Các đồng chí Bạn Dân thân mến;
Mấy ngày nay cùng với nhân dân cả nước, bạn đọc blog CuaTimes chúng
tôi vẫn luôn theo dõi vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên).
Theo thông tin mạng, chúng tôi được biết rằng một đồng chí công an đã
khóc khi cụ bà Lê Hiền Đức nhắn nhủ “Cầm súng chĩa vào bọn tham nhũng,
đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ
chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta”.
Có người cho rằng, đồng chí công an đó chảy nước mắt vì hơi cay chứ không phải vì cảm động bởi lời của cụ Lê Hiền Đức.
Không hiểu sao, chúng tôi vẫn tin rằng đó là những giọt nước mắt của
lương tri, của một sự đồng cảm với dân như danh xưng của các đồng chí:
Những người Bạn Dân.
Thế nào là Trị mệnh? Thế nào là Loạn mệnh?
Các Bạn Dân thân mến!
Người xưa có câu “làm bầy tôi chỉ tuân theo Trị mệnh, chứ không theo
Loạn mệnh của vua; làm con, chỉ tuân theo Trị mệnh, chứ không theo Loạn
mệnh của cha”.
Trị mệnh là mệnh lệnh được ban ra trong lúc tỉnh táo, tinh thần sáng suốt và lệnh ban ra hợp với đạo nghĩa của thánh hiền.
Còn Loạn mệnh là mệnh lệnh đưa ra trong lúc tinh thần không bình tĩnh sáng suốt, không hợp với đạo lý.
Thông thường, người ta thường nói bầy tôi theo mệnh vua là trung, con theo lệnh cha là hiếu.
Nhưng, con mà theo LOẠN MỆNH của cha, nhiều khi không là hiếu, mà còn bất hiếu vì đã đưa cha vào vòng bất nghĩa.
Bề tôi mà còn theo LOẠN MỆNH của vua, nhiều khi không phải là trung, mà còn là bất trung vì đã đưa vua vào đường bất nhân.
Chuyện về Trị mệnh và Loạn mệnh
Chuyện thứ nhất.
Nguỵ Hùng, một võ tướng nước Tấn, có một người thiếp rất trẻ, rất
đẹp. Nguỵ Hùng rất yêu thương người thiếp này. Nguỵ Hùng thường dặn con
Nguỵ Khoả:
- Khi ta chết, con phải kiếm nơi tử tế mà gả chồng cho dì con.
Khi Nguỵ Hùng sắp chết, trong cơn hấp hối, cầm tay Nguỵ Khoả nói rằng:
- Khi chôn ta, phải chôn theo ái thiếp của ta, ở dưới suối vàng, ta mới được yên lòng.
Nguỵ Khoả chôn cha, không chôn theo người thiếp, mà sau đó, còn kiếm nơi tử thế mà gả người thiếp.
Có người hỏi:
- Con theo mệnh cha không gọi là hiếu ư? Tại sao ông không chôn người thiếp theo lời cha ông dặn?
Nguỵ Khoả đáp:
- Cha ta dặn gả chồng cho người thiếp lúc ông còn khoẻ mạnh, sáng
suốt. Còn việc muốn chôn người thiếp theo mình, ông nói trong lúc hôn
mê. Loạn mệnh làm sao nghe được?
Chuyện thứ hai.
Vào thời Xuân Thu, ở nước Sở, Sở Bình Vương, tranh vợ của con là Thái Tử Kiến, đẩy Thái Tử Kiến ra ấp Thành Phủ.
Bình Vương bảo quan Tư Mã là Phấn Dương:
- Người hãy ra ấp Thành Phủ, thờ Kiến như thờ ta.
Ít lâu sau, Sở Bình Vương nghe lời dèm pha của gian thần Phi Vô Cực,
muốn giết Thái Tử Kiến. Bình Vương bắt thầy học của Thái Tử là Ngũ Xa.
Ngũ Xa nói:
- Tranh vợ của con đã là một điều lỗi rồi, còn muốn giết con nữa sao?
Bình Vương kêu Phấn Vương, sai Phấn Vương tới Thành Phủ giết Thái Tử
Kiến. Phấn Dương vội chạy đến gặp Thái Tử Kiến, khuyên Thái Tử bỏ trốn.
Rồi, Phấn Dương sai dân ở Thành Phủ trói mình lại, dẫn tới trước mặt
Bình Vương.
Bình Vương giận hỏi:
- Lời ở mồm ta, chỉ lọt vào lỗ tai ngươi. Ai đã báo cho Kiến biết được?
Phấn Dương đáp:
- Chính là thần. Vua đã mệnh cho thần thờ Thái Tử như thờ ngài. Đó là
TRỊ MỆNH. Thần bất tài, không thay đổi tâm chí được, chỉ biết tuân theo
mệnh lúc ban đầu. Không nở tuân theo LOẠN MỆNH lúc sau này, nên phải để
cho Thái Tử trốn thoát.
Bình Vương hỏi:
- Sao còn dám tới đây gặp ta?
Phấn Dương đáp:
- Ngài đã sai một việc, thần làm không xong, là một tội. Nếu trốn đi nữa, sẽ là hai tội. Mắc tội rồi, còn trốn được đi đâu.
Bình Vương ngậm ngùi:
- Thôi hãy về làm việc như cũ.
Lời nhắn cho đời nay
Ngày nay nhiều người không phân biệt Trị mệnh và Loạn mệnh khiến cho nhiều việc loạn tùng phèo.
Trị mệnh và Loạn mệnh, không phải chỉ giới hạn trong việc thờ vua, thờ cha, mà còn áp dụng trong mọi việc cư xử ở đời.
Chúng tôi biết có nhiều Bạn Dân rất phân vân rằng: Nếu lâm vào thế
cùng, lòng dân và quyền lực chính trị, phải chọn một trong hai, thì chọn
cái nào?
Câu hỏi mới nghe tưởng lẩm cẩm nhưng muốn trả lời cũng không dễ.
Bạn đọc Cua Times chúng tôi không phải là những người có tài an bang
tế thế, ngồi trong trướng mà định việc xa trăm dặm. Chúng tôi võ vẽ biết
được một ít chuyện làm của người xưa, muốn nhắc lại cho các chú, các
anh BẠN DÂN về chút kinh nghiệm quý báu của tiền nhân.
Sách có câu rằng “quan kim nghi giám co, vô cổ bất thành kim
觀今宜鑒古,無古不成今 – Muốn quan sát việc mới, phải xét lại việc cũ, không có
việc cũ, không thành việc mới được”.
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta cố gắng tìm ở cổ nhân những kinh
nghiệm tán tụ, đắc nhất, hưng vong thành bại để mà liệu đường lui tới
trong hiện tại và tương lai.
Về câu hỏi trên về việc chọn lựa giữa dân và giới quyền lực, và việc
vâng theo Trị mệnh và Loạn mệnh, cái nào nên, cái nào đừng, ông Mạnh Tử
có nói: “dân vi quí, xã tắc thứ chi, dân vi khinh” (dân mới là quí, thứ
đến là xã tắc, vua không đáng kể).
Các Bạn Dân ơi!
Có nhiều người lãnh đạo, nhiều kẻ chức quyền vì muốn lấy đất, muốn
giữ địa vị của mình, muốn thu gom lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã tách
rời lãnh đạo ra khỏi quần chúng, đã bỏ quên cái thiên chức phục vụ dân,
đến nổi việc tan hoang, thậm chí gây ra cảnh máu đổ, khiến người dân
thân thì vướng vòng lao lý, gia cảnh tan nát, vợ con neo đơn…
Đơn cử như chuyện cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Văn Giang gần đây và
nhiều vụ việc khác, mối quan hệ giữa chính quyền đúng ra phải là quan hệ
“Nước với Cá” nhưng vì Loạn mệnh nay bỗng trở thành cái thế “Nước với
Lửa”.
Thành quả cách mạng được như ngày hôm nay cũng là nhờ một phần công sức và sự hy sinh của các chú, các anh Bạn Dân.
Chúng tôi tin rằng, lương tri (lương tâm và tri thức) của các bạn không bao giờ muốn nghe những lời ta thán:
Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai
Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi, chẳng một chút nương tay
Xin hỏi anh ở đâu? Sao mắng tôi, bằng giọng nói dân tôi
Xin hỏi… ? Sao…
Tuân theo Trị mệnh hay Loạn mệnh? Lấy cái gì? Bỏ cái gì? Bên nào
trọng? Bên nào khinh? Câu hỏi đó luôn cần câu trả lời từ chính mỗi người
chúng ta.
Hợp với điều nhân nghĩa, vui vẻ làm theo, hợp với đạo, với lý, thì vui vẻ tán đồng, đó là Trị.
Còn như làm điều phản bội, làm việc bất lương, mà hăng hái đua theo,
không can, không ngăn, không gàn, không trở, đàn áp người dân khốn khổ,
khốn cùng, khiến nhà tan cửa nát, mất đất, mất kế sinh nhai, thì chính
trị đó là Loạn rồi.
Chào thân ái và quyết thắng
Nguồn : HIEUMINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét