Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

25 thg 4, 2012

Nhà vệ sinh & nhà văn hóa


Hà Nội nghìn năm văn vật. Nhưng trong nhiều cái thiếu của thủ đô văn vật, có một cái thiếu rất cơ bản: đó là thiếu chỗ ỉa đái. Nhà vệ sinh công cộng đã ít, lại chật, bẩn, gớm ghiếc.
Trước thực trạng này, đáng ra phải dành quĩ đất xây dựng thêm nhiều nhà xí công cộng và làm sạch, nâng cấp các nhà xí hiện có, thì Hà Nội lại đang chủ trương đập bỏ hoặc cải biến một số nhà xí công cộng thành… nhà văn hóa!
         
Lý giải về điều này, một Chủ tịch phường có dự án biến nhà xí thành nhà văn hóa cho biết: Vì quĩ đất của phường rất hạn chế, nhiều cụm dân cư chưa có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đó xin phá dỡ công trình vệ sinh công cộng để xây dựng nhà văn hóa (nguồn: nguoiduatin.vn)
         
Vậy mà lại nghe nhiều đồng tình, vỗ tay tán thưởng “sáng kiến” này. Quĩ đất càng eo hẹp thì càng phải ưu tiên cho mục tiêu nhà xí. Nhà vệ sinh công cộng, những chốn ỉa đái ấy, theo tôi là cần kíp và văn hóa hơn những mô hình nhà văn hóa phường xã tràn lan hiện nay. Giá trị văn hóa từ các nhà văn hóa (nếu có) không thể so sánh với giá trị văn hóa mà các khu nhà xí đem lại. Một đô thị cho dù có văn vật nghìn năm, nhưng thiếu nhà xí đến mức du khách không còn cách nào hơn phải vạch quần đái bên vệ đường, ỉn vào bụi cây thì đó vẫn còn là một đô thị mông muội, chứ đừng nói gì đến văn minh.
         
Tôi hoảng hồn và sốc trước tin này. Không thể “tư duy” rằng bây giờ nhà ai cũng có công trình vệ sinh nên nhà xí công cộng không cần thiết. Không ai đang đi ngoài đường mắc ỉa buồn đái lại nín chạy về nhà. Không thể nói rằng vì nó bẩn thỉu gớm ghiếc quá nên phải đập bỏ đi. Bẩn thối, gớm ghiếc thì tu sửa, xây dựng, nâng cấp, làm sạch lại, làm thật hiện đại thì tôi tin chẳng ai dám nói nhà vệ sinh là chỗ thối bẩn cả.
        
Tư duy kiểu lối ấy, nghe tưởng sạch, thật ra lại rất… không ổn (tôi cố tránh dùng từ bẩn hơn).
         
Xem ra, vẫn còn rất nhiều người chưa có cách tư duy đúng về chốn ỉa đái. Muốn đô thị trong sạch, văn minh, phải thay đổi cách tư duy đái ỉa này. Nhà vệ sinh không chỉ là nơi để bài tiết, mà còn là chỗ để thư giãn, để suy tư và… hạnh phúc!
         
Một khi chính quyền còn xem trọng cái nhà văn hóa hơn nhà xí, thì đó không phải là chính quyền văn hóa.
         
Nhìn những cảnh đái ỉa này để ngẫm xem giữa nhà văn hóa và nhà xí, cái nào thiết thực hơn và cái nào văn hóa hơn?
ve sinh 2

ve sinh 4
113
         

Còn đây là những nhà xí công cộng ở Canada. Một đất nước mà tôi không hề thấy cái “nhà văn hóa” nào, trong khi đi đâu cũng gặp nhà xí. Người Canada gọi những chốn ỉa đái ấy là washroom. Nhìn washroom, chui vào washroom biết đất nước này nó sạch và văn minh cỡ nào. Không biết họ “thiết kế” cái đất nước Canada ra sao mà đi đâu, nhìn đâu cũng thấy washroom, bất kể giữa trung tâm phố thị hay heo hút giữa núi rừng. Như thể cứ lúc nào nghe cảm giác buồn… là thấy ngay washroom trước mặt:
ve sinh 11
ve sinh 10
Đây là chỗ rửa chân sau khi vệ sinh
ve sinh 6
ve sinh 7
ve sinh 8
ve sinh 9
          Không phải “nhà văn hóa”, cũng chẳng phải biệt thự hay resort,
đó là những nhà xí công cộng.
         
Sẽ không quá khi nói rằng: muốn biết cung cách, nề nếp sinh hoạt, tính cách, thẩm mỹ, văn hóa của một chủ nhân, một đô thị, hay thậm chí là của một dân tộc, đừng nhìn vào phòng khách hay chỗ ngồi ăn, hãy nhìn vào chốn ỉa đái của họ.
         
Vì thế, tôi đã viết và đã từng mong rằng: trong vô vàn mục tiêu phát triển, thôi thì chưa phát được cái gì, trước hết hãy thay chuyển cho được chuyện ỉa đái. Ưu tiên cho mục tiêu ỉa đái trước có lẽ cũng là một cách thay chuyển văn hóa.
         
Để phát triển và văn minh, phải tư duy đầu tiên cho mục tiêu đái ỉa này, chứ không phải là những mô hình “nhà văn hóa”.

Nguồn : TRUONG DUY NHAT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét