Cuộc họp công bố giá thành điện do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức cuối tuần trước đã quá nhấn mạnh đến số lỗ trên 10.000 tỉ đồng nhằm “dọn đường” cho quyết định tăng giá điện, song lại bộc lộ hai câu hỏi lớn.
Thứ nhất, việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện là thực hiện quyết định của Thủ tướng nhưng những người báo cáo lại cố tình giấu nhiều thông tin quan trọng thuộc về các khoản mục chi phí chủ yếu (chiếm tỉ trọng cao trong giá thành), đặc biệt là chi phí tiền lương, phúc lợi của EVN. Bị nhà báo chất vấn, CEO của EVN dẫn bừa số liệu tiền lương của… năm 2009 với con số 7,3 triệu đồng/tháng, song lại kêu ca rằng đó là con số “quá thấp” và cá nhân ông thấy “đau lòng”?!
Ai có chút hiểu biết về kế toán cũng rõ một khi đã tính ra được số lỗ của năm 2010 (từ doanh thu trừ chi phí) thì chỉ tiêu tiền lương bắt buộc phải tính được. Và dù có tạm chấp nhận con số 7,3 triệu đồng/tháng thì dư luận cũng không thể chia sẻ với sự “đau lòng” của lãnh đạo EVN khi mà tiền lương năm 2010 của các ngành khác còn rất thấp. Cụ thể, theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân trong các loại hình DN năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/tháng (đó là đã tăng 10,3% so với năm 2009). Trong đó, khối DNNN như EVN có mức lương bình quân chỉ là… 3,8 triệu đồng, dù đã tăng 8,6%. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài và dân doanh còn bi đát hơn, chỉ 3 triệu đồng và 2,7 triệu đồng/tháng (dù đã tăng hơn 10% so với năm 2009). Những ngành được gọi là “cao” như ngân hàng, dược chỉ là 7-7,6 triệu đồng/tháng, tức là ngang ngửa với mức lương bình quân 2009 của EVN.
Thứ hai, theo chính số liệu vừa công bố, tỉ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối toàn hệ thống của EVN năm 2010 là 10,15%. Con số này so với mức trung bình thế giới là cực kỳ cao (nhiều nước giữ ở mức 5%-6%, nước nào quản lý kém cũng chỉ 8%-9%) và tính theo doanh thu thì mức tổn thất này là 9.093 tỉ đồng, tính theo chi phí là 10.109 tỉ đồng!
Như vậy, so với số lỗ năm 2010 thì mức tổn thất này là tương đương nhưng sự yếu kém chủ quan này lại chỉ được nhắc đến một cách qua quýt, hoàn toàn thiếu các phân tích về nguyên nhân, giải pháp khắc phục cũng như hướng hạch toán, trong khi vấn đề này đã tồn tại kéo dài hàng chục năm nay.
EVN không đề cập thì có phải con số trên 10.000 tỉ đồng này cũng được tính vào giá thành?
Vì thế dù đã họp báo, song xem như EVN vẫn còn nợ hai câu hỏi rất lớn và dư luận không thể không được giải trình trước khi giá điện tăng!
Nguồn : BUTLONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét