Đọc thấy trên Blog Nguyễn Xuân Diện hô hào“biểu tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình” tôi vừa MỪNG đến chảy nước mắt nhưng vừa LO đến thắt ruột. Quả nhiên những bài thảo luận trên Dân Làm Báo đã phản ảnh cả hai mặt ngược nhau ấy. Trước cuộc biểu tình hệ trọng này chỉ còn mấy giờ đồng hồ để trao đổi ý kiến.
Mừng vì thấy giới Trí thức thủ đô quá thông minh, vừa mở mắt cho ông nghị Phước thấy có biểu tình ủng hộ Nhà nước đấy, không chống Nhà nước đâu, vừa động viên Thủ tướng và Quốc hội làm một việc hợp lòng dân. Tương kế tựu kế, nhất cử lưỡng tiện, mừng quá đi chứ, giỏi quá đi chứ?
Tuy vậy đừng quên LUẬT là con dao hai lưỡi. Vấn đề là có Luật thì tốt hay không tốt cho nhân dân? Có ý kiến khẳng định “trước hết, hãy có LUẬT đi đã, rồi sử dụng tính sau. Cũng như nhà nông dân, cứ mua chiếc xe máy đi đã, tập đi và sử dụng như thế nào sẽ bàn vào dịp khác…”, điều này nên bình tĩnh xem lại! Trong ý nghĩ trên nếu thay chữ LUẬT bằng chữ BIỂU TÌNH thì đúng: “trước hết, hãy có BIỂU TÌNH đi đã, rồi sử dụng tính sau”. Nhưng với LUẬT thì không đơn giản như thế.
Xã hội không có Luật tất nhiên là không tốt, vì kẻ mạnh (thông thường là nhà cầm quyền) mặc sức hành xử luật rừng. Nhưng có Luật thì tốt hay không tốt? Luật chỉ là tốt nếu là Luật dân chủ, bảo đảm được quyền cho dân. Nhưng nếu Luật là ý muốn của kẻ mạnh được “ pháp chế hoá” (ở đây là ĐCS và Chính phủ), thì còn nguy hiểm hơn chưa có luật! Có luật rồi muốn sửa (nhân dân muốn sửa) không phải chuyện dễ!
Trong trường hợp ấy thì thà chưa có luật còn hơn, nếu không lường trước mà cứ đòi cho có Luật thì như thế chỉ là thúc giục Đảng kiện toàn cái dây trói cho càng thêm chặt. Qua lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đủ biết Công an hiện nay còn lúng túng chưa dám mạnh tay “xử lý” biểu tình chỉ vì chưa có luật, nay Thủ tướng chỉ thị cho Công an làm luật, dựa trên Nghị định 38, chính là để hợp pháp hoá việc khống chế (hay đàn áp) biểu tình ấy mà thôi. Phải chăng ấy là cái vỏ dân chủ rất cần cho những chủ nghĩa độc tài hiện đại?
Bạn có thể hy vọng một vài thiện ý nào đó khi làm luật chăng? Thiện ý có hay không phụ thuộc vào “Ai sẽ là người soạn thảo và thông qua luật?” Xin thưa toàn là cán bộ của Đảng nếu chưa muốn nói chủ yếu là Công an đấy, thử tìm một người xứng đáng đại biểu cho nhân dân trong đó xem có ai không? Cứ tin vào thiện ý, đấy là bệnh “đạo đức”và “hợp lý” cố hữu của người cải lương!
Trong khi nền Pháp trị chỉ xây dựng được trên căn bản NGHI NGỜ! Hãy cứ xuất phát từ Quyền Biểu tình đã ghi trong Hiến pháp, chứ làm luật ngay trong tương quan lực lượng này thì sẽ có lợi cho Nhà nước hơn là lợi cho Dân.
Đừng quên là Thủ tướng Dũng và Công an cũng đang cần có Luật Biểu tình để dễ bề quản lý, may quá, Dân đã tự yêu cầu nhiệt liệt.
Trong khi nền Pháp trị chỉ xây dựng được trên căn bản NGHI NGỜ! Hãy cứ xuất phát từ Quyền Biểu tình đã ghi trong Hiến pháp, chứ làm luật ngay trong tương quan lực lượng này thì sẽ có lợi cho Nhà nước hơn là lợi cho Dân.
Đừng quên là Thủ tướng Dũng và Công an cũng đang cần có Luật Biểu tình để dễ bề quản lý, may quá, Dân đã tự yêu cầu nhiệt liệt.
Vậy, theo thiển ý của tôi: Rất nên có cuộc biểu tình như trên đã nói, nhưng bên cạnh những khẩu hiệu hoan nghênh chủ trương ra luật biểu tình, thì cần có những khẩu hiệu để “khoá” khả năng xấu của Luật và tạo điều kiện đi tiếp, ví dụ nội dung xoay quanh các yêu cầu:
- BIỂU TÌNH LÀ QUYỀN CỦA DÂN MÀ HIẾN PHÁP ĐÃ XÁC ĐỊNH!
- LUẬT BIỂU TÌNH là để bảo vệ và tạo điều kiện để bộc lộ ý nguyện của Dân!
- Dân phải có tiếng nói xứng đáng khi soạn thảo Luật!
- Luật Biểu tình phải được Nhân dân thảo luận và phúc quyết mới có giá trị! …vân…vân…
Khi đã có ý thức đề phòng tôi tin Tri thức Thủ đô có thừa sáng kiến.
Xin tha thứ cho những lời mạo muội vội vã này của một người già đã vô tích sự mà cứ hay lo xa.
26/11/2011
Nguồn : T H Tình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét