Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

26 thg 11, 2011

Cú quăng lưới với nhà nước pháp quyền

 
Trước hàng ngàn ý kiến phản hồi của bạn đọc về phát kiến “quăng lưới” bắt người vi phạm luật giao thông của Công an TP Thanh Hóa, Đại tá Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, vừa lên tiếng khẳng định đó là biện pháp hiệu quả, an toàn và ông gọi đó là “sáng kiến”!
Cụ thể, giám đốc công an tỉnh khẳng định “đây là một việc làm vì trách nhiệm với dân”; đồng thời đưa ra biện hộ trước các câu hỏi về mặt pháp lý rằng: “Không có văn bản, quy định nào cấm việc này”!
Xét về mục tiêu, tất thảy những người đang bức xúc về nạn đua xe trái phép đều đồng tình với ông giám đốc, đồng tình với việc công an ra tay trấn áp và mong muốn họ dừng, bắt có hiệu quả các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, dừng, bắt bằng cách gì, phương pháp nào thì lại là chuyện gây tranh cãi, vì rõ ràng phương pháp không phải là mục tiêu và ngược lại.

Đấy cũng là vấn đề cốt lõi trong ứng xử của công chức nhà nước với người dân trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền. Tại hội thảo “Đánh giá 10 năm (2001-2010) xây dựng nhà nước pháp quyền” (do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp Trường ĐH Sài Gòn vừa tổ chức), nhiều học giả đã trịnh trọng nhắc lại cụm từ này trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001); sau đó Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nói rõ thêm.

Theo đó, cụm từ “kiểm soát quyền lực” đã được bổ sung thêm; đồng thời tái khẳng định sự cấp thiết phải tiếp tục đề cao hiến pháp và pháp luật trong đời sống Nhà nước và đời sống xã hội. Đó không chỉ là việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mà còn là việc đảm bảo pháp chế trong hoạt động của Nhà nước, trong đó nổi bật nhất chính là nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Hoạt động của CSGT chính là sự hiện thân cụ thể nhất hoạt động của Nhà nước mà hành động của người cảnh sát chính là đại diện cho quyền lực. Có lẽ vì thế các thao tác nghiệp vụ của mỗi CSGT được quy định cực kỳ chặt chẽ, như sử dụng còi, gậy, giơ tay chào, vị trí đứng… cho tới danh mục các công cụ hỗ trợ được phép mang theo, cốt không để quyền lực có thể bị lạm dụng hoặc khiến người dân hiểu lầm!
Vì thế không thể đem mục đích “hiệu quả” để cổ súy cho phương pháp “quăng lưới” khi nó chưa được luật hóa; càng không thể coi đó là “sáng kiến” đem nhân rộng, khi mà lỗi vi phạm của người tham gia giao thông không phải là tội phạm!

Nguồn : BUTLONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét