Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

4 thg 11, 2011

Thơ: cái họa của người Việt







Trước khi nói chuyện quốc hội bàn luật nhà thơ, xin kể chuyện vì sao tôi ly dị thơ

Hồi học khoa văn Tổng hợp Huế, tôi cũng có tập tềnh mần thơ. Thậm chí còn là gã khởi xướng cho các phong trào in thơ và làm MC cho các đêm thơ cư xá. Là thấy đứa nào cũng thơ hết nên chả nhẽ mình không? Nhưng được bài nào thì… xé bài đó! Nhưng tôi đã ly dị thơ hơn 24 năm rồi. Chuyện xảy ra từ một tờ giấy trong nhà vệ sinh.

Một hôm, thằng bạn cùng lớp xồng xộc chạy từ khu nhà xí cư xá về phòng


- Nhất ơi Nhất ơi, bài thơ hay quá, tuyệt vời quá, thần quá mày ơi

Hắn cầm cái tờ giấy… gớm giếc trên tay mà nhảy cỡn lên, như thể Ạc-si-mét trần truồng lao lên giữa biển nước khi phát hiện ra lực đẩy kỳ bí.Tôi tái mặt khi biết tờ giấy có bài thơ mình đã… dùng hôm qua.

Kể từ hôm đó tôi quyết định… ly dị thơ! Còn nó có thói quen vào nhà xí luôn xách theo gàu nước, không bao giờ dám chùi bằng giấy.

Chuyện xảy ra đúng thời nhà thơ Phó Thủ tướng Tố Hữu đang làm giá lương tiền. 24 năm rồi, lại nhớ chuyện tờ giấy chùi đít và thơ này khi nghe quốc hội đang bàn luật nhà thơ.

Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của quốc hội khóa XIII sẽ có luật nhà thơ. Nếu không đọc bản tin này trên báo Pháp Luật TP HCM, tôi sẽ mắng ngay bất kỳ ai nói chuyện “luật nhà thơ” là thằng điên!



Vậy mà chuyện điên khùng đó đã được đưa vào nghị trình quốc hội. Bao nhiêu luật về quốc kế dân sinh không được bàn đến, lại đi bàn chuyện luật nhà thơ. Chẳng lẽ thơ lại là thứ cần kíp và bức xúc đến vậy? Hay việc phải ban hành luật thơ vì cái nước Việt này là “nước thơ”, bởi đất nước này ai ai cũng là nhà thơ, từ người mù chữ, từ bác hưu trí, gã thợ giầy đến ngài Tổng bí thư cũng làm thơ.
Đã có hẳn một ngày riêng dành cho thơ, gọi là “ngày thơ”. Rồi còn có cả “đại lễ thơ”, và mô Phật có cả… cờ thơ! Không biết trên thế gian này có đất nước nào, dân tộc nào mà ai ai cũng làm thơ, toàn dân làm thơ, toàn dân thành nhà thơ và quốc hội soạn bàn cả luật nhà thơ như cái nước Việt này? Hay đây chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt.?

Nói thật, nếu là một nhà tổ chức, khi làm công tác nhân sự có hai loại tôi cương quyết lắc đầu, đó là cán bộ đoàn và nhà thơ. Tư duy phong trào kiểu đoàn hội “sáng thể dục chiều thể thao tối cất cao lời ca tiếng hát” mà đưa làm kinh tế thì chỉ có… thủ dâm tinh thần mà thôi! Còn tư duy thơ, nhà thơ đem làm kinh tế thì… hãy nhìn vào tấm gương Tố Hữu.


Thơ là loại tư duy mộng mị, siêu thực và hoang tưởng. Nhiều sinh viên văn khoa nuôi ước vọng trở thành nhà thơ hay hỏi tôi câu vầy: nhà thơ là gì và làm thế nào để thành nhà thơ? Tôi hay cười trêu rằng: phải bân bẩn một tí, không quá sạch, tư duy thì phải khờ khạo, dài dại một tí, mộng mị một tí, bay bổng một tí và… tâm thần một tí!


Tôi nhớ lâu rồi, có lần trên tờ Văn nghệ Trẻ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nói rằng: nhà thơ là phải biết uống rượu, biết say. Nếu nhà thơ nào không biết uống rượu, không biết say thì phải xem lại cái thứ anh ta viết ra ấy có phải là thơ không>


Tôi tin lời anh Tạo như tin chính thơ anh vậy!

Vì thế, khi nghe quan chức nào làm thơ là tôi hoảng. Không hiểu vì sao một nhà thơ như ông Tố Hữu lại được giao làm Phó Thủ tướng (hồi đó gọi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh nhai sắn lát và bo bo đến trẹo quai hàm khi ông Tố Hữu làm giá lương tiền. Đem áp tư duy thơ để điều hành kinh tế thì cái kết cuộc sắn lát bo bo là hệ quả đương nhiên, làm sao ra gạo mà ăn?


Cứ tưởng bài học Tố Hữu đã qua. Ai dè đến ông Nguyễn Phú Trọng cũng hứng khởi lẩy Kiều từ diễn đàn quốc hội đến bài tuyên thệ nhậm chức Tổng Bí thư. Rồi đến hôm nay quốc hội cũng bàn chuyện ra luật… nhà thơ!

Tôi rất dị ứng thơ, và không tin cái loại tư duy thơ lại có thể điều hành đất nước. Quốc hội bàn luật thơ- không phải tin mừng, mà là mối hiểm nguy, không chỉ nguy cho chính các nhà thơ, mà nguy cho đất nước, cho dân tộc. Hay có phải cái nước này không ngửa mặt lên được vì thơ? Phải chăng thơ chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt, và nó chính là cái họa của người Việt? 
Sẽ có người bảo: Ồ thôi kệ, ai thích thì cứ mần, thơ thẩn cho vui chứ chết chóc ai. Và trong hàng triệu triệu những nhà thơ từ các câu lạc bộ thơ làng- xóm- thôn- xã đến hội… nhà thơ Việt Nam kia cũng sẽ như cái làng Vũ Đại ấy, ai cũng tự nhủ rằng “thằng Nhất nói vậy nhưng chắc nó chừa mình ra”. Xã hội Việt sẽ ra sao, đất nước và dân tộc Việt sẽ bơi ngóc thế nào trong một khung cảnh làng Vũ Đại làm thơ như thế ?






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét