Chính các chính quyền địa phương và hệ lụy tất yếu về hệ quả công xã của người dân đang làm mờ nhạt đáng kể những chỉ đạo của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kể từ thời điểm ông bắt đầu tỏ ra quan tâm đến vụ Tiên Lãng…
Những hình ảnh mới nhất về cuộc tổ chức
cưỡng chế của chính quyền Hưng Yên đối với các hộ dân ở xã Xuân Quan,
huyện Văn Giang vào ngày 24/4/2012 có lẽ không ít tính biểu dụ để người
xem có thể tự hình dung ra những hình ảnh chưa xuất hiện, nhưng thật dễ
dàng phát lộ vào một thời điểm nào đó.
Nếu trong các cuộc khiếu tố đông người
gần đây ở Hà Nội, trong tay người dân khiếu kiện chỉ là đơn thư, biểu
ngữ và cờ Tổ quốc, thì đối mặt với con số hàng ngàn cảnh sát cơ động
được huy động một cách ráo riết và bài bản theo chiến thuật tác chiến
một cách kinh ngạc, phần lớn người dân xã Xuân Quan lại mang theo bên
mình họ hoặc cuốc xẻng, hoặc gậy gộc, hoặc lưỡi hái. Và dù chẳng có ai
đi xe máy, nhưng nhiều người vẫn rất nghiêm túc tuân thủ luật giao thông
đường bộ với mũ bảo hiểm – một kiểu “trang phục” không kém thua cảnh
sát cơ động.
Để thực hiện chiến dịch cưỡng chế, lấy
“đất sạch bóng dân” phục vụ cho dự án Khu đô thị – thương mại – du lịch
Văn Giang (Ecopark), trong khi chưa hề giải thích những nghi vấn mà báo
Người Cao Tuổi đã nêu về “Ra quyết định cưỡng chế trái luật”, UBND huyện
Văn Giang đã dấn một bước sâu đậm hơn khi tiếp tục làm sâu sắc mối nghi
ngờ đó.
Nhưng lần này, có lẽ rút kinh nghiệm
thời sự từ vụ việc Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), tỉnh
Hưng Yên và huyện Văn Giang đã huy động một cách quy mô lực lượng cảnh
sát cơ động và dân phòng. Một số nguồn tin cho hay còn có cả bộ đội tham
gia, tuy không lộ diện rõ ràng như cảnh sát.
Tiếng súng AK đã vang lên, tuy chỉ bắn chỉ thiên. Nhưng lựu đạn cay bốc khói và dùi cui vung lên cũng đã quá đủ ấn tượng trên cánh đồng Xuân Quan…
Điều gì đang xảy ra vậy? Tiên Lãng chưa
qua, Xuân Quan đã đến. Một lực lượng hùng hậu của cơ quan thi hành pháp
luật lại đi bảo vệ cho một dự án tư nhân với nhiều khuất tất chưa được
làm rõ? “Chi phí cưỡng chế” do ai gánh chịu – từ tiền ngân sách và do đó
là tiền đóng thuế của nông dân, hay lại bởi cái gọi là “dịch vụ hỗ trợ
thi công” của chủ đầu tư mà đã từng hiển hiện ở Cần Thơ?
Nhiều tiếng nói đầy phẫn nộ và phẫn uất
bật lên từ những nông dân áo mộc “Các anh đi bảo vệ cho ai? Bảo vệ cho
những kẻ cướp đất của cha mẹ các anh à?”, đã khiến cho một số cảnh sát
và nhân viên an ninh dường như phải quay mặt đi.
Ai đang đối đầu ai? Những gốc rễ sâu xa
và cay đắng nào đã khiến cho tình thế trở nên bi thiết đến mức như hiện
nay? Thực tế mà chúng ta đang chứng kiến đã xảy ra không phải chỉ một
lần trên đất nước này, không phải chỉ tại một địa phương. Nhưng những gì
đã dẫn tới hệ quả, hay nói đúng hơn là hậu quả của ngày hôm nay, phải
được bắt nguồn từ một quá khứ, vào lúc mà người nông dân không nhìn thấy
tương lai.
Quá khứ như thế đã dẫn tới điều chắc chắn phải xảy ra là nhiều đoàn người rồng rắn, hết ngày này đến tháng nọ đội đơn trên đầu đi thưa kiện ở các cơ quan công quyền. Nhưng như cái cách con kiến kiện củ khoai, khi mà mọi việc trở nên không đi đến đâu, khi mà tình thế trở nên tuyệt vọng thì người dân chỉ còn độc một hy vọng cuối cùng: làm thế nào và bằng cách nào đó phải giữ cho được mảnh đất trồng cấy cuối cùng của gia đình mình. Bởi nếu rời khỏi hoặc bị buộc phải rời khỏi mảnh đất ấy, trong tay họ sẽ chỉ còn trơ trọi liềm hái và búa đục – những công cụ sản xuất sẽ chỉ còn một giá trị hoài niệm nào đó vào cái thời mà đồng tiền là vũ khí ghê rợn nhất.
Không biết có bao nhiêu cảnh sát trẻ
tuổi và cấp trên của họ, những sỹ quan cảnh sát có tuổi và đã từng thấm
trải với đời, thấm hiểu được tình cảnh trên? Những cảnh sát và dân
phòng này, mà đa phần xuất thân từ tầng lớp bình dân và là con em của
những gia đình nông dân, công nhân, không biết có thấm cảm được hoàn
cảnh thấm đẫm nước mắt của cha mẹ, anh chị họ, hoặc những người mà hoàn
cảnh mất đất thương tâm là một tiền lệ mà trước sau gì cũng dẫn dắt dây
chuyền tới gia đình họ…
Họ đang phục vụ cho ai? Vụ việc Bạc Hy
Lai ở Trung Quốc mới chỉ là khởi đầu cho con số 6 tỷ USD mà một nhân vật
quyền cao chức trọng như vậy đã tuồn ra nước ngoài?
Với thực trạng tham nhũng đã ăn vào tận
ruột từ nhiều năm qua, có thể không loại trừ những “Bạc Hy Lai ViệtNam”.
Không thiếu gì những bài học mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải ám
chỉ đến “sự tồn vong của chế độ”. Thế nhưng điều trớ trêu là nhiều
chính quyền địa phương lại không rút ra được bài học xương máu nào về
lòng dân, về câu chuyện nước nâng thuyền nhưng nước cũng có thể lật
thuyền qua vụ việc Tiên Lãng.
Vài ba ngàn nông dân ra mặt phản ứng với
chính quyền hoàn toàn không phải là một con số đáng coi thường. Nhất là
khi những nông dân này lại đang chất chứa trong lòng một nung nấu giành
giật cho được công lý và công bằng, cho quyền lợi mưu sinh thiết thân
của họ và con cái họ.
Trong khi Trung Quốc phải nới tay với phạm trù dân chủ khiếu kiện từ trang sử Ô Khảm, thì ở Việt Nam lại chưa có một minh họa sinh động đến mức chết người như thế, và do đó các chính quyền địa phương vẫn chỉ tổng kết bài học Tiên Lãng như một thứ trật tự cần được áp đặt trở lại, hơn là một cái van tâm lý đã đến lúc phải được giãn dần để tránh cận cảnh bùng vỡ.
Dù sao, Ecopark ở Hưng Yên cũng có một
tác dụng phụ là làm cho câu chuyện về cá nhân Đoàn Văn Vươn mau chóng
trở nên lạc hậu, trong khi được thay thế bởi một hình ảnh sống động, chủ
động và mang tính “công xã” hơn nhiều. Thật rõ ràng, con số hàng ngàn
người biểu tình về đất đai ở Xuân Quan đã dễ dàng được nhân gấp vài ba
lần từ sự tham gia tự nguyện của người dân Dương Nội của Hà Nội hay
những địa phương khác. Vả lại, yếu tố công xã này chỉ thêm một lần nữa
chứng minh cho sự lợi hại của phương pháp luận đấu tranh giai cấp bằng
tập thể, và hơn nữa là một tập thể được tổ chức chặt chẽ.
Giờ đây, chính các chính quyền địa
phương và hệ lụy tất yếu về hệ quả công xã của người dân đang làm mờ
nhạt đáng kể những chỉ đạo của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kể từ
thời điểm ông bắt đầu tỏ ra quan tâm đến vụ Tiên Lãng. Cũng bởi, điều mà
nhiều người thật sự âu lo cho hoàn cảnh ở đất nước ta là Tiên Lãng đã
chỉ luôn mang tính tiền lệ.
Vụ việc cưỡng chế Ecopark chưa chấm dứt,
nhưng đã có thể hình dung được hậu quả của nó: khi những người nông dân
đã không còn quá quan tâm đến hậu quả xung đột với lực lượng cưỡng chế
hay hậu quả pháp lý trước tòa án các cấp đối với bản thân họ, hậu quả xã hội và cả hậu quả chính trị sẽ khủng khiếp như thế nào trong tương lai không xa nữa?
Tác giả : Viết Lê Quân ( Bài đăng trên trang tamnhin nhưng bị cắt khá nhiều) Đây là nguyên bản
Tác giả : Viết Lê Quân ( Bài đăng trên trang tamnhin nhưng bị cắt khá nhiều) Đây là nguyên bản
Nguồn : BA SAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét