích ở trên vẫn nằm ở việc các doanh nghiệp nhà nước giảm chi tiêu công và tái cơ cấu những bất hợp lý của thị trường.
Sự minh bạch và quyết tâm chính trị
Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình có thu nhập trên 1000 USD/năm, tuy nhiên nguy cơ quay trở lại nhóm thu nhập thấp là đáng kể nếu như chúng ta không đẩy mạnh cải cách và chỉ cần VNĐ tiếp tục mất giá thêm trên 10% trong năm 2011.
Chính phủ dường như đã nhận ra vấn đề và đã có một số biện pháp đúng hướng trong thời gian gần đây như điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11%, tuyên bố rút bớt tiền ra khỏi lưu thông và giảm chi tiêu công cũng như sẽ điều chỉnh giá năng lượng như điện, than và xăng dầu. Tuy nhiên các biện pháp này dường như chưa đủ mạnh và chưa có sự minh bạch cần thiết để tạo niềm tin cho thị trường.
Vẫn còn đâu đó nhưng tuyên bố của một vài người có trách nhiệm hay những “chuyên gia kinh tế” như: “ Điều chỉnh tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát”, “ Sẽ kiểm soát … để giảm lãi suất”. Những tuyên bố này không phù hợp với thực tiễn và nền kinh tế đang phải đối mặt và không được làm rõ từ các kênh chính thức gây nhiễu thông tin cho thị trường. Sự không nhất quán giữa tuyên bố, mục tiêu với thực tiễn và hành động cũng đã gây ra sự hoang mang và làm cạn dần niềm tin của thị trường.
Thực tế, căn bệnh của chúng ta đã lâu năm mang tính cơ cấu do đó cần các biện pháp dài hơi với quyết tâm chính trị cao và cần thay đổi tư duy để có thể đạt kết quả tốt. Chúng ta cần sẵn sàng hy sinh tốc độ tăng trưởng trong một vài năm về mặt con số để lấy lại chất lượng tăng trưởng. Đời sống của người dân đã tốt lên rất nhiều so với 10 năm trước đây, cũng như trình độ và nhận thức đã rất khác trước. Chúng tôi tin rằng cả doanh nghiệp và người dân sẽ chấp nhận những khó khăn và song hành cùng Chính phủ nếu được thông tin, được chia sẻ và hiểu rõ được thách thức mà chúng ta phải vượt qua.
Nguồn :http://www.viet-studies.info/kinhte/VuTuanAnh_ThuocDang.htm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét